Vấn đề của Việt Nam hiện nay là vấn đề thay đổi hệ thống chính trị, nó không phải là vấn đề hoài cổ hay nhằm vào việc trả thù. Dân tộc Việt Nam cần đoàn kết để giữ gìn độc lập và bảo vệ chủ quyền đất nước.
Đảng cộng sản Việt Nam không thể tiếp tục chà đạp mãi lên nguyện vọng và ước vọng của người dân - Ảnh minh họa
Để làm được điều này thì cái môi trường xúc tác cho sự đoàn kết để tạo nội lực cần phải sẵn sàng, tức là một hệ thống chính trị đương đại thích hợp, dung thứ được những bất đồng để cùng nhau bảo vệ sự sinh tồn của quốc gia dân tộc.
Trong tất cả các hệ thống chính trị đã lưu hành thì hệ thống dân chủ pháp trị đã chứng tỏ được khả năng đoàn kết dân tộc, xây dựng nội lực và tạo ổn định chính trị thực sự.
Một chính quyền sợ dân thì không phải là một chính quyền ổn định, chính quyền là bạn dân mới mà chính quyền ổn định. Chính quyền do dân chọn ra và nếu người dân không thích thì người dân có khả năng thay đổi được mới là chính quyền ổn định.
Dân chủ như người biết bơi, độc tài như người đứng trên bờ và sợ nước. Nếu đứng mãi trên bờ thì không bao giờ bơi được và cứ cho rằng xuống nước sẽ bị sặc nước, bị chết chìm, dân chủ chỉ gây hổn loạn và sụp đổ chính trị thì chỉ có được độc tài.
Thực tế là khi tập bơi, ban đầu người ta có thể bị sặc nước, tức có vài bất ổn nhỏ vì thiếu kinh nghiệm và chưa quen, nhưng đó chỉ là chướng ngại giai đoạn và dễ vượt qua được, như Đài Loan, Nam Hàn, Nam Dương... đã kinh qua. Nhưng khi đã biết bơi rồi thì như kình ngư trên biển cả, vừa ổn định chính trị với chính quyền là bạn dân, vừa mạnh mẽ phát triển được đất nước.
Đảng cộng sản Việt Nam biết rõ đại vấn nạn của họ là hệ thống chính trị lỗi thời, đầy lỗi hệ thống, do kiến trúc ban đầu chủ ý sao cho thật là cứng ngắc, không cho phép sửa đổi để nhằm bảo vệ cái gene độc tài độc đảng, cho nên họ thật sự lúng túng khi môi trường sống của nhân loại đã đổi thay, hệ thống lỗi thời này chỉ có thể tiếp tục ù lì để chờ ngày sụp đổ, không thể biến cải qua dân chủ được.
Hệ thống sai, tức vấn đề của mọi vấn đề, nguyên nhân của mọi nguyên nhân thì lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam không dám đụng đến, coi đó là taboo/cấm kỵ. Để tránh né việc đương đầu với lỗi hệ thống, họ phùng xoè bằng việc chống tham nhũng mà thực chất là thanh toán phe phái và ngăn chận hiện tượng tự diễn biến tự chuyển hóa từ bên trong và từ bên trên của các đảng viên.
Vấn đề hệ thống là vấn đề nền tảng của độc tài hay dân chủ, nhưng lại là vấn đề ít được quan tâm. Do bản năng xã hội của luật sinh tồn dẫn dắt, nguời ta thường quan tâm đến quan hệ con người và sự giao thiệp người-người bên trong hệ thống mà ít khi để ý đến cái tai hại của một hệ thống sai lầm đang nhốt họ bên trong. Người ta dễ nhìn ra ông Nguyễn Tấn Dũng tham nhũng nhưng khó nhìn ra hệ thống độc tài độc đảng là sai. Khi hệ thống đã sai thì người tốt muốn tồn tại phải hành xử như người xấu để thích ứng với hệ thống (ở bầu thì tròn, ở ống thì dài), cho nên nếu không ông Dũng thì ông Phúc, ông Bình, ông Quang... cũng tham nhũng thế thôi!
