Đại biểu quốc hội thành khẩn nhận tội bảo kê : mặt mũi nào cho Quốc hội
Cảnh Chân, VNTB, 07/01/2024
Ông Lưu Bình Nhưỡng là đại diện cho một nhóm lãnh đạo dối trá, mị dân với bức bình phong đại biểu quốc hội.
Phạm Minh Cường (phải) khai rằng đã nhận Lưu Bình Nhưỡng là "bố nuôi".
Là đại biểu dân cử, dân bầu, đại diện nhân dân nhưng cuối cùng lại "thành khẩn" nhận tội bảo kê, cưỡng đoạt hàng tỷ đồng tài sản của người dân. Ông Lưu Bình Nhưỡng là đại diện cho một nhóm lãnh đạo dối trá, mị dân với bức bình phong là đại biểu quốc hội đại diện nhân dân.
Đại biểu nhận giang hồ làm con nuôi để thu tiền bảo kê
Theo cáo buộc từ phía công an, ông Nhưỡng từng nhận Phạm Minh Cường (Cường "quắt", có 3 tiền án) là cháu. Còn Cường khai rằng đã nhận Lưu Bình Nhưỡng là "bố nuôi". Nhờ vậy, Cường lợi dụng mối quan hệ này để nhờ đại biểu quốc hội can thiệp, "tác động" với cơ quan chức năng tại tỉnh Thái Bình để các nhóm giang hồ tại địa phương không "gây sự với băng của Cường. Từ đó giúp Cường có thể độc quyền "bảo kê" việc khai thác cát ở Thái Bình.
Với sự tiếp tay của đại biểu quốc hội, kiêm phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng, Cường quắt và đồng bọn đã chiếm giữ một địa bàn rộng lớn, lên tới 180 hecta đất tại các bãi triều ven biển. Nhằm thu tiền bảo kê các doanh nghiệp khai thác cát tại tỉnh Thái Bình.
Ngoài ra công an tỉnh Thái Bình còn khởi tố phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng thêm tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo khoản 4 điều 358 Bộ luật Hình sự.
Đáng chú ý là ông Nhưỡng đã thừa nhận hành vi và nộp lại 7 tỷ đồng khắc phục hậu quả nhằm được công nhận là "thành khẩn khai nhận" để được khoan hồng. Nước đi này có thể giúp ông Nhưỡng được giảm án khi ra toà, cùng với các điều kiện thường thấy của một cán bộ cộng sản như "gia đình có công với cách mạng", "phạm tội lần đầu", "thành khẩn khai báo"…
Nhưng đây lại là một nỗi ô uế của cái gọi là "đại biểu nhân dân"
Cần phải nhớ là cộng sản Việt Nam tuyên truyền rằng quốc hội và hội đồng nhân dân là hai cơ quan do người dân bầu ra. Đây là hai đại diện của nhân dân, hai bức bình phong để che giấu việc mua quan bán chức trong nội bộ đảng. Thế nhưng trên thực tế, cái ghế nào đảng cũng bán hết, hoàn toàn không có chuyện dân bầu.
Minh chứng cụ thể nhất là lời khai của bà Châu Thị Thu Nga hồi năm 2017. Bà này khai năm 2011 đã bỏ ra số tiền 30 tỷ để mua ghế đại biểu quốc hội. Đối với các quan chức cộng sản Việt Nam, cái gì không mua được bằng tiền, thì vẫn có thể mua được bằng rất nhiều tiền. Cho nên không thể không nghi ngờ cái ghế đại biểu của Lưu Bình Nhưỡng.
Ngoài ra, ông Nhưỡng còn là phó trưởng ban Dân nguyện, một cơ quan có nhiệm vụ tiếp dân. Là đầu mối tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghi, phản ánh của người dân… từ đó tham mưu lên uỷ ban thường vụ quốc hội. Đây là một kênh quan trọng để cử tri cả nước gửi gắm nguyện vọng đến cơ quan đại diện cao nhất của người dân.
Với những vai trò đó, với những niềm tin nhỏ nhoi còn sót lại của người dân, đúng ra ông Nhưỡng phải kháng cáo tới cùng để bảo vệ hình ảnh của mình, của cái gọi là quốc hội. Thế nhưng, viên cộng sản họ Lưu này đã dễ dàng thừa nhận hành vi "bảo kê" của mình để được giảm tội.
Với hình tượng là một đại biểu Nhân dân, thường xuyên đưa ra những phản biện dân túy, lời khai "thành khẩn" của Lưu Bình Nhưỡng không chỉ là cái tát vào mặt những người còn đặt niềm tin vào ông Nhưỡng, mà còn là cái tát vào mặt quốc hội. Nó vạch trần toàn bộ những thứ dơ bẩn, lưu manh nhất mà quốc hội và lãnh đạo cộng sản Việt Nam che giấu bấy lâu nay. Rồi ai còn tin vào cái gọi là ban dân nguyện, cái gọi là đại biểu quốc hội nữa không ? Hai chữ quốc hội có còn đáng để viết hoa cho một danh từ đại diện Nhân dân không ?
Cảnh Chân
Nguồn : VNTB, 07/01/2024
Tham khảo :
***************************
Vợ ông Lưu Bình Nhưỡng tạm ứng thi hành án ?
Hoài Nguyễn, VNTB, 07/01/2024
Đầu giờ chiều ngày 6/1/2024, Công an tỉnh Thái Bình có thông cáo báo chí về vụ án Lưu Bình Nhưỡng, nội dung như sau :
"Ngày 25/12/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự và Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can đối với ông Lưu Bình Nhưỡng về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo khoản 4 Điều 358 Bộ luật Hình sự. Các Quyết định đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình phê chuẩn.
Tài liệu điều tra xác định : Năm 2021, liên quan một dự án, ông Lưu Bình Nhưỡng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm hưởng 300.000 USD. Tại Cơ quan điều tra, ông Nhưỡng thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội và đã thông qua luật sư ủy quyền cho người thân nộp lại số tiền 7 tỷ đồng (tương đương 300.000 USD) để khắc phục hậu quả.
Để mở rộng vụ án, Cơ quan điều tra thông báo các cá nhân, tổ chức đã từng bị ông Nhưỡng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi hoặc liên quan đến hành vi phạm tội khác của ông Nhưỡng đến Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình, số 228 Trần Thánh Tông, thành phố Thái Bình phối hợp giải quyết (hoặc liên hệ Điều tra viên Nguyễn Đắc Vinh SĐT 0979730282). Trường hợp che giấu thông tin sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của pháp luật".
Vợ ông Lưu Bình Nhưỡng nộp hơn 7 tỉ đồng khắc phục hậu quả cho chồng
Ông Lưu Bình Nhưỡng có học vị, học hàm là một tiến sĩ luật, dĩ nhiên là ông ấy hiểu khi một vụ án chưa được xét xử theo trình tự luật định thì ông vẫn là công dân vô tội.
Việc ông Lưu Bình Nhưỡng – gọi là "đã thông qua luật sư ủy quyền cho người thân nộp lại số tiền 7 tỷ đồng (tương đương 300.000 USD) để khắc phục hậu quả". – có thể coi như "tạm ứng thi hành án", và cũng là tình tiết ghi nhận "thiện chí hợp tác điều tra" của công dân Lưu Bình Nhưỡng. Hoặc ở đây là một sự mặc cả mang tính giảm nhẹ cho các bên liên quan, khi mà số tiền phạm tội có thể lớn hơn nhiều con số 300 ngàn Mỹ kim và còn dích dắc đến nhiều cá nhân khác nữa.
Đưa trước 300 ngàn đô la coi như "công lý chưa cân" nhưng tư pháp đã biết rõ cụ thể vụ án này "cán cân công lý" sẽ phải ra sao theo ý của… bề trên.
Ở đây còn có thể việc ông Lưu Bình Nhưỡng đã chủ động vận dụng kiến thức pháp luật hình sự để giúp bản thân giảm nhẹ các cáo buộc khi đang ở giai đoạn điều tra. Theo đó, Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự như sau :
"1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây :
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa ;
b) Khi có quyết định đại xá.
2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây :
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa ;
b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa ;
c) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
3. Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự".
Bên cạnh đó, điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định như sau :
"1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự :
a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm ;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả ;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng ;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết ; …".
Dẫn chứng luôn cho dễ hình dung về chiêu thức vận dụng luật kể trên : Hôm 3/1/2024, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do xét thấy hậu quả do các hành vi của bị can gây ra đã được khắc phục, không còn nguy hiểm cho xã hội. Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh cũng hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn "cấm đi khỏi nơi cư trú", và hủy bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Hải.
Trước đó, 14/11/2023, ông Nguyễn Văn Hải đã bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khởi tố bị can để điều tra về hành vi "vi phạm các quy định về quản lý đất đai" …
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 07/01/2024
***************************
Tiến Thắng, Tuổi Trẻ online, 06/01/2024
Thời điểm cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Lưu Bình Nhưỡng - Ảnh : Tiền Phong online
Ngày 6/1, Công an tỉnh Thái Bình thông tin thêm về diễn biến vụ án liên quan đến bị can Lưu Bình Nhưỡng mà cơ quan này đang thụ lý.
Theo Công an tỉnh Thái Bình, ngày 25/12/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự và quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với ông Lưu Bình Nhưỡng về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo khoản 4 điều 358 Bộ luật Hình sự.
Các quyết định trên đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình phê chuẩn.
Kết quả điều tra bước đầu xác định : Năm 2021, liên quan một dự án trên địa bàn tỉnh Thái Bình, ông Lưu Bình Nhưỡng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm hưởng 300.000 USD.
Quá trình điều tra, ông Nhưỡng thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình và đã thông qua luật sư ủy quyền cho người thân nộp lại số tiền 7 tỉ đồng (tương đương 300.000 USD) để khắc phục hậu quả.
Để mở rộng vụ án, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình thông báo cho các cá nhân, tổ chức từng bị ông Nhưỡng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi hoặc liên quan đến hành vi phạm tội khác của ông Nhưỡng có thể đến Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình tại số 228 Trần Thánh Tông, thành phố Thái Bình phối hợp giải quyết.
Các cá nhân, tổ chức cũng có thể liên hệ điều tra viên Nguyễn Đắc Vinh theo số điện thoại 0979 730 282. Trường hợp che giấu thông tin, quá trình điều tra phát hiện sẽ bị xem xét xử lý theo quy định.
Tiến Thắng
Nguồn : Tuổi Trẻ online, 06/01/2024
************************
Thắng, Tuổi Trẻ online, 06/01/2024
Lại Hợp Mạnh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, báo cáo trong Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII ngày 7/12/2023 (Ảnh : thaibinh.gov.vn)
Liên quan việc khởi tố, bắt giam ông Lưu Bình Nhưỡng, chiều 7/12, ông Lại Hợp Mạnh - viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình - đã trao đổi thêm đến các đại biểu tại kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII.
"Cường 'quắt' nhờ ông Nhưỡng can thiệp"
Theo ông Mạnh, việc khởi tố, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng căn cứ theo kết quả điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường (37 tuổi, giang hồ cộm cán với biệt danh Cường "quắt" và có 3 tiền án) cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thái Bình : bị can Lưu Bình Nhưỡng là đồng phạm, giúp sức để Cường ‘quắt’ cưỡng đoạt tài sản
Cụ thể, trong giai đoạn từ 2020 - 2022, Cường cùng đồng bọn cưỡng đoạt số tiền gần 5 tỉ đồng của một số doanh nghiệp được UBND tỉnh Thái Bình cấp phép khai thác cát ven biển thuộc xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy.
Quá trình gây khó dễ cho doanh nghiệp, Cường bị một số nhóm xã hội cản trở dẫn tới việc chiếm đoạt tiền bị giảm sút.
Lợi dụng việc ông Nhưỡng từng nhận Cường là cháu và Cường cho biết ông Nhưỡng là "bố nuôi" nên đã nhờ ông Lưu Bình Nhưỡng can thiệp, tác động với cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình để các nhóm xã hội không gây sự với Cường. Nhờ đó, Cường có thể tiếp tục thực hiện việc cưỡng đoạt tiền của doanh nghiệp.
Theo ông Mạnh, hành vi phạm tội của bị can Lưu Bình Nhưỡng là đồng phạm, với vai trò giúp sức để Phạm Minh Cường cưỡng đoạt tài sản, theo khoản 4, điều 170 Bộ luật Hình sự.
Việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đều được cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo quy trình, quy định, có cơ chế kiểm soát. Hoạt động của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh giám sát trực tiếp, toàn diện, chịu trách nhiệm về việc phê chuẩn khi có đủ căn cứ theo quy định của pháp luật.
"Nếu để xảy ra oan sai, cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật" - ông Mạnh nêu.
Quá trình thi hành lệnh bắt, khám xét, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã thu giữ, quản lý nhiều đồ vật, tài liệu có dấu hiệu vi phạm pháp luật phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án, bảo đảm toàn diện, triệt để, không bỏ lọt tội phạm.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình cũng đã có văn bản gửi tất cả đoàn đại biểu, UBND các tỉnh, thành phố đề nghị rà soát, báo cáo những phiếu chuyển đơn của ông Lưu Bình Nhưỡng ký từ năm 2016 đến nay.
Trước đó, Tuổi Trẻ Online đã thông tin từ kết quả điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường về tội "cưỡng đoạt tài sản", ngày 14-11, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Lưu Bình Nhưỡng (60 tuổi, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) để điều tra về tội "cưỡng đoạt tài sản" quy định tại điều 170, Bộ luật Hình sự.
Tiến Thắng
Nguồn : Tuổi Trẻ online, 07/12/2023
Bằng động thái yêu cầu các tỉnh thành rà soát lại các đơn thư, ông Lưu Bình Nhưỡng có khả năng sẽ bị khởi tố thêm tội danh khác nữa trong thời gian tới - một chuyên gia luật trong nước nhận định.
Công an nhân dân
Công an tỉnh Thái Bình, hôm 1/12, gởi công văn tới chủ tịch UBND các tỉnh thành khác, đề nghị rà soát toàn bộ các văn bản, bao gồm kiến nghị, phiếu chuyển đơn hoặc văn bản khác, do ông Lưu Bình Nhưỡng ký từ năm 2017, với tư cách là đại biểu Quốc hội hoặc Phó trưởng ban Dân nguyện Quốc hội.
Mục đích của công văn này đề nghị các tỉnh khác phối hợp với Công an Thái Bình cung cấp thêm thông tin, tài liệu để mở rộng điều tra vụ án "cưỡng đoạt tài sản" liên quan tới ông Lưu Bình Nhưỡng và Phạm Minh Cường (Cường Quắt) tại tỉnh này.
Theo thông tin từ Công an Thái Bình cung cấp cho truyền thông trong nước, ông Phạm Minh Cường bị bắt từ ngày 29/4/2022 với cáo buộc là người cầm đầu băng nhóm, móc nối với nhiều người từng có tiền án tiền sự để thực hiện hành vi bảo kê, hành hung người khác… trên địa bàn huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) từ năm 2020 đến năm 2022.
Cũng theo công an Thái Bình, nhóm này còn gây rối trật tự công cộng hoạt động khai thác và cung cấp cát biển, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh trật tự, trật tự xã hội ở một số huyện ven biển tỉnh Thái Bình.
Sau khi có yều cầu từ Công an tỉnh Thái Bình, UBND tỉnh Lâm Đồng thông tin cho truyền thông Nhà nước biết Thanh tra tỉnh này hiện đang đôn đốc các địa bản trên toàn tỉnh thống kê danh sách các đơn, văn bản do ông Nhưỡng ký gởi.
Một luật gia ở Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu không nêu danh tính vì lý do an ninh nhận định, do toàn bộ công văn của Công an Thái Bình không được công khai nên khó nhận định chính xác được tính pháp lý.
Tuy nhiên, ông này cho rằng vụ án "cưỡng đoạt tài sản" mà ông Lưu Bình Nhưỡng bị cáo buộc có liên quan chỉ diễn ra trong phạm vi tỉnh Thái Bình, nên động thái này của công an Thái Bình là bất thường :
"Nếu đó là văn bản mang tính chất là cơ quan tố tụng mà yêu cầu cung cấp theo dạng điều tra thì nó lại là chuyện bất thường và thể hiện sự vô lý.
Đang điều tra về vụ "cưỡng đoạt tài sản", mà cũng chưa biết vai trò của ông Nhưỡng trong vụ án này như thế nào. Thế mà bây giờ lại đi yêu cầu cung cấp phiếu chuyển đơn và tất cả các văn bản thì kể cả những người không có chuyên môn cũng thấy là không có sự liên quan giữa hai vụ đó với nhau, thì nó bất thường ở chỗ đó".
Ông Lưu Bình nhưỡng đã thường xuyên tiếp xúc, tiếp nhận đơn từ những trường hợp dân oan kêu cứu bao gồm án tử hình oan, dân khiếu kiện đất đai để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết… Đó cũng là một trong các nhiệm vụ quan trọng của ông Nhưỡng với tư cách là Phó ban dân nguyện Quốc hội, và trước đây là Đại biểu Quốc hội.
Sau khi ông Nhưỡng bị bắt và khởi tố vào hôm 14/11, luật sư Lê Quốc Quân, học trò cũ của ông Lưu Bình Nhưỡng tại Đại học Luật Hà Nội, bày tỏ lo ngại với RFA rằng có thể sắp tới ông Nhưỡng sẽ bị khởi tố thêm về các tội danh khác :
"Điều tôi lo ngại là người ta có thể khởi tố thầy về những điều khác nữa, ví dụ điều gì đó liên quan đến tham nhũng".
Luật gia giấu tên cũng cùng quan điểm, ông cho rằng bằng động thái rà soát lại các đơn thư, ông Nhưỡng có thể sẽ bị khởi tố thêm tội danh khác nữa, ví dụ như "Lợi dụng chức vụ quyền hạn"…
"Ngay từ khi ông ấy bị bắt về tội "cưỡng đoạt tài sản" thì tôi đã nghĩ tới chuyện là ở đằng sau đó là một mục đích chính trị.
Sau khi ông ấy có những phát biểu chỉ trích Bộ Công an thì tất cả các đại biểu ngành công an và ngành Nội chính đều chĩa mũi dùi vào ông ấy rất nhiều, ngay cả Đảng ủy công an trung ương trước đây còn có một văn bản gửi cho đoàn quốc hội yêu cầu xử lý ông này về những phát ngôn của ông ấy.
