Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Thực hiện chủ trương chống tiêu cực gian lận thương mại của lãnh đạo tòa án, kính mời anh tham gia cộng tác với cơ quan báo chí của tòa án…".

ongke1

Dùng ông kẹ chống tham nhũng. Sáng 14/6, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai đã tổ chức sơ kết 7 năm thực hiện Kết luận 29-KL/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về "Mua và đọc báo, tạp chí của Đảng" trên địa bàn tỉnh.

Có một nền báo chí ‘ký sinh’…

Nhà báo C.M.T kể rằng vào chiều hôm 14/6, ông nhận cuộc điện thoại di động từ số máy 0911341534 của một người tự xưng là ‘báo tòa án ở Hà Nội’ (người này phát âm là "Hà Lội"), nói rằng thực hiện chủ trương phòng chống tiêu cực gian lận thương mại của Nhà nước, báo tòa án có mở chuyên trang về ‘phòng chống tiêu cực’, và muốn được doanh nghiệp tham gia ủng hộ quảng cáo nhân ngày lễ lớn Nhà báo Việt Nam… (lược thuật từ thoại được ghi âm).

Cớ sự ở đây là nhà báo C.M.T còn đứng tên thành lập một doanh nghiệp mã ngành truyền hình, giấy phép hoạt động được cấp theo Luật Doanh nghiệp. Lẽ đó nên không ít lần nhân viên/cộng tác viên quảng cáo ở nhiều tòa soạn báo chí tại Hà Nội nhầm lẫn khi chào mời thương mại. 

"Lần này họ lại trương luôn tấm biểu ngữ nhân danh tòa án trong chống tiêu cực gian lận thương mại, hù dọa doanh nghiệp để bán trang quảng cáo, nhằm hưởng lợi từ phần hoa hồng từ 40 đến 50% sau thuế trích ở hợp đồng quảng cáo này. Có lẽ họ muốn dùng ông kẹ tham nhũng để vòi vĩnh tiền bạc, kiểu như vụ đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng ở Vĩnh Phúc !". Nhà báo C.M.T nói thêm rằng ông đã ghi âm lưu toàn bộ lời thoại ở cuộc điện ‘nhát ma’ đó.

Nhà báo C.M.T vốn có thời gian dài làm việc ở một cơ quan báo chí trong ngành pháp luật. Ông cũng từng tham gia công việc điều hành tòa soạn, nên ông chia sẻ với người viết rằng rất thông cảm với áp lực cơm gạo của những tờ báo ở nền báo chí cách mạng ‘kiểu như vậy’. 

"Cái gốc ở đây là báo chí cần phải có độc giả thực sự. Khi ấy, doanh nghiệp tự khắc tham gia cùng tòa soạn, vì chỉ đến lúc đó việc quảng cáo thương mại mới có giá trị về tiếp thị nhận diện sản phẩm". Nhà báo C.M.T nhận xét.

Khát khao tự do chứ không phải là cái loa của ai đó !

"Mặc dù phải chịu sức ép chỉ đạo từ các cấp, nhưng đã có một thời tờ Tuổi Trẻ trong suy nghĩ của chúng tôi, chính là ngôi nhà hạnh phúc của người làm báo tự do về mặt tư duy đề tài, về nội dung. Đó chính là sức hấp dẫn không giới hạn của Tuổi Trẻ - với người này người nọ là một thời – nhưng khát khao của người viết – đó là cái mãi mãi – bởi vì báo chí không thể thiếu tự do. 

Đó là một thời để tự hào, để kiêu hãnh của tờ báo Tuổi Trẻ, của những cây viết có cá tính, của những tổng biên tập, phó tổng biên tập, các trưởng, phó ban luôn hiểu rõ khi không biết khát khao tự do ở nền báo chí gọi là cách mạng, thì tờ báo ấy sẽ... thoi thóp, vì chẳng còn mấy độc giả. Khi lượng phát hành tuột dốc, đồng nghĩa các trang quảng cáo sẽ nghèo nàn đi và nhiều tòa soạn đành chọn giải pháp ‘hù dọa’ để kiếm quảng cáo". Nhà báo C.M.T chia sẻ, và nhớ lại một thuở mới chập chững vào nghề ở báo Tuổi Trẻ thập niên 80, thế kỷ trước.

Theo nhà báo C.M.T, với báo chí in vẫn có thể ổn định theo hướng tăng dần số lượng phát hành, cạnh tranh một cách tử tế với báo điện tử, mạng xã hội…, nếu như tự do thông tin luôn được thượng tôn, tiếng nói của người dân thấp cổ bé họng, bị cường quyền áp bức… luôn được các báo ghi nhận đa chiều, đăng tải mà không ngại bất kỳ sức ép nào.

Có những sự thật nhìn qua ‘lăng kính định hướng’

"Ngay cả trong chuyện họp hành công khai của chính quyền, báo chí cũng không tường thuật đầy đủ. Như hôm cuối buổi sáng ngày 04-6, hàng loạt báo điện tử đưa tin về vụ bổ nhiệm ông Đoàn Ngọc Hải, để đến đầu giờ chiều thì báo đồng loạt đưa tin ông Hải gửi đơn từ chức.

Số là bữa phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến thực hiện nghi thức trao quyết định về nhân sự cho ông Đoàn Ngọc Hải, chỉ có 2 tờ báo được phép cử phóng viên đến để chụp hình đưa tin. Làng báo Sài Gòn lâu nay vẫn có truyền thống rủ rê nhau kiểu ‘đồng hội – đồng thuyền’ khi nhận được những nguồn tin dự báo sẽ làm nên tuyến bài nóng.

Các nhà báo có thẻ tác nghiệp ở trụ sở UBND Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đường hoàng đi cùng đồng nghiệp có ‘giấy mời’ là Tuổi Trẻ và báo Thanh Niên tham dự. Vào hội trường được chừng 5 phút, lập tức có một viên chức tên Dũ đến gặp nhóm nhà báo có ‘thẻ tác nghiệp ở UBND Thành phố’ và ‘thẻ Nhà báo’, nhưng không có ‘giấy mời’ buộc phải rời khỏi trụ sở UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Dũ nói đây là lệnh của phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến…

Rõ ràng thái độ trịch thượng kiểu đó của các quan chức, nếu được đăng tải công khai trên báo giấy, báo điện tử thì chắc hẳn sẽ thu hút độc giả…". Nhà báo C.M.T kể về một trường hợp nhũng nhiễu quyền lực mà báo chí nếu đăng, sẽ dễ phải đối mặt với vô số ‘kiếm chuyện’ cho ‘đánh nguội’ trả đũa từ các quan chức trong bộ máy công quyền.

Một dẫn chứng tiếp theo được nhà báo C.M.T đưa ra, là các bản tin tường thuật trên báo chí vụ giang hồ đe dọa nhóm cán bộ công an ở Biên Hòa. 

Trong vụ việc này, báo chí đưa tin từ ‘các thể loại báo cáo’ của Công an tỉnh Đồng Nai. Đại khái là, sau khoảng 30 phút có mặt, lực lượng công an đã giải tán được đám đông hiếu kỳ vây quanh hiện trường. Công an cũng đưa một số người và phương tiện có liên quan về trụ sở để lấy lời khai phục vụ công tác điều tra. Những người ngồi trong xe 4 chỗ cũng đã được đưa về trụ sở công an để làm việc. Công an tỉnh hiện đang chỉ đạo Công an thành phố Biên Hòa tiếp tục điều tra, làm rõ những sai phạm của những người liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật [*].

"Nhà báo Nguyễn Hồng Lam của báo Công an Nhân dân, quan sát :

"Gây tắc đường, làm chủ tình hình suốt 2 giờ đồng hồ, buộc cơ quan công thực thi pháp luật phải thương thuyết, điều đình... sau đó bỏ đi tỉnh bơ, đó chính là điều mà nhóm giang hồ - dưới sự chỉ đạo của ai đó - muốn xảy ra, muốn dư luận, công luận, thậm chí cả báo giới chứng kiến, ghi nhận và đề cập. 

Vì thế, chúng chỉ xì bánh xe để không thể rời đi, gây áp lực chứ không động thủ, đập phá hay hành hung. Những gì xảy ra chứng tỏ vụ việc không hề manh động mà hoàn toàn có chủ đích, có đạo diễn. Hành động thể hiện đám xăm trổ hoàn toàn chủ động, kiểu ‘diễn’ đầy chất điện ảnh của mèo vờn chuột, của kẻ mạnh, của kẻ đang chi phối mọi diễn biến...".

Dĩ nhiên đoạn trích nói trên, cho đến nay vẫn chưa được duyệt đăng trên chính báo ngành của lực lượng công an. Với nền báo chí như vậy, thử hỏi người dân tìm đọc sự thật gì trên báo chí hôm nay ? Ế ẩm và đành sống mòn bằng hù dọa doanh nghiệp để bán trang quảng cáo là thực tế ở nhiều tờ báo…". Nhà báo C.M.T biện giải.

Hệ lụy của "nền báo chí Cách mạng Việt Nam" ?

Trở lại với cuộc điện thoại từ số máy 0911341534. Mục đích của cuộc gọi là các nhân viên/cộng tác viên ở bộ phận Phát hành – Quảng cáo ở tờ báo tự giới thiệu là "báo tòa án" (trên thực tế, cơ quan Tòa án Nhân dân tối cao chỉ có báo Công Lý – tên trước đây là báo Người bảo vệ công lý ; cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có báo Bảo vệ pháp luật), nhằm thực hiện việc hiếu hỉ của ngày được Nhà nước tôn vinh là "Ngày Nhà báo cách mạng Việt Nam 21 tháng 6".

"Ngày Nhà báo cách mạng Việt Nam" được lấy mốc phát hành số đầu tiên của báo Thanh Niên, ra số 1 vào ngày 21/6/1925, trụ sở báo ở số nhà 13A đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc. Nguyễn Ái Quốc vừa là Tổng biên tập, vừa là phóng viên. Măng-sét (manchette, tên tờ báo) viết hai chữ Thanh Niên bằng Hán văn và Việt văn.

Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52 ngày 5/2/1985 lấy ngày 21/6 hằng năm làm Ngày báo chí Việt Nam. Ngày 21/6/2000, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là "Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam".

Như vậy, nền báo chí hiện tại buộc phải răm rắp nghe theo những định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Đảng là chuyện đương nhiên. Hệ lụy của nền báo chí cách mạng là một khi sự thật được nhìn qua lăng kính tuyên giáo, tùy từng thời kỳ, từng giai đoạn mà những sự thật được ghi nhận và diễn thuật khác nhau.

Trong lịch sử báo chí Việt Nam, Gia Định báo được cho là tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt mới (chữ Quốc ngữ), được ra mắt vào ngày 15 tháng 4 năm 1865 tại Sài Gòn. Gia Định báo đình bản vào 1 tháng 1 năm 1910. Các báo tư nhân khác có Phan Yên báo (1868), Nông cổ mín đàm (1900), Lục tỉnh tân văn (1910)...

Gia Định báo được ghi nhận công lao cổ động việc học chữ Quốc ngữ và lối học mới, mở đường cho các thể loại văn xuôi Việt Nam in bằng chữ Quốc ngữ, đặt nền móng cho sự hình thành báo chí Việt Nam. 

Hy vọng rằng mai này nếu có ngày để vinh danh cho quyền tự do báo chí Việt Nam, thì đó sẽ là ngày 15 tháng tư – ngày kỷ niệm số phát hành đầu tiên của tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ : Gia Định báo.

Minh Châu

Nguồn : VNTB, 16/06/2019

Chú thích :

[*] Ngày 12/6, tại nhà hàng Lam Viên ở xã Hiệp Hòa, Thành phố Biên Hòa có 2 nhóm ngồi ăn uống rồi xảy ra mâu thuẫn. Tại phòng VIP 8, ông Nguyễn Tấn Lương (ngụ Thành phố Biên Hòa), ông Lê Võ Trường Hải (còn gọi là "Hải bất cần đời", ngụ tỉnh Đắk Lắk) cùng 8 người. Nhóm thứ hai ngồi ở phòng VIP 2 (trong giờ hành chánh), gồm ông Phạm Văn Hiền (ngụ huyện Định Quán, Đồng Nai), trung tá Nguyễn Quang Trường (đội phó Đội cảnh sát 113), trung tá Đinh Tú Anh (đội trưởng Đội cảnh sát trật tự, Công an Đồng Nai) và đại tá Huỳnh Bảo Hùng - nguyên trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an Đồng Nai. 

Published in Diễn đàn

Chuyện bắt tay làm ăn giữa hai đảng cộng sản đã được luật hóa bằng các nghị định song phương, được gọi chung chung là ‘văn kiện hợp tác’. Dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông là đơn cử.

apphe1

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Kết quả chung cuộc của hội đàm là Trung Quốc "ký kết một số thỏa thuận hợp tác và hợp đồng kinh tế". Liệu trong số đó có dự án đường cao tốc Bắc – Nam mà dư luận đang nghi vấn ?

Ngoại giao kinh tế ?

Bản tin của Bộ Ngoại giao Việt Nam phát hành vào trung tuần tháng 5/2017, có tường thuật như sau : "Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ra Thông cáo chung và ký kết 5 văn kiện hợp tác gồm : Thỏa thuận về tăng cường hợp tác trong tình hình mới giữa hai Bộ Ngoại giao, Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại điện tử giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc, Bản ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Trường Đảng Trung ương Trung Quốc Hiệp định hợp tác kinh tế kỹ thuật giữa Chính phủ hai nước về việc Trung Quốc cung cấp khoản viện trợ 200 triệu nhân dân tệ trong năm 2017 và Hiệp định vay bổ sung tín dụng ưu đãi cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Doanh nghiệp hai nước cũng ký kết một số thỏa thuận hợp tác và hợp đồng kinh tế".

Hai bên ở đây gồm có một bên là Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bên kia là Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang (1956 - 2018). 

Nội dung làm việc của chuyến thăm này được bản tin Bộ Ngoại giao mô tả là lộ trình tiếp theo từ hai lần làm việc trước đó của ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Nguyễn Phú Trọng. "Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí về xu thế phát triển tích cực trong quan hệ hai nước trong thời gian qua và đánh giá cao ý nghĩa, những kết quả đạt được của các chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (tháng 1/2017), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (tháng 9/2016) và các chuyến thăm cấp cao gần đây giữa hai nước".

Trung Quốc là ‘ông chủ tiệm cầm đồ’ của Việt Nam !

Trong một báo cáo giải trình của Bộ Tài chính gửi đến đại biểu Quốc hội, cho biết các khoản vốn vay của Trung Quốc dành cho Việt Nam mà những hiệp định song phương giữa hai đảng cộng sản Trung – Việt ký kết, không phải là vốn ODA (Vốn ODA viết tắt của cụm từ Official Development Assistance là một hình thức đầu tư nước ngoài gọi là ‘Hỗ trợ phát triển chính thức’. Vì các khoản đầu tư này thường là các khoản cho vay không lãi suất, hoặc lãi suất thấp với thời gian vay dài).

Bộ Tài chính nhìn nhận so với các nguồn vay nước ngoài khác của Chính phủ, nguồn vốn vay Trung Quốc có điều kiện vay ràng buộc, mức độ ưu đãi không cao, dẫn đến chi phí huy động vốn cao. Phương thức mua sắm các khoản vay Trung Quốc là lựa chọn nhà thầu trong số danh sách nhà thầu phía Trung Quốc đưa ra, thực chất là chỉ định thầu, điều này làm giảm tính cạnh tranh.

Ngoài ra, các quy định về quản lý đầu tư, xây dựng của phía Việt Nam và Trung Quốc còn có mâu thuẫn, trong khi đó, thái độ của nhà thầu với chủ đầu tư còn chưa hợp tác nên việc giải quyết các vấn đề phát sinh còn chưa tốt. Mặt khác, hầu hết hàng hóa, thiết bị phải mua sắm từ Trung Quốc. Điều này làm làm tăng tính phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc, làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình.

Bởi vì đó là ‘hai đảng anh em’…

Trong một tài liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có tên "Thu hút, quản lý và sử dụng vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài 2018 - 2020, tầm nhìn 2025", được đính kèm trong hồ sơ trình để Thủ tướng ký quyết định về "Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2021 – 2025", cho biết như sau (tóm lược) : Tín dụng ưu đãi của Trung Quốc tương tự các khoản tín dụng xuất khẩu, là các khoản vay có điều kiện là chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc, và có điều kiện vay kém ưu đãi hơn so với vốn ODA của các nhà tài trợ khác tại Việt Nam.

Vốn vay Trung Quốc thường có lãi suất 3% một năm, cao hơn mức lãi vay từ các thị trường khác như Nhật Bản 0,4 - 1,2% tùy vào thời hạn vay ; Hàn Quốc 0 - 2% tùy theo điều kiện đấu thầu hay Ấn Độ 1,75% một năm ; các nước liên minh châu Âu (EU)... 

Chưa kể, vay vốn từ Trung Quốc sẽ phải chịu phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%, trong khi thời hạn vay và ân hạn đều ngắn hơn các thị trường vốn khác, lần lượt 15 và 5 năm. Các khoản vay tín dụng ưu đãi được cung cấp qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank). Do đó ‘tín dụng ưu đãi’ của Trung Quốc chỉ phù hợp sử dụng cho các dự án có nguồn thu trực tiếp và khả năng trả nợ.

Như vậy, xem ra cùng với lời kêu gọi "Việt Nam cần đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ thương mại để giảm rủi ro do quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc", thì cần thiết không kém là thể chế chính trị của Việt Nam cần hướng tới nhanh hơn nữa việc chấm dứt các phụ thuộc, lệ thuộc về cái gọi là ‘hai đảng anh em’ ; tránh những cú bắt tay làm ăn núp bóng qua những "chuyến thăm cấp Nhà nước" giữa nhóm người đứng đầu đảng cộng sản của đôi bên.

Minh Châu

Nguồn : VNTB, 09/06/2019

Published in Diễn đàn
samedi, 01 juin 2019 15:33

Những đứa trẻ đường phố

Giờ thì Sài Gòn hiếm hoi cảnh những đứa trẻ đường phố bán báo dạo. Đơn giản, báo in ế ẩm chẳng mấy ai mua… Thế nhưng trẻ đường phố bán hàng rong mỗi khi màn đêm buông xuống, thì Sài Gòn nhiều lắm.

Với trẻ em đường phố thì Ngày Quốc tế Thiếu nhi, có lẽ chỉ dành cho thiếu nhi nhà khá giả, bởi với trẻ đường phố, tuổi thơ của chúng đã đánh mất từ lâu rồi theo vòng đời mưu sinh trôi nỗi.

tre1

Ảnh : Cô bé Huỳnh Ngọc Lam ở ‘phố Tây’ Bùi Viện, quận 1, Sài Gòn.

Đúng là những đứa trẻ ăn xin ở các ngã tư, giao lộ của Sài Gòn gần như không còn nhiều như hai mươi năm về trước, kể cả giới ăn xin tha phương cầu thực của những nhóm dân đến từ Campuchia như thuở nào. Hôm nay những đứa trẻ này phải thích ứng với hoàn cảnh mới, khi hàng quán nhậu được mở dày đặc lúc đêm về, và người nhập cư tràn vào Sài Gòn đang lấn áp số đông dân cố cựu. Việc mủi lòng bố thí cho kẻ ăn xin, ăn mày giờ đây cũng dần hiếm hoi.

Người đàn bà trung niên là dân nhập cư từ Quảng Ngãi, đang ở trọ tại quận 12 Sài Gòn, giải thích bản thân chị cũng không muốn ôm con theo khi đi bán vé số. Tuy nhiên, nếu gửi con vào các nhà trẻ gần chỗ trọ, thì chị không đủ chi phí để lo, khi giá gửi trẻ thấp nhất ở vùng ven quận 12 bây giờ lên tới 1,5 triệu đồng/tháng. Nếu cộng với chi phí nhà thuê, ăn uống…, thì số tiền lời kiếm được từ bán vé số sẽ khó kham nổi trước vật giá cứ mãi leo thang.

