Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trò chuyện với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa

Tuấn Khanh : Sự kiện ông Trịnh Vĩnh Bình đang thắng thế trong cuộc chiến với Nhà nước Việt Nam, đòi 28.000 tỉ đồng, đang nhắc một chuyện rằng chưa nào giờ nền kinh tế của Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn như hiện nay : nợ công tăng, tiền của nhiều dự án phải trả, cũng như hơn 200.000 tỉ đồng cần thanh khoản cho hệ thống nhà nước vào cuối quý 4 này. Nhiều người đồn đoán về một cú khủng hoảng lớn hay suy sụp của Việt Nam sắp tới, liệu điều đó có khả năng xảy ra không, thưa ông ?

oan1

Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa : Đầu tiên, tôi muốn định nghĩa là thế nào là suy sụp. Tôi lấy ví dụ là năm 1997, Thái Lan đã trãi qua một giai đoạn tăng trưởng rất nhanh trong 8 nước có chủ trương tân hưng. Rồi bất ngờ vào ngày 2/7/1997 thì Thái Lan rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính, kéo dài đến 10 năm. Điều này tác động đến nhiều thứ thay đổi ở Thái. Trở lại định nghĩa suy sụp, tôi tin rằng chọn một mô hình phát triển kinh tế thì bao giờ cũng gặp phải những khủng hoảng và suy sụp nhất định ở các mặt. Có thể là 5 năm, có thể là 10 năm. Nhưng khủng hoảng về chính trị thì dễ chữa chứ còn khủng hoảng về văn hóa thì khó chữa hơn. Điều mà tôi ngại ở Việt Nam là vấn đề đó, tức tan nát từ văn hóa, đặc biệt khi Việt Nam ở bên cạnh Trung Quốc.

Trong bối cảnh mà thế giới cứ khoảng 5 năm lại bùng phát các đợt sáng tạo và thay đổi, thì sự suy sụp mà ta nói đến, sẽ kéo Việt Nam trì trệ sâu hơn, oan uổng cho tài sức của người Việt, của dân tộc Việt.

Tôi không nói Việt Nam sẽ sụp đổ về tài chính công, tức nói thẳng là nợ, mà sẽ gặp căng thẳng vô cùng về ngoại hối. Vì lẽ trong giai đoạn 2008-2014 đồng Mỹ kim trị giá thấp, ai nấy đều vay tiền Mỹ. Nay thì tiền Mỹ có giá hơn nên nợ trở nên cao hơn. Đặc biệt là chuyện vay nhiều rồi dùng sai mục đích, tham nhũng, chia chác… thì không có cách gì trả nổi. Và chính giai đoạn đó sẽ dẫn đến đổ vỡ nhiều thứ và nhiều hậu quả, kể cả mất luôn các cơ hội tăng trưởng cùng nhịp với thế giới. Nhưng để gọi là suy sụp hay sụp đổ một chế độ thì không đơn giản là dựa vào các yếu tố như vậy.

Tuấn Khanh : Nhà nước cộng sản Việt Nam lâu nay vẫn kềm giữ sự bình ổn trong xã hội bằng bẫy thu nhập trung bình. Thế nhưng các vấn đề tài chính gần đây đã bắt đầu có những tác động như qua việc tăng thuế, tăng giá sinh hoạt… Sự liên kết phản ứng của giới tài xế trước việc lạm thu BOT ở Cai Lậy cũng là một chỉ dấu tạm gọi, về sự bất mãn của giới trung lưu. Đó có là những vấn đề liên quan đến khía cạnh chính trị, dù chưa rõ ràng ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ là chỉ một phần thôi. Vấn đề của giới trung lưu có hai mặt. Mặt kinh tế thì họ sẽ nhận thức xã hội khác đi khi họ bị mất quyền lợi thu nhập như trước. Nói nôm na là nghèo đi. Còn mặt ý thức chính trị thì luôn luôn là một ẩn số. Bởi trình độ văn hóa và tư duy về luật pháp-xã hội ở mỗi quốc gia đều khác nhau. Nhìn về Hàn Quốc, thì phải có một tầm mức nhận thức chung nào đó thì giới trung lưu mới cùng với dân chúng cùng xuống đường bãi nhiệm bà tổng thống Park Geun-hye như vậy.

Tôi thì quan tâm nhiều hơn đến thành phần gọi là trung lưu thấp, hoặc giai cấp nghèo hơn, vì ít ai để ý đến họ. Báo chí nước ngoài đến Việt Nam phỏng vấn thường tìm đến những người biết tiếng Anh, chứ ít khi nào gặp những bà cụ ở thôn quê hay gia đình những ngư dân chết dở sống dở vì biển bị nhiễm độc. Đó mới chính là tầng lớp phản ánh đúng về cuộc sống và mang khát vọng thay đổi xã hội lẫn chính trị.

Tuấn Khanh : Nhân dịp ông nói về giới "trung lưu thấp", chúng ta hãy bàn về giới "trung lưu cao". Nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn cố tạo một mặt bằng bình ổn cho giới này làm ăn, đầu tư và tạo ra một mặt bằng của Việt Nam có vẻ phồn vinh trong suốt giai đoạn hội nhập với thế giới. Nhưng rõ ràng là các lồng luật pháp nhốt giới trung lưu ngày càng chật với sự thành đạt của họ, đó là chưa nói về lớp đại gia như Phạm Nhật Vượng, Bùi Thành Dương, Trần Bá Nhơn… chẳng hạn. Liệu để đảm bảo cho quyền lợi và tương lai làm giàu của mình không bị tổn hại, giới này có tham gia tác động vào những thay đổi chính trị hay không ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Cũng có những lớp trung lưu nhận ra điều đó, nhưng không nhiều ở Việt Nam, bởi cái khó riêng của nó. Ở các nước khác, chẳng hạn như Đài Loan hay Hàn Quốc họ chấp nhận phần mất mát quyền lực của nhà cầm quyền để đất nước đổi thay qua các thời điểm tranh cử. Quốc Dân Đảng của Lý Đăng Huy hay Nam Hàn với Kim Đại Chung là những ví dụ rất rõ. Việt Nam không có đa nguyên đang đảng nên giới trung lưu ái quốc và tiến bộ hiện nay chỉ có thể nghĩ đến chuyện thay đổi kinh tế hay vậy chất mà thôi. Bị bao bọc bằng các luật lệ về chính trị nguy hiểm nên họ chỉ có thể mơ đến chuyện làm giàu và làm sao để không va chạm với thể chế. Và đó là cái dở, là ngõ cụt của giới trung lưu tiến bộ và ái quốc. Quan chức khuyến khích chỉ nên làm giàu chứ không nên đụng đến chính trị, nhưng với Việt Nam khi đã khủng hoảng chính trị đến, thì mọi thứ sẽ bị kéo sát đáy.

Nhắc về quá khứ, Nam Hàn và Việt Nam Cộng Hòa có cùng một trình độ phát triển. Nhưng Việt Nam thì lại kẹt vào chiến tranh. Ngay lúc đó, Park Chung-hee đã yêu cầu giới kinh tế gia phải phác thảo những kế hoạch 10 và 20 năm cho nhu cầu phát triển kinh tế đất nước, từ đó các tập đoàn tư doanh lớn ra đời, đặt nền móng cho các thương hiệu và nền sản xuất lớn của Nam Hàn về sau. Riêng Việt Nam thì khác, chẳng hạn công ty điện lực nhà nước tự mọc ra một loạt các công ty con (cũng của nhà nước) để chia chác, mua bán, tham nhũng. Rồi các công ty con nào đó của Bộ quốc phòng chia chác, lạm dụng đất đai của dân chúng để làm giàu thì không là kế hoạch phát triển cho tương lai, thì chỉ là dự báo cho những khủng hoảng sẽ đến. Ngay cả Trung Quốc giàu mạnh vậy mà cũng đang vướng vào những chuyện khó gỡ tương tự thì Việt Nam không thể chạy khỏi.

Có thể trong con cháu của những người lãnh đạo, cũng có người có lòng nghĩ đến nước nhà nhưng chắc chỉ có một thiểu số nghĩ đến việc thay đổi chính trị. Nhưng với lợi thế của mình, phần lớn họ chỉ dám nghĩ đến việc làm giàu trước đã vì chính họ cũng nghĩ rằng các cơ hội như vậy sẽ không còn dài, trong một xã hội hay nền chính trị đầy bấp bênh trước mắt.

Tuấn Khanh ghi

Nguồn : RFA, 30/08/2017 (tuankhanh's blog)

Published in Diễn đàn
mardi, 29 août 2017 13:43

Hiệu ứng Harvey và dầu khí

Trận bão Harvey từ Vịnh Mexico giập vào tiểu bang Texas, nơi có thành phố Houston và vùng phụ cận là một trung tâm dầu khí lớn nhất của Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài các tổn thất về nhân mạng và kinh tế do một vụ thiên tai kinh hoàng đang giáng xuống nước Mỹ, người ta có thể tự hỏi về hiệu ứng hay hậu quả cho lĩnh vực năng lượng, gồm có dầu thô và xăng dầu. Mục Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu chuyện này - và còn nhìn xa hơn vậy, tới tận Trung Quốc….

hieu1

Các nhân viên cứu hộ tình nguyện di tản người dân tại một khu dân cư bị ngập lụt sau cơn bão Harvey vào ngày 29 tháng 8 năm 2017 tại Houston, Texas. AFP

Nguyễn Tuấn : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông Nghĩa, khi trận bão Harvey bùng lên với cường độ dữ dội bất ngờ thì Nguyên Lam nhớ tới một sự so sánh giữa việc tiên đoán khí tượng hay thủy văn với tiên đoán kinh tế. Khoa học dự đoán về hiện tượng khí hậu của thiên nhiên mà còn gặp bất ngờ và dự báo sai, huống hồ là dự đoán kinh tế, vốn dĩ còn bị ảnh hưởng khó lường do tâm lý của cả triệu người ở khắp nơi. Dầu như vậy, tiết mục chuyên đề của chúng ta vẫn cố dự báo một số hậu quả kinh tế của trận bão Harvey trong lĩnh vực năng lượng. Ông nghĩ sao về việc đó ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thật ra, tôi nghĩ chức năng chính của kinh tế gia là phân tích hơn dự báo nên họ thường châm biếm nhau, đại để rằng các nhà kinh tế dự báo lầm chín vụ suy trầm kinh tế trong sáu vụ đã xảy ra tron thực tế ! Với tôn chỉ ấy, chúng ta có thể phân tích tình hình sau khi cầu mong là thiệt hại nhân mạng của trận Harvey không quá thảm khốc, chứ về kinh tế thì tổn thất nói chung có thể là trăm tỷ đô la chứ không ít. Thứ hai, khi phân tích thì ta cần mở giác độ để nhìn sự thể trên toàn cảnh, ngày nay đã là toàn cầu, hầu có thể thấy được hậu quả gần xa. Thứ ba, nếu ra khỏi không gian mà nhìn vào thời gian thì mình còn rút tỉa được nhiều kết luận khác trong trường kỳ, là chủ đề của tiết mục kỳ này.

Trong lĩnh vực năng lượng như Nguyên Lam hỏi, trước hết tôi xin đề nghị là ta cần phân biệt dầu và xăng, từ dầu đến xăng phải có nhà máy lọc dầu thành xăng. Trung tâm Houston và vùng phụ cận có nhiều nhà máy lọc dầu bị tê liệt cả tháng trời cho nên sản lượng là xăng sẽ giảm và khi số cung giảm thì giá xăng sẽ tăng, là điều thị trường đã dự báo. Thứ nữa, nói đến cái gốc ở đầu vào là dầu thô, ta cần phân biệt hai loại, dầu thô đào lên từ ngoài khơi của Vịnh Mexico có thể giảm vì các giàn khoan phải ngưng hoạt động từ một tuần nay, nhưng sản lượng dầu thô trong lục địa thì chưa và sản lượng chung sẽ không sụt như nhiều người nghĩ. Khi số cung về dầu không giảm mà số cầu lại sụt vì các nhà máy lọc dầu bị tê liệt, ta sẽ thấy hiện tượng gọi là "thừa dầu thiếu xăng". Hậu quả trước mắt là xăng tăng giá nhưng dầu sụt giá !