Vì đã có sự hiềm khích giữa ngành công an với ông Nhưỡng rồi cho nên cũng có thể ở bên trong cũng ngấm ngầm muốn "bới lông tìm vết" để tìm ra một cái sai phạm gì đấy của ông ấy để xử lý, khởi tố thêm".
Trước khi bị bắt, ông Nhưỡng đã nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông bới các phát biểu khá thẳng thắn, dám chỉ trích khuyết điểm của cả "siêu bộ" Công an và Quốc hội.
Đáp lại, Đảng ủy Công an Trung ương hồi năm 2018 đã từng gởi văn bản yêu cầu Đảng đoàn Quốc hội xem xét, xử lý về một số đánh giá, nhận xét của ông Lưu Bình Nhưỡng liên quan đến hoạt động điều tra, xử lý tội phạm.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, từ Hoa Kỳ, lại cho rằng hiện chưa đủ cơ sở để nhận định liệu ông Nhưỡng có bị "án chồng án" hay không. Tuy nhiên, theo luật sư này, việc mở rộng điều tra ra các tỉnh thành vẫn không nằm ngoài mục đích phủ nhận toàn bộ uy tín cũng như công sức của ông Lưu Bình Nhưỡng đã thực hiện trong tư cách là đại biểu Quốc hội :
"Chưa có cơ sở để xác định là có thêm tội danh hay không ; Nhưng mà tôi cho rằng việc mà họ làm nhằm mục đích là phủ nhận việc cả một quá trình mà ông ấy (Lưu Bình Nhưỡng - PV) đã làm như một đại biểu Quốc hội, với mục đích của họ được thể hiện rất rõ ràng rằng là ông ấy sẽ vụ lợi trong tất cả các vụ việc đấy ; và điều đó sẽ bôi nhọ tư cách đạo đức của ông Nhưỡng và nó sẽ thuyết phục được với công chúng là việc bắt giữ ông ấy là không có oan.
***
Bổ sung : RFA cập nhật thêm ý kiến của luật sư Đặng Đình Mạnh về chủ đề này :
"Việc điều tra mở rộng để thu thập các văn bản ông Lưu Bình Nhưỡng gởi các nơi trong thời gian ông ấy đang là đại biểu quốc hội có quyền miễn trừ tư pháp mà không có sự cho phép của Quốc hội là bất hợp pháp. Vì lẽ, chúng không chỉ là văn bản của ông Lưu Bình Nhưỡng lập mà còn là tài liệu của Quốc hội. Trong trường hợp này, nếu Quốc hội và cụ thể là ông Vương Đình Huệ với tư cách là chủ tịch quốc hội biết mà vẫn làm ngơ về trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm quyền miễn trừ tư pháp là sự thoái thác trách nhiệm rất đáng trách".
Nguồn : RFA, 04/12/2023
Báo chí Nhà nước đồng loạt đưa tin ông Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng bị cáo buộc vể tội cưỡng đoạt tài sản, theo khoản 4 Điều 170 Bộ luật hình sự. Tối ngày14/11, khi ông vừa xuống sân bay Nội Bài Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam. Có báo còn post video để khẳng định tin này cho thấy ông ấy ký vào biên bản. Ông Nhưỡng bị điều tra về vai trò đồng phạm của nhóm giang hồ cưỡng đoạt tiền của nhiều doanh nghiệp khai thác cát. Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng bị khám xét nhà ngay sau đó và nơi làm việc.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng hôm 14/11/2023 - Công an Thái Bình
Trong bối cảnh kinh tế xã hội ảm đạm và Đảng tăng cường quyền lực chống tham nhũng tràn lan, sự kiện này diễn ra đang làm rúng động dư luận, ở nhiều nơi người dân bàn tán, tranh luận. Ông Nhưỡng được coi là "người của công chúng" không chỉ bởi vì ông là nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 14 (2016-2021), mà còn là vì nhiều phát biểu 'khác biệt' của ông ấy trên nghị trường, đặc biệt ở các phiên thảo luận, chất vấn, được truyền hình trực tiếp.
Mặc dù báo chí đều đăng rằng "quá trình bắt, khám xét, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu có dấu hiệu vi phạm pháp luật phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án".
Giới làm luật bình luận về trường hợp bắt "khẩn cấp" rằng liệu ông Nhưỡng có giữ tài liệu nhạy cảm, động chạm đến lãnh đạo cao cấp nào chăng ? Và tội danh "cưỡng đoạt tài sản" không cần áp dụng bắt "khẩn cấp".
Trong khi những người bình thường, thôi thì, đủ các kiểu đồn đoán, bình luận khác nhau, trái chiều như : "Đến Đại biểu Quốc hội còn tham nhũng !", "Ông ấy bênh vực dân oan nhưng là "cái gai" trong mắt giới lãnh đạo khi "trực ngôn" chỉ trích các cơ quan hành pháp, công an, tóa án". "Bắt ông Nhưỡng, Đảng cộng sản cảnh báo những ‘ông nghị’ đang chức quyền về ranh giới đỏ không được vượt qua…"
Những lời bàn tán có nguồn gốc từ văn hóa "truyền thống" và trì hoãn ban hành cơ chế công khai minh bạch và giải trình trách nhiệm. Một vài suy đoán dựa vào các sự kiện chính trị đang diễn ra. Chẳng hạn, ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt xảy ra trong những ngày tạm nghỉ giữa hai đợt họp của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15 vẫn đang diễn ra, đã khai mạc ngày 23/10/2023 ngày và dự kiến kéo dài trong 23 - 25 ngày. Hơn thế, tranh luận căng thẳng giữa Quốc hội và Chính phủ, giữa các nhà "lập pháp, giám sát tối cao" và các nhà "hành pháp", điều hành nền kinh tế, vừa diễn ra tại phiên chất vấn, từ ngày 6 đến 9/11, trong đó bất cập thể chế là vấn đề nóng, thu hút nhiều ý kiến phát biểu nhất của các đại biểu Quốc hội, được coi là nguyên nhân chủ yếu của tình tình kinh tế xã hội khó khăn, tăng trưởng suy giảm. Sự căng thẳng như trên có thể là "mối lo" vượt tầm kiểm soát toàn diện của Đảng về sự lan rộng biểu hiện "tự diễn biến, tự chuyển hoá" từ Quốc hội hoặc, thậm chí, có thể dẫn đến xu hướng đòi hỏi phân chia theo hướng tam quyền phân lập, lấn át sự phân công bởi sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng.
Giới quan sát, phân tích chính trị, đặt sự kiện này trong bối cảnh chế độ đang củng cố mô hình Đảng – Nhà nước mạnh với công tác nhân sự là chính sách trung tâm của Đảng cộng sản trong bối cảnh chống tham nhũng với những đại án trọng điểm dự kiến xét xử trong năm nay như AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, Đăng kiểm... đang làm rung chuyển nền kinh tế và có nguy cơ lớn làm sụp đổ chế độ. Bởi vậy, sự kiện kiểu này luôn chứa đựng bí ẩn "cung đình" và những tình huống khó đoán định, bởi vậy việc nhận định động cơ thực sự là gì sau sự kiện bắt giam ông Nhưỡng vẫn là thách thức. Sự bí ẩn này phản ánh cách cai trị này được gọi là "sự khôn ngoan" của chế độ có nguồn gốc sâu xa từ cách cai trị, theo các nhà nghiên cứu chính trị, kéo dài hàng nghìn năm của chế độ tập quyền phong kiến.
"Sự khôn ngoan" khái niệm từng gây tranh cãi từ sự khác biệt ý thức hệ giữa hai mô hình chế độ chính trị : dân chủ và toàn trị. Khi tiếp cận với mô hình Trung Quốc từ quan điểm của nhà nước hiện đại với chế độ dân chủ, các nhà nghiên cứu cho rằng, đặc điểm bao trùm của chế độ độc đảng cộng sản toàn trị đó là một nhà nước tập trung, quan liêu, độc đoán có cội nguồn lịch sử lâu dài, trong đó có mức độ thể chế hóa cao và một bộ máy quan liêu rất phức tạp cai trị một xã hội đông dân, rộng lớn. Một thể chế chính trị hiện đại cần phải có sự kết hợp ba yếu tố cơ bản : 1) nhà nước ; 2) trách nhiệm giải trình ; và 3) pháp quyền. Nhưng yếu tố trách nhiệm giải trình trong mô hình Trung Quốc hiện nay chủ yếu thuộc về Đảng cộng sản thay vì thuộc về Hoàng đế, được coi như "Thiên tử" (con trời) như dưới chế độ phong kiến tập quyền. Bởi vậy, giới lý luận Trung Quốc cho rằng, ngoài ba yếu tố nêu trên thì có thể bổ sung thêm một yếu tố - sự khôn ngoan, ngụ ý vấn đề "minh vương" của người đứng đầu Đảng cộng sản. Tác giả cuốn sách "Làn sóng Trung Quốc", được dịch sang tiếng Anh năm 2012 (The_China_Wave), Giáo sư Trương Duy Vĩ (Zhang Weiwei) biện minh rằng Trung Quốc đang thúc đẩy pháp quyền, mặc dù còn rất nhiều cơ hội để cải thiện, nhưng "triết lý truyền thống" vẫn giữ nguyên giá trị. Chẳng hạn, khái niệm "Thiên" hay "Thiên Đàng – Đạo Trời", vẫn được coi là lợi ích cốt lõi và lương tâm của xã hội. Nhấn mạnh điều này không được vi phạm, Đảng luôn duy trì một không gian "nhỏ" cho các giải pháp chính trị mới có thể cân bằng giữa pháp quyền và "Thiên".
Đã hơn một thập kỷ từ khi cuốn sách nêu trên được xuất bản, giờ đây, sự suy thoái của mô hình Trung Quốc trong thế giới mở, phức tạp và biến động mạnh đang thử thách "triết lý truyền thống" hay sự khôn ngoan của người đứng đầu đảng cộng sản. Người ta so sánh tư tưởng thực dụng của Đặng Tiểu Bình và chính sách trỗi dậy hung hăng của Tập Cận Bình.
Liên quan đến vụ ông Lưu Bình Nhưỡng, việc bắt "khẩn cấp" không chỉ gây bất ngờ cho ông Nhưỡng mà cả những ‘đối tượng’ có liên quan mà chỉ những người trong cuộc, trong "trò chơi" quyền lực cung đình, mới ngầm hiểu "ẩn ý".
Trong bối cảnh chế độ bất ổn, Đảng đã mở một không gian "lớn" cho sự khôn ngoan. Đối với trường hợp bắt giam ông Nhưỡng đây có thể coi là hành động ‘kịp thời’. Như vậy sự khôn ngoan được giải nghĩa là luôn đặt sự ưu tiên cho mục đích duy trì chế độ thay vì những tác động hay hậu quả tiêu cực của nó.
Phó Ban Dân Nguyện đồng phạm với xã hội đen, chuyện lạ mà quen !
Gió Bấc, RFA, 17/11/2023
Cựu nghị viên nổi tiếng trung ngôn, đương nhiệm Phó Ban của Quốc hội mở công đường tiếp đón, đối thoại với gia đình tử tội lại bị bắt khẩn cấp vì đồng phạm với đám giang hồ vặt, trấn lột tài sản của doanh nghiệp lon con là chuyện la. Độc chiêu một quả đấm vừa trúng yết hầu vừa xỉa dưới thắt lưng, đòn quen thuộc của Công an dành cho người "gây ảnh hưởng" là chuyện rất quen. Tước đoạt tự do, bịt miệng, nhuộm đen nhân thân, đầu độc dư luận, vô hiệu mọi ảnh hưởng.
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Bình tống đạt quyết định khởi tố và lệnh bắt với Phạm Minh Cường (biệt danh Cường "quắt") tại thời điểm năm 2022 - Ảnh : Công an tỉnh Thái Bình
Tội danh cưỡng đoạt tài sản liên quan đến nhóm giang hồ vô danh Phạm Minh Cường, nguyên cớ bắt ông Lưu Bình Nhưỡng sống sượng, vô lý là nhiều người nghi hoặc cho rằng đây là vụ án chính trị. Không ít người thắc mắc vì sao với tài trí và quyền lực trong tay, công an không chọn nguyên cớ khác, xứng tầm và nghe có lý hơn. Với biết bao câu phát biểu gay góc đụng chạm từ ngành công an, môi trường, tòa án, không tha cả Quốc hội, có không dưới trăm câu nặng ký hơn "ông Thanh Từ ngu hơn bò", đủ sức tống ông Lưu Bình Nhưỡng vào tù bố bảo ai dám cải.
Báo chí và Công an : Song kiếm hợp bích
Vấn đề là người bắt không cần lòng tin, bất cần sự hiểu biết mà cần công chúng sợ hãi, phục tùng. Thực tế đúng như câu nói của ông Lưu Bình Nhưỡng, trong thể chế hiện nay, "tội phạm đang nhảy múa trên lưỡi gươm công lý". Tội phạm đang nắm trong tay siêu quyền lực của chế độ, triệt tiêu tất cả những cá nhân ảnh hưởng đến người khác, đến số đông và thị uy với những người còn lại. Trấn áp bằng bắt bớ, tù đày chưa đủ, cần phải bôi đen nhân thân những người bị xem là đối địch.
Thể chế hiện nay có cặp đôi công cụ đắc lực hữu hiệu, tung hứng thực hiện hoàn hảo thủ đoạn đàn áp kép cả thể xác lẫn tinh thần, tước đoạt tự do và bôi nhọ danh dự nhân phẩm người bị xem là đối nghịch. Công an và truyền thông lề Đảng. Nguyên tắc không ai bị xem là có tội khi chưa bị tuyên bởi bản án có hiệu lực được báo chí của Đảng vứt vào sọt rác. Chỉ cần Công an mớm tin là báo đồng loạt răm rắp đăng theo một chiều dù là vô lý, dù là phi nhân thậm chí còn vẻ với thêm. Có khi báo chí còn đi trước đăng tin khơi màu tạo cớ cho Công an vào cuộc. Những nguyên tắc điều tra, đối chiếu thông tin, thẩm định tính trung thực, độ tin cậy, vv cũng đều là con số 0 tròn trĩnh.
Với luật sư Cù Huy Hà Vũ một thái tử đảng, con đệ nhất công thần tiếp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại, đệ nhất trung thần quay lưng, trở mặt đấu tố văn nghệ sĩ anh em, người ta dùng hai cái bao cao su. Với đảng viên lão thành Lê Đình Kình luôn trung trinh với nghị quyết đảng, người ta không chỉ dùng súng đạn, cho becgie mà còn phải thêm vào chuyện nhận tiền thưa kiện đòi đất thuê.
Cụ già Lê Tùng Vân gần 90 tuổi ngoài tội danh 331 người ta còn ân cần bonus thêm hai tội nhơ nhớp loạn luân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà bất cần chứng cứ. Đầu tháng 11 oan nghiệt này năm trước, ngay trước ngày xử phúc thẩm, 800 tờ báo lề phải đồng loạt thông tin theo công bố của công an tỉnh Long An. "Sau khi có kết quả giám định ADN, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại hộ bà Cao Thị Cúc, nơi từng tự xưng là "tịnh thất Bồng Lai".
Ngày 1/11, thông tin từ Công an tỉnh Long An cho biết Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh này đã có quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại hộ bà Cao Thị Cúc, ấp Lập Thành, Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An" (1).
Đến nay đã hơn 1 năm, không hề có cái kết quả giám định AND nào được công bố và cũng không hề có vụ án lừa đảo nào được khởi tố. Hàng vạn tin bài có nội dung như vậy vẫn ngạo nghễ trên các trang báo online, mạng xã hội mà không cần đính chính rút bài. Đây là hình ảnh trong 1 trang Google tìm kiếm khi gỏ từ khóa "Tịnh Thất Bồng Lai loạn luân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh đã lên tiếng vạch trần thủ đoạn gian dối, cường quyền phi pháp vô nhân này trên kênh Tiếng Nói Dân Oan (2).
Đúng theo kịch bản
Bước khởi đầu của vụ bắt Tiến sĩ, cựu đại biểu Quốc hội, đương nhiệm Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cũng diễn ra theo kịch bản này. Điều đáng nói trong nhiều năm dài từ 2016 đến nay, ông Lưu Bình Nhưỡng là người ơn không chỉ của dân oan mà còn là người ơn của tất cả các tờ báo. Những diễn ngôn sắc sảo, mạnh mẽ trung thực của ông luôn được báo chí săn lùng tung hê lên mặt báo như món ăn ngon đặc sản lóng lánh giữa ê hề các món thông tin cúng giỗ thiu thối.
Cũng như cụ Lê Tùng Vân, báo chí đồng loạt đưa tin theo cung cấp của Công an những bài báo giống nhau như những con cừu Dolly : Bắt ông Lưu Bình Nhưỡng về tội danh cưỡng đoạt tài sản liên quan đến băng nhóm Phạm Minh Cường ở giai đoạn điều tra mở rộng…
Tất cả các tờ báo đều không đưa tình tiết rất quan trọng là ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt vào ban đêm khi vừa bước xuống sân bay Nội Bài dù cho hình ảnh bắt giam đã thể hiện điều này. May là nhờ còn có các hãng truyền thông quốc tế BBC, VOA "Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nhưỡng tối 14/11, khi ông vừa xuống sân bay Nội Bài" (3).
Lờ đi tình tiết này để che đây tình huống pháp lý là Công an đã bắt "khẩn cấp" ông Lưu Bình Nhưỡng. Bộ luật hình sự quy định về những trường hợp được bắt khẩn cấp là :
a) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng ;
b) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn ;
c) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ (4).
Ông Nhưỡng bị bắt vì liên quan trong vụ án cưỡng đoạt tài sản đã khởi tố từ 1 năm rưởi trước đó. Ông Nhưỡng từ nơi khác bay về Hà Nội. Vậy liệu có cần phải bắt khẩn cấp như vậy không ? Ông Nhưỡng có liên quan như thế nào và có chứng cứ nào về hành vi cưỡng đoạt tài sản ? 800 tờ báo hồn nhiên nhắm mắt bịt tai, không một ai hỏi han cơ quan điều tra.
Ngược lại, báo đi sâu vào những chi tiết ngoài lề bí hiểm là "Ông Lưu Bình Nhưỡng không có họ hàng với Cường 'quắt'" đăng hình ảnh và nhấn nhá chi tiết về cái cổng nhà ông Lưu Bình Nhưỡng ở Thái Bình.
