Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/05/2018

Ai đang muốn đưa chủ nghĩa toàn trị trở lại ?

Quốc Phương

Các chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa toàn trị v.v... tiếp tục vẫn là đề tài được nhiều giới quan sát, phân tích nghiên cứu và luận bàn.

Đang có khuynh hướng một số quốc gia 'lớn và mạnh' trên thế giới muốn đưa chủ nghĩa toàn trị trở lại, trong khi việc 'tôn vinh' chủ thuyết Marx - Lenin ở một số quốc gia với Đảng cộng sản cầm quyền thực chất chỉ là cách thức để 'tồn tại' và giữ độc quyền 'cai trị', theo ý kiến các nhà phân tích và quan sát người Việt Nam từ Pháp.

Trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 17/5/2018 từ Marne-la-Vallée, mạn nam Paris, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nhà báo và nhà nghiên cứu, nêu quan điểm :

"Ngày nay, nhìn chung trên toàn thế giới, chủ nghĩa toàn trị đang phát triển khá rộng rãi, đặc biệt là ở một vài nước lớn, chẳng hạn như Nga hay Trung Quốc, nhưng tại một số các quốc gia ở lục địa Phi Châu, hay Nam Mỹ thì nó đang giảm dần.

"Nhưng có phong trào mới là ngày nay các quốc gia trong khối cộng sản cũ đang có khuynh hướng muốn trở lại chế độ toàn trị để giữ vững quyền lực và duy trì niềm tin của dân chúng vào chế độ".

Và Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy đưa ra lý giải cho góc nhìn của mình, ông nói :

"Với trào lưu toàn cầu hóa, người dân trong các quốc gia cộng sản cũ có khả năng biết được những tin tức ngoài quốc gia của họ qua hệ thống mạng Internet và từ đó thấy những sai trái của chế độ cai trị đương quyền. Để hạn chế mọi chống đối, các quốc gia lớn cộng sản cũ, như Trung Quốc và Nga, đang có khuynh hướng tập trung quyền lực vào tay một người, muốn kiểm soát mọi người và duy trì lại chính sách toàn trị".

toantri1

Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy nói về Chủ nghĩa Toàn trị

Về chủ nghĩa cộng sản, trong dịp quốc tế đánh dấu 200 năm sinh của Karl Marx, nhà quan sát này nói thêm :

"Chủ nghĩa cộng sản sau Đệ nghị Thế chiến phát triển rất mạnh mẽ. Ở Châu Âu thì có thể nói là chủ nghĩa cộng sản là một trào lưu tư tưởng chính trị phát triển rất mạnh trong những năm 1940-1955, nhưng từ khi khối Liên Xô ra mặt đối đầu với khối Tự Do mà do Mỹ và Tây Âu lãnh đạo, phong trào cộng sản bắt đầu giảm xuống, các chính quyền phương Tây hạn chế quyền lực và tầm vóc của những tổ chức cộng sản.

"Đến gần đây, tại Pháp chẳng hạn, đảng cộng sản đã gần như bị tan rã và suy thoái hoàn toàn và họ phải kết hợp với những tổ chức khuynh tả khác để tạo lại một thế lực cánh tả... Đảng cộng sản Pháp ngày nay không còn thực lực và không đủ khả năng quy tụ quần chúng như trước. Chủ trương và đường lối của họ ngày nay không còn hấp dẫn người Pháp nữa.

"Nhìn sang các quốc gia thứ ba, trong đó có Việt Nam, Lào, Trung Quốc, nói chung là các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á, thì chủ nghĩa cộng sản chỉ lời nói ngoài miệng mà thôi, chứ thực sự tổ chức xã hội của họ ngày nay không còn gì cộng sản hết.

"Vì lý tưởng cộng sản chủ trương xóa bỏ giai cấp bóc lột, đem công bằng và phúc lợi xã hội cho người dân, phân chia của cải đồng đều cho mọi người… Trong khi ngày nay tại các quốc gia cộng sản như Việt Nam, Bắc Hàn, Lào, hoặc Trung Quốc, bất công xã hội hoàn toàn ngự trị, cái gì cũng phải trả tiền kể cả học hành và chữa bệnh.

