Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mardi, 11 juin 2019 15:43

Trả biển lại cho dân !

"Trả biển lại cho dân" chính là trả lại quyền của nhân dân, và đây là yêu cầu, mệnh lệnh mang tính chính trị đối với mỗi địa phương ven biển.

bien1

Di dời 3 khách sạn lớn ở vịnh Quy Nhơn. Ảnh : internet

Mới đây, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã có một quyết định hợp lòng dân, khi quyết định di dời ba khách sạn lớn, trả lại toàn bộ dải bờ biển vịnh Quy Nhơn cho cộng đồng.

Quyết định này nhận được sự hưởng ứng từ nhiều phía, và quan điểm "khu vực biển và bờ biển là của cộng đồng" của ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt.

"Ủng hộ chủ trương tỉnh : quá tuyệt ; ghi nhận tầm nhìn và sự quyết tâm của tỉnh" đã trở thành những ngôn từ biểu thị của người dân dành cho chính bản thân ông Dũng cũng như dàn tập thể lãnh đạo tỉnh Bình Định. Và họ xứng đáng được như vậy.

"Trả lại biển cho dân"

Muốn hiểu quyết định của lãnh đạo tỉnh Bình Định quan trọng và hợp lòng dân như thế này, thì có thể tìm đến quê hương Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Quảng Nam) và quê hương của ông cựu Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng). Dọc tuyến kéo dài từ thành phố Hội An ra đến hết khu vực đường biển Võ Nguyên Giáp là những village, resort, sân golf, khu chung cư và biệt thự cao cấp. Thỉnh thoảng, xuất hiện những con đường nhỏ dành cho người dân ra biển, hoặc những khu vực biển phục vụ cho việc tắm, nhưng hầu hết khu vực tắm này là quá nhỏ so với các công trình - hạ tầng phục vụ du lịch nêu trên. Nói cách khác, biển của khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng đã từ biển cộng đồng trước đó trở thành biển của các nhà đầu tư, dưới lớp áo "đổi đất lấy cơ sở hạ tầng".

bien2

Biển tại Đà Nẵng - Quảng Nam tiếp tục trở thành một khu vực biển tư

Đà Nẵng, đã từng có một thời điểm mà chính quyền phải xử lý các "di sản đổi đất" của thế hệ lãnh đạo trước, bằng cách quyết liệt mở lối trả biển cho dân, tuy nhiên, việc giải tỏa các dự án nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp chậm chạp hơn rất nhiều việc cấp phép đầu tư - xây dựng các dự án nghỉ dưỡng, khách sạn và sân golf. 

Biển tại Đà Nẵng - Quảng Nam tiếp tục trở thành một khu vực biển tư, và hai địa phương này cũng xem như là một trong nhiều địa phương khác trên cả nước (Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận,...) có tỷ lệ biển bị "xâm thực" lớn, và tiếp tục mở rộng.

Trong quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2015 (Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2015 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đất đai các dự án ven biển), trong đó "việc cấm cấp phép cho các dự án ven biển, thậm chí phải thu hồi nếu đã cấp vì bờ biển cần thông thoáng" đã thành một chỉ dạo hình thức, bởi số lượng dự án ven biển được cấp phép vẫn đang gia tăng lên từng ngày. Chỉ tính riêng khu vực Điện Dương tỉnh Quảng Nam, thì các dự án bất động sản nghỉ dưỡng mọc lên và được đánh giá là "sôi động", phát sinh những dự án chưa có trong luật đầu tư bất động sản, như condotel. Một loạt dự án lớn như VinaCapital, Vinpearl Nam Hội An,... đã khiến cho bờ biển tiếp tục quây kín bởi các tòa nhà và công trình phục vụ du lịch.

Khi người dân không còn không gian biển cộng đồng, thì đúng như quan điểm của Kiến trúc sư Huỳnh Tòa, người trong một bài đăng trên báo Thanh Niên đã nhấn mạnh, đó là "thất bại lớn của các địa phương có biển". Nói đúng hơn, người dân đã và đang tiếp tục bị tước đoạt "quyền tiếp cận biển" theo Điều 23 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

"Trả lại biển cho dân", trả lại quyền tiếp cận vùng biển của người dân, trả lại không gian cộng đồng cho người dân chính là nhu cầu bức thiết, đòi hỏi sự siết chặt quản lý trong quy hoạch đất đai ven biển, cũng như tránh như hệ lụy về sau này liên quan đến môi trường - đất đai ven biển.

Năm 2018, báo chí trong nước đưa tinh bờ biển Mỹ Khê (bờ biển được báo chí Mỹ đánh giá là đẹp nhất thế giới) đã bị xâm thực nghiêm trọng, hàng km bờ biển bị sóng đánh sạt lở.

Năm 2019, báo chí trong nước đưa tin, bờ biển Cửa Đại Hội An tiếp tục bị xâm thực nghiêm trọng.

Tình trạng ô nhiễm biển do hoạt động dịch vụ du lịch - nghỉ dưỡng từ các công trình tiếp tục làm nóng quyền lợi cộng đồng, và gây bức xúc cho chính bản thân mỗi người dân ở các tỉnh thành có biển. 

N.L, người dân sống tại Sơn Trà (Đà Nẵng) cho biết : Họ (giới lãnh đạo) thực sự không hiểu người dân đang cần gì, họ biến bờ biển để tạo cơ hội làm giàu cho một nhóm nhà đầu tư, nhưng họ đang gây hại cho môi trường và làm xói mòn danh hiệu thành phố biển. 

Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa,... đã và đang trả giá cho các quyết định đầu tư thiếu tầm nhìn. Và chính vì vậy, quyết định của lãnh đạo tỉnh Bình Định là một quyết định quan trọng, có tầm nhìn. Bởi từ quyết định này, có thể tạo cơ hội cho các địa phương khác nhìn lại mình, trước khi các tỉnh thành này biến bãi biển trở thành bãi rác thải, một các bờ biển đẹp bị xé nát bởi quy hoạch ngắn hạn, gây thiệt hại đến chính ngành du lịch không khói trong thời gian dài.

"Trả biển lại cho dân" chính là trả lại quyền của nhân dân, và đây là yêu cầu, mệnh lệnh mang tính chính trị đối với mỗi địa phương ven biển.

An Viên

Nguồn : VNTB, 11/06/2019

Published in Diễn đàn

Hà Nội cũng cho thấy hành xử không khác gì với Bắc Kinh. Hà Nội đang chứng minh bản thân họ không chấp nhận bất đồng chính kiến và lạm dụng quyền con người bất cứ khi nào họ phục vụ lợi ích của mình, bởi họ chọn con đường vào ngày định mệnh, ngày cho ra đời luật an ninh mạng và Quy định 102-QĐ/TW.

pha1

Núi liền núi, sông liền sông.

Ba mươi năm sau Thiên An Môn : đã đến lúc đối mặt với sự thật và tham gia lực lượng

30 năm sau ngày biến cố Thiên An Môn, Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn giữ thái độ im lặng mang tính chất hiển nhiên. Trung Quốc, độc tài về tư tưởng, thiếu sự khoan dung, và kiểm soát chặt quốc gia.

Kiểm soát ngày càng chặt chẽ hơn, với sự bổ trợ của nền kinh tế đi lên.

Đảng cộng sản Trung Quốc mạnh lên, nhưng xã hội dân sự lại càng bị kiềm tỏa, khác hẳn với kỳ vọng của nước phương Tây, rằng khi kinh tế đi lên, thì xã hội dân chủ của Trung Quốc được mở rộng.

Và nhiều quan điểm cho rằng, không phải sự đi lên của kinh tế, mà chính khủng hoảng nền kinh tế sẽ cởi bỏ xiềng xích xã hội Trung Quốc, mở đường cho dân chủ và tự do.

Quan hệ Trung – Mỹ đang rơi vào trạng thái chiến tranh lạnh (cold war), nhưng lại là về thương mại. Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ trở nên "biết điều" hơn, khi Mỹ nắn gân trong khía cạnh này, bởi chính nó sẽ tác động mạnh mẽ đến chính trị độc đảng.

Chưa bao giờ, kể từ sau thời điểm mãn nhiệm của Tổng thống Ronald Reagan, Trung Quốc trở nên thấm đòn như hiện nay. Vai trò và sức mạnh của Mỹ đã trở lại, buộc tinh thần Đại hán của Bắc Kinh phải thoái lui.

Dự luật ngăn quân sự hóa Biển Đông do các nghị sĩ Mỹ lưỡng đảng trình ra, có thể tác động đến ngay lãnh đạo cấp cao nhất của Bắc Kinh (mà ở đây là ông Tập Cận Bình với vai trò Tổng tư lệnh quân đội Trung Quốc), nếu như có những hành vi liên quan đến quân sự hóa Biển Đông.

Chính quyền thời Tổng thống Donald Trump cũng tạo đột phá liên quan đến nguyên tắc "một Trung Quốc", theo đó, đã gọi Đài Loan là "một quốc gia" trong bản báo cáo chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương kéo dài 55 trang.

