Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/03/2018

Chiến lược xâm nhập văn hóa vào cộng đồng người Việt hải ngoại

Sơn Tùng

Từ chuyện Trường Việt ngữ Thăng Long, tới việc dạy tiếng Việt ở hải ngoại

Những năm gần đây, nhiều người đã nghe nói tới "Nghị quyết 36" của chính quyền cộng sản Việt Nam nhưng ít ai quan tâm và tìm hiểu xem nó là cái gì và ảnh hưởng như thế nào tới đời sống của người Việt ở hải ngoại.

thanglong1

Lễ khai giảng Trường Việt ngữ Thăng Long (ảnh Sơn Tùng)

Cùng lúc đó trong các cộng đồng người Viêt hải ngoại có những hiện tượng như "sư quốc doanh" xuất hiện ngày càng nhiều, những nhạc hội có nghệ sĩ từ Việt Nam ra trình diễn ngày càng đông, những tờ báo chuyên đăng những bài đánh phá, gây chia rẽ trong cộng đồng và phỉ báng những người chống cộng có uy tín, và mới đây là "vụ Thúy Nga Paris by Night-VietFace" đang được dư luận đặc biệt chú ý.

Trong khi ấy, ít ai biết từ mấy năm nay Nghị quyết 36 đã "gõ cửa" Trường Việt ngữ Thăng Long ở Virginia, cách Sứ quán cộng sản Việt Nam ở Washington không quá 15 phút lái xe.

Khởi đầu là cho người tiếp xúc, đề nghị hợp tác với "Viện nghiên cứu giáo dục ở Việt Nam" về việc giảng dạy tiếng Việt Nam ở các nước, trong đó có việc giảng dạy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam.

Sau đó là một điện thư từ Sứ quán cộng sản Việt Nam được gửi tới Trường Việt ngữ Thăng Long, đề nghị :

"Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam đã đưa ‘Chương trình dạy Tiếng Việt trực tuyến miễn phí dành cho người Việt Nam ở nước ngoài’, sử dụng hai bộ sách giáo khoa ‘Quê Việt’ (dành cho người lớn) và ‘Tiếng Việt Vui’ (dành cho trẻ em và thanh thiếu niên) lên mạng internet.

Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ xin trân trọng giới thiệu Chương trình dạy và học tiếng Việt nêu trên và mong rằng Trường Việt ngữ Thăng Long sẽ hưởng ứng và sử dựng các chương trình nói trên trong giảng dạy tiếng Việt".

Tuy những móc nối này không đi đến đâu vì không có một đáp ứng nào từ Trường Việt ngữ Thăng Long, nhưng chúng tôi muốn nhân đây dóng lên tiếng chuông báo động, không chỉ cho Cộng đồng người Việt Vùng Hoa-Thịnh-Đốn, mà cũng liên hệ tới mọi Cộng đồng người Việt ở hải ngoại.

thanglong2

Tết Trung Thu ở trường Việt Ngữ Thăng Long (Ảnh : Sơn Tùng)

Trước hết, những Cộng đồng người Việt ở hải ngoại, trên căn bản, cùng có chung một nguồn gốc, một hoàn cảnh, và một lý do để bỏ nước ra đi : là người Việt tại Miền Nam Việt Nam dưới vĩ tuyến 17, do biến cố 30/4/1975 khi Cộng sản Miền Bắc (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) xé bỏ Hiệp Định Paris 1973, đánh chiếm Việt Nam Cộng Hòa (một quốc gia tự do và hợp pháp được khoảng 100 nước trên thế giới nhìn nhận). Biến cố này đã tạo ra một cuộc bỏ nước ra đi ồ ạt chưa từng thấy của những người không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản và đã trải qua những cuộc hành trình đầy gian nguy mà những người sống sót đã họp thành các Cộng đồng người Việt tại nhiều nước ở hải ngoại.

Như vậy, về luật cũng như về lý, hầu hết các Cộng đồng Người Việt ở hải ngoại không những không liên hệ gì tới chế độ cộng sản tại Việt Nam, mà còn chống lại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không kể một số người đã trở về Việt Nam với lý do riêng.

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không có căn bản pháp lý nào để gọi người gốc Việt ở hải ngoại là "Việt kiều" và can thiệp vào sinh hoạt của các Cộng đồng Người Việt (hay gốc Việt) ở hải ngoại.