Ca dao Việt Nam có câu :
Tiếc công vun quén cây tùng
Săm soi trên ngọn, gốc sùng không hay
Câu ca dao này phản ảnh nổ lực "đốt lò" của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, dù cái lò "đã nóng lên rồi" cũi tươi cũng phải cháy như ông đã nói, nhưng khi ông càng đốt thì đảng Đảng cộng sản Việt Nam càng rã rời, ai cũng lo là không biết khi nào đến phiên mình, vì mối dây đoàn kết bây giờ thuần tuý là quyền lợi và quyền lực, chứ không phải hệ thống giá trị, lý tuởng hay chất keo Mác-Lê gì sấc, cho nên nó tạm thời và hay thay đổi, mai mốt nếu phe mình yếu thì tới phiên mình bị làm củi đốt ra tro. Tham nhũng thì ủy viên nào cũng đều tham nhũng, nên thực chất thì ai cũng đều là củi, hệ thống có đầu vào là người và đầu ra là củi. Hệ thống vận hành theo luật rừng xanh, củi mạnh đẩy củi yếu vào lò. Cái gốc của hệ thống đã bị sùng ăn nhưng ông Trọng thì lo săm soi trên ngọn.
Ngày 10/4/18, ông Trọng chủ trì cuộc họp của Ban bí thư trung ương Đảng. Ông nói dư luận trong Đảng đang dấy lên mối lo ngại rằng chống tham nhũng nếu "không cẩn thận sẽ làm nhụt chí (đảng viên), không ai muốn làm nữa", và ông nói rằng "tư tưởng đó sai... nếu ai thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm", có nghĩa là ông tiếp tục đốt lò để loại các đối thủ của ông trong Đảng. Nhưng ngay sau đó ông bày tỏ sự bất lực, than thở về tình trạng "trên nóng dưới lạnh" trên bảo dưới không nghe. Rõ ràng là trong Đảng đang có sự âm thầm liên minh và ngầm chống đối.
Rồi ông Trọng tự thú nhận rằng chống tham nhũng chỉ là cái cớ để nguỵ trang cho cái mối lo sợ thực sự của ông là hiện tượng tự diễn biến trên thượng tầng kiến trúc của Đảng. Ông nói rằng nội hàm tự diễn biến, tự chuyển hóa về tư tưởng chính trị CHƯA ĐƯỢC CHÚ Ý, mà mới nặng về đạo đức lối sống, xử lý các sai phạm kinh tế (tức chống tham nhũng); cái SÂU XA là trung thành tuyệt đối với Đảng, kiên định với chế độ. Điều này có nghĩa là ông Trọng thú nhận đảng viên không còn trung thành với Đảng, không còn kiên định với chế độ, tất cả chỉ là vì nồi cơm, nếu thay đổi hệ thống mà nồi cơm vẫn giữ được thì họ sẵn sàng bỏ chiếc thuyền chìm để nhảy qua thuyền nổi.
Mối ưu tư thực sự của ông Trọng là sự sụp đổ của Đảng, nó xảy ra khi đầu não lãnh đạo rã rời, như con trai ông Lê Duẫn là Tiến sĩ Lê Kiến Thành đã báo động cách nay hơn hai tháng. Ông Trọng biết rõ thượng tầng lãnh đạo đang bị chia rẽ trầm trọng và bị cuốn vào vòng xoáy suy vong. Theo một nguồn tin khả tín từ Hà Nội, chị cho biết ông Trọng lo lắng hiện tượng tự diễn biến đe dóa sụp đổ chế độ hơn cả hiện tượng diễn biến hóa bình của các thế lực thù địch, vì ông dễ bắt dễ nhốt họ hơn các đồng chí tự diễn biến của ông. Những Trần Huỳnh Duy Thức, Hội Anh Em Dân Chủ, Mẹ Nấm, Trần Thị Nga... ông bắt và kết án trên 10 năm dễ hơn là bắt và kết án tương tự với các ủy viên Bộ chính trị, Trung Ương Đảng, hay các cựu quan chức cao cấp, vì bứt dây động rừng dẫn đến sụp đổ.