"Cụ thể, vào khoảng 21 giờ 40 ngày 14/11, Công an tỉnh Thái Bình có mặt tại nhà ông Lưu Bình Nhưỡng và thông báo đến ông Lưu Văn Hoạch, Phó chủ tịch UBND xã Hùng Dũng và ông Lưu Văn Tuấn là công an viên của thôn, cùng trưởng thôn đến nhà ông Lưu Bình Nhưỡng để chứng kiến.
Cuộc khám xét kéo dài 30 phút, lực lượng công an không niêm phong, không thu giữ bất kỳ tài liệu gì.
Sau khi thực hiện khám xét, lực lượng công an đã đo và lập biên bản ghi nhận 2 cánh cửa gỗ có giá trị của ngôi nhà, đồng thời bàn giao xã Hùng Dũng bảo vệ 2 cánh cửa. "Hôm nay, xã đang cho người lắp camera để bảo vệ 2 cánh cửa, tránh tình trạng mất an ninh trật tự trên địa bàn xảy ra", ông Đăng cho biết.
Chính quyền lắp camera bảo vệ hai cánh cổng nhà ông Lưu Bình Nhưỡng
Theo ông Đăng, ông Lưu Bình Nhưỡng tuy sinh sống ở Hà Nội từ lâu nhưng trước đây, cụ bà thân sinh ra ông vẫn sinh sống trong căn nhà này nên ông thường xuyên về thăm. Tuy nhiên, đầu năm 2023 vừa qua, do tuổi cao, cụ qua đời. Hiện căn nhà không có ai ở, họ hàng của gia đình ông Nhưỡng vẫn sinh sống ở khu lân cận.
Ngoài ra, ông Đăng cũng khẳng định ông Lưu Bình Nhưỡng không có họ hàng gì với Phạm Minh Cường (Cường "quắt")" (5).
Với một chút xíu nghiệp vụ truyền thông, có thể suy đoán rằng vụ cưỡng đoạt tài sản chỉ là cái cớ để khởi tố, bắt giam và khám xét. Mục đích tìm kiếm là những tài liệu, hồ sơ quan trọng mà ông Lưu Bình Nhưỡng đang cất giữ. Nếu tìm được cái giò khác người ta sẽ chuyển hóa tội danh. Ngược lại thì cái cửa cổng gỗ căn nhà sẽ là vật chứng cưỡng đoạt tài sản mà Phạm Minh Cường đã ăn chia với ông !
Báo chí cố tình đánh tráo nói gọn lỏn là nhà ông Lưu Bình Nhưỡng, đăng hình ảnh nhà to hoành tráng để tạo ấn tượng với dư luận là ông Nhưỡng cũng có biệt phủ như các quan tham khác. Thực chất đây là nhà từ đường, đất đai ông bà cha mẹ ông để lại, các anh em hùn tiền xây cất thờ cúng. Chi tiết "ông Lưu Bình Nhưỡng không có họ hàng gì với Phạm Minh Cường (Cường "quắt")" là nhằm khẳng định việc cho tặng cái cửa gỗ là ăn chia, lo lót trong vụ cưỡng đoạt tài sản chứ không phải vì tình cảm.
Bằng cách phớt lờ sự thật, đánh tráo khái niệm, báo chí đã giúp công an thít chặt nút dây thòng lọng vào cổ ông Lưu Bình Nhưỡng.
Dính bẫy tại quê nhà !
Bài viết : "Ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt vì đã dám cả gan vượt qua "lằn ranh đỏ"" trên trang mạng Báo Tiếng Dân đã đưa ra bức tranh khác, lý giải khá thuyết phục các điểm mờ của vụ án vì sao kẻ vô danh như Phạm Minh Cường lại dám cưỡng đoạt tài sản của các doanh nghiệp được nhà nước cấp phép khai thác cát. Xin giới thiệu một phần sau đây :
"Chủ trương đấu giá khai thác khoáng sản là mỏ cát của UBND tỉnh Thái Bình, có từ nhiều đời lãnh đạo. Một số doanh nghiệp được UBND tỉnh Thái Bình cấp phép khai thác cát tại mỏ cát ven biển xã Thụy Trường (huyện Thái Thụy) gồm : Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Sao Đỏ, Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Kinh doanh khai thác vật liệu xây dựng Sao Đỏ, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hà Thành – UDIC, Công ty cổ phần SHC.
Tỉnh chỉ đạo huyện, xã thu hồi giấy phép nuôi nghêu đã cấp trước đây. Dân chúng điêu đứng, vốn đầu tư hàng chục tỷ bị cướp cạn. Nghêu chết vì bị hút hết cát bãi triều, tàu gây tràn dầu, khiến hàng trăm hecta nuôi nghêu của dân thiệt hại nặng nề. Đơn thư kêu cứu, kiến nghị của dân gởi đến tay ông Lưu Bình Nhưỡng. Vậy là ông Nhưỡng về tận nơi mục sở thị và hứa giúp đỡ bà con khiếu kiện.
Thế nhưng, một cái bẫy đã giăng ra ngay chính tại quê nhà Thái Bình của ông Nhưỡng. Người ta đã "gài" Phạm Minh Cường, tức Cường "quắt", một bị can trong vụ án "cưỡng đoạt tài sản", khai rằng, đã được ông Lưu Bình Nhưỡng giúp sức để tống tiền các ông chủ "đầu nậu" khai thác cát.
Trong khi thực tế, Cường "quắt" chỉ là nhân vật trung gian đứng ra hòa giải, nhận tiền đền bù giữa các "trùm" khai thác cát và các chủ hộ nuôi nghêu.
Tối 14/11/2023, khi vừa bước xuống sân bay Nội Bài sau một chuyến đi, Lưu Bình Nhưỡng đã bị bắt khẩn cấp. Cơ quan điều tra đã vội vã khám xét nhà riêng của ông Nhưỡng tại quận Tây Hồ, Hà Nội và khám xét, niêm phong cả từ đường dòng họ của ông ở quê Thái Bình, để tìm kiếm tài liệu.
Mục đích cuối cùng là đảng sẽ tìm ra, thu hồi các tài liệu, đơn thư tố cáo mà đảng viện và dân chúng đã gởi cho ông Lưu Bình Nhưỡng, để quy chụp ông Nhưỡng tàng trữ tài liệu trái luật, chống phá chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước, tiếp tay cho các tổ chức phản động…
Tóm lại, người ta muốn bịt miệng, xích thật nhanh "con ngựa bất kham" trong đảng như Phó ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng" (6).
Chưa có điều kiện để kiểm chứng thực tế nhưng về logich Thái Bình là vùng cửa sông, những bãi bồi được nông dân nuôi nghêu là hoàn toàn phù hợp. Dân oan mất đất bị xem là côn đồ, bị khởi tố thậm chí bị công an, kẻ chiếm đất đưa quân vây đánh như Đoàn Văn Vương, Đặng Văn Hiến cũng đâu phải là chuyện lạ.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 17/11/2023
2. https://www.youtube.com/watch?v=kjTntSInHRM
3. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/czq2dzpev62o
4. https://luatminhkhue.vn/bat-khan-cap-la-gi---khai-niem-ve-bat-khan-cap--...
6. https://baotiengdan.com/2023/11/16/ong-luu-binh-nhuong-bi-bat-vi-da-dam-ca-gan-vuot-qua-lan-ranh-do/
**********************
Việt Nam : Vụ bắt ông Lưu Bình Nhưỡng xảy ra trong môi trường tư pháp và báo chí như thế nào ?
BBC, 17/11/2023
Sau khi bị bắt, tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng đang đối mặt với nhiều rủi ro trong một hệ thống mà một số nhà quan sát cho là có nền tư pháp 'không độc lập và báo chí bị định hướng' ở Việt Nam.
Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng
"Tất cả những thông tin công chúng tiếp cận được về vụ ông Lưu Bình Nhưỡng qua báo chí nhà nước đều từ cơ quan điều tra. Không hề có nỗ lực từ bất kỳ tờ báo nào trong nước dẫn quan điểm của phía ông Nhưỡng, dù là gia đình hoặc luật sư của ông ấy", từ Canada, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ với BBC News tiếng Việt hôm 17/11.
Theo một số nhà quan sát mà BBC News tiếng Việt phỏng vấn, vụ án ông Lưu Bình Nhưỡng có khả năng cao "sẽ trở thành án điểm".
Vụ bắt 'hoàn toàn bất ngờ'
Ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt tối 14/11 khi vừa xuống sân bay Nội Bài tại Hà Nội. Trước đó, vào buổi sáng cùng ngày, ông vẫn còn xuất hiện trong lễ ra mắt chương trình "Hành trình Net Zero" do Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA) và Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh (VTV9) tổ chức.
Một người có quan hệ gần gũi với ông Lưu Bình Nhưỡng và cũng có mặt tại buổi lễ trên nói với BBC News tiếng Việt với điều kiện giấu tên rằng vụ bắt giữ này đối với cá nhân ông Nhưỡng hoàn toàn là điều bất ngờ, vì ông vẫn tham dự sự kiện và được phóng viên báo đài phỏng vấn, ghi hình trong buổi sáng hôm đó.
Trả lời BBC News tiếng Việt hôm 15/11, nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Quang A đưa ra hai khả năng, một là ông Nhưỡng có tham nhũng thật như báo chí đưa tin, hai là khả năng công an dùng cáo buộc ông Nhưỡng dính đến tham nhũng, giang hồ như "một cái cớ".
"Nếu như thế thì thật sự là một sự kiện chấn động vì nó không còn là một vụ án hình sự mà là chính trị. Chưa biết chừng ông Lưu Bình Nhưỡng lại có thể biết bị cưỡng bức trở thành một dân oan", TS Nguyễn Quang A nhận định.
Nhận định với BBC News tiếng Việt ngày 17/11, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn cho rằng thực hành tố tụng ở Việt Nam hiện nay có một đặc trưng là tình trạng bất cân xứng quá mức về quyền giữa bên buộc tội và bên bị buộc tội.
"Tất cả những thông tin công chúng tiếp cận được về vụ ông Lưu Bình Nhưỡng qua báo chí nhà nước đều từ cơ quan điều tra, trong khi không hề có nỗ lực từ bất kỳ tờ báo nào trong nước dẫn quan điểm của phía ông Nhưỡng, dù là gia đình hoặc luật sư của ông ấy. Chẳng khác nào bên bị buộc tội thì bị bịt miệng, trong khi bên buộc tội ở đây là công an thì được nói bất kỳ điều gì để định hướng dư luận", ông Tuấn nêu quan sát.
Ông Tuấn cũng nói thêm ở Việt Nam hiện nay ai cũng có thể bị bắt giam và mất tự do đơn giản bằng đề xuất của công an với sự phê chuẩn của viện kiểm sát mà không cần sự xem xét của tòa án.
Vẫn theo nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, khi là bị can, hàng loạt quyền của họ như được giữ im lặng, không làm chứng chống lại mình, có luật sư ngay lập tức, được tại ngoại đều không được đảm bảo trên thực tế ở Việt Nam. Ông cho đây là thực tế chung về tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện tại.
Riêng về trường hợp một cựu đại biểu quốc hội nổi bật như ông Lưu Bình Nhưỡng, ông Anh Tuấn dự đoán đây sẽ là "án điểm", nếu xét ở tầm ảnh hưởng dư luận xã hội.
"Mà đã là án điểm thì theo Thông tư liên ngành 01/1994 sẽ có họp liên ngành công an, viện kiểm sát và tòa án trước khi xử ông. Trớ trêu là ở diễn đàn Quốc hội, ông Nhưỡng từng lớn tiếng phê phán thực hành án điểm mà ông gọi là ‘án bỏ túi’, ví von với tình trạng ‘bộ binh, bộ hộ, bộ hình’, nay thì ông lại đang trở thành nạn nhân của thứ mà ông từng phê phán", ông Tuấn nêu đánh giá.
Hình ảnh "hai cánh cổng gỗ"
Theo báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh việc bắt giữ, khám xét nơi ở và nơi làm việc của ông Lưu Bình Nhưỡng, lực lượng công an đã đến khám xét ngôi nhà liên quan tới ông Nhưỡng ở thôn Hà Lý, xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Ngôi nhà này được cho là không có người ở, chỉ dùng làm nơi thờ cúng gia tiên của ông Nhưỡng. Báo chí ngay lập tức đưa tin và xoáy sâu vào chi tiết hai cánh cổng này. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã đo đạc, chụp ảnh hai cánh cổng bằng gỗ nói trên.
Về điểm này, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn bình luận với BBC rằng chi tiết cổng nhà thờ tự của ông Nhưỡng chắc hẳn có liên quan đến vụ án, đặc biệt có thể là tang vật của vụ án.
"Vì ông Nhưỡng bị cáo buộc đồng phạm tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170) nên có thể quan điểm của cơ quan điều tra là cánh cổng này có thể là tài sản bị chiếm đoạt hoặc được mua bằng tài sản chiếm đoạt. Cụ thể thế nào thì công chúng không thể biết vì cơ quan điều tra chưa tiết lộ trong khi, như đã nói, chẳng ai được tiếp cận với quan điểm phía ông Nhưỡng", ông Tuấn đánh giá.
Ông Tuấn còn phân tích thêm, chi tiết hai cánh cổng gỗ được cơ quan điều tra đưa ra một cách có chủ đích và được phụ họa bởi nhiều tờ báo.
"Có báo còn mô tả thêm những chi tiết như ‘trên cổng có dòng chữ Ngũ phúc lâm môn được khắc chạm cầu kỳ, đẹp mắt’, theo tôi là vừa thừa thãi vừa kém về nghiệp vụ vì nó có thể tạo ra những ấn tượng không tốt của người đọc với người bị cáo buộc là ông Nhưỡng - điều mà báo chí nên tránh".
Trước đó, trong thông báo trên website chính thức, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình cho biết "đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Lưu Bình Nhưỡng… về tội Cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự".
Theo đó, ông Nhưỡng bị cáo buộc có mối liên hệ với Phạm Minh Cường, biệt danh là Cường 'quắt', người bị báo chí nhà nước mô tả là "một giang hồ cộm cán". Ông Cường đã bị công an tỉnh Thái Bình khởi tố để điều tra vào tháng 5/2023.
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn cho rằng công an đã khắc họa hình ảnh ông Nhưỡng trước mắt công chúng là một người cán bộ nhưng lại có quan hệ với giới giang hồ. Đi đôi với hình ảnh hai cánh cổng gỗ thì ông Nhưỡng xuất hiện như người kiếm lợi từ mối quan hệ giang hồ này để từ đó mà có nhà cao cửa rộng.
"Đây là một mô tả bất lợi đối với ông Nhưỡng, trái với hình ảnh người đại biểu, người cán bộ gần dân của ông trong mắt công chúng lâu nay. Một điều có thể đáng lo hơn với ông là ông mất thế chủ động để kể phiên bản câu chuyện của mình trước công chúng - nguồn ủng hộ lớn nhất của ông.
"Thanh danh và hình ảnh bản thân của ông có thể bị tổn hại nghiêm trọng trong một nền truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ và chỉ đóng vai trò làm cái loa cho cơ quan điều tra. Điều này có thể còn quan trọng với một người như ông Lưu Bình Nhưỡng hơn cả sinh mệnh pháp lý của bản thân ông", nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn kết luận.
Nguồn : BBC, 17/11/2023
***************************
Nghi vấn về nguyên cớ bắt Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng !
Diễm Thi, RFA, 16/11/2023
Theo truyền thông Nhà nước Việt Nam, ngày 14/11/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Lưu Bình Nhưỡng để điều tra về tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại điều 170 Bộ luật Hình sự. Tin cho biết, ông Lưu Bình Nhưỡng liên quan đến một đối tượng hình sự cầm đầu băng nhóm xã hội đen.
Ông Lưu Bình Nhưỡng - Photo : baochinhphu.vn
Một nhà quan sát ở Hà Nội, không muốn nêu tên vì lý do an ninh, nói với RFA suy nghĩ của mình :
"Cứ mỗi lần chuẩn bị nhân sự của Đảng cho nhiệm kỳ mới là lại có những "vụ án" gây chấn động dư luận. Là một tiến sĩ luật học lại là một Phó ban của Quốc hội, nếu ông Lưu Bình Nhưỡng "nhúng chàm" thì ông có thể lợi dụng vai trò của mình để lèo lái Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra những quyết sách có lợi cho "nhóm lợi ích" thì cái lợi thu về chắc chắn hơn gấp nghìn lần là đi "trấn lột" của nhóm cát tặc vô danh tiểu tốt ở Thái Bình. Ông đã va chạm quá nhiều đối với những lực lượng siêu quyền lực ở Việt Nam. Người ta muốn ông im lặng trước Đại hội 14.
Tôi cho rằng yếu tố chính trị là bản chất trong vụ án Lưu Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam ai cũng có thể bị bắt vì lý do này hay lý do khác khi những hành động hay phát ngôn của anh có nguy cơ đe dọa lợi ích của một nhóm cầm quyền".
Bác sĩ Đinh Đức Long ở Thành phố Hồ Chí Minh thì cho rằng, việc bắt ông Lưu Bình Nhưỡng gây rúng động xã hội, nhất là những người xưa nay theo dõi những phát biểu cũng như hành động của ông ấy như tiếp bố mẹ tử tù Nguyễn Văn Chưởng cách đây ít ngày, lên tiếng những chuyện mà xưa nay không ai dám đụng đến. Ông Đinh Đức Long nói tiếp :
"Nhiều người và cá nhân tôi nghĩ rằng, có lẽ đây là phiên bản khác của chuyện hai bao cao su đã qua sử dụng khi bắt ông Cù Huy Hà Vũ thôi. Sau khi bắt thì họ khám nhà rồi sẽ ra những ‘chứng cứ’ khác.
Về nguyên tắc thì hiện nay ông Nhưỡng chưa có tội vì chưa ra tòa, chưa có bản án có hiệu lực pháp luật. Nhưng ở Việt Nam thì công an bắt, mà công an do đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện, triệt để ; tòa án cũng do Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện, triệt để nên kiểu gì thì ông Nhưỡng cũng sẽ có một cái tội. Mình không có gì bảo vệ mình nếu như họ muốn. Vấn đề bây giờ là ông Nhưỡng có được tiếp cận với luật sư theo luật không ; khi hỏi cung có được luật sư cùng dự hay không ; có được đối xử theo đúng những quy định của pháp luật hay không".
Với công chúng Việt Nam, ông được biết đến là một đại biểu Quốc hội thẳng thắn, không ngại va chạm để bảo vệ quyền lợi của dân chúng. Đặc biệt, ông không nề hà vạch rõ những sai lầm tiêu cực của Bộ Công an.