Sài Gòn có nơi gọi là 'khu phố Tây', tập trung khách du lịch người nước ngoài với đủ mọi thành phần, cùng với vô số phức tạp của lưu dân quốc tế. Những người dân phố Tây hẳn sẽ nhớ đến một bé gái nhỏ xíu, hay bước đi cùng mẹ len qua giữa dòng người đông đúc. Hễ mẹ chỉ vào quán nào là cô bé lại ôm chân khách ở bàn đó để bán kẹo cao su.

Người đàn bà tự giới thiệu tên Thành, nói rằng con bé tên Huỳnh Ngọc Lam, con của chị vốn bị chậm phát triển. Mấy năm trước, gia đình của Thành ở Nhà Bè, rồi cha mẹ mất, chồng có vợ bé. Anh trai của Thành đuổi mẹ con chị đi để tranh giành tài sản... Cũng chẳng biết thực hư. Tội cho cô bé đang phải mưu sinh ở nơi vốn đầy cạm bẫy của những kẻ tình dục ấu nhi nơi phố Tây.

Nhìn Ngọc Lam nhỏ thó lon ton trong các hàng quán, khách không khỏi chạnh lòng. Người ta thương tình cho bé tiền, chứ cũng ít ai lấy kẹo. Nghe lời mẹ, hễ ai cho dù chỉ vài nghìn, cô bé cũng đều gật đầu kèm theo tiếng cảm ơn lí nhí.

Bởi vậy nên ở Sài Gòn, nhiều người nhận xét đúng rằng đó là đô thị hoa lệ : hoa cho người giàu và lệ cho dân nghèo. Cũng bởi Sài Gòn bao đời nay là nơi của đất lành chim đậu, nên riết rồi người ta cũng quen mắt với cảnh làn sóng nhập cư vào đây, còn kèm luôn những phận đời bất hạnh, côi cút.

Hình ảnh những đứa trẻ lành lặn có, khuyết tật có, lang thang, vật vờ trên hè phố đeo một chiếc giỏ nhựa với vài thứ hàng hóa cứ lướt qua, tưởng chừng như là một điều vô cùng bình thường của cuộc sống. Nhưng liệu đã có ai thắc mắc : Tương lai của các em sẽ đi về đâu ? Ở lứa tuổi còn nhỏ như vậy, các em sẽ phải vật lộn với cuộc sống như thế nào ?

tre2

Trẻ em lang thang cơ nhỡ ngày một nhiều

Phía sau cuộc mưu sinh lầm lũi của những đứa trẻ nghèo khó ấy, phải chăng đúng như báo chí thường mô tả rằng đó là mơ ước cháy bỏng một tập sách mới, một chiếc xe đạp để được đến trường như bao trẻ thơ khác ?. Thực tế cho thấy, trẻ đường phố không quan tâm đong đếm tháng ngày cho mơ ước, không đong đếm mệt nhọc, mà chúng chỉ đong đếm số tiền kiếm được mỗi ngày có đủ để mua nuôi sống mình và người thân...

Đầu tháng 4, năm 2016, bà chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ký ban hành Luật Trẻ em. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2017. Theo luật này (Điều 4), thì "Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh ; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em ; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt". Và, "Phát triển toàn diện của trẻ em là sự phát triển đồng thời cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội của trẻ em".

"Chăm sóc thay thế là việc tổ chức, gia đình, cá nhân nhận trẻ em về chăm sóc, nuôi dưỡng khi trẻ em không còn cha mẹ ; trẻ em không được hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ ; trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang nhằm bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em".

Tuy nhiên trên thực tế thì việc thực thi những điều luật đầy mỹ từ ấy ra sao, chắc chẳng mấy vị đại biểu mang tiếng là dân cử nào chịu khó ghé mắt đến. Họ chỉ bỏ công mỗi một lần cho bấm nút thông qua ở nghị trường, để bà chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân hạ bút ký ban hành.

Những câu thơ một thời được tung hê mỗi dịp có ngày kỷ niệm liên quan, giờ nhắc lại mới thấm thía nỗi mai mỉa, ma mị của các nhà làm chính trị ở xứ Việt : Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan.

Minh Quân

Nguồn : VNTB, 01/06/2019

Published in Diễn đàn

Thấy gì từ các cuộc thi nhan sắc do chính người Việt tổ chức ở xứ người ?

Dường như nhan sắc cũng đang là thứ hàng hóa được người Việt chọn để ‘đầu tư ra nước ngoài’, thông qua những cuộc thi với danh xưng hoa hậu, nam vương… Bài viết này là một ghi nhận mang tính cảnh báo.

"Đây cũng chính là nguồn cung ứng các cô gái đẹp, có chức danh về nhan sắc đúng theo yêu cầu thường thấy dành cho các buổi tiệc tùng ký kết làm ăn quen thuộc đối với thương nhân là Hoa kiều". Bà Nguyễn Thị Bích Thu, một người Việt định cư tại Đài Loan từ thập niên 80 thế kỷ trước (bạn của người viết), đã cho biết như vậy.

Mới đây, trong buổi gặp gỡ với báo chí tại Sài Gòn, một phụ nữ người Việt được giới thiệu là "Hoa hậu Châu Mai Thảo" đến từ Đài Loan, sẽ cùng với ông Nguyễn Minh Trường tiếp tục tổ chức cuộc thi Miss and Mrs Vietnam International 2019  với quy mô mở rộng, sau 2 mùa giải 2017 và 2018 cuộc thi này đã nhận được sự ủng hộ của thương nhân Đài Loan.

hoahau1

Bà Châu Mai Thảo và ông Nguyễn Minh Trường

Bà Châu Mai Thảo được cho là "đại diện hợp pháp tại Đài Loan" sẽ cùng Công ty Trường Nguyên Entertainment  lập tại Việt Nam đứng ra đồng tổ chức, với lời quảng cáo : "Một sân chơi nhan sắc thường niên dành cho các doanh nhân, người đẹp thành đạt trong và ngoài nước, đặc biệt giao lưu văn hóa, kinh doanh giữa các nước trên thế giới".

Cũng tại Đài Loan, cuộc thi Hoa hậu Sắc đẹp Việt Nam Quốc tế 2019 cũng vừa khép lại với vương miện hoa hậu thuộc về cô gái có tên Lê Thu Thảo, được giới thiệu là đến từ Vũng Tàu. Tin tức về cuộc thi này trên báo chí Việt Nam, gần như mờ nhạt. Trưởng ban tổ chức kiêm giám khảo cuộc thi là ông Lo De Fa, người Trung Quốc, hiện là Hội trưởng Lion Club tại Đài Loan. 

hoahau2

Tấm ảnh này được nhóm người tổ chức giải, ghi là "Trưởng ban tổ chức – ông Lo De Fa, Giám khảo – Hoa hậu Việt Nam Đặng Ngọc Hân trao giải cho tân hoa hậu Lê Thu Thảo".

Trong tài liệu gửi đến báo chí để ‘cậy’ đưa tin về cuộc thi Hoa hậu Sắc đẹp Việt Nam Quốc tế 2019, có đoạn ghi như sau : "Ghế nóng của đêm chung kết là những gương mặt đình đám bao gồm : Đạo diễn Anthony Võ, Hoa hậu Việt Nam Ngọc Hân, Hoa hậu Đài Loan Angela La La, á hậu Huỳnh Tú Lan, á hậu Thùy Linh, á hậu Huệ Thư, Hoa hậu tài năng Sakura Thu Hằng, hoa hậu Kelly Nguyễn, Á hậu Kim Hi, Huấn luyện viên catwalk Anna Huang, hoa hậu Nga Nguyễn… Các vị giám khảo đã phải đắn đo rất nhiều để cho ra kết quả công bằng, chính xác nhất".

Những tên tuổi với các chức danh nhan sắc từ bản tin gửi đến báo chí như trên, cho thấy bên cạnh chuyện ‘lạm phát’ danh xưng, còn là cảnh báo của nguy cơ kinh doanh tình dục thông qua các hợp đồng sau khi kết thúc cuộc thi ; như việc các người đẹp sẽ thực hiện "quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp và cá nhân kết nối đến với bạn bè tại thành phố Đài Bắc" được ghi trong hồ sơ lúc thí sinh đến đăng ký tham gia cuộc thi Miss and Mrs Vietnam International 2019.

Trong quá khứ, cuộc thi "Hoa hậu Việt Nam toàn cầu" (Miss VietNam Global ) diễn ra tại Đài Loan do Công ty điện ảnh của diễn viên Helen Thanh Đào, sống và hoạt động nghệ thuật tại Đài Loan tổ chức vào năm 2017. Sau cuộc thi này, xảy ra vụ việc cô á hậu T.M.L (ảnh) đã bị Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP.HCM bắt giữ trong một vụ án mại dâm với sự tham gia của nhiều cô gái từng có giải thưởng trong và ngoài nước.

Minh Châu

Nguồn : VNTB, 27/05/2019

Published in Diễn đàn

Tính đến hiện tại, về mặt truyền thông, đây là kỳ họp Quốc hội có ít hình ảnh được đăng tải trên báo chí, từ bản in đến phiên bản điện tử. Đặc biệt là không có hình ảnh của vị đại biểu quốc hội tổng bí thư đảng, chủ tịch nước.

quochoi1

Các đoàn Đại biểu tại Phiên họp sáng ngày 20/5

Một điểm lạ nữa là trong diễn văn khai mạc, bà chủ tịch quốc hội đã không xướng bất kỳ một chức danh cụ thể nào khi bắt đầu cụm từ quen thuộc "Kính thưa…" (1). Đây là điều chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử khai mạc các kỳ họp Quốc hội ở nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bản tin trên trang của Quốc hội viết : "Sáng ngày 20/05, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh các Đoàn đại biểu quốc hội tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV" (2).