Mỹ đang cho thấy hành động liên quan đến lời nhắc nhở của các học giả vào những năm 1990 rằng, tự do hóa kinh tế và mở cửa thị trường Trung Quốc cho thương mại thế giới chắc chắn sẽ không dẫn đến dân chủ hóa như một hiệu ứng tự động của tầng lớp trung lưu đang trỗi dậy. Và sự hy vọng về mở rộng dân chủ và tự do của Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi ông chấp thuận cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào tháng 12.2001, với ngụ ý "sẽ giống chúng ta hơn" là một ảo tưởng.

Trung Quốc vẫn bỏ tù người bất đồng chính kiến, đàn áp người Duy Ngô Nhĩ - Uyghur ở Tân Cương, quấy rối các nhóm thanh niên Marxist trong các trường đại học Bắc Kinh, tham nhũng đặc hữu tràn lan.

Bắc Kinh gây ra hiểm họa, không chỉ với chính người dân nước này, mà còn với các nước láng giềng như Việt Nam.

Và sự thơ ngây một thời của những người quan tâm đến tình hình nhân quyền Trung Quốc đã và đang lặp lại ở một số người Việt Nam ngây thơ. Một trong số đó là nhà văn Trần Quốc Quân đến từ Warsaw, người đã từng lên tiếng công kích những ai chống lại EVFTA cho đến khi Việt Nam đạt được những cam kết nhân quyền nhất định.

Và thực tế đã chứng minh, trong thời điểm vận động và ký kết CPTPP, EVFTA (hai thỏa thuận thương mại quan trọng với Việt Nam), Hà Nội đã tống giam hơn 100 người bất đồng chính kiến, và mới đây là nhà giáo Nguyễn Năng Tĩnh. Liên quan đến cam kết nhân quyền trong hiệp định thương mại, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức lao động quốc tế về quyền Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Nhưng việc trình Tờ trình này đã được nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng đặt ngay câu hỏi trong một bài viết trên VOA, theo đó, Việt Nam chỉ ký công ước 98, còn Công ước 87 bỏ đâu ?

"Công ước 87 là văn bản quan trọng nhất về lợi ích người lao động và nhân quyền, đề cập đến quyền tự do thành lập công đoàn độc lập của người lao động", nhà báo Phạm Chí Dũng nhấn mạnh trong bài viết.

Như vậy, nếu có bài học gì cho giới đấu tranh Việt Nam nhân sự kiện Thiên An Môn, thì đó là ngừng thơ ngây trước hy vọng chính trị thông qua sự chủ động mở rộng dân chủ, tự do khi nền kinh tế đi lên ở Đảng cộng sản Việt Nam. Bởi bản chất của vấn đề sẽ không khác gì cách thức mà Bắc Kinh áp dụng, siết chặt hơn khi còn điều kiện.

Quay trở lại với vấn đề Trung Quốc, hãy nhớ Đặng Tiểu Bình – người từng là nạn nhân của chính sách Cách mạng văn hóa trước đó, người được cho là tạo nền tảng mở cửa kinh tế cho chính Bắc Kinh. Tuy nhiên, Đặng cũng là một nhân vật nổi bật khi ông này đóng cửa chính trị lại, bằng chứng là, ông là quyết định chí mạng là sử dụng Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) để đè bẹp những người biểu tình ở Bắc Kinh, gọi cuộc đấu tranh quyền làm người là cuộc hỗn loạn phản cách mạng, các cuộc cải cách chính trị đã đình trị hơn 30 năm qua, thay vào đó là bộ máy nhà nước công an trị. Lý do, sự kiện Thiên An Môn tạo cớ cho Đặng đàn áp cả một thế hệ trí thức và cán bộ có tư duy cải cách, nhiều quan chức cải cách, có tư tưởng cải cách đã bị bỏ tù hoặc bị buộc phải đi lưu vong.

Tập Cận Bình đã trở thành người kế thừa xuất sắc nhất của Đặng về đàn áp chính trị, kiểm soát tư tưởng thanh niên và trí thức ; quân sự hóa đời sống chính trị. Nói cách khác, chính Tập đã nhân đôi sự kiểm soát tư tưởng Maoist trong xã hội, đặc biệt khu vực giáo dục. Một năm sau khi nhậm chức vào năm 2012, Tập đã lưu hành Văn kiện Đảng số 9, cấm những hoạt động nghiên cứu học thuật và giảng dạy về bảy chủ đề cấm kỵ : các giá trị toàn cầu, xã hội dân sự, quyền công dân, tự do báo chí, sai lầm của Đảng Cộng sản, đặc quyền của chủ nghĩa tư bản, và sự độc lập của cơ quan tư pháp.

Hãy nghĩ về Việt Nam với Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 về việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

Mới đây, nhân kỷ niệm 30 năm cuộc đàn áp Thiên An Môn , Mỹ cho biết họ đã mất hy vọng Trung Quốc sẽ trở thành một xã hội mở. Và khi lên án hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng Washington đã sai lầm khi cho rằng Bắc Kinh cuối cùng sẽ trao quyền tự do dân sự cho công dân của mình.

Những hy vọng đó đã bị tan vỡ. Nhà nước độc đảng của Trung Quốc không chấp nhận bất đồng chính kiến và lạm dụng quyền con người bất cứ khi nào họ phục vụ lợi ích của mình.

Thượng nghị sĩ Bob Menendez tuyên bố : Trung Quốc thách thức chúng ta ngày nay là Trung Quốc đã chọn con đường của mình vào những ngày định mệnh đó vào tháng 6/1989.

Và Hà Nội cũng cho thấy hành xử không khác gì với Bắc Kinh. Hà Nội đang chứng minh bản thân họ không chấp nhận bất đồng chính kiến và lạm dụng quyền con người bất cứ khi nào họ phục vụ lợi ích của mình, bởi họ chọn con đường vào ngày định mệnh, ngày cho ra đời luật an ninh mạng và Quy định 102-QĐ/TW.

An Viên

Nguồn : VNTB, 08/06/2019

Published in Diễn đàn

Bỏ 10 đồng để khai thác, nhưng di hại môi trường lên 100 đồng, trong khi giá bán không bao giờ có thể cạnh tranh với mức giá đất hiếm mà Trung Quốc đưa ra. Đó là những gì mà Việt Nam có thể cân nhắc giữ lại mỏ đất hiếm cho thế hệ sau, ít nhất là không tạo ra các di sản tồi tệ trong tương lai.

dathiem1

Mỏ khai thác đất hiếm ở Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng một kế hoạch hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ để có thể triển khai ngay trong trường hợp cần thiết - nguồn thạo tin tiết lộ với Bloomberg.

"Đất hiếm", một nhóm những khoáng sản đất hiếm được cho là Mỹ có mức độ phụ thuộc đặc biệt lớn vào Trung Quốc.

Trong diễn biến mới nhất, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong phát biểu, "Bắc Kinh sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đất hiếm của những quốc gia khác, nhưng ‘không chấp nhận’ quốc gia nào sử dụng đất hiếm của Trung Quốc để sản xuất, sau đó quay lại kìm hãm Trung Quốc".

Liên quan đến "đất hiếm", trang VTC đã đăng tải bài viết "Việt Nam xuất khẩu đất hiếm cạnh tranh với Trung Quốc", dẫn quan điểm của Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Khiển, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, Việt Nam có đất hiếm với trữ lượng không hề nhỏ, đây chính là cơ hội và tiềm năng xuất khẩu loại khoáng sản này. Tuy nhiên, ông Khiển cho rằng, "tính tới thời điểm hiện tại, các mỏ đất hiếm chưa đi vào khai thác công nghiệp có hiệu quả".. Nhìn chung, quan điểm của vị cựu Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản vẫn là "khai thác", nhưng cần có giải pháp không ảnh hưởng môi trường và có giải pháp bảo hộ lao động.

Hiếm nhưng mà không hiếm

Trung Quốc cung 80% nguồn đất hiếm, dù Bắc Kinh dự trữ 1/3 trữ lượng. Nghĩa là, 2/3 còn lại tập trung ở một số quốc gia, trong đó có Mỹ và Việt Nam.

Vấn đề, từ năm 2010, một số quốc gia (Nhật Bản, một quốc gia có nhiều va chạm chủ quyền với Bắc Kinh) đã thay thế đất hiếm có nguồn gốc từ Trung Quốc bằng các quốc gia khác, chẳng hạn như Úc, Brazil, Ấn Độ và Nga.

Mỹ, quốc gia mà Bắc Kinh đang muốn trả đũa qua con bài đất hiếm từng là quốc gia sản xuất đất hiếm số 1 thế giới ở thập niên 60-80 của thế kỷ XX, tại mỏ Mountain Pass ở California. Tuy nhiên, mỏ này bị đóng cửa do liên quan đến vấn đề nước thải độc hại, cũng như không cạnh tranh nổi trước mức giá đất hiếm từ Trung Quốc (vốn hạn chế các vấn đề môi trường).

Mỏ Mountain Pass được mở lại, và cung ứng 10% nguồn cung toàn cầu.