Nguyễn Tuấn : Thưa quý thính giả, ông Nghĩa vừa giải thích mấy yếu tố về cung cầu và giá cả khiến chúng ta hiểu ra sự kiện bất ngờ từ mấy ngày qua là giá xăng trên thị trường có hạn kỳ trong tương lai ngắn hạn đã tăng trong khi giá dầu thô lại giảm. Thưa ông, hậu quả sẽ là gì ?

hieu2

Một nhà máy lọc dầu sau trận bão Harvey vào ngày 29 tháng 8 năm 2017 tại Deer Park, Texas. AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa :  Việc cần phân biệt kế tiếp là lương thực và năng lượng. Lương thực là sản phẩm sinh tử, không có thì chết. Năng lượng là sản phẩm chiến lược vì cần thiết cho sự vận hành về sản xuất. Trận bão Harvey không thể đánh sụt số cung về nông sản và lương thực nên không gây nạn đói như ta đã thấy tại Venezuela từ vài năm nay. Vì vậy, hậu quả không là bài toán sinh tử cho nước Mỹ quá giàu mạnh rộng lớn, lại có cơ sở yểm trợ tỏa rộng với kinh nghiệm tích lũy từ nhiều vụ thiên tai trước đây.

Nhưng năng lượng lại khác. Năng lượng như xăng dầu là sản phẩm chiến lược nên dù tăng giá thì mọi người vẫn cần, kinh tế học gọi đó là sự đàn hồi co giãn rất thấp của số cầu, nôm na giá tăng mà số cầu không giảm. Tổn thất kinh tế nằm ở chuyện giá tăng mà số cầu không giảm. Tiền bạc cho việc phục hồi tái thiết có thể lên tới trăm tỷ đô la là phí tổn phải lấy từ đâu ra, trong đó có cả chi phí bảo hiểm lẫn giá xăng gia tăng mà người ta vẫn phải tiêu thụ. Những ai cho rằng trận bão Harvey khiến các nơi bị nạn sẽ phát triển mạnh sau nảy thì không hiểu ra mất mát tài sản và phí tổn tái thiết khi xăng lên giá.

Nguyễn Tuấn : Ông Nghĩa vừa gián tiếp giải thích trận bão Harvey có gây tổn thất thực tế mà ngân sách cứu trợ và tái thiết vẫn là sự mất mát không đền bù được vì là tiền lấy từ nơi khác. Thưa ông, thế còn bài toán năng lượng khi cả khu vực Houston bị chìm trong lũ lụt, thị trường dầu khí sẽ bị hiệu ứng ra sao trong thời gian tới ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa :  Thưa là nhìn vào cái trục không gian ở ngoài Texas và trục thời gian lâu dài, ta thấy thế kỷ 21 có hai hiện tượng nổi bật. Thứ nhất số cầu về dầu khí tại các nước đang phát triển, thí dụ Trung Quốc là xứ thiếu nước, đói ăn và khát dầu. Trong khi các nước công nghiệp hóa đã cải tiến hiệu năng tiêu thụ, là cần ít xăng dầu hơn để có cùng một sản lượng, thì số cầu đó của các nước đang phát triển vẫn tăng, làm giá dầu tăng vọt tới trăm đô la một thùng vào năm 2008. Hiện tượng kia là cách mạng thuật lý hay technology revolution, tạm gọi là gạn cát ra dầu, hay fracking. Cuộc cách mạng ấy khiến Hoa Kỳ tăng số cung làm giá dầu thô khí đốt đều giảm, là điều ta thấy từ năm 2014.

Dù dữ dội kinh hoàng, trận bão Harvey không làm các giếng dầu bỏ túi của kỹ thuật fracking nằm sâu trong lục địa bị sụt nên số cung về dầu khí không giảm mạnh như người ta lo sợ : Hoa Kỳ vẫn có thể cung cấp khoảng một triệu thùng một ngày nhờ công nghệ gạn đá phiến ra dầu. Thị trường năng lượng không dao động mạnh bằng vài cái hỏa tiễn đạn đạo mà Bắc Hàn vừa bắn qua lãnh thổ Nhật Bản khiến Âu Á gì đều thất kinh !

Nguyễn Tuấn : Vì thời lượng của chúng ta có hạn, Nguyên Lam xin đề nghị ông nêu kết luận về hiệu ứng của trận bão Harvey cho thị trường năng lượng. Thưa ông, người ta có thể rút tỉa được bài học gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thế giới cứ vội nói đến sự suy tàn của Hoa Kỳ, sau một thiên tai như Katrina năm 2005 hay Harvey năm nay, hoặc như ông Donald Trump đắc cử Tổng thống. Chúng ta nên quen dần với sự hàm hồ đó. Vụ Harvey sẽ cho thấy Hoa Kỳ có một thị trường năng lượng rộng lớn, sâu xa và ổn định do khả năng tự cung cấp bên trong lục địa Bắc Mỹ mà thiên tai hay bão tố không thể đánh xập được. Trong khi đó, thế giới bên ngoài có quá nhiều bất ổn, từ Trung Đông, Trung Á tới Đông Âu hay Đông Bắc Á và cả Trung Nam Mỹ với xứ Venezuela có thể vỡ nợ trên giếng dầu. Ngần ấy bất ổn đều chi phối số cung cầu và giá cả của dầu khí là sản phẩm mà các nước không có không được. Các nước có thể bị khủng hoảng năng lượng chứ nước Mỹ thì không.

Khi ấy ta mới thấy Hoa Kỳ vẫn giữ vị trí chủ chốt của toàn cầu từ an ninh đến kinh tế. Thí dụ như quyết định cấm xuất khẩu dầu thô của Hành pháp Donald Trump hay của Quốc hội sẽ làm sụt số cung và đưa giá dầu lên trời làm Trung Quốc vất vả vì vẫn thiếu dầu. Hoặc ngược lại, việc cải thiện hiệu năng sản xuất sau vụ Harvey sẽ nâng số cung trên toàn cầu làm giá dầu vẫn nằm ở khoảng năm sáu chục đồng một thùng trong nhiều năm tới, khiến các nước bán dầu như Liên bang Nga hay khối Á Rập Trung Đông càng thêm khốn đốn. Trận bão Harvey cho thấy một bất ngờ khác là tiềm lực nội tại của nước Mỹ, trong khi các quyết định của chính trường Hoa Kỳ lại làm nhiều quốc gia khác bị điêu đứng !

Nguyễn Tuấn : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyễn Tuấn thực hiện

Nguồn : RFA, 29/08/2017

Published in Diễn đàn

Ngoài vụ khủng hoảng Bắc Hàn, Trung Quốc còn gặp sức ép về mậu dịch của Hoa Kỳ, mà bên trong lại có một bài toán nghiêm trọng hơn cho kinh tế Trung Quốc. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về những hồ sơ rắc rối này.

chui1

Trước cuộc họp cấp cao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Bắc Kinh, ngày 15 tháng 8 năm 2017. AFP

Sức ép mậu dịch của Hoa Kỳ

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, chấp hành Nghị quyết Trừng phạt của Hột đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ đề nghị, hôm Thứ Hai 14, Bộ Thương Mại Bắc Kinh thông báo sẽ ngưng nhập khẩu than, quặng sắt, chì và thủy sản của Bắc Hàn. Nhưng hôm sau, cũng Bộ Thương Mại Bắc Kinh lại hăm dọa trả đũa Hoa Kỳ vì Tổng thống Donald Trump vừa chỉ thị cho Đại diện Thương mại Mỹ điều tra để xác định xem chính sách thương mại của Trung Quốc có làm doanh nghiệpMỹ bị thiệt hại về sở hữu trí tuệ hay không. Hai động thái trái ngược ấy khiến ta nên tìm hiểu thêm về quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, ông nghĩ sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trong vụ này, tôi cho rằng chúng ta có một lúc khá nhiều vấn đề, trước hết là chuyện Bắc Hàn, sau đó là quan hệ buôn bán giữa kinh tế Trung Quốc với Hoa Kỳ, nhưng chìm sâu bên dưới còn có nhiều chỉ dấu đáng ngại hơn ngay trong nội tình Trung Quốc.

Trước hết, về vụ Bắc Hàn thì dư luận cho rằng kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm để tấn công Hoa Kỳ sẽ gây nguy cơ chiến tranh giữa Mỹ và Bắc Hàn. Sự thật lại chẳng đơn giản như vậy và sau một tuần e ngại đại chiến, thế giới đã thở phào nhẹ nhõm. Vấn đề không là quan hệ giữa xứ Bắc Hàn nghèo đói và hung hăng với một siêu cường toàn cầu là Hoa Kỳ mà liên can tới sáu nước và chúng ta nên dùng "thuyết đấu trí" hay "game theory" thì hiểu ra những tính toán của từng nước mà dự báo tình hình. Trong cuộc đấu, ta thấy có sáu nước là Bắc Hàn, Nam Hàn, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và cả Liên bang Nga. Mối tương tác giữa các nước ấy mới có ảnh hưởng thật. Thứ hai, trong quan hệ đa diện ấy, Bắc Hàn, Trung Quốc và Hoa Kỳ muốn gì ?

Nguyên Lam : Nếu vậy, xin ông khởi sự từ ba quốc gia này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Cả ba nước đều muốn tránh chiến tranh, kể cả Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên mà ta quen gọi là Bắc Hàn. Lãnh đạo xứ này vốn chẳng tin ai, từ Liên Xô thời xưa tới Trung Quốc hay Liên bang Nga ngày nay mà chỉ muốn chế độ tồn tại với giấc mơ thống nhất bán đảo Triều Tiên dưới sự thống trị của mình. Họ đóng một lúc ba vở kịch là một chế độ hung đồ hiếu sát, có nền kinh tế kiệt quệ rất dễ sụp đổ và gieo họa cho lân bang là Trung Quốc và có lãnh đạo khùng điên khiến ai cũng sợ mà tránh gây hấn với một chế độ bất thường. Việc chế tạo võ khí hạch tâm theo đuổi từ mấy chục năm nay là để có thế mạnh nhằm thương thuyết với Hoa Kỳ sự tồn tại của chế độ rồi việc triệt thoái quân đội Mỹ ra khỏi bán đảo.

Nhưng giấc mơ thống nhất đó của Bắc Hàn lại khiến Bắc Kinh e ngại, vả lại, Nam Hàn là cường quốc bạn hàng của Trung Quốc và việc Mỹ duy trì quân đội tại Nam Hàn sau hiệp ước đình chiến năm 1953 là điều khó chịu cho Bắc Kinh mà họ chẳng làm gì được. Vì vậy, nếu Bắc Hàn gây hấn vừa đủ thì Bắc Kinh có thế đàm phán với Nam Hàn và Mỹ để bảo vệ quyền lợi của mình, nhưng nếu Kim Chính Ân làm quá thì Bắc Kinh cũng ngại. Các mục tiêu mâu thuẫn đó giải thích vì sao Bắc Kinh đồng ý với nghị quyết trừng phạt Bắc Hàn và vừa tuyên bố là sẽ cho thi hành mà chưa chắc đã thật lòng. Nghịch lý ở đây là Bắc Kinh không muốn Bắc Hàn sụp đổ mà cũng chẳng muốn Bắc Hàn hung hăng quá mức.

Nguyên Lam : Thưa ông, còn Hoa Kỳ tính toán những gì về bán đảo Triều Tiên và cả cục diện Đông Á ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ Hoa Kỳ là siêu cường có thể quyết định về số phận của bán đảo mà còn có ba mục tiêu trong cả khu vực Đông Á : 1/ là tránh việc Bắc Hàn tiến hành và phổ biến võ khí hạch tâm qua nơi khác, là chế độ Hồi giáo hung đồ như Syria hay Iran hay các tổ chức khủng bố Hồi giáo ; 2/ duy trì tương quan lực lượng bấp bênh hiện nay để không xứ nào có thể thách đố quyền tự do lưu thông ngoài biển từ Đông Bắc Á tới Đông Nam Á ; và 3/ trấn an các đồng minh như Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan và nhiều nước Đông Nam Á về khả năng bảo vệ chiến lược của mình. Vì ba mục tiêu ấy, Hoa Kỳ phải chống một lúc hai việc là hỏa tiễn có đầu đạn hạch tâm của Bắc Hàn, lẫn ảnh hưởng lan rộng của Bắc Kinh, mà không gây ra rủi ro chiến tranh. Phải nói thêm là ông Donald Trump ra vẻ hung hăng không chỉ để răn đe Bắc Hàn mà còn nhắm vào Bắc Kinh và các chế độ Hồi giáo chống Mỹ.