Theo bản tin kèm bộ ảnh này, có thể khẳng định sự vắng mặt của ông Nguyễn Phú Trọng. Không thấy báo chí tường thuật về lý do, vì sao ông Nguyễn Phú Trọng đã không thực hiện trách nhiệm là vị đại biểu của nhân dân tại Quốc hội ? Bởi theo thủ tục, nếu một vị đại biểu quốc hội không thể tham dự kỳ họp định kỳ của Quốc hội, cần phải có đơn xin phép vắng mặt.

Báo Nhân dân, bản in phát hành ngày 21/05, đưa tin : "Sáng 20-5, Kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIV khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Trước đó, từ 7 giờ 15 phút, các vị đại biểu quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh". Tuy nhiên các tấm hình được đăng trên báo ở nghi thức phiên khai mạc lẫn nghi thức quen thuộc của đặt vòng hoa vào viếng lăng, đều không có sự hiện diện của người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam. Đây là một sự kiện dường như chưa bao giờ xảy ra, kể từ sau kỳ họp Quốc hội thống nhất đất nước ở năm 1976.

Lâu nay, độc giả Việt Nam đã ‘quen mắt’ mục "breaking news" khi đọc trên các báo hay các chương trình tin tức nước ngoài, có nghĩa là tin nổi bật nhất trong ngày. "Breaking" ở trong cụm từ này có thể hiểu là tính từ, còn "news" là danh từ. Các báo ở Việt Nam sử dụng cụm từ "Tiêu điểm", "Tin nóng". "Dòng sự kiện" với hàm ý nghĩa tương tự "breaking news".

Khó hiểu là các diễn biến ở kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIV, tính đến lúc này lại không được các tờ báo (phiên bản điện tử) cho hiện diện ở vị trí bắt mắt nhất thường thấy của ‘breaking news’. Dễ dàng kiểm chứng điều ấy ở các báo từ Thông Tấn Xã Việt Nam, Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng đến báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Vietnam Net, VnExpress…

Vì sao ? Phải chăng nguyên nhân chính là sự vắng mặt trên các khuôn hình báo chí của vị đại biểu quốc hội Nguyễn Phú Trọng ?

Trước ngay khai mạc kỳ họp thứ bảy của Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Phú Trọng đã xuất hiện liên tiếp ở hai buổi họp/hội nghị được cho là quan trọng nhất nhì của đảng cầm quyền. Báo chí đã truyền thông hình ảnh rất mạnh mẽ về hai lần xuất hiện đó của ông Nguyễn Phú Trọng. Phải chăng cuộc họp Quốc hội là thứ yếu nên sự vắng mặt của ông Nguyễn Phú Trọng là có thể chấp nhận ?

Ở đây, nhiều ý kiến cho rằng có thể nguyên cớ đến từ việc nếu ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ‘ngồi’ để dự họp Quốc hội, mà không thể ‘đứng’ để thực hiện các nghi thức chào cờ, các lễ của đặt vòng hoa viếng lăng…, thì sẽ tạo ra một ‘breaking news’ bất lợi cho cả hai chiếc ghế quyền lực bậc nhất quốc gia do cùng một người đang đảm nhận.

Trong một hội thảo "Breaking News - Sức mạnh của chương trình thời sự" dành riêng cho các đài truyền hình ở Việt Nam, tham luận đầu tiên được trình bày là của cơ quan thường trú của Đài truyền hình Việt Nam tại Mỹ, thể hiện dưới dạng video. Theo phóng viên Trần Hà chia sẻ trong tham luận, hầu hết các đài truyền hình lớn của Mỹ như CNN, CBS hay ABC đều dành thời lượng riêng cho các bản tin ‘Breaking News’.

Tin nóng có thể xen ngang một bản tin bình thường và thông thường chỉ có một số phóng viên giỏi nhất, được phân công đảm nhận việc đưa tin ‘Breaking News’. Theo phóng viên Trần Hà, điều quan trọng khi xử lý các tin nóng, đó là việc người phóng viên phải có một cái đầu "lạnh".

Như vậy, rõ ràng sau vấn đề về sức khỏe xảy ra ở chuyến công tác 'đột xuất' tại tỉnh Kiên Giang của ông Nguyễn Phú Trọng, giờ đây các diễn biến về bệnh tình của người đứng đầu đảng cộng sản luôn được báo chí trong và ngoài nước cử các phóng viên giỏi nhất, có mối quan hệ tốt nhất đàng sau cánh gà chính trị để thực hiện ‘Breaking News’. Chính điều này đã góp thêm phần dè dặt của Bộ Chính trị trong các kịch bản về sự xuất hiện rộng rãi, công khai đến chừng mực nào của ông Nguyễn Phú Trọng.

Xem ra hoàn toàn có căn cứ cho nghi vấn tham vọng chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng đang phải khép lại với lý do sức khỏe. Giờ đây, ông đã có thể nghỉ ngơi, vui thú điền viên bên gia đình của mình, sau thời gian dài cống hiến trí tuệ, sức lực cho đảng cộng sản Việt Nam.

Minh Châu

Nguồn : VNTB, 23/05/2019

(1) http://media.chinhphu.vn/video/chu-tich-quoc-hoi-nguyen-thi-kim-ngan-phat-bieu-khai-mac-ky-hop-thu-bay-quoc-hoi-khoa-xiv-12009

(2) http://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=40336

Published in Diễn đàn

Quốc hội và Chính Phủ Hoa Kỳ thông qua quyết nghị chung S.J.Res.168 ấn định ngày 11 tháng 5 (May 11) hàng năm là "Ngày Nhân Quyền Việt Nam", được Tổng thống Bill Clinton ký ban hành thành công luật số PL 103-258 ngày 25/5/1994. 

ngay1

Mục đích của luật này nhằm "hỗ trợ những nỗ lực bất bạo động đòi tự do và nhân quyền cho nhân dân Việt Nam" và "tổng thống kêu gọi nhân dân Hoa Kỳ kỷ niệm ngày này với nghi lễ và hành động cần thiết" (1).

Giờ là câu chuyện của năm thứ 26

Trong công luật có đoạn ghi như sau (tạm dịch) : "Quốc hội Hoa Kỳ hối thúc Hà Nội phóng thích tức thì và vô điều kiện tất cả tù nhân chính trị, cùng với việc phục hồi cho họ tất cả các quyền dân sự và nhân quyền ; cam đoan bảo đảm cho mọi người Việt được bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt tín ngưỡng, xu hướng chính trị, hay những liên hệ trong quá khứ ; phục hồi tất cả nhân quyền căn bản, như tự do ngôn luận, tôn giáo, di chuyển, và lập hội ; loại bỏ hệ thống độc đảng và để cho tất cả các tổ chức chính trị được hoạt động mà không bị đe dọa hay quấy nhiễu và công bố một khuôn khổ cùng lịch trình cho bầu cử tự do và công bằng dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc để cho nhân dân Việt Nam được quyền tự chọn cho mình thể chế chính quyền".

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, Hoa Kỳ đã dành riêng một ngày đặc biệt trong năm là ngày nhân quyền cho một quốc gia. Đó là kết quả của sự gắn bó sâu sắc giữa chính phủ Hoa Kỳ và nhân dân Việt Nam. Hàng năm, lễ kỷ niệm đã được tổ chức trọng thể tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ với mục đích nhắc nhở và cổ xúy cho nhân quyền tại Việt Nam. Năm nay là lần kỷ niệm thứ 25.

Như vậy là một phần tư thế kỷ đã đi qua và những vấn đề về tự do nhân quyền đã nêu ở công luật số PL 103-258 của Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ vẫn chưa được Hà Nội ‘để mắt đến’, mặc dù những nội dung này gần như cũng là các yêu cầu bắt buộc của thỏa thuận ở chương 19 của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đó là quyền tự do công đoàn của người lao động.

Và đâu chỉ có CPTPP, mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đều đưa ra yêu cầu tất cả các nước tham gia phải thông qua và duy trì các quyền được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). 

Các quyền này được quy định trong 8 công ước cơ bản của ILO với nền tảng cơ bản là tự do liên kết và công nhận hiệu quả quyền thương lượng tập thể ; loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc ; xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp… Tất cả các quốc gia thành viên của ILO, bao gồm cả Việt Nam đều phải tôn trọng các quyền này. Đây được coi là những quyền được ghi nhận trên toàn thế giới trong xã hội hiện đại. 

Tuy nhiên hiện Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn ba công ước cơ bản (Công ước số 87, 98 và 105) liên quan đến tự do liên kết, quyền thương lượng tập thể và loại bỏ lao động cưỡng bức. 

Khởi đầu từ quyền tự do công đoàn cho từng bước thay đổi thể chế chính trị ?

Quyền tự do liên kết của các tổ chức công đoàn độc lập, theo nguyên tắc của ILO, thì các công đoàn, nghiệp đoàn độc lập hình thành tại Việt Nam có quyền tự do lựa chọn việc có hay không trong liên minh với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam – một tổ chức lâu nay được quy định trực thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

Như vậy, hiểu theo nghĩa nào đó, những cơ hội mới đang mở ra cho việc từng bước thay đổi thể chế chính trị độc đảng như đã nêu ở công luật số PL 103-258 (nguồn đã dẫn). Thực hiện các cam kết ở chương 19 của CPTPP, thì các công đoàn độc lập phải có đầy đủ các quyền như tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động hiện nay, bao gồm quyền về chính trị. Chính điều đó sẽ mang đến lợi ích cho công việc quản trị quốc gia, thông qua bắt đầu có sự giám sát hữu hiệu, thiết thực hơn của những tổ chức không chịu sự lệ thuộc của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – một tổ chức được quy định là phải "tham gia xây dựng Đảng" (Điều 3.4, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).

"Có nguy cơ hình thành tổ chức người lao động nhưng thực ra đối tượng tham gia không phải là đại diện người lao động mà lợi dung tổ chức hoạt động có động cơ chính trị và có hành động chống phá làm phức tạp tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội".