Việc "đốt lò" của ông đang nhắm vào hai thành phố lớn là Đà Nẵng và Sài Gòn. Ở Đà Nẵng ông dùng đầu dây Vũ Nhôm (Phan Văn Anh Vũ) để triệt hạ Trần Đại Quang, Tô Lâm và khoảng 12 tướng trong Bộ công an. Quang bị ung thư máu, đầu tháng 4/2018 lại đi Nhật trị bệnh, đó là một hình thức rút lui vì lý do sức khỏe.
Tô Lâm sẽ bị thay thế bởi Bùi Văn Nam, một tướng thứ trưởng công an bảo thủ đáng gờm, trung thành với ông Trọng và có thể trở thành ủy viên Bộ chính trị trong năm nay.
Ngày 18/4, nhà riêng hai cựu Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến bị khám xét, hai ông này đã bị khởi tố hôm 17/4. Cùng ngày, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 5 Bộ công an đã nghỉ hưu, trung tuớng Phan Hữu Tuấn và cán bộ công an Nguyễn Hữu Bách bị bắt tạm giam. Các ông Nguyễn Điểu, Trần Văn Toán, nguyên Giám đốc và Phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Thành phố Đà Nẵng, và ông Lê Cảnh Dương, Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Thành phố Đà Nẵng đã bị truy tố.
Ngoài ra trung tướng công an Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, và thiếu tuớng công an Nguyễn Thanh Hoá, nguyên cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao C50 bị bắt vào tháng 3 vì liên quan đến một đường giây đánh bạc.
Ở Sài Gòn, ông Trọng đang triệt hạ phe cánh của cựu bí thư Lê Thanh Hải, phe cánh này trong khoảng 15 năm qua đã cấu kết với bà Trương Mỹ Lan (Vạn Thịnh Phát, liên hệ kinh tài với tình báo Hóa Nam) thao túng bất động sản vùng Sài Gòn. Ông Hải đã từng đẩy hàng trăm gia đình ở Quận 2 thành dân oan, thực hiện qua bàn tay của ông Tất Thành Cang. Em ông Hải là Lê Tấn Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn đã bị kỷ luật. Con ông là Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND Quận 12 cũng vừa bị kỷ luật hôm 17/4 với lý do lãng xẹt là đã có quan hệ tình cảm với một phụ nữ và có con chung, nhưng chậm báo cáo.
Trong hai ngày 11-12/4, Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam có cuộc họp lấy ý kiến về những đề án sẽ trình lên Hội nghị Trung ương 7 diễn ra trong tháng 5 (thay vì tháng 4 như dự trù vì ông Trọng chưa sắp xếp được nhân sự), ba nội dung chính là tập trung xây dựng lực lượng cán bộ các cấp, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, và cải cách chính sách tiền lương. Trong hội nghị này, chỉ dấu là ông Đinh Thế Huynh sẽ chính thức bị loại khỏi Bộ chính trị, ông Trần Đại Quang không tham dự. Theo tin Hà Nội, ông Huynh bị ông Trọng bí mật thu băng cuộc nói chuyện với Đinh La Thăng mà nội dung là ông Thăng hối lộ ông Huynh 500 ngàn đôla để giúp Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, ông Thăng nói với ông Huynh rằng : chuyện này anh Quang (Trần Đại Quang) đã đồng ý rồi và chỉ còn có anh nữa thôi !
