Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Với quá nhiều vụ chính quyền ngang nhiên thách thức các quyền được Hiến định của người dân, cần thiết thành lập Tòa bảo hiến (Tòa hiến pháp) để giữ gìn kỷ cương phép nước. Sự tồn vong của đảng cộng sản Việt Nam cũng cần đến cấp tòa này, khi những sai phạm mang tính cố tình của chính quyền đã khiến đảng cộng sản bị vạ lây…

baohien1

Hai mẹ con bà Dương Thị Tân, Nguyễn Trí Dũng - những nạn nhân thường trực của chế độ công an trị ở Việt Nam.

Hành hung người dân, đập phá nhà dân bất chấp pháp luật

Sáng Chủ nhật 19/1, công dân Dương Thị Tân chuẩn bị rời chung cư nơi bà ở trên đường Phạm Ngọc Thạch, Quận 3, Sài Gòn để đi dự lễ cầu nguyện vị bào huynh vừa tạ thế của linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành, nguyên Giám tĩnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, thì bị lực lượng an ninh thường phục ngăn chặn, và đã dùng vũ lực khiến bà Tân phải nhập viện sau đó.

Theo đơn thuốc chữa trị, bà Tân phải đeo một nẹp cố định phần cột sống bị thương tổn do xô xát với lực lượng an ninh sáng 19/1. Nhiều ý kiến ngờ rằng các an ninh thường phục vì nghĩ bà Tân rời nhà để tham dự tưởng niệm 45 năm Hải chiến Hoàng Sa nên họ quyết liệt ngăn chặn.

Cũng trong ngày Chủ nhật 19/1, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2018, triển khai chương trình công tác năm 2019 do Ban Tổ chức Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, theo tường trình của báo chí, thì Bí thư Nguyễn Thiện Nhân "yêu cầu ngay từ bây giờ bí thư quận ủy, huyện ủy phải chủ động làm dự báo về sự thích hợp của đội ngũ quy hoạch ở các vị trí thuộc quận, huyện, phường, xã. Từ đó xem xét những người nằm trong quy hoạch có đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ không ?".

Nếu quả thật báo chí tường thuật đúng, thì trước mắt có ít nhất hai vụ việc mà bí thư quận ủy Quận 3 và bí thư quận ủy quận Tân Bình cần đưa ra khỏi tổ chức đảng và chính quyền những quan chức, viên chức đã bất chấp pháp luật để đập phá nhà cửa của người dân vườn rau Lộc Hưng.

Tương tự, bí thư quận ủy Quận 3 phải chịu trách nhiệm về việc đã để lực lượng an ninh thường phục cản trở việc đi lại của bà Dương Thị Tân, dẫn đến hậu quả bà Tân phải chịu thương tật cột sống, cần điều trị trong thời gian dài.

Tính mạng, nhân phẩm công dân đã bị chính quyền dẫm đạp thô bạo !

Trong trường hợp của bà Dương Thị Tân, các vi phạm pháp luật của chính quyền địa phương gồm có các điều cụ thể sau ở Hiến pháp 2013 - Điều 16 : 1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Điều 20 : 1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm ; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Điều 23 : Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước.

Điều 25 : Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình.

Công dân Dương Thị Tân chỉ là một trong số rất nhiều nạn nhân của việc chính quyền một số địa phương tự cho mình cái quyền đánh đập đe dọa tính mạng bất kỳ ai dám thể hiện những quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp.

Công khai đập phá tài sản nhà cửa của người dân

Với vụ việc nhà cửa của người dân ở khu vườn rau Lộc Hưng bị chính quyền quận Tân Bình đập phá, không tuân thủ pháp luật liên quan về Luật Đất đai cùng các văn bản liên quan quy hoạch, thu hồi… ; sau đó chính quyền chẳng những ngăn trở người dân nơi đây trong các thủ tục hành chính của khiếu nại, tố cáo về những hành vi sai trái đó của chính quyền, mà còn đe dọa người dân về tội hình sự là lợi dụng quyền tự do ngôn luận…, cho thấy các quyền Hiến định dành cho người dân đang bị thách thức nghiêm trọng.

Điều 22 : 1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. 2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.

Điều 30 : 1. Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. 3. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.

Điều 32 : 1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. 2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ. 3. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.

Điều 54.3 : Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh ; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 2, Hiến pháp 2013 ghi : "1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. 2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. 3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp".

Thế nào là tính ưu việt của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ?