Cái gọi là Nghị Quyết 36 (36-NQ/TW) của Bộ Chính trị khóa IX của Đảng cộng sản Việt Nam về "công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài", chỉ bộc lộ tham vọng đen tối của đảng cộng sản Việt Nam : xâm nhập, khai thác, lũng đoạn các Cộng đồng người Việt ở hải ngoại (cf Phụ chú 1 và 2).

Để chi tiết hóa và thi hành nghị quyết này, Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị quyết 27/NQ-CP ngày 5/4/2016 vạch rõ những "công tác" cộng sản Việt Nam sẽ thực hiện đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong giai đoạn 5 năm từ 2016 tới 2020, bao trùm mọi khía cạnh trong đời sống của người Việt (hay gốc Việt) ở hải ngoại : chính trị, kinh tế, văn hóa, văn nghệ, báo chí truyền thông, giáo dục, tôn giáo…

Trong khuôn khổ bài này, chúng tôi chỉ tóm tắt vài điều cần thiết (một phần từ tài liệu của Nhà báo Phạm Trần) liên hệ tới chủ đề như sau :

- Có kế hoạch, biện pháp cụ thể chủ động đấu tranh, phân hóa và đối phó với các đối tượng cực đoan quá khích, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, sắc tộc để gây chia rẽ trong cộng đồng, gây tổn hại quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, nhất là ở các địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc.

- Huy động nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

- Nghiên cứu và cung cấp cho các Bộ, ngành, cơ quan trong nước kinh nghiệm quốc tế về thu hút các chuyên gia, trí thức hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về các nhà khoa học, nhà văn hóa, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài.

- Tăng cường kết nối doanh nhân Việt Nam trong và ngoài nước, xây dựng và vận hành kênh thông tin điện tử để phát huy khả năng của người Việt Nam ở nước ngoài trong việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, phát triển chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Ban hành cơ chế khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài trao đổi và cung cấp thông tin về thị trường, thị hiếu, tiêu chuẩn chất lượng của người tiêu dùng với các đại diện xúc tiến đầu tư và thương mại của Việt Nam ở các nước, đặc biệt là các địa bàn trọng Điểm có nhiều người Việt sinh sống. Tăng cường hỗ trợ hoạt động của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.

- Tăng cường thông tin tuyên truyền đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

a) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến kiều bào về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, dạy và học tiếng Việt,… ; tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài tuân thủ luật pháp và chính sách của nước sở tại.

b) Xây dựng, triển khai thực hiện Đề án cung ứng dịch vụ phát thanh, truyền hình qua mạng internet phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2015 - 2020, Đề án "Quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam ra nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020", Đề án "Nâng cao chất lượng ấn phẩm, báo chí đối ngoại bằng tiếng nước ngoài" để tăng cường thông tin phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài…

c) Lập kênh phát thanh, truyền hình phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài bằng hệ thống truyền hình qua mạng IPTV hoặc hệ thống truyền hình của nước sở tại, nhất là tại các địa bàn tập trung đông người Việt Nam sinh sống ; hỗ trợ cung cấp nội dung thông tin và hợp tác sản xuất chương trình với các báo, đài của người Việt Nam ở nước ngoài ; tổ chức tập huấn và trao đổi nghiệp vụ báo chí với các phóng viên, biên tập viên kiều bào. Chủ động thiết lập quan hệ và tranh thủ các báo, đài có quan Điểm ủng hộ Việt Nam để đấu tranh phản bác lại luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của báo, đài, trang mạng nước ngoài có thái độ thù địch chống Việt Nam…

Tiếng Việt - tôn giáo - ca sĩ giao lưu

- Hỗ trợ cộng đồng duy trì tiếng Việt, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

a) Tổng kết đánh giá hiệu quả việc dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài từ năm 2004 đến nay ; xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả việc triển khai chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.

b) Tăng cường triển khai các chương trình dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến, phù hợp tình hình thực tế và nhu cầu của người Việt Nam ở từng quốc gia, địa bàn, khu vực ; đẩy mạnh xã hội hóa, đặc biệt là các chương trình do các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp dạy tiếng Việt cho người nước ngoài biên soạn ; hướng dẫn khai thác, sử dụng miễn phí hai bộ sách học tiếng Việt : "Tiếng Việt vui" và "Quê Việt".

