Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mardi, 31 octobre 2017 22:52

Nợ công của Việt Nam

Báo chí nói nợ công của Việt Nam năm nay có thể tăng lên hơn 3,1 triệu tỷ đồng, bằng 62,6% của Tổng sản lượng GDP và dự đoán còn tăng nữa trong năm tới. Có báo nói là con số thực có thể cao hơn 65% GDP nhưng báo chí nhà nước Việt Nam nói là vẫn trong mức cho phép, tức là chưa đến mức nguy kịch. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu thực hư về chuyện này.

nocong1

Những tòa nhà cao tâng đang được xây dựng trên bờ sông Sài Gòn. Hình chụp hôm 21/2/2017 -   AFP

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, một số báo chí dẫn nguồn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mà cho rằng nợ công của Việt Nam trong năm 2017 này có thể vượt hơn ba triệu tỷ đồng, tức là bằng 62,6% của Tổng sản lượng GDP và dự đoán là còn tăng nữa trong năm tới. Câu hỏi nhiều người đặt ra là con số này có thực sự đáng ngại không và vì sao ? Ông nghĩ thế nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin trình bày trước về bối cảnh để thính giả chúng ta cùng hiểu chuyện rắc rối này. Thông thường, chúng ta có giới đầu tư tài chính trên thị trường trái phiếu là thị trường vay nợ. Họ cần có thống kê chính xác về các khoản nợ công, hay công trái, của một chính phủ, và tính bằng tỷ lệ bách phân của sản lượng kinh tế trong năm, gọi là GDP hay Tổng sản lượng. Sở dĩ như vậy vì họ muốn biết quốc gia ấy có khả năng trả nợ không, rồi căn cứ vào đó mà tính ra phí tổn cho vay, hay là phân lời, cao hay thấp. Đã mắc nợ nhiều mà đòi vay thêm thì xứ này phải trả phân lời cao và lãi đơn chồng lãi kép, gánh nợ sẽ còn cao hơn. Vì vậy thị trường tài chính thường theo dõi và thông báo dữ kiện về số công trái của các nước.

Về trường hợp Việt Nam, người ta nghiệm thấy là các khoản nợ đã tăng vọt, từ khoảng 31% Tổng sản lượng vào năm 2000 nay lên gấp đôi, là hơn 62%. Theo dự báo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF thì ngạch số nợ sẽ ở khoảng 63,3% trong năm nay và 64,3% vào năm tới cho nên nếu có nơi nói tới tỷ lệ nợ nần là 65% GDP thì người ta hiểu được. Chuyện thứ hai cũng đáng chú ý là số nợ khi tính bằng tiền Việt Nam, nó lên tới con số chóng mặt là hơn ba triệu tỷ đồng, tức là số ba trước 15 số không, chưa kể các con số lẻ tẻ sau dấu phẩy !

Nguyên Lam : Nguyên Lam xin hỏi ông một chuyện liên hệ là hôm 24 vừa qua trên tờ Asia Time Online, một nhà báo du lịch người Úc là James Clark có bài viết về ngạch số quá lớn của tiền đồng Việt Nam nếu so với đô la Mỹ vì một Mỹ kim ăn hơn 22 ngàn đồng nên chỉ cần có 44 đô la thì cũng là một triệu phú bằng đồng Việt Nam. Ông có đọc bài báo đó không và nghĩ sao khi có dư luận cho rằng bài báo là tín hiệu cho biết Việt Nam lại có thể sắp đổi tiền nữa ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi có đọc bài báo và thấy tác giả có lý nhìn từ giác độ của du khách khi nêu vấn đề về sự tiện dụng vì đồng bạc Việt Nam có mệnh giá quá cao so với Mỹ kim, có lẽ chỉ thua đồng "rial" của xứ Iran. Chuyện thứ hai cũng hơi lạ là Việt Nam có tờ giấy bạc mang mệnh giá cao nhất thế giới là 500 ngàn hay nửa triệu ! Việt Nam là xứ hiếm hoi mà người ta nói chuyện bạc tỷ hay bạc triệu như xu hào của xứ khác. Vì vậy, việc đổi tiền hay đổi mệnh giá đồng bạc, như từ một vạn hay một triệu đồng cũ ăn một đồng mới là điều nên làm, mà nhiều xứ khác đã làm. Còn làm sao để vẫn giữ được sự tín nhiệm của mọi người về trị giá đồng bạc thì nhà cầm quyền Hà Nội cũng có kinh nghiệm sau ba lần đổi tiền kể từ năm 1975.

Tôi còn nhớ lần đầu thì họ đột ngột trưng thu nhà tôi tại Quận Ba là một trong nhiều địa điểm đổi tiền và tôi chứng kiến sự bất mãn của nhiều người, kể cả bà Nguyễn Hữu Thọ hay ông Gaston Phạm Ngọc Thuần là lớp người thế giá của chế độ mới ! Sau đó là nạn lạm phát phi mã nên bây giờ mới có tờ giấy mang mệnh giá nửa triệu bạc ! Đấy là chuyện cười ra nước mắt rất khó quên. Trở lại chuyện nợ nần của Việt Nam ngày nay, thính giả của chúng ta có thể tự hỏi rằng con số này có thực sự đáng ngại không và tại sao đáng ngại ?

Nguyên Lam : Thưa ông quả là như thế. Khi số nợ công của Việt Nam lên tới hơn 62% của Tổng sản lượng GDP thì tình hình có đáng ngại hay không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chưa phân giải khoản nợ bằng ngoại tệ quy ra nội tệ hay bạc Việt Nam với hiệu ứng hay rủi ro ngoại hối của tỷ giá đồng bạc, tôi cho là tình hình đáng ngại vì nhiều lý do. Thứ nhất là tại sao lại mắc nợ nhanh và nhiều như vậy và thứ hai, nhà nước đi vay để làm gì mà có tính trước về khả năng hoàn trả không ? Câu hỏi khiến ta phải truy nguyên lên lý do đi vay. Thật ra đi vay là để tiêu trước, đi vay là vì chi nhiều hơn thu, nên khi chi thì phải biết là để làm gì sau này còn trả nợ là điều nhiều người khỏi cần nghĩ trước mà đẩy về sau.

Vụ nợ nần của Việt Nam xuất phát từ một hiện tượng được quốc tế quan tâm và cảnh báo vì nạn bội chi ngân sách - là chi nhiều hơn thu. Tỷ lệ bội chi từ 5% GDP vào năm 2000 đã vượt 6,5% vào năm ngoái mà chưa có dấu hiệu suy giảm dù nhà cầm quyền đặt chỉ tiêu là hạ tỷ lệ bội chi tới 3,5% GDP vào năm 2020. Khi xét vào cơ cấu chi thu của nền tài chính công quyền thì ta thấy số thu cho ngân sách Việt Nam tăng mạnh nhờ đà tăng trưởng sản xuất tới hơn 6% trong hơn 10 năm qua. Nhưng số thu đó không đáp ứng nổi mức tăng chi trong cùng thời kỳ.

Cho nên bài toán nợ nần và trả nợ của Việt Nam xuất phát từ tình trạng tăng chi của bộ máy công quyền và nếu không chấn chỉnh thì tìm đâu ra tiền để trả nợ ?

Nguyên Lam : Nhưng thưa ông, Việt Nam chi cho ai và để làm gì đến độ không có khả năng trả nợ ? So sánh với nhiều xứ khác, từ Nhật Bản đến Trung Quốc hay Hoa Kỳ thì tỷ lệ nợ nần của Việt Nam là hơn 62% cũng không là quá lớn, thế thì vì sao đấy là chuyện đáng ngại ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nhật Bản chủ yếu vay tiền người dân và họ chấp nhận thắt lưng buộc bụng để ra khỏi 25 năm suy sụp. Gánh nợ quá lớn của Trung Quốc là bài toán cho lãnh đạo vì nó liên quan tới chính trị, chẳng khác gì Việt Nam. Món nợ của Hoa Kỳ nguy ngập vì vay quá nhiều trong tám năm của Chính quyền Barack Obama và đang là đề tài tranh luận trong Quốc hội và trước dư luận. Trường hợp Việt Nam nguy kịch vì người dân không được quyền hỏi đi vay để làm gì nên chẳng giới hạn được việc đi vay mà sẽ còn è cổ gánh vác việc trả nợ. Vấn đề đáng ngại vì nó nằm trong cơ cấu chính trị. Đầu tiên, giới chức Bộ Tài Chính giải thích là công trái hay nợ công của Việt Nam sở dĩ tăng vọt chủ yếu là vì họ không quản lý được gánh nợ.

Y như trường hợp Trung Quốc, khối nợ của các tập đoàn kinh tế nhà nước Việt Nam là các khoản nợ xấu, khó đòi và dễ mất vì các đơn vị sản xuất này kém hiệu suất mà cứ tồn tại vì lý do chính trị sau hai chục năm nói về cổ phần hóa. Thứ hai, Việt Nam đi vay để thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất nổi tiếng là vừa xây đã sập, mà sập rồi lại còn vay thêm để sửa nên chất thêm vào núi nợ. Cho tới nay, chưa thấy một ai trong guồng máy công quyền bị kỷ luật hay chịu trách nhiệm về các hồ sơ nhạy cảm về chính trị như vậy. Sau cùng, phải nói đến chuyện đáng ngại nhất của nợ nần là đi vay để nuôi bộ máy chính trị của đảng.

Nguyên Lam : Ông nói như vậy vì ngân sách quốc gia bị bội chi và đi vay là để tài trợ bộ máy đảng hay sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Theo thống kê của Bộ Tài Chính Hà Nội thì ngân sách công quyền dành 66,3% cho các khoản chi điều hành, 18,7% cho việc trả lãi cho các khoản tiền đã vay và 15% cho việc đầu tư của công quyền trong các dự án mình vừa nói ở trên. Bây giờ, xét vào các khoản chi điều hành thì chính phủ phải tài trợ cho bộ máy đảng và các ủy ban phụ thuộc của đảng, từ trung ương tới địa phương. Chúng ta có hiện tượng éo le là người dân đóng thuế để tài trợ việc điều hành hai bộ máy cưỡng bách song hành, của nhà nước và của đảng.

Nhà nước có cán bộ phục vụ từ trung ương tới địa phương và ăn lương do dân trả bằng thuế. Rồi đảng cũng có bộ máy từ Ban Chấp Hành Trung Ương xuống tới gần 60 tỉnh và năm thành phố do trung ương trực tiếp quản lý. Ngoài ra, Trung ương đảng còn có các ban bệ trải rộng và hoạt động song song với các cơ quan của nhà nước. Sau cùng, đảng còn có năm sáu đoàn thể lập ra để đoàn ngũ hóa quần chúng như Mặt Trận Tổ Quốc hay hội Liên Hiệp Phụ Nữ, v.v.., Cho nên bộ máy đảng và bốn triệu đảng viên vốn không sản xuất gỉ mà vẫn tiêu thụ tiền thuế của dân y như bộ máy nhà nước. Chúng ta không chỉ có sự bất công về đạo lý mà còn có sự phi lý về kinh tế khả dĩ giải thích vì sao Việt Nam mắc nợ và không có lối thoát.

Nguyên Lam : Nếu như vậy thì Việt Nam sẽ lấy đâu ta tiền để trả nợ ? Theo như ông nghĩ thì những kịch bản gì có thể xảy ra khi số nợ công lên cao đến 65% hoặc còn cao hơn nữa ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chuyện dễ mà ai cũng tính ra hay nghĩ tới là tăng thuế để giảm mức bội chi và đi vay. Đấy là kịch bản gọi là "giết con gà đẻ trứng vàng" vì tăng thuế sẽ cản trở sản xuất và còn đánh hụt số thu. Kịch bản thứ hai là "xin vỡ nợ từng phần" như ta đang chứng kiến tại xứ Venezuela sau khi xây dựng xã hội chủ nghĩa. Chính quyền Venezuela đang xin ân hạn khoản nợ đáo hạn trị giá 320 triệu đô la của tập đoàn dầu khí nhà nước PDVSA phải thanh toán trễ nhất vào mùng hai này. Riêng trong Quý 4 thì họ phải trả ba tỷ rưỡi, nếu không thì vỡ nợ ! Việt Nam đang trôi dần tới chỗ đó trong vài năm tới mà người dân không biết và không được biết rằng khi đã vỡ nợ thì phải đi vay nặng lãi hơn và chất thêm gánh nợ mà đời sau sẽ trả.

Kịch bản sau cùng là người dân có thể viện dẫn quy luật quốc tế về các "khoản nợ ghê tởm" do một thiểu số đi vay và chia chác cho nhau mà dân không được biết. Trong giả thuyết đó các chủ nợ phải xóa nợ hoặc truy nã những kẻ đi vay bất chính chứ không thể bắt dân trả. Thế kỷ 20 có ba chục trường hợp như vậy đã trở thành án lệ hay tiền lệ cho các tòa án áp dụng.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyên Lam hực hiện

Nguồn : RFA, 31/10/2017

Published in Diễn đàn
mardi, 24 octobre 2017 14:08

Mâu thuẫn cơ bản của Trung Quốc

Khai mạc Đại hội Khóa 19 của đảng cộng sản Trung Hoa, Tổng bí thư Tập Cận Bình trình bày những tiến bộ về kinh tế, xã hội và ngoại giao của Trung Quốc trong năm năm qua và thông báo Trung Quốc đã bước vào một kỷ nguyên mới với nhiều cải cách ưu tiên mà đảng sẽ thi hành. Nhưng, cũng trong báo cáo rất dài, lãnh tụ đầy quyền thế của Bắc Kinh lại nhấn mạnh tới nhiều thách đố đang chờ đợi đảng cộng sản. Những thách đố ấy là gì, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu sau đây.

mauthuan1

Các đại biểu dự lễ bế mạc Đại hội 19 Đảng Cộng Sản Trung Quốc ở Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 24/10/2017 - AFP

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, trong báo cáo đọc hơn ba tiếng đồng hồ để khai mạc Đại hội Khóa 19 tại Bắc Kinh, Tổng bí thư Tập Cận Bình nói đến nhiều thành tựu của Trung Quốc trong năm năm qua nhưng lại nhấn mạnh đến nhiều thách đố đang chờ đợi đảng cộng sản. Có lẽ thính giả của chúng ta cũng muốn biết những thách đố này là gì. Ông nghĩ sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ là từ một lãnh tụ có tham vọng đứng ngang Mao Trạch Đông và để lại cho hậu thế một hệ thống tư tưởng như họ Mao và Đặng Tiểu Bình thì ta cần thêm thời gian tìm hiểu. Nhưng đã nhắc đến Mao và Đặng thì tôi chú ý đến một điều được ông Tập Cận Bình nhấn mạnh trong bài diễn văn trường giang đại hải, rằng "mâu thuẫn cơ bản" đang chờ đợi Trung Quốc cũng đã thay đổi. Thế nào là mâu thuẫn cơ bản và nó thay đổi ra sao ? Nếu phân tích điều ấy thì may ra ta hiểu được những thách đố đang chờ đợi đảng cộng sản.