Những điều luật viện dẫn ở trên, có thể diễn giải là Nhà nước pháp quyền khác với Nhà nước không pháp quyền ở khả năng bảo đảm tính phổ quát và tính tuyệt đối của chủ quyền của nhân dân, chủ quyền của quốc gia và dân tộc. Về phương diện pháp lý, Hiến pháp với tính cách là bản khế ước của nhân dân, là cơ sở pháp lý cao nhất và đầy đủ nhất bảo đảm sự khẳng định đó.

Như vậy với quyền lực được xác lập ở Điều 4.1, Hiến pháp về vai trò của đảng cộng sản Việt Nam là "lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội", đã đến lúc người đứng đầu đảng cầm quyền cần quyết liệt hơn nữa trong giữ gìn kỹ cương phép nước. Người dân đã oán than ngút trời lắm rồi về sự ngang ngược của chính quyền ở nhiều địa phương, khiến lòng tin còn sót lại ngày càng cạn kiệt dần về người cộng sản hôm nay.

Tòa án hiến pháp hay tòa bảo hiến là một đề nghị ở đây đối với thể chế chính trị độc đảng cầm quyền ở Việt Nam. Tòa bảo hiến sẽ xem xét các vấn đề liên quan đến hiến pháp. Thẩm quyền chính của tòa này là quyết định luật bị vi phạm, hoặc vi hiến hay không, ví dụ chúng có xung đột với các quyền và quyền tự do mà hiến pháp thiết lập hay không. Mọi hành vi vi hiến đều bị tòa hiến pháp bãi bỏ nhằm bảo vệ sự tối cao của hiến pháp.

Đừng để ngày nào đó người dân nghĩ rằng sở dĩ không dám lập tòa bảo hiến, vì chẳng nhẽ "lạy ông tôi ở bụi này", hay là câu mai mỉa : "chân mình thì lấm mê mê, đi cầm bó đuốc mà rê chân người"… Hoặc ngắn gọn : "Độc tài là vậy !".

Minh Châu

Nguồn : VNTB, 21/01/2019

Published in Diễn đàn

Mặc dù quyền lực rất lớn và không phải luôn luôn đúng, song cho đến nay Bộ Chính trị chưa chịu một trách nhiệm nào cụ thể trong các quyết định của mình.

3trong11

Bài báo trên Tiền Phong về Metro Bến Thành Suối Tiên bị gỡ

Có thật Hiến pháp có hiệu lực pháp lý cao nhất ?

Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, điều 17.1 cho biết "Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị ; bầu Tổng Bí thư trong số Uỷ viên Bộ Chính trị". Điều 17.2 ghi "Bộ Chính trị lãnh đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương ; quyết định những vấn đề về chủ trương, chính sách, tổ chức, cán bộ ; quyết định triệu tập và chuẩn bị nội dung các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương ; báo cáo công việc đã làm trước hội nghị Ban Chấp hành Trung ương hoặc theo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương".

Nếu thực sự Hiến pháp là văn bản pháp quy cao nhất được ghi tại điều 119.1 "Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý", thì với Hiến định ở điều 4.3 "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật", cho thấy Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam không thể có các quyền pháp lý được trao cao hơn cả Hiến pháp.

Tuy nhiên trong nhiều trường hợp sự vi hiến công khai dường như đến từ Bộ Chính trị, khi cơ quan này tự cho mình cái quyền đứng trên toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành.

Giữa trưa ngày 4/1/2019, các tòa soạn báo chí đồng loạt nhận được thông tin từ cơ quan Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, với nội dung tóm lược như sau : Tại phiên họp ngày 20/12/2018, sau khi nghe Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải đọc Tờ trình số 481 về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư 2 dự án metro tại Thành phố Hồ Chí Minh và ý kiến các bên liên quan, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án xây dựng tuyến metro số 1 từ 17.388 tỉ đồng, được phê duyệt năm 2009 lên 47.325 tỉ đồng, và tuyến số 2 từ 26.116 tỉ đồng phê duyệt năm 2010, lên 47.891 tỉ đồng.

Bất ngờ khác là đến tối cùng ngày, nội dung ở trên được các báo ‘gỡ bài’ trên trang điện tử, và số báo in phát hành sáng ngày 5/1/2019, mặc dù đã lên bản in, cũng phải ‘bóc ra’. Thế nhưng nội dung các bản tin này đã kịp được cỗ máy Google chụp lưu tự động, và rất nhiều người dân đã bình phẩm sự kiện đó trên trang facebook.