c) Hỗ trợ việc dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài tại các trung tâm văn hóa, các trường của các Hội người Việt Nam hoặc các cơ sở giáo dục, các tổ chức dạy tiếng Việt khác ở nước ngoài để tổ chức dạy và học tiếng Việt ; định kỳ tổ chức các khóa bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.

d) Đẩy mạnh công tác tăng cường thông tin tuyên truyền về chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ; tiếp tục hỗ trợ cho các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, tạo Điều kiện để kiều bào được tham gia các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng trong nước.

(ngưng trích)

Được biết Trường Việt ngữ Thăng Long tại Virginia đã được thành lập trên 30 năm, bởi vài cá nhân trẻ thuộc "Hội Văn Hóa" (như chị Huyền, chị Hạnh, anh Đạt). Ý tưởng ban đầu chỉ là muốn sử dụng giờ sinh hoạt cuối tuần vào việc dạy Việt ngữ cho trẻ em. Sau đó, trường phát triển mạnh và tách khỏi "Hội Văn Hóa" từ niên học 1999/2000, khi có thêm được nhiều thân hữu tham gia vào việc dạy học và đã phát triển thành một trung tâm dạy Việt ngữ. Hiện nay ban quản trị có 6 người do Hoàng Vi Kha, một trong những khuôn mặt trẻ tích cực trong sinh hoạt cộng đồng Vùng Hoa Thinh-Đốn, đảm nhận vai trò hiệu trưởng từ năm 2000.

Lễ khai giảng Trường Việt ngữ Thăng Long 2017-2018 (VIETV DC, 06/10/2017)

Ông Hoàng Vi Kha cho biết Trường không chỉ dạy Việt ngữ mà còn cả văn hóa, đạo đức, lịch sử và những kỹ năng hữu ích như tính sáng tạo, nhận xét, phân tích, tra cứu, trình bày vấn đề.

Trường luôn giới hạn số học sinh không quá 100 em để bảo đảm thầy cô mỗi lớp có thể kèm sát từng em. Mỗi lớp luôn có ít nhất 2 thầy cô và một phụ giảng (TA). Các cấp lớp gồm : mẫu giáo, lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 và lớp đặc biệt đàm thoại cho người lớn. Trường học mỗi thứ bảy từ 9g30 sáng tới 12 giờ trưa, kéo dài từ tháng 9 cho tới tháng 6. Tương tự như một năm học của các trường Mỹ. Như thế sẽ tạo một sự liên tục với trường VYEA nơi dạy Việt ngữ vào mùa hè.

Trường có những sinh hoạt văn hóa, lịch sử, xã hội như : Hội Xuân, Tết Trung Thu, thi trẻ em tài năng, thi viết văn, thi sáng tác truyện, thi thực hiện những bài khảo cứu chuyên đề văn hóa hoặc lịch sử và đặc biệt luôn quan tâm tới vấn đề đức dục cũng như hướng dẫn trẻ em gần gũi với các hoạt động xã hội và các vấn đề hiện trạng ở Việt Nam. Trường cũng thực hiện các khóa tu nghiệp sư phạm cho thầy cô mỗi năm và biên soạn sách giáo khoa, ấn hành các tài liệu giảng dạy văn hóa, lịch sử.

Tóm lại, Trường Việt ngữ Thăng Long ở Virginia được điều hành và giảng dạy bởi những người có tinh thần quốc gia kiên định, đào tạo học sinh trở thành một con người tự do, không phải bị nhồi sọ theo kiểu cộng sản.

Không lung lạc hay thò tay được vào Trường Việt ngữ Thăng Long để thi hành Nghị quyết 27 và 36, đối phương đã giở trò phá hoại sở trường, rỉ tai xúi giục một số phụ huynh học sinh đưa ý kiến với ban quản trị "không nên đem chính trị vào nhà trường" !

Thế nào là "đem chính trị vào nhà trường" ? Chắc người đọc đã hiểu người cán bộ cộng sản muốn nói gì.