Nguyên Lam : Thưa ông, như vậy, có phải rằng ta cần tìm hiểu thế nào là "mâu thuẫn cơ bản", rồi mâu thuẫn đó đã đổi thay như thế nào qua nhiều thời kỳ để trở thành những thách đố mới cho đảng cộng sản ngày nay không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin tạm định nghĩa phạm trù "mâu thuẫn cơ bản" này là nhiệm vụ cốt lõi mà đảng phải khắc phục vào từng thời kỳ và xin nhắc lại là đảng cộng sản Trung Hoa ra đời năm 1921, cách nay gần trăm năm. Khi ấy Trung Quốc nghèo nàn lạc hậu, bị ngoại bang xâu xé, và bên trong thì phân hóa. Đảng cộng sản ra đời với tham vọng giải quyết mâu thuẫn cơ bản đó. Họ thành công vào năm 1949 khi Trung Hoa giành lại độc lập mà lại gặp mâu thuẫn cơ bản khác, là di sản của tình trạng phân hóa nội bộ trong khi dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông thì đảng phải cải tạo và xây dựng lại một xã hội bình đẳng và công bằng hơn. Hậu quả là đảng lại gây ra khủng hoảng kinh tế và chính trị khiến mấy chục triệu người thiệt mạng trong 30 năm đầu. Từ khi Đặng Tiểu Bình thâu tóm được quyền lực kể từ năm 1979 thì mâu thuẫn cơ bản cũng thay đổi, đó là đảng phải cải cách cho dân được đủ no và quốc gia được phú cường.

Nguyên Lam : Ông vừa tóm lược các mâu thuẫn cơ bản nối tiếp mà đảng cộng sản Trung Hoa phải giải quyết qua nhiều thời kỳ khác nhau. Ngày nay, nếu ông Tập Cận Bình cho là đảng do ông ta lãnh đạo sẽ phải đối đầu với mâu thuẫn cơ bản khác thì mâu thuẫn đó là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thuần về kinh tế, vốn dĩ là nội dung của tiết mục này, tôi cho rằng mâu thuẫn cơ bản mà Tập Cận Bình nói tới là tình trạng phát triển thiếu cân đối và không phối hợp trong khi người dân lại có những khát khao cao hơn trước. Mâu thuẫn này thật ra đã được thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm là Hồ Cẩm Đào nói tới từ mươi năm rồi, đó là không cân đối, không phối hợp, không công bằng và không bền vững. Đảng không khắc phục nổi mâu thuẫn ấy vì vụ Tổng suy trầm năm 2008 còn gây thêm nhiều vấn đề mới, kể cả một núi nợ có thể sụp đổ. Trong năm năm lãnh đạo đã qua, Tập Cận Bình muốn cải cách và chuyển hướng mà chưa xong. Ông chỉ thành công về chính trị là tập trung quyền lực vào trong tay mình. Bây giờ, ông đang đối diện với mâu thuẫn cơ bản mới là kinh tế hết tăng trưởng mạnh như trong 30 năm đầu của thời cải cách mà đảng vẫn phải xây dựng được một xã hội hài hòa, không có quá nhiều dị biệt về lợi tức và nhận thức.

Nguyên Lam : Nếu ông phân tích như vậy thì có lẽ người ta hiểu ra những thách đố và cơ hội mà Tổng bí thư Tập Cận Bình nhắc tới trong bài diễn văn khai mạc Đại hội 19. Theo như ông thấy thì những thách đố ấy là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ta không quên một mâu thuẫn nằm trong địa dư hình thể Trung Quốc là sự trù phú của các tỉnh duyên hải tại miền Đông đối chiếu với sự nghèo khốn lạc hậu của các tỉnh bị khóa trong lục địa. Vì mâu thuẫn này mà sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách và cởi mở, các tỉnh miền Đông làm giàu khá nhanh trong khi các tỉnh bên trong vẫn còn nghèo và cảm thấy là bị tụt hậu. Nếu muốn xây dựng một xã hội hài hòa không có quá nhiều dị biệt nguy hiểm về chính trị thì đảng phải tập trung quyền lực và quyết định tái phân phối lợi tức từ các đô thị và địa phương trù phú về vùng thôn quê và các địa phương hoang vu nghèo khổ.

Nhìn cách khác thì Tập Cận Bình có thể hài lòng với thành tích ông nhấn mạnh Tháng Chín năm ngoái tại Thượng đỉnh của nhóm G20 ở Hàng Châu là Trung Quốc đã đưa 700 triệu dân ra khỏi tình trạng bần cùng. Nhưng ra khỏi sự bần cùng và lên tới cấp trung lưu thì cũng mới chỉ có chừng 400 triệu, tức là hơn 900 triệu người kia mới chỉ tạm đủ sống thôi. Làm sao san sẻ cho nhau một cái bánh vẫn còn quá nhỏ như vậy ?

Việc họ Tập diệt trừ tham nhũng có thể làm dân đen hể hả, nhưng họ cũng cần cái gì cụ thể hơn, trong khi đó, đảng viên ở nơi thịnh vượng chưa chắc gì đã ủng hộ việc tái phân lợi tức mà trung ương sẽ thi hành trong thời gian tới.

Nguyên Lam : Khi ấy, người ta không quên được một bài toán tích lũy từ nạn Tổng suy trầm năm 2008 là núi nợ quá cao của Trung Quốc, bên trong là các khoản nợ của doanh nghiệp và của các chính quyền địa phương. Kỳ trước, ông đã trình bày vấn đề này, bây giờ, thưa ông mâu thuẫn cơ bản mà Tổng bí thư Tập Cận Bình sẽ phải giải quyết trong nhiệm kỳ hai là làm sau san sẻ ngân sách từ trung ương cho các địa phương nghèo nàn và mắc nợ ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa rằng đấy là bài toán thuộc loại cổ điển mà các thế hệ trước đã gặp nhưng giải quyết không xong. Muốn phát triển những vùng lạc hậu thì ai cũng có thể nghĩ đến các kế hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở, đến việc quản lý đất đai và ngân sách theo ưu tiên mới do trung ương đề ra.

Thời Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ gần 20 năm trước, rồi đến thời Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo cũng vạch ra các ưu tiên đó để phát triển miền Tây mà không xong. Trong khi ấy, các tỉnh duyên hải lẫn thế lực kinh tế chính trị trong đảng vẫn nhìn qua hướng khác và kín đáo cản trở các ưu tiên này của trung ương. Bây giờ khi Tập Cận Bình đề ra sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ để khai thông các khu vực lạc hậu trong nội địa thì cũng mất cả chục năm và ngàn tỷ.

Nguyên Lam : Câu hỏi cuối, thưa ông. Có phải là vì vậy mà ông Tập Cận Bình mới thâu tóm quyền lực và có khi còn muốn lãnh đạo lâu hơn hai nhiệm kỳ để thực hiện cho xong việc đó ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa vâng, vì thế Tập Cận Bình mới tổ chức lại hệ thống chính trị với quyền lực tập trung vào trong tay cá nhân và khích lệ quốc dân với nhiều hứa hẹn về một kỷ nguyên mới nhưng vô hình chung ông ta lại đi vào con đường của Mao Trạch Đông với tư tưởng có giá trị chỉ đạo, được những kẻ thân tín xưng tụng với lòng sùng bái. Nghĩa là từ nay, bất cứ ai nói khác nghĩ khác với Tập Cận Bình là sẽ mang tội chống đảng. Nhưng chưa chắc hệ thống cực quyền trong tay một cá nhân đã giải quyết được mâu thuẫn cơ bản ấy. Kết cuộc thì ta chỉ thấy ách độc tài được củng cố trong một xã hội có đầy bất mãn, chưa nói gì đến phản ứng lo ngại của các nước lân bang trước một nước chưa hùng mà đã hung.

Chúng ta sẽ còn thời gian theo dõi chuyện này nhưng đừng quên rằng người dân và thị trường cũng có cách phản ứng khác chứ thế giới và nước Tầu đã ra khỏi thời hoang tưởng chết người của Mao Trạch Đông. Hóa ra con người tiên tiến và đầy quyền lực là Tập Cận Bình đã loay hoay mãi rồi lại xoay về chốn cũ và đấy cũng là một mâu thuẫn cơ bản của Trung Quốc.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 24/10/2017

Published in Diễn đàn

Ngày thứ Tư 18, đảng cộng sản Trung Hoa khai mạc Đại hội đảng Khóa 19 khi ông Tập Cận Bình sẽ lãnh đạo thêm một nhiệm kỳ năm năm và củng cố quyền lực của mình. Nhưng ông sẽ đối đầu với những bài toán kinh tế nào và gặp những trở ngại gì ? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu vấn đề này của nền kinh tế Trung Quốc.

kttq1

Người dân đi qua tấm bảng cổ động có hình của Chủ tịch Tập Cận Bình với khẩu hiệu 'Giấc mơ Trung Hoa, giấc mơ của người Trung Hoa' trên đường phố Bắc Kinh vào ngày 16/10/2017. AFP

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, tuần này đảng cộng sản Trung Hoa có Đại hội năm năm triệu tập một lần, lần này là Khóa 19 hội họp từ hôm 18 đến 24, để xác nhận những gì đảng chuẩn bị trước. Theo dõi việc chuẩn bị, giới quan sát quốc tế cho là Tổng bí thư Tập Cận Bình tiếp tục củng cố quyền lực về trung ương và trong trung ương là quyền lực của cá nhân ông, điều chưa từng thấy kể từ thời các lãnh tụ Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình. Nhưng thuần về kinh tế, thưa ông, điều ấy có giúp gì cho việc giải quyết các vấn đề của Trung Quốc không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước hết, chúng ta biết kinh tế và xã hội Trung Quốc tích lũy nhiều vấn đề được lãnh đạo thuộc thế hệ Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo xác nhận từ 10 năm trước mà chưa giải quyết nổi. Đây chỉ là hiện tượng bình thường của các nền kinh tế vừa theo quy luật thị trường và có vài chục năm tăng trưởng mạnh trong thời gọi là "khởi phát". Sau năm 2007 thì đà tăng trưởng thuần, từ khoảng 14% cứ suy giảm dần, nay chỉ còn từ 6,5 tới 6,7% thôi. Đây là ta nói về lượng, chưa nói về phẩm của sự tăng trưởng đó. Hiện tượng bất thường là cách ứng phó của lãnh đạo chính trị có tính chất nửa vời vì quy luật "đồng thuận" giữa các phe nhóm từ trung ương tới địa phương. Lên lãnh đạo đảng sau Đại hội 18 vào Tháng 11 năm 2012, Tập Cận Bình mới tập trung quyền lực để tiến hành cải cách và chuyển hướng kinh tế, mà vẫn chưa xong sau năm năm củng cố vị trí cùa mình.

Ông củng cố qua ba ngả là thanh lọc tham nhũng, thanh trừng đối thủ và cải tổ cơ chế để thâu tóm quyền lực với một số người thân tín vây quanh trong bộ máy đảng, nhà nước và quân đội. Việc thanh lọc tham nhũng khiến cả triệu cán bộ bị kỷ luật, việc thanh trừng đối thủ khiến cả chục đảng viên từ Bộ Chính Trị xuống tới cấp Trung ưng Ủy viên bị cách chức và vào tù, gần đây nhất là việc cách chức Bí thư thành phố Trùng Khánh để đưa người của ông vào. Trong số Bí thư của 31 tỉnh, Tập Cận Bình có 13 người thuộc phe mình ; trong bốn thành phố lớn nhất do trung ương quản lý, ông kiểm soát được Bắc Kinh, Trùng Khánh, Thiên Tân và sẽ nắm cả Thượng Hải. Sau Đại hội 19 được chuẩn bị từ hơn một năm nay, Tập Cận Bình còn đưa người vào Thường vụ Bộ Chính Trị để chuẩn bị cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp, là thế hệ thứ sáu kể từ Mao Trạch Đông.

Nguyên Lam : Có lẽ vì vậy mà quốc tế đánh giá là ông Tập Cận Bình đã có quyền lực ngang hàng Đặng Tiều Bình, thậm chí Mao Trạch Đông, và phải chăng từ nay sẽ rộng tay giải quyết các vấn đề kinh tế ? Nhưng thưa ông, các vấn đề ấy là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nói chung là tăng trưởng thiếu phẩm chất, bất ổn, bất công mà gây ô nhiễm. Nghĩ về phương án giải quyết thì ta thấy ra năm vòng lẩn quẩn đan kết vào nhau. Trước hết là nạn sản xuất thừa vì mục tiêu tạo ra việc làm và nâng mức lời cứ sa sút đều của các doanh nghiệp. Thứ nhì là tình trạng vay mượn quá cao, theo thống kê Ngân hàng Nhà nước thì lên tới 260% Tổng sản lượng, vì nhà nước sợ các xí nghiệp tư doanh, quốc doanh, xí nghiệp hương trấn của địa phương sụp đổ nên ngân hàng cứ tiếp tục tài trợ. Đây là chưa nói đến khoản vay ngoài sổ sách hay "ngân hàng chui", là một quả bom tín dụng khác. Hậu quả là vấn đề thứ ba, tình trạng bấp bênh của hệ thống tài chính ngân hàng. Thứ tư là rủi ro ngoại hối sau khi nhà nước muốn đồng Nguyên cũng là ngoại tệ dự trữ trong khi tư bản lại có thể bị tẩu tán ra ngoài. Thứ năm, chính là sự suy sụp của doanh nghiệp nhà nước, nắm giữ tới 25% tài sản kinh doanh của cả nước mà chỉ có xuất lượng chừng 14% so với 70% của tư doanh. Tập Cận Bình muốn dùng hệ thống kinh tế nhà nước làm đòn bẩy cho đảng và đòi giới hạn sự lớn mạnh của tỷ phú tư nhân sợ họ sẽ lũng đoạn chính trị như tài phiệt bên Nga. Chỉ một vòng sơ lược về sự đan kết của năm loại vấn đề chằng chịt ấy, ta cũng thấy ra những bài toán đang chờ đợi Tập Cận Bình. Ông ta có thể nghĩ ưu thế của vòng luẩn quẩn là mình chặt bất cứ khoen nào thì cũng đánh bung tất cả, nhưng thực tế có khi lại cứng đầu hơn vậy !