Những người dân quan tâm chính trị nêu ngờ vực không biết Bộ Chính trị có phải là cơ quản quản lý cấp nhà nước, trực thuộc Chính phủ không ? Bộ Chính trị có nằm dưới quyền điều hành của thủ tướng như các bộ y tế, giáo dục, ngoại giao… hay chăng ? Tại sao Bộ Chính trị không có bộ trưởng ? Bộ Chính trị không do Quốc hội phê duyệt lãnh đạo bộ theo đề nghị của thủ tướng như các bộ khác ?

"Tự dưng mọc ở đâu ra một cái bộ to như vậy nhỉ ?. Nó có thể điều khiển được mọi quyết sách của chính phủ, quốc hội…". Câu hỏi xem ra đầy cắc cớ vì Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, quả tình không có một dòng nào về Bộ Chính trị. Như vậy, nếu căn cứ vào khẩu hiệu treo ở nhiều cơ quan công quyền là "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật", thì phải chăng do Bộ Chính trị không tồn tại trong Hiến pháp, và không có sự điều chỉnh nào từ hệ thống văn bản pháp quy của quốc gia, đồng nghĩa Bộ Chính trị hoạt động ngoài vòng pháp luật ?

Hàng loạt câu hỏi đặt ra xoay quanh chỉ một thắc mắc : Bộ Chính trị là ai ?

"Một bộ mà không tồn tại trong Hiến pháp và pháp luật, nhưng lại nắm quyền sinh, quyền sát ; nắm trong tay vận mệnh của cả đất nước, điều khiển cả quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất do nhân dân bầu ra... Thật là kỳ lạ… Cuối cùng vẫn là một câu hỏi : Bộ Chính trị là cái bộ gì ?". Luật sư Trần Thành kể rằng ông đã phải tự trào như vậy, trước thắc mắc về quyền lực của Bộ Chính trị ở Việt Nam từ một khách hàng là doanh nghiệp đến từ Pháp, mà Văn phòng luật của ông đang nhận dịch vụ tham vấn.

Doanh nghiệp có quốc tịch Pháp này đặt câu hỏi yêu cầu luật sư Trần Thành tham vấn, với những dẫn chứng cụ thể : Ở số báo in của Thanh Niên phát hành ngày 16/01/2018, trong bài viết về vụ án liên quan nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, có tường thuật : "Bị cáo Thăng khai tại tòa rằng : "Việc chỉ định PVC làm nhà thầu của Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 xuất phát từ chủ trương của Bộ Chính trị trong Kết luận 41 về chiến lược phát triển PVN đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025 và xây dựng PVN trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh, đa ngành, trong đó có việc đẩy mạnh, tăng doanh thu của tập đoàn ; triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như Chỉ thị của Bộ Chính trị trong việc người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, triển khai chủ trương chỉ đạo của Chính phủ về việc phát huy nguồn lực, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô...".

"Tại sao Bộ Chính trị không phải ra tòa vì họ là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan ? Liệu chúng tôi khi làm ăn ở Việt Nam với một đối tác Việt Nam cũng nhận được chủ trương chính sách gì đó từ Bộ Chính trị, thì liệu khi xảy ra các tranh chấp thưa kiện ở tòa án hay trình tự Trọng tài, có được xem xét yếu tố ‘chủ trương chính sách’ của Bộ Chính trị ?". Doanh nghiệp đến từ Pháp đặt câu hỏi với luật sư Trần Thành.

Một câu hỏi khác cũng đến từ doanh nghiệp kể trên : "Chúng tôi đang là đối tác nơi anh Quang từng làm việc (tức ông Lê Nguyễn Minh Quang, nguyên Tổng giám đốc của công ty Bachy Soletanche chi nhánh Việt Nam ; ông Quang vừa từ nhiệm chức vụ Trưởng ban Quản lý Đường sắt Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh – chú thích của người viết).

Chúng tôi thắc mắc vì sao trong Luật Đầu tư công 2014 của Việt Nam không có từ nào liên quan đến Bộ Chính trị, song báo chí lại đăng là bộ này vừa phê duyệt việc tăng vốn đầu tư cho 2 dự án Metro tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi mà anh Quang từng là trưởng ban ? Liệu sau này có gì đó sai vì không tuân thủ đúng trình tự luật định, thì những ai sẽ phải ở tù ? Ở Việt Nam có nhiều doanh nghiệp nhận được các chính sách, chủ trương kiểu đó từ Bộ Chính trị không ?".