Daniel Wagner, tác giả của cuốn sách mới Tầm nhìn Trung Quốc nhận định, Mỹ thực sự tổn thương, bởi đất hiếm là thứ quan trọng để sản xuất một loạt các sản phẩm trong công nghệ xanh hoặc có các ứng dụng quân sự, nhưng không nhiều như trước đây. Năm 2018, Mỹ đã mua ít hơn 4% số đất hiếm từ Trung Quốc, lý do chính vì cơ sở sản xuất của Mỹ đã được chuyển ra bên ngoài.

Nếu Trung Quốc tiến hành "lệnh cấm", thì Bắc Kinh sẽ gặp ảnh hưởng dây chuyền, khi mà nó có thể khiến các công ty (đặc biệt công ty công nghệ) từ khắp nơi trên thế giới xem xét lại liệu họ có muốn tiếp tục duy trì cơ sở sản xuất của mình ở Trung Quốc hay ở các nước khác phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Bản thân thời kỳ kinh tế phẳng, chuỗi cung ứng toàn cầu rất đa dạng và có khả năng phục hồi, và nó khiến lệnh cấm có thể vô hiệu hóa một phần.

Đó là chưa kể quy trình pháp lý của thương mại thế giới sẽ chống lại Trung Quốc. Vào năm 2010, Bắc Kinh đã cắt giảm xuất khẩu đất hiếm nhằm trả đũa sự kiện một tàu đánh cá Trung Quốc va chạm với hai tàu Cảnh sát biển Nhật Bản ở Biển Hoa Đông. Năm 2012, Nhật Bản, Mỹ và EU đã khiếu nại với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về những hạn chế của Trung Quốc đối với xuất khẩu đất hiếm, và hai năm sau, các nguyên đơn đã thắng kiện.

Việt Nam có nên sản xuất đất hiếm ?

Quan điểm của Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Khiển là phù hợp với xu hướng tận dụng sự trả đũa của Trung Quốc để sản xuất thương mại. Tuy nhiên, xu hướng này không phù hợp về mặt môi trường lẫn tác dụng kinh tế dài lâu.

Về mặt kinh tế, như đã đề cập, nguồn cung đất hiếm không phải là duy nhất từ Trung Quốc, bản thân Trung Quốc cũng khó có thể cắt đi nguồn đất hiếm đối với Mỹ, khi nó tác động đến môi trường thu hút đầu tư cũng như đối diện với cuộc chiến pháp lý thương mại tại WTO, như đã đề cập ở trên.

Đó là lý do vì sao, Dave Gholz, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Notre Dame khẳng định với Reuters, "Các chính trị gia trở nên quá hoảng hốt hoặc quá mải mê với ý tưởng thao túng chính trị thị trường".

Về mặt môi trường, đất hiếm không hiếm ở sản lượng, bởi theo Khảo sát Địa chất Mỹ chúng "tương đối dồi dào trong lớp vỏ của trái đất", nhưng khai thác chúng lại là quy trình phức tạp, khi phải chiết tách chúng trong các khoáng chất khác nhau, ở các nồng độ khác nhau. Cơ sở chiết tách là quá trình hóa học phức tạp thường gặp nhất là một quy trình gọi là chiết dung môi, trong đó các vật liệu hòa tan đi qua hàng trăm buồng chứa chất lỏng phân tách các yếu tố riêng lẻ hoặc các hợp chất và bước nhảy có thể được lặp lại hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn lần. Có sự hiện diện của thorium phóng xạ trong một số quặng và, một số quy trình khai thác và phân tách liên quan đến các hóa chất tạo ra nước thải độc hại.

Một bài viết vào tháng 3/2014 trên The Guardian tại mỏ ở làng Số Một, nơi mà khai thác đất hiếm từ thập niên 50 của thế kỷ XX, một bãi bùn xám rộng vô tận hiện diện, và vì không có lớp lót thích hợp, các chất thải trong quá trình chiết tách đã thấm vào nước ngầm, và xâm lấn về phía sông Hoàng Hà với tốc độ 20-30m/năm. Năm 1990, dân làng ở đây bắt đầu cảm nhận rõ rệch tác động môi trường của sản xuất đất hiếm, khi cừu, bắp cải dần chết, số người ung thư tăng lên, răng người vàng và xô vẹo.

Chế biến một tấn đất hiếm tạo ra 2.000 tấn chất thải độc hại.

Một khu vực đất hiếm mang tên khu mỏ Nei Mongol [1], do doanh nghiệp Trung Quốc tiến hành khai thác, và vệ tinh của Nasa năm 2012 ghi nhận được, mảng hố đen, thảm thực vật màu đỏ, đồng cỏ có màu nâu nhạt, đá có màu đen, và mặt nước màu xanh lá cây. 75 mét khối nước thải có tính axit, một tấn chất thải phóng xạ cũng ra đời, 9.600-12.000m3 khí thải có chứa chất cô đặc bụi, axit hydrofluoric, sulfur dioxide và axit sulfuric với mỗi tấn đất hiếm được khai thác.

Có thể tưởng tượng Việt Nam với mỏ khai thác đất hiếm, nhưng tính chất di hại có thể tăng gấp 100 lần so với di hại mà boxite Tây Nguyên đã để lại.

Đó là chưa kể, khả năng quản lý môi trường (đặc biệt các báo cáo về môi trường) Việt Nam là cực kỳ yếu kém, kể cả so với chính quyền Bắc Kinh.

Bỏ 10 đồng để khai thác, nhưng di hại môi trường lên 100 đồng, trong khi giá bán không bao giờ có thể cạnh tranh với mức giá đất hiếm mà Trung Quốc đưa ra. Đó là những gì mà Việt Nam có thể cân nhắc giữ lại mỏ đất hiếm cho thế hệ sau, ít nhất là không tạo ra các di sản tồi tệ trong tương lai.

An Viên

Nguồn : VNTB, 03/06/2019

Tham khảo :

https://earthobservatory.nasa.gov/images/77723/rare-earth-in-bayan-obo

Published in Diễn đàn

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới vào năm 2018, Việt Nam có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Đến năm 2020, tầng lớp trung lưu Việt Nam dự báo sẽ cán mốc 33 triệu người. Thế nhưng, tầng lớp trung lưu Việt Nam lại vướng vào cái tư duy "Đảng cộng sản Việt Nam muôn năm, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam".

chandat1

Tầng lớp trung lưu Việt Nam lại vướng vào cái tư duy "Đảng cộng sản Việt Nam muôn năm, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam".

Bài viết "Đại bàng Mỹ tung móng vuốt đấu với Gấu trúc Trung Hoa" của tác giả Nguyễn Giang trên BBC Việt ngữ đem lại nhiều gợi mở, bởi nội dung có trích dẫn quan điểm của Giáo sư Nye, người nhận định chính xác về sự hình thành một xã hội trung lưu ở Trung Quốc, nhưng "tầng lớp cầm quyền bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn về tư duy chính trị. Họ tin rằng chỉ có Đảng Cộng sản mới cứu được Trung Quốc, và mọi cải cách phải tăng cường sự lãnh đạo độc tôn của đảng này". Chính vì vậy, Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại không cho thấy nước này "yếu đi", nhưng nó cho thấy, Trung Quốc không phải "mạnh, cường quốc" như quốc gia này ảo tưởng.

Gợi mở vì chính bản thân Việt Nam cũng đang đi theo vết đổ này, khi bản thân xã hội Việt Nam chứa đựng những yếu tố tiền xã hội trung lưu. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới vào năm 2018, Việt Nam có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Đến năm 2020, tầng lớp trung lưu Việt Nam dự báo sẽ cán mốc 33 triệu người. Thế nhưng, tầng lớp trung lưu Việt Nam lại vướng vào cái tư duy "Đảng cộng sản Việt Nam muôn năm, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam".

Tầng lớp trung lưu Việt Nam không khác gì với tầng lớp trung lưu Trung Quốc, bởi họ bị ràng buộc và kiềm chặt vào cái định kiến cách mạng không tưởng, rằng "chỉ có Đảng cộng sản mới cứu được…".

Vào tháng 06/2015, Nhà xuất bản Sự thật (Hà Nội) đã xuất bản tác phẩm "Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn" của ông Nguyễn Phú Trọng, Ba năm sau (6/2018), nhà xuất bản này tiếp tục ra mắt cuốn sách tiếp theo của ông Nguyễn Phú Trọng, với tên gọi "Vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng khó khăn nào cũng vượt qua", với nội dung tập hợp 90 phát biểu, nói chuyện, trả lời phỏng vấn của ông Trọng từ năm 2015-2017.  Và dù là cuốn sách 2015 hay 2018, thì bản thân lệnh đề chủ đạo của cuốn sách vẫn là : đổi mới do đảng, và đảng là nhân tố cho sự vững mạnh quốc gia.