Cuối tháng 10 năm 2018, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội khóa 14, ông Lưu Bình Nhưỡng chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an với nội dung : "Tôi rất ủng hộ cuộc cách mạng trong lĩnh vực công an vừa qua nhưng mà qua báo cáo thì mới thấy rằng như thế này, vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp, không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho viện kiểm sát 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm trong tống đạt 100%...
Tôi thấy đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng và tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an phải có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với anh em trong cơ quan điều tra trong việc này".
Sau phát biểu của ông Lưu Bình Nhưỡng vài ngày, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương ký văn bản gửi Đảng đoàn Quốc hội, kiến nghị về một số đánh giá mà ông cho là chưa chính xác, gây dư luận không tốt của ông Lưu Bình Nhưỡng. Về phần mình, ông Nhưỡng khẳng định không nhầm lẫn bất kỳ một số liệu nào và chịu trách nhiệm về tất cả những gì ông phát biểu.
Nhà báo Võ Văn Tạo bày tỏ quan điểm của ông với RFA về việc này :
"Điều đó vô hình chung gây cho ông có thêm kẻ thù, dễ bị nguy cơ phản đòn. Tuy nhiên, những ý kiến đó có vẻ như đã gãi đúng chỗ ngứa của công chúng và cũng phần nào phản ánh cơ bản sự thật hiện trạng kinh tế xã hội Việt Nam. Những ý kiến đó đối với một số trí thức sâu sắc bị coi là dân túy. Không ít ý kiến của ông Nhưỡng nếu soi xét kỹ thì thấy có nhiều chỗ không chính xác, hồ đồ. Đấy là những Gót Chân Asin của ông Nhưỡng, người ta chỉ đợi ông sơ hở là có dịp trả đũa.
Về thủ đoạn chính trị, chúng ta đều còn nhớ trường hợp ông Nguyễn Đức Chung - Nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, nguyên Giám đốc Công an Hà Nội - từng to tiếng phát biểu về tham nhũng tiêu cực. Ông Chung tỏ ra thắc mắc tại sao các tội phạm khác có khung tử hình mà tham nhũng thì lại không có, nghe có vẻ rất đã ngứa.
Thế nhưng nhiều người trong ngành biết nạn sân sau của quan chức nhà nước bảo kê, thực ra ông Chung lại là người trùm bảo kê, thực tế hiện giờ ông này bị truy tố là chủ trò của nhiều vụ án tham nhũng tiêu cực".
Cũng theo nhà báo Võ Văn Tạo, tệ nạn ‘Nói một đường làm một nẻo’ ; ‘Vừa ăn cướp vừa la làng’ là tập tính của không ít quan chức nhà nước và vấn đề của ông Lưu Bình Nhưỡng rất có thể dùng thủ đoạn như ông Nguyễn Đức Chung, cho nên không loại trừ về bản chất thì họ đều giống nhau, sự khác biệt 180 độ giữa lời nói và việc làm là thủ đoạn đánh lạc hướng.
Một số người cho rằng, việc bắt ông Lưu Bình Nhưỡng gây rúng động cả giới quan chức Việt Nam, bởi ông Nhưỡng không chống Đảng. Facebooker Kim Nguyen nhận định trên trang cá nhân của mình, RFA đã xin phép và được phép trích đăng :
"Bắt LBN đang làm rung động quan chức ở Việt Nam. Không ai dám nói rằng ông Nhưỡng chống đảng, chống chế độ độc tài được. Họ lại càng không dám nói ông Nhưỡng là phản động như nói một số người khác bị bắt vì điều luật 117 được. Nói chính xác là ông Nhưỡng là một phản biện trung thành gay gắt thôi. Ông Nhưỡng không chống cá nhân ai cả, ông Nhưỡng đang chống nhóm lợi ích trong đảng của ông ấy và đang vô tình làm lộ ra mảng tối trong đảng.
Cho nên họ bắt ông Nhưỡng vì điều luật "cưỡng đoạt tài sản" là "hay "nhất, vừa làm cho nhiều người bán tín bán nghi, vừa làm nhục ông Nhưỡng".
Nhà báo Trần Ngọc Tuấn ở Cộng hòa Czech thì cho rằng, cho dù ông Nhưỡng bị bắt với lý do gì đi nữa thì cũng làm xấu mặt chính quyền. Ông phân tích :
"Ông Nhưỡng là một tiến sĩ luật và là người có tiếng nói đứng về phía người dân trong Quốc hội. Tôi không nghĩ ông ấy dính vào những vụ giang hồ vặt thế đâu. Ông ấy thừa khôn ngoan để hiểu. Tôi cảm thấy vụ bắt bớ này như một thuyết âm mưu. Ông Nhưỡng là một tiếng nói hiếm hoi nên nếu dính vào xã hội đen như báo chí nói thì mất mặt cả cái quốc hội, còn nếu đây là một màn kịch do chính quyền dựng lên như trường hợp hai bao cao su của Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ năm xưa thì càng xấu mặt chính quyền thôi".
Ông Lưu Bình Nhưỡng là một tiến sĩ luật, từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam từ năm 2016 đến năm 2021, là Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, từng là phó chủ nhiệm khoa pháp luật kinh tế Đại học Luật Hà Nội với 22 năm làm giảng viên tại đây. Ông Nhưỡng cũng từng là chánh văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp, đảm nhiệm việc tham mưu cho Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 16/11/2023
*************************
Thầy Lưu Bình Nhưỡng bị bắt và ‘tỷ lệ công lý’
Lê Quốc Quân, VOA, 16/11/2023
Lời tác giả : Có nhiều cách gọi tên ông Lưu Bình Nhưỡng, vì ông có học hàm Tiến sĩ lại là Cựu đại biểu quốc hội nhưng vì đã từng là thầy giáo của tôi tại trường Đại học luật Hà Nội nên tôi chọn cách xưng là Thầy như tôi đã từng gọi thầy suốt gần 30 năm qua, trong bài viết này.
Thầy Lưu Bình Nhưỡng cũng đã chia sẻ với tôi một lần về việc "không hợp" với bên công an và Viện kiểm sát.
Mới đây tôi được nghe từ một người bạn đang làm trong Chính phủ rằng trong một lần cách đây 3 năm, ông Trương Hòa Bình đã nói về thầy Lưu Bình Nhưỡng rằng "Thằng khóc thuê đó, đợi đấy". (LQQ)
Công an tỉnh Thái Bình bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng, một quan chức thuộc quốc hội Việt Nam, hôm 15/11/2023.
***
Sáng ngày 15/11 hàng loạt tờ báo của Việt Nam đều đưa tin"Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng về hành vicưỡng đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 170 Bộ Luật hình sự".
Thầy Lưu Bình Nhưỡng là ai ?
Sinh ngày 4/2/1963 tại xã Hùng Dũng, Huyện Hưng Hà, Tỉnh Thái Bình, ở tuổi 18 Thầy nhập ngũ và sau 2 năm phục vụ trong quân đội, Thầy trở về thi vào Khóa 8, Đại học Luật Hà Nội năm 1983 (khi đó còn gọi là Đại học Pháp lý đóng tại Thường Tín, Hà Nội). Đến năm 1987 thì tốt nghiệp đại học. Nhờ thành tích học tập xuất sắc và khả năng làm việc trong Đoàn sinh viên rất tốt, Thầy được ở lại trường làm giảng viên môn Luật Lao động, rồi làm trưởng bộ môn sau khi bảo vệ thành công tiến sĩ luật.
Thầy từng tham gia một khóa tu nghiệp ngắn ở Australia và tiếp tục lên làm Phó chủ nhiệm khoa Pháp luật Kinh tế. Thầy được vào diện "quy hoạch" từ sớm nhờ năng lực và tư duy "dám nghĩ, dám nói". Từ đại học Luật, Thầy chuyển sang làm Chánh văn phòng Tổng cục thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp và sau đó là Thành viên của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Với tư cách đó, Thầy đã từng sinh hoạt cùng đảng bộ với tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhiều lãnh đạo cấp cao nhất trong đảng cộng sản. Thầy biết nhiều thông tin quan trọng, cả của lãnh đạo cao cấp và của nhân dân bần nông.
Thầy là đại biểu quốc hội khóa 14 (2016-2021) chuyên trách trung ương, uỷ viên thường trực của Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, phó trưởng ban dân nguyện của Quốc hội, phó chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam – Thụy Sĩ. Thầy thực sự gây được ấn tượng cho nhiều người vì sự thẳng thắn và "trực ngôn" của mình. Ngay từ thời còn là giảng viên đại học, rất nhiều người (cả học sinh và đồng nghiệp) yêu mến Thầy nhưng cũng nhiều người ghét.
Tôi may mắn là học sinh trực tiếp của Thầy tại Đại học Luật Hà Nội (Tôi học K19, Đại học Luật Hà Nội) khi đó thầy dạy tôi môn Luật Lao động. Năm 2001-2003 khi tôi học cao học luât K3 tại trường thì thầy đang làm ở Khoa Kinh tế cho nên có rất nhiều lần gặp Thầy, tôi cũng hiểu phần nào về tính cách và con người Thầy.
Cho dù có rất nhiều thông tin khác nhau về thầy Lưu Bình Nhưỡng trong việc đối xử với học sinh, quan hệ tình cảm cá nhân và cả câu chuyện vật chất, nhưng cảm nhận của tôi thì Thầy là người đáng kính và "rất đặc biệt".
Dù khá thân tình, Thầy có theo dõi nhưng chưa bao giờ công khai ủng hộ tôi trong các hoạt động đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.
Những phân tích pháp lý ban đầu
Qua quan sát thì thấy rằng thầy Nhưỡng bị bắt khẩn cấp khi vừa xuống sân bay Nội bài tối 14/11, sau đó được di lý về nhà và cơ quan để tiến hành việc khám xét nơi ở và nơi làm việc. Khoản 1Điều 110 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định 3 trường hợp sau đây thì bị bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp :
a) khi có đủ căn cứ đểxác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng ;
b) Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn ;
c) Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
Theo thông tin được báo chí đưa ra và theo suy đoán logic thì thầy Lưu Bình Nhưỡng rơi vào Tiết 3, của Khoản 1, nghĩa là : Công an thấy "dấu vết của tội pham và đang muốn tìm chứng cứ" nên bắt ngay tại sân bay. Có thể nằm ngay trong chính chiếc "cặp đơn từ" mà thầy vẫn hay mang theo.
Cũng chính vì vậy mà các báo đều đưa tin :"Quá trình bắt, khám xét, cơ quan cảnh sát điều tra đã thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu có dấu hiệu vi phạm pháp luật phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án".Đây là dấu hiệu cho thấy việc khởi tố về tội "cưỡng đoạt tài sản" chỉ là những căn cứ để bắt giữ ban đầu để tiếp tục "đánh án" sâu hơn.
Điều 170 Bộ luật hình sự quy định :"Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 đến 5 năm". Khoản 4 quy định nếu : a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thì bị phạt tù từ 12 đến 20 năm.
Cấu thành tội phạm của "Cưỡng đoạt tài sản" mặt chủ quan là "đoạt tài sản" ; cho nên việc mong muốn "đoạt tiền" được đặt ra từ đầu và là mục tiêu theo đuổi đến tận cuối. Báo chí đều nói rất ít đến hành vi của Thầy nên chưa thể võ đoán nhưng việc liên hệ với Cường "quắt" có thể "đồng phạm" với tư cách đã được nhờ cậy" và thầy "giúp" lên tiếng với các bên liên quan.
"Thằng khóc thuê đó, đợi đấy"
Thầy Lưu Bình Nhưỡng cũng đã chia sẻ với tôi một lần về việc "không hợp" với bên công an và Viện kiểm sát. Mới đây tôi được nghe từ một người bạn đang làm trong Chính phủ rằng trong một lần cách đây 3 năm, ông Trương Hòa Bình đã nói về thầy Lưu Bình Nhưỡng rằng"Thằng khóc thuê đó, đợi đấy".
Đúng là, suốt bao nhiêu năm làm đại biểu quốc hội rồi làm phó Ban dân nguyện, Thầy đã xông xáo vào những nơi vô cùng khó khăn, đụng chạm đến rất nhiều người để nói lên tiếng nói của người dân, để "khóc" cho dân. Là Phó ban dân nguyện, thầy đã nhận đơn, thay mặt dân để chuyển đơn và "liên hệ, phối hợp, thúc ép" rất nhiều cơ quan hành pháp giải quyết nguyện vọng cho người khiếu kiện hoặc khi có vấn đề cần kêu lên Quốc hội.
Có lẽ chưa có ai dám vạch ra những điểm sai trái của Ngành công an. Thầy đã nói rằng :"Tội phạm tham nhũng đang nhảy múa trên lưỡi gươm pháp luật" trong khi Bộ Công an luôn được coi là "Thanh gươm" của Đảng. Chính vì vậy, ngay khi còn đang là đại biểu quốc hội, Thầy đã bị báo Công trực tiếplên tiếng phản đối .
Không chỉ nặng lòng với những oan trái của dân chúng, phê phán nền hành pháp mà Thầy còn lên tiếng trực tiếp phê phán Quốc hội. Ngày 26/3/2021 Thầyphát biểu : "Quốc hội không được ngủ mê trên quyền lực của nhân dân, không được biến thành căn phòng kín để gom góp lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân và chia chác quyền lực của đất nước"
Tiếng nói trực ngôn cuối cùng ?
Hệ luỵ của việc bắt giữ là rất lớn, gây sốc cho nhiều người. Một số bạn học và thầy giáo tôi quen không bất ngờ về việc bắt giữ nhưng đã sụp đổ chút niềm tin còn sót lại của họ đối với thể chế chính trị Việt Nam. Cũng có người hân hoan về việc bắt giữ vì theo niềm tin của họ là đã "bắt đúng người, đúng tội". Nhưng đối với những ai quan tâm đến vận mệnh của đất nước, tha thiết với công lý thì đây là một tin rất xấu.
Chúng ta có thể chắc chắn rằng việc bắt giữ thầy Lưu Bình Nhưỡng với cáo buộc về tội"Cưỡng đoạt tài sản" chỉ là bước đầu tiên. Trước mắt còn cả một chặng đường dài và có thể trong thời gian tới Thầy sẽ lại bị khởi tố về một tội danh khác liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát nếu như đảng muốn "đi tiếp".
Thầy đã từng lên tiếng cho nhiều người dân bị oan sai, giờ đây ai sẽ chuyển đơn cho Thầy, chuyển đến đâu ? Báo chí thì lặng im, Nhân dân thì nháo nhào đặt câu hỏi còn các nhà quan sát chính trị quốc tế thì chỉ biết "nhíu mày" suy nghĩ về ý định thực sự của chế độ trong việc bắt giữ ông Lưu Bình Nhưỡng là gì ?.
Phải chăg công cuộc đốt lò chỉ là một sự thanh trừng nội bộ, bóp nghẹt các tiếng nói độc lập để áp đặt quyền lực thống trị tuyệt đối lên toàn xã hội ?
Lê Quốc Quân
Nguồn : VOA, 16/11/2023
*************************
Hai cánh cổng to bằng gỗ có liên quan gì với tội danh đồng phạm của vụ án "cưỡng đoạt tài sản" ?
Nguyễn Ngọc Già, RFA, 15/11/2023
Báo Kinh Tế Đô Thị phát hành ngày 14/11/2023 cho biết : "Sáng 14/11, tại Central Palace Saigon Hotel, Hiệp hội nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA) và Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh (VTV9) - Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức lễ ra mắt chương trình truyền hình "Hành trình NetZero" và trong chương trình này, đài VTV có mời ông Lưu Bình Nhưỡng trong tư cách "Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội" [1].
Lực lượng công an bàn giao xã Hùng Dũng bảo vệ hai cánh cửa nhà ông Lưu Bình Nhưỡng - Ảnh Cù Hiền
Sáng ngày 15 tháng Mười Một năm 2023, đồng loạt các tòa soạn trong nước đưa tin ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt, với cáo buộc là đồng phạm trong vụ án "cưỡng đoạt tài sản" khiến dư luận hoàn toàn bất ngờ và thật sự gây rúng động. Hiện ông Nhưỡng không còn đảm nhiệm vai trò đại biểu Quốc hội.
Báo Dân Trí phát hành vào lúc 21 giờ tối ngày 15 tháng Mười Một năm 2023 cho biết [2] : "...lực lượng chức năng tiến hành khám xét có đo đạc, chụp ảnh lại 2 cánh cổng bằng gỗ, sau đó lập biên bản, đề nghị địa phương tạm thời quản lý...". Trong bài báo này, có hình ảnh ngôi nhà bề thế và trầm mặc của ông Lưu Bình Nhưỡng tại Thái Bình - mang nét cổ xưa, rất rộng và là nơi thường xuyên lưu trú, mỗi khi ông Nhưỡng về thăm quê.
Ông Nhưỡng bị bắt với tội danh đồng phạm trong vụ án "cưỡng đoạt tài sản" được điều tra mở rộng, vốn liên quan đến vụ án trước đó mang tên "Cường Quắt", từ năm 2022. Từ 2020 đến 2022, Cường "Quắt" và đồng bọn đã tự ý xác lập quyền sử dụng trái phép các bãi triều để gây sức ép, buộc các doanh nghiệp phải trả tiền theo khối lượng cát khai thác được hoặc bán lại một phần cho Cường với giá rẻ hơn giá thị trường, chiếm đoạt của các doanh nghiệp hàng tỷ đồng.
Dư luận lấy làm lạ, khi vụ án mang tên "cưỡng đoạt tài sản", có liên quan gì đến 2 cánh cổng làm bằng gỗ mà phía công an buộc phải đo đạc, lập biên bản, rồi giao cho xã Hùng Dũng - huyện Thái Thụy - tỉnh Thái Bình tạm quản lý (?)
Tội danh "Cưỡng đoạt tài sản" được quy định tại điều 170 Bộ luật Hình sự, quy định khung hình phạt rất rộng, từ 1 năm tù giam đến 20 năm tù giam, với hành vi rõ ràng "...đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản"…
Dư luận đang hoài nghi giữa tính chính trị và tính hình sự, khi ông Nhưỡng đột ngột bị bắt tạm giam. Một người nổi tiếng, am tường sâu sắc luật pháp và nhiều năm trực tiếp đứng lớp với hàng ngàn sinh viên theo học ngành luật, tại sao lại vướng vô một vụ án hình sự mà vụ án này đậm đặc mùi vị "xã hội đen" bằng hành vi "cưỡng đoạt tài sản" ?