Luật sư Trần Thành lắc đầu kể với người viết rằng trong nhất thời, ông không biết phải tham vấn thế nào cho doanh nghiệp khách hàng đến từ Pháp kia. "Bộ Chính trị là cơ quan ‘3 trong 1’ : lập pháp – hành pháp – tư pháp, nhưng chưa thấy họ chịu trách nhiệm về quyết sách nào do chính họ đưa ra mà khi thực thi cho thấy đó là sai lầm nghiêm trọng !". Luật sư Trần Thành nhận xét, và điều này thì không thể nào tham vấn cho khách hàng doanh nghiệp.

Minh Châu

Nguồn : VNTB, 07/01/2019

Published in Diễn đàn

Có một thực tế là trong nhóm các công dân bị cáo buộc tội danh "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức…", "Lật đổ chính quyền nhân dân" thì khi chấp hành án, luôn phải ở tù kiểu người đó đang ở miền Nam, thì phải chịu tù tại miền Trung hoặc miền Bắc ; và ngược lại.

thamnuoi1

Tù nhân lương tâm ký giả Trương Minh Đức - Ảnh minh họa

Nếu căn cứ theo Luật Thi hành án hình sự, do chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 17/06/2010, thì chuyện ‘tù Nam ra Bắc’ không chỉ có dấu hiệu của ‘ngược đãi tù nhân’, mà còn không phù hợp một số nội dung của Luật Thi hành án hình sự.

Chuyển nhà tù như một hình thức trừng phạt. Có thể nhận định như vậy bởi hệ thống trại giam, tức nhà tù do Bộ Công an trực tiếp quản lý được trải đều trên toàn quốc. Tuy nhiên như đã nói ở trên, các tù nhân nằm trong nhóm tội danh xâm phạm an ninh quốc gia, tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, thì luôn phải đến các trại tù cách xa gia đình từ vài trăm đến cả ngàn cây số. Điều này được xem như một hình thức trừng phạt với cả phạm nhân cùng gia đình của họ trong thăm nuôi hàng tháng.

Nhiều gia đình của tù nhân nói rằng việc chuyển tù nhân từ miền Bắc vào miền Nam, và từ miền Nam ra miền Bắc đã khiến gia đình họ vô cùng vất vả, và dễ lâm vào cảnh kiệt quệ nguồn tài chánh cho chuyện đi lại thăm nuôi. Dĩ nhiên là luật cho phép thân nhân gửi đồ đạc, thực phẩm và cả tiền bạc cho người tù qua đường bưu điện. Tuy nhiên việc trực tiếp thăm gặp sẽ là nguồn động viên lớn của cả người trong chốn ngục tù, lẫn gia đình của họ đúng như quy định ở Điều 4.8, Luật Thi hành án hình sự về bảo đảm sự tham gia của gia đình vào việc giáo dục cải tạo người chấp hành án.

Bà Nguyễn Kim Thanh, vợ của tù nhân Trương Minh Đức [*], nghẹn ngào kể : "Trại giam Nam Hà không cho người thân của gia đình làm thức ăn ở nhà mang vào, mà chỉ cho gởi tiền vào để mua đồ trong căn tin của trại giam với giá cắt cổ... và người thân chúng tôi chỉ được mặc đồ ấm của trại giam,.. chứ không được mặc những quần áo ấm của gia đình gởi vào, thì làm sao giữ ấm bảo đảm được sức khỏe trong những ngày tháng lạnh khắc nghiệt của miền Bắc này ? Nhìn cảnh người tù họ đi lao động với bộ đồ tù đi trong trời giá lạnh mưa buốt thấu xương như vậy làm sao chịu nổi, dù tội tình gì họ cũng là con người…".

Ông Trương Minh Đức sinh năm 1960, là dân miệt Kiên Giang và sống ở miền Nam khí hậu nắng ấm, nên khi phải chấp hành án ở nhà tù tại miền Bắc, khí hậu mùa đông nơi đây khiến những người tù miền Nam như gánh thêm sự đày ải tương tự như mức án khổ sai mà người ta thường thấy trên phim ảnh.

Câu hỏi đặt ra : vì sao lại đày đọa người tù đến như vậy, trong khi nếu căn cứ theo luật định, hoàn toàn có thể thực thi việc chấp hành án này ngay tại địa phương của người bị kết án ?