Nguyên Lam : Bây giờ, chúng ta có thể đi vào từng loại vấn đề kinh tế nói trên, trước hết thì ưu tiên số một của lãnh đạo Trung Quốc sẽ là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ ưu tiên là núi nợ quá lớn, nhất là khoản nợ của chính quyền địa phương. Sở dĩ như vậy vì năm ba năm trước, vào cuối năm 2014, ông Tập Cận Bình đã có chương trình cải cách để chấn chỉnh hệ thống tài chính của các tỉnh, như đặt ra định mức đi vay và đảo nợ thành trái phiếu nhưng việc không thành cũng vì địa phương không chấp hành, giới ngân hàng sợ rủi ro mất vốn mà trung ương cũng chẳng thể tung tiền chuộc nợ. Từ đó, họ Tập mới tìm giải pháp tạm là ổn định tình hình với một số tài trợ cưỡng bách của trung ương và của các ngân hàng. Biện pháp đó chỉ là trì hoãn vấn đề và nay sẽ phải ưu tiên giải quyết vì vấn đề nằm trong cơ chế quyền lực giữa trung ương và các địa phương.

Vấn đề thứ hai là tình trạng sản xuất dư dôi. Năm 2015, Tập Cận Bình đề ra chính sách cùng lúc giải quyết tình trạng sản xuất thừa và nhà cửa ế ẩm, doanh nghiệp lỗ lã. Chính sách có cương có nhu, có trừng phạt lẫn cứu trợ mà vẫn không đem lại kết quả vì nhiều địa phương lại gánh chịu hậu quả nếu doanh nghiệp sở tại bị đóng cửa và cư dân mất việc. Rốt cuộc thì chính sách ấy chỉ thành công tại những tỉnh trù phú có khả năng vượt qua khó khăn. Các địa phương nghèo hơn thì mong cầm cự cho qua ngày chứ không thể đảo ngược nổi tình hình. Như vậy, cái vòng luẩn quẩn này càng cho thấy khả năng giới hạn của trung ương, dù đã nằm trong phạm vi quyền lực của Tập Cận Bình.

Nguyên Lam : Hồi nãy ông có nêu một vấn đề kinh tế đáng chú ý là tình trạng suy yếu của các tập đoàn kinh tế nhà nước trước đà phát triển khá của hệ thống tư doanh. Vấn đề đó cũng có một nguyên do chính trị, như vậy, sau Đại hội 19, lãnh đạo Bắc Kinh có thể làm gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chưa tới Đại hội 19 thì ta đã thấy Chính quyền Tập Cận Bình đưa ra nhiều tín hiệu đáng chú ý. Điển hình là chiến dịch đả kích tội đầu cơ của các tập đoàn tư doanh rồi hạn chế việc các tập đoàn này đầu tư ra nước ngoài vì là nạn tẩu tán tư bản. Sau đó là biện pháp hình sự là truy tố và cầm tù tỷ phú tư nhân, điển hình là trường hợp của chủ tịch tổ hợp bảo hiểm An Bang. Ông Ngô Tiểu Huy bị tống giam từ Tháng Sáu về tội danh mơ hồ là phạm luật kinh tế mặc dù ông có người vợ là cháu ngoại của Đặng Tiểu Bình, tức là cũng có quan hệ với chế độ. Cùng biện pháp răn đe tư doanh, Tập Cận Bình lại mở cho họ một con đường khác, đó là bỏ tiền hùn hạp vào doanh nghiệp nhà nước, nôm na là bắt tư doanh gánh một phần lỗ lã của quốc doanh, đó là trường hợp của các doanh nghiệp như Tencent hay Alibaba.

Bài toán kinh tế vượt khỏi quyền lực chính trị của Tập Cận Bình là 30 năm sau khi mở cửa, Trung Quốc đã có 30 triệu doanh nghiệp tư nhân, với mức lời bình quân cỡ 7% một năm trong khi mức lời của quốc doanh chỉ ở khoảng 3%, còn thấp hơn lãi suất tín dụng. Thành thử, một khía cạnh chính trị của núi nợ chính là khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước. Theo hướng này, tư doanh sẽ è cổ đắp nợ cho quốc doanh và điều ấy cũng sẽ thành vấn đề chính trị.

Nguyên Lam : Nếu như vậy, phải chăng là lãnh đạo Trung Quốc từ Đại hội 18 cho tới sau này vẫn có chủ trương can thiệp mạnh hơn vào sinh hoạt kinh tế ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta sẽ có cơ hội kiểm chứng điều ấy sau khi Đại hội 19 phô bày cái gọi là "tư tưởng Tập Cận Bình". Ông ta có thể thêu dệt về nghĩa vụ xã hội của thành phần kinh tế nhà nước để giải thích tình trạng kinh doanh đầy lãng phí và tốn kém nhưng mục tiêu là củng cố hậu thuẫn chính trị của mình từ thành phần đảng viên đang quản lý các trung tâm gọi là "sản nhập" chứ không phải sản xuất. Mặt khác, Tập Cận Bình sẽ có biện pháp cứng rắn với các doanh nghiệp tư nhân không chấp hành đường lối quản lý của đảng.

Dư luận bên ngoài cứ bị mê hoặc bởi thành quả tăng trưởng của nền kinh tế nay có sản lượng hạng nhì thế giới mà ít thấy là 16 năm sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Trung Quốc vẫn chưa được công nhận là có quy chế kinh tế thị trường vì sự can thiệp quá lớn của nhà nước qua hệ thống quốc doanh. Với quyền lực tập trung hơn nữa sau Đại hội 19, Tập Cận Bình sẽ chẳng xả ra mà còn xiết vào, đấy là một vấn đề khác của cái vòng luẩn quẩn.

Nguyên Lam : Vì thời lượng có hạn và bề nào thì chúng ta còn thời gian kiểm chứng lại, Nguyên Lam xin đề nghị ông nêu ra vài kết luận cho thính giả của chúng ta.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Như nhiều nền kinh tế mới chuyển hướng thì sau 30 năm tăng trưởng bình quân 10% một năm, Trung Quốc cũng đi vào thời kỳ suy giảm với tốc độ thấp hơn. Điều bất ngờ là vụ Tổng suy trầm toàn cầu năm 2008 khiến lãnh đạo xứ này ráo riết bơm tiền để duy trì một đà sản xuất cao hầu tránh nội loạn. Vì vậy, năm 2010 họ đã có sản lượng vượt Nhật Bản nhưng lại tích lũy thêm vấn đề. Trong năm năm lãnh đạo, Tập Cận Bình có thấy ra và muốn sửa mà không xong. Qua nhiệm kỳ tới, ông sẽ tập trung thêm quyền lực để làm chủ bộ máy quản lý, nhưng kết quả sẽ là một chế độ chính trị khắt khe nghiệt ngã hơn trong khi lãnh tụ trên đỉnh tháp lại tạo ra một nếp văn hóa mới là có một triều đình cúi đầu thần phục mà không còn nhìn xuống dưới, hay ra ngoài. Giỏi lắm thì Tập Cận Bình chỉ tạm đẩy lui được cái giờ tính sổ chi thu, trong khi lại gây thêm mâu thuẫn với các địa phương và nhiều phe phái khác.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyên Lam

Nguồn : RFA, 17/10/2017

Published in Diễn đàn
mardi, 10 octobre 2017 08:52

Cách Mạng tháng Mười tại Nga

Đầu năm nay, Chính quyền Liên bang Nga không rầm rộ tổ chức lể kỷ niệm ngày tiêu vong của Đế quốc Nga với việc Hoàng đế Nicolai Đệ Nhị thoái vị trong cái gọi là "Cách mạng tháng Hai". Tới cuối năm, họ cũng khá kín đáo với việc Liên bang Xô viết ra đời với cuộc "Cách Mạng tháng 10". Thật ra, cuộc cách mạng này dẫn tới nhiều thảm họa trên thế giới và cần được đánh giá lại. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu việc đó.

cm101

Người biểu tình thưa dần tại Moscow trong dịp kỷ niệm cách mạng Nga. Courtesy TTXVN

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, cách nay 100 năm, nước Nga có hai biến cố lịch sử khi chế độ Sa hoàng sụp đổ vào tháng Hai rồi chế độ cộng sản ra đời vào tháng 10 năm 1917. Ngày nay, dường như người dân Liên bang Nga còn phân vân về hai biến cố gọi là cách mạng trong khi Chính quyền cũng có vẻ kín tiếng về chuyện đó, ông giải thích thế nào về việc này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin đề nghị cách nhìn khác với một giác độ mở rộng hầu chúng ta có thể rút tỉa được nhiều bài học cho tương lai sau khi nhớ tới hai chuyện. Thứ nhất là chế độ cộng sản ra đời tại Liên bang Xô viết được các sử gia đánh giá là một tai họa cho nhân loại vì khiến hơn trăm triệu người thiệt mạng trên thế giới. Thứ hai là Tổng thống Vladimir Putin của Liên bang Nga từng đánh giá rằng việc Liên Xô tan rã năm 1991 là một thảm họa. Vì họ khó dung hòa hai điều trái ngược ấy nên chúng ta hiểu ra sự phân vân của người Nga, phần tôi thì xin được nhìn lại sự thể trong một viễn ảnh dài.

- Trăm năm trước, một số trí thức tiến hành một cuộc cách mạng với niềm xác tín nhuốm mùi tôn giáo là từ nay nhân loại sẽ sống thịnh vượng, bình đẳng và tự do hạnh phúc. Họ lập ra chế độ cộng sản đầu tiên trên địa cầu, gieo rắc tai ương cho thế giới khiến cả trăm triệu người chết rồi tự sụp đổ chỉ sau có 74 năm cầm quyền, từ 1917 tới năm 1991 là khi Liên Xô tan rã. Vì sao lại có hiện tượng lạ lùng này ?

Nguyên Lam : Quả nhiên là vì sao lại có hiện tượng lạ lùng đó, và vì sao ông lại nói tới một số trí thức ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Như mọi khi, tôi xin nói về bối cảnh sâu xa đã. Chúng ta phải trở ngược về thời gọi là Minh Triết, Enlightenment hay Siècle des Lumières của Âu Châu mà nổi bật nhất là tại Pháp từ quãng 1715 tới 1789, là khi có cuộc Cách mạng Pháp. Khi ấy, giới trí thức ưu tú của nhiều lãnh vực cứ tin vào lý trí và khoa học mà cho là nhân loại có sự tiến hóa tất yếu đến một kỷ nguyên thái hòa và bình đẳng. Ai thúc đẩy sự tiến hóa ấy nếu không là giới trí thức, với khí giới hay khí cụ là lý trí ? "Chủ nghĩa duy lý" xuất phát từ đó.

Khi còn trẻ, tôi cũng tin vậy và coi triết gia Jean Jacques Rousseau người Thụy Sĩ nổi tiếng tại Pháp là thần tượng. Sau này, trưởng thành hơn thì mới thấy là từ Rousseau bên cánh tả sẽ xuất hiện Maximilien Robespierre là trí thức cha đẻ của khủng bố thời Cách mạng Pháp từ những năm 1793. Nhưng Robespierre chưa thấm gì so với các trí thức hậu duệ sau này, mà chói lọi nhất Vladimir Lenin. Chuyện này hơi rắc rối nên tôi xin đi chầm chậm !

Nguyên Lam : Thính giả của chúng ta không ngờ là từ việc kỷ niệm trăm năm chủ nghĩa cộng sản mình phải trở ngược lên thế kỷ 18 tại Âu Châu. Xin đề nghị ông giải thích cho…

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta đừng quên rằng sau khi tin vào Thượng Đế hay Tôn Giáo, giới trí thức tiến bộ nhất Âu Châu tin vào lý trí và khoa học, đấy là thời kỳ Minh Triết. Họ gặp hai mâu thuẫn mà khi đó chưa biết. Vài trăm năm sau thì ta mới biết. Thứ nhất, nếu nhân loại tất nhiên tiến hóa theo một hướng nhất định thì vì sao còn cần sự hướng dẫn hay thúc đẩy của trí thức ? Câu trả lời là họ mắc bệnh tự sùng bái và phát minh ra chữ "phản động" để đả kích các tư tưởng khác là đi ngược quy luật tiến hóa. Mâu thuẫn thứ hai là vì bệnh tự mê đó, giới trí thức tự xưng tiến bộ cần sửa sự tiến hóa duy lý ấy khi nó tiến theo kiểu gọi là chệch hướng ! Tức là họ đi tìm và tạo ra một sự hợp lý khác, bất chấp thực tế vốn dĩ phức tạp hơn các khái niệm trừu tượng của họ. Cho nên, đầu nguồn của tội ác cộng sản là sự chủ quan kênh kiệu của một số trí thức ! Nghe cái này thì ai cũng ngỡ ngàng nên tôi mới cần giải thích chầm chậm !

Nguyên Lam : Nếu vậy, xin ông đi từ thời Minh Triết và giới trí thức của thế kỷ 18, 19 cho tới chế độ cộng sản…

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tiêu biểu cho đám trí thức kiêu mạn là Karl Marx của Đức. Ông tưởng nhân loại sẽ tiến hóa tới chốn thiện mỹ, mọi người sẽ hết bị khan hiếm về kinh tế mà sống thịnh vượng và bình đẳng trong một xã hội hết còn giai cấp sau một cuộc cách mạng từ hình thái này lên hình thái khác. Ông tin vào một số lý luận nhiều mâu thuẫn và mường tượng ra một thời kỳ quá độ, chuyển tiếp, khi giai cấp vô sản tất yếu lập ra nền chuyên chính. Chuyện ấy không tự động xảy ra và không xảy ra tại Đức là xứ tiên tiến nhất Âu Châu thời ấy. Nó xảy ra bên Nga nhờ một trí thức khác là Lenin, được quân Đức đưa về Nga để làm suy yếu Đế quốc Nga giữa Đệ nhất Thế chiến và Lenin thành cha đẻ của Liên Xô và chế độ cộng sản.