Văn hóa xưa với tục ngữ "một giọt máu đào hơn ao nước lã", dễ khiến cho người Việt Nam dính vòng lao lý. Khái niệm "đồng hương" vẫn ngập tràn trên dải đất ốm o và còi cọc này suốt hàng trăm năm qua. Đôi khi chỉ vì hai tiếng "đồng hương", "dòng họ" (dù bên nội hay bên ngoại) mà khiến cả một người học cao uyên thâm dễ dàng dính vào pháp luật.
Tuyệt đại đa số người Việt Nam, dù học thức rất cao, dù am tường luật pháp, dù chu du khắp năm Châu bốn biển, để chiêm nghiệm, để học hỏi và để làm việc nhưng thật khó bức ra, để sống sao cho DUY LÝ.
Ông Nhưỡng vốn là một tiến sĩ luật với thâm niên giảng dạy hơn 20 năm cùng cả quá trình đảm đương vai trò đại biểu Quốc hội, giờ đây thật "khó coi" qua 2 hình ảnh :
- Đồng phạm của vụ án "cưỡng đoạt tài sản"
- Hai cánh cổng bằng gỗ rất lớn trong một khuôn viên rất rộng với kiến trúc ngôi nhà kiểu quan lại phong kiến.
Cho đến nay, dư luận vẫn không hiểu "hai cánh cổng to bằng gỗ", bị công an đo đạc và lập biên bản, có liên quan gì trong vụ án "cưỡng đoạt tài sản" mà ông Lưu Bình Nhưỡng bị cáo buộc ?! Chẳng lẽ chúng là một chút "quà cảm ơn không đáng gì" với việc hiếu hỉ "do nhờ anh nói một tiếng…" từ Cường Quắt (?).
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 15/11/2023
[1] https://kinhtedothi.vn/vtv9-ra-mat-chuong-trinh-truyen-hinh-hanh-trinh-net-zezo.html
**********************
Hai đánh giá về việc ông Lưu Bình Nhưỡng đã phát biểu gì và lý do bị bắt lúc này
BBC, 15/11/2023
Vụ bắt giữ Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng "gây chấn động dư luận" và "có màu sắc chính trị", hai nhà quan sát từ Việt Nam nói với BBC News tiếng Việt.
Vụ bắt giữ Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng "gây chấn động dư luận" và "có màu sắc chính trị"
"Tôi thấy lệnh bắt này có tính chất chính trị nhiều hơn là kinh tế hay hình sự thông thường", một nhà quan sát ẩn danh ở Hà Nội nói với BBC News tiếng Việt hôm 15/11 với điều kiện ẩn danh, một ngày sau khi ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt.
"Vụ ông Lưu Bình Nhưỡng đang gây chấn động dư luận. Cá nhân tôi, với tư cách là người quan sát tình hình chính trị lâu năm ở Việt Nam, tôi nhìn ông Lưu Bình Nhưỡng với khía cạnh của một nhà hoạt động chính trị hơn là một đại biểu quốc hội. Tôi thấy lệnh bắt này có tính chất chính trị nhiều hơn là kinh tế hay hình sự thông thường".
Còn nhà bất đồng chính kiến, Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội thì nêu ra suy đoán :
"Có thể có hai khả năng. Khả năng thứ nhất là đúng là ông Lưu Bình Nhưỡng có liên quan đến vụ việc, như báo chí đưa tin. Khả năng thứ hai là cáo buộc ông ấy dính đến tham nhũng, giang hồ, chỉ là một cái cớ mà thôi, và như thế thì thật sự là một sự kiện chấn động vì nó không còn là một vụ án hình sự mà là chính trị. Chưa biết chừng ông Lưu Bình Nhưỡng lại có thể biết bị cưỡng bức trở thành một dân oan".
Trước đó, trong thông báo trên website chính thức, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình cho biết "đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Lưu Bình Nhưỡng… về tội Cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự".
Theo đó, Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội bị cáo buộc có mối liên hệ với Phạm Minh Cường, biệt danh là Cường 'quắt', là "một giang hồ cộm cán", trước đó đã bị công an tỉnh Thái Bình khởi tố để điều tra vào tháng 5/2023. Cơ quan điều tra Việt Nam cho biết Phạm Minh Cường có liên quan đến hoạt động bảo kê khai thác và cung cấp cát biển, hành hung người khác, gây rối trật tự công cộng... tại Thái Bình.
Thông báo của công an không cho biết cụ thể ông Lưu Bình Nhưỡng có vai trò gì trong vụ việc trên.
Với một phần dư luận Việt Nam lâu nay Tiến sĩ luật Lưu Bình Nhưỡng có tiếng là một trong số đại biểu Quốc hội hiếm hoi phát biểu công khai, mạnh mẽ.
Ông từng lên tiếng về vụ Đồng Tâm, vụ tử tù Hồ Duy Hải, thậm chí không ngần ngại chỉ trích Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao... trong các phát biểu tại nghị trường Quốc hội.
Nguồn : BBC, 15/11/2023
Không quá bất ngờ nhưng hiệu ứng khôn lường
Số phận của hai tử tù Chưởng và Hải rồi sẽ ra sao khi mà chính ân nhân của họ, ông Lưu Bình Nhưỡng, từ nay cũng ngồi trong "nhà pha" ?
Nhưng vụ bắt bớ này sẽ có hiệu ứng khôn lường. Chỉ trong vài ba ngày mà giới phân tích quốc nội và quốc tế đã mổ sẽ khá kỹ lưỡng vụ scandal có thể coi là lớn nhất trong năm 2023, tính đến thời điểm hiện nay.
Một nhân vật của công chúng như đương kim Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội mà bị bắt ngay tại sân bay Nội Bài (bắt khẩn cấp), thì rõ ràng đây là một scandal lớn. Nó lớn, xét từ mọi phương diện của các kịch bản có thể đưa ra lúc này.
Thứ nhất, vậy là lâu nay, một thế lực nào đấy "trên sân khấu chính trị Ba Đình" đã lên chủ trương phải "bịt mồm" tiếng nói phản biện "có số má" này, và nay là dịp ra tay.
Thứ hai, quan chức có hạng này của ngành lập pháp, bằng cách nào đấy, theo diễn giải của công an, đã dính dáng đến xã hội đen trong vụ án Phạm Minh Cường (hay còn có nickname là "Cường quắt") tận dưới Thái Bình.
Kịch bản thứ ba là sự pha trộn cả hai kịch bản vừa kể, nhằm phục vụ cho một cuộc đấu giáp la cà trên tận thượng tầng cấp cao. Tiếng lóng Hà Nội gọi trường hợp này là đối tượng đã "bị cài bẫy".
Bản tin được các báo trong nước đăng nguyên văn và giống nhau như đúc, theo lệnh trên : "Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình trong lúc khám xét đã thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu ‘bị cho’ là có dấu hiệu vi phạm pháp luật phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án".
Vụ bắt Lưu Bình Nhưỡng không quá bất ngờ, nhưng có vài dấu hiệu lạ so với các vụ khác. Nói "không quá bất ngờ" là đối với giới thạo tin chuyện "cung đình" Hà Nội. Lướt một loạt các trang Facebook, rất nhiều bình luận giống nhau ở một nội dung : Hơn năm trở lại đây, nhiều dự báo từng được đưa ra, Bình Nhưỡng sớm muộn gì rồi cũng sẽ bị bắt, vấn đề là bắt lúc nào (1). Nhưng vụ này "có vài dấu hiệu lạ" so với các vụ trước đó. Cuộc này một số đội báo chí (cốt cán) đã được bố trí bám sát theo "các phái đoàn" công an để ghi hình, chụp ảnh, rồi công bố là thông tin "độc quyền", quảng bá là để "phục vụ độc giả". Chụp cảnh bắt từ sân bay, khám xét tại nhà riêng, rồi "cận cảnh" lục soát ví cá nhân, xoi mói từng ngăn ví một (còn kỹ hơn cả khám xét mấy cô tiếp viên trong vụ ma túy từ Pháp về), trước sự thất thần của phu nhân Phó Trưởng ban... Nhớ lại vụ bắt Cục phó Nguyễn Văn Linh, con trai tướng ba sao Nguyễn Văn Hưởng. Chỉ một tay Cục phó làng nhàng, vậy mà từ ngày có tin "đồng chí Cục phó" bị bắt cho đến khi y ra hầu tòa, công chúng cả nước mới có dịp được "chiêm ngưỡng" một bức hình duy nhất tại tòa. "Xấu chàng hổ ai ?" Thế chẳng đừng, buộc phải bắt con trai "quan thầy" mình, Tô đại tướng đã dành một đặc ân cho gia đình Thủ trưởng cũ, không cho phép bêu riếu hình ảnh trưởng nam của tướng Hưởng trên truyền thông.
Trường hợp Lưu Bình Nhưỡng "được đối xử đặc cách" theo kiểu ngược lại. Động tác ông Nhưỡng ngồi vào bàn ký biên bản, rõ chữ ký kèm họ và tên của ông, lẫn toàn cảnh "người nách thước kẻ tay đao... ào ào như sôi", tấp nập vào ra tư gia của đương kim Phó trưởng ban được "cận cảnh" một cách khá lộ liễu và đáng ngờ. Tô đại tướng "ném đá" nhưng "giấu tay" không kỹ ! Để cho công an và kiểm sát tỉnh lẻ lên tận thủ đô, ra tận phi trường quốc tế... "gô cổ" một đại quan. Rồi cho đàn em về tận Nhà thờ họ của "đồng chí Phó trưởng ban" đo kích thước không chỉ diện tích Nhà thờ, mà cả cánh cổng lớn, được công bố rộng dài đều 3 mét (bi hài nhớ đến chuyện "Con rắn vuông" trong dân gian !). Cả cận cảnh lẫn toàn cảnh toát ra một tâm thế mãn nguyện và hả lòng hả dạ của sự trả thù công khai, sự hạ nhục cố ý không cần che đậy ! Bây giờ thì Lưu tiên sinh mới thấy linh cảm của mình đã được chứng nghiệm. Một lần trước Quốc hội, sau khi "làm bẽ mặt" cả Bộ Công an lẫn Viện Kiểm sát, ông giải bày : "Tôi nói những điều này (vi phạm của cơ quan điều tra là rất khủng khiếp, không thụ lý tin tố giác 94%) (2) và "xin được phép chịu rủi ro" (3).
Giác quan thứ 6 của "đồng chí Phó Trưởng ban" đã đúng nhưng có lẽ "rủi ro" đến hơi sớm một chút. Buổi sáng hôm 14/11, ông vừa chủ trì (ngồi trên dãy ghế Chủ tịch đoàn) một cuộc Hội thảo khoa học, buổi chiều đã bay ngay ra Hà Nội thì bị bắt khẩn cấp ! "Đến hơi sớm" còn là vì mới đâu mấy tuần trước, vị Phó Trưởng ban Dân nguyện còn tiếp gia đình các tử tù oan Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải. Sau đó hình như ông có thông báo trên FB hay trong giới thân hữu rằng, ông đã nhận được phúc đáp của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Ông Thưởng trả lời qua SMS : "Đã nhận được tin nhắn của anh và đang cho giải quyết". Giờ kẻ thì đang ở "chân mây", người tận "cuối trời", đôi đường cách biệt. Có Facebooker còn tiếc cho gia đình Lê Văn Mạnh không gặp được ông Nhưỡng sớm hơn để cứu con trải khỏi oan nghiệt ! Nay tất cả đều đã muộn. Số phận của hai tử tù oan Chưởng và Hải rồi sẽ ra sao khi bản thân ân nhân của họ nay cũng đang ngồi trong trại tạm giam ? Giờ mới thấy cuộc đời này "lên voi xuống chó", từ một cựu Nghị sĩ đến một bị can, chỉ trong có gang tấc !
Nhưng vụ bắt bớ này sẽ có hiệu ứng khôn lường.Chỉ trong vài ba ngày mà giới phân tích quốc nội và quốc tế đã mổ sẽ khá kỹ lưỡng vụ scandal có thể coi là lớn nhất trong năm 2023, tính đến thời điểm hiện nay. Bao vụ án tầy đình trước đấy, từ Nhàn AIC cho đến Thoa Y tế... các đối tượng đều "cao chạy xa bay" trước khi đại tướng Tô Lâm và Chánh án Nguyễn Hòa Bình ra tay. Lưu tiên sinh trong khi đó, chỉ lo chăm bẵm xây dựng quyền lực "lên trên" và "xuống dưới". Ông có đường dây lên Thủ tướng và Chủ tịch nước, ông tiếp gia đình tử tù và xuống các địa phương có dân oan, nhưng ông lại quên xây dựng các đặc tình trong ngành tư pháp như mấy "nữ tướng" khét tiếng kia. Từ nay, đại quan nào hay tổ chức dân sự nào được ông che chở dám khuân tiếp "cây thánh giá" trên vai nhằm hiện thực hóa giấc mơ dang dở của ông trước khi rời nhiệm sở : "Không được biến Quốc hội thành căn phòng kín gom góp lợi ích nhóm, cá nhân" ? (4) Nhìn tấm gương tầy liếp của ông, chắc chẳng còn ông bà "nghị gật" nào dám vuốt râu hùm, xã hội Việt Nam rồi ra sẽ liệt kháng !
Chưa biết công an sẽ mở rộng vụ án theo những hướng nào ? Điều tra tiếp hành tung của vị Phó trưởng ban Dân nguyện, hay bới vụ "cát tặc" ra để tiếp tục hạ nhục ông ? Dù kịch bản nào diễn ra thì lời buộc tội đối với Lưu Bình Nhưỡng có thể sẽ không dừng lại ở bản tin đầu tiên nói trên. Còn xử lý tiếp như thế nào để đảm bảo đồng chí với nhau rất "nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình, chứ không phải ghét bỏ gì cả...". như chỉ thị của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (5) thì phải "xem hồi sau mới rõ". Hy vọng những ai quan tâm đến scandal về Lưu tiên sinh, có thể chia sẻ ý kiến của Facebooker Kim Nguyen gửi riêng đến tác giả : "Bắt Lưu Bình Nhưỡng, đảng làm rúng động quan chức. Không ai dám nói rằng ông Nhưỡng chống đảng, chống chế độ độc tài được. Họ lại càng không thể nói ông Nhưỡng là phản động như một số người khác bị bắt vì điều luật 117. Chính xác, ông Nhưỡng là một phản biện trung thành gay gắt. Ông Nhưỡng không chống cá nhân ai cả, chỉ chống nhóm lợi ích trong đảng của ông ấy và vì vậy, vô tình làm lộ ra những mảng tối trong đó...".
Đấy phải chăng là điều 20 ngoài 19 điều đảng viên vốn không được làm ?
Trần Đông A
Nguồn : VOA, 16/11/2023
(1) https://baotiengdan.com/2023/11/15/y-kien-cua-mot-so-facebooker-qua-vu-bat-bo-ong-luu-binh-nhuong/
(2) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/czq2dzpev62o
(3) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/czq2dzpev62o
(4) https://www.youtube.com/watch?v=IdAdOfWQIDM
(5) https://baodautu.vn/tong-bi-thu-con-chi-no-di-con-di-no-lon-chon-can-bo-khong-voi-vang-d168336.html
Gió Bấc, RFA, 15/11/2023
Báo chí rầm rộ đăng tin ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Ban Dân Nguyện Quốc hội - bị khởi tố bắt giam về tội cưỡng đoạt tài sản nhưng dư luận vẫn lăn tăn. Luật sư Cù Huy Hà Vũ từng bị bắt vì hai cái bao cao su, Ngọc Trinh bị bắt vì đưa hình, clip lái mô tô lên mạng. Ở xứ "Chiều Nay" luật nằm trong tay lãnh đạo Đảng và Bộ Công an, ai nghịch ý sẽ thành củi, vô lò chăn kiến, tội danh chỉ là cái cớ.
Báo Chính Phủ
Ông Lưu Bình Nhưỡng quê ở Thái Bình, từng là Đại biểu quốc hội Việt Nam khóa XIV (2016 - 2021), ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (2016 - 2021), hiện là Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Việt Nam, Phó chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Thụy Sĩ. Ông Nhưỡng là tiến sĩ luật, có 22 năm làm giảng viên Đại học Luật Hà Nội. Sau đó ông Nhưỡng làm chánh văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp, tham mưu cho Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Tháng 9/2018, ông Lưu Bình Nhưỡng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều động, bổ nhiệm giữ chức phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Lưu Bình Nhưỡng là cái tên quen thuộc của giới truyền thông. Một chính khách hiếm hoi thường có ý kiến phản biện thẳng thắn, mạnh mẽ với các chính sách, hoạt động khiếm khuyết, sai lầm của Nhà nước về nhiều lĩnh vực nhất là trong các vụ án oan sai, các dự án phá hoại môi trường.
Sáng ngày 14/11, ông đường hoàng xuất hiện trên hệ thống truyền thông trong lễ ra mắt chương trình truyền hình "Hành trình Net Zero" do Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA) và Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh (VTV9) tổ chức với vai trò là một trong sáu thành viên Ban Cố vấn (1).
Ông Lưu Bình Nhưỡng dự Chương trình truyền hình "Hành trình Net Zero" hôm 14/11/2023. Ảnh : chụp màn hình
Ngay chiều hôm ấy ông bị khởi tố, bắt giam và sáng hôm sau được truyền thông "phong thánh" tội phạm "cưỡng đoạt tài sản" có liên quan đến băng nhóm Cường "quắt" ở Thái Bình. Có lẽ không tìm được nhóm tội phạm danh giá nào tầm vóc cỡ như Đường Nhuệ thời ông Nguyễn Hồng Diên còn làm quan đầu tỉnh, người ta đã gán ghép ông với băng trấn lột tép riu bất xứng ? Chi riêng cái tên Cường "quắt" đã thấy thiếu oai hùng.
Theo tài liệu công an công bố thì Phạm Minh Cường cùng đồng bọn đã cưỡng ép các doanh nghiệp trúng thầu khai thác cát phải trả tiền theo khối lượng cát khai thác được, hoặc bán lại một phần cho Cường với giá rẻ hơn giá thị trường. Trước đó, Cường và bốn người khác đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình khởi tố bị can để điều tra hành vi "cố ý gây thương tích", "gây rối trật tự công cộng" (2).
Người ta băn khoăn tự hỏi, có mối liên quan nào giữa ông tiến sĩ luật với đám cướp cạn này ? Ai đã cưỡng đoạt tài sản của ai ? Liệu đám giang hồ vặt ấy có cần tới ông Phó ban Dân nguyện Quốc hội bảo kê hay chỉ cần một công an quận, phường là đủ ?