Yếu tố mới là Chính quyền của ông lại giàng an ninh vào quan hệ kinh tế và dùng cả hai vế an ninh lẫn kinh tế làm đòn bẩy khi đàm phán với Bắc Kinh. Việc đòi trừng phạt Bắc Kinh tội vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Mỹ nằm trong hướng đó. Có lẽ ta đang chứng kiến màn đấu khẩu thay cho đấu lực trong khi Bắc Kinh vẫn thích chuyện buôn bán chui ! Vả lại, trước khi có Nghị quyết trừng phạt Bắc Hàn thì Bắc Kinh đã đơn phương hạn chế việc nhập khẩu quặng sắt từ xứ này mà chẳng ngăn được Bắc Hàn cứ thử nghiệm võ khí tàn sát. Ta có thể suy ngẫm rằng Bắc Hàn không sợ vì sức ép của Bắc Kinh cũng chỉ là một màn kịch thôi và chính vì vậy Hoa Kỳ càng phải gây thêm áp lực kinh tế với Trung Quốc.

chui2

Tàu hàng Trung Quốc bị mắc cạn được chụp ngày 14 tháng 8 năm 2017.AFP

Nguyên Lam : Thưa ông, những áp lực đó từ phía Hoa Kỳ sẽ thể hiện ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thế giới bên ngoài ít biết là Hoa Kỳ có một rừng luật lệ phức tạp về ngoại thương, nhưng chủ yếu lại cho Hành pháp lấy nhiều quyết định mà khỏi cần thông qua Quốc hội. Khi Chính quyền Trump quan niệm ngoại thương cũng là an ninh, Nội các của ông có thể vận dụng nhiều đạo luật cho phép trừng phạt mọi đối tác xâm phạm an ninh của Hoa Kỳ. Chuyện Bắc Hàn hiển nhiên là yếu tố an ninh, nhưng việc bảo vệ ngành thép của Mỹ cũng vậy, là điều có quy định trong một đạo luật thương mại mở rộng vào năm 1962 và đã được Chính quyền Trump viện dẫn để trừng phạt ngành thép của Trung Quốc.

Bây giờ, Nội các Donald Trump vừa viện dẫn khoản 301 trong đạo luật thương mại năm 1974 để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Mỹ. Lý do là Bắc Kinh bắt doanh nghiệp Mỹ mà liên doanh với doanh nghiệp Trung Quốc thì phải chia sẻ kiến năng về tổ chức kinh doanh, và nhất là loại công nghệ hay thuật lý tiên tiến, là high technology. Chính sách thương mại ấy giúp Bắc Kinh thủ đắc kỹ thuật của thiên hạ để có lợi thế cạnh tranh và gây thiệt hại cho Mỹ. Thành thử, lồng trong hồ sơ an ninh của Bắc Hàn ta còn thấy một nguy cơ khác là chiến tranh mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là điều thật ra Bắc Kinh cũng ngại và muốn tránh. Nhưng thà là chiến tranh mậu dịch hơn là chiến tranh hạch tâm ở gần biên giới của Trung Quốc !

Nội tình kinh tế Trung Quốc

Nguyên Lam : Như ông vừa phân tích thì các quốc gia theo đuổi một lúc nhiều mục tiêu nên bật ra nhiều tín hiệu đôi khi trái ngược khiến cho nước kia khó đoán và tất cả có thể nằm trong một cuộc đấu trí kinh tế để tránh đấu lực quân sự. Bây giờ, thưa ông, bước qua chuyện kinh tế thì ông thấy có chỉ dấu gì là đáng ngại trong nội tình của Trung Quốc ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ Bắc Kinh cứ thích buôn bán chui với chế độ hung đồ, chẳng ngờ là bị một mối nguy khác ở bên trong là hiện tượng "ngân hàng chui" hay shadow banking !

Một cách đơn giản thì khi ngân hàng cấp phát tín dụng, luật lệ ngân hàng đòi hỏi bút ghi các khoản nợ đó trong sổ sách ngân hàng, cụ thể là trong bảng kết toán tài sản, với một bên là tiền ký thác nhận vào và bên kia là tiền cho vay ra. Nhiều ngân hàng Trung Quốc đã sáng tạo để tránh luật, bằng cách cho vay ngoài sổ sách, là không bút ghi nghiệp vụ tín dụng hay đầu tư vào loại sản phẩm gọi là "quản lý tài sản". Vì vậy tôi mới gọi là ngân hàng chui. Lý do của họ là kiếm lời, nhưng lại gây rủi ro vì cho vay ra mà không có mức dự trữ ngự phòng tương ứng.

Hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã bị một tai ách là có núi nợ quá lớn, bên trong có loại nợ xấu, là nợ không sinh lời, khó đòi và sẽ mất. Nhưng trong loại ngân hàng chui thì tỷ trọng nợ ung thối còn cao gấp bội. Xưa nay, chẳng ai biết khối nợ ngoài sổ sách ấy lên tới bao nhiêu mà chỉ có thể phỏng đoán. Gần đây, Bắc Kinh ra lệnh khảo sát và công bố loại nợ ấy mà ta mới thấy nó cao gấp ba những dự đoán trước đây, có thể là bằng bốn ngàn tỷ đô la.

Nguyên Lam : Thưa ông vì sao chuyện ấy mới là một mối nguy đáng sợ ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vì thời lượng có hạn, tôi xin được giản lược trình bày cái chuỗi nhân quả như thế này và sẽ phân tích thêm vào một chương trình khác. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc muốn kiếm lời trong lĩnh vực bất động sản và thiếu tiền thì đi vay, kể cả vay hệ thống ngân hàng chui. Lĩnh vực đó có kích thích khu vực xây dựng và tạo ra việc làm nhưng với tiền quá rẻ và vay quá dễ thì cũng thổi lên bong bóng đầu cơ. Bây giờ bóng bể thì giá nhà đất hay tài sản đầu tư đều sụt, các doanh nghiệp phá sản, ngân hàng mất nợ và kế tiếp sẽ là khủng hoảng tài chính lẫn suy trầm kinh tế, khi lãnh đạo chuẩn bị Đại hội khóa 19 vào vài tháng tới. Chuyện ấy còn nguy hơn vụ Bắc Hàn !

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này và xin hẹn một kỳ khác ta sẽ nói vệ hệ thống ngân hàng chui của Trung Quốc.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 17/08/2017

Published in Diễn đàn

Cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng với cả chục người đang bị điều tra tại Việt Nam cho thấy trách nhiệm nghiêm trọng của Ngân hành Nhà nước. Nhưng có lẽ vấn đề lại còn sâu xa hơn vậy.

tham1

Ông Trầm Bê, cựu lãnh đạo ngân hàng Sacombank vừa bị bắt. RFA

Chu kỳ thăng giáng kinh tế

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, dư luận Việt Nam đang xôn xao về việc cả chục viên chức ngân hàng bị điều tra vì sai phạm trong nghiệp vụ làm thất thoát mấy trăm ngàn tỷ đồng, với nạn nhân sau cùng là người dân. Theo dõi việc này, ông giải thích thế nào về hiện tượng đó ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Người ta ưa chú ý đến chu kỳ thăng giáng kinh tế, tôi thì nghiệm thấy là cứ mươi năm Việt Nam lại có một chu kỳ khủng hoảng trong hệ thống tài chính ngân hàng. Chỉ vài năm sau khi đổi mới kinh tế, Việt Nam có các hợp tác xã tín dụng bị khủng hoảng vào đầu thập niên 1990. Đến cuối thập niên thì xảy ra vụ Minh Phụng – Epco với sự sai phạm của nhiều cán bộ ngân hàng. Qua năm 2008 thì có nạn bể bóng đầu cơ bất động sản làm nhiều ngân hàng phá sản, nối tiếp là vụ "Bầu Kiên" và Huyền Như với nhiều cán bộ ngân hàng lãnh án tù. Bây giờ có vụ Trầm Bê và Phạm Công Danh… Tôi xin đề nghị là ta chú ý đến từ "cán bộ" và số tiền sai phạm ngày càng cao, nay đã lên tới cả ngàn tỷ bạc.

Một số nhà nghiên cứu nói đến trách nhiệm rất nặng của Ngân hàng Nhà nước vì luật lệ thiếu phân minh, người khác thì chú ý tới phương thức gọi vốn kinh doanh qua ngân hàng thay vì qua thị trường cổ phiếu. Có lẽ vấn đề nó sâu xa hơn vậy và đây là cơ hội tìm hiểu về kinh tế chính trị học của tham nhũng. Trước hết, tham nhũng là hiện tượng xảy ra trong vùng tiếp cận giữa kinh tế và chính trị : dùng đặc quyền chính trị để kiếm đặc lợi kinh tế thì đấy là tham nhũng.

Nguyên Lam : Chúng ta sẽ khởi đi từ đó, từ hiện tượng ông gọi là "kinh tế chính trị học" của nạn tham nhũng, xảy ra trong vùng tiếp cận giữa kinh tế và chính trị. Thưa ông, chẳng lẽ tham nhũng cũng là hiện tượng kinh tế xuất phát từ chính sách hay luật lệ của hệ thống công quyền ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đúng vậy. Đặc tính của mọi chính quyền là khả năng hay thẩm quyền làm luật nhằm chi phối người khác. Khi ấy, từng bước ta nên hỏi làm luật để làm gì và có lợi cho những ai ? Mọi chính quyền dù dân chủ hay độc tài đều có hướng chung là ban hành luật lệ nhằm bảo vệ quyền lợi cho một thành phần xã hội hay dân chúng có khả năng ủng hộ chính quyền. Thật ra thì các doanh nghiệp cũng thế, họ lấy quyết định kinh doanh có lợi cho thành phần cổ đông chiếm đa số và chịu sự phán xét của thị trường qua giá cả. Khi thành phần cốt cán đó mà đông thì đa số tương đối có lợi, là trường hợp của các xã hội dân chủ, mặc dù sai phạm hay tham nhũng vẫn xảy ra sau khi bị báo chí tố giác. Khi đa số được tham gia vào tiến trình quyết định thì hiện tượng bất công hay bất lương thường khó xảy ra.

Chế độ dân chủ - chế độ độc tài

Nguyên Lam : Ông vừa nêu ra một ý hơi lạ là các chính quyền hay doanh nghiệp đều có chung động thái là lấy quyết định về chính sách có lợi cho một thành phần nào đó. Thí dụ như doanh nghiệp có hội đồng cổ đông là các chủ đầu tư có thẩm quyền phán xét quyết định kinh doanh, thậm chí thay thế viên chức lãnh đạo, dù người đó có thể là sáng lập viên ban đầu. Trong xã hội dân chủ thì kết quả bầu cử cũng tương tự như sự phán xét của dư luận hay của thị trường và dẫn tới thay đổi về nhân sự, về chính sách hay luật. Thế thì trong các xã hội độc tài, hiện tượng tham nhũng đó xảy ra như thế nào ?

tham2

Ông Tăng Minh Phụng ngày chờ thụ án. Courtesy of Báo Xây dựng

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trong xã hội độc tài, ta gặp hiện tượng kinh tế học gọi là "quả đầu" hay "oligarchy" là sự tập trung quyền lực trong tay một thiểu số. Nếu thiểu số ấy lại có quyền ban hành luật lệ và quy định về ngân hàng, thậm chí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lại là Ủy viên Bộ Chính Trị của một đảng độc quyền như ở Việt Nam thì hệ thống ngân hàng trở thành trung tâm thu hút tài nguyên cho các đại gia và dẫn tới đại án lâu lâu lại bùng nổ, là điều đang xảy ra. Trường hợp Trung Quốc cũng tương tự. Vì vậy, ta chẳng nên ngạc nhiên là chiến dịch gọi là diệt trừ tham nhũng thường xuất hiện một cách định kỳ trong xã hội độc tài, rồi đâu lại vào đấy : nhà tù mở ra cho một số cán bộ ngân hàng bị tội sai phạm, nhưng cơ hội cũng mở ra cho nhiều đại gia mới, bỗng dưng trở thành tỷ phú rất nhanh.