Có thời gian nhìn lại thì Marx là trí thức tiên báo điều không tưởng rằng sự tiến hóa tất yếu của nhân loại theo duy vật sử quan hàm hồ. Lenin mới là loại trí thức siêu hạng của tội ác vì tiến xa hơn Marx khi chủ trương là không để xã hội vận hành tự nhiên từ chế độ này qua chế độ khác một cách tiệm tiến mà đề cao việc xây dựng một đảng cộng sản gồm những tay cách mạng chuyên nghiệp để cướp chính quyền và tiêu diệt mọi giải pháp cải lương. Không sống trong tháp ngà như Marx, Lenin đi vào hành động và viết lý luận cho hành động, kể cả và nhất là hành động khủng bố lẫn lối suy nghĩ là đảng cộng sản phải giữ độc quyền chân lý từ tư tưởng ở trên tới lập trường chính trị và tổ chức kinh tế ở dưới. Nhưng đến phần tổ chức kinh tế thì Lenin lại hoang tưởng về khả năng giải quyết nạn khan hiếm khi cho rằng việc quản lý kinh tế cũng đơn giản như việc phát thơ !

Nguyên Lam : Thưa ông, phải chăng từ Karl Marx tới Vladimir Lenin thì hai nhà trí thức ấy đã củng cố ách độc tài và dẫn tới những tai họa của chế độ cộng sản ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Có lẽ sau giới trí thức ta cần nhìn thấy sự xuất hiện của các tay bá đạo trong bộ máy cộng sản. Lenin tiến xa hơn Marx mà khi tiêu diệt mọi giải pháp tư tưởng hay chính trị khác. Vì vậy, khi phe Bolshevik của ông nắm chính quyền là phe Menshevik vào tù và sau này, phe Đệ Tam của Cộng sản đã thủ tiêu phe Đệ Tứ cũng của Cộng sản. Đó là chuyện bên trong. Chuyện bên ngoài là chế độ cộng sản thành hình tại Nga là nhờ Thế chiến I từ 1914 tới 1918. Trong cuộc chiến giữa Nga và Đức, Lenin được quân Đức đưa về Petrograd của Nga, nay là St. Petersburg, để loại Đế quốc Nga khỏi vòng chiến. Nương theo cuộc cách mạng tư sản chống chế độ Sa hoàng vào tháng Hai 1917, khi Đế quốc Nga đang kiệt quệ, hạt nhân cộng sản của Lenin cướp chính quyền trong cái gọi là "Cách Mạng tháng Mười" và mở ra mấy năm nội chiến khiến dân Nga chết mấy triệu người. Cách mạng đó không đi theo quy trình tất yếu như Marx tiên đoán mà là hành động chuyên nghiệp với phương pháp khủng bố. Cái ác từ đầu nguồn chính là Lenin. Sau đó mới là công trình của Josef Stalin, Mao Trạch Đông hay các tên đồ tể khác của cộng sản….

Nguyên Lam : Như vậy, phải chăng lý tưởng ban đầu của chủ nghĩa cộng sản là xây dựng một chế độ hết còn bóc lột và người người đều có thể làm theo năng suất hưởng theo nhu cầu như họ nói lại kết thúc với tàn sát và bóc lột ? Thưa ông, phải chăng vì vậy mà cả trăm triệu người đã chết vì khủng bố, đấu tố và chiến tranh ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta nên nhớ cộng sản xuất hiện từ các trí thức duy ý chí như Marx, Lenin hay Trotsky, là tay trí thức đã thành lập Hồng quân Liên Xô rồi bị Stalin ám sát. Từ đám trí thức có chủ trương nắm quyền tuyệt đối về sau mới có bọn bá đạo lên ngôi bạo chúa như Stalin tại Nga hay Mao ở bên Tầu. Đám côn đồ ấy chả quan tâm đến giai cấp hay bóc lột mà chỉ lo cho quyền lực tối cao như mục tiêu hơn là phương tiện. Họ không lập ra nền chuyên chính vô sản như Marx mơ tưởng mà đặt ách chuyên chính lên đầu giai cấp vô sản và diệt hết mọi đối thủ ngay trong đảng. Đấy là hậu quả từ sáng kiến "dân chủ tập trung" của Lenin. Từ trong ra ngoài thì người cộng sản luôn luôn phát huy tinh thần phản chiến hay ngụy hòa tại các nước khác để giải giới họ mà vẫn gieo mầm cộng sản và tạo ra chiến tranh ở nhiều nơi khiến trăm triệu người chết. Một nơi đó chính là Việt Nam với hạt nhân là Hồ Chí Minh.

Nguyên Lam : Chúng ta sẽ còn nhiều cơ hội trở lại đề tài kỳ lạ này. Vì thời lượng có hạn, xin ông nêu ra vài kết luận cho chương trình hôm nay.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin có vài kết luận nhỏ. Thứ nhất, "ta nên hoài nghi các tư tưởng cao đẹp mà biện minh cho bọn sát nhân". Thứ hai, "giới trí thức Âu Châu truyền bá tư tưởng cao đẹp ấy mà chẳng biết là sẽ nặn ra một lũ đồ tể". Thứ ba, sở dĩ như vậy là "trí thức cho bạo quyền tiêu diệt bất cứ ai đi chệch hướng của họ". Thứ tư và để minh diễn nghịch lý này, ta thấy "các lãnh tụ cộng sản Á Châu đều xính làm thơ, khi đó các nhà thơ đều có thể bị đấu tố nếu không chịu làm văn nô nằm dưới sự lãnh đạo của đảng". Sau cùng, "qua thế kỷ 21, các bạo chúa đều hết tư tưởng mới, nhưng ta vẫn nên cẩn thận với khả năng của loại trí thức tự xưng tiến bộ như trí thức của thế kỷ 19 !"

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 10/10/2017

Published in Diễn đàn

"Một cuộc cách mạng" : Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 27/09/2014, phác họa ra khung sườn cho một kế hoạch cải tổ thuế khóa mà ông đánh giá là lịch sử và xem đây là một "ưu tiên tuyệt đối" trong nhiệm kỳ. Kế hoạch cải tổ đó bao gồm những gì ? Ảnh hưởng ra sao đến đời sống của người dân, của các doanh nghiệp Mỹ ?

thue1

Tổng thống Donald Trump tại Indianapolis vận động cho kế hoạch cải tổ thuế khóa. Ảnh ngày 27/09/2017. Reuters/Jonathan Ernst

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ California lần lượt trả lời các câu hỏi trên. Nhưng trước hết cần nhắc lại kế hoạch cải tổ thuế khóa do tổng thống Trump đề xuất còn phải vượt qua cửa ải của nhiều trận đấu quyết liệt trên chính trường, giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa.

Thuần túy về kinh tế thì Nhà Trắng mới chỉ phác họa ra những đường nét chính cho một kế hoạch "giảm thuế chưa từng có trong lịch sử" nhằm mục đích tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Thế nhưng khi đi sâu vào vấn đề, còn rất nhiều những chi tiết sẽ được các dân biểu Mỹ đem ra mổ xẻ trước Quốc Hội.

Việc cải cách hệ thống thuế khóa Hoa Kỳ được nói đến từ lâu nhưng gặp khá nhiều chướng ngại nên đã không thể tiến tới giai đoạn trở thành dự luật để trình lên Quốc Hội hồi tháng 8/2017 như bên Cộng Hòa đã mong ước.

Cuối tháng 9/2017 đảng này mới chỉ đưa ra những nguyên tắc khái quát và cố thuyết phục dư luận trong khi đảng đối lập Dân Chủ mở chiến dịch công kích qua truyền thông và các trung tâm nghiên cứu thiên tả.

Thanh Hà : Đề nghị bên phía Cộng Hòa phải vượt qua những điều kiện nào để Hoa Kỳ có một bộ luật thuế vụ mới ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Về thể thức, theo Hiến Pháp Hoa Kỳ, tổng thống không toàn quyền quyết định mà phải được sự thỏa thuận của Quốc Hội, nhất là của Hạ Viện, về các hồ sơ liên quan đến ngân sách, thuế khóa và tài chính. Hiện nay, đảng Cộng Hòa kiểm soát Hành pháp và Lưỡng viện Quốc Hội.

Giới hữu trách của ba cơ chế quyền lực này mất nhiều tháng đàm phán về đề nghị cải cách thuế vụ được mọi người trông đợi. Sáu nhân vật hữu trách về hồ sơ thuế khóa là chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, chủ tịch Ủy Ban Chuẩn Chi Ngân sách Kevin Brady, trrưởng khối đa số tại Thượng Viện Mitch McConnell, chủ tịch Ủy Ban Tài chính Thượng Viện Orrin Hatch, tổng trưởng Ngân Khố Steven Mnuchin và cố vấn Kinh tế Quốc gia Gary Cohn. Nhân vật thứ bảy chính là tổng thống Donald Trump, người đang rao bán sản phẩm mà sáu nhân vật kia vừa hoàn tất hôm 27/09/2017, được chính thức gọi là "Khuôn khổ Thống nhất của việc Cải cách Hệ thống Thuế vụ đã Đổ vỡ".

Hai ngày sau, tức là hôm 29/09/2017, ông Trump đã gặp Hiệp hội các Doanh nghiệp Chế biến để trình bày đường hướng cải cách thuế khóa và có vẻ được doanh giới ủng hộ. Bên Dân Chủ lập tức mở chiến dịch đả kích và dùng dữ kiện của các trung tâm nghiên cứu thiên tả để lung lạc dư luận. Mục tiêu của cả hai bên là tìm được đủ phiếu của giới dân cử trong Quốc hội để ủng hộ quan điểm của mình.

Thanh Hà : Đề nghị cụ thể của đảng Cộng Hòa ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Người ta mới chỉ ở vào giai đoạn tranh thủ dư luận nên vừa thuyết phục vừa khai triển thêm chi tiết theo lối liệu cơm gắp mắm chứ chưa đi tới một văn kiện hoàn chỉnh. Theo dõi những gì được công bố, tôi thấy bên đảng Cộng Hòa đã nhượng bộ đối lập khi nhấn mạnh đến yếu tố công bằng về thuế vụ nhằm duy trì tính chất cấp tiến của bộ luật hiện hành chứ không dồn gánh nặng thuế khóa từ thành phần có lợi tức cao xuống đôi vai của giới trung lưu có lợi tức trung bình.

Ngược lai, ông Trump nhấn mạnh tới việc cải cách để tăng trưởng sản xuất và vạch ra sân chơi bình đẳng cho giới công nhân, tạo điều kiện cho việc thành lập doanh nghiệp ở nhà, v.v… trong tinh thần bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ. Từ triết lý chính trị đó, ta chú ý tới hai sắc thuế đánh trên lợi tức doanh nghiệp và lợi tức cá nhân.

Về thuế lợi tức cá nhân, họ đề nghị giản lược hóa, từ bảy ngạch thuế khóa giảm xuống còn ba loại với thuế suất thấp hơn và tăng mức miễn thuế tiểu bang và địa phương. Chi tiết chưa hoàn chính là thuế suất bao nhiêu đánh trên những mức lợi tức nào thì công bằng và thích hợp ? Đó là phần dành cho việc mặc cả, đàm phán.

Về thuế doanh nghiệp thì, họ đề nghị sẽ giảm thuế suất từ 35% xuống còn 20%, với lý do là doanh nghiệp Hoa Kỳ bị thuế quá nặng nên khó cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại quốc, trung bình chỉ bị đánh thuế từ 20 đến 24% thôi. Song song, họ cũng nói tới việc hạ thuế cho các tiểu doanh thương, cho phép chiết cựu sớm để nâng mức đầu tư.

Sau cùng, còn có nhu cầu hồi hương tư bản là dùng thuế để khuyến khích các tập đoàn lớn đem khoảng 2.600 tỷ Mỹ kim cất giữ ở ngoài để tránh thuế quá nặng ở nhà. Một sắc thuế cũng được cân nhắc là thuế di sản hay estate tax, có người gọi là "thuế trên người chết" đánh trên tài sản sau khi tạ thế. Nói chung thì ai cũng chỉ nhìn vào việc giảm thuế.

Thanh Hà : Đấy là về lý thuyết "giảm thuế để kích thích đầu tư và sản xuất hầu mở rộng căn bản tính thuế và nâng được nguồn thu". Nhưng thực tế thì sao ? Liệu những đề nghị này có khả thi hay không ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Hoa Kỳ có bộ luật thuế vụ nhiêu khê nhất thế giới, với quá nhiều lỗ hổng để các đại tổ hợp có thể lách thuế nhưng lại quá rắc rối cho giới tiểu thương cò con nên việc giản lược bộ luật là cần thiết. Nhưng nước Mỹ còn một vấn đề nữa là mắc nợ quá nhiều, tới 77% tổng sản lượng sau khi bội chi ngân sách quá lớn từ tám năm qua. Vì vậy, nhu cầu sinh tử mà các chính trị gia đều muốn tránh là phải tăng thu và giảm chi.

Việc giảm thuế sẽ nhất thời làm giảm số thu, nay chỉ còn ở khoảng 17% tổng sản lượng so với 19% của ba chục năm trước, nên gây thêm thiếu hụt ngân sách và lại làm tăng gánh nợ. Trong hoàn cảnh đó, nước Mỹ không thể tiếp tục tăng chi theo chủ trương của đảng Dân Chủ mà cũng khó giảm thuế như bên Cộng Hòa đề nghị. Kết quả là một nguyên tắc dung hòa : là "biện pháp thuế khóa phải có ảnh hưởng trung hòa về số thu", nôm na là hạ thuế suất thì phải mở rộng căn bản tính thuế và không có lỗ hổng trốn thuế. Nguyên tắc đó là một bế tắc trong cái nạn ách tắc chính trị hiện nay. Chúng ta còn phải theo dõi trận đánh về thuế khóa trên chính trường, trọng tài sẽ là thị trường cùng người dân để Quốc hội có đủ đa số phiếu hầu thông qua một bộ luật có tham vọng lịch sử như dưới thời Tổng thống Ronald Reagan…

Dẫu sao kế hoạch giảm thuế được tổng thống Trump đang làm dấy lên nhiều hy vọng. Từ khi ông đắc cử tổng thống tháng 11/2016 chỉ số chứng khoán Dow Jones tăng 8 % và Nasdacq là gần 25 %.

Nhưng sự lạc quan đó không xua tan được một số hoài nghi. Theo thẩm định của cơ quan tài chính Mirabaud AM, trụ sở tại Luxembourg, để tài trợ cho kế hoạch giảm thuế quy mô nhất trong lịch sử của Hoa Kỳ này, ngân sách của chính phủ liên bang trong 10 năm tới sẽ hao hụt từ 1.500 đến 2.000 tỷ đô la. Bù lại, nếu được áp dụng ngay từ cuối năm nay, theo dự phóng của cơ quan thẩm định tài chính Standard &Poor, mức lãi của 500 tập đoàn tham gia sàn chứng khoán New York ngay từ đầu 2018 sẽ tăng thêm 10 % .