Hiện nay, các thư viện công cộng và thư viện các trường từ tiểu học tới đại học tại Mỹ đầy dẫy "sách giáo khoa" xuất bản tại Việt Nam. Những cuốn sách ấy không "đem chính trị vào nhà trường". Chúng chỉ sai sự thật và nhồi sọ học sinh, sinh viên với những tư tưởng cặn bã độc hại đã bị loài người tiến bộ đào thải.

Bà Triều Giang, chủ tịch Hội Bảo tồn Văn hóa và Lịch sử người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ, tức VAHF (Vietnamese American Heritage Foundation) cho biết khoảng năm 2006, tại Houston tràn ngập những quyển sách từ Việt Nam qua, trong đó có những quyển sách, tác phẩm rất sai lạc và có tính cách tuyên truyền. Thí dụ họ nói là việc đưa khoảng 3.000 em mồ côi sang bên này, hay còn gọi là Baby Lift vào năm 1975, là để huấn luyện thành… gián điệp và gái điếm…

Chưa hết, bà Triều Giang còn tới các thư viện công cộng ở Houston để làm việc chung với nhân viên thư viện, chỉ cho họ những cái sai chết người như trong bộ sách "Những người Mỹ mới" có tới 15 điều "sai lệch rất là trầm trọng", như đoạn nói ông Nguyễn Thái Học vào năm 1943 đã đổi tên thành… Hồ Chí Minh" !

Như thế là không đem chính trị vào trường học, còn nói tới tội ác của Việt Cộng đã tàn sát năm ngàn thường dân tại Huế trong cuộc tổng công kích tết Mậu Thân là "đem chính trị vào trường học".

Người Việt hải ngoại cần thức tỉnh và nhìn cho rõ. Do đâu cộng đồng luôn luôn xáo trộn ? Vì sao có quá nhiều hội đoàn chống phá nhau ? Tại sao có những người mồm nói "chống cộng" nhưng chuyên gây tranh cãi và xào xáo trong cộng đồng ? Có những tờ báo "quốc gia" chuyên đăng bài phỉ báng những người chống cộng có uy tín trong cộng đồng ? Vì sao con cái bỗng có tư tưởng thân cộng, tôn sùng Hồ Chí Minh, chống lại cha mẹ ?

Trở lại vụ Trường Việt ngữ Thăng Long, "chúng ta" - những tổ chức hội đoàn chưa bị nhộm đỏ trong Cộng đồng, những người muốn giữ "lằn ranh Quốc/Cộng", những phụ huynh học sinh quan tâm tới con cái, cần phải tích cực hơn trong việc bảo vệ và duy trì các trường dạy Việt ngữ "của người Quốc Gia" ở hải ngoại, chống lại sự len lỏi, xâm nhập của Nghị quyết 36, Nghị quyết 27.

Trước hết, chúng ta cần quan tâm tới việc dạy cho con cái nói tiếng Việt ngay từ lúc còn nhỏ và cho con theo học tại các Trường Việt ngữ trong Cộng đồng.

Không nên phó mặc con cái cho nhà trường Mỹ, trường Tây… mà cần phải lưu ý xem chúng đang học những gì, đọc những gì trong thư viện nhà trường, quan tâm hướng dẫn chúng về chính trị, thường xuyên cảnh giác trước sự xâm nhập của những tư tưởng độc hại vào đầu óc non nớt của chúng.

Chúng ta cần quan tâm và đóng góp nhiều hơn vào việc duy trì, bảo vệ và mở rộng các Trường Việt ngữ trong Cộng đồng. Hiện nay, chúng ta chưa có sự đầu tư cần thiết cho các thế hệ tương lai một cách hữu hiệu và thực tế như tạo ra những sách giáo khoa, truyền thông, ngân quỹ dồi dào để có thể ngăn chặn những thứ độc hại của Nghị quyết 36, Nghị quyết 27.

Thực tế phũ phàng hiện nay là người Việt hải ngoại đang đổ về Việt Nam hàng chục tỉ đô-la "kiều hối" mỗi năm để nuôi béo băng đảng cộng sản Việt Nam, trong lúc chúng để dân nghèo cho "ta" cứu trợ, còn con em chúng ta thì phó mặc cho… Nghị quyết 36, Nghị quyết 27 !