Lý do này đang được nêu ra trong các buổi góp ý sửa đổi Bộ Luật lao động. Lo ngại đó là có cơ sở, vì với thực trạng phe nhóm lợi ích hiện nay trong bộ máy cầm quyền, cho thấy chỉ có thể giải quyết bài toán ‘có động cơ chính trị’, bằng việc minh bạch hóa các tổ chức chính trị, và đảng cộng sản Việt Nam cần tự tin chấp nhận việc cạnh tranh trong quyền tự do lựa chọn chính trị đó của người dân.

Nếu những đảng viên cộng sản khi làm công việc điều hành quốc gia luôn hướng đến mục đích dân giàu nước mạnh, thì họ sẽ biết mình nên rút lui một cách tử tế khi đã ‘lực bất tòng tâm’ ở thể chế độc đảng toàn trị trong suốt hơn 44 năm qua. Hoặc có thể họ đường hoàng sử dụng quyền con người được hiến định, để cùng lập ra những tổ chức chính trị khác, cùng đồng hành cạnh tranh sòng phẳng với đảng cộng sản trong quản trị quốc gia.

Nếu đảng cộng sản Việt Nam thực sự đúng như lời của một bài viết đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2013, rằng "Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh : Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc ; Đảng không có mục đích nào khác là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân…", thì vì lợi ích của giai cấp công nhân, nay đang sắp có các tổ chức công đoàn, nghiệp đoàn độc lập, "Đảng ta" cũng cần hiểu rằng "nhân dân – dân tộc" đang cần sự thay đổi của thể chế một cách căn cơ. 

Những giải pháp mang tính tình thế của ‘củi – lò’ đang diễn ra cho thấy tính "phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân" là mờ nhạt, và các đe dọa lợi ích phe nhóm vẫn không thể giải quyết. Những ung dung của Lê Thanh Hải, của Tất Thành Cang… ; của loay hoay ‘thu giá – thu tiền’ ; của oán giận ngút trời ở người dân Thủ Thiêm, của cư dân vườn rau Lộc Hưng là những hình ảnh dễ thấy nhất về sự bất lực của "Đảng ta" trong suốt thời gian rất dài và đến tận hôm nay…

Minh Châu

Nguồn : VNTB, 11/05/2019

(1) https://www.govinfo.gov/content/pkg/STATUTE-108/pdf/STATUTE-108-Pg692.pdf

Published in Diễn đàn

"Chức danh mới nhất của ông Tất Thành Cang được niêm yết công khai tại kiôt thông tin phục vụ Hội nghị Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 26 khóa X, diễn ra ngày 30/3 : phó ban chỉ đạo công trình ‘Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh’". 

cang1

Ông Tất Thành Cang giữ chức Phó ban chỉ đạo công trình 'Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh' (Ảnh VTC)

Bản tin ở rất nhiều bài báo đã cho biết như vậy.

Theo các bài báo, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đang đặt hàng Hội Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh làm một công trình nghiên cứu lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh gồm các giáo sư, nhà khoa học tham gia thực hiện. Quá trình làm công trình sẽ thành lập một ban chỉ đạo để định hướng nội dung. Khi công trình hoàn thành, ban này sẽ thành lập hội đồng thẩm định bổ sung. Trước đây, khi còn là phó bí thư thường trực thành ủy, ông Tất Thành Cang được giao làm trưởng ban.

Như vậy, thông tin nói trên tái xác nhận việc viết sử là theo một định hướng từ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh với đại diện cụ thể là ông Tất Thành Cang.

Trước đó, ngày 26/12/2018, Hội nghị Trung ương 9, khóa XII đã thông qua việc kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, phó bí thư thường trực Thành ủy, ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020 vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

Xem ra vây cánh của cựu bí thư Lê Thanh Hải vẫn còn quá lớn, hoặc ở đây chính bí thư Nguyễn Thiện Nhân, người từng là cấp phó của ông Lê Thanh Hải, vốn đã ‘vấy máu ăn phần’ nhiều áp phe làm ăn tại Thành phố Hồ Chí Minh, nên giờ lâm vào thế há miệng mắc quai.

Trong tiểu sử của ông Tất Thành Cang đăng tải ở nhiều trang báo, không rõ ông tốt nghiệp đại học ở chuyên ngành nào ? Chính điều này cho thấy dù ở cương vị trưởng hay phó ban chỉ đạo công trình "Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh" đều không thuyết phục về tính chuyên môn, cũng như sự công tâm phải có của những người viết sử.

Thời gian ông Tất Thành Cang là bí thư Quận ủy quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh, rồi bí thư kiêm chủ tịch quận này, đã góp phần đẩy dân oan Thủ Thiêm lâm vào đường khốn cùng của việc thu hồi đất trái pháp luật từ thời chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải. 

Giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 6/2014, ông Tất Thành Cang ngồi ghế Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh. Trên cương vị này, ông đã ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

Hợp đồng ký tắt của ông Tất Thành Cang đã giao cho Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Đại Quang Minh xây dựng 4 tuyến đường ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, có tổng chiều dài gần 12 km, chiều rộng từ 11,6 m đến 55 m với tổng mức đầu tư là hơn 8.265 tỷ đồng. Nếu tính cả chi phí dự phòng do trượt giá và lãi vay (3.917 tỷ đồng), tổng số vốn lên đến hơn 12.200 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi cây số đường trong khu đô thị Thủ Thiêm có giá từ 700 đến hơn 1.000 tỷ đồng. Con số này gấp nhiều lần suất đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam đã được Quốc hội thông qua (gần 182 tỷ đồng/km). Trớ trêu là số tiền xây dựng đường này được đánh giá là khá đắt đỏ, song chủ yếu nhằm phục vụ khu đô thị Sala của Đại Quang Minh.

Trở lại với câu chuyện viết sử. Công trình "Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh" sở dĩ có mặt ông Tất Thành Cang (trước đây là trưởng ban chỉ đạo, giờ xuống làm phó ban), là nhằm để "chỉ đạo định hướng nội dung". Nói một cách khác, đây là cách viết sử thuận theo ý của đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh với đại diện là bí thư Thành ủy. 

Người học sử không ai không biết ba anh em sử gia thời Xuân Thu bên Trung Hoa. Họ chép sử ghi lại việc Thôi Trữ giết vua nước Tề là Trang Công để thâu tóm quyền lực. Dù bị Thôi Trữ chém đầu, nhưng cả ba người đều lần lượt ghi : "Thôi Trữ giết vua". Đến người thứ tư của dòng họ này cũng không sợ chết mà viết y như vậy, đồng thời nói với Thôi Trữ như một tuyên ngôn của người viết sử : "Ông có thể giết chết người viết sử, nhưng không thể giết chết được sự thật". 

Cái dũng của người viết sử là như vậy. Trách nhiệm của người viết sử quả là nặng nề, nhưng khó hơn lại là một chữ "dũng". Lịch sử là hồn thiêng của giống nòi và là trí nhớ của dân tộc. Lịch sử là sự thật, không đúng sự thật không thể gọi là lịch sử.

Công trình "Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh" chắc chắn sẽ tiêu tốn số tiền lớn từ ngân sách. Tiền thuế của dân không phải được dùng cho một loại biên soạn lịch sử kiểu "định hướng nội dung" như vậy, cho dù đó là định hướng từ người đứng đầu đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng, hay Nguyễn Thiện Nhân, chứ chưa nói đến một người vướng nhiều vi phạm pháp luật như Tất Thành Cang. 

Minh Châu

Nguồn : VNTB, 01/04/2019

********************

Ông Tất Thành Cang đỗ ‘ga xép’ trước khi bị truy tố ? (VOA, 01/04/2019)

Hàng trăm ý kiến bày tỏ bất bình được gửi đến báo chí chính thống ở Việt Nam và đăng lên truyền thông xã hội sau khi một cựu lãnh đạo đảng bị kỷ luật ở thành phố Hồ Chí Minh được bổ nhiệm phụ trách việc viết lịch sử thành phố.

cang1

Ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Photo : VietnamNet

Tuy nhiên, những người am hiểu chính trị Việt Nam nói sự bổ nhiệm này có thể chỉ là một chặng dừng chân tạm thời trước khi quan chức kia bị truy tố và đem ra xét xử.

Các báo Việt Nam, trong đó có VnExpress, VietnamNet, Tiền Phong…, đưa tin hôm 30/3 cho hay ông Tất Thành Cang "được phân công" làm Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công trình "Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh".

Công trình nghiên cứu kể trên được Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đặt hàng với Hội Lịch sử của thành phố. Ban chỉ đạo về chương trình này có nhiệm vụ "định hướng nội dung".

Nói với Đài VOA, một số nhà quan sát cho rằng việc ông Tất Thành Cang nay trở thành phó trưởng ban chỉ đạo về thực chất là một sự đi xuống về mặt chức danh. Trước đây, ông Cang từng là trưởng ban, khi ông còn là phó bí thư thường trực thành ủy.

Hồi cuối tháng 12/2018, ông Cang bị Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ luật bằng hình thức "cách chức Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh" vì ông có những "khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng".

Thông báo về kỷ luật của đảng được báo chí trong nước dẫn lại ở thời điểm đó cho hay ông Cang "vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc" trong việc quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như "vi phạm các quy định pháp luật" trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp do thành ủy quản lý.

Ở thời điểm hiện nay, việc ông Cang được bổ nhiệm làm phó ban chỉ đạo về soạn lịch sử của thành phố quan trọng nhất về kinh tế của Việt Nam đang gây ra nhiều phản ứng tiêu cực trong công chúng.

Theo báo mạng VietnamNet, "hàng trăm độc giả" đã gửi ý kiến bày tỏ "không thể tin nổi" hoặc "bó tay" về sự bổ nhiệm nói trên, trong đó một số người đặt câu hỏi phải chăng chính quyền thành phố "hết người tài" để lựa chọn cho nắm giữ một trọng trách như vậy ? VOA cũng quan sát thấy có hàng trăng ý kiến tương tự được bày tỏ qua mạng xã hội.

Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho VOA biết rằng ít nhất theo quan sát cá nhân, ông nhận thấy dư luận ở Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm cả những đảng viên kỳ cựu 50, 60 tuổi đảng, đang "sốc" và "bức xúc" về việc bổ nhiệm "thiếu nhạy cảm" mới đây.