Luật Thi hành án hình sự, tại Điều 4 "Nguyên tắc thi hành án hình sự" nói rằng việc thi hành án cần thỏa mãn cùng lúc các yêu cầu là (1) đúng pháp luật ; (2) bảo đảm lợi ích của Nhà nước ; (3) quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Khoản 3, Điều 4 còn nhấn mạnh : "Bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa ; tôn trọng nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án". Như vậy, nếu ‘tù Nam ra Bắc – tù Bắc xuôi Nam’, thì trước tiên đã cản trở thực thi nội dung của Điều 4.8 là "Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình vào việc giáo dục cải tạo người chấp hành án".

Nhà nước có lợi ích gì khi ‘tù Nam ra Bắc – tù Bắc xuôi Nam’, nếu như đó không phải là một hình thức của trừng phạt ngoài luật định, ngoài bản án đã tuyên ?

Luật Thi hành án hình sự, tại Điều 6 "Giám sát việc thi hành án hình sự", ghi : "Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức trong thi hành án hình sự và các cơ quan, tổ chức khác liên quan đến hoạt động thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật".

Như vậy thì chính Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở nơi mà ông Trương Minh Đức, cũng như các người ‘tù Nam ra Bắc – tù Bắc xuôi Nam’ sinh sống, chắc chắn sẽ hiểu rõ hơn về trách nhiệm cần bảo vệ, giám sát như thế nào với những cử tri đã từng bỏ lá phiếu chọn lựa mình.

"Bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa ; tôn trọng nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án", sẽ mang đúng ý nghĩa nếu như những người tù như ông/ bà Trương Minh Đức, Trần Huỳnh Duy Thức, Đặng Minh Mẫn, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội, Trần Thị Xuân, Trần Thị Nga… được thực hiện quyền chọn lựa thi hành án ngay tại địa phương mà mình sinh sống, như đã thể hiện trong nguyên tắc thi hành án hình sự, về quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân của Luật Thi hành án hình sự.

Minh Châu

Nguồn : VNTB, 16/12/2018

Chú thích :

[*] Ông Trương Minh Đức bị kết án 13 năm tù và 5 năm quản chế tại phiên xử ngày 5/4/2018 ở Hà Nội cùng với 5 thành viên (hay cựu thành viên) của Hội Anh em dân chủ, với cáo buộc theo điều 79 ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’, Bộ Luật hình sự 1999.

Published in Diễn đàn

Cuối tháng 12 này, Phòng Công lý và Hòa bình thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn tổ chức buổi lễ tặng quà Xuân 2019 cho các ông thương phế binh của Việt Nam Cộng Hòa.

tpb1

Thương Phế Binh đến sinh hoạt chương trình xuân 2017 tại Dòng Chúa Cứu Thế. Ảnh : Facebook Tri Ân Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa

Nhiều thân nhân của các ông thương phế binh cho biết họ đã được công an khu vực nơi cư trú đến tận nhà ‘khuyên’ rằng không nên nhận tiền bạc, quà cáp từ Nhà Thờ, vì dễ bị ‘thế lực xấu’ lợi dụng. Không ít người đã sợ hãi đúng như tác giả Hoa Nghi đã viết : "Xiềng xích ở Việt Nam khiến một nhóm dân Việt Nam trở nên mù quáng đến khó tin, họ từ chối sự minh bạch và tự do" (1).

Chương trình mang tên "Bên nhau đi nốt cuộc đời" do Phòng Công lý và Hòa bình thực hiện công khai, minh bạch mọi đóng góp, bao gồm cả tên mạnh thường quân và số điện thoại của người quản lý nguồn quỹ này.

Linh mục Lê Ngọc Thanh, người phụ trách chương trình cho biết tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn (38 Kỳ Đồng, quận 3, Sài Gòn) các buổi sáng và chiều những ngày 26, 27, 28 và 31 tháng 12 năm 2018, mỗi buổi dự kiến tiếp đón 500 ông bà thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, khoảng 4 ngàn vị.

tpb2

Một thương phế binh thời Việt Nam Cộng Hòa. Ảnh : Ym

Linh mục Lê Ngọc Thanh tường trình chi tiết : "Chương trình Tri Ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đã quy tụ và viếng thăm trực tiếp được 5.530 quý ông bà đã ghi danh, trao tận tay quý ông bà món quà nghĩa tình, với tấm lòng quý trọng danh dự. Riêng 685 ông ở miền Trung được chia sẻ phần quá nhiều gấp đôi các nơi khác, do gặp nhiều khó khăn hơn.