Sơn Tùng

____

Phụ chú 1 : Phát hành hai bộ sách Tiếng Việt vui và Quê Việt (GDVN, 09/01/2016)

Bộ Giáo dục và đào tạo vừa quyết định giao cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên tập, thiết kế, chế bản, tạo file để đưa lên internet, in và phát hành hai bộ sách Tiếng Việt vui và Quê Việt. Theo đó, bộ sách Tiếng Việt vui có 16 quyển, gồm : Sách Học sinh (6 quyển), sách Bài tập (6 quyển), sách Hướng dẫn giáo viên (4 quyển) ; Bộ sách Quê Việt có 14 quyển, gồm : Sách dạy tiếng Việt trình độ A, B, C (6 quyển), sách Bài tập trình độ A, B, C (6 quyển), sách Hướng dẫn giáo viên trình độ C (2 quyển).

thanglong3

Hai bộ sách Tiếng Việt vui và Quê Việt - Ảnh : V.Hà

Theo Bộ Giáo dục và đào tạo, hai bộ sách này được in nhằm mục đích phục vụ việc bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2020. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bàn giao bản mềm hai bộ sách này cho văn phòng bộ để đăng tải lên trang : http//www.moet.gov.vn. Ngoài ra, Nhà xuất bản phải nộp sản phẩm lưu chiểu theo quy định và giao 400 bộ sáchTiếng Việt vui, 350 bộ sách Quê Việt cho Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và đào tạo) để sử dụng tập huấn giáo viên hàng năm.

PV

*****************

Phụ chú 2 : Hai bộ sách dạy tiếng Việt cho kiều bào (Tuổi Trẻ online, 22/01/2016)

Đã hơn 5 năm kể từ khi tập sách cuối cùng của hai bộ sách Tiếng Việt vui và Quê Việt được xuất bản và dạy thử nghiệm ở nhiều nước.

thanglong4

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Ảnh : Nguyễn Khánh

Hiện Bộ Giáo dục và đào tạo đã giao cho Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam tái bản hai bộ sách này.

Ở thời điểm này, đây là hai bộ giáo trình đầu tiên do các chuyên gia trong nước biên soạn, để hỗ trợ việc dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài, theo định hướng như dạy một ngoại ngữ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - chủ biên bộ sách Tiếng Việt vui, đồng thời là người chủ trì xây dựng chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài - cho biết :

Nguyễn Minh Thuyết : Thực hiện dự án của Chính phủ về hỗ trợ dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài, do phó thủ tướng thời kỳ đó là ông Phạm Gia Khiêm làm trưởng ban chỉ đạo, năm 2005 chúng tôi đã hoàn thành việc xây dựng hai chương trình.

Một chương trình dành cho thanh thiếu niên từ 9-18 tuổi và một chương trình cho người lớn trên 18 tuổi. Sau khi chương trình được thẩm định, chúng tôi tiến hành biên soạn hai bộ sách Tiếng Việt vui và Quê Việt từ năm 2006, đến năm 2010 thì hoàn thành. Mỗi bộ sách có 18 cuốn, phân chia thành 6 trình độ.

Mỗi trình độ gồm có sách cho học sinh, sách cho giáo viên và sách bài tập. Ngoài ra, một số nội dung hai bộ sách còn được thể hiện trên đĩa CD.

Qua thực tế tập huấn và phản hồi việc dạy học ở các nước, chúng tôi có chỉnh sửa bộ sách một lần. Nhưng đến nay sách mới được giao cho Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam xuất bản và phát hành theo hình thức sách điện tử và sách in để bà con, giáo viên tham gia giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài truy cập, sử dụng miễn phí.

Tuổi Trẻ : Xin Giáo sư cho biết so với sách giáo khoa tiếng Việt dạy cho học sinh trong nước thì bộ sách Tiếng Việt vui và Quê Việt có gì khác biệt ?

Nguyễn Minh Thuyết : Đối tượng học hai bộ sách này là người Việt định cư ở nước ngoài. Trong số thanh thiếu niên từ 9-18 tuổi học bộ Tiếng Việt vui, rất nhiều người sinh ra, lớn lên ở nước ngoài, chỉ biết lõm bõm hoặc hoàn toàn không biết tiếng Việt.