Thanh Hà thực hiên

Nguồn : RFI, 03/10/2017

Published in Diễn đàn
mercredi, 04 octobre 2017 10:55

Cải cách cái gì tại Việt Nam ?

Việt Nam đang ở giữa một vụ khủng hoảng muôn mặt, khi ngân sách bị bội chi quá cao, gánh nợ của nhà nước gia tăng quá mạnh, hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước sụy sụp, trong khi hàng loạt giới hữu trách cao cấp bị điều tra và truy tố về việc lạm dụng chức quyền làm thất thoát công quỹ, v.v… Vì vậy, nhiều người nói đến việc cải cách cơ chế và chính sách để xây dựng một nền tảng phát triển khác. Chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa, tư vấn kinh tế cho Ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do, chỉ ra một nơi cải cách căn bản, là hệ thống chính trị…

caicach1

Công nhân sửa đường tàu ở Hà Nội hôm 1/6/2017. AFP

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, những tin tức dồn dập cho thấy nhiều khó khăn muôn mặt của kinh tế Việt Nam trong bộ máy tài chính và ngân hàng, hệ thống doanh nghiệp nhà nước, và quyết định sử dụng tư bản cho công cuộc phát triển. Kỳ này, mục Diễn đàn Kinh tế của chúng ta sẽ tìm hiểu xem Việt Nam nên cải cách thế nào để ra khỏi cơn khủng hoảng. Xin đề nghị ông nêu ý kiến về bài toán cải cách này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Mọi quốc gia chậm tiến đều có thể có một giai đoạn tăng trưởng cao sau khi chuyển hướng quản lý qua quy luật thị trường. Trong giai đoạn vài chục năm ấy, đà tăng trưởng cỡ 10% một năm có thể gây ra ấn tượng kỳ diệu, như chúng ta thấy qua cái gọi là "phép lạ kinh tế Đông Á" với sự xuất hiện của các nước "tân hưng", mới nổi lên. Nhưng trong số này, chỉ có vài nước vươn lên thành nước công nghiệp hóa sau vài lần khủng hoảng. Đó là trường hợp Nam Hàn và Đài Loan. Đằng sau là các quốc gia thuộc hạng nhì, như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia với lợi tức ở trung bình cao. Việt Nam chưa lên tới hạng nhì và nay, chưa thành nước tân hưng thì đã có thể tụt hậu. Đấy là về đại thể trong không gian Đông Á và thời gian là gần ba chục năm qua… Về cụ thể, Việt Nam có một hệ thống công quyền gây nhiều lãng phí.

Nguyên Lam : Xin đề nghị ông trình bày cho sự lãng phí đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Từ hai chục năm nay, người ta ru ngủ nhau về đà tăng trưởng rồng cọp của kinh tế Việt Nam mà không thấy bộ máy công chi là quản lý ngân sách quốc gia bị thiếu hụt thường xuyên kể từ năm 2000. Mức thiếu hụt vì chi nhiều hơn thu đã tăng đều và năm ngoái lên tới 6,5% của Tổng sản lượng nội địa GDP, thuộc loại cao nhất Á Châu.

Nhìn lại thì với đà tăng trưởng sản xuất khoảng 6% trong 15 năm liền, số thu cho ngân sách tất nhiên là phải tăng, mà vẫn không kịp với nhịp độ chi tiêu của bộ máy công quyền và ngày nay người ta lại nói đến giải pháp tăng thuế ! Về chi tiết thì đà tăng chi đó xuất phát từ yêu cầu chi dụng cho bộ máy hành chính công quyền nay lên tới gần hai phần ba của số tổng chi. Bên trong lạ i còn khoản chi mờ ảo cho hệ thống chính trị lãnh đạo nhà nước là các cơ chế của đảng Cộng sản Việt Nam lẫn sáu đoàn thể quần chúng do đảng lập ra cho nhà nước quản lý đời sống của xã hội. Ngoài hiện tượng lãng phí đó là những tai họa tài chính khác xuất hiện cùng nếp sống quá xa hoa của đảng viên và cán bộ cao cấp.

Nguyên Lam : Thưa ông, những tai họa tài chính đó là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi chỉ xin đơn cử bốn thí dụ : Thứ nhất là các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước là các trung tâm lãng phí và ban phát quyền lợi cho đảng viên cán bộ ở bên trong. Thứ hai là hệ thống ngân hàng, nơi thu hút tài nguyên để phân phối cho hoạt động sản xuất thì chỉ biết vay mà không biết trả nên chất lên một núi nợ xấu, không sinh lời, khó đòi và dễ mất. Tỷ lệ nợ xấu này có thể cao gấp đôi tổng số dư nợ và gây rất nhiều rủi ro cho nền kinh tế. Thứ ba, thuộc diện quản lý của nhà nước, là các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất quy mô như cầu đường kinh rạch. Việt Nam nổi tiếng là xây cầu vừa xong thì sụp bên cạnh những ổ gà sâu như giếng. Khi xây cầu, người ta tính vào sản lượng, khi dùng công quỹ để sửa, người ta lại cộng vào sản lượng chẳng khác gì Trung Quốc. Đấy là các trung tâm "sản nhập" chứ không sản xuất. Thứ tư là loại hạ tầng cơ sở vô hình mà căn bản hơn cả, là luật lệ hay giáo dục đào tạo. Hạ tầng đó lỏng lẻo và èo uột như ta có thể thấy khi chẳng ai bị trách nhiệm về sự lãng phí hay tham ô, trẻ em thiếu trường ốc, kỹ sư tốt nghiệp mà chẳng kiếm ra việc làm, và đảng viên cao cấp thì xài bằng giả, v.v…

Nguyên Lam : Bây giờ, chúng ta bước qua phần hai là yêu cầu cải cách để ra khỏi những khó khăn mà ông vừa tóm lược. Theo ý kiến của ông thì người ta nên cải cách từ đâu ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Các định chế quốc tế đã từng viện trợ tài chính cho Việt Nam cũng viện trợ về cả kỹ thuật và gửi qua nhiều chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm phát triển các nền kinh tế chậm tiến. Rất đều đặn, họ nói đến nhu cầu cải cách cơ chế và chính sách, như cải cách bộ máy hành chính công quyền hay chiến lược phát triển mà Việt Nam nên áp dụng để có sự tăng trưởng hài hòa, quân bình và nhất là công bằng. Thí dụ như khi bị bội chi ngân sách thì nhà nước có thể cổ phần hóa hay tư nhân hóa tài sản của các công ty quốc doanh để có tiền cho ngân sách và khi đó, làm sao định giá các doanh nghiệp của nhà nước, để bán cho ai và sau này sẽ quản lý ra sao, v.v… Một thí dụ khác là nên ra khỏi chiến lược lệ thuộc vào xuất khẩu hay đầu tư trực tiếp của nước ngoài để tránh những dao động trên thị trường quốc tế.

Thế giới có một kỹ nghệ khá quy mô nhưng tốn kém, là kỹ nghệ viện trợ kỹ thuật. Nó nuôi sống các chuyên gia tư vấn lương cao bổng hậu mà nhiều khi vô hiệu vì nhà nước cầu viện không thực thi khuyến cáo chuyên môn của họ. Sở dĩ như vậy và đây là ta đụng vào vấn đề thật, hay cái vẩy ngược của con rồng, là bộ máy chính trị của đảng độc quyền nằm sau bộ máy lãng phí và vô trách nhiệm của nhà nước. Vì nguyên tắc không xen lấn vào chính trị nội bộ, các định chế viện trợ quốc tế đều có thể biết hết mà tránh nói ra trong các phúc trình định kỳ của họ.

Nguyên Lam : Nếu như vậy thì thưa ông, phải chăng người ta cần cải cách hệ thống chính trị, là từ trên xuống ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sau khi chiến tranh kết thúc từ năm 1975, Việt Nam đã đổi tên nước và bốn lần thay đổi hay tu chỉnh Hiến pháp, thậm chí còn bàn về việc đổi tên đảng như đã thấy năm 2013. Việc sửa đổi hiến pháp có thể là do nhu cầu đối ngoại với Liên bang Xô viết hay với Trung Quốc qua từng thời kỳ nóng lạnh giữa hai cường quốc này. Nhưng một điều không đổi là vai trò lãnh đạo không thể bàn cãi của đảng. Nó có thể là đảng Lao động hay đảng Cộng sản mà quyền hạn thì vẫn vô biên. Thí dụ ai cũng thấy là Quốc hội và Nhà nước Việt Nam chỉ lấy quyết định sau khi viện dẫn nghị quyết của đảng, hoặc khi thanh lọc cán bộ tham ô, người ta trước hết áp dụng kỷ luật đảng rồi mới có quyết định hành chính hay pháp lý. Thí dụ thứ hai là phạm trù "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" được nhắc tới từ hơn 20 năm qua mà chẳng ai định nghĩa được cái định hướng đó là gì, vì khái niệm xã hội chủ nghĩa mơ hồ ấy chỉ tô hồng ý niệm cộng sản đã phá sản ở khắp nơi.

Nguyên Lam : Qua phần tóm lược vừa rồi thì dường như là Việt Nam vẫn còn gặp một vấn đề thuộc diện tư tưởng hay ý thức hệ. Ông nhận xét thế nào về hiện tượng đó ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chìm sâu bên dưới sự mơ hồ của cái gọi là "kinh tế thị trường theo định hướng của nhà nước", hoặc "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" thì quả thật là vẫn có yếu tố ý thức hệ khiến đảng giữ độc quyền chân lý và độc quyền chính trị, là quyền độc tài. Rốt cuộc thì mọi thứ luật pháp đều từ đảng mà ra và khi đảng quyền lại cao hơn pháp quyền nhà nước – mà chẳng ái dám nói tới – thì có các hiện tượng tư bản thân tộc, nạn tham ô và lãng phí từ trên đầu xuống, sau cùng mới là những thất quân bình chi thu hay khủng hoảng tài chính và ngân hàng như hiện nay.

Chúng ta đã phải thấy chuyện này từ bốn năm trước khi đảng và nhà nước tiến hành cải cách nhằm khởi động nền kinh tế bắt đầu bị suy trầm và nâng cao uy tín quá sa sút của đảng và nhà nước. Khi ấy, lãnh đạo Việt Nam có kế hoạch tái cơ cấu kinh tế sẽ thực hiện trong khoảng thời gian từ 2013 tới 2020. Khi đó rồi, qua chỉ thị của đảng, năm 2015, Quốc hội Việt Nam cũng ban hành luật lệ chống tham nhũng. Ngày nay, nhân vật chủ chốt của kế hoạch tái cơ cấu ấy là nguyên Thủ tướng đang bị bao vây tứ bề và tay chân thân tộc của ông bị điều tra, truy tố, trong khi cơ cấu kinh tế còn thất quân bình hơn trước. Nguyên do là mọi sự đều xuất phát từ đảng, rồi mới chuyển hóa qua quá nhiều chòng chéo vào bộ máy nhà nước.

Nguyên Lam : Vì thời lượng có hạn, Nguyên Lam xin đề nghị ông rút tỉa kết luận cho yêu cầu cải cách này của Việt Nam.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đảng Cộng sản Việt Nam lầm tưởng mình có khả năng linh động để xoay chuyển trước áp lực từ bên ngoài, điển hình là sức ép của Trung Quốc, hay những đòi hỏi cải cách ở bên trong hầu có thể duy trì quyền lực mà không chấp nhận đối lập hay đa đảng như nhiều quốc gia Đông Á khác. Tôi nghĩ là thời của sự lạc quan đó đã kết thúc.

Muốn lãnh đạo thì phải có hậu thuẫn chính đáng của quần chúng, tức là sự tham dự tự do của công chúng, thay vì cứ cầm cái còng và con dấu rồi bị đẩy dần vào chân tường. Nếu đảng không chủ động thay đổi từ trên xuống cho người khác tham gia thì người dân sẽ đòi thay đổi từ dưới lên. Khi ấy, người ta sẽ lại thấy hiện tượng đáng sợ của một cuộc cách mạng.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 04/10/2017

Published in Diễn đàn

Hôm thứ Hai 25, Tổng trưởng Thương mại Hoa Kỳ là ông Wilbur Ross đã tới Bắc Kinh gặp giới lãnh đạo kinh tế Trung Quốc là Thủ tướng Lý Khắc Cường, Phó Thủ tướng Uông Dương và ông Hà Lập Phong, Chủ tịch Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia. Chuyến thăm viếng được Bộ Thương mại Mỹ thông báo là để giải tỏa một số mâu thuẫn trong quan hệ mậu dịch giữa hai nước và cũng để chuẩn bị cho việc Tổng thống Donald Trump sẽ tới Trung Quốc vào tháng 11 tới đây. Nhưng trước đó, thị trường đã có vài dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc bị những ảnh hưởng bất ngờ từ phía Hoa Kỳ. Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu việc đó….

ha1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trước cuộc họp bên lề Thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức hôm 8/7/2017 - AFP

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, sau khi Chủ tịch Trung Quốc là Tập Cận Bình tới Mỹ gặp Tổng thống Donald Trump vào Tháng Tư, quan hệ giữa hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới chưa được cải thiện như đôi bên thông báo khi đó. Sau đấy, vụ khủng hoảng do sự khiêu khích của chế độ Bắc Hàn tại Đông Bắc Á trước thái độ khá miễn cưỡng của Bắc Kinh khi Hoa Kỳ đòi nâng mức trừng phạt kinh tế với Bắc Triều Tiên khiến người ta e ngại là mâu thuẫn kinh tế và thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc sẽ chỉ tăng chứ không giảm nên theo dõi kỹ chuyến thăm viếng Trung Quốc tuần này của Tổng trưởng Thương mại Hoa Kỳ là ông Wilbur Ross. Ông nghĩ sao về việc ấy ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tỷ phú Wilbur Ross am hiểu thị trường kinh doanh và có kinh nghiệm khá sâu về các nước Châu Á trước khi nhậm chức Tổng trưởng Thương mại cho Chính quyền Donald Trump. Chuyến đi của ông sẽ khai thông một số chướng ngại và đồng thời chuẩn bị cho việc Tổng thống Mỹ có thể thăm Trung Quốc vào Tháng 11 sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình hoàn tất Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc cho khóa 19 vào tháng tới. Vì vậy, các thị trường tài chính đều theo dõi những biến cố này để ước đoán về tình hình giao dịch giữa hai nước.