Ông Thuận nói thêm : "Họ cho rằng việc phân công đó là không nên. Nhiệm vụ viết lịch sử thì đòi hỏi có người có cái tâm sáng, phải có tầm nhìn và đánh giá đúng thực chất lịch sử. Nếu mà người làm từng bị kỷ luật rất nặng nề như vậy, giờ tham gia viết cái đó, liệu có đảm bảo khách quan không ?".

Với hiểu biết về hệ thống chính trị Việt Nam, luật sư Thuận nói do ông Tất Thành Cang vẫn là thành ủy viên và còn nhận lương từ ngân sách, nên cơ quan của đảng phải sắp xếp cho ông Cang "làm gì đó".

Điều đáng tiếc là việc phân công vừa qua không được "khéo léo", nếu xét đến bối cảnh có các vụ bê bối về đất đai ở Thủ Thiêm hay vườn rau Lộc Hưng còn đang làm nhiều người dân đau khổ, phẫn nộ, theo nhận xét của luật sư Thuận.

Lúc này, một số nhà quan sát và nhà báo kỳ cựu Việt Nam viết trên mạng xã hội rằng chức danh mà ông Tất Thành Cang mới được giao có thể xem chỉ là một điểm dừng chân tạm, một "ga xép" trong quá trình ông bị kỷ luật.

Các nhà quan sát, nhà báo dẫn ra trường hợp cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bổ trưởng Đinh La Thăng, hay các cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn… đều bị kỷ luật về mặt đảng, tiếp đến được giao những nhiệm vụ tạm thời, nhưng cuối cùng đã bị truy tố, bắt giam, và xử tù. Từ đó, họ nhận định rằng cựu quan chức đảng Tất Thành Cang khó tránh khỏi số phận tương tự.

Cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận có chung suy nghĩ. Ông nói với VOA : "Tôi cho rằng nhận xét đó là đúng, ý kiến đó là đúng, bởi vì đã có tiền lệ rồi".

Hồi cuối tháng 12/2018, báo chí Việt Nam đưa tin rằng lý do cụ thể dẫn đến việc ông Cang phải nhận kỷ luật nặng về mặt đảng là khi ông còn giữ chức Giám đốc Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, ông đã "vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm".

Những sai phạm của ông Cang là một phần trong vụ bê bối về đất đai ở Thủ Thiêm kéo dài gần hai chục năm qua, làm hàng trăm hộ dân phải khiếu kiện kéo dài.

Đầu tháng 9/2018, trước khi ông Cang bị kỷ luật, Thanh tra Chính phủ Việt Nam kết luận rằng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và nhà chức trách cấp địa phương đã có những "khuyết điểm, vi phạm" trong việc lập qui hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Tọa lạc tại Quận 2 bên bờ đông sông Sài Gòn, Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một dự án qui hoạch được thủ tướng phê duyệt vào năm 1996 nhằm phát triển khu vực này thành một trung tâm kinh tế và văn hóa hiện đại của Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng từ đầu những năm 2000, tranh chấp đã bùng ra giữa người dân và chính quyền về ranh giới qui hoạch và chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng bị coi là phi lí và thiếu thỏa đáng.

********************

Nhiệm vụ mới cho đảng viên bị kỷ luật Tất Thành Cang (RFA, 30/03/2019)

Ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí Thư thường trực Thành phố Hồ Chí Minh đang bị kỷ luật, được chuyển sang làm Phó Trưởng Ban Thường trực Chỉ đạo công trình ‘Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh’.

cang2

Ông Tất Thành Cang bị kỷ luật đảng vào ngày 26/12/18. Ảnh chụp màn hình danviet.vn

Tin trong nước loan đi ngày 30 tháng 3 như vừa nêu và cho biết thêm đích thân Ông Tất Thành Cang xác nhận với báo giới. Ông này cũng thông báo rõ là không còn làm Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa Án Nhân Dân hai cấp Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu của ông Tất Thành Cang với truyền thông được đưa ra bên hành lang Hội nghị Lần thứ 26 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020.

Vừa qua, ông Tất Thành Cang bị Hội Nghị Trung ương 9, Khóa XII kỷ luật với hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vì có những khuyết điểm, vi phạm được nói là rất ‘nghiêm trọng’.

Cụ thể Ủy ban Kiểm Tra Trung ương đảng cộng sản Việt Nam kết luận ông Tất Thành Cang vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và qui chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, qui trình xử lý công việc ; vi phạm qui định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tác các doanh nghiệp thuộc sở hữu của đảng bộ thành phố ; và các qui định trong việc quyết định chủ trương hợp tác, kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh…

Một số sai phạm của ông Tất Thành Cang được nêu ra như đồng ý bán rẻ khu đất công 32 héc ta ở huyện Nhà Bà và 12 héc ta ở quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh, của Công ty Tân Thuận cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai mà không thông qua Thường vụ Thành ủy.

Những khoản tiền sai lệch được nêu ra như khu đất công 32 héc ta ở Nhà Bè có giá hơn 2 ngàn tỷ đồng ; trong khi đó chỉ bán cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai với giá 1 triệu 290 ngàn đồng một mét vuông. Ngân sách thất thoát hơn 1500 tỷ đồng.

*******************

Ông Tất Thành Cang làm Phó ban Chỉ đạo công trình 'Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh' (VnExpress, 30/03/2019)

Sau khi bị cách chức Phó bí thư Thường trực Thành ủy, ông Cang được phân công qua ban định hướng nội dung nghiên cứu lịch sử thành phố.

cang3

Ông Tất Thành Cang. Ảnh : Thành Nguyễn (VnExpress).

Chiều 30/3, bên hành lang hội nghị lần thứ 26 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020, ông Tất Thành Cang cho biết được phân công làm Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công trình "Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh".

Chức danh mới của ông Cang được niêm yết công khai tại kiôt thông tin phục vụ Hội nghị Thành ủy thành phố lần thứ 26 khóa X.

Công trình "Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh" được Thành ủy đặt hàng Hội Lịch sử thành phố nghiên cứu; gồm các giáo sư, nhà khoa học tham gia thực hiện. Công trình có Ban chỉ đạo để định hướng nội dung, khi hoàn thành sẽ thành lập hội đồng thẩm định bổ sung. Trước đây, khi còn là Phó bí thư Thường trực Thành ủy, ông Cang được giao làm trưởng ban này.

Hiện, ông Cang không còn làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân hai cấp Thành phố Hồ Chí Minh. Vị trí này đang do ông Trần Thế Lưu - Trưởng Ban Nội chính Thành ủy nắm giữ.

Trong hôm nay, Hội nghị Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 26 đã nghe báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội quý một; triển vọng hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020 của 24 quận, huyện ; 7 chương trình đột phá, đề án đô thị thông minh và kết quả thực hiện kết luận số 21 của Bộ Chính trị và nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh quý 1/2019.

Hội nghị cũng bổ sung, hoàn thiện các giải pháp trọng tâm của thành phố, các sở, ngành, quận huyện để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ đại hội ; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho quý 2 năm nay ; thông qua chương trình công tác các tiểu ban chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI từ tháng 4 đến tháng 11.

Các đại biểu cũng nghe báo cáo kết quả thực hiện Quy định 1374 của Ban thường vụ Thành ủy về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật nhà nước tính đến hết quý một.

Ngoài ra, hội nghị cũng nghe công bố chương trình giám sát, thanh tra, kiểm tra của toàn hệ thống chính trị năm nay ; chương trình công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Cũng tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã trao quyết định của Ban Bí thư, chỉ định đại tá Nguyễn Trường Thắng (Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh) tham gia vào Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy thành phố, nhiệm kỳ 2015-2020.

Ông Nguyễn Trường Thắng năm nay 49 tuổi, có trình độ cao cấp lý luận chính trị, cử nhân quân sự. Ông nguyên là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5, nhận nhiệm vụ Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 10/2018.

Trước đó, ngày 26/12/2018, Hội nghị Trung ương 9, khóa XII thông qua việc kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức : Cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

Ông Tất Thành Cang được xác định vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, quy trình xử lý công việc ; vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Đảng bộ Thành phố.

Phó bí thư Thường trực Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh cũng vi phạm "các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy, chấp thuận chủ trương để người đại diện phần vốn của Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp".

Ngoài ra, ông Cang còn thiếu trách nhiệm, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ Thành phố.

Trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND Thành phố, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, ông Cang đã vi phạm pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng khi phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Published in Diễn đàn

Biến "đặc sản" kẹt xe ở Sân bay Tân Sơn Nhất thành nơi tạo nguồn thu. Đây là gợi ý của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc với Quận ủy quận Tân Bình chiều ngày 14/3.

ntn1

Lực lượng khẩu trang rọ mõm ở Lộc Hưng.

Báo Người Lao Động tường thuật, "Quận Tân Bình nên đặt đầu bài cho các sở ngành đóng góp ý kiến để khai thác các dịch vụ xung quanh sân bay, tăng nguồn thu cho quận ; tái định cư (vận động người dân vào các chung cư cao cấp để ở) cho những người dân ở xung quanh sân bay ; chuẩn hóa dịch vụ cho thuê nhà ; thêm cây xanh, chiếu sáng, kèm theo đó là hệ thống các nhà hàng… Quận phải biến "đặc sản" kẹt xe ở Sân bay Tân Sơn Nhất thành nơi tạo nguồn thu. Ở các nước, xung quanh sân bay là hệ thống các trung tâm mua sắm đa năng" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân gợi ý (1).

Vấn đề nhà dân bị cưỡng chế không theo trình tự quy định của pháp luật về đất đai khu vườn rau Lộc Hưng, theo lịch làm việc, cũng được Quận ủy quận Tân Bình thảo luận với ông Nguyễn Thiện Nhân, song các bản tin trên báo chí đều chưa thấy đề cập.