Trong hệ xã hội mà đảng toàn quyền quyết định, thì các tầng lớp không gì mong mỏi hơn là "đảng đổi mới toàn diện, quyết liệt". Nhưng cho đến nay, đổi mới "đột phá" nếu tính từ Đại hội VI của Đảng cộng sản Việt Nam, thì đã thoái lui dần. Lý do, từ Đại hội VI, Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định 5 thành phần kinh tế : (Kinh tế xã hội chủ nghĩa (Quốc doanh, tập thể, gia đình), Kinh tế sản xuất hàng hóa nhỏ, Kinh tế tự túc, tự cấp, Kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế tư bản tư nhân) nhưng sau 33 năm, yếu tố "kinh tế tư bản tư nhân" vẫn bị nhìn nhận một cách dè dặt, dù bản thân chính yếu tố này đang là cứu tinh cho nền kinh tế Việt Nam (vốn bị lũng bại bởi yếu tố kinh tế xã hội chủ nghĩa).

Trong khi ông Nguyễn Phú Trọng, trong lời khai mạc Hội nghị Trung ương 10 "khuyến khích, động viên" kinh tế tư nhân, nhưng đồng thời khuyến cáo về hiện tượng "coi nhẹ kinh tế nhà nước". Còn trong thực tế, thì các thuế phí vẫn gây áp lực nặng nề lên phía doanh nghiệp tư nhân, theo đúng nghĩa "vắt kiệt".

Đơn cử, chỉ cần giá xăng dầu tăng lên thì chi phí vận chuyển cũng gia tăng theo, tiền lương và các phúc lợi xã hội sẽ khiến cho việc sản xuất – kinh doanh bị đình trệ. Thế nhưng, giá xăng dầu trong nước và giá điện liên tục tăng mạnh, trong khi giảm lại mang tính nhỏ giọt. Quan điểm của Bộ Công thương về việc "phối hợp Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước" chỉ là lời nói vô thưởng vô phạt.

Giới doanh nghiệp vừa và nhỏ, những yếu tố chứa đựng tầng lớp trung lưu bị "o ép và vắt kiệt" không khác gì cách ứng xử thời thực dân Pháp (vốn được đặc tả trong sách giáo khoa Lịch sử hiện nay). Môi trường kinh doanh thông thoáng, thuế phí hài hòa, loại bỏ tham nhũng vẫn là ước vọng của hàng ngàn doanh nghiệp tại Việt Nam, là giấc mơ của cả tầng lớp trung lưu Việt Nam.

Họ cần một sự thay đổi cơ chế, rõ ràng là vậy.

Một trong những dấu hiệu đột phá nhất để cho thấy "sự thay đổi" đó, đến từ công nhận "Việt Nam có nền kinh tế thị trường" từ phía đối tác EU, Mỹ. Vấn đề là phải cải cách chính sách triệt để. Bởi nếu không, câu chuyện "làm giàu" của tầng lớp trung lưu sẽ tiếp tục là quỹ đạo cũ kỹ, nơi mà họ buộc phải đi "đường vòng" thay vì "đường thẳng", và nếu không "có thế và lực thì khó giành được những ưu đãi về đồng vốn, về phân bổ tài nguyên và thường phải vận dụng cơ chế xin cho với nhiều cạm bẫy"…

Và bằng cách đó, tầng lớp trung lưu bị buộc phải "ngồi ở chiếu dưới do vị trí xã hội thấp không có khả năng liên kết với các nhóm lợi ích".

Khi tầng lớp trung lưu bị chèn ép, bị đặt ngồi thế dưới bởi các nhóm lợi ích thông qua các tập đoàn tư-công, thì sự tăng trưởng của Việt Nam cũng chỉ là "dậy non" (thiếu tính bền vững, thịnh vượng) không hơn không kém.

Và "Make in Vietnam" (một khẩu hiệu kinh tế mới trong thời kỳ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có vẻ theo đuổi tư duy Made in China của ông Tập Cận Bình) cũng sẽ khó thành công nếu chỉ dựa vào việc lập Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel.

Nếu Trung Quốc đi chân đất sét, thì Việt Nam cũng sẽ là như vậy, không phải vì văn hóa, mà vì cơ chế của hai nước giống nhau. Khác nhau ở điểm, Trung Quốc trả giá trước và Việt Nam trả giá sai.

Trở lại chút với Giáo sư Joseph Nye, ông là người đã từng đến Việt Nam nhiều lần, từng giảng dạy với các quan chức ngoại giao về "quyền lực mềm", và theo ông Việt Nam cũng có tiềm năng "đoạt lấy thứ mình muốn thông qua sự hấp dẫn thay vì ép buộc. Nó xuất phát từ sự hấp dẫn về văn hoá, tư tưởng chính trị và các chính sách của một quốc gia".

Gương Trung Quốc với tư duy "dậy non" vẫn đang diễn ra, và tham vọng Make in Vietnam sẽ sớm bị "chết non" như Made in China khi mà cơ chế, chính sách, tư tưởng chính trị vẫn xoay quanh "tăng cường sự lãnh đạo độc tôn của đảng", thay vì làm mọi cách để cởi nút thắt phát huy toàn diện, lâu dài tiềm lực quốc gia.

Đảng cộng sản là nhân tố duy nhất quyết định thắng thắng lợi của cách mạng, điều này đúng, nhưng đúng trong định nghĩa và quỹ đạo "cách mạng Đảng cộng sản".

Đảng cộng sản không phải là lực lượng duy nhất để đổi mới phương thức sản xuất, cải tiến quan hệ sản xuất, điều này không sai. Bởi lẽ, sự thay đổi của phương thức sản xuất, quan hệ sản xuất phải dựa trên sự cạnh tranh thị trường thay vì "mệnh lệnh chính trị" (Nghị quyết Đại hội), dựa trên nguồn lực phân bổ công bằng cho các thành phần kinh tế thay vì "kinh tế chủ đạo". Và trên cả là sự đối đãi đối với tầng lớp trung lưu một cách công bình, dựa trên "nuôi dưỡng" thay vì vắt kiệt sức bằng hệ thuế phí như hiện nay.

Và chỉ khi nào loại bỏ quan điểm, tư duy hẹp hòi đến mức bảo thủ, "Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn" thì khi đó, đất nước này mới có cơ hội cất cánh, và vượt ra khỏi những vết sai của Trung Quốc được.

An Viên

Nguồn : VNTB, 29/05/2019

Published in Diễn đàn

Ông Nguyễn Phú Trọng chưa bước qua được yếu tố "khó, mới, nhạy cảm, hệ trọng"

Ông Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố "về mặt chính trị, suy thoái còn nguy hiểm hơn cả kinh tế", nhưng ông Nguyễn Phú Trọng – một Giáo sư trong lĩnh vực xây dựng đảng đã quên rằng, Đông Đức (Cộng sản) sụp đổ, không phải vì bức tường, mà vì nước cộng sản này đã "cải tổ tập trung vào các vụ việc chính trị, mà không để tâm đến khía cạnh kinh tế".

buoc1

Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989.

"Việt Nam : Liệu Đại hội Đảng 13 sẽ có khác biệt ?", bài viết của Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ (nguyên Chủ nhiệm khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách & Phát triển).

Có hai quan điểm của Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, mà tác giả bài viết (An Viên) cho rằng, đáng lưu tâm.

Một là, ‘lồng thể chế’ để nhốt quyền lực chưa rõ hình hài. Cuộc chiến này phụ thuộc vào gương sáng của lãnh đạo và sự tập trung quyền lực tuyệt đối.

Hai là, đổi mới chế độ chính trị sẽ là tất yếu nhưng không phải ở Đại hội 13 tới đây, nhưng mỗi sự thay đổi đột phá, tiến bộ theo hướng dân chủ đáp ứng đòi hỏi của nhân dân đều được ghi nhận.

Cũng như quan điểm của Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, tôi cho rằng, hiện thực của cái "lồng thể chế" là chưa rõ hình hài, thậm chí, nó đã chính thức bị ép chết non từ thời điểm Đảng cộng sản Việt Nam ra Quy định 102 về cấm những gì mà Đảng viên không được làm, trong đó có hai yếu tố là thể chế xã hội dân sự và tam quyền phân lập. Cái nhìn của ông Tổng Bí thư, dù có kiêm nhiệm thêm vai trò Chủ tịch nước, hay thậm chí ông từng gợi mở về một cái "lồng" để "nhốt quyền lực", thì cái lồng đó (hay tư duy về quản lý) của ông Trọng vẫn là tư duy trong đảng, kỷ luật trong đảng và luật pháp trong đảng. Và hệ tư duy kiểu này được thiết lập trên cơ sở quy tụ quyền lực càng nhiều càng tốt hơn, để sử dụng nó như yếu tố nhằm xử lý tốt các vấn đề nằm trong tổ chức, từ đó quyền lực càng tuyệt đối, thì càng được coi là quyết định sống còn đến khâu "xử lý, kỷ luật, đốt lò". Chính điều này đã khiến cái "lồng lập pháp" (hay lồng thể chế) bị bóp chết, thay vào đó là cái "lồng kỷ luật đảng" được thành hình, mà "lồng kỷ luật đảng" chưa bao giờ được xem là đủ rộng về phạm vi, và đủ mạnh để quản lý các vấn đề phát sinh như "lồng cơ chế".