Nói về bối cảnh để ta hiểu ra quan điểm và chủ trương thương mại của lãnh đạo Bắc Kinh, tôi thiển nghĩ là sau hơn 30 năm áp dụng kinh nghiệm của các nền kinh tế Đông Á đi trước, như Singapore, Hong Kong, Đài Loan và Nam Hàn, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhờ dân số rất đông có nhân công rẻ và tạo ra điều kỳ diệu cho những ai không chú ý đến phép lạ kinh tế của các nước đã đi trước. Ngày nay, Trung Quốc vẫn chưa đi hết tiến trình chuyển hóa đó và bắt đầu gặp những giới hạn mà các nền kinh tế kia đã thấy. Đó là thuần túy về kinh tế.

Nguyên Lam : Khi ông nói là "thuần túy về kinh tế" thì có lẽ cũng hàm ý là còn nhiều yếu tố ngoài kinh tế nữa. Thưa ông, những yếu tố đó là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ta nên chú ý là người Trung Hoa có hai đặc tính là ưa chuộng lịch sử và giỏi buôn bán. Về lịch sử thì họ từng hãnh diện là cường quốc trung tâm của thế giới trong mấy ngàn năm mà sau lại lụn bại trong trăm năm ô nhục, từ khoảng 1839 tới 1949 vì bị các nước khác vượt qua và uy hiếp. Từ khi giành lại quyền lực từ năm 1949 họ còn lụn bại hơn vì chính sách của lãnh đạo thời đó là Mao Trạch Đông cho tới khi Đặng Tiểu Bình sửa sai từ đầu năm 1979 với chính sách cải cách và cởi mở. Về buôn bán, họ rút tỉa bài học lịch sử và có chủ đích ưu tiên bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp nội địa của Trung Quốc, trong tinh thần học hỏi và tiếp nhận tư bản cùng kiến thức của ngoại quốc nhưng chung cuộc thì vẫn nhằm giành lợi thế cho doanh nghiệp của mình, chủ yếu là doanh nghiệp của nhà nước, dưới sự lãnh đạo của một đảng độc quyền. Vì vậy, Trung Quốc có ưu thế cạnh tranh mà các nước kia không có.

Nhưng ngược lại và vì đã mở cửa buôn bán với bên ngoài, họ cũng gặp những hạn chế và ngày nay chưa biết tính sao. Nói cho gọn thì họ thấy ly nước đã nửa đầy so với thời bế quan toả cảng và ngăn sông cấm chợ, nhưng biết là ly nước vẫn nửa vơi nếu mở ra cạnh tranh với các nước khác. Vì vậy chúng ta nên hiểu rằng kinh tế xứ này chưa ra khỏi thời chuyển hóa.

Nguyên Lam : Thưa ông, một cách cụ thể thì việc chuyển hóa ấy có nghĩa là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Với cái thói đi tắt của kẻ đi sau, Trung Quốc mất 15 năm đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2001 và kèo nèo để xin được 15 năm mới trở thành nền kinh tế thị trường đích thực. Trong giai đoạn ấy, họ chưa áp dụng quy luật thị trường. Kỳ hạn 15 năm đó đã kết thúc vào cuối năm 2015 mà họ vẫn duy trì chế độ bảo hộ và ngày nay đang bị nhiều nước than phiền, kể cả Hoa Kỳ, mà không chỉ có Hoa Kỳ. Vì vậy, Trung Quốc vẫn còn nhiều nhược điểm và bị chế tài chứ không mạnh như người ta nghĩ. Trong khi đó, và đây mới là chuyện đáng chú ý mà nhiều người chưa thấy ra….

Nguyên Lam : Thính giả của chúng ta đã quen dần với cách đặt vấn đề khá bất ngờ của ông ! Thưa ông, nhược điểm của Trung Quốc là những gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Hôm Thứ Năm 21, hệ thống thẩm định giá trị trái phiếu là Standard & Poor’s Global Ratings lần đầu tiên kể từ 1999, hạ công khố phiếu Trung Quốc xuống một cấp, từ cấp AA- xuống A+. Quyết định rất chuyên môn ấy làm Bắc Kinh khó chịu nhưng chẳng đáng ngạc nhiên vì từ Tháng Năm, công ty thẩm định kia là Moody’s cũng hạ công khố phiếu Trung Quốc từ cấp Aa3 xuống A1. Lý do là đà gia tăng tín dụng của Trung Quốc gây rủi ro cho kinh tế. Và hậu quả của việc giáng cấp là giới đầu tư sẽ đòi phân lời cao hơn khi cho vay.

Tôi xin được nói thêm một chút về chuyên môn : trong lĩnh vực tín dụng, khi cho doanh nghiệp vay tiền thì người ta ước tính là bị rủi ro cao hơn là khi cho nhà nước vay. Bây giờ, khi công khố phiếu là giấy nợ của nhà nước mà bị quốc tế giáng cấp thì các doanh nghiệp đi vay sẽ phải trả lãi cao hơn. Vì kinh tế Trung Quốc đã mở ra ngoài nên phải chịu sự phán đoán của thị trường và sự phán đoán ấy sẽ gây khó cho Bắc Kinh sau khi ào ạt bơm tín dụng để kích thích kinh tế mà cứ tưởng là hay ! Từ vài năm nay, người ta nói đến núi nợ chất ngất ấy, có thể bằng 260-280% Tổng sản lượng GDP của Trung Quốc, mà thiên hạ vẫn cứ trầm trồ ngợi khen ! Đã vậy, tuần qua, Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ còn giáng thêm một trùy mà ít ai chú ý….

Nguyên Lam : Theo dõi câu chuyện kinh tế của ông thì thính giả của chúng ta thấy hồi hộp như xem phim trinh thám vậy ! Khi ông nói Ngân hàng trung ương Mỹ vừa giáng thêm một trùy thì đấy là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta nhớ lại là sau vụ khủng hoảng tài chính vào Tháng Chín năm 2008 rồi nạn Tổng suy trầm Toàn cầu năm 2008-2009, Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đã hạ lãi suất tới số không và còn tung ra ba đợt bơm tiền vào kinh tế lên tới con số khổng lồ khoảng bốn ngàn 500 tỷ Mỹ kim để kích thích kinh tế. Khi kinh tế Hoa Kỳ tạm phục hồi dù chưa mạnh thì từ năm 2015 tới nay, Ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất và thông báo là sẽ hút lại lượng tiền đã bơm ra. Tuần qua, sau hai ngày hội họp vào Thứ Ba và Thứ Tư, cơ chế độc lập này cho biết là sẽ hút lại tiền từ Tháng 10 này. Định chế tài chính này được lập ra để giải quyết vấn đề kinh tế của nước Mỹ, nhưng quyết định tài chính này lại gây sức ép bất ngờ cho kinh tế Trung Quốc. Nó còn có ảnh hưởng lớn hơn những hăm dọa của Chính quyền Donald Trump.

Nguyên Lam : Nguyên Lam xin đề nghị ông giải thích cho cái chuyện ly kỳ này…

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ngân hàng trung ương Mỹ có thể tăng hay giảm lãi suất ngắn hạn và cũng có thẩm quyền mua trái phiếu dài hạn để làm giảm phân lời, tức là lãi suất dài hạn trên thị trường vay mượn nhằm kích thích kinh tế trong ổn định tiền tệ. Tuần qua, định chế này không nâng lãi suất ngắn hạn nhưng quyết định sẽ bán ra trái phiếu để hút tiền về. Điều ấy sẽ khiến phân lời hay lãi suất dài hạn sẽ tăng, đồng Mỹ kim cũng lên giá như chúng ta trình bày vào một kỳ trước. Nhưng hậu quả cho lãnh đạo kinh tế của Bắc Kinh ở bên kia địa cầu là gì ?

Nguyên Lam : Vâng thưa ông, hậu quả cho lãnh đạo kinh tế của Bắc Kinh ở bên kia địa cầu là gì sau khi Ngân hàng trung ương Mỹ quyết định sẽ hút tiền về ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta cần hiểu ra nhiều bài toán nan giải hiện nay của Bắc Kinh. Thứ nhất, họ biết là trái bóng đầu cơ địa ốc đang gây rủi ro lớn nếu bị bể nên thận trọng tăng lãi suất thật chậm và tùy ngành để bóng xì chứ không bể là gây ra khủnh hoảng. Thứ hai, họ chưa dám thả nổi mà vẫn giàng đồng Nguyên vào đô la Mỹ và cố giữ cho đồng Nguyên khỏi sụt giá để tránh nạn tẩu tán tư bản ra ngoài và dùng tư bản đó cho việc xây dựng hạ tầng trong nước, nhất là tại các địa phương lạc hậu đang cần tái phân lợi tức để tránh loạn. Mấy bài toán ấy khiến Bắc Kinh phải cân nhắc từng chút về lãi suất ở bên trong, không quá cao vì sẽ giảm đà tăng trưởng và làm phí tổn trả nợ sẽ tăng, mà cũng chẳng quá thấp vì sẽ lại thổi lên trái bóng đầu cơ. Bây giờ, việc trị giá công khố phiếu bị sụt điểm vì hai công ty thẩm định quốc tế và việc Hoa Kỳ hút lại lượng tiền đã bơm ra đều dẫn tới hậu quả trực tiếp và gián tiếp là phân lời và lãi suất sẽ tăng tại Trung Quốc ngoài những đắn đo cân nhắc của Bắc Kinh. Đấy là quyết định khách quan của thị trường chứ không do âm mưu chính trị gì của Chính quyền Trump. Hóa ra tai họa kinh tế của Trung Quốc là cứ đóng mở nửa vời mà vẫn bị thị trường chi phối khi ngồi dưới một núi nợ sẽ đổ. Có khi Tổng trưởng Thương mại Wilbur Ross đang tủm tỉm cười tại Bắc Kinh mà mình không biết !

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 26/09/2017

Published in Diễn đàn
mercredi, 20 septembre 2017 20:34

Nghịch lý của Myanmar

Thay vì tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, lãnh đạo Myanmar là bà Aung San Suu Kyi phải ở nhà giải quyết vụ khủng hoảng về sắc tộc và sáng Thứ Ba 18, bà đã lần đầu tiên đọc bài diễn văn chính thức về vụ khủng hoảng, bùng nổ từ ngày 25 tháng trước khiến hơn 40 vạn người Rohingya theo Hồi giáo phải lánh nạn qua xứ khác. Bài diễn văn vẫn không thỏa mãn nhiều người và các tổ chức quốc tế kêu gọi biện pháp trừng phạt kinh tế với Myanmar. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu vì sao….

myanmar1

Bà Aung San Suu Kyi đọc diễn văn toàn quốc ở Naypyidaw hôm 19/9/2017. AFP

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, vụ khủng hoảng về sắc tộc tại Myanmar kéo dài gần một tháng và gây xúc động cho dư luận thế giới khi mấy chục vạn dân Rohingya phải lánh nạn sau khi mấy ngàn ngôi làng của họ bị đốt cháy. Một số tổ chức quốc tế khiển trách người lãnh đạo là bà Aung San Suu Kyi và kêu gọi biện pháp trừng phạt kinh tế xứ này. Ông nghĩ sao về chuyện đó ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ rằng sự xúc động khiến nhiều người đặt sai bài toán, trút trách nhiệm lên một vị nữ lưu và càng gây thêm khó khăn cho xứ Mymanmar, mà ngày xưa ta gọi là Miến Điện. Muốn hiểu tại sao thì ta cần trở ngược lên bối cảnh gần xa của vấn đề.

Thứ nhất, dù có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên, Myanmar là một quốc gia khó cai trị nhất thế giới. Nằm giữa hai cường quốc có ảnh hưởng văn hóa chính trị của Châu Á là Trung Hoa và Ấn Độ, Miến Điện chưa khi nào là một nước trong ý nghĩa quốc gia dân tộc, nation-state. Lãnh thổ xứ này là một thách đố cho lãnh đạo vì bị địa dư chia cắt thành hai vùng rừng núi hiểm trở của nhiều sắc tộc và tôn giáo từ hai ngả Đông Tây nhìn xuống bình nguyên phì nhiêu của sông Irrawaddy ở giữa. Các cường quốc cấp vùng, như Ấn Độ tại hướng Tây, Trung Quốc ở mạn Bắc và cả Thái Lan ở phía Đông đều tìm cách khai thác tình trạng bất thường ấy qua các sắc tộc thiểu số và góp phần gây thêm xung đột. Vì vậy, sau khi có độc lập từ 70 năm trước, lãnh đạo Miến mới cần quân đội mạnh để bảo vệ chính quyền trung ương và đối ngoại thì tìm cách tự cô lập để ngăn ngừa ảnh hưởng ngoại bang. Thời Chiến tranh lạnh, từ 1949 trở đi, ảnh hưởng ngoại bang còn là các nhóm dân quân cộng sản do Trung Quốc đào tạo và huấn luyện. Những vụ xung đột đầu tiên mà bùng nổ là do hoạt động của các tổ chức cộng sản đó.

Nguyên Lam : Ông,vừa nêu một nghịch lý trong bối cảnh địa dư và lịch sử của Myanmar. Nhưng thưa ông, vì sao ông nói là xứ này chưa khi nào là một nước trong ý nghĩa quốc gia dân tộc ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa là về kinh tế chính trị, Miến Điện còn lãnh một di sản dã man khác của Đế quốc Anh : trăm năm trước, nước Anh đưa dân Ấn vào phụ trách phần vụ kinh tế, cho sắc dân đa số là người Miến một ít quyền hạn chính trị và hành chánh, nhưng lại dùng các sắc dân thiểu số vây quanh vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh và quân sự. Chỉ sau khi Anh bị Nhật đánh bại trong Thế chiến II, dân Miến mới được quyền tham gia vào lĩnh vực quân sự và từ đó mới dần dần xuất hiện các thế hệ sĩ quan hay tướng lãnh lên cầm quyền sau này. Ách độc tài quân phiệt là hiện tượng đáng chê trách, nhưng có nguyên nhân sâu xa trong lịch sử và dẫn tới hậu quả là càng bị quốc tế cô lập vì nạn độc tài thì xứ này càng lệ thuộc vào một cường quốc có tham vọng bành trướng là Trung Quốc !

Nguyên Lam : Tức là giới tướng lãnh phải chấp nhận dân chủ hóa để khỏi bị quốc tế tẩy chay mà càng trôi vào quỹ đạo của Bắc Kinh, nhưng phải chăng là họ vẫn không muốn bị mất quyền và vẫn giữ quân đội trong tay ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thật ra, từ 1962 đến 2011, Miến Điện trải qua nửa thế kỷ nội chiến giữa chế độ quân phiệt và lực lượng võ trang của các sắc tộc đòi ly khai. Sau đấy, giới tướng lãnh nhượng bộ dần và đề nghị ngưng bắn trên toàn quốc đổi lấy quyền lợi kinh tế và chính trị cho các sắc tộc thiểu số. Nhưng tiến trình ấy còn nhiều bất trắc và sau khi Liên minh Quốc gia cho Dân chủ (National League for Democracy) của mình đại thắng vào năm 2015, bà Aung San Suu Kyi phải làm một lúc hai việc : thỏa hiệp với quân đội để từng bước dân chủ hóa xứ sở trong khi xây dựng nền móng chính trị bền vững hơn cho quốc gia qua việc hội nhập sắc tộc.