Từ lập luận kiểu kẹt xe là "đặc sản" để lãnh đạo quận Tân Bình thỏa sức mở các nhà hàng, quán ăn phục vụ… những người tham gia giao thông không đủ kiên nhẫn chờ đợi cảnh tắc đường, họ sẽ tấp vào hàng quán để ăn uống, mua sắm ; xem ra với khu vườn rau Lộc Hưng đang luôn dày đặc lực lượng thường phục, che khẩu trang ‘rọ mõm’ đặt bàn ghế ngồi, đứng đủ kiểu tại nơi đây, chính là cơ hội bằng vàng để Quận ủy Tân Bình đưa vào khai thác loại hình du lịch cảm giác mạnh. 

Đến đó, du khách chỉ cần giơ máy ảnh chuẩn bị chụp cảnh cả khu vườn rau giờ thành bình địa, đang cắm mốc phân lô…, thì lập tức sẽ bị ngay nhiều trai tráng và cả phụ nữ đứng tuổi của lực lượng khẩu trang ‘rọ mõm’, ập tới đe dọa hành hung và có thể cướp luôn cả máy ảnh. Nếu du khách ‘lì đòn’ hơn, dám lân la hỏi thăm người dân nơi đây về hiện tình, rất có thể hình ảnh của mấy du khách đó sẽ được ghi hình đầy đủ, sau đó truy xuất lý lịch và gửi về công an phường nơi du khách thường trú.

Ở khu vườn rau Lộc Hưng, như cách gợi ý của ông Nguyễn Thiện Nhân, nơi này đang có thứ ‘đặc sản’ là lực lượng thường phục, bịt khẩu trang sẳn sàng bắt bớ người dân, cản trở người dân dám dừng lại khu vực này quá lâu. Nếu có những quán cà phê mở ra tại đây, và Quận ủy Tân Bình cho phép ai cũng tự do đến ngồi thưởng thức trong bao lâu tùy thích, chắc chắn yêu cầu về khai thác lợi thế ‘đặc sản nhân quyền’ ở khu vườn rau Lộc Hưng, sẽ thu hút rất mạnh khách trong và ngoài nước. Nguồn thu ngân sách cũng như việc quảng bá hình ảnh ‘đặc sản nhân quyền’, sẽ nhanh chóng khiến tên tuổi của Quận ủy Tân Bình là từ khóa nóng nhất nhì trên mạng xã hội.

Rất có thể sau đó qua đúc kết những kinh nghiệm có được từ mô hình ‘đặc sản kẹt xe’, ‘đặc sản nhân quyền’ ở quận Tân Bình, ông Nguyễn Thiện Nhân sẽ quán triệt triển khai rộng khắp các nơi đang là điểm nóng kẹt xe, tắc đường ; cho tới những vùng đất tranh chấp kéo dài giữa người dân với chính quyền, như ở Thủ Thiêm - quận 2, ở khu công nghệ cao - quận 9. Và đây sẽ là tầm nhìn chiến lược được thực tế chứng minh là đúng đắn của người đứng đầu lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về tạo nguồn thu cho ngân sách, như đề xuất hôm chiều ngày 14-3 của ông Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc với Quận ủy quận Tân Bình.

Cũng nói thêm, gần đây ông Nguyễn Thiện Nhân hay đưa ra những ý tưởng lạ. Sáng ngày 14-3, trong buổi làm việc với chủ tịch UBND quận 4, ông Nguyễn Thiện Nhân khuyên dân quận 4 hãy "cải tạo lại nhà hiện có, hai ba nhà dân liền kề đồng tình làm lại thành một tòa nhà cao hơn, một phần ở một phần cho thuê, hoặc kinh doanh khác". Trước đó, khi làm việc với Ban quản lý đường sắt đô thị vào sáng 13-3, ông Nguyễn Thiện Nhân nói rằng chính quyền thành phố cần biết bán đất để ‘ăn theo’ tuyến metro… (2).

Minh Châu

Nguồn : VNTB, 16/03/2019

(1) http://bit.ly/2Fbl6HA

(2) http://www.vietnamthoibao.org/2019/03/vntb-nguyen-thien-nhan-keu-goi-ban-at-e.html ]

Published in Diễn đàn

Đã có sự mâu thuẫn về mốc thời gian trong thỏa thuận về quyền tự do lập hội ở Việt Nam.

laphoi1

Ảnh minh họa (VNTB)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 121/QĐ-TTg, phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) do Bộ Công thương soạn trình. Theo đó, Công ước 87 của ILO về Quyền tự do hiệp hội sẽ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Tờ trình phê chuẩn công ước quốc tế này vào năm 2023. 

Trước đó, trong Quyết định số 145/QĐ-TTg do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký từ đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về "Phê duyệt Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", thì "Đến năm 2020, phê chuẩn các công ước cơ bản còn lại và một số công ước khác của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)".

Như vậy, độ trễ là 3 năm trong vấn đề Việt Nam phê chuẩn Công ước 87 của ILO, giữa nội dung ở đề xuất của Bộ Công thương và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên về mặt giá trị hiệu lực thì đến nay chưa có văn bản pháp quy nào thay thế Quyết định số 145/QĐ-TTg, do đó có thể xem đề nghị của Bộ Công thương mang ý nghĩa của ‘khung thời gian tối đa’, và trong năm 2020, Việt Nam đã có thể phê chuẩn Công ước 87 của ILO.

Vì sao chỉ cần đến năm 2020 ?

"Tăng cường chức năng đại diện của công đoàn và người sử dụng lao động trong khung khổ quan hệ lao động mới" là tên gọi của Dự án NIRF/Nhật Bản, gồm đối tác phát triển là Bộ Lao động, Y tế và Phúc lợi Nhật Bản, với các đối tác Việt Nam là : Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động và công đoàn cơ sở tại các địa phương thí điểm, Mạng lưới công đoàn các khu công nghiệp, và Mạng lưới chuyên gia tư vấn pháp luật công đoàn ; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại các khu vực và hiệp hội ngành nghề được lựa chọn ; Bộ Lao động, thương binh và xã hội và các Sở Lao động, thương binh và xã hội tại các địa phương thí điểm ; các Ủy ban liên quan của Quốc hội.

Dự án mang mã số VNM/16/06M/JPN thời gian thực hiện từ ngày 01/10/2016 đến ngày 31/12/2019. Đối tượng hưởng lợi của dự án bao gồm : Tổ chức của các đối tác xã hội (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) ; Cán bộ tổ chức và cán bộ tham gia thương lượng tại các công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên cơ sở ; Người sử dụng lao động và đại diện doanh nghiệp trong các phân khúc khác nhau của chuỗi cung ứng toàn cầu ; Các cán bộ quản lý lao động (Bộ và các Sở Lao động, thương binh và xã hội) cấp trung ương và cấp tỉnh ; Các chuyên gia pháp luật.

Dự án tập trung vào các tỉnh thành có mật độ công nghiệp hóa cao tại Việt Nam, bao gồm : Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Quảng Nam, Đà Nẵng.

Kết quả dự án này đủ để là cơ sở cho nội dung Tờ trình phê chuẩn Công ước 87 của ILO mà Bộ Lao động, thương binh và xã hội trình chính phủ trong năm 2020.

Tự do lập hội, tự do tôn giáo

Trong một diễn biến khác, dự thảo luật về hội do Bộ Nội vụ soạn thảo, ở điều 4 ghi : "Hội là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của công dân Việt Nam, cùng chung mục đích, hoạt động không vì lợi nhuận, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội, hội viên và cộng đồng theo quy định của pháp luật, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động ; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập, công nhận điều lệ và người đứng đầu hội".

laphoi3

Đan sĩ Đan viện Thiên An tiếp tục bị sách nhiễu, lăng mạ - ngày 13/03/2017

Dòng quy định "góp phần thực hiện chủ trương của Đảng" cho thấy không phù hợp với Điều 14 của Hiến pháp về quyền công dân về chính trị, cũng như Công ước 87 của ILO về Quyền tự do hiệp hội, không có điều khoản nào về áp đặt hay giới hạn quyền tự do về chính trị. Điều đó có nghĩa các hội đoàn dân sự được thành lập tùy vào mục đích mà có nghĩa vụ, hoặc không có trách nhiệm gì liên quan tới yêu cầu góp phần thực hiện chủ trương của Đảng.

Đặt trong bối cảnh về quyền tự do lập hội theo Công ước 87 của ILO, cho thấy quyền tự do tôn giáo cũng cần được sự điều chỉnh thích hợp, chấm dứt việc các tôn giáo được đặt để trong giới hạn của một tổ chức trực thuộc Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.

Ở Điều 4 của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, cho biết Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có các trách nhiệm như sau : 

1. Tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

2. Phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của Nhân dân về các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

3. Tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ; phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.

4. Tham gia tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, người theo tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và Nhân dân thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. 

5. Giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo".

Người đứng đầu tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có các chức danh theo thứ tự như sau : Bí thư Trung ương đảng cộng sản, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Như vậy, cả 5 nhiệm vụ được quy định ở Điều 4, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, trước tiên là nhằm để buộc phải theo khuôn phép của đảng cộng sản, đồng nghĩa yêu cầu tối thượng là góp phần thực hiện chủ trương của Đảng.

Phật giáo Việt Nam không thể đóng khung như hiện nay

Nếu như bước đầu đã có các căn cứ pháp lý để hình thành các nghiệp đoàn độc lập, các hội đoàn xã hội dân sự ‘không quốc doanh’ như phân tích ở trên, thì trong lãnh vực tôn giáo, cũng cần chấm dứt việc đóng khung kiểu Phật giáo ‘quốc doanh’ như hiện nay.

Xin được nhắc lại. Trong hai ngày 12 và 13/02/1980, chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo các tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước đã có cuộc gặp gỡ tại Sài Gòn. Hiện diện trong cuộc gặp lịch sử này có các vị cao tăng như : Hòa thượng Thích Đức Nhuận, quyền Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam ; Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư ký Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ; Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ; Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh ; Hòa thượng Thích Thế Long, Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam ; Hòa thượng Thích Giác Tánh, Hòa thượng Thích Trí Nghiêm, Thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ; Hòa thượng Thích Thiện Hào, Phó Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh ; Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ; Hòa thượng Thích Bửu Ý, Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam ; Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Tăng thống Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy Việt Nam ; Thượng tọa Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh ; Thượng tọa Thích Từ Hạnh, Tổng Thư ký Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh ; Thượng tọa Thích Thanh Tứ, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam ; Thượng tọa Thích Giác Toàn, Thường trực Trung ương Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam ; Ni sư Huỳnh Liên, Ni trưởng Ni giới Khất sĩ Việt Nam ; Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện, cư sĩ Võ Đình Cường và cư sĩ Tống Hồ Cầm.