"Lồng của ông Nguyễn Phú Trọng" sau một thời gian tiến hành đốt lò đã hình thành một quy trình phụ thuộc như Tiến sĩ Phạm Quý Thọ chỉ ra, đó là "phụ thuộc vào gương sáng, và sự tập trung quyền lực tuyệt đối". Nó đồng thời cho thấy rằng, cả hai yếu tố trên sẽ không duy trì lâu dài các thành quả của cuộc chiến đốt lò, hay nói đúng hơn, đốt lò chắc chắn mang tính giai đoạn, và mầm mống tham nhũng sẽ nổi lên lại sau Đại hội 13 với phạm vi lớn hơn, tính phức tạp và tinh vi cao hơn.

Thứ hai, đổi mới chính trị là tất yếu, nhưng chính xác nó là tiến trình, xuất phát cơ bản từ "đòi hỏi của nhân dân". Nếu không phải là từ Đại hội 13 như Tiến sĩ Thọ nhận định, thì nó buộc phải là Đại hội 14. Cơ sở để nhận định như thế xuất phát từ tính hữu hạn trong chiến dịch đốt lò, và qua một nhiệm kỳ mới, tính chất "kỷ luật đảng" được thiết lập từ thời ông Nguyễn Phú Trọng sẽ bị đẩy nhanh hao mòn, xuất phát từ chính những lợi ích nhóm len lỏi trở lại, tinh vi và đối phó với các quy định trong đảng mà ông Nguyễn Phú Trọng kỳ vọng sẽ ngăn chặn được tham nhũng và sự thoái hóa – biến chất trong đảng. Cao hơn nữa, yếu tố "tấm gương sáng" dường như là một câu trả lời khó cho đội ngũ kế cận vào Đại hội 14, khi mà ông Nguyễn Phú Trọng có thể đã mất đi, và không còn điều hướng được đội ngũ của mình, và trên gương mặt chính trị có thể tiệm cận vào đội hình Bộ Chính trị, vẫn chưa thấy ai đủ sáng và đủ gương mẫu. 

Ngoài ra, thực tiễn cũng cho thấy, những thành phần từng được coi là "sáng, trẻ, gương mẫu", từng đạt vị trí ủy viên Bộ Chính trị trong kỳ Đại hội trước thì giờ đây lại là những kẻ phạm tội, có sân sau… Vấn đề của cơ chế hiện tại chính là không ai đủ sáng, chỉ có quyền lực có đủ tuyệt đối đến mức chưa đủ để lột trần vai diễn chính trị và những sai phạm liên quan hay không. Ngoài ra, yêu cầu và đòi hỏi của người dân tiếp tục gia tăng dựa trên nhận thức quyền, và những trò phi lý mang tính áp đặt từ chủ trương - chính sách nhà nước (thuế phí) đang làm gia tăng khoảng cách niềm tin của người dân đối với đảng cầm quyền cũng như tiếp tục tạo áp lực lớn trong đòi hỏi cải tổ toàn diện hệ thống chính trị của quốc gia.

Khi ông Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề, "vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào ? Đến năm 2045, nước ta sẽ như thế nào ?"... Thực chất, đây là câu hỏi gợi mở mà chính bản thân ông Trọng còn không thể hình dung, và sẽ rất khó hình dung khi mà các lực cản mạnh nhất liên quan đến "tư duy nhiệm kỳ", "lợi ích nhóm", "san sẻ lợi ích chính trị tư" vẫn đã và đang tồn tại như một căn cốt nằm trong cơ chế. Và chính bản thân ông Nguyễn Phú Trọng, như cách ông biểu hiện từ khi nắm giữ chức vụ Tổng Bí thư hiện nay, là ông thiếu cái gọi là "cảm quan chính trị", ông không hiểu được bản chất nền kinh tế trong nước liên đới trực tiếp đến khả năng cải tổ chính trị, và ngược lại, cải tổ chính trị giúp thúc đẩy thịnh vượng kinh tế. 

Thiếu "cảm quan chính trị" khiến ông Trọng vẫn đặt bản thân ông vào trong sự dè dặt, ngay cả khi đề cập đối "đổi mới chính trị, cải tổ chính trị". Và thiếu yếu tố trên cũng khiến ông Trọng đưa tư duy chính trị của mình vào trong một khuôn khổ rất chật hẹp, với quan điểm bày biện rằng, chỉ cần phát động phong trào chống tham nhũng thì đó chính là đổi mới chính trị. Đặt trong bối cảnh quốc tế hiện tại – nhất là khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, thiếu "cảm quan chính trị" có thể khiến ông Nguyễn Phú Trọng tạo nên niềm tin giữa chừng, nhưng không ngăn nổi tiến trình tồi tệ hóa của thể chế, đánh mất đi cơ hội để cải tổ chính trị, và tạo ra một vết nứt cho sự sụp đổ của thể chế trong tương lai.

Hãy nhớ, ông Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố "về mặt chính trị, suy thoái còn nguy hiểm hơn cả kinh tế", nhưng ông Nguyễn Phú Trọng – một Giáo sư trong lĩnh vực xây dựng đảng đã quên rằng, Đông Đức (cộng sản) sụp đổ, không phải vì bức tường, mà vì nước cộng sản này đã "cải tổ tập trung vào các vụ việc chính trị, mà không để tâm đến khía cạnh kinh tế".

Ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã "cải tổ qua vụ việc chính trị" dưới hình thức "chiến dịch đốt lò", tương tự như giai đoạn cuối cùng của Đông Đức. Do vậy, dù làm tốt vai trò "chống tham nhũng" trong giai đoạn tuyệt đối hóa cầm quyền, nhưng ông Tổng Bí thư Trọng không phải là nhân tố giải quyết tốt các yếu tố mang tính lâu dài của quốc gia, dân tộc, ông chưa bước qua được yếu tố "khó, mới, nhạy cảm, hệ trọng" về cải tổ chính trị toàn diện để thúc đẩy sự cầm quyền chính đảng và nền kinh tế quốc gia đi lên. 

An Viên

Nguồn : VNTB, 27/05/2019

Published in Diễn đàn

Vì sao một Ủy viên Bộ Chính trị với mức lương trung bình, lại có hẳn 30 tỷ đồng Việt Nam để tặng cho Nhà nước Lào với tư cách cá nhân. Tại sao ông Nguyễn Phú Trọng đề cao tính "gương mẫu", nhưng lại im lặng hoàn toàn trước lá thư của tập thể các đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam yêu cầu ông Tổng bí thư phải công khai tài sản của mình trước Hội nghị trung ương XII ?

quantham0

Chỉ có những lãnh đạo không tham nhũng mới có khả năng xoay trục sang Mỹ ?

Dù kỳ vọng cho một sự đổi mới chính trị, ít nhất là khi đường hướng phát triển quốc gia thoát ly ra khỏi hiện trạng phủ bóng của chính trị Trung Quốc, nhưng đôi khi, người viết nhận thấy một sự ngây thơ trong mớ hỗn độn chính trị của người Việt.

Facebooker Trần Đình Thu, một lần nữa lại đề cao vượt mức tính cá nhân làm nên lịch sử đối với ông Nguyễn Phú Trọng trong một bài viết công khai trên Facebook của mình, rằng chỉ có những lãnh đạo không tham nhũng và có quyền lực mới có khả năng xoay trục sang Mỹ.

Về quyền lực, khi ông Trần Đình Thu khẳng định ông Nguyễn Phú Trọng là quyền lực, thì ông lại vô tình loại bỏ yếu tố tập thể lãnh đạo – yếu tố chủ chốt trong hệ chính trị Việt Nam. Chính Bộ Chính trị mới là nhóm người quyền lực, và họ thỏa hiệp theo số đông để tạo chỗ dựa cho ông Nguyễn Phú Trọng. Nhưng quyền lực hơn nữa trong tạo chỗ dựa cho một ủy viên Bộ Chính trị bất kỳ lại là 200 ủy viên Trung ương Đảng – những người được kế thừa quyền lực mang tên "biểu quyết kỷ luật", và chính nhóm 200 người này đã "đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị ; và yêu cầu Bộ Chính trị có biện pháp tích cực khắc phục, sửa chữa khuyết điểm" tại Hội nghị trung ương 6 vào tháng 10/2012. Một quyết định gây bất ngờ với chính ông Nguyễn Phú Trọng.

Tiếp đó, tại Hội nghị trung ương IX, trong cuộc bỏ phiếu thi hành kỷ luật Tất Thành Cang, dù quyết định cách chức ủy viên trung ương Đảng, nhưng cũng đã có 36% không tán thành. Trong khi đó, Cang là một nhân tố nổi bật liên quan đến lợi ích nhóm về chính sách nói chung và đất đai nói riêng, gây bức xúc dư luận và khiến cho uy tín thành phố Hồ Chí Minh xuống thấp.