Lãnh thổ xứ này có hơn hai chục nhóm thiểu số võ trang, với vài trăm tới vài vạn tay súng, đang hùng cứ các vùng biên giới và coi đó là chủ quyền chính đáng của họ. Từ cuối năm 2015, chế độ quân phiệt đề nghị một tạm ước ngưng bắn với tám tổ chức, mà có bảy tổ chức vẫn từ chối tham gia, chưa kể nhiều lực lượng mạnh nhất tại vùng biên giới Hoa-Miến thì không được mời vào vòng đàm phán vì họ đang chiếm đóng các khu vực trọng yếu và rộng lớn nhất.

Đa số các nhóm võ trang này đều có đặc tính sơn cước, giỏi du kích chiến, được trang bị võ khí tinh nhuệ. Họ còn có ưu thế địa dư là có thể vượt biên giới để bảo toàn lực lượng khi bị tấn công và lợi thế kinh tế là kinh doanh ma túy để tìm nguồn tài trợ. Trong hoàn cảnh đó, một số lực lượng võ trang này chưa thấy sự nhượng bộ của Chính quyền trung ương, từ các tướng lãnh hay từ bà Aung San Suu Kyi, là đủ hấp dẫn. Khi so sánh các tướng lãnh thì đảng đa số hiện nay là Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi tương đối đáng tin cậy hơn trong đề nghị hòa giải. Hậu thuẫn của quốc tế cho vị nữ lưu này cũng là sức mạnh đáng kể. Vì vậy, trong khung cảnh vẫn còn tranh tối tranh sáng, nhiều nhóm thiểu số đang suy tính lợi hại. Họ có thể tham gia sinh hoạt chính trị thay vì dùng giải pháp bạo động quân sự.

Nguyên Lam : Bây giờ lại bùng nổ vụ khủng hoảng vì dân Rohingya và bà Aung San Suu Kyi bị quốc tế khiển trách. Thưa ông, đầu đuôi của vụ khủng hoảng này là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Miến Điện có 135 sắc dân, gom thành tám nhóm lớn, theo các tôn giáo khác nhau, như Phật giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo và cả Thiên Chúa giáo. Đa số dân Miến thì theo Phật giáo Nguyên thủy, bên trong nhiều người cực đoan chủ trương là chỉ Phật giáo mới có tinh thần dân tộc và biết bảo vệ bản sắc quốc gia. Trong các sắc dân, người Rohingya có vài triệu, đa số theo Hồi giáo, nhưng cũng theo tôn giáo khác, và sống tập trung trong tỉnh Rachine tại vùng Tây-Bắc bên cạnh xứ Bangladesh nhìn ra Vịnh Bengal. Nghịch lý ở đây là họ không được luật pháp coi là công dân Miến Điện như các sắc dân kia.

Từ thành phần này mới có lực lượng xưng danh là "Giải phóng quân Rohingya tại Arakan", viết tắt là ARSA, họ đấu tranh võ trang để được công nhận quy chế công dân. Lực lượng ấy chỉ có chừng 500 tay súng, nhưng cuối Tháng Tám lại tấn công 30 đồn binh của Miến nên gặp sự trả đũa dữ dội của quân đội. Xã hội Miến có nhiều người không ưa và thậm chí kỳ thị dân Rohingya, nhưng họ có quyền bỏ phiếu. Bà Aung San Suu Kyi lâm thế kẹt là nếu đả kích tinh thần cuồng tín này thì họ dồn phiếu cho tổ chức chính trị của giới tướng lãnh là đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (Union Solidarity and Development Party - USDP), gọi là để bảo vệ quyền lợi và bản sắc dân tộc khiến cho tiến trình dân chủ hóa chính trị rồi tư nhân hóa kinh tế theo đuổi từ 25 năm nay sẽ gặp trở ngại.

Nguyên Lam : Nếu vậy thì có lẽ thính giả của chúng ta hiểu ra vì sao ông nghĩ rằng việc trừng phạt kinh tế Miến Điện chưa chắc là đã có lợi. Ông kết luận thế nào về chuyện rắc rối này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi trộm nghĩ biện pháp trừng phạt kinh tế ít công hiệu khi có quá nhiều kẽ hở và rốt cuộc nạn nhân sau cùng vẫn là người dân thấp cổ bé miệng. Thứ hai, nhiều lãnh đạo Hồi giáo nhảy vào đả kích Miến Điện do nhu cầu chính trị ở nhà chứ cũng chưa có giải pháp cụ thể nào cho dân Rohingya. Trong khi đó, có ba cường quốc lại tỏ vẻ bênh vực Miến Điện là Liên bang Nga, Trung Quốc và Ấn Độ là do an ninh và quyền lợi của họ. Nga thì sợ nạn Hồi giáo ly khai ngay bên trong lãnh thổ. Trung Quốc thì muốn kéo Miến Điện vào kế hoạch Con Đường Tơ Lụa của họ, trong khi Ấn Độ muốn tranh thủ Miến Điện để ngăn đà bành trướng của Trung Quốc vào Vịnh Bengal và Ấn Độ Dương. Kết luận của tôi là sự bi quan dành cho dân Rohingya trong thời gian tới.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 20/09/2017

Published in Diễn đàn
mercredi, 13 septembre 2017 08:26

Đánh cược với đồng Mỹ kim

Sau nhiều năm lên giá so với các ngoại tệ khác, đồng Mỹ kim của Hoa Kỳ đã sụt giá mạnh từ đầu năm nay, và sụt tới mức thấp nhất kể từ đầu năm 2015. Nhưng chiều hướng này chưa chắc đã kéo dài và nếu Mỹ kim lên giá, các nền kinh tế khác sẽ bị lao đao… Vì sao như vậy, Diễn đàn Kinh tế có câu trả lời…

usd1

Một nhân viên người Trung Quốc đang đếm đồng đô la của Mỹ với đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc ở một ngân hàng ở thành phố Hoài Bắc, tỉnh An Huy, Trung Quốc hôm 28/11/2012 - AFP

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông , Hoa Kỳ đã thở dài nhẹ nhõm hôm Thứ Hai 11 vừa qua vì tổn thất từ trận bão Irma lại không trầm trọng như người ta ước đoán và vì Bắc Hàn không thử nghiệm võ khí nhân ngày quốc khánh của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gia tăng mức độ trừng phạt kinh tế lên cấp cao nhất. Một hậu quả trên thị trường tài chính là Mỹ kim đã lên giá so với một rổ ngoại tệ phổ biến sau khi vừa sụt tới mức thấp nhất kể từ Tháng Giêng năm 2015. Theo dõi diễn biến của "đồng bạc xanh" như người ta thường nói, ông nghĩ thế nào về chiều hướng sắp tới của đồng đô la Mỹ ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa :  Tôi cho là chúng ta không nên chấp vào những thăng giáng lên xuống trong ngắn hạn mà cần nhìn ra chiều hướng lâu dài hơn để khỏi gặp rủi ro bất ngờ. Thứ hai, những ai cho rằng Mỹ kim còn sụt giá nữa thì sẽ bị thiệt hại. Kỳ này, ta sẽ tìm hiểu tại sao.

Trước hết, ngược với bao tiên đoán định kỳ về sự suy sụp của nước Mỹ, Hoa Kỳ vẫn là siêu cường kinh tế số một thế giới và đồng Mỹ kim vẫn là ngoại tệ dự trữ phổ biến nhất. Vì vậy hối suất hay tỷ giá đồng bạc xanh của Mỹ có ảnh hưởng lan rộng toàn cầu, qua các nước đang dùng đồng bạc này làm phương tiện giao hoán hay thanh toán. Thứ hai, sau vụ Tổng suy trầm 2008-2009, Hoa Kỳ ào ạt tăng chi và hạ lãi suất rồi bơm tiền để kích thích kinh tế nên Mỹ kim sụt giá trong nhiều năm liền. Nhưng từ cuối năm 2013, chiều hướng sụt giá ấy đã hết và đô la bắt đầu lên giá kể từ 2014. Khi ấy, các nền kinh tế đang phát triển lỡ vay Mỹ kim với giá rẻ lại gặp khó khăn khi đồng bạc này lên giá. Thế rồi, sau khi ông Donald Trump bất ngờ đắc cử Tổng thống và nhậm chức từ đầu năm nay, đồng bạc Hoa Kỳ lại mất giá so với các ngoại tệ khác. Tính theo hệ thống Ngân hàng Trung ương Mỹ thì sụt mất khoảng 8%, tính theo chỉ số giao hoán với các ngoại tệ khác thì có thể mất giá tới 11%. Do ảnh hưởng của truyền thông báo chí có ác cảm với Chính quyền Donald Trump, nhiều người cho rằng việc Mỹ kim sụt giá là một chỉ dấu về mức tín nhiệm sa sút của ông Trump. Đây là một sai lầm tai hại cho những ai muốn đánh cược chống lại đồng đô la vì Mỹ kim lại có thể lên giá trong thời gian tới.

Nguyên Lam : Ông nhắc thính giả của chúng ta là nên nhìn vào chiều hướng dài hạn hơn là những lên xuống ngắn hạn. Nhưng thưa ông, vì sao đồng đô la lại sụt giá từ đầu năm khi kinh tế Hoa Kỳ có dấu hiệu phục hồi khả quan hơn cả khiến Ngân hàng Trung ương Mỹ hai lần tăng lãi suất từ đầu năm nay và còn thông báo là sẽ thu hồi lại lượng tiền bơm ra từ mấy năm trước ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Người ta có nhiều lý do giải thích hiện tượng này. Thứ nhất, trị giá Mỹ kim có tùy thuộc vào luồng giao dịch với các nước qua sự sai biệt lãi suất hay phân lời ở từng nơi. Thứ hai, định chế độc lập có chức năng quyết định về chính sách tiền tệ và tín dụng và trực tiếp ảnh hưởng tới hối suất đồng bạc chính là Ngân hàng Trung ương, sau đó là Bộ Ngân khố qua số lượng công khố phiếu được bơm ra hay hút vào trên thị trường tín dụng và trái phiếu. Cho tới nay, Ngân hàng Trung ương Mỹ không nâng lãi suất mạnh như ta dự đoán vì dấu hiệu lạm phát không tăng mà còn có vẻ giảm là điều ít người hiểu tại sao. Sau cùng, yếu tố chính trị có tác động vào tâm lý thị trường là việc ông Trump cứ than phiền Mỹ kim cao giá khiến Hoa Kỳ bị thất lợi về ngoại thương vì làm hàng hóa dịch vụ của Mỹ thành đắt hơn và khó xuất khẩu hơn. Nghịch lý mà ta nên nhìn ra là có người suy luận là Tổng thống Mỹ muốn làm giảm giá đô la trong khi người khác lại cho rằng uy tín sa sút của ông Trump mới làm Mỹ kim mất giá. Sự thật nó rắc rối hơn vậy.

Nguyên Lam : Bây giờ, nói về tương lai thì tại sao ông cho là không nên đánh cược chống lại đồng bạc xanh vì Mỹ kim có thể sẽ lên giá ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chuyện này nó hơi phức tạp nên tôi xin cố trình bày thật chậm. Sau khi nhậm chức từ đầu năm nay, thất bại chính trị liên tục của ông Trump với Quốc hội Cộng Hòa và đảng Dân Chủ trong khối đối lập đã đẩy lui nhiều sáng kiến hay đề nghị cải cách về kinh tế và nhất là thuế khóa của ông. Điều ấy gây thất vọng về viễn ảnh kinh tế Hoa Kỳ và gián tiếp làm Mỹ kim sụt giá khiến người ta lấy Mỹ kim làm chỉ dấu về mức độ tín nhiệm của ông. Nhưng thực tế khách quan của thị trường là Hoa Kỳ bơm ra quá nhiều tiền, tới khỏang bốn ngàn 500 tỷ Mỹ kim trong mấy năm trước và từ nay phải hút lại lượng tiền đã bơm ra. Bộ Ngân khố và Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ tiến hành việc đó trong những tháng tới, Khi ấy ta sẽ thấy là số thanh khoản hay hiện kim tính bằng đô la Mỹ sẽ giảm. Nôm na là đồng bạc sẽ khan hiếm hơn trên thị trường và vì là ngoại tệ dự trữ phổ biến nhất, Mỹ kim khan hiếm sẽ tăng giá.

Thứ hai, trở lại cái mà người ta có thể gọi là "hiệu ứng Donald Trump", là ảnh hưởng của ông Trump trên chính trường và thị trường, tuần qua ông gây kinh ngạc khi trực tiếp nói chuyện với lãnh đạo đảng Dân Chủ đối lập trong Quốc hội để thông qua một số quyết định quan trọng liên quan đến kinh tế và tài chính. Đã vậy, chủ trương cơ bản của ông vẫn không dời đổi khi ông kêu gọi và gây sức ép cho các doanh nghiệp Mỹ phải hồi hương tư bản để tạo ra công ăn việc làm trong nước. Nếu tư bản Mỹ được đem về Hoa Kỳ thì Mỹ kim sẽ càng hiếm hơn trên thế giới và đô la sẽ lên giá.

Nguyên Lam : Ông vừa nói đến một khái niệm hơi lạ là "hồi hương tư bản". Thưa ông, cái đó là gì vậy ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta phải trở lại một vấn đề trong hệ thống kinh tế tài chính Hoa Kỳ. Về đại thể thì doanh nghiệp Mỹ bị đánh thuế khá nặng so với doanh nghiệp của nhiều nước công nghiệp hóa khác nên mới khó cạnh tranh. Vì thuế lợi tức doanh nghiệp quá cao, nhiều tập đoàn lớn mới để lợi tức ở ngoại quốc để tránh thuế ở nhà. Theo cơ quan US Bureau of Economic Analysis, lượng tiền này có thể lên tới bốn ngàn tỷ Mỹ kim, trong đó có các tổ hợp nổi tiếng như Apple, Alphabet hay Google, hoặc Microsoft, Cisco, Oracle, v.v….