Điều mỉa mai là các chính quyền tự xưng "xã hội chủ nghĩa" hoặc đề cao công bằng xã hội cũng là nơi mà tham nhũng lên tới thượng tầng chính trị như ta đã thấy từ mấy chục năm tại Cuba và ngày nay tại một xứ đang bị khủng hoảng trầm trọng là Venezuela. Gần đây hơn là trường hợp xứ Brazil cũng tại Nam Mỹ khi Tổng thống Dilma Rousseff bị bãi nhiệm vì sai phạm về tiền bạc và đồng chí tiền nhiệm đã dìu dắt bà ta là cựu Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva vừa bị án tù chín năm rưỡi về tội tham nhũng. Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng nằm trên con dốc đó khi báo chí nói đến khoản nợ xấu, khó đòi và sẽ mất đã lên tới 600.000 tỷ đồng, cao hơn 17% tổng số tín dụng do các ngân hàng cấp phát, mà 90% là tiền bạc của dân chúng. Vì vậy, xã hội chủ nghĩa chính là nơi mà hệ thống cai trị bắt đa số phải trả tiền cho các quyết định vô trách nhiệm của thiểu số.

Nguyên Lam : Ông vừa nêu một định nghĩa hơi lạ về xã hội chủ nghĩa, nhưng ngẫm lại thì thính giả của chúng ta có thể đồng ý. Ông giải thích thế nào về hiện tượng đó ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Việt Nam là nơi mà chính quyền tránh nói đến tư nhân nhưng hay dùng từ "xã hội". Người ta xã hội hóa giáo dục, xã hội hóa doanh nghiệp, hay cổ phần hóa doanh nghiệp chứ chẳng ai nói đến việc tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước. Sau vụ khủng hoảng các hợp tác xã tín dụng, vốn là khái niệm cũng mang tính chất tập thể hay xã hội, người ta cho thành lập các ngân hàng cổ phần, tiếng là của tư nhân mà thực chất vẫn là của thiểu số có quan hệ mật thiết với đảng viên hay cán bộ của nhà nước. Vì vậy, chẳng nên ngạc nhiên khi xã hội chủ nghĩa là nơi xuất hiện các đại gia có dinh cơ nguy nga đồ sộ còn hơn chế đội phong kiến xa xưa. Đấy là nơi thiểu số có thể làm luật và sửa luật mà đa số không có quyền phàn nàn, trừ phi là muốn vào tù !

Nguyên Lam : Suy như vậy và nếu so sánh chế độ dân chủ với chế độ độc tài thì phải chăng ách độc tài lại định chế hóa nạn tham nhũng ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Mọi chế độ chính trị đều cần tiền. Chế độ dân chủ là nơi chính quyền do dân bầu lên được lấy quyết định về ngân sách là thu tiền từ đâu và dùng vào việc gì với sự phán xét định kỳ của người dân qua lá phiếu. Trường hợp lạm dụng vẫn có thể xảy ra khi tiền thuế của dân được dùng vào việc mua phiếu mà người ta gọi là tái phân lợi tức. Nhưng sự lạm dụng ấy khó kéo dài khi ngân sách bị bội chi, hệ thống tài chính bị khủng hoảng. Trong chế độ độc tài thì quả thật là tham nhũng được định chế hóa, và bình thường hóa nhờ hệ thống luật lệ.

Nguyên Lam : Ông có thể giải thích được nguyên nhân của sự khác biệt ấy hay không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho rằng khác biệt ở đây là chế độ dân chủ cho phép người dân than vãn và phản đối chính sách thuế khóa làm nhà nước phải đảm bảo việc sản xuất phẩm vật cho tư nhân theo quy luật thị trường, tức là nâng cao hiệu năng sản xuất của tư doanh để tạo ra một cái bánh to hơn cho mọi người và tranh luận chính trị xảy ra là khi người ta nói đến việc chia phần bánh cho những ai. Chế độ độc tài thì khỏi băn khoăn về việc đó vì thiểu số có toàn quyền làm luật cho tay chân được hưởng. Khi có đại án về tham nhũng hay khủng hoảng về ngân hàng thì đấy là lúc nội bộ của thiểu số này tranh đoạt quyền lực để chia nhau quyền lợi cho giai đoạn tới. Vì vậy, ta chẳng nên ngạc nhiên là cứ mươi năm lại có một vụ khủng hoảng tài chính và ngân hàng. Có lẽ vì vậy mà ngày nay ai cũng thấy mối quan hệ khắng khít giữa ách độc tài và nạn tham nhũng.

Theo danh mục Chỉ số Nhận thức về Tham nhũng của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế, là Transparency International, trong 30 nước bị tham nhũng nhiều nhất thế giới thì chẳng có quốc gia nào thuộc loại dân chủ. Theo con số năm 2016, Việt Nam đứng hạng 113, tức là tham nhũng khá nặng trong 176 quốc gia được tổ chức này khảo sát. Chi tiết đáng chú ý là họ còn nêu ra mối liên hệ giữa tham nhũng và hệ thống luật lệ rườm rà. Điều ấy cho thấy một nghịch lý là tham nhũng không xảy ra vì thiếu luật mà vì người dân bị ràng buộc bởi quá nhiều luật lệ trong khi thiểu số vẫn thừa khả năng luồn lách để trục lợi.

Nguyên Lam : Nếu vậy phải chăng vấn đề không nằm ở hệ thống luật lệ, mà thuộc về chế độ chính trị có quyền ban hành luật lệ mà lại không kiểm soát nổi một thiểu số có chức quyền ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nói cho đơn giản mà thật ra chẳng sai, khi người dân càng có nhiều quyền tự do thì nhà nước càng khó gây ra nạn tham nhũng. Ngược lại, nhà nước càng ban hành nhiều luật lệ rườm rà và thu hẹp sinh hoạt của thị trường thì đa số người dân lại khó làm ăn trong lĩnh vực tư doanh mà thiểu số ở trên vẫn có thể trục lợi mà không coi đó là tham nhũng !

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguồn : RFA, 09/08/2017

Published in Diễn đàn
mardi, 01 août 2017 13:04

Viện trợ chính thức

Sau khi tiến hành đổi mới được 30 năm, kinh tế Việt Nam đã có nhiều thay đổi, Nhưng một thay đổi bất ngờ là từ giữa năm nay, Việt Nam hết được Ngân Hàng Thế Giới viện trợ như trước nên phải tìm nguồn tài trợ khác cho nền kinh tế. Nhân sự kiện này, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về sự lợi hại của hình thái việc trợ chính thức, thường được gọi tắt là ODA….

Xe máy, xe hơi đi qua tuyến đường sắt trên cao đang xây dựng ở Hà Nội hôm 4/7/2017

Xe máy, xe hơi đi qua tuyến đường sắt trên cao đang xây dựng ở Hà Nội hôm 4/7/2017 -  AFP

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trong tiết mục Diễn đàn Kinh tế tuần này. Thưa quý thính giả, từ Tháng Bảy này Ngân Hàng Thế Giới có thể chấm dứt viện trợ kinh tế cho Việt Nam vì kinh tế đã có cải thiện và Việt Nam được xếp vào thành phần quốc gia có lợi tức trung bình kể từ năm 2009 và sau này sẽ phải vay tiền trên thị trường. Song song, vào tháng trước, Thủ tướng Việt Nam kêu gọi Quốc hội Nhật Bản tiếp tục viện trợ cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội Việt Nam, trong khi dư luận không quên khá nhiều tai tiếng về nạn tham nhũng khi sử dụng viện trợ. Vì vậy, thưa ông Nghĩa, kỳ này ta sẽ tập trung tìm hiểu hình thái viện trợ chính thức, là Official Development Assistance hay ODA. Ông thấy rằng thính giả của chúng ta nên ghi nhớ những gì về hiện tượng viện trợ ấy ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi lại xin nói ngược, rằng khi Việt Nam hết được viện trợ chính thức nữa thì đấy là một tin mừng. Nhưng trước hết, ta hãy tìm hiểu về bối cảnh đã.

Thứ nhất, về định nghĩa và ngôn từ, “viện trợ” là hình thức trợ giúp tài chính và kỹ thuật do một cơ quan “cấp viện” cung cấp cho một quốc gia “cầu viện”. Cơ quan cấp viện có thể là một tổ chức quốc tế, như Ngân Hàng Thế Giới, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, hay một bộ phận chuyên môn của Liên Hiệp Quốc, hoặc là của một quốc gia như Hoa Kỳ hay Nhật Bản. Đó là khác biệt giữa “đa phương” và “song phương” mà đa phương cũng là do quyết định của quốc gia góp tiền cho các tổ chức quốc tế này.

Thứ hai, ta có loại viện trợ nhân đạo cho các nước nhất thời bị thiên tai hay đói kém chẳng hạn, ở đây, ta chỉ quan tâm đến loại viện trợ kinh tế, và tập trung vào hình thái gọi là “viện trợ phát triển” qua các chương trình hay dự án nhất định.

Thứ ba, khi nói đến “viện trợ phát triển”, ta cần nhớ là các nước ít khi cho không mà thường là cho vay, tức là viện trợ tài chính, nhưng với ba điều kiện dễ dãi, là lãi suất thấp hơn lãi suất thương mại trên thị trường, thời gian ân hạn là từ khi cho vay tới ngày bắt đầu trả tiền lời là nhiều năm, và sau cùng là kỳ hạn cho vay kéo dài có thể vài chục năm. Giới kinh tế kết hợp ba điều kiện ưu đãi ấy để tính ra “giá trị tặng dữ” hay “grant element”, và cho rằng yếu tố tặng dữ tức là cho không, phải ở khoảng một phần ba khi so với việc đi vay thông thường trên thị trường thì mới được gọi là viện trợ chính thức.

Nguyên Lam : Ông vừa trình bày là chừng một phần ba ngạch số của viện trợ chính thức phải là yếu tố tặng dữ hay cho không thì tại sao ông lại cho rằng Việt Nam khi hết được viện trợ chính thức là một tin mừng ? Xin ông giải thích cho nghịch lý đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thực chất kinh tế của việc đi vay là để tiêu sớm, nên khi tiêu thì phải cân nhắc yêu cầu trả nợ sau này. Nếu cứ quen đi vay với điều kiện ưu đãi dễ dãi thì sẽ có ngày mang họa. Vì vậy, yếu tố then chốt là kỷ luật chi tiêu. Nhưng vấn đề còn phức tạp hơn vậy, là vì sao lại có hiện tượng cấp viện ? Vì sao lại có quốc gia viện trợ cho xứ khác ?

Trên diễn đàn này, tôi đã nhiều lần nói đến một thực tế nghiệt ngã là chẳng ai có thể lãnh đạo một mình mà cần chia chác quyền lợi cho các thành phần ủng hộ mình. Thực tế ấy xuất phát từ sự kiện là mọi chính trị gia đều nhắm vào ba mục tiêu, thứ nhất nắm quyền, thứ hai duy trì quyền lực đó, và thứ ba là quản lý được tối đa tài nguyên quốc gia để thực hiện hai mục tiêu đầu tiên là nắm quyền và giữ quyền. Tài nguyên quốc gia cần hiểu theo nghĩa rộng là tiền tệ, thuế khóa, đất đai và cả nhân lực, v.v…. Đấy là quy luật chung của mọi chế độ chính trị dù là dân chủ hay độc tài.

Nguyên Lam : Bây giờ xin đề nghị ông trình bày chân lý phũ phàng ấy trong lĩnh vực đối ngoại vì hình như ngày xưa ông từng là cố vấn cho Chính phủ Sàigòn về ngoại viện và đã nhiều lần thương thuyết về viện trợ cho miền Nam.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin đơn giản hóa vấn đề mà phân biệt chế độ dân chủ với độc tài.

Tại các nước dân chủ, ưu tiên của lãnh đạo là tranh thủ quần chúng đã ủng hộ mình, sau đó về đối ngoại là tranh thủ các nước khác để có đồng minh. Viện trợ nằm trong loại mục tiêu tranh thủ đồng minh, nhưng bị giới hạn bởi yêu cầu ưu tiên về nội chính, và bị ràng vào cơ chế dân chủ nên thường trao quyền quyết định về viện trợ cho Quốc hội, gồm giới đại biểu vốn cũng có ưu tiên thỏa mãn cử tri đã bỏ phiếu cho họ. Vì vậy, viện trợ có các điều kiện ràng buộc nhằm bảo vệ quyền lợi của quốc dân và các địa phương ; như Mỹ có điều kiện dùng tiền viện trợ mua thiết bị hay kỹ thuật Mỹ, viện trợ của Nhật là để tạo việc làm cho doanh nghiệp Nhật, Đức thì mua hàng Đức, v.v. Hào phóng như một nước Bắc Âu là Đan Mạch khi viện trợ dự án sửa phà trị giá 45 triệu đô la cho Bangladesh thì đòi đưa phà về sửa trong hải cảng Đan Mạch với phí tổn gấp bốn lần việc sửa ở tại chỗ, Bangladesh phản đối thì mất luôn số viện trợ ấy.