Đề cập như vậy, để ông Trần Đình Thu nhận thấy rằng, "tập thể" là quan trọng, và ngay cả kiêm nhiệm hai chức vụ chỉ mang tính tạm thời, nó không phải là nhất thể hóa để đem lại một quyền lực lớn như cách ông Trần Đình Thu tưởng tượng ra. Bản thân ông Nguyễn Phú Trọng trong lần được Ban Chấp hành trung ương giới thiệu làm Chủ tịch nước cũng đã tuyên bố rằng : Không phải nhất thể hoá, đây là tình huống.

Sự đi lên của quyền lực ông Trọng, một phần đến từ nội lực sắp xếp của chính ông, phần còn lại nằm ở chính bối cảnh khiến cho các vị Ủy viên trung ương Đảng phải chấp nhận "quyền lực ông Trọng", đó là nguy cơ đánh mất chế độ do tham nhũng, đặc biệt dưới thời kỳ ông Nguyễn Tấn Dũng. Một nguy cơ, một nỗi lo có thật mà chính bản thân những cựu quan chức hoặc quan chức đương quyền thừa nhận. Điều ông Nguyễn Phú Trọng mang lại qua chiến dịch "đốt lò" chính là niềm tin, thứ niềm tin của người dân, niềm tin mà nếu không có thì dễ dàng dẫn đến "mất dân, mất chế độ" như cách mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận gần đây.

Quyền lực của ông Trọng vì thế, lại chính là quyền lực mà nhóm đảng viên trung và cao cấp đồng thuận được để giữ được lợi quyền cho chính mình trong hiện tại và tương lai, một lợi quyền chỉ có thể chế này mang lại.

Về tham nhũng, Facebooker Trần Đình Thu cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng có khả năng xoay trục sang Mỹ vì không tham nhũng. Tuy nhiên, tại sao ông Thu không đặt câu hỏi vì sao một Ủy viên Bộ Chính trị với mức lương trung bình, lại có hẳn 30 tỷ đồng Việt Nam để tặng cho Nhà nước Lào với tư cách cá nhân. Tại sao ông Nguyễn Phú Trọng đề cao tính "gương mẫu", nhưng lại im lặng hoàn toàn trước lá thư của tập thể các đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam yêu cầu ông Tổng bí thư phải công khai tài sản của mình trước Hội nghị trung ương XII ?

Ông Trần Đình Thu có kỳ vọng về một Gorbachev ở trong tư duy ông Nguyễn Phú Trọng, nhưng ngay cả Gorbachev cũng chỉ là một tác nhân làm tràn ly cho sự tan rã của Liên Xô. Trong cuốn sách Suy nghĩ về quá khứ và tương lai, ông Gorbachev đã ghi rằng : Nó [sự tan rã Liên Xô] đã được quyết định bởi giới tinh hoa chính trị và các nhà lãnh đạo của các nước cộng hòa. Những người này tham vọng và khát vọng lớn.

Nếu đối chiếu về bối cảnh Việt Nam, thì giới tinh hoa chính trị và những nhà lãnh đạo nhận thức và khát vọng được vai trò "xoay trục, chuyển đổi", đặt trong bối cảnh kinh tế và sự vận động xã hội (sự vận động chậm chạp của nền kinh tế, và sự bùng phát nhìn nhận quyền của người dân), và họ sẽ giao phó trách nhiệm đó cho một cá nhân - nói cách khác, những tinh hoa chính trị Việt Nam cần thức tỉnh như cách mà Triệu Tử Dương và Hồ Diệu Bang từng thức tỉnh. Khi mà các yếu tố nêu trên không có, thì một cá nhân có hơi hướng "xoay trục" sẽ lập tức trở thành đối tượng "tự diễn biến, tự chuyển hóa".

Thứ hai, bản thân Gorbachev cũng đặt mình là một nguyên thủ, mà vai trò của ông chính là đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người dân sau bức tường sắt, chứ không phải ĐCS, chủ nghĩa Mác – Lenin. Điều mà ông Nguyễn Phú Trọng đến nay vẫn chưa hiện hữu về phát ngôn và hành động. Mặc dù, về mặt hình thức, "lợi ích tốt nhất cho người dân" của ông Trọng được ông hiểu qua chiến dịch "đốt lò" – một cách "lẫy mỡ nó rán nó".

Cấm xã hội dân sự, hạn chế quyền con người của nhân dân, chặn đứng bàn về tam quyền phân lập trong đảng, không công khai tài sản…. Nhưng tại sao ông Trọng lại trở thành "vĩ nhân" trong mắt ông Trần Đình Thu ?

An Viên

 

Nguồn : VNTB, 20/05/2019

Chỉ có những lãnh đạo không tham nhũng mới có khả năng xoay trục sang Mỹ ?

Published in Diễn đàn
jeudi, 16 mai 2019 14:14

"Lò nóng, củi gộc"

Sự xuất hiện trở lại của ông Nguyễn Phú Trọng cho thấy, công cuộc "đốt lò" sẽ tiếp tục, và nếu như theo cam kết của ông Trọng về một chiến dịch "làm mạnh hơn nữa", thì có thể chạm đến những "củi gộc", giải quyết những di sản thời ông Nguyễn Tấn Dũng và những vấn đề gây bức xúc lớn trong xã hội hiện giờ (bao gồm vấn đề đất đai tại Thủ Thiêm).

lo00

"Lò nóng, củi gộc" - Ảnh minh họa

Bỏ qua những thuyết âm mưa và tin đồn vô căn cứ, sự xuất hiện trở lại của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong chiều tối 14/5 đã gây một "cảm xúc xã hội" trên Facebook, hầu như cư dân mạng phản ứng đều là một cảm giác tích cực, vì công cuộc "đốt lò" được tiếp tục.

Trong một bức ảnh được chú thích là "tham dự cuộc họp với các lãnh đạo chủ chốt", có thể thấy bà Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Ban Chấp hành T.Ư ĐCSVN, và cuối cùng là Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên.

Trong bản tin của tác giả Hoài Thu trên trang tin tức Zing, đã đặt tiêu đề : Tổng bí thư trở lại làm việc và kỳ vọng 'lò nóng, củi gộc'.

"Củi gộc" được tăng tốc đưa vào "lò nóng"

"Củi gộc" được hiểu là những củi mang tính chủ chốt và quyết định trong tham nhũng.

Trùng thời điểm trở lại của ông Nguyễn Phú Trọng, ông Tề Trí Dũng (cựu Tổng giám đốc Cty THHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC), và bà Hồ Thị Thanh Phúc (Tổng giám đốc IPC) người có dính líu đến sự kiện chuyển nhượng không đúng quy định khu đất hơn 30 ha tại khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho tập đoàn Quốc Cường Gia Lai bị Cơ quan điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh tống đạt quyết định khởi tố bị can và khám xét nơi ở. Nhưng lớn hơn cả là, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh trước đó cũng đã chỉ ra nhiều sai phạm tại IPC, trong đó có việc công ty này thực hiện theo chỉ đạo của ông Tất Thành Cang khi là Phó bí thư Thường trực Thành ủy thành phố, đặc biệt trong vấn đề tăng vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), gây thiệt hại cho nhà nước hàng trăm tỷ. Nói cách khác, "khởi tố bị can" Tề Trí Dũng càng củng cố quan điểm, ông Tất Thành Cang sắp phải rời khỏi "ga xép" để đối mặt với việc bị truy tố.

Như lệ thường, Facebooker Phạm Việt Thắng tiếp tục tiết lộ thông tin vào sáng ngày 15/5, theo đó, ông Hiệp và ông Vũ (hai trợ lý cũ của anh Ba - tức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) có khả năng "hầu cảnh sát".

Ông Hiệp, hay Nguyễn Sỹ Hiệp được coi là một trong 8 Thứ trưởng 7x của chính trường Việt Nam, và hiện thời ông đang giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ông Hiệp cũng đang được đồn đoán là con của nguyên Chủ tịch Quốc hội khóa X Nguyễn Văn An.

Trong khi đó, ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương hai nhiệm kỳ trong thời kỳ ông Nguyễn Tấn Dũng cũng sắp đối diện với việc "hầu cảnh sát".

Sự xuất hiện trở lại cho thấy, công cuộc "đốt lò" sẽ tiếp tục, và nếu như theo cam kết của ông Nguyễn Phú Trọng về một chiến dịch "làm mạnh hơn nữa", thì có thể chạm đến những "củi gộc", giải quyết những di sản thời ông Nguyễn Tấn Dũng và những vấn đề gây bức xúc lớn trong xã hội hiện giờ (bao gồm vấn đề đất đai tại Thủ Thiêm).

"Phải tiếp tục cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Vừa qua ta đã làm tốt. Phải làm tiếp, không được nghỉ. Có khi phải làm mạnh hơn nữa thì mới tốt".