Sau Hội nghị trung ương 7 đa phần ông Nguyễn Thiện Nhân sẽ thay ông Quang nắm chức Chủ tịch nước. Ông Nhân ba phải, không có xương sống để thách thức uy quyền ông Trọng cho nên ông Trọng an toàn trong việc ‘de facto’ nhất thể hóa quyền lực Đảng và quyền lực Nhà Nước vào tay ông. Bí thư Sài Gòn sẽ là một trong hai người : Võ Văn Thưởng và Trương Hóa Bình. Ông Bình không mặn mà trong vị trí này vì nó làm ông thấp hơn vị trí hiện tại là Phó thủ tướng thường trực và dễ bị tai tiếng hơn, trong khi ông ăn đã no, trừ khi ông bị ông Trọng ép phải nhận. Cho nên đa phần là ông Võ Văn Thưởng sẽ là Bí thư Sài Gòn.
Vụ ông Út Trọc (Thuợng tá Đinh Ngọc Hệ) Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thái Sơn, Phó tổng giám đốc đối ngoại của Tổng công ty Thái Sơn thuộc Bộ quốc phòng bị khởi tố là do ông Trọng muốn triệt Thứ trưởng Bộ quốc phòng, Thượng tướng, "Anh Năm" Nguyễn Chí Vịnh, một đồng minh của ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông Trọng ưu ái Bộ quốc phòng vì đa số trong bộ này đang là đồng minh của ông ta, nên Bộ quốc phòng không bị xáo trộn như Bộ công an. Đánh Út Trọc để lể cái gai "Anh Năm" Nguyễn Chí Vịnh, chứ Vincom của đại tá Tổng Cục 2 Bộ quốc phòng Phạm Nhật Vượng vẫn mua đất với giá ưu đãi do được ông Trọng chống lưng. Bộ quốc phòng không thể vô can trong vụ đất quân đội ở Căn Cứ 26 Phan Văn Trị, Gò Vấp mà bộ ưu ái chuyển cho các đại gia. Ông Trọng muốn ôm súng lớn để khống chế súng nhỏ của công an.
Bên trong cái hệ thống đầy lỗi của độc tài độc đảng là một sự chằng chịt các gọng kềm kiểm soát chống lật đổ, ví dụ như các tư lệnh quân khu muốn điều binh phải có từ 5 đến 7 chữ ký, tuỳ theo bên trong hay bên ngoài quân khu. Bộ công an bị nghi ngờ, ông Trọng ngồi vào đảng ủy để vô hiệu hóa quyền lực của bộ trưởng Tô Lâm, dùng vụ án Vũ Nhôm để loại đối thủ, cải tổ tuớc bớt quyền hành và đưa người của ông ta lên để nắm bộ này. Dù vậy, khi lòng trung thành của đảng viên không còn nữa thì những sự kiểm soát chống lật đổ sẽ chẳng có giá trị gì.
Trong tiến trình đàn áp hiện tuợng tự diễn biến trong Đảng qua chiêu bài chống tham nhũng, ông Trọng đã tạo ra quá nhiều kẻ thù. Những kẻ thù này đang âm thầm liên kết lại và sẵn sàng nổ tung cho vỡ đảng để thoát cảnh củi lửa đốt lò. Ông càng đốt lò thì vòng xoáy suy vong càng tăng tốc.
Sự sụp đổ của một chế độ đã già cỗi và đang suy tàn đến từ hai yếu tố : lòng dân muốn thoát ra khỏi hệ thống kềm kẹp sưu cao thuế nặng như hiện nay, và thượng tầng lãnh đạo bị chia rẽ không thể nào hàn gắn được như các phe phái trong Đảng đang đốt lò làm thịt lẫn nhau.
Những người đang tranh đấu cho dân chủ tự do, dù bị Đảng cộng sản Việt Nam dã man đàn áp, nhưng niềm tin và hy vọng cho một tương lai xán lạng cho dân tộc đang dang tay chào đón họ trong khúc hát khải hoàn.
Lê Minh Nguyên
(21/04/2018)