Cái hợp lý éo le ở đây là của nước cấp viện phải ưu tiên lo cho người dân của họ. Một éo le khác là vì yêu cầu an ninh hay chiến lược, một nước dân chủ có thể viện trợ cho chế độ độc tài, mà đã là độc tài thì dân đen không được hưởng kết quả viện trợ vì chế độ độc tài cần ưu tiên ban phát quyền lợi cho tay chân và thân tộc ở trên cùng. May là nền dân chủ còn có báo chí và các tổ chức phi chính phủ hay NGO để nêu vấn đề và vận động thay đổi….

Nguyên Lam : Bây giờ, thưa ông, về các nước độc tài thì sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Các nước độc tài thì cần đồng chí và vì độc tài nên khó phát triển khiến cho việc viện trợ thật ra không nhiều. Ngày xưa, Liên Xô cũng từng viện trợ cho các nước đồng chí trong khối COMECON mà thực chất là phân công lao động để các chư hầu cầu viện thành vệ tinh và lụn bại trong cơ chế tập trung kế hoạch kiểu Xô viết. Ngoài ra cũng phải nhắc tới các khoản quân viện như Liên Xô hay Trung Quốc đã cho các chế độ độc tài để bành trướng chủ nghĩa cộng sản. Sau đó, các nước cầu viện vẫn phải trả nợ bằng cách này cách khác như người Việt Nam mới chỉ hiểu ra sau một cuộc chiến tương tàn. Ngày nay, khi Trung Quốc viện trợ cho các nước, như qua Sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ, thì mục tiêu vẫn là an ninh lồng vào kinh tế trong chính sách bành trướng của Bắc Kinh, với Việt Nam nằm trên tuyến đầu.

Nguyên Lam : Bây giờ chúng ta bước qua phần hai là xin ông giải thích vì sao mà Việt Nam không nên nhận viện trợ chính thức nữa ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đầu tiên, nhiều người đi từ thái cực này qua thái cực khác khi mừng là được xứ này xứ kia viện trợ, rồi lại oán thán những ràng buộc họ gọi là bất lợi của viện trợ. Điển hình là của viện trợ Nhật Bản, quốc gia hào phóng nhất đã viện trợ cho Việt Nam từ 1992. Khi viện trợ cho Việt Nam thì tất nhiên Nhật đòi ta thuê công ty tư vấn Nhật, để họ yêu cầu Việt Nam áp dụng công nghệ Nhật mà mua thiết bị của Nhật, chứ chẳng lẽ Nhật viện trợ để làm lợi cho các doanh nghiệp Âu Châu hay Hoa Kỳ ? Phải mất 25 năm mới hiểu ra sự thật này thì quả là thê thảm.

Thứ nữa, loại viện trợ đa phương từ các định chế tài chính quốc tế có thể tránh được sức ép song phương của quốc gia cấp viện, nhưng cũng có nhược điểm của nó. Đó là ai quyết định về các ngân khoản hay mục tiêu viện trợ ? Thành phần then chốt này là các chuyên gia thực chất là công chức quốc tế. Họ ưu tiên lo cho sự nghiệp của họ, kết tinh vào ngân khoản hay số dự án nhiều khi chẳng thích hợp cho nhu cầu thật của quốc gia cầu viện. Sau khi mãn hạn thì họ qua xứ khác phục vụ mà khỏi bị đánh thuế. Vấn đề chính là cách thẩm định kết quả thì vẫn gây thất vọng, điển hình là kế hoạch quy mô do Liên Hiệp Quốc phát động năm 2000, gọi là Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ hay Millenium Developemt Goals, cho tới nay vẫn còn bị chỉ trích là không thích hợp cho yêu cầu thực tế của nhiều nước nghèo, thí dụ như về canh nông, nữ quyền, môi sinh hay nhân quyền, v.v…. Thành thử vấn đề chính ở đây là từng quốc gia phải tự lo lấy nhu cầu phát triển bền vững của mình và cố gắng thoát khỏi hoàn cảnh đi xin viện trợ.

Nguyên Lam : Nếu vậy thì có lẽ chúng ta phải đi xa hơn, là tìm hiểu về nhu cầu phát triển bền vững như ông vừa trình bày. Thưa ông, nhu cầu ấy là những gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa :  Tôi còn nhớ là khoảng 60 năm trước, hai nước Đông Á là Đài Loan và Nam Hàn đã có quốc sách là phải sớm giã từ viện trợ để tự lực tự cường nên nhắm vào ngoại thương hơn ngoại viện để tìm lực đẩy cho nền kinh tế quốc dân. Sau đó, cũng hai quốc gia này tự ý xây dựng nền dân chủ, chấp nhận đa đảng và bầu cử để rồi trở thành một nước “tân hưng” và ngày nay là cường quốc kinh tế có dân chủ. Ngẫm lại ta thấy ra một bài học căn bản là mọi lợi ích kinh tế đều phải nhắm vào người dân và khởi đi từ thành phần nghèo nhất ở dưới cùng.

Nguyên Lam : Nếu vậy thì có lẽ chúng ta phải đi xa hơn, là tìm hiểu về nhu cầu phát triển bền vững như ông vừa trình bày. Thưa ông, nhu cầu ấy là những gì ?

Chính sách kinh tế chỉ chú trọng đến đà tăng trưởng hay tiêu chí trừu tượng thường là do lãnh đạo từ trên ban xuống, dọc đường thì bị trưng thu hay cưỡng đoạt để củng cố quyền lợi của thiểu số ở trên bằng luật pháp hay tham nhũng, trong khi người dân ở giai tầng cuối thì vẫn khó thoát khỏi sự nghèo khốn. Ở cấp quốc tế cũng vậy, chính sách ngoại viện do các nước đề ra cũng nhắm vào những mục tiêu ở trên mà quên dân nghèo không có tiếng nói ở dưới cùng. Nếu có tự do dân chủ thì ít ra tiếng nói ấy không bị bóp nghẹt.

Sau cùng, quy luật tài chính căn bản là có vay có trả, khi đi vay trên thị trường thì việc trả nợ trở thành ưu tiên nên đòi hỏi kỷ luật trong việc sử dụng. Khi được viện trợ thì ta bị ràng buộc vào điều kiện của cơ quan cấp viện, lại ỷ vào yếu tố tặng dữ mà quên hẳn kỷ luật chi thu. Nếu đi vay trên thị trường tự do với giá đắt hơn thì các nước phải thận trọng hơn khi sung dụng tài nguyên quốc dân. Sự cẩn trọng ấy sẽ tránh được nhiều lãng phí, hết dần cái cảnh cha chung không ai khóc. Kết luận ở đây là chẳng nên oán quốc gia cấp viện mà nên thay đổi cái nhìn của giới cầm quyền trong các nước cầu viện. Đã đến lúc người Việt Nam nên nhìn ra sự thật đó.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích này.

Nguồn : RFA, 01/08/2017

Published in Diễn đàn
mercredi, 26 juillet 2017 17:16

Chiến tranh và mậu dịch

Dư luận quốc tế theo dõi quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vì e sợ mâu thuẫn ngoại thương có thể dẫn tới trận chiến mậu dịch giữa hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới với hậu quả sẽ lan rộng tới các thị trường khác. Hôm Thứ Tư 19 vừa qua tại thủ đô Hoa Kỳ, hội nghị kinh tế cấp cao giữa hai nước lâm vào bế tắc nên người ta càng lo ngại kịch bản đó. Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ nhìn sâu xa hơn để tìm hiểu vì sao…

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình trước cuộc gặp bên lề Thượng đỉnh G20 ở Đức hôm 8/7/2017

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình trước cuộc gặp bên lề Thượng đỉnh G20 ở Đức hôm 8/7/2017 - AFP

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.Trong tiết mục Diễn đàn Kinh tế tuần này, t hưa quý thính giả, vào đầu Tháng Tư tại thượng đỉnh ở Mar-a-Lago giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, đôi bên đưa ra kỳ hạn 100 ngày để giải tỏa mâu thuẫn về mậu dịch giữa hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới ở hai bờ Thái Bình Dương. Kỳ hạn ấy đã hết vào giữa tháng này mà không đạt kết quả đáng kể ngoài việc Trung Quốc cho nhập khẩu thịt bò của Mỹ và bán gà của Tầu vào Hoa Kỳ. Sau đó, người ta theo dõi kỳ họp kinh tế đầu tiên trong khuôn khổ gọi là Đối tác Chiến lược giữa hai nước. Tuần qua, từ Bắc Kinh, Phó Thủ tướng Uông Dương đã qua họp với hai Tổng trưởng Ngân khố và Thương mại của Hoa Kỳ mà không có tới một thông cáo chung. Giới quan sát cho rằng mâu thuẫn về quyền lợi kinh tế giữa hai quốc gia đang thành trầm trọng hơn và thậm chí có thể dẫn tới xung đột mậu dịch với hậu quả bất lợi cho các thị trường khác trên thế giới. Thưa ông, ông nhận định ra sao về chuyện này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Là Ủy viên Bộ Chính Trị, ông Uông Dương nổi tiếng là có tinh thần cởi mở từ khi còn làm Bí thư Trùng Khánh rồi Bí thư Quảng Đông, vậy mà ông thất bại trong kỳ họp vừa qua, tới độ tránh tiếp xúc với truyền thông báo chí và đôi bên cũng chẳng có một tuyên bố chung như cô vừa trình bày. Ngược lại, Tổng trưởng Ngân Khố là Steve Mnuchin và Tổng trưởng Thương Mại là Wilbur Ross đều có những phát biểu khá gay gắt trước khi hủy bỏ cuộc họp báo. Quả nhiên là quan hệ kinh tế giữa hai nước đã tới hồi căng thẳng.

Nguyên Lam : Ông giải thích thế nào về tình trạng ấy khi nhiều người cho là Nội các và Ban tham mưu của Tổng thống Hoa Kỳ có nhiều doanh gia như chính ông Donald Trump nên sẽ dễ thỏa hiệp với Trung Quốc trong tinh thần của các con buôn ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi trộm nghĩ là truyền thông báo chí nhận định sai. Về mối quan hệ với Trung Quốc, lý luận sai là Donald Trump chỉ là con buôn nên sẽ vì quyền lợi kinh tế mà thỏa hiệp với Bắc Kinh. Sự thật là Chính quyền Trump không nhượng bộ Bắc Kinh về kinh tế nên phiên họp tuần qua mới tan vỡ, sau khi phía Hoa Kỳ đưa ra nhiều đòi hỏi cụ thể, như về ngành thép mà chúng ta nên thấy rằng chỉ là tiểu tiết của một màn nói thách.

Thứ hai, ít ai chú ý là từ Tháng Tư cho đến gần đây ông Trump nhiều lần giàng vấn đề an ninh vào quan hệ mậu dịch với các nước. Nghịch lý ở đây là Hoa Kỳ có động thái toàn diện y hệt lãnh đạo Bắc Kinh, tức là coi kinh tế chỉ là một phần của quan hệ chiến lược bao gồm cả an ninh.

Thứ ba, người ta cũng nhận định sai khi tưởng Chính quyền Trump đang lui về chủ trương tự cô lập để bảo vệ quyền lợi của Mỹ mà không còn lý gì đến các mâu thuẫn quốc tế. Thật ra, Hoa Kỳ đang can thiệp vào nhiều nơi, từ Trung Đông, Trung Á, đến Đông Âu. Riêng tại Châu Á, thì Hoa Kỳ đòi bảo vệ quyền tự do hàng hải trên vùng Biển Đông Nam Á và kín đáo yểm trợ Philippines, Malaysia và Indonesia trong việc giải trừ khủng bố nên làm Bắc Kinh khó chịu. Sau cùng, người ta sở dĩ lầm vì cứ tưởng kế hoạch võ khí hạch tâm của Bắc Hàn khiến Chính quyền Trump cần tới sự can thiệp hay can gián của Trung Quốc mà bỏ qua mâu thuẫn kinh tế và an ninh với Bắc Kinh tại khu vực Đông Nam Á. Có lẽ chúng ta nên nhìn lại toàn bộ vấn đề.