Trong năm 2018, Chương trình đã mua bảo hiểm y tế cho 1.055 ông và tổ chức tầm soát sức khỏe cho 902 ông. Cấp 684 cặp kính thuốc, 437 máy đo huyết áp, 113 xe lăn, 130 cặp nạng, 113 gậy, lắp 91 chân giả,… cho quý ông được các bác sĩ khám bệnh chỉ định. Hỗ trợ viện phí cho 240 trường hợp, có trường hợp phải hỗ trợ hàng tháng. Đặc biệt đã xây mới được 11 căn nhà, và sửa 10 căn nhà cho các ông thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa.

Ngoài ra từ gợi ý của các bạn trẻ Úc Châu, Chương trình đã dồn nhiều nguồn lực để mua đất là dựng lên đươc một khu nhà thương phế binh đơn thân có thể tiếp nhận được 24 ông. Hiện nay đã có 18 ông ở thường trú nơi nhà đơn thân này.

Tính đến 31/10/2018, Chương trình đã nhận được sự đóng góp của quý ân nhân khắp nơi là 10 tỷ 344 triệu đồng cùng nhiều hiện vật, thuốc men, thực phẩm. Chương trình đã chi cho các hoạt động hết 9 tỷ 376 triệu đồng.

Trong năm 2018, chúng tôi đón nhận thêm 528 quý thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa mới ghi danh tham gia chương trình, nâng tổng số tính tới 15-11-2018 quý ông thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa do Phòng Công lý Hòa bình thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn đồng hành lên 6.375 ông bà".

Với sự minh bạch như vậy, xem ra nếu đó thực sự là những khoản tiền không rõ nguồn gốc, hoặc được có từ ‘thế lực phản động’, thì không mấy khó cho lực lượng chức năng của công an Việt Nam từng được khoe là ‘giỏi nhất thế giới’ sớm ‘phá án’ (2).

"Chỉ trong 10 tháng của năm 2018, chúng tôi đã phải phúng điếu và cùng với gia quyến lo hậu sự cho 140 ông thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Do vậy "Bên nhau đi nốt cuộc đời" lúc này với các ông phải nhanh nhanh, để chút hơi ấm tình người, chút danh dự tổ quốc được gởi đến các ông trước lúc những vành khăn trắng, phướng cờ đen phủ đầy". Linh mục Lê Ngọc Thanh chia sẻ. 

Hòa thượng Thích Không Tánh nhớ lại : "Thời chùa Liên Trì chưa bị chính quyền giải tỏa ở Thủ Thiêm, trước khi mời anh em về chùa Liên Trì để phát quà, thì tôi có ra ngoài Quảng Trị, vùng xa xôi mà tôi đi cứu trợ bão lụt. Ra ngoài đó nhiều anh em thương phế binh họ khổ quá họ cũng đến xin cứu trợ. Phải nói thẳng thương phế binh rất khổ, đã có người phải lê lết đi bán vé số, đi xin ăn... khổ lắm. thương phế binh ở Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng và mấy vùng sâu rất khổ bởi vì sau 1975 thì phần đông người ta phải ẩn lánh ở vùng xa để sống, rất tội nghiệp…".

Phòng Công Lý Hòa Bình bắt đầu tiếp nối thay cho chùa Liên Trì trong nghĩa cử hỗ trợ vật chất cho thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa từ tháng Bảy 2013. Như vậy 5 năm đã đi qua. Mọi việc đều diễn ra trong minh bạch với sự hiện diện đến nay là 6.375 ông, bà thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa.

Chiến tranh nào cũng ghi lại những dấu tích không thể nào quên. Lại càng nghiệt ngã hơn cho số phận bị bỏ rơi của những người lính. Những vết thương đã để lại sau cuộc chiến đã bước sang năm thứ 44, lẽ nào giờ đây lại là mối đe dọa mà chính quyền một số địa phương phải lo ngại, đến độ tìm cách ngăn trở chút quà Xuân mà các tấm lòng thiện nguyện đến với họ vào những ngày còn lại cuối cùng này của năm 2018 ?

Minh Quân

Nguồn : VNTB, 12/12/2018

(1) http://www.vietnamthoibao.org/2018/12/vntb-pha-tan-xieng-xich-bang-nhan-thuc.html

(2) http://bit.ly/2SzxpRV

Published in Diễn đàn
Trang 3 đến 3