Trên báo Dân Việt, luật gia Khổng Thùy Dung (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, tội danh ông Lưu Bình Nhưỡng bị khởi tố được quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự. Theo đó, cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi đe dọa dùng vũ lực là người phạm tội đe dọa sẽ thực hiện một hành động để gây thiệt hại cho người bị hại. Việc đe dọa được thực hiện thông qua hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp.
Đặc biệt, tội cưỡng đoạt tài sản được thực hiện do lỗi cố ý. Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc. Mục đích chiếm đoạt tài sản luôn phải xuất hiện trước hoặc muộn nhất là đồng thời với thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần khác (3).
Liệu ông tiến sĩ luật, cựu nghị viên chuyên trách của Quốc hội có đủ trâng tráo, dại dột đồng phạm với đám đầu đường xó chợ kiếm chút tiền còm hay không ?
Nên nhớ rằng với uy thế, địa vị của ông, chỉ cần phát biểu, kiến nghị những điều chính đáng có thể được đền ơn nhiều chục tỷ.
Hãy chờ xem màn kịch tiếp theo sẽ hay ho ra sao !
Chủ tịch Quốc hội khóa 14 Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhận xét như vậy và cho rằng : Đây là tín hiệu tốt cho những tranh luận dân chủ, công khai tại nghị trường
Đó là lần ông nhận xét báo cáo của Bộ Công an "tôi thấy vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp. Tỷ lệ không thụ lý tin tố giác 94% ; chậm gửi quyết định cho Viện Kiểm sát 86% ; xử lý tin sau tố giác quá hạn 99,76 %…".
Nhiều đại biểu của ngành công an đã phản ứng dữ dội nhưng ông vẫn bảo lưu ý kiến của mình (4).
Nhưng đó không phải là lần duy nhất và cũng không dừng lại ở ý kiến phát biểu. Với các vụ án có dấu hiệu oan sai như vụ án Hồ Duy Hải, ông nhiều lần chất vấn tranh luận với chánh án Nguyễn Hòa Bình. Sau phiên xử Giám đốc thẩm đầy tai tiếng Đại biểu quốc hội, Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng đã gửi kiến nghị tới Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Ông đã thẳng thắn đánh giá "dư luận cho rằng phán quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội và đã dựa trên tư duy, quan niệm mang tính buộc tội, vấn đề "cấm kỵ" trong lĩnh vực hình sự. Mặc dù công nhận nhiều sai sót mang tính mấu chốt trong quá trình điều tra, nhưng lại cho rằng sai sót đó "không ảnh hưởng đến bản chất vụ án".
Ông Nhưỡng nêu quan điểm : Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã không xem xét công tâm, khách quan, khoa học, đúng đắn đối với các vi phạm tố tụng của cơ quan điều tra, có thể nói nhiều vấn đề khuất tất bị che lấp đã được dư luận nêu bức xúc trong suốt thời gian qua như thời gian thực hiện hành vi phạm tội, thời điểm nạn nhân chết, các vi phạm trong việc thu giữ dấu vân tay, mẫu máu, vật chứng…, đặc biệt là việc loại trừ các nghi can khác trong vụ án.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng không có quy định nào cho phép Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phán quyết về việc kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đúng hay không đúng pháp luật.
Từ các phân tích, lập luận đó, ông Nhưỡng kiến nghị Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo các cơ quan hữu quan báo cáo rõ về vụ án này.
Ông Nhưỡng cũng kiến nghị Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có báo cáo riêng vụ Hồ Duy Hải tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội (khai mạc ngày 20/5 tới).
Ông cũng đề nghị tổ chức thực hiện giám sát tối cao của Quốc hội hoặc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các vụ án do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm gây bức xúc dư luận, trong đó có vụ án Hồ Duy Hải (5).
Đặc biệt có chuyện vui là, ngay sáng ngày 15/11, đồng thời với thông tin Bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng về tội "Cưỡng đoạt tài sản", báo Dân Việt online có bài viết "Những phát biểu của ông Lưu Bình Nhưỡng trước khi bị bắt" đã trích dẫn lại nhiều phát biểu của ông từ việc chất vấn thách thức Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về dự án thép Cà Ná đến truy vấn Bộ Công an… (6). Nhưng đến chiều 15/11, truy cập vào link này đã chạy ra bài "Nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam".
Chỉ với chuyện thay loan đổi phụng này đủ hiểu ông Lưu Bình Nhưỡng đã phạm tội gì.
Thật ra, không phải tới bây giờ ông Nhưỡng mới bị trả giá cho tính phổi bò của mình. Theo điều 27 Hiến pháp "Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định". Pháp luật không có quy định nào về độ tuổi tối đa của Đại biểu quốc hội, nhưng ông Nhưỡng không được giới thiệu tái cử Đại biểu quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021 - 2026) do quá tuổi theo hướng dẫn 36 của Ban Tổ chức Trung ương (7).
Quy định về độ tuổi đối với đại biểu chuyên trách của ông Nhưỡng thì thật vừa khít khao để bị loại ra. "Đại biểu quốc hội chuyên trách tái cử (trừ các đồng chí ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phải còn đủ tuổi công tác ít nhất là 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tính đến tháng 5/2021, nam sinh từ tháng 8/1963, nữ sinh từ tháng 7/1968 trở lại đây" (8).
Trong khi đó ông Vương Đình Huệ sinh năm 1957 lớn hơn ông Nhưỡng sáu niên vẫn đủ tuổi ứng cử. Không rõ có công trình khoa học nào kết luận người giữ chức vụ Ủy viên Thường vụ Quốc hội có sức khỏe, lão hóa tốt hơn Ủy viên Chuyên trách.
Tuy bị gạt ra khỏi Đại biểu quốc hội nhưng theo luật công chức ông Lưu Bình Nhưỡng vẫn còn vai trò Phó ban Dân nguyện. Ác thay, không ngồi chơi xơi nước chờ hạ cánh an toàn, ông vẫn tiếp tục thực lòng lên tiếng nói thay dân từ những vụ kêu oan đến phê phán dự án phá rừng nguyên sinh ở Bình Thuận…
Rõ nhất, trong vụ Tòa án Hải Phòng chuẩn bị giết tử tù oan Lê Văn Chưởng, ông Lưu Bình Nhưỡng đã lên tiếng mạnh mẽ. BBC tiếng Việt đăng tin "nhà báo Nguyễn Đức, Biên tập viên báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, đăng trên Facebook việc ông đã nhắn tin cho Chủ tịch nước và nhận được phản hồi. Đồng thời, ông Đức cũng viết trên Facebook rằng ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu quốc hội khóa 14 cũng đã nhắn tin đến Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào sáng 5/8/2023" (9).
Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp bố mẹ tử tù Nguyễn Văn Chưởng tại trụ sở tiếp dân của Quốc hội vào sáng 27/9/2023. Hình : Facebook/Đức Nguyễn
Đáng tiếc là đến nay, thông tin này không còn trên Facebook của nhà báo Nguyễn Đức và nhà báo này cũng đã rời báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Rất may, trên Facebook Nguyễn Đức và của cả ông Lưu Bình Nhưỡng vẫn còn thông tin đáng giá khác là : "Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp bố mẹ tử tù Nguyễn Văn Chưởng tại trụ sở tiếp dân của Quốc hội vào sáng 27/9/2023" (10).
Kèm thông tin này là hình ảnh đặc biệt ông Lưu Bình Nhưỡng và các nhân viên Quốc hội ngồi tiếp cha mẹ tử tù Nguyễn Văn Chưởng thật trọng thị. Hình ảnh hiếm có trong chế độ dân chủ đỉnh cao của Việt Nam. Không biết status này còn tồn tại bao lâu, chúng tôi đã load ảnh này và mạn phép ông đăng kèm.
Vì sao ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt ? Chỉ có Tô Lâm, Nguyễn Hòa Bình và Nguyễn Phú Trọng có thể trả lời chính xác nếu họ chịu nói thật.
Vấn đề là từ nay dân oan, tử tù oan sẽ không còn nơi gõ cửa. Số phận Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng sẽ mỏng manh hơn. Những dự án tàn hại môi sinh, cảnh quan sẽ tha hồ phát triển.
Tham khảo :
2. https://tuoitre.vn/giang-ho-cuong-quat-tai-thai-binh-tiep-tuc-bi-khoi-to-2023051715481032.htm
4. https://baochinhphu.vn/dbqh-tranh-luan-thang-than-ve-con-so-vi-pham-khung-khiep-102247146.htm
6. https://danviet.vn/nhung-phat-bieu-cua-ong-luu-binh-nhuong-truoc-khi-bi-bat-20231115114837776.htm
7. https://tuoitre.vn/khoi-to-bat-tam-giam-ong-luu-binh-nhuong-20231115100911486.htm
9. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-66460494
**************************
Ông Nhưỡng bị bắt do khinh thường công an hay coi thường pháp luật ?
Trân Văn, VOA, 15/11/2023
Ông Lưu Bình Nhưỡng, 60 tuổi, không phải là nhân vật xa lạ với dân chúng Việt Nam.
Ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt khi vừa xuống máy bay, hôm 15/11/2023. Video : Công an Thái Bình
Tin ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt vì là đồng phạm trong vụ án "cưỡng đoạt tài sản" xảy ra ở Thái Bình đang làm dư luận rúng động. Theo tờ Công an Nhân dân thì việc bắt ông Nhưỡng là "kết quả điều tra mở rộng" vụ án có liên quan đến Phạm Minh Cường, 37 tuổi, có biệt danh là "Cường Quắt" – một người từng có ba tiền án.
Dựa trên "tài liệu điều tra", tờ Công an Nhân dân tóm tắt :Sau khi biết một số doanh nghiệp được UBND tỉnh Thái Bình cấp giấyphép khai thác cát tại mỏ cát ởxã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, "Cường Quắt" và đồng bọn đã tự ý xác lập quyền sử dụng trái phép các bãi triều để gây sức ép, buộc các doanh nghiệp phải trả tiền cho nhóm của "CườngQuắt" theo khối lượng cát khai thác được hoặc bán lại một phần cho "CườngQuắt" với giá rẻ hơn giá thị trường. Từ năm 2020 đến năm 2022, "CườngQuắt" và đồng bọn đã chiếm đoạt của các doanh nghiệp hàng tỉ đồng. Vụ án này được xác định là "đặc biệt nghiêm trọng" vì chiếm đoạt số tiền lớn, gây bức xúc trong nhân dân, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh. Năm ngoái, trước khi bị khởi tố vì "cưỡng đoạt tài sản" như vừa kể, "Cường Quắ t" đã bị tạmgiam vì "cố ý gây thương tích" và "gây rối trật tự công cộng".
Cứ như tường thuật của tờ Công an Nhân dân thì : Công an tỉnh Thái Bình đã tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, đặc biệt tập trung làm rõ việctiếp tay, giúp sức cho cácbị can thực hiện hành vi phạm tội để xử lý triệt để theo quy định của pháp luật(1) song có một điểm bất thường là dù thông tin khá cặn kẽ về "Cường Quắt" và các vụ án liên quan đến hoạt động phạm tội của nhân vật này nhưng tờ Công an Nhân dân không hề cho biết "kết quả điều tra mở rộng" đã xác định ông Nhưỡng từng làm những gì để trở thành "đồng phạm" ?
***
Ông Lưu Bình Nhưỡng, 60 tuổi, không phải là nhân vật xa lạ với dân chúng Việt Nam. Ngoài chuyện chỉ xác định ông Nhưỡng là "đồng phạm" trong vụ án "cưỡng đoạt tài sản", tờ Công an Nhân dân đã tóm tắt lai lịch của ông Nhưỡng :Một Tiến sĩ Luật, từng là Phó Chủ nhiệm Khoa Pháp luật kinh tế Đại học Luật Hà Nội, có 22 năm là Giảng viên của Đại học Luật Hà Nội. Sau đó chuyểnqua làm Chánh văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự củaBộ Tư pháp, cốvấn cho Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương.
Ông Nhưỡng là Đại biểu quốc hội khóa 14 (2016 – 2021). Năm 2018, ông Nhưỡng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm làm Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông Nhưỡng "nổi tiếng vì thường đưa ra những chất vấn thẳng thắn, không ngại va chạm với lãnh đạo các bộ, cácngành, các địa phươngvề những vấn đề nóng của đất nước, được cử tri ủng hộ" (2) nhưng không được giới thiệu tái cử Đại biểu quốc hội khóa này (2021 – 2026) vì... quá tuổi.
Liệu một người với các đặc điểm như ông Nhưỡng có thể "tiếp tay, giúp sức" cho một nhân vật kiểu như "Cường Quắt" ? Còn một điểm nữa cần ngẫm nghĩ là ông Nhưỡng bị bắt vì "coi thường pháp luật" hay "khinh thường công an". Sở dĩ phải thắc mắc như thế vì ông Nhưỡng là một trong số rất ít người công khai chỉ trích công an. Có một điểm cần lưu ý là gần như không bao giờ các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam chỉ trích trực diện một Đại biểu quốc hội bởi về lý thuyết Đại biểu quốc hội là người "đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân".
Tuy nhiên hồi tháng 11/2018, tờ Công an Nhân dân đã phá lệ, công kích ông Nhưỡng với lời lẽ vốn chỉ dành cho "các phần tử thù địch, phản động". Xin mời tham khảo bài "Tiếng nói đại biểu - sự cẩn trọng cần thiết" để tự nhận định :
Bên cạnh đại đa số các đại biểu tâm huyết, trách nhiệm và đưa ra nội dung chất vấn mang tính thuyết phục với tinh thần, thái độ xây dựng thì vẫn có những đại biểu đưa ra những nội dung không đúng sự thật, đôi khi mang tính kích động...
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội luôn thu hút được sự quan tâm của đông đảo đồng bào, cử tri cả nước. Có thể thấy, qua các kỳ họp, chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng được nâng cao ; bám sát các các vấn đề thực tiễn trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng… ; phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri ; cung cấp nhiều thông tin bổ ích, giải trình và chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, đồng thời đưa ra các biện pháp, giải pháp giải quyết, khắc phục…, từ đó góp phần tích cực trong phát triển đất nước, được cử tri và dư luận đồng tình, tin tưởng.
Tuy vậy, bên cạnh đại đa số các đại biểu tâm huyết, trách nhiệm và đưa ra nội dung chất vấn mang tính thuyết phục với tinh thần, thái độ xây dựng thì vẫn có những đại biểu đưa ra những nội dung không đúng sự thật, đôi khi mang tính kích động.
Điển hình là đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Bến Tre. Trong nhiều phát biểu, đại biểu này thường đi "quá đà", gây "sốc" không chỉ ở nội dung chất vấn mà cả thái độ chất vấn, thậm chí nhiều phát ngôn mang tính chỉ trích thiếu căn cứ.
Tại kỳ họp Quốc hội trước, khi đề cập đến việc giải quyết vấn đề phức tạp ở Đồng Tâm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã phát biểu : "Một đại đội Công an tấn công vào dân Đồng Tâm", làm nhiều đại biểu và cử tri ngỡ ngàng, không hiểu đại biểu này nhận thức và đứng trên quan điểm nào mà tuyên bố như vậy ?
Ngay sau đó, một đại biểu quốc hội đã yêu cầu đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phải rút lại câu nói đó, vì phát biểu của đại biểu Nhưỡng là không chính xác, phản ánh sai lệch bản chất sự việc ; ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của lực lượng công an nhân dân và các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Khi nói về xử lý đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã đề xuất hình thức xử lý loại tội phạm này bằng hình thức "thiến". Một tiến sĩ luật, một đại biểu đang hoạt động ở cơ quan lập pháp lại phát biểu trái với qui định của Hiến pháp.
Quyền con người là thiêng liêng, đã được qui định trong Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tội phạm phải được xử lý theo các qui định của pháp luật hiện hành, không ai có quyền đứng trên Hiến pháp và pháp luật để xử lý tội phạm theo kiểu mọi rợ.
Dù là "thiến hóa học"- theo cách nói của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng không thể chấp nhận được vì bản chất của nó là vi phạm quyền con người, đi ngược lại với các giá trị văn minh pháp lý mà nhà nước ta đang xây dựng... Điều này cho phép người ta nghi ngờ về trình độ khoa học pháp lý của đại biểu này.
Trong một diễn đàn của Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã cho rằng tội phạm tham nhũng "đang nhảy múa trên lưỡi gươm pháp luật". Chúng ta đều biết, tham nhũng là căn bệnh của quyền lực ; là loại tội phạm nguy hiểm, làm mọt ruỗng bộ máy nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội ; làm giảm sút lòng tin của nhân dân với chế độ. Đây là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị lớn, kiên quyết, kiên trì, đồng bộ và có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Những kết quả đấu tranh với loại tội phạm này trong thời gian qua là không thể phủ nhận, bước đầu đã lấy lại niềm tin của nhân dân. Hệ thống tư pháp nước ta mỗi năm phát hiện, xử lý hàng chục ngàn vụ án, trong đó có nhiều án kinh tế, tham nhũng. Điều này cho thấy các cơ quan bảo vệ pháp luật không phải bất lực, vô tác dụng để cho tội phạm "nhảy múa"...
Ngôn ngữ, văn phong của đại biểu trình bày trên diễn đàn Quốc hội – cơ quan lập pháp, cần phải có sự chuẩn mực và nghiêm cẩn, không phải chỗ để "chơi chữ". Sự qui chụp này, e rằng đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã đi quá đà.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn mới đây, dư luận "dậy sóng" về chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khi nói các cơ quan điều tra của lực lượng Công an đã sai phạm "khủng khiếp". Chúng tôi không bàn về những con số đó đúng hay sai, tiếp cận theo cách thức nào, bởi sự thật đã quá rõ ràng – nhất là ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội – cơ quan có thẩm quyền cao nhất thẩm định các báo cáo của Chính phủ và các cơ quan tư pháp, đã gián tiếp bác bỏ những thông tin và nội dung của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng.
Vấn đề ở đây là, với những con số và cách lập luận của đại biểu này thì ngành Công an đã vi phạm pháp luật "rất nghiêm trọng" (lời đại biểu Lưu Bình Nhưỡng). Đây là lời chỉ trích nặng nề, trực diện với lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sỹ lực lượng Công an Nhân dân. Hàng chục ngàn vụ án kinh tế, tham nhũng, hình sự, ma túy, môi trường… được điều tra, khám phá, xử lý trong năm qua là kết quả của sự mưu trí, lòng dũng cảm, vượt qua bao gian nan, khó khăn, thử thách, hi sinh công sức và cả máu xương của biết bao cán bộ, chiến sĩ vì sự bình yên của đất nước và hạnh phúc nhân dân không ai có thể phủ nhận. Điều này chẳng lẽ một Đại biểu quốc hội không hiểu ?