Nguyên Lam : Thưa ông, chúng ta nên nhìn lại như thế nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước hết là về tình hình căng thẳng do sự khiêu khích của Bắc Hàn và thái độ Bắc Kinh. Người ta không thấy Bắc Kinh can gián Bắc Hàn mà còn cùng Liên bang Nga kín đáo giải vây kinh tế cho chế độ hung đồ tại Bình Nhưỡng. Lãnh đạo Trung Quốc có thể nghĩ khác. Họ e ngại sự sụp đổ của chế độ Bắc Hàn nên đang lặng lẽ tăng cường hiện diện về quân sự tại vùng biên giới giữa hai nước, nhưng lại cũng muốn giăng bẫy Hoa Kỳ. Nếu Mỹ không phản ứng mạnh với Bắc Hàn vì sợ nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á thì sẽ mang tiếng khiếp nhược trước sự cứng rắn của Bắc Kinh. Nếu Hoa Kỳ có thái độ dữ dội với Bình Nhưỡng thì lại gây rủi ro chiến tranh và lãnh tội hung hăng trong khi Bắc Kinh tỏ ra là đang cố mưu tìm giải pháp ngoại giao trong khu vực. Khi lâm vào cảnh ngộ khó xử như vậy thì Chính quyền Hoa Kỳ không thể nhượng bộ Bắc Kinh về kinh tế mà còn dùng đòn bẩy mậu dịch để gây sức ép. Thành thử kinh tế cũng là một phần của bài toán an ninh thôi. Nhìn như vậy thì các nước Đông Nam Á cũng rơi vào thế kẹt nếu cứ muốn làm ăn với Bắc Kinh mà lại cần đến sự yểm trợ quân sự và sức bảo vệ của Hoa Kỳ.

Nguyên Lam : Trở lại hồ sơ kinh tế đơn thuần thì thưa ông, mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gồm có những gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước hết, quan hệ kinh tế giữa các nước với nhau mới chỉ thật sự theo quy luật tự do với tổi thiểu hạn chế từ mấy chục năm thôi, chứ nó không hoàn toàn lý tưởng như người ta thường nghĩ. Thứ hai, trong mấy chục năm đó, cụ thể là từ sau Thế Chiến II và trong 40 năm chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ đã dùng quyền lợi kinh tế để có thêm đồng minh, nên yểm trợ các nước với cái giá phải trả là bị nhập siêu ngày một nặng hơn. Trong khi đó thì nước nào cũng có biện pháp bảo hộ mậu dịch chứ không hoàn toàn giải phóng ngoại thương như họ vẫn nói, kể cả trường hợp Nhật Bản hay Đức và lộ liễu nhất chính là trường hợp của Trung Quốc với các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn được đảng chặt chẽ bảo vệ. Không phải là ngẫu nhiên mà Hoa Kỳ chưa công nhận quy chế kinh tế thị trường như Bắc Kinh yêu cầu. Thế rồi sau khi Liên bang Xô viết tan rã năm 1991 thì nhu cầu tìm kiếm đồng minh hết là ưu tiên của Hoa Kỳ nên nhiều nước kiếm lời nhờ làm ăn với Mỹ đã gặp khó khăn, điển hình là Nhật.

Trong khi đó, tự do mậu dịch hay toàn cầu hóa như giải pháp lý tưởng thật ra cũng có mặt trái bên trong từng nước, là nếu nhiều thành phần có lợi thì nhiều thành phần khác lại vất vả vì bị cạnh tranh kịch liệt hơn, hoặc bị đào thải, công nhân mất việc, lợi tức sa sút. Tình trạng ấy xảy ra cho nước Mỹ từ lâu và kết tụ thành một vấn đề lớn khiến ông Donald Trump đắc cử Tổng thống vào năm ngoái. Ông thắng cử nhờ huy động thành phần bị thiệt hại vì tự do mậu dịch và đưa ra lập luận có vẻ bảo hộ mậu dịch nhưng sự thật lại chẳng đơn giản như vậy.

Nguyên Lam : Thưa ông, nếu sự thật lại không đơn giản như vậy thì đấy là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trên bề mặt, Chính quyền Donald Trump đòi thương thuyết lại những điều khoán bất lợi trong các hiệp ước thương mại đã ký kết, như Hiệp ước Tự do Thương mại Bắc Mỹ là NAFTA, hay Hiệp ước Song phương với Hàn Quốc. Trong thực tế thì vì quan hệ gắn bó đã phát triển từ lâu, một số tiểu bang hay thành phần có lợi nhờ các hiệp ước có khi lại bị thiệt khi Hoa Kỳ đòi xét lại, như tiểu bang Texas trong hồ sơ NAFTA với xứ Mexico, hay các tiểu bang Kentucky, Wisconsin và Florida trong luồng giao dịch với Âu Châu.

Vì các tiểu bang trên đều ủng hộ ông Trump nên khối dân biểu nghị sĩ bên đảng Cộng Hòa cũng có thể gây trở ngại cho việc Hành pháp tái thương thuyết các hiệp ước. Một trường hợp cụ thể khác là Hoa Kỳ đả kích chiến lược sản xuất thừa rồi xuất khẩu thép của Trung Quốc làm ngành thép Mỹ bị thiệt hại mà vì thép là một sản phẩm chiến lược cho an ninh nên lý do an ninh thật ra có động lực chính trị là bảo vệ công nhân hay doanh nghiệp thép của Mỹ.

Tuy nhiên, ngoài bản thân ông Trump thì Nội các và Ban tham mưu về kinh tế và thương mại của Chính quyền Trump lại dày kinh nghiệm trên doanh trường và biết rõ hai mặt lợi hại của tự do thương mại nên sẽ chẳng đơn giản đòi hỏi giải pháp bảo hộ mậu như nhiều người lo ngại. Ngoài ra, chúng ta đừng quên rằng luật lệ Hoa Kỳ còn cho Hành pháp nhiều quyền hạn về thương mại nếu an ninh quốc gia bị đe dọa, kể cả quyền áp đặt hạn ngạch xuất nhập khẩu hoặc dựng hàng rào quan thuế, nên Chính quyền Trump còn có thể kéo dài việc đàm phán với nhiều đòn phép mà chưa chắc Quốc hội đã có thể ngăn được.

Nguyên Lam : Ông vừa phân tích một khía cạnh rắc rối trong hệ thống luật lệ Hoa Kỳ, như các dân biểu nghị sĩ Cộng Hòa thấy tiểu bang của mình bị thiệt hại vì Hành pháp Cộng Hòa đòi xét lại các hiệp ước thương mại, nhưng chưa chắc là họ đã có thể ngăn được. Một cách cụ thể thì thưa ông chuyện ấy là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi lại phải nhắc lại rằng chính Tổ chức Thương mại Thế giới WTO cũng cho các nước thành viên được viện dẫn lý do an ninh quốc gia để đòi hỏi ngoại lệ trong hiệp ước tự do thương mại. Hoa Kỳ lại còn có đạo luật thương mại từ năm 1962 cho Hành pháp sử dụng quyền trả đũa. Vì vậy, Chính quyền Trump sẽ tận dụng những quyền hạn ấy không chỉ với Trung Quốc mà với mọi đối tác kinh tế khác. Nếu Quốc hội Mỹ muốn ngăn cản động thái ấy thì phải ban hành luật mới với đa số đủ cao để vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống. Với tâm lý quần chúng hiện nay tại Hoa Kỳ, chưa chắc là Quốc hội Mỹ đã thành công trong nỗ lực cản trở vì ta đừng quên rằng ngay từ năm ngoái đa số Dân Chủ lẫn nhiều giới chức dân cử bên Cộng Hòa đều chống Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương gọi là TPP, trước khi ông Trump đắc cử Tổng thống rồi rút khỏi Hiệp ước này. Vì vậy, đòn phép chống thép Tầu của Chính quyền Trump để bảo vệ an ninh quốc gia không chỉ thu hẹp vào Trung Quốc mà thôi.

Nguyên Lam : Như vậy, có lẽ thính giả của chúng ta hiểu ra vì sao Hoa Kỳ nhất quyết không nhượng bộ Trung Quốc khiến hội nghị vừa qua giữa hai nước đã gặp bế tắc. Thưa ông, kết luận sau cùng ở đây là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho là Hoa Kỳ không lui về chủ trương tự cô lập mà còn ưu tiên quan tâm đến an ninh và lồng chuyện an ninh vào kinh tế. Vì Trung Quốc đang gây ra nhiều vấn đề về an ninh cho Hoa Kỳ, từ Đông Bắc Á xuống tới Đông Nam Á, nên sẽ được tận tình chiếu cố và mâu thuẫn mậu dịch sẽ chỉ tăng chứ không giảm. Mà vì kinh tế cũng là an ninh, các nước khác nên tự chuẩn bị cho nhiều đòn phép sắp tới về mậu dịch của Hoa Kỳ.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguồn : RFA, 26/07/2017

Published in Diễn đàn

Giới chức lãnh đạo và cả dư luận Việt Nam đang có cuộc tranh luận về vai trò của Quân Đội trong kinh tế, cụ thể là Quân Đội có nên kinh doanh hay không. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về chủ đề này, từ những giác độ mở rộng.

Một cửa hàng của Viettel, công ty của quân đội, ở Hà Nội. Hình chụp hôm 28/4/2014

Một cửa hàng của Viettel, công ty của quân đội, ở Hà Nội. Hình chụp hôm 28/4/2014 – AFP

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, tại Việt Nam ngày nay đang có nhiều cuộc tranh luận ở trong và ngoài chính quyền về việc quân đội có nên làm kinh doanh hay không. Vụ tranh luận có thể bùng lên từ những tranh chấp liên quan đến đất đai ở Đồng Tâm hoặc đến việc sân golf bên phi trường Tân Sơn Nhất đang cần mở rộng, nhưng thật ra đã manh nha từ lâu. Để rộng đường dư luận, xin đề nghị ông phân tích cho vấn đề này từ nhiều khía cạnh khác nhau.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin khởi đi từ một chân lý thực tế là mọi chính trị gia đều nhắm vào ba mục tiêu, là thứ nhất nắm quyền, thứ hai duy trì quyền lực đó, và thứ ba là trong chừng mực nhất định thì quản lý được tối đa tài nguyên quốc gia để thực hiện hai mục tiêu đầu tiên là nắm quyền và giữ quyền. Tài nguyên quốc gia cần hiểu theo nghĩa rộng là tiền tệ, thuế khóa, đất đai và cả nhân lực, v.v…. Đây là quy luật chung, áp dụng cho mọi chế độ chính trị, dù là dân chủ hay độc tài, thuộc xu hướng cực tả hay cực hữu.

Nguyên Lam : Vì ông khởi sự từ một định đề hơi lạ, nên Nguyên Lam xin đề nghị ông giải thích thêm cho thính giả của chúng ta chuyện này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vì “chế độ dân chủ là thế chế ít tệ nhất mà loài người đã áp dụng sau khi thử nghiệm mọi giải pháp khác” – đây là một thực tế được Thủ tướng Winston Churchill của Anh trích dẫn – người dân mong ước xây dựng thể chế dân chủ mà không nên quên rằng mọi chính trị gia đều nhắm vào ba mục tiêu nói trên. Trong nền dân chủ, mọi đảng phái chính trị đều muốn cầm quyền rồi tái đắc cử để duy trì quyền lực ; khi nắm quyền thì họ cố áp dụng chính sách kinh tế tài chính trước tiên có lợi cho các thành phần ủng hộ họ. Vì chế độ dân chủ có hệ thống luật lệ công khai minh bạch và sự giám sát của nhiều cơ chế quyền lực khác lẫn của dư luận nên đảng cầm quyền chỉ có thể tiến hành quản lý tài nguyên quốc gia qua luật lệ, điển hình là đạo luật hàng năm về ngân sách quốc gia hay các đạo luật về cải cách thuế vụ, hay chế độ trợ cấp y tế, v.v… Vì ba mục tiêu hay ba yêu cầu đó, hiện tượng lạm dụng hay tham nhũng đều có thể xảy ra, nhưng khó hơn và dễ bị kỷ luật hơn ; kỷ luật thông thường nhất là thất cử.