Cuộc gặp gỡ nói trên còn có sự hiện diện của các ông Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng ; Trần Bạch Đằng, Phó Trưởng ban Dân vận Mặt trận Trung ương và Phạm Quang Hiệu, Ban Tôn giáo Chính phủ.

laphoi2

Đại hội Phật giáo toàn quốc 2017-2022 sẽ diễn ra từ ngày 21-22/11/2017 - Ảnh minh họa

Gần 2 năm sau đó, 9 hệ phái gồm : Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, Hội Phật học Nam Việt, Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, Thiên Thai Giáo Quán tông ; Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh ; Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam và Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước miền Tây Nam Bộ, được nhà nước thông báo là cùng thống nhất trong một tổ chức chung là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là : Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội.

Tuy nhiên theo xác nhận của nhiều chức sắc tôn giáo của chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì việc hợp nhất này trên thực tế không có sự đồng thuận. Bởi vườn hoa tôn giáo là muôn màu sắc, không thể bị gò ép trong khuôn khổ hành chính là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ở Miền Nam Việt Nam, ngày 31 tháng 12 năm 1963, đại diện 11 tông phái và hội Phật giáo Bắc tông và Nam tông đã cùng nhau họp tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn, để soạn thảo Hiến chương thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ngày 4/1/1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời và trở thành cơ quan lãnh đạo sinh hoạt Phật giáo tại miền Nam Việt Nam.

Sự thống nhất Phật giáo Việt Nam được xây dựng trên nguyên tắc : Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức ; đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống Hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng Chính pháp ; không hề có việc buộc phải phụ thuộc vào thể chế chính trị đương thời.

Đến nay mặc dù không có văn kiện chính thức nào của nhà nước Việt Nam quyết định giải thể Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, nhưng trên thực tế, giáo hội này vẫn bị cấm đoán các hoạt động tôn giáo, cũng như các lãnh vực khác như văn hóa, giáo dục, xã hội, từ thiện.

Những độc quyền tôn giáo nói trên cần chấm dứt khi mà Việt Nam đã tham gia các FTA, cũng như tiếp tục các thỏa thuận khác liên quan với quốc tế.

Minh Quân

Nguồn : VNTB, 10/02/2019

Published in Diễn đàn

Bà Nguyễn Thị Dễ, cư dân thị trấn Ba Chúc kể rằng hồi đó ở khu nhà mồ Ba Chúc có để câu nhắc nhớ về kẻ thù hậu thuẫn cho Pôn Pốt giết người dân nơi đây chính là ‘bành trướng Bắc Kinh’. Giờ thì nhà mồ được xây lại vài lần rồi, và câu nhắc nhở ấy cũng đã không còn nữa.

bachuc1

Cây dầu cổ thụ trên 300 tuổi đó ở Ba Chúc được xem là biểu hiện sức sống trường tồn của người dân nơi đây, bất chấp ‘giặc là ai’… Ảnh : M.Trí

Trong ngày còn lại của năm cũ Mậu Tuất, tôi về thăm lại Ba Chúc, một thị trấn miền biên viễn của An Giang với dãy thất sơn phân ranh giới với xứ chùa tháp Campuchia. Nơi đây chiến tranh đã đi qua với bao tàn khốc mà nói như lời ông Hai Tổng, thủ nhang chùa Phi Lai của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, cả thời kháng Pháp rồi chống Mỹ, người dân nơi đây nếu có thiệt mạng thì cũng do tên bay, đạn lạc chứ ‘giặc’ không hề giết dân. "Bởi vậy nên tụi tui đâu có chịu di tản, bỏ lại đất đai mồ mả ông bà, rồi chén cơm manh áo mưu sinh sẽ biết ra sao nếu rời nó ?", ông Hai Tổng trải lòng.

Tháng ba âm lịch hàng năm ở Ba Chúc có một lễ giỗ chung cho hơn 1.000 người dân vô tội đã bị giặc Pôn Pốt giết hại. Kỷ Hợi này, là lần giỗ thứ 41. "Đến tận hôm nay tụi tui vẫn không thể lý giải nỗi vì sao họ lại tàn ác đến như vậy ?", một đồng nghiệp ở Đài Truyền hình tỉnh An Giang chia sẻ. Tư liệu phỏng vấn của đồng nghiệp từ Hãng phim TFS được trích dẫn ở bài viết này, sẽ cho thấy một trong những nguyên nhân gián tiếp đưa đến cái chết của người dân vô tội sau năm 1975, là từ men say chiến thắng, đưa đến lỗi nhận định ở những quan chức cấp cao nhất của Đảng cộng sản Việt Nam. 

Đại tá Đoàn Thanh Long, nguyên Tham mưu phó Mặt trận 479, kể lại câu chuyện của gần 44 năm về trước. Ông nói sau chiến thắng tháng tư, 1975 thì quân đội phần lớn chuyển sang làm kinh tế :

"Bộ đội mình còn lại là bộ ‘khung’. Sư 5 còn một trung đoàn thôi mà. Một trung đoàn đó đi càn quét Fulro ở đường 20, còn nhiêu thì đi sản xuất hết !".

Đại tá Nguyễn Ngọc Lân, nguyên Trưởng phòng Quân báo Quân khu 7, cho biết từ hơn 1 triệu quân, rút xuống còn chưa đến một nửa :

"Phần lớn đi làm kinh tế. Lực lượng thường trực thì tổ chức rất yếu, chất lượng giảm sút, cán bộ mới thì trẻ, cho nên tinh thần sẳn sàng chiến đấu là rất kém. Gần như chúng ta chưa chuẩn bị đối phó với một cuộc chiến tranh xảy ra trên biên giới… Khi ấy, chỉ thị của Hà Nội đối với các đơn vị vũ trang ở địa phương là "nỗ lực bảo vệ nhân dân, bằng mọi giá phải giữ cho được tình hữu nghị, tránh đụng độ giữa hai nước", Đại tá Lân nói.

Thiếu tướng Lê Xã Hội, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 9, kể :

"Từ Quân khu 5 cho đến Quân khu 7, Quân khu 9 đều nhận thức rằng đối phương tức là địch bắt đầu phản động. Còn do ai xúi giục thì không biết. Nhưng khẳng định rằng họ sẽ tấn công Việt Nam. Mình báo cáo lên cấp trên thì ở trên lại không tin".

Đại tá Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7 cho biết tâm lý chung lúc ấy là… ‘ngỡ ngàng’.

"Ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng là cái từ đúng nhất để nói lên cái tâm thế của các đơn vị vũ trang của Việt Nam lúc bấy giờ. Chúng ta ngỡ ngàng mà đến khi cuộc chiến buộc phải chúng ta phải cầm súng để bảo vệ chủ quyền và bảo vệ lãnh thổ, thì chúng ta đã thực hiện một cuộc chiến đấu trông rất lúng túng. Lúng túng vì trước hết chúng ta chưa xác định được tính chất của cuộc chiến tranh. Chúng ta chưa xác định được rõ kẻ thù. Chúng ta chưa hiểu kẻ thù và cách đánh của kẻ thù. Và chúng ta vừa đánh, vừa tự hỏi ‘ồ, sao nhỉ, sao lại như thế ?’. Quá trình đó kéo dài bắt đầu từ tháng tư năm 1977 cho đến tháng 5 năm 1978".

(Nguyên văn trích băng hình lời của đại tá Hồ Sơn Đài)

Sự ngỡ ngàng này theo lý giải của đại tá Đoàn Thanh Long, thì :

"Trước đó nó là bạn. Mình ăn chung với nó, mình ngủ chung với nó. Mình sinh hoạt kề cận với nó, lúc chưa giải phóng toàn Campuchia. Chuyện xảy ra là có thể có cái gì đó, xung đột gì đó, đụng chạm gì đó. Ngay Sư 1 xuống dưới đó, thằng Tà Mốc trước đây là cái thằng rất thân với mình, hồi cái thời đánh Pháp. Bây giờ nó oánh, nó diệt mình một đại đội chứ ít sao ?". 

Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Quân lực Bộ Tổng Tham mưu, nói rằng ông đã không tưởng tượng được tại sao xảy ra cái chuyện đến vậy :

"Giữa mình, ba dân tộc Đông Dương với nhau. Mình với Campuchia như răng với môi, như anh em ruột thịt như thế mà tại sao họ làm như thế này ?".

Một câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để một Campuchia khi đó, có từ 6 đến 7 triệu người lại dám gây chiến với một Việt Nam có tới hơn 50 triệu dân ? Phải đến cuối năm 1977, Đảng cộng sản Việt Nam mới thừa nhận sự thật ở lời xa gần của cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch : 

Vì sao một nước Israel có hơn 3 triệu dân lại dám xâm lăng một nước Ai Cập có tới 35 triệu dân ? Vì sau lưng Israel có cả sức mạnh của Hoa Kỳ làm chỗ dựa. Và Khmer đỏ cũng vậy. Việt Nam đã phải trả một cái giá quá đắt vì sự mất cảnh giác của mình...

Răng với môi mà còn giết nhau đầy thù hận như vậy, sá gì chuyện kiểu bạn vàng 16 tốt giữa hai đảng cộng sản Việt – Trung. 

Người xứ bảy núi Tri Tôn nói với người viết rằng hãy chụp hình cây dầu hơn 300 năm tuổi của thị trấn Ba Chúc. Cây dầu cổ thụ đó được xem là biểu hiện sức sống trường tồn của người dân nơi đây, bất chấp ‘giặc là ai’…

Minh Châu

Nguồn : VNTB, 31/01/2019

Published in Diễn đàn