"Có khi phải làm mạnh hơn nữa thì mới tốt" là câu nói mang tính dự liệu, nhưng cũng nhấn mạnh yếu tố "răn đe", quan điểm này gợi nhớ lại cách ông Nguyễn Phú Trọng bày tỏ về đường hướng của chiến dịch chống tham nhũng vào năm 2018, "ai trót nhúng chàm rồi thì tự gột rửa đi, không phải cứ xử tử hay chung thân mới là tốt". Hàm nghĩa, ông Nguyễn Phú Trọng đang đề cao tính "thành khẩn khai báo", và từ đây có thể giải quyết cả một đường dây lợi ích có liên quan, tìm đến đúng những thanh "củi gộc". Và từ đây đến khai mạc ĐH XIII, là thời kỳ mà những di sản của ông Nguyễn Tấn Dũng phải cơ bản được giải quyết.

Đốt lò : không phải ai cũng phấn khởi ?

Sự "phấn khởi" về chiến dịch đốt lò và uy tín đang lên của ông Nguyễn Phú Trọng không hẳn làm hài lòng nhiều người.

Nhà báo Mai Quốc Ấn chia sẻ công khai trên Facebook cá nhân : Khi đám đông vẫn còn hóng "đốt lò" thay vì nghiền ngẫm để hiểu và lên tiếng để thay đổi thể chế bất cập ; thì sẽ vẫn là những người muốn tự do kiểu ban phát và trông cậy cá nhân quyền lực. Đó là một tâm thức nô lệ hay hội chức Stockholm diện rộng !

Quan điểm của nhà báo Mai Quốc Ấn cơ bản giống quan điểm nhà báo, nhà vận động nhân quyền Phạm Đoan Trang. Cái họ cần là sự giải quyết gốc rễ của nạn tham nhũng thông qua cải cách tối đa thể chế theo hướng dân chủ và phân quyền hơn là sự trông cậy vào xây dựng quyền lực một cá nhân để giải quyết tham nhũng. Bởi nếu tập trung quyền lực cá nhân để chống tham nhũng thì, hoặc quyền lực đó sẽ không được duy trì lâu qua yếu tố "nhiệm kỳ" - nhất là khi ông Nguyễn Phú Trọng ở tuổi xưa nay hiếm, hoặc nó sẽ tiếp tục vòng lặp "tha hóa quyền lực" như cách mà nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đang thể hiện tại Trung Quốc.

Yếu tố "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự" vẫn là hai yếu tố then chốt, nền tảng để thay đổi thể chế bất cập đó. Nhưng xét trên cơ sở những quy định trong thời kỳ ông Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Tổng bí thư, thì cả hai yếu tố trên đều bị xóa bỏ, ngay cả trong tư tưởng của đảng viên.

Vậy, chúng ta có thể kỳ vọng được gì trong chiến dịch đốt lò, và liệu rằng có sự thay đổi trong tư duy ông Nguyễn Phú Trọng ?

Chiến dịch đốt lò đang bắt đầu có kết quả, nhưng nó sẽ mang tính "nhiệm kỳ, dấu ấn" hơn là một tiến trình lâu dài, bởi suy cho cùng, chiến dịch nào cũng có giới hạn thời gian của nó. Chỉ trừ khi, chiến dịch đó được thay đổi thành quy trình thông qua sự đổi mới tư duy của ông Nguyễn Phú Trọng. Điều này, có viển vông không ?

Có một khe cửa hẹp cho sự kỳ vọng đổi mới tư duy của ông Nguyễn Phú Trọng vào những năm cuối đời thông qua biến cố (khủng hoảng kinh tế lẫn chính trị trả thù nội tại). Bởi nếu ông không chuẩn bị, thì tương lai, chính gia đình ông phải trả giá vì đấu đá chính trị nhiệm kỳ mới. 

Một viễn cảnh đặt ra dưới thời kỳ Nguyễn Phú Trọng là dù không thoát khỏi chủ nghĩa xã hội, nhưng cũng đi đến một biến thể của chủ nghĩa xã hội, như cách mà Tổng bí thư Nam Tư đã từng tiến hành, đó là tiến hành tự do hóa kinh tế với tự do hóa chính trị, mà một trong những quyền tự do được ghi nhận là "các đoàn thể tự do và người dân lao động […] tự do cá nhân và quyền con người".

An Viên

Nguồn : VNTB, 16/05/2019

Published in Diễn đàn

"Ảo tưởng" về không vùng cấm, về toàn dân tham gia "đốt lò", về dân chủ cơ sở với "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" tiếp tục vỡ vụn vào ngày 11/05/2019.

aotuong11

"Phải chăng bắt nguồn từ một niềm tin sai lầm của chúng tôi : bị ảo tưởng về công lý" (Quốc Phong).

Ông Nguyễn Công Khế, cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên trong một đăng tải công khai trên Facebook cá nhân đã đề cập đến tấm hình của nhà báo Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên) và Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ), cả hai ông cười trước khi "vào tù theo như tầm ngắm của những người phát động chiến dịch răn đe và đàn áp báo chí lúc đó (2008)".

Ông Quốc Phong, một người từng bị vào tù cùng thời điểm và sự vụ nêu trên trong chia sẻ công khai trên Facebook của mình đã cay đắng : phải chăng bắt nguồn từ một niềm tin sai lầm của chúng tôi : bị ảo tưởng về công lý.

Thực ra, thế hệ của ông Chiến, ông Hải, ông Khế cũng là một thế hệ "ảo tưởng" lần 2, bởi trước đó – thế hệ từng gánh trên vai hai cuộc chiến (chống Pháp và chống Mỹ) đã vỡ mộng, vì họ "ảo tưởng" rằng, sau chiến tranh sẽ là phồn vinh xã hội chủ nghĩa, nơi mà "dân chủ, tự do" được ngập tràn trong mọi ngõ ngách xã hội, nơi mà "người bóc lột người" sẽ tan biến trước cái chết của chủ nghĩa tư bản.

"Sớm thôi" và "được thôi" – những con người cách mạng từng nghĩ như vậy, và họ dốc cả máu, nước mắt, thanh xuân mình cho cuộc chiến. Nơi thể trạng mà những anh bộ đội Bắc Việt "leo cành đu đủ" nhưng không gẫy đã bẻ gãy nền quân lực hùng mạnh nhất.

Cơ chế thị trường mở toan toàn bộ bản chất cốt lõi của thể chế : tầm nhìn ngắn hạn, chộp giật và tham nhũng.

"Được thôi" và "rồi sẽ ổn" – những con người sau sau thời chiến đã từng nghĩ sẽ khắc phục và sửa sai được lỗi cơ chế. Và cuộc chiến chống tham nhũng, bè phái, lợi ích nhóm vốn giằng xé quốc gia ra từng mảnh nhỏ sẽ đi đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng PMU18, Năm Cam,… đã chứng minh đó là "ảo tưởng". Sau một bước tiến với khí thế hừng hực cách mạng, với ước mong làm sạch bọn "bán dân, hại nước" lại sớm bị phản đòn : kẻ vào tù, người bị về hưu sớm.

"Niềm tin đã trở lại" – "sớm thôi", những quan điểm và kỳ vọng về một cuộc lột xác của đất nước trước tham nhũng, ngàn người nín thở nhìn về phía một cụ ông đã gần 80 đời đang tất bật "chỉnh trang" quy định và ra các chỉ đạo đưa người không tốt vào tù. Nhưng càng lôi ra, thì người không tốt lại càng nhiều, nhiều đến mức, có người còn bảo, không biết nếu cụ ông sống đến 100 tuổi, thì liệu đã lôi hết được chưa.

Trong khi cụ ông vẫn đang nằm trên giường bệnh thì mới đây ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Thành phố Hà Nội, người đăng đàn nói về không vùng cấm, về dân chủ, chống lợi ích nhóm và tham nhũng, chống sân sau,… bị phát lộ có liên quan đến một vài doanh nghiệp. Một Nhật Cường cung cấp phần mềm liên quan đến đề án thành phố thông minh được cho liên quan đến ông. Một doanh nghiệp được cung ứng hóa chất tẩy rửa sông ngòi cho chính quyền thành phố lại có địa chỉ đăng ký giống địa chỉ thường trú của ông.

Một Formosa vẫn đang ngày đêm là trọng điểm ô nhiễm, mầm mống dịch hại cho thế hệ người dân Hà Tĩnh vẫn sừng sững ngự trị. Mới đây, một thông tin liên quan đến việc "Hà Tĩnh : Cảnh sát môi trường 'bó tay' với hàng triệu tấn chất thải của Formosa" gây xôn xao và phẫn nộ dư luận. Một luồng gió tưởng chừng như "đánh Formosa", hiện thực lời hứa của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người từng làm nức lòng dư luận với quan điểm "Không an toàn, không sản xuất, nếu vi phạm trở lại thì phải đóng cửa" vào năm 2017. Thế nhưng, tin tức khơi mào về Formosa đã bị gỡ bỏ, không ít người "kỳ vọng" đã trở nên hụt hẫng, mặc dù sau đó, báo chí tiếp tục được khai thác theo hướng "Gang xỉ ra Thái Nguyên".