Các chế độ độc tài thì khác, chúng tồn tại lâu hơn và tích lũy nhiều vấn đề kinh tế xã hội hơn cho tới khi khủng hoảng bùng nổ, mà khủng hoảng kinh tế sẽ là khủng hoảng chính trị. Việc quân đội làm kinh tế hay xây dựng chế độ “quân doanh” trong hệ thống quốc doanh cần được nhìn từ khía cạnh sâu xa ấy. Kỳ này, ta tập trung tìm hiểu về hiện tượng quân doanh trong các chế độ độc tài, mà trường hợp khá tiêu biểu nhưng không duy nhất chính là Việt Nam.

Nguyên Lam : Như vậy, xin đề nghị ông đi lại từ đầu về ba mục tiêu cơ bản mà ông vừa nói.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Các chế độ độc tài tả hữu, đều có thể thành hình từ vụ đảo chính hay cướp chính quyền sau một chuỗi khủng hoảng hoặc sau một giai đoạn chiến tranh. Khi ấy, lãnh đạo chế độ lên nắm quyền thì nghĩ đến việc duy trì hay bảo vệ quyền lực đó. Thông thường, lực lượng quân sự là mũi nhọn có công trong việc nắm quyền nên cũng có quyền trong việc quản lý kinh tế. Hiện tượng “quân doanh” vì vậy dễ xảy ra. Không ai có thể lãnh đạo một mình nên lãnh tụ độc tài cần một thiểu số đắc lực giúp mình cầm quyền và phải ban phát quyền lợi cho thiểu số ấy. Gần đây, ta thấy hiện tượng đó tại Ai Cập dưới chế độ độc tài cực hữu của Tổng thống Hosni Mubarak trước khi ông bị truất phế năm 2011 sau gần 30 năm cầm quyền. Xa hơn một chút có nền độc tài cực hữu của Tướng Augusto Pinochet đã nắm quyền tuyệt đối trong 17 năm, từ 1973 tới 1990 tại xứ Chile. Dưới hai chế độ độc tài ấy, quân đội là thế lực kinh tế với các doanh nghiệp do quân đội quản lý, là nơi ban phát quyền lợi cho lực lượng bảo vệ chế độ. Bên dưới, ta cũng nên thấy quân đội là ưu binh được biệt đãi so với các thành phần xã hội khác. Tuy nhiên, ta cũng nên thấy một sự thể là các chế độ độc tài cực hữu còn có thể cải sửa được và lãnh đạo mới lên nắm quyền đã giải thể hệ thống quân doanh, cho áp dụng quy luật thị trường để tư nhân được sinh hoạt tự do nên tình hình kinh tế có cải thiện. Trường hợp tiêu biểu chính là Chile, một quốc gia Nam Mỹ ngày nay có mức độ tự do kinh tế đứng hàng thứ bảy của thế giới. Chế độ độc tài bên cánh tả thì tai hại hơn, điển hình là Cuba.

Nguyên Lam : Ông nhìn thấy sự khác biệt giữa hai thể chế độc tài cực hữu và cực tả, như vậy thưa ông, trường hợp của xứ Cuba cộng sản có gì là đáng chú ý ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Người ta cứ mô tả sai rằng Cuba là quốc gia theo chế độ cộng sản, chứ sự thật là từ khi thành lập, Chính quyền Cuba là sản phẩm của quân đội không phải của đảng Cộng sản Cuba. Sau khi lật đổ chế độ độc tài Batista năm 1959, Fidel Castro lên cầm quyền và áp dụng chủ thuyết Mác-Lênin để cai trị. Nhưng như nhiều lãnh tụ Nam Mỹ, Fidel xây dựng và củng cố một tổ chức lãnh đạo trong tay các tướng lãnh thân tín với gia đình Castro. Sáu chục năm sau tổ chức ấy vẫn tồn tại và được củng cố. Số là sau khi cướp chính quyền với lực lượng quân sự, Castro dùng quân đội được mệnh danh là “Quân Đội Cách Mạng Cuba” để kiểm soát cả chính quyền lẫn toàn dân. Ông không tin vào đảng mà dùng nó như bình phong để mê hoặc người dân với lý tưởng độc lập của José Marti và tư tưởng Mác-Lê, chứ tập trung quyền lực vào quân đội và các tướng dưới quyền.

Theo tổ chức của Castro, Cuba có quân đội ở trên, đảng và nhà nước cộng sản ở dưới. Điều ấy nghĩa là quân đội là một định chế vừa lãnh đạo vừa cầm quyền trong các lãnh vực chính trị, an ninh và kinh tế. Vì lối tổ chức ấy, các tướng lãnh có tiếng nói trong mọi quyết định của đảng và nhà nước. Sáu chục năm sau và qua hai bản hiến pháp, Chủ tịch Raúl Castro kế thừa bộ máy ấy của người anh là Fidel và hệ thống quân doanh nằm trong tay một viên tướng là con rể của ông Raúl. Thiếu tướng Luis Alberto Rodríguez López-Callejas là Chủ tịch tập đoàn kinh tế nhà nước lớn nhất Cuba. Tập đoàn GAESA (Corporate Management Group SA) quy tụ 57 doanh nghiệp, đem lại từ 50 đến 80% nguồn lợi cho Cuba trong các ngành du lịch, khách sạn, đường, rượu và là bộ máy kinh tài của Quân đội Cách mạng Cuba với dự án phát triển hải cảng Mariel. Đấy là nơi ban phát quyền lợi cho các sĩ quan thân tín với gia tộc Castro để duy trì quyền lực.

Nguyên Lam : Bây giờ, ta bước qua Đông Á và tìm hiểu về hai chế độ Trung Quốc và Việt Nam. Ông giải thích thế nào về việc Trung Quốc đã từ bỏ quan niệm quân đội làm kinh tế mà Việt Nam thì chưa và ngày nay vẫn còn tranh luận ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nói về Trung Quốc và Việt Nam thì ta không nên quên việc Đặng Tiểu Bình ra lệnh tấn công Bắc Việt vào đầu năm 1979. Sau khi Mao Trạch Đông tạ thế, họ Đặng chủ trương cải cách kinh tế theo hướng “Tứ Hiện Đại Hóa” qua Hội nghị Kỳ ba của Khóa 11 vào Tháng 12 năm 1978. Nhưng bên trong, một số nhân vật cực tả vẫn giữ lập trường thủ cựu và chống chủ trương cải cách của họ Đặng. Thế rồi sau khi thấy tấn công Việt Nam mà bị tổn thất nặng, Đặng Tiểu Bình đã thuyết phục một số tướng lãnh ủng hộ đường lối của mình với hứa hẹn trao thêm quyền hạn cho quân đội, kể cả trong kinh tế. Hai chục năm sau là 1999 thì hệ thống quân doanh ấy làm quân đội bị biến chất và gây vấn đề. Vì vậy, thời Giang Trạch Dân, đảng Cộng sản Trung Quốc tiến tới việc không cho quân đội làm kinh tế nữa, ngược lại, các tướng lãnh được đề bạt vào Bộ Chính trị. Hơn chục năm sau thì việc giải tư hệ thống quân doanh mới hoàn tất, nhưng di hại thì vẫn còn khi hai Thượng tướng cao cấp nhất là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng trong Bộ Chính Trị bị kỷ luật về tội tham nhũng từ năm 2014.

Nguyên Lam : Trường hợp kỷ luật như vậy chưa xảy ra cho Việt Nam, nhưng người ta cũng đã thấy con một Đại tướng là Đại tá Tổng Giám đốc một Tổng công ty Xây dựng của Quân đội. Ông giải thích thế nào về hiện tượng này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ chúng ta đừng quên lãnh đạo Việt Nam đã học khá nhiều từ Bắc Kinh nên một Thượng tướng về sau làm Tổng bí thư là ông Lê Khả Phiêu đã nêu ý kiến từ năm 2007, là bảy năm sau Trung Quốc, rằng việc quân đội tham gia làm kinh tế thương mại là không còn hợp thời nữa. Vậy mà 10 năm sau thì ý kiến đó chưa được áp dụng, trái lại, bộ máy quân doanh còn phát triển mạnh hơn và gây vấn đề nên mới có tranh luận. Lý do vì sao thì ta lại trở ngược lên ba mục tiêu cơ bản là nắm quyền, bảo vệ quyền lực và chia chác quyền lợi để xây dựng vây cánh. Điều éo le là khả năng bảo đảm an ninh quốc gia của quân đội Việt Nam đang gây lo ngại khi Trung Quốc vừa tái tổ chức bộ máy quân sự cho tinh giản và hữu hiệu hơn nhằm thực hiện mục tiêu bành trướng của họ. Trong khi ấy, có ai biết quân đội của Hà Nội sử dụng bao nhiêu tài nguyên nào của quốc dân và hệ thống quân doanh đó đóng góp gì cho mục tiêu bảo vệ quốc gia ? Đấy là ta chưa nói đến việc cướp đất của dân hay những gánh nợ chẳng ai kiểm kê được. Khi các ông tướng làm giám đốc và việc kinh doanh lại là bí mật quốc phòng trước một Quốc hội vô quyền thì chúng ta không nên lạc quan.

Nguyên Lam : Khi ông nhắc đến hai Thượng tướng Ủy viên Bộ Chính Trị Trung Quốc bị tù về tội tham ô và gánh nợ bất ngờ của hệ thống quân doanh Việt Nam thì ta nên kết luận ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi lại có kết luận hơi khác ! Thứ nhất, gánh nợ của Trung Quốc thật ra rất lớn và hình như Việt Nam đang cố đuổi bắt cho bằng cái nước láng giềng này nên cũng sẽ gặp khủng hoảng tương tự. Thứ hai, khi hệ thống quốc doanh hay quân doanh mà vỡ nợ hay phá sản thì đấy không là khủng hoảng tài chính mà là khủng hỏang chính trị ! Tôi xin giải thích :

- Khi gánh nợ vượt quá khả năng trang trải thì bài toán của lãnh đạo chính trị là gì ? Nó không là phải cắt giảm công chi để trả nợ mà là bộ máy kinh tế hết khả năng ban phát quyền lợi cho thành phần ủng hộ chế độ. Trong một xứ dân chủ, nạn suy thoái kinh tế làm chính quyền không trả được nợ có nghĩa là chính quyền hết tiền cho các dự án mua chuộc lá phiếu cử tri của mình nên chính quyền thất cử, là bị khủng hoảng chính trị. Chúng ta thấy điều ấy trong nhiều nước của khối Euro bên Âu Châu. Trong một xứ độc tài mà nhà nước ăn cướp của dân để chia chác cho tay chân trong khi chất lên một núi nợ thì thành phần trung kiên của đảng và nhà nước mất dần quyền lợi. Họ sẽ tẩu tán tài sản, mất tinh thần trung kiên hoặc đi tìm thế lực chính trị khác, tức là đảng cầm quyền cũng bị khủng hoảng chính trị. Người dân có thể không được biết điều ấy, nhưng chẳng thể quên rằng họ và con cháu sẽ trả nợ, qua cách này hay cách khác.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguồn : RFA, 20/07/2017

Published in Diễn đàn
mercredi, 05 juillet 2017 17:45

Thượng đỉnh G-20

Tuần này, lãnh đạo các nền kinh tế dẫn đầu thế giới có hội nghị cấp cao gọi là "Thượng đỉnh G-20" tại thành phố Hamburg của Cộng hòa Liên bang Đức với các nguyên thủ then chốt như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên bang Nga, Liên hiệp Âu Châu và Anh, Đức, Pháp v.v… Trong bối cảnh đầy bất trắc về an ninh và chính trị, dường như lãnh vực kinh tế lại có vẻ khả quan hơn.

summit1

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Xi Jinping tại Berlin, Đức, ngày 5 tháng 7 năm 2017. AFP photo

Nguyên Lam : Thưa ông, chúng ta đang bước qua nửa thứ hai của năm 2017 có quá nhiều biến động nên hội nghị cấp cao của nhóm G-20 kỳ này tại Hamburg của Đức có thể là cơ hội cho lãnh đạo các nền kinh tế dẫn đầu thế giới rà soát lại tình hình hợp tác và tạo điều kiện tốt đẹp hơn cho kinh tế toàn cầu. Vì vậy, tiết mục chuyên đề của chúng ta sẽ theo dõi biến cố ấy để phần nào dự đoán ra tương lai ngắn hạn trước mắt, ông nghĩ sao về việc đó ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Quả thật năm 2017 có nhiều biến động trên thế giới nên khi lãnh đạo của 19 nền kinh tế có sản lượng cao nhất cùng với Liên hiệp Âu Châu hội họp thì ai cũng tin rằng Thượng đỉnh G-20 này sẽ đề cập trước tiên đến các hồ sơ an ninh và chính trị trong khi tình hình kinh tế nói chung lại có vẻ khả quan hơn trong nhiều quốc gia. Sự thật lại khác hẳn.