Với phát biểu công khai của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trên diễn đàn Quốc hội được phát trực tiếp trên phương tiện truyền thông đại chúng đã làm dư luận có sự hiểu sai lệch ; khơi mào cho nhiều người thiếu thông tin đầy đủ, những người bất mãn, cơ hội chính trị, những phần tử thù địch trong và ngoài nước lợi dụng bình luận, xuyên tạc, bóp méo sự việc để đả phá lực lượng Công an, chống phá nhà nước và xã hội.
Và, thật đáng buồn, thay vì bình tĩnh nhìn nhận sự việc để điều chỉnh hành vi, mới đây đại biểu Lưu Bình Nhưỡng lại viết lá thư ngỏ rất dài đăng đàn trên mạng xã hội để tiếp tục tô vẽ bản thân, để bảo vệ cho những phát biểu thiếu thận trọng của mình, dạy dỗ thiên hạ và đem "nhân dân" ra để "mị".
Tại đây, đại biểu này tiếp tục đưa câu chuyện một số sĩ quan cao cấp trong ngành Công an vi phạm pháp luật, phạm tội bị xử lý ra như một cái cớ lý giải về sự mất lòng tin của nhân dân với lực lượng Công an Nhân dân. Với những ai có tư duy lành mạnh và với cương vị cũng như danh xưng của mình, lẽ ra đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cần hiểu đơn giản rằng : cái xấu, cái ác có thể xuất hiện ở bất cứ ở đâu và bất cứ nơi nào.
Trong bất kỳ một tổ chức, lực lượng nào, trong đó có lực lượng Công an cũng khó tránh khỏi có những người vi phạm pháp luật, hư hỏng, vi phạm kỷ luật cần phải đấu tranh, xử lý nghiêm minh, nhưng không phải vì thế mà phê phán một chiều như một sự chi phối, sự sai khiến của cảm xúc, đố kỵ. Việc có nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp từ Trung ương, Đại biểu quốc hội, trong các cơ quan bảo vệ pháp luật đã bị bắt giữ, truy tố, đưa ra xét xử trước pháp luật đã thể hiện việc đấu tranh chống tham nhũng và tội phạm là nghiêm minh, "không có vùng cấm".
Đó cũng là thể hiện rõ ràng nhất tinh thần tấn công tội phạm đến cùng ; kiên quyết làm trong sạch bộ máy ; là sự dũng cảm và trong sáng. Chính điều đó mới càng làm nhân dân tin tưởng, không phải như lời đại biểu Lưu Bình Nhưỡng kích động.
Điều đúng đắn là không nên sử dụng quyền đại biểu và diễn đàn Quốc hội hoặc mạng xã hội để làm "ngôi sao nghị trường" ; đại biểu cần nắm chắc các vấn đề dư luận quan tâm để chất vấn, tham mưu, tư vấn những giải pháp mang lại hiệu quả mà không nên "ăn theo dư luận" để nổi tiếng.
Người viết cho rằng, với thái độ cầu thị, khiêm tốn, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nên có lời xin lỗi, hoặc hình thức nhận lỗi với lãnh đạo và cán bộ chiến sĩ lực lượng Công an Nhân dân nói riêng, với đồng bào, cử tri cả nước nói chung ; đồng thời mong muốn lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan có trách nhiệm của Quốc hội tiếp tục nghiên cứu cải tiến để các phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng đạt hiệu quả cao, hạn chế những ý kiến gây bất ổn xã hội, qua đó đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng của đồng bào, cử tri cả nước (3).
***
Cần nói thêm là dù bị ngành công an chỉ trích kịch liệt, thậm chí dọa dẫm vì có dấu hiệu tiết lộ bí mật, không những không xin lỗi, qua báo giới, ông Nhưỡng còn nhấn mạnh :Cách nhìn nhận vấn đề của tôi và ngành công an là khác nhau nên không thể lấy lý giải của Bộ Công an mà nói rằng tôi đã nghĩ sai, rồi có phát biểu sai về vấn đề này được.
Khi được hỏi về phản ứng của viên đại tá vừa là Giám đốc Công an Nghệ An, vừa là Đại biểu quốc hội tại điễn đàn quốc hội đối với nhận định của ông, ông Nhưỡng nói thêm :Hôm đó tôi là người đưa ra chất vấn với các bộ trưởng, trưởng ngành nhưng không nhận được thông tin phản hồi. Đây là điều rất đáng tiếc. Việc chất vấn là quyền của đại biểu, các chủ thể phải có trách nhiệm trả lời, thậm chí là yêu cầu chúng tôi cung cấp thông tin để làm cho rõ. Đây không phải là tranh luận của đại biểu này với đại biểu khác, đây không phải là một phiên thảo luận. Đặc biệt là đại biểu này không được chất vấn đại biểu khác, nếu chất vấn thì chúng ta chưa hiểu về vấn đề chất vấn, các quy trình chất vấn. Tranh luận thì các đại biểu có quyền tranh luận với nhau. Còn việc chất vấn mà đại biểu lại đi trả lời thay thủ trưởng của mình, chiếm quyền của trưởng ngành thì sao ? Đặc biệt, tôi đã cảnh báo, nếu là t ài liệu mật thì không được phép công bố và khi nêu nội dung đó thì tôi cũng không công bố(4).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 15/11/2023
Chú thích
(3) https://cand.com.vn/Van-de-hom-nay-thoi-su/Tieng-noi-dai-bieu-su-can-trong-can-thiet-i498110/
Ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt giam vì cáo buộc "cưỡng đoạt tài sản"
RFA, 15/11/2023
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh công bố các Quyết định và Lệnh đối với Lưu Bình Nhưỡng - Công an tỉnh Thái Bình
Công an tỉnh Thái Bình bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban dân nguyện của Quốc hội, cựu Đại biểu quốc hội, người nổi danh với những phát biểu không ngại đụng chạm ở nghị trường.
Theo Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Thái Bình, cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh hôm 14/11/2023 ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Lưu Bình Nhưỡng (sinh năm 1963) trú tại quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội để điều tra về tội Cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự.
Các Quyết định, Lệnh nêu trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình phê chuẩn.
Cũng theo trang web chính thức của công an tỉnh Thái Bình, đây là kết quả điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường, sinh năm 1986 (thường gọi là Cường "quắt", là đối tượng hình sự, có 03 tiền án), trú tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Trong một bài báo hồi tháng 5, báo Người Lao Động dẫn thông tin từ Công an tỉnh Thái Bình cho biết, khi biết một số doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát tại mỏ cát ven biển xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy ; Phạm Minh Cường và đồng bọn đã tự ý xác lập quyền sử dụng trái phép các bãi triều để sử dụng làm "phương tiện" gây sức ép, buộc các doanh nghiệp phải miễn cưỡng trả tiền theo khối lượng cát khai thác được hoặc bán lại một phần cho Cường với giá rẻ hơn giá thị trường, thu lợi hàng tỷ đồng.
Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình trong lúc khám xét đã thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu bị cho là có dấu hiệu vi phạm pháp luật phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án.
Luật sư Lê Văn Hòa, cựu chuyên viên cao cấp hàm vụ trưởng của Ban Nội chính Trung ương trưa 15/11 bày tỏ ngạc nhiên khi thấy báo chí trong nước đồng loạt loan tin ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt. Ông nói qua điện thoại với phóng viên RFA :
"Thứ nhất là tôi bất ngờ vì một người mà lâu nay vẫn được tiếng trong dư luận xã hội người ta ca ngợi là một trong những Đại biểu quốc hội rất hiếm hoi có những tiếng nói bảo vệ lẽ phải rất mạnh mẽ trong Quốc hội mấy nhiệm kỳ gần đây.
Tôi bất ngờ ở điểm đó nhưng nếu như giả dụ cơ quan điều tra người ta có đủ tài liệu để kết luận hành vi phạm tội cưỡng đoạt tài sản mà ông Lưu Bình Nhưỡng là có thật thì tôi thật sự thấy mừng".
Theo ông Hòa, nếu sự việc là có thật thì có nghĩa công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực do ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và lãnh đạo đạt được rất nhiều kết quả tốt và hoàn toàn không có vùng cấm.
Ông Lưu Bình Nhưỡng từng là Đại biểu quốc hội Việt Nam khóa 14 nhiệm kỳ 2016-2021 thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đương nhiệm Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Việt Nam.
Ông Lưu Bình Nhưỡng không được giới thiệu tái cử Đại biểu quốc hội khoá 15 do quá tuổi theo quy định.
Trong kỳ họp Quốc hội tháng 11/2018, ông Nhưỡng dẫn ra số liệu và cho rằng các cơ quan điều tra của Bộ Công an có những vi phạm chiếm tỷ lệ rất lớn, đồng thời kết luận rằng ngành Công an đã "sai phạm khủng khiếp" trong thực hiện tố tụng.
Những vấn đề nóng thời gian gần đây ông cũng có lên tiếng như dự án hồ chứa nước Ka Pét ở Bình Thuận, hay vụ tử tù Lê Văn Mạnh bị xử tử hình dù kêu oan nhiều lần.
Trang Facebook cá nhân của ông Lưu Bình Nhưỡng đăng tải nhiều link bài viết của các tờ báo trong nước và đưa ra ý kiến của mình.
Thông tin vị cựu Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng vừa mới bị bắt dưới cáo buộc "chiếm đoạt tài sản" đã gây rúng động xã hội, bởi ông là nhân vật chính trị nổi tiếng với các phát biểu, và hoạt động được lòng dân chúng.
Vụ bắt ông Nhưỡng dấy lên nghi vấn có động cơ chính trị. Vậy, việc ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt có lợi cho ai và hệ quả của nó đến nền chính trị và xã hội Việt Nam là gì ?
Đài Á châu Tự do có buổi hội luận với hai vị khách mời gồm tiến sĩ Nguyễn Quang A, và luật sư Nguyễn Văn Đài, nhằm làm rõ vấn đề. Mời quý vị cùng theo dõi.
Nguồn : RFA, 15/11/2023
Vẫn là phong cách Lưu Bình Nhưỡng, một phong cách đại diện cho dân thực sự. Một con người vô cùng hiếm trong nghị trường Đảng cộng sản.
Lời nói thẳng của ông Lưu Bình Nhưỡng
Như bản tin trước "Ai chống lại Nguyễn Hòa Bình và Tô Lâm đưa Lưu Bình Nhưỡng vào Quốc hội ?" đã đánh giá, cơ hội để Lưu Bình Nhưỡng trở lại Quốc hội khóa XV là không cao, vì ngay trong kỳ Quốc hội khóa XIV chính ông Ngưỡng đã thẳng tay vỗ mặt 2 vị công thần của Nguyễn Phú Trọng đó là Tô Lâm và Nguyễn Hòa Bình.
Bản thân Tô Lâm và Nguyễn Hòa Bình thôi cũng đủ sức loại Lưu Bình Nhưỡng ra khỏi vai trò ứng cử vào Quốc hội khóa XIII chứ chưa nói đến người đứng sau 2 vị này là Nguyễn Phú Trọng.
Với bản tính cương trực, ngay thẳng và có trách nhiệm, ông Lưu Bình Nhưỡng đã được lòng dân và được lòng không ít cán bộ về hưu mà có trăn trở với tình hình đất nước. Tuy nhiên sự ủng hộ đó được đánh giá là không đủ sức quật lại sự chống đối của Tô Lâm và Nguyễn Hòa Bình.
Xưa nay quốc hội chỉ là nơi mang danh đại diện cho dân chứ chưa hề là nơi đại diện cho dân thuật sự. Vì vậy mà Lưu Bình Nhưỡng trở thành kẻ lạc lõng đáng thương tại nghị trường.
Được biết sáng ngày 27/3/2021, Tô Lâm yêu cầu giám đốc công an Thành phố Hà Nội cho Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố này tiến hành bắt giữ ông Lê Trọng Hùng sau khi ông này có đơn đề nghị cơ quan chức năng bảo vệ mình trong quá trình ông vận động tranh cử đại biểu quốc hội.
Đây là một tín hiệu gởi đến toàn dân và cũng gởi đến đại biểu Lưu Bình Nhưỡng rằng "Quốc hội là đảng hội, không dung nạp tiếng nói của dân bất kỳ hình thức nào".
Để bắt ông Lê Trọng Hùng, cảnh sắt điều tra đã cho người đến canh nhà thì gia đình anh, và đến khi anh xuất hiện là họ bắt. Họ cướp lấy cái chìa khóa từ tay anh Hùng và mở khóa nhà mình đột nhập vào lục soát mà không hề có lệnh của tòa án. Một hành động vô pháp rất quen thuộc của Bộ Công an để cho dân biết rằng, ai mà dám đại diện cho dân thì sẽ không yên ổn với công an.
Với cách làm như vậy, Tô Lâm đã dùng một mũi tên và bắn trúng 2 mục đích. Mục đích thứ nhất là loại sạch tiếng nói thật sự của người dân khỏi nghị trường. Mũi tên thứ nhì là gởi thông điệp tới Lưu Bình Nhưỡng rằng ông nên biết im lặng. Tuy nhiên, không biết ông Lưu Bình Nhưỡng có hiểu như thế nào hay không ?
Có bao nhiêu tiếng nói của dân, diệt sạch bấy nhiêu
Được biết, ngày 18/3, ông Lê Trọng Hùng đăng tải trên Facebook cá nhân các hình ảnh và tài liệu cho thấy ông đã nộp đơn tự ứng cử Đại biểu quốc hội khóa 15 tại Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội và Sơ yếu lý lịch của người tự ứng cử Đại biểu quốc hội khóa XV của ông cũng có mộc đỏ của phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng.
Ông Hùng là một trong số ít người tự ứng cử Đại biểu quốc hội có chương trình hành động là dự án xây dựng Đại lộ Công dân cho dân tộc Việt Nam bằng cách trao tặng các bản Hiến pháp Việt Nam, vận động thành lập Tòa bảo hiến và vận động Quốc hội ra luật biểu tình, luật giám sát của công dân…
Được biết hôm 11/3, cơ quan an ninh điều tra, công an tỉnh Ninh Bình cũng bắt giữ ông Trần Quốc Khánh, 61 tuổi, một người cũng nộp đơn ứng cử Đại biểu quốc hội tại Hà Nội với cáo buộc tội danh "Phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước". Ông Khánh cũng là một ứng viên độc lập đại diện cho dân thực sự. Và cả ông Khánh và ông Hùng cũng nhận một kết quả như nhau.
Bầu cử Quốc hội khóa XV, Đảng cộng sản cho 68 người ngoài đảng tham gia. Tuy nhiên 68 người đó là những con người đầu lụy Đảng cộng sản, tuy không phải là đảng viên nhưng họ lại cũng không đại diện cho dân. Họ toa rập với đảng để tạo thành dàn đồng ca trình diễn "sự đồng lòng", vì thế Quốc hội biểu quyết luôn có trên 90% đồng ý. Họ rất sợ những người mang tiếng nói của dân như Lưu Bình Nhưỡng, Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh. Với Lưu Bình Nhưỡng thì ưu điểm của ông là đảng viên, khi ông vào Quốc hội đảng mới vỡ lẽ là ông lại ủng hộ dân không ủng hộ đảng nên giờ họ loại ông. Còn với ông Hùng và ông Khánh họ biết 2 người này thuộc phe dân ngay từ đầu nên họ sớm ra tay triệt hạ.
Ông Lưu Bình Nhưỡng có lợi thế là đảng viên và là người đã từng là đại biểu quốc hội nên ông không bị bắt như hai người kia. Tuy nhiên qua hành động loại ông ra khỏi vai trò ứng viên đại biểu quốc hội khóa XV thì đủ biết thông điệp của phía chính quyền là gì. Họ muốn nói với ông Lưu Bình Nhưỡng rằng "đừng làm họ mất kiên nhẫn" vậy nên đây là điềm không tốt chút nào cho ông Nhưỡng.
Quyết định vỗ mặt Bộ Chính trị, Lưu Bình Nhưỡng quá can đảm
Ngày 26/3/2021 trên báo Soha và nhiều tờ báo khác đồng loạt đưa bài viết "ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng : Không biến Quốc hội thành căn phòng kín lợi ích nhóm". Đây có thể nói là một câu nói "động trời", Lưu Bình Nhưỡng đã nói điều mà chỉ có mạng xã hội dám nói chứ các đại biểu quốc hội từ xưa tới nay chưa ai dám nói điều này.
Được biết tổ chức Đảng cộng sản là tầng tầng lớp lớp nhóm lợi ích. Trong Đảng cộng sản có rất nhiều nhóm lợi ích trong đó. Nào là nhóm lợi ích theo dòng họ, nào nhóm lợi ích chia theo ngành, nào là nhóm lợi ích chia theo vùng miền. Nói chung rất phức tạp. Tuy nhiên, ai cũng phải thừa nhận, Đảng cộng sản chính là nhóm lợi ích lớn nhất, chính nó chứa nhiều nhóm lợi ích con. Như vậy quốc hội với 96% là đảng viên Đảng cộng sản thì rõ ràng, Quốc hội là một nơi thuộc sở hữu của nhóm lợi ích lớn nhất – Đảng cộng sản.
Thực sự khi ông Lưu Bình Nhưỡng nói như vậy chẳng khác nào ông đã vỗ vào mặt Đảng cộng sản. Tuy Bộ Chính trị chưa nói gì, nhưng chắc chắn là họ không thể nào nuốt trôi những lời nhận xét thẳng thừng như vậy. Có lẽ khi đã không còn gì để mất, ông Lưu Bình Nhưỡng đã thốt ra một câu thật lòng nhất từ suy nghĩ của ông.
Ông Lưu Bình Nhưỡng nói : "Quốc hội cần phát huy quyền lực nhân dân để đào tạo cán bộ cho đất nước, đào tạo người minh chủ của quốc gia". Nói vậy chẳng khác nào ông ta chỉ trích bao lâu nay, Quốc hội đã không phát huy quyền lực nhân dân. Ông Nhưỡng thật can đảm.
