Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/07/2018

Di sản Việt Nam chết dần vì danh hiệu UNESCO ?

Phương Thảo

Vịnh Hạ Long được xếp vào một trong số 100 các danh thắng đẹp nhất trong số các di sản thế giới của UNESCO theo tờ Newsweek. Báo chí Việt nam đã cho chạy tít “Báo Mỹ : Vịnh Hạ Long trong top 100 di sản UNESCO” một cách đầy kiêu hãnh. Nhưng chính danh hiệu “di sản thế giới” đang góp phần giết chết dần đi các di sản này khi dòng du khách đổ về ngày một đông.

unesco1

Những núi đá sừng sững được kiến tạo hàng triệu năm nay đang bị tàn phá ở Vịnh Hạ Long

Không đánh đổi tất cả

Peru là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào công nghiệp du lịch và điểm đến không ai có thể bỏ qua ở quốc gia Nam Mỹ là thành phố cổ Machu Picchu nơi được xếp hạng di sản thế giới năm 1984. 

Để đến được Machu Picchu người ta hoặc phải đi xe lửa với giá đắt đỏ – 140 đô la khứ hồi cho một chuyến xe lửa 4 giờ đồng hồ ; hoặc phải đi xe bus với giá chỉ bằng một phần tư nhưng phải ngồi xe 6 -7 tiếng, và chặng cuối cũng cũng phải đi bộ tới 3 tiếng đồng hồ mới tới nơi vì không có đường cho xe chạy. 

Những người có sức khoẻ tốt thì có thể đi bộ trong 3-4 ngày trời theo lối đi của người Inca cổ xưa. Đi bộ kiểu này lại là cách tốn kém nhất để đến được vùng đất Machu Picchu. Một người phải trả từ 400- 700 đô la Mỹ cho một chuyến đi bộ như vậy. Một chặng đường chưa tới 50 cây số, mỗi ngày chỉ lội bộ chừng mươi mười lăm cây số nhưng không phải ai cũng đi được ở nơi có độ cao 2.000-3.000 mét nhiều khi không đủ khí oxy để thở. Chưa hết lại còn phải đăng ký trước có khi tới nửa năm mới có chỗ. 

Vé tham quan khu thành cổ cũng không hề rẻ chút nào với giá gần 50 đô la một người nhưng không phải mua lúc nào cũng có mà phải mua trước nhất là vào mùa cao điểm. Cộng thêm vô đó là 24 đô la cho hai lượt xe từ chân núi lên đến khu tham quan và trở về. Giá khách sạn, ăn uống, dịch vụ ở thị trấn nhỏ ngày đắt gấp hai ba lần những nơi khác bởi không có phương tiện chuyên chở. 

Một người tới đây có hà tiện cũng phải tốn hết 100 đô la cho một ngày tham quan ở đây. Nhưng họ không tìm cách hi sinh khung cảnh thiên nhiên để đổi lấy lượng du khách bằng mọi giá. 

Đường độc đạo từ các thành phố lân cận chỉ là đường xe lửa nhưng họ không phá núi để làm đường cho xe hơi chạy tới tận nơi. Tốc độ xây dựng ở khu dân cư dưới chân núi lớn mặc cho những lời chỉ trích, ở đâu cũng nghe tiếng các công trình xây dựng nhưng mọi thứ đất đá, nguyên vật liệu, kể cả thực phẩm được đưa vô thị trấn bằng xe đẩy cút kít như ở Việt nam vì đường đi hẹp, đông người. Nhưng việc xây dựng chỉ dừng ở chân núi.

Xe chở khách từ chân núi lên khu vực tham quan chỉ giới hạn ở 20 chiếc xe 25 chỗ ngồi chạy điện mà nhất định không đầu tư mua thêm xe và khi đông khách phải xếp hàng 2 tiếng đồng hồ mới tới lượt từ lúc ba bốn giờ sáng để kịp lên núi đón bình minh. Khách nào hà tiện, không muốn tốn tiền có thể lội bộ 2-3 tiếng từ chân núi lên trên. Cơ quan du lịch ở đây không có ý định xây cáp treo từ chân núi lên cao mà để cho khách lội bộ vậy đó. 

Số người tham quan bị giới hạn ở mức 3.267 người buổi sáng và 2.673người buổi chiều tuy nhiên lượng khách này tăng lên hơn hai lần theo khuyến cáo của UNESCO. Ngoài ra có hai đỉnh núi cao du khách có thể mua vé thêm để leo lên ngắm cảnh và cũng chỉ cho phép 400 khách leo lên đỉnhHuayna Picchuvà 800 khách cho đỉnh Machu Picchu. Loại vé này vào mùa cao điểm có khi cũng phải đặt trước 6 tháng mới mua được. 

Đường đi khó khăn, giá không rẻ , nhiều khi có tiền mà không có sức khoẻ cũng không thực hiện được nên khách đến nơi này là du khách chọn lọc, thật sự có hứng thú vơi nền di sản cũng như lịch sử Inca và thiên nhiên Peru chứ không phải để tìm đến một công viên giải trí nhàm chán.