Trước hết, về các hồ sơ ngoài kinh tế, người ta nên chú ý tới các vấn đề sau đây. Thứ nhất là sự căng thẳng tại Đông Á với mâu thuẫn gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về vụ Bắc Hàn, Đài Loan và vùng Biển Đông Nam Á khiến việc gặp gỡ giữa Tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc sẽ được chú ý. Thứ hai là mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Liên bang Nga về cục diện Đông Âu khiến chúng ta nên theo dõi một thượng đỉnh khác được tiến hành trước đó tại Ba Lan. Đấy là khi Tổng thống Hoa Kỳ sẽ hội kiến từ hôm Thứ Năm mùng sáu này với lãnh đạo của 13 nước Liên Âu vây quanh ba vùng biển Baltic, Adriatic và Hắc hải. Người ta gọi đó là "Thượng đỉnh Ba Biển" và là cơ hội cho Hoa Kỳ khẳng định ý chí bảo vệ các nước Đông Âu trước sức ép của Nga. Từ đó, người ta mới chú ý đến cuộc họp tay đôi của Tổng thống Mỹ với Tổng thống Vladimir Putin của Nga về trách nhiệm của nước Nga và về Minh ước Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương NATO cùng mối ưu lo của các thành viên Âu Châu trong Minh ước này. Sau cùng thì người ta mới theo dõi quan hệ của Hoa Kỳ với cột trụ kinh tế Liên Âu là nước Đức, khi Đức sắp có bầu cử vào Tháng Chín tới. Nói chung, các nước đều e ngại mâu thuẫn về an ninh và chính trị nên lầm tưởng là tình hình kinh tế toàn cầu sẽ khả quan hơn trong thời gian tới, nhưng sự thật lại chưa hẳn như vậy.

Nguyên Lam : Nguyên Lam thú thật là không ngờ quan hệ giữa các cường quốc lại có quá nhiều mâu thuẫn từ Đông Á tới Đông Âu như vậy, cho nên việc truyền thông cần theo dõi các hội nghị tuần này tại Âu Châu. Nhưng thưa ông Nghĩa, vì sao ông lại cho rằng tình hình kinh tế toàn cầu lại chưa hẳn khả quan như các nước dự đoán ? Ông thấy những gì là đáng ngại ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đầu tiên về bối cảnh chung thì các ngân hàng trung ương mạnh nhất thế giới đều thấy tình hình kinh tế có khả quan hơn, với áp lực lạm phát suy giảm nên đều nghĩ tới việc tăng dần lãi suất hoặc ít ra thì tiết giảm việc bơm tiền kích thích kinh tế.

Thứ hai, mạnh nhất trong các định chế tiền tệ quốc gia là Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ còn tin rằng một vụ khủng hoảng tài chính như đã thấy năm 2008 sẽ khó xảy ra trong thời gian tới, nhất là khi việc thẩm định khả năng ứng phó với khủng hoảng của 34 ngân hàng thương mại Mỹ kết luận rằng hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ nay đã có mức an toàn hơn mươi năm trước.

Thứ ba, người ta thấy đồng Mỹ kim hết tăng giá trong sáu tháng đầu năm nay nên điều ấy sẽ có lợi cho xuất khẩu của Hoa Kỳ và giảm bớt gánh nặng tài chính cho các nền kinh tế đang phát triển lỡ vay quá nhiều đô la Mỹ, thí dụ như trường hợp Việt Nam. Nhưng thật ra tình hình chưa được khả quan và đồng bộ như vậy nên người ta mới tự chuẩn bị cho những kịch bản bất ngờ sau này, nhất là khi Ngân hàng Thanh toán Quốc tế BIS, được coi như ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương vừa cảnh báo hôm Chủ Nhật 25 vừa rồi là những biến động chính trị dồn dập có thể gây hậu quả bất lợi cho kinh tế toàn cầu. Bản thân tôi thì theo dõi kỹ sự phân tích chính xác của định chế này.

Nguyên Lam : Thính giả của chúng ta đã quen với cách nhận định của kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa khi ông trình bày bối cảnh rồi xoay ngược vấn đề nhằm cảnh báo chuyện bất ngờ. Thưa ông, đâu là những kịch bản bất ngờ mà ông vừa nhắc tới ?

GERMANY-CHINA-POLITICS-DIPLOMACY-G20

Thủ tướng Đức Angela Merkel bắt tay Chủ tịch Siemens Joe Kaeser (trái) tại Berlin vào ngày 5 tháng 7 năm 2017. AFP photo

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin khởi sự từ Hoa Kỳ trước. Năm 2006, dân Mỹ cũng hồ hởi như thế mà không ngờ lại gặp khủng hoảng khi trái bóng thị trường gia cư địa ốc bị bể chứ không xì và dẫn tới vụ khủng hoảng 2008. Nếu đối chiếu lời phát biểu của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương thời ấy là ông Ben Bernanke với bà Chủ tịch Janet Yellen thời nay, ta thấy sự lạc quan tương tự nên cần đề phòng phản ứng bầy đàn khi thấy giá nhà tại Mỹ nay cũng tăng quá mạnh.

Thứ hai, về việc đồng đô la Mỹ hết tăng mà còn có thể bị mất giá so với nhiều ngoại tệ mạnh thì ta còn nên nghĩ tới một nguyên nhân khác là tình trạng ách tắc chính trị tại Hoa Kỳ khiến nhiều đề nghị cải cách ngân sách và thuế khóa của Chính quyền Donald Trump bị đình hoãn hoặc gặp trở ngại nên chỉ còn một đòn bẩy kích thích kinh tế là xuất khẩu để giảm thâm hụt cán cân thương mại nhờ đô la rẻ hơn.

Nhưng nếu chiều hướng sút giảm hối suất của Mỹ kim so với các ngoại tệ khác đã kéo dài sáu năm trong một chu kỳ thường là bảy năm thì mình chẳng nên quên là kinh tế Mỹ cũng có thể bị suy trầm nhẹ vào năm tới sau tám năm liền chưa bị suy trầm, là điều chúng ta có trình bày kỳ trước. Và lần này có khi một trong nhiều yếu tố tác động lại có thể đến từ kinh tế Trung Quốc. Nếu kinh tế Mỹ bị suy trầm nhẹ thì hậu quả chưa đến nỗi tai hại cho Hoa Kỳ bằng cho nhiều quốc gia khác, nhất là cho Trung Quốc và Đức.

Nguyên Lam : Nói về nước Đức thì dư luận báo chí thường quan tâm đến lập trường tương phản của bà Thủ tướng Angela Merkel với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Riêng ông thì còn thấy cái gì khác mà chúng ta nên chú ý ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho rằng ta nên thấy ra một nghịch lý quan trọng hơn nữa. Đó là cột trụ kinh tế của cả khối Liên Âu là Đức lại có một nhược điểm quan trọng là quá lệ thuộc vào xuất khẩu, trước hết là vào sức mua của các nước khác như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên Âu hay Vương quốc Anh, mà sức mua đó lại có thể giảm. Nhìn sâu xa hơn, kinh tế của cường quốc này không thể kiểm soát được nhiều động lực phát triển của mình, như tình hình Liên Âu, việc Vương quốc Anh đàm phán việc triệt thoái là Brexit và nhất là sự thăng giáng hay sa sút của kinh tế Hoa Kỳ.

Tuần qua, ba trung tâm nghiên cứu Đức là Viện IFO, German Institute for Economic Research và Ngân hàng Trung ương đều công bố dự báo lạc quan về viễn ảnh giữa năm của kinh tế Đức nhờ sức tiêu thụ nội địa gia tăng nhưng sự thật thì kinh tế Đức vẫn tùy thuộc vào sức nhập khẩu của các nền kinh tế khác. Chính là trong bối cảnh ấy, quan hệ kinh tế và chính trị giữa Hoa Kỳ với Đức là điều nên theo dõi trong thượng đỉnh G-20 của tuần này.

Ngoài ra, cũng xin nói là ta còn nên theo dõi một hồ sơ kia là tương lai của Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP giữa 11 nước sau khi Hoa Kỳ triệt thoái từ đầu năm nay. Tôi cho là các nước còn lại, nhất là Nhật Bản, cũng khuyến khích các quốc gia khác xúc tiến kế hoạch và nhìn từ quan điểm về an ninh của Nhật, có thể là Thủ tướng Shinzo Abe sẽ kín đáo thúc đẩy sự tham gia của Nam Hàn và có khi cả Đài Loan nhằm giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc. Việt Nam không nên quên hồ sơ này và quyền lợi kinh tế của mình với nhiều đối tác khác.

Nguyên Lam : Thưa ông, trong khung cảnh đó tình hình Việt Nam sẽ là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Năm nay, tới phiên nước Đức tổ chức Thượng đỉnh G-20 và Thủ tướng Angela Merkel của Đức có mời Thủ tướng của Hà Nội tham dự mặc dù Việt Nam chưa được ở trong nhóm 19 quốc gia có nền kinh tế giàu mạnh nhất. Sau đó, Thủ tướng Hà Nội sẽ thăm Vương quốc Hà Lan. Đây là cơ hội cho lãnh đạo Việt Nam nhìn rộng ra ngoài và phát triển quan hệ với nhiều nước khác, nhưng chẳng thể quên được sự phê phán của thiên hạ khi Hà Nội tuyên án 10 năm tù một phụ nữ đấu tranh bất bạo động là Mẹ Nấm. Đây là điều xấu hổ mà các nước dân chủ văn minh khó chấp nhận được. Dù báo chí Hà Nội chẳng nói ra, tôi cho rằng Thủ tướng của Hà Nội sẽ được lãnh đạo các nước nhắc nhở điều kỳ cục đó.

Tuy nhiên, về kinh tế thì vấn đề của Việt Nam lại nằm ở nhà khi công quỹ cạn kiệt và đi vay quá khả năng làm nhiều dự án xây dựng hạ tầng bị đình hoãn và nhà nước nhìn vào khối vàng hay ngoại tệ của dân như giải pháp ! Tôi thiển nghĩ ưu tiên của nhà cầm quyền Việt Nam là nên nhìn vào hệ thống doanh nghiệp nhà nước quá lớn và kém hiệu năng nên gây tốn kém oan uổng cho nền kinh tế. Vì vậy, họ nên thúc đẩy và thực hiện tiến trình giải tư, tư nhân hóa hay cổ phần hóa một cách thực tế và minh bạch để phần nào thu hồi lại cho công quỹ một khối tài nguyên bị lạm dụng với quá nhiều tham ô lãng phí. Cho tới nay, Hà Nội mới chỉ nói mà không làm trong khi các khó khăn cứ chồng chất và nhiều doanh nghiệp bị nguy cơ vỡ nợ.

Nguyên Lam : Việt Nam có dễ thở hơn không trong giả thuyết là đồng đô la Mỹ sẽ còn sụt giá từ nay đến cuối năm ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ rằng không vì nhiều lý do. Mỹ kim có thể sụt giá nếu so với nhiều ngoại tệ mạnh khác chứ điều ấy chẳng có nghĩa là gánh nặng hoàn trái hay trả nợ của Việt Nam sẽ giảm mạnh. Thứ hai, gánh nợ công hay là công trái của Việt Nam thật ra cao hơn con số chính thức vì phải bao gồm cả các khoản vay nợ của các doanh nghiệp nhà nước do nhà nước đứng ra bảo lãnh từ chục năm trước. Nó có thể cao gấp 10 lần khối dự trữ ngoại tệ của Việt Nam và hơn gấp đôi khả năng sản xuất của kinh tế trong một năm. Gánh nợ quá lớn này sẽ còn đè nặng đến tương lai kinh tế Việt Nam và ngoài nạn phá sản dây chuyền thì ta không nên quên kịch bản suy trầm của kinh tế Hoa Kỳ rồi của nhiều nước khác vào năm tới. Đấy là viễn ảnh thực sự không lạc quan cho Việt Nam, ngoài nhiều vấn đề rất đáng quan ngại khác ở bên trong.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ ông Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyên Lam, RFA

Nguồn : RFA, 05/07/2017

Published in Diễn đàn
Trang 11 đến 11