BOT với những lời hứa hẹn kiểm tra để minh bạch và đúng luật vẫn tiếp tục là những lời hứa gió. Những tài xế phản đối BOT bẩn Bắc Thăng Long – Nội Bài (Thành phố Hà Nội) đã bị lực lượng công an cưỡng chế bằng bạo lực và bắt về đồn. Trạm thu trái phép vẫn tiếp tục tồn tại, và cách nó được bảo vệ không khác gì BOT An Sương (Thành phố Hồ Chí Minh). Bạo lực đáp trả lại quyền đòi minh bạch, chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm của người dân, và một lần… chính quyền lại đứng phía bên kia chiến tuyến. "Ảo tưởng" về không vùng cấm, về toàn dân tham gia "đốt lò", về dân chủ cơ sở với "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" tiếp tục vỡ vụn vào ngày 11/05/2019.

aotuong01

Và họ cũng không quên nhanh chóng dập tắt cái "ảo vọng" về sự thay đổi, cải đổi theo hướng đi lên của hệ cơ chế ngày nay.

Nhân dân sẽ không quên cách mà lực lượng vũ trang ứng xử với họ vào những ngày mà họ đứng lên đòi quyền liêm chính cho chính đất nước, quê hương của họ. Và họ cũng không quên nhanh chóng dập tắt cái "ảo vọng" về sự thay đổi, cải đổi theo hướng đi lên của hệ cơ chế ngày nay. Và họ càng không quên và ghi khắc dấu, ngày mà họ vỡ mộng và trở về với hiện thực cách mạng mà họ cho đó là phản bội lợi quyền cộng đồng. 

Chấm dứt một sự "ảo tưởng" của chính người dân chúng ta

An Viên

Nguồn : VNTB, 13/05/2019

Published in Diễn đàn

Khi ông Thủ tướng trăn trở về nạn phá rừng, thì tại quê ông [Quảng Nam] nạn phá rừng vẫn tiếp tục diễn ra, và gần đây nhất, cánh báo chí phát hiện khu nghỉ dưỡng mọc trái phép giữa rừng phòng hộ Trà Lý tại xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Trong khi đó, tại phía Bắc, rừng phòng hộ Sóc Sơn với hàng tá biệt thư xâm chiếm vẫn tiếp tục xây dựng, và tìm cách hợp pháp hóa. 

Tác giả Stephen Nash (Thời báo New York) trong một bài viết ngày 1/4 đã đề cập đến sự biến mất những cánh rừng và đe dọa hệ sinh thái tại Việt Nam.

bietphu0

Biệt phủ trong rừng phòng hộ Sóc Sơn

"Bất chấp những cuộc chiến kéo dài và bi thảm với Nhật, Pháp, Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam là một kho báu [về đa dạng sinh học]".

"Hàng trăm loài thực vật và động vật mới được phát hiện ở Việt Nam trong ba thập kỷ qua, và nhiều hơn nữa được ghi nhận mỗi năm"…

Nhưng tác giả đã sớm kết thúc sự choáng ngợp trước sự đa dạng sinh học đó, với những khu rừng quốc gia [rừng có tính đa dạng sinh học cao và được bảo vệ] để đến với thực tế, Việt Nam là trung tâm về buôn bán động vật hoang dã trên thế giới. Và hội chứng "rừng trống" đã và đang trở thành xu hướng tại đất nước này. 

Tàn phá hệ sinh thái đến từ nhiều lý do, trong đó có cả đặc tính rất Á châu, một danh mục dài các phương thuốc có mục đích bổ trợ sức khỏe. Và cạnh đó là nhu cầu ăn "thịt rừng" của người Việt, tại nhiều nơi, nổi trội là các nhà hàng ở vùng đô thị. 

Nhưng, tác giả Stephen Nash vẫn chưa đến tận cùng của nạn xâm hại hệ sinh thái ở Việt Nam, bởi ông còn tìm kiếm câu hỏi và trả lời ở những khu rừng quốc gia hoặc một số điểm còn được bảo vệ. 

Cách đây không lâu, nhóm người bạn của nhà báo Trương Châu Hữu Danh đã sử dụng thiết bị bay (flycam) trên vùng Tây Nguyên. Kết quả đã cho thấy, trong phạm vi mà flycam ghi nhận được, thì chỉ còn những đồi trọc.

Tây Nguyên, hệ sinh thái lớn, nơi bạt ngàn những cánh rừng đã bị xóa sổ hoàn toàn, và có những người giàu lên từ sự phá hủy đó, ông chủ của CLB Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Bầu Đức là một trong những con người như vậy. 

Đà Nẵng, thành phố được coi là đáng sống nhất tại Việt Nam cũng từng được báo giới quốc tế đề cập, khi khu vực sinh thái Sơn Trà mọc lên những căn biệt thự, mà không ít trong số đó là của giới quan chức đương quyền và nghỉ hưu, ở cả cấp trung ương lẫn địa phương. 

Tham nhũng là nguyên nhân dẫn đến sự biến mất của những cánh rừng, bổ sung những nhóm người giàu vì triệt phá thiên nhiên. Những nhóm quan chức vẫn thường xuyên có vai trò lớn đằng sau triệt phá hàng hecta rừng, những kiểm lâm viên – thậm chí trở thành những kẻ phá rừng mang tính chất quy mô và bài bản. 

Câu nói của ông Hồ Chí Minh năm xưa, thập niên 60 của thế kỷ XX đã trở thành một câu nói đánh đố và đầy thách thức ngược cho thiên nhiên Việt Nam hiện nay.

"Rừng là vàng, nếu chúng ta biết bảo vệ rừng sẽ đem lại cho con người nguồn tài nguyên vô cùng quý giá"…

Những biển hiệu "Rừng là vàng và cần biết bảo vệ" mọc lên đầy tại những nơi có rừng, nhưng những đoàn xe chở gỗ lậu, động vật hoang dã vẫn thoải mái đi qua các trạm kiểm soát rừng. 

"Rừng là vàng : chúng ta đang bảo vệ hay tận thu" đã có câu trả lời thực tế nhất, đó là đã – đang và sẽ tiếp tục tận thu. Những thứ còn sót lại sẽ tiếp tục biến mất trong tương lai, như cách mà tham nhũng vẫn đang len lỏi trong đời sống xã hội, chính trị người Việt. 

Năm 2017, ông Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng Việt Nam đã ví von, rừng là vàng, chặt 1 cây gỗ cũng phải thắp hương lạy cây!. Dư luận xã hội được đợt cười vui vẻ, nhưng thực sự, đó là biểu hiện xa xỉ của việc bảo vệ rừng tại Việt Nam, nhất tại tại những điểm nóng như khu bảo tồn, rừng đầu nguồn,…

Phá rừng núp bóng thủy điện, các dự án kinh tế, các quyết sách – chủ trương "bán rẻ thiên nhiên để phát triển", hay thậm chí chuyển đổi mục đích sử dụng vẫn là một trong những cách thức để tấn công vào chủ trương của chính Nhà nước Việt Nam đặt ra, trong đó đóng cửa rừng, không khai khác gỗ rừng tự nhiên.

Tuy nhiên, từ chủ trương, chỉ đạo cho đến hành động là xa vời tại đất nước mà trên nóng, dưới lạnh. 

Khi ông Thủ tướng trăn trở về nạn phá rừng, thì tại quê ông [Quảng Nam] nạn phá rừng vẫn tiếp tục diễn ra, và gần đây nhất, cánh báo chí phát hiện khu nghỉ dưỡng mọc trái phép giữa rừng phòng hộ Trà Lý tại xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Trong khi đó, tại phía Bắc, rừng phòng hộ Sóc Sơn với hàng tá biệt thư xâm chiếm vẫn tiếp tục xây dựng, và tìm cách hợp pháp hóa. 

Trong khi đó, "siêu nghĩa trang" hay "siêu chùa" núp bóng tâm linh đã tiếp tục bổ sung cách thức phá rừng công khai.

Siêu nghĩa trang tại rừng Tam Đảo đã "cam kết" làm biến mất 350ha rừng phòng hộ ở núi Ngang nhằm mục tiêu… phát triển bền vững.

Và Chùa Ba Vàng [ngôi chùa tai tiếng với nạn truyền bá mê tín dị đoan] từng có hẳn một Dự án Khu du lịch tâm linh thiền Trúc Lâm - Quảng Nam hay còn gọi là chùa "Ba Vàng Quảng Nam" với quy mô 200 ha, tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng. Và tất nhiên là nằm giữa rừng phòng hộ (Phú Ninh, Quảng Nam), như là một cách hòa mình với thiên nhiên.

Thiên nhiên tiếp tục bị tàn phá, bởi trong mắt những kẻ tham ô, rừng phá đi sẽ quy đổi thành vàng, thay vì để tồn tại. Và suy nghĩ này, quan điểm này chưa bao giờ đứt đoạn trong cơ chế hiện tại. Và "rừng vàng "   sẽ tiếp tục biến mất, như một... quy luật tự nhiên - xã hội.

An Viên

Nguồn : VNTB, 04/04/2019

Published in Diễn đàn