Thế nhưng chính Unesco cũng khuyến cáo Peru về tình trạng quá tải du khách gây tổn hại cho thành cổ Machu Picchu từ nhiều năm qua. 

Hội an

Trong năm 2017 có 3,22 triệu người đã đến tham quan Hội an, tăng 22% so với năm trước. Một Hội An vốn chật hẹp đã trở nên càng chật hẹp hơn. 

Khách vào Hội an phải mua vé, việc bán vé để tạo ra thu nhập cho địa phương và cũng đồng nghĩa là càng đông du khách sẽ càng tăng thu nhập. Với 3,22 triệu du khách một năm ( đông gần gấp 20 lần dân số Hội An ), như vậy hàng ngày Hội An đón trung bình 8-9 ngàn du khách. Đường phố chật hẹp chỉ với vài ba con phố chính, du khách chỉ có đổ ra đường để rồi chỉ có du khách va vô nhau. 

Để thoả mãn nhu cầu ăn ở và giải trí của khách, từ một điểm du lịch Văn hoá, Hội an đã tự biến mình thành một công viên giải trí với đầy các quán xá để phục vụ du lịch, phá huỷ đi tính độc đáo của những toà nhà cổ xưa vốn là điểm lôi kéo du khách đến với Hội An. Người dân địa phương cũng đã đi ra ngoài khu phố cổ sinh sống để nhường lại chỗ cho du khách. 

Với một lượng lớn du khách như vậy chỉ nội việc xử lý lượng rác thải mỗi ngày lên đến 50 tấn chỉ ở Hội an là một bài toán không có lời giải đáp khi công nghệ xử lý rác thải của Việt nam chưa tiến bộ và ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa được nâng cao. Và hệ luỵ là ô nhiễm nước ngầm, đất đai khi biện pháp xử lý rác vẫn ở mức chôn rác thải. 

Hạ Long 

Nằm sát biên giới với người khổng lồ phương bắc, Hạ Long đón gần 7 triệu du khách, gấp hai lần Hội an. Để lôi cuốn khách, Hạ Long đã đưa vào khai thác nhiều “công trình dịch vụ du lịch đẳng cấp” như : Công viên nước Hạ Long, Sunworld Hạ Long Park, công viên hoa… mà họ ( lãnh đạo địa phương ) cho rằng sẽ góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch Hạ Long, tạo dấu ấn đặc sắc, tăng sức thu hút đối với du khách thập phương.

Những người đến Hạ long để hưởng các “công trình dịch vụ du lịch đẳng cấp” chắc chắn không phải là các lượt khách quốc tế đến từ Âu Mỹ khi họ muốn thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên chứ không phải đặt chân vào một công viên giải trí vốn chẳng lạ gì ở Phương Tây. Các công trình này sẽ góp phần bóp chết các tiêu chuẩn về giá trị địa chất, địa mạo vốn đã được Unesco công nhận vào năm 2000. 

Chưa kể đến việc thói quen xả rác vô tội vạ, nước thải không qua xử lý từ các khu dân cư đông đúc được xả thẳng vào vịnh Hạ Long. Nếu đặc khu Vân đồn với các khu công nghiệp, khách sạn, sân golf, sân bay đi vào hoạt động thì lượng rác và nước thải sẽ còn tăng lên theo cấp số nhân. 

Với lượng khách 9 triệu lượt một năm như hiện nay, chính quyền Hạ Long đã gần như không thể xử lý hết những vấn nạn về ô nhiễm tiếng ồn, nước, và rác thải. Với ước muốn tăng lượng khách càng nhiều càng tốt – dự kiến sẽ tăng lên đến 12 triệu – sẽ làm thay đổi sự đa dạng sinh học trong vùng vịnh một cách nhanh chóng mà không thể nào hồi phục lại được. 

Hạ long, Hội an hay bất kỳ di sản thế giới nào của Việt nam, nếu không kìm lại việc tăng lượng khách du lịch bằng mọi giá để có nguồn thu cho ngân sách lại thì chỉ có thể lôi cuốn lượng khách ồ ạt, thiếu chọn lọc. Nếu những nơi này tiếp tục chấp nhận biến các danh thắng vô giá thành các khu công viên giải trí hiện đại thì không sớm thì muộn sẽ mất đi lượng khách muốn tìm về thiên nhiên và tìm hiểu lịch sử từ phương Tây. Một khi các yếu tố vốn làm nên sự độc đáo của các di sản UNESCO bị mất đi, thì nguy cơ bị đưa vào danh sách di sản đang gặp nguy cơ hoặc thậm chí bị đưa ra khỏi danh sách di sản UNESCO là điều không thể tránh khỏi. 

Phương Thảo

Nguồn : VNTB, 22/07/2018

Quay lại trang chủ
Read 820 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)