Sáng ngày 28/3, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội ; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 -2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao ; Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đồng tình về những nội dung trong các báo cáo đã được trình bày trong ngày trước đó. Tuy nhiên, ông Nhưỡng cho rằng, tại nhiệm kỳ vừa qua, những dự án luật vẫn còn tình trạng không phù hợp với chính sách, có dự án luật gây bức xúc cho dư luận, chưa đánh giá đầy đủ, sâu sắc, tác động đến kinh tế – xã hội, tình hình trong nước, quốc tế, thậm chí không lường trước hậu quả trước mắt và lâu dài của quy định.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, người đảng viên Đảng cộng sản hiếm họi đại diện cho dân thực sự
Con người thẳng thắn thì sẽ chịu thiệt
Đứng trước nghị trường ông Nhưỡng thẳng thắn nhận xét : "công tác thẩm tra, thẩm định dự án luật còn nhiều sơ hở, một số dự án được đưa ra để lọt lưới chính sách không phù hợp có dấu hiệu của lobby, không lành mạnh, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. Năng lực phân tích chính sách trong quá trình xây dựng luật của một số ĐBQH chưa đáp ứng nhu cầu, thậm chí còn có trường hợp dĩ hòa vi quý để bấm nút thông qua luật một cách cảm tính, chưa thực sự dành tâm huyết nghiên cứu thể hiện quan điểm trách nhiệm xây dựng luật pháp".
Ông Lưu Bình Nhưỡng nói tiếp "Ngay kỳ họp đầu tiên Tổng bí thư, Chủ tịch nước phát biểu yêu cầu Quốc hội phải tăng cường giám sát, đặc biệt chú trọng hoạt động hậu giám sát. Cả nhiệm kỳ, Quốc hội đã thường xuyên quan tâm đến chức năng giám sát, thực hiện giám sát trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Tuy nhiên, hoạt động giám sát vẫn chưa toàn diện, còn bị bỏ ngỏ, ví dụ như vấn đề dân tộc thiểu số chưa được Quốc hội giám sát tối cao làm cơ sở hoạch định chính sách pháp luật tương xứng với vị trí, vai trò tiềm năng cũng như sự tổn thương của khu vực miền núi khi giám sát cấp thấp không thể bao quát".
Đấy là những lời nói được cộng đồng mạng hết sức hoanh nghênh. Ông Nhưỡng nói lời tận đáy lòng và đó là những gì mà người dân suy nghĩ. Tuy nhiên, ông bị ngăn cản không cho ứng cử quốc hội khóa XV là điều rất đáng tiếc. Từ nay, Quốc hội sẽ chỉ là cá mè một lứa và chẳng tìm đâu ra được tiếng nói vì dân, dù cho đó là tiếng nói lạc lõng.
Điều đáng trân trọng là ông còn gởi thông điệp tới Cần cảnh giác tình trạng thâu tóm quyền lực
Theo ông Nhưỡng, hoạt động giám sát của Quốc hội, cơ quan Quốc hội chưa được thực hiện ở những vụ việc lớn. Cử tri cho rằng, Quốc hội, cơ quan của Quốc hội dường như đang cố ý né tránh, bàng quan trước thực trạng hiện hữu mà cử tri và nhân dân mong muốn phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân, nhất là những người đứng đầu.
"Giám sát cá nhân của ĐBQH còn chưa nhiều, chưa có cơ chế, bổn phận, trách nhiệm, điều kiện đảm bảo thực hiện giám sát của cá nhân đại biểu, thiếu cơ chế trách nhiệm của đoàn đại biểu trong giám sát những vấn đề ở chính địa phương và khu vực bầu cử. Điều này giảm sút số lượng, khối lượng của hoạt động giám sát", ông Nhưỡng nói.
Ông Nhưỡng cho biết, hiện chưa có cơ chế pháp lý đảm bảo thực hiện của kiến nghị đại biểu khi đại biểu quốc hội không tiếp tục ứng cử, được nghỉ chính sách hoặc lý do khác trong công tác cán bộ, nhất là những vụ việc, kiến nghị đảm bảo giải quyết trong thời gian dài chưa kết thúc.
"Quốc hội cần tham mưu cho Ban chấp hành Trung ương khóa XIII ban hành nghị quyết tăng cường năng lực, tiềm lực, hiệu quả giám sát Quốc hội, hội đồng nhân dân. Quốc hội cần công bằng, phân bổ nguồn lực, kiểm soát nguồn lực, không được ngủ mê trên quyền lực của nhân dân.
Đặc biệt, không được biến Quốc hội thành căn phòng kín để gom góp lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân và chia chác quyền lực. Cần cảnh giác tình trạng thâu tóm quyền lực. Quốc hội cần phát huy quyền lực nhân dân để đào tạo cán bộ cho đất nước, đặc biệt đào tạo người minh chủ của quốc gia", đại biểu Nhưỡng nhấn mạnh.
Vâng ! Đó là những gì ông Nhưỡng đã tâm sự. Ông đã nói hết lòng. Biết lời nói ông lay được Đảng cộng sản nhưng ít nhiều nó cũng cho thấy, ông là con người có tâm. Và đất nước Việt Nam, hay trong Đảng cộng sản Việt Nam cần nhiều Lưu Bình Nhưỡng hơn nữa để dân có được tiếng nói giá trị.
Bích Ngọc (tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 28/03/2021
Đại biểu quốc hội tỷnh Bến Tre, Lưu Bình Nhưỡng đã lên tiếng chấm dứt mọi ồn ào liên quan đến phản ánh sự sai phạm trong ngành công an : Tôi sẽ chấp hành mọi quyết định của cấp có thẩm quyền. Đến lúc đó, tôi sẽ tiếp tục trả lời phỏng vấn các bạn.
Cấp thẩm quyền ở đây là Đảng đoàn Quốc hội.
Nhiều người chỉ trích ông Lưu Bình Nhưỡng, cho rằng ông chỉ là một phép thử, và phép thử đó là nhằm... nhử mồi. Vì mục đích gì không biết, nhưng chắc chắn nó không hề tốt đẹp.
Tuy nhiên, những chỉ trích này là hơi quá đà và có phần phiến diện, bởi trong nội dung chia sẻ chính thức với báo giới, ông Lưu Bình Nhưỡng đã nhấn mạnh ông - với tư cách là một thành viên ở tổ Đảng và với tư cách là một đảng viên, ông theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, các quy định của pháp luật, và nghiêm túc chấp hành các quy định của Đảng.
'Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Đảng', bởi nó gắn liền với sự nghiệp chính trị của ông Lưu Bình Nhưỡng, và là một người trưởng thành ngành Luật, từng giảng dạy về Luật tại trường Đại học Luật Hà Nội, ông hiểu hơn về yếu tố quyết định của điều lệ đảng, quy định của đảng đối với con đường công danh của ông.
Facebooker Trần Anh Tuấn bày tỏ bằng ngôn ngữ của nhà vật lý học Galileo, người đứng trước tòa án dị giáo đã tuyên bố rằng : Tôi nhìn nhận trái đất hình vuông dù sao trái đất vẫn quay. Ông Lưu Bình Nhưỡng, trong hoàn cảnh hiện nay cũng nên được cảm thông theo phương diện đó, bởi hoàn ông cũng không khác nhà khoa học trong xã hội đêm trường trung cổ đó là bao.
Năm 2016, trong phiên họp Hội đồng bầu cử quốc gia vào sáng ngày 8/6, ông Nguyễn Hạnh Phúc, đại diện cho biết, có 496 người trúng cử Đại biểu quốc hội khóa XIV, trong đó chỉ 21 đại biểu trong số 496 đại biểu là người ngoài đảng (chiếm 4,2%), Quốc hội Khóa XIV có tỷ lệ đảng viên cao nhất từ trước đến nay. Phải đề cập thêm số liệu như vậy để hiểu hơn rằng, ông Lưu Bình Nhưỡng dù cố giành một chút quyền dân biểu như cách mà ông từng tuyên bố trên Facebook cá nhân, thì áp lực của hơn 96% đảng viên bao vây ông và khiến cho phần lệ thuộc đảng phải tạm khuất đầu cúi mặt.
Sự 'đầu hàng' nêu trên đã cho thấy nhiều vấn đề, một là tính chất đảng ủy công an và tiếng nói của giới công an trong hệ thống nghị trường Quốc hội là... bao trùm. Thứ hai, nó lột tả được nhiều vấn đề, trong đó, tiếng nói đại diện cho người dân dường như chưa bao giờ là trọng điểm của 1/2 vị đại biểu đang ngồi dự họp từ đó đến nay. Vì thế, nhà thơ Lưu Trọng Văn trong một chia sẻ về sự kiện này trên Facebook cá nhân đã bình một cách cay đắng : Gã tán đồng ông Nhưỡng với tư cách đảng viên phải tuân thủ kỷ cương và nguyên tắc của đảng của mình. Nhưng nếu chỉ tuân theo nguyên tắc đảng thì với tư cách đại biểu quốc hội đại diện cho dân của ông ở đâu ? Vì lợi ích của đảng, đảng bảo im. Ok ! Vì lợi ích của dân, dân bảo nói. Ok hay không Ok ?
Lợi ích của Đảng hay lợi ích của Dân, cũng chỉ là một sự lựa chọn. Và không có một sự lựa chọn 'kết hợp' nào ở đây, vì bản thân nếu anh đã hướng về Dân, thực hiện đúng quy trình Dân biểu, thì đồng thời tính đảng của anh sẽ sụp giảm. Và có khả năng, kỳ sau, anh sẽ rời khỏi Hội trường Quốc hội vì sự 'sa sút' tính Đảng đó. Câu hỏi trên của nhà thơ Lưu Trọng Văn vì thế trở nên rất khó cho những đại biểu quốc hội như ông Lưu Bình Nhưỡng, và những người có tâm thế giống như ông.
Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng trong một động thái có vẻ có liên quan, đã bày tỏ về bài viết 'Phân tích sai lầm của giáo sư Chu Hảo' [báo Tiền Phong] trên Facebook cá nhân bằng cụm từ ngắn gọn 'thật đáng tiếc'. Một Facebooker khác lập tức phản hồi bên dưới, 'Đáng tiếc cho dân'. Tiếc cho dân, không phải vì bản thân Giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật, mà cả vì chuyện Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã bị áp chế bởi yếu tố 'Đảng đoàn Đại biểu quốc hội'.
Trở thành một dân biểu thực ra là cực kỳ dễ dàng ở Việt Nam, nhất là xuất xứ từ những hạt giống đỏ, những chồi non được ươm mầm bởi chế độ, nhưng để làm rõ nét tính chất Dân biểu - tức làm tròn 'tư cách là người đại biểu hoạt động chuyên trách của Nhân dân, vì sự cẩn trọng và tôn trọng nguyên tắc pháp luật' không bao giờ dễ dàng. Và những người làm, kiên trì thực hành điều đó sẽ khó ngoi lên trong hệ thống chính trị hiện tại, khi mà chiếc mũ quy chụp 'suy thoái tư tưởng, hay tự diễn biến, tự chuyển hóa' dễ dàng đặt lên đầu bất kỳ ai chạm vào lĩnh vực mang tính chất nhạy cảm của chế độ.
Nhà báo Lê Phú Khải trong một bài viết gần đây về Giáo sư Chu Hảo đã đặt câu hỏi 'Tại sao Chu Hảo', và người viết cũng đặt câu hỏi tương tự : Tại sao Lưu Bình Nhưỡng. Đặt không phải để giải thích hay diễn giải bản chất con người Đại biểu quốc hội này, mà đặt để tái khẳng định rằng, tính chất Đảng viên đã đẩy lùi tính Dân biểu của hàng trăm vị đại biểu quốc hội trong hàng thập niên qua. Chính vì thế, vai trò giám sát của Quốc hội trước các chủ trương lớn của đảng (vốn được coi là hệ quả của quyết tâm chính trị thuộc Bộ Chính trị) là vô cùng yếu kém, tính chất phản biện đúng vai trò rất mờ nhạt, và đất nước đã rơi vào nhiều cuộc khủng hoảng là vì thế.
Tại sao Lưu Bình Nhưỡng sẽ là một câu hỏi về tâm và tầm của một đại biểu quốc hội, chừng nào tâm và tầm còn phụ thuộc vào ý kiến chỉ đạo của đảng, chừng đó tâm và tầm cũng nằm trong vòng kim cô của đảng, và câu nói của ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước 'là người đảng viên phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng' thực ra cũng chỉ là câu nói vô thưởng vô phạt mà ông Lưu Bình Nhưỡng lỡ tin theo,... và đến giờ phải trả giá.
Đầu giờ chiều ngày 9/11, Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã đến trung tâm báo chí của Quốc hội, nói rằng "Kể từ giờ phút này, không phỏng vấn và đưa tin tất cả những vấn đề liên quan đến vấn đề này, liên quan đến tôi. Những vấn đề mà tôi có thể "tâm sự" ngoài lề thì không coi đó là cuộc phỏng vấn và đề nghị các bạn không đăng tải những vấn đề này nữa để chờ ý kiến, quyết định của Đảng đoàn Quốc hội" [*].
Ảnh minh họa
Theo vị đại biểu tỉnh Bến Tre, Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không có bất cứ chỉ thị hay cho phép nào đối với ông để trả lời phỏng vấn báo chí. "Có nghĩa là tôi phải chấp hành nghiêm túc, các vấn đề đang chờ ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội. Nếu đăng tải bài viết trong ngày hôm nay mong các bạn gỡ chờ các quyết định chung. Tôi sẽ chấp hành mọi quyết định của cấp có thẩm quyền". Ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Tiếng là thuộc Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Bến Tre, nhưng ông Lưu Bình Nhưỡng không phải là người dân tỉnh Bến Tre. Công việc làm của ông cũng không liên quan gì đến tỉnh Bến Tre. Ông Lưu Bình Nhưỡng có học vị tiến sĩ luật kinh tế, có 20 năm làm giảng viên Đại học Luật Hà Nội. Ông Lưu Bình Nhưỡng từng là phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Ông hiện còn là phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Thụy Sĩ.
Mặc dù với bề dày lý lịch chuyên môn về luật như vậy, song đáng buồn thay với "quyền được nói", ông Lưu Bình Nhưỡng phải thừa nhận rằng ở Việt Nam các quy định của đảng cộng sản đứng trên pháp luật nhà nước, trên cả Quốc hội, trên cả Hiến pháp.
Trước đó, ông Lưu Bình Nhưỡng cũng là Đại biểu quốc hội ủng hộ thông qua dự luật an ninh mạng, với lý do "Việc các đối tượng xâm nhập và đưa lên các trang mạng xã hội những nội dung chống đối đường lối, chính sách của Đảng đã gây bức xúc trong dư luận, nên các đại biểu như tôi suy nghĩ cần phải ủng hộ để Luật ra đời" (1).
Sở dĩ dài dòng như vậy để khẳng định một điều là rất nhiều tình tiết ở nghị trường, nếu tỉnh táo nhìn thấu đáo sẽ nhận ra dường như đó chỉ là vở diễn ; mà nhiều khi diễn rất lộ liễu.
Người viết nghĩ rằng ông Lưu Bình Nhưỡng vừa vào vai diễn cho vở tuồng dân chủ ở Quốc hội. Bởi ít nhất với vị trí là phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Thụy Sĩ, và ông cũng đang là phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Việt Nam, ông phải hiểu rất rõ rằng chốn nghị trường được mặc định không phải là cá nhân ông ấy, mà là cử tri nơi ông ấy đại diện. Tư cách này chính là luận lý để luật pháp dành cho nghị sĩ quyền miễn trừ.
Chỉ có cử tri nơi bầu cho ông Lưu Bình Nhưỡng mới có thể kỷ luật ông ấy. Khi đó Mặt trận chủ trì hiệp thương và tiến hành trình tự thủ tục phế truất tư cách Đại biểu quốc hội của ông Lưu Bình Nhưỡng. Logic vận hành quyền lực của Quốc hội là như thế. Đảng đoàn Quốc hội không phải là một cơ quan có thẩm quyền hợp pháp xác định nội dung phát biểu của ông Lưu Bình Nhưỡng là đúng hay sai. Luật Tổ chức Quốc hội xác lập rõ điều đó.
Tuy nhiên ở đây cũng có thể là một kịch bản đẩy đưa cố tình của vị Đại biểu quốc hội của tỉnh Bến Tre, khi ông muốn tái khẳng định rằng ở Việt Nam cương lĩnh Đảng quan trọng hơn Hiến pháp (2).
Ông Lưu Bình Nhưỡng từng là phó Chủ nhiệm Khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội. Khi bấm nút thông qua dự luật An ninh mạng, với trải nghiệm của người 20 năm dạy luật kinh tế, người viết tin rằng ông Lưu Bình Nhưỡng quá biết rằng luật này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các cam kết về thương mại và dịch vụ ở các lĩnh vực liên quan, được quy định trong Hiệp định về Thương mại Dịch vụ (GATS), một văn kiện của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Cũng cần lưu ý, vào tháng 10 năm 2017, tại Hội đồng về Thương mại – Dịch vụ của WTO, nhiều thành viên WTO đã phê phán dự luật An ninh mạng của Việt Nam. Đại diện Việt Nam đã từ chối bình luận vì không muốn ảnh hưởng tới công tác thảo luận của Quốc hội, nhưng hứa sẽ xem xét lợi ích của các bên. Nhìn chung, trong lịch sử GATT/WTO, các thành viên đều rất hạn chế viện dẫn ngoại lệ về an ninh vì nguy cơ xói mòn hệ thống thương mại đa biên (3).
Từ vụ việc của Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho thấy mai này khi thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương [Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP], riêng trường hợp hình thành các tổ chức công đoàn độc lập, e rằng lại vấp vết đổ của chuyện "chờ ý kiến, quyết định của Đảng đoàn".
Trước mắt, từ câu chuyện đang xảy ra với Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, đòi hỏi nền tảng để thành lập các công đoàn độc lập là phải dứt khoát chấm dứt phân biệt về "quyền lợi chính trị" giữa "công dân – đảng viên" và "công dân – không đảng viên" trong tất cả mọi hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật ; bao gồm cả "quyền được nói".
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 11/11/2018
Chú thích :
[*] Trong buổi chất vấn chiều 31/10, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa ra các con số từ Bộ Công an : Không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho Viện Kiểm sát 86%, vi phạm trong tống đạt là 100%.
Ngày 5/11/2018, Thượng tướng Lê Quý Vương thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, đã ký văn bản gửi Đảng đoàn Quốc hội, yêu cầu đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đính chính lại những nhận định, đánh giá liên quan đến số liệu trên và không có các lời nói, hoạt động làm phức tạp thêm tình hình ; đồng thời có hình thức xử lý vi phạm có liên quan đến việc phát ngôn và đánh giá, nhận định tình hình gây dư luận xấu.