Ngay từ khi nhậm chức, ông Trump đã khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ là đừng đầu tư ra ngoài mà nên dùng tư bản tạo công việc làm trong nước. Dù kết quả ban đầu chưa mấy khả quan thì chiều hướng ấy vẫn sẽ tiếp tục. Nếu Quốc hội trong tay đa số Cộng Hòa tại cả hai viện dàn xếp được với nhau và với Hành pháp Donald Trump, kế hoạch cải cách thuế vụ có hy vọng thành công và việc giảm thuế lợi tức doanh nghiệp sẽ là một động lực đáng kể cho các tổ hợp đem tiền về đầu tư ở nhà. Đó là hiện tượng tôi gọi là "hồi hương tư bản".

Nguyên Lam : Thưa ông, một cách cụ thể thì tình hình sẽ diễn tiến ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vẫn về bối cảnh, chúng ta nên để ý tới hai hiện tượng, thứ nhất bất ổn về an ninh và kinh tế làm vàng lên giá so với Mỹ kim vì là nơi tàng trữ an toàn hơn. Thứ hai là rối loạn chính trị tại Mỹ cũng làm Mỹ kim sụt giá so với nhiều ngoại tệ khác, như đồng Euro hay đồng Yen Nhật. Việc vàng lên giá và Mỹ kim mất giá càng gây ấn tượng về sự sa sút của Hoa Kỳ. Đấy là một ấn tượng sai lầm về chính trị mà nguy hiểm về tài chính !

Thế rồi, khi lưu giữ lợi tức ở ngoài, các doanh nghiệp Mỹ không chỉ giữ đồng đô la mà còn dùng nhiều ngoại tệ khác, theo một tỷ trọng có thể là cao hơn những gì chúng ta suy đoán. Nếu doanh nghiệp đem tài sản về nước thì trước tiên phải đổi lại thành tiền Mỹ làm Mỹ kim lên giá so với các ngoại tệ kia. Thứ nữa, khi tiền Mỹ được triệt thoái về Hoa Kỳ, các nước khác sẽ bị hiếm đô la và đấy mới là vấn đề mà các nền kinh tế đang phát triển đã vay quá nhiều bằng đô la phải coi chừng vì sẽ bị biến động ngoại hối.

Nguyên Lam : Ông vừa trình bày hai chuyện là ấn tượng sai lầm về sự sa sút của nước Mỹ, thứ hai là Mỹ kim có thể khan hiếm hơn và gây biến động cho các nền kinh tế đã vay mượn quá nhiều đô la. Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày sự kiện này cho thính giả của chúng ta.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Từ đã quá lâu, cứ vài chục năm là ta lại nghe nói đến sự suy bại của nước Mỹ hay của tư bản chủ nghĩa trong khi thiên hạ ngợi ca nhiều quốc gia khác, hết Nhật Bản lại tới Trung Quốc. Sự thật thì Hoa Kỳ vẫn là siêu cường số một về kinh tế, quân sự và nhất là khoa học kỹ thuật với sức sáng tạo vượt bậc, dăm năm lại đảo lộn tổ chức sản xuất ở bên trong và chi phối các nước khác. Đối diện thì ta thấy Âu Châu bị lão hóa dân số và chưa ra khỏi nhiều khó khăn chồng chất. Bên kia Thái Bình Dương, Trung Quốc vẫn chưa thể cải cách như dự tính từ bốn năm trước và đà tăng trưởng không thể được như trong mấy chục năm khởi phát đã qua mà sẽ còn thấp hơn con số chính thức. Vì vậy, ta nên cẩn thận khi nghe nói đến sự tàn lụi của Hoa Kỳ, rồi từ đó đánh giá sai vị trí hay hối suất của đồng bạc.

Chuyện kia là khi doanh nghiệp Mỹ hồi hương tư bản thì họ có thể trả bớt nợ, mua lại cổ phần hoặc đầu tư nếu bộ máy hành chính được cải tổ cho giản lược hơn như ông Trump chủ trương và đang tiến hành. Dù sao thì việc thu hồi tư bản về Mỹ cũng làm các nền kinh tế đang phát triển tại Á Châu và Mỹ Châu La Tinh bị thiếu thanh khoản và trôi vào biến động đáng ngại. Người ta có thể chứng kiện chuyện này bắt đầu từ hai tháng nữa, vào cuối năm, và nếu đúng như vậy thì nên tự chuẩn bị.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 13/09/2017

Published in Diễn đàn
mardi, 05 septembre 2017 20:01

Trung Quốc và Nhóm BRICS

Hôm Chủ Nhật mùng ba, Chủ tịch Tập Cận Bình khai mạc thượng đỉnh của nhóm BRICS với tư thế lãnh đạo năm quốc gia có nền kinh tế mới nổi của thế giới, nhưng thời sự thực tế lại cho thấy vài sự thật khác về nhóm quốc gia này. Tiết mục Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu tại sao….

brics1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Đối thoại những nước có nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển bên lề Thượng đỉnh BRICS ở Hạ Môn, Trung Quốc hôm 5/9/2017 - AFP

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, hôm Chủ Nhật mùng ba vừa qua, nhóm BRICS gồm năm nền kinh tế mới nổi đã có thượng đỉnh thứ chín tại Trung Quốc dưới sự chủ tọa long trọng của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng tình hình thế giới lại có nhiều biến động, kể cả vụ khủng hoảng vì Bắc Hàn, khiến ít ai chú ý đến sự kiện đó. Tiết mục Diễn đàn Kinh tế xin đề nghị ông tổng hợp lại một số dữ kiện về nhóm quốc gia nói trên cho thính giả của chúng ta.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ Chủ tịch Tập Cận Bình hiện là người bất bình nhất !

Năm nay nhóm BRICS tổ chức thượng đỉnh tại thành phố Hạ Môn của Phúc Kiến là nơi mà Tập Cận Bình từng là Ủy viên Thường vụ Thành ủy và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố hơn 30 năm trước, rồi lên dần tới vị trí lãnh đạo đảng và nhà nước Trung Quốc như hiện nay. Chủ trì một hội nghị quốc tế với tâm trí chuẩn bị cho Đại hội khóa 19 của đảng vào ngày 18 tháng tới, ông ta có thể nghĩ đến sự vinh quang của đảng và sự nghiệp của bản thân sau năm năm lãnh đạo từ Đại hội 18 vào cuối năm 2012. Khốn nỗi thực tế lại cứng đầu hơn ước mơ viển vông, như ta đã thấy qua việc Bắc Hàn thử nghiệm võ khí hạch tâm loại mạnh nhất từ xưa đến nay, và làm đảo lộn nghị trình của nhóm khiến họ phải nhắc tới trong tuyên bố chung. Thật ra cả ước mơ về sức mạnh kinh tế của nhóm BRICS cũng là chuyện viển vông !

Nguyên Lam : Chúng ta khởi đi từ đó, thưa ông nhóm BRICS là gì mà ông gọi là viển vông ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Có thời gian nhìn lại thì ta thấy các nước bị uống nước đường mà say !

Số là vào năm 2001 có ông Jim O’Neill là nhân viên người Anh của tập đoàn đầu tư Goldman Sachs tại Hoa Kỳ, tiên báo rằng mươi năm tới bốn nền kinh tế trong các nước loại tân hưng hay đang lên sẽ là đầu máy tăng trưởng của các nước. Bốn nền kinh tế đó là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, viết tắt theo Anh ngữ là BRIC. Sau đấy, bốn nước tưởng thật và muốn liên kết với nhau nên từ năm 2009 thì họp thượng đỉnh, qua năm sau thì mời Cộng hòa Nam Phi tham dự, cho nên nhóm BRICS ra đời và tuần qua có thượng đỉnh thứ chín tại Trung Quốc.

Một cách phũ phàng, tôi trộm nghĩ tập đoàn Goldman Sachs muốn quảng cáo cho việc đầu tư vào các nền kinh tế đang lên mà các nước này lại tưởng rằng họ sẽ trở thành một nhóm đầy thế lực khi nội tình lại có quá nhiều khác biệt khó dung hòa. Thật ra bốn nước kia đều muốn buôn bán với Trung Quốc mà ít buôn bán với nhau và khó đưa ra quan điểm thống nhất khả dĩ thay thế vai trò đầu máy về tư tưởng và sức mạnh của các nền kinh tế công nghiệp hóa.

Nguyên Lam : Ông có thể giải thích thêm về nhận xét bi quan này không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nhìn trong dài hạn, mọi nền kinh tế vừa chuyển hướng đều tăng trưởng cao trong vài thập niên đầu, nhưng mà tăng trưởng chưa là phát triển hay sức mạnh bền vững về tài sản. Quả nhiên là từ hai năm nay, ba nền kinh tế của nhóm BRICS bị suy trầm, suy thoái, thậm chí khủng hoảng. Đó là Brazil, Liên bang Nga và Nam Phi. Còn lại, hai nước đông dân nhất Châu Á của nhóm BRICS thì vẫn đầy mâu thuẫn sâu sắc, thậm chí đụng độ quân sự dưới chân rặng Hy Mã Lạp Sơn vào tháng trước, đó là Trung Quốc và Ấn Độ.

Sự thật thì cả nhóm đều đề cao quy luật thị trường mà bên trong vẫn duy trì chế độ bảo hộ mậu dịch để bảo vệ một số khu vực trọng yếu của họ chứ chưa xây dựng nổi cơ chế thống nhất cho một thị trường chung. Mặc cảm hay ác cảm của cả nhóm với Hoa Kỳ hay khối dân chủ Tây phương chưa là chất keo sơn gắn bó với nhau. Thứ nữa, nếu muốn là đầu máy kinh tế và có ảnh hưởng trong luồng giao dịch của thế giới thì đồng bạc của họ phải là ngoại tệ được các nước sử dụng một cách phổ biến, như đồng Mỹ kim, Euro hay đồng Yen Nhật, là điều chưa thể có, kể cả với đồng Nguyên của Trung Quốc. Tại thượng đỉnh của nhóm BRICS vừa rồi, khi Tổng thống Vladimir Putin của Liên bang Nga kêu gọi các nước trao đổi với nhau mà không sử dụng Mỹ kim thì ta thấy ngay sự viển vông đó. Người ta dùng một đồng bạc vì sự tiện dụng, mức an toàn khi dự trữ tài sản và vì khả năng giao hoán rộng rãi, không vì loại phản ứng duy ý chí của quốc gia phát hành.

Nguyên Lam : Trở lại vai trò trọng yếu của Trung Quốc trong nhóm BRICS, ông nhận xét ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa :  Rốt cuộc, khái niệm BRICS chỉ cho Bắc Kinh diễn đàn và bệ phóng để tung ra vài sáng kiến phát huy ảnh hưởng, như Con Đường Tơ Lụa Nhất Đới Nhất Lộ hay Tân Ngân hàng Phát triển, New Development Bank, với tham vọng thay thế Ngân hàng Thế giới. Có lẽ vì vậy, từ Tháng Ba rồi, Bắc Kinh còn muổn mổ rộng nhóm BRICS để mời thêm nhiều nước khác tham dự, như Thái Lan, Mexico hay Ai Cập v.v…. Nhìn từ quan điểm chiến lược, Trung Quốc đang nuôi tham vọng lãnh đạo một trật tự mới của thế giới như một đối thủ của Hoa Kỳ và Chủ tịch Tập Cận Bình còn đề cao tự do mậu dịch và chủ trương toàn cầu hóa, trái ngược với lập trường hiện hành của Chính quyền Donald Trump là coi quyền lợi của Mỹ là trên hết sau khi triệt thoái khỏi Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Thành phốP.

Nhưng đấy chỉ là việc chiêu dụ và rao bán mà thôi. Thứ nhất, so sánh với những hứa hẹn hay cam kết từ năm ngoái thì đóng góp tiền bạc của Bắc Kinh cho các sáng kiến quy mô đó vẫn còn quá ít và gây thất vọng cho các nước đang cần đầu tư nước ngoài, điển hình trường hợp Brazil chưa ra khỏi khủng hoảng khi hai Tổng thống tiền nhiệm bị truy tố vì tham nhũng. Thứ hai là vụ Bắc Hàn tiếp tục hung hăng khiêu khích mà Bắc Kinh không kiềm chế nổi. Thứ ba, ngay trong nhóm BRICS, một đối thủ của Trung Quốc là Ấn Độ lại đang củng cố quan hệ với Nhật Bản và dự tính xây dựng một "Hành Lang Tự Do" nhắm vào Châu Phi với tư bản và kỹ thuật của Nhật và quan hệ kinh tế của Ấn Độ trong khu vực. Tháng Chín này, hai nước sẽ khai triển sáng kiến đó và sự bành trướng của Bắc Kinh ngoài Đông Hải rồi sự hung hăng của Bắc Hàn càng thúc đẩy sự hợp tác ấy, mà Bắc Kinh chẳng thể nào đẩy Ấn Độ ra khỏi nhóm BRICS !

Nguyên Lam : Khi nhìn vấn đề trên toàn cảnh như vậy, có lẽ thính giả của chúng ta cũng thấy rằng quan hệ giữa các nước không chỉ có yếu tố kinh tế mà còn bao gồm cả khía cạnh an ninh vì hành lang kinh tế mà Nhật Bản và Ấn Độ mong muốn thực hiện cũng mặc nhiên giảm tầm ảnh hưởng của Con Đường Tơ Lụa mà Trung Quốc đang muốn thực hiện. Thưa ông Nghĩa, kết luận ở đây là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Các nước đang phát triển đã hão huyền tin vào khẩu hiệu viển vông mà không tự cải cách từ bên trong cho người dân của mình. Khi thấy thiên hạ vẽ ra nhãn hiệu dán lên một chai rỗng thì chui đầu vào chai. Vào trong rồi họ mới thấy quá nhiều khác biệt nên không thể sống chung, rồi mới bắt đầu lục đục. Với sản lượng kinh tế hạng nhì thế giới, Trung Quốc có thể dùng nhãn hiệu BRICS để tuyên truyền cho thế lực của mình qua một số sáng kiến huê dạng hào nhoáng. Nhưng màn tuyên truyền ấy lại gây nghi ngại cho nước khác. Vào đúng ngày khai mạc thượng đỉnh BRICS tại Hạ Môn thì Bắc Hàn lại gây rối với việc thử bom khinh khí và di chuyển hỏa tiễn liên lục địa khiến an ninh lại trở thành một ưu tiên cho các nước. Người ta có thể chơi chữ mà gọi nhóm BRICS là một đống gạch, nhưng lại thiếu xi măng và bị trái bom của Bắc Hàn thổi vào cõi ảo !

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích đầy tính châm biếm kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 05/09/2017

Published in Diễn đàn