"Trong khi những người có tiền, nhất là những cấp lãnh đạo giàu có trong Đảng cộng sản, lãnh đạo đất nước không có gì là cộng sản cả. Thành ra tôi thấy trong khối các quốc gia cộng sản, mặc dù những người lãnh đạo vẫn nói là áp dụng hay duy trì chủ nghĩa cộng sản, nhưng thực chất các xã hội này đã biến thoái nhường chỗ cho một chủ nghĩa tư bản mang dại lộng hành. Lý tưởng mà họ theo đuổi không còn có ý nghĩa gì của thời Karl Marx đưa ra, nghĩa là mọi người đều bình đẳng và được bảo vệ như nhau trước luật pháp của một xã hội dân sự tốt", Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy bình luận.

'Sai lầm lớn nhất'

Từ Paris, nhà văn Vũ Thư Hiên đưa ra quan điểm của ông về Chủ nghĩa Marx và bình luận về điều mà ông cho là hạn chế hay sai lầm của chủ thuyết này, ông nói :

"Tôi nghĩ rằng không phải vô lý mà ở nhiều Đại học trên thế giới người ta vẫn dành ra những giờ cho việc nghiên cứu Marx và Engel, các ông ấy trong phương pháp nghiên cứu và những phát biểu của mình, đặc biệt là Marx lúc trẻ có nhiều ý kiến hay, nhưng sai lầm lớn nhất của họ sau những nghiên cứu rất kỹ càng về các vấn đề của Chủ nghĩa Tư Bản, thì lại đi đến một kết luận sai lầm là tất cả sinh ra bởi tư hữu tài sản, cái đó là sai.

toantri2

Nhà văn Vũ Thư Hiên (trái) bình luận về Chủ nghĩa Cộng sản nhân 200 năm sinh của Karl Marx

"Thứ hai, và là cái sai lớn nhất, là ở trong Tuyên ngôn Cộng sản, khi ông tuyên xưng sự chuyển biến từ một xã hội bình thường mà chúng ta quen gọi là xã hội Tư Bản Chủ nghĩa, sang Chủ nghĩa Xã hội và đích cuối là Chủ nghĩa Cộng Sản, thì ông cho rằng cái đó phải được tiến hành bởi giai cấp vô sản và phải áp dụng một cái gọi là chuyên chính vô sản, thì những cái đó đã tạo ra một tệ nạn kinh khủng ở trên thế giới này.

"Tất cả các Đảng Cộng sản mà đi theo con đường đó đã để lại những di họa rất lớn, số người chết thì không thể tính trăm, tính nghìn, mà tính hàng triệu rồi, thì cái đó phải nói rằng Chủ nghĩa Marx gây ra tai hại", tác giả cuốn hồi ký chính trị 'Đêm giữa ban ngày' nói.

toantri3

Tác phẩm 'Tư bản' của Marx được trưng bày ở Trier

Khi được hỏi, nếu có những hạn chế hay điểm gây tranh cãi như vậy, tại sao Chủ nghĩa Marx, mở rộng hơn là Chủ nghĩa Marx - Lenin, vẫn tồn tại và được tôn vinh ở một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc hay Việt Nam v.v..., nhà văn Vũ Thư Hiên nói :

"Tôi nghĩ rằng chuyện đó cũng bình thường, nó tùy vào tầm hiểu biết mà người ta tôn vinh cái này hoặc cái kia, thí dụ như tục vái những ông bình vôi treo ở các cây đa đầu làng, thì vẫn có những bà đến vái, vì vậy cho nên chúng ta có thể bằng trí tuệ nói chuyện về Chủ nghĩa Marx chứ không nên tấn công những cụ bà già đó làm gì, cái đó không xứng đáng với con người trí tuệ của thế kỷ này,

"Trong trường hợp phải nói là những người hiện nay cố gắng giữ Chủ nghĩa Marx và cộng thêm Lenin vào đấy, mà thực sự ra cái đó cũng khiên cưỡng, họ đưa vào đấy để tồn tại và giữ được quyền cai trị chứ không phải vì cái gì khác...

"Cái câu mà nói rằng 'cái gì tồn tài, cái đấy hợp lý', khái niệm hợp lý có thể ở trong một thời điểm, có thể trong một quãng thời gian, chúng ta thấy rằng nó đã từng hợp lý ở Liên Xô và các nước Đông Âu, nhưng sau đó người ta đã chứng minh là nó không hợp lý và người ta làm cái khác.

"Vì vậy nếu chúng ta nói là nếu nó tồn tại ở Trung Quốc, Việt Nam là hợp lý, thì tôi không thể chia sẻ cách suy nghĩ đó", nhà văn Vũ Thư Hiên nói BBC Tiếng Việt từ thủ đô của nước Pháp.

Quốc Phương

Nguồn : BBC, 23/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 940 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)