Số người Việt trên 18 tuổi học tiếng Việt cũng là những người chưa nói được tiếng Việt. Vì thế, sách biên soạn cho các đối tượng trên gần giống như sách dạy ngoại ngữ. Tiếng Việt vui và Quê Việt đều chú trọng việc dạy giao tiếp chứ không phải dạy ngữ pháp.

Từ các bài học đến hệ thống bài tập đều đưa người học vào những tình huống giao tiếp cụ thể, từ đó phát triển vốn từ ngữ và khả năng giao tiếp. Hai bộ sách đều xây dựng theo các chủ đề, chủ điểm cụ thể, gần gũi với đời sống của cộng đồng người Việt ở trong nước và nước ngoài.

Tuổi Trẻ : Việc biên soạn sách tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài có gặp nhiều khó khăn ?

Nguyễn Minh Thuyết : Cái khó nhất của tiếng Việt với người không biết tiếng Việt là thanh điệu. Nếu ở trong nước, sách giáo khoa tiếng Việt có thể dạy cùng lúc cả 6 thanh điệu thì với người học ở nước ngoài, phải tính toán cẩn thận để đưa ra những từ ngữ có thanh điệu dễ phát âm trước, khó phát âm sau, mỗi bài 2 thanh điệu thôi.

Ngoài ra là sự phức tạp trong xưng hô của tiếng Việt. Nếu các sách ngoại ngữ khác đều đưa chủ đề làm quen đầu tiên thì bộ sách Tiếng Việt vuikhông thể làm như vậy. Trong bộ sách Tiếng Việt vui, trước tiên chúng tôi dạy bài học về gia đình. Bài thứ 2 mới dạy cách xưng hô theo vị trí trong gia đình. Từ đó mới mở rộng ra cách xưng hô trong xã hội.

Tuổi Trẻ : Nội dung và hình thức hai bộ sách nói trên có định hướng lồng ghép việc giới thiệu hình ảnh đất nước, khơi dậy tình cảm hướng về quê hương của kiều bào không, thưa ông ?

Nguyễn Minh Thuyết : Sách dạy tiếng Việt cần giới thiệu phong cảnh, phong tục tập quán, kinh tế - văn hóa Việt Nam. Việc đưa vào sách những câu chuyện, hình ảnh gần gũi của Việt Nam cũng phù hợp với mong muốn của kiều bào.

Tuy vậy, để phù hợp với người học, nhất là trẻ em sinh ra ở nước ngoài, khi lựa chọn các tình huống giao tiếp đưa vào sách, chúng tôi cũng cân nhắc để làm sao người học không quá xa lạ.

Ngoài ra, sách là tài liệu chung để cộng đồng người Việt ở nhiều nước khác nhau sử dụng tham khảo. Mỗi cộng đồng người Việt xa xứ có một đặc điểm khác nhau, vì thế chúng tôi cũng chọn đưa vào sách những nội dung, hình ảnh thể hiện giá trị chung của người Việt ở mọi cộng đồng.

Tuổi Trẻ : Theo ông, tình hình dạy tiếng Việt ở nước ngoài như thế nào ? Hai bộ sách này có mang tính thống nhất để dạy cho người Việt ở nước ngoài ?

Nguyễn Minh Thuyết : Nhóm biên soạn chương trình và sách có phân công nhau đi khảo sát ở một số nước như Mỹ, Pháp, Thái Lan...

Sau này chúng tôi còn có các đợt tập huấn giáo viên ở các nước Đông Âu, Mỹ, Thái Lan và Lào. Hầu hết việc dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài đều do các giáo viên không chuyên đảm nhiệm.

Nhiều thầy cô không được đào tạo sư phạm cũng như không được đào tạo để dạy tiếng Việt. Tài liệu dạy học thì tự sưu tầm là chủ yếu. Một số thầy cô mang sách giáo khoa tiếng Việt dạy cho học sinh tiểu học trong nước sang dạy nên không hiệu quả. Khi Tiếng Việt vui và Quê Việt được biên soạn, dự án có in hơn 1.000 cuốn, chủ yếu phát cho các giáo viên dạy tiếng Việt từ các nước về Việt Nam tập huấn. Sau đó, nhiều người đã sử dụng bản photocopy hoặc chụp ảnh lại sách, đưa vào đĩa CD làm tài liệu dạy học.

Điều kiện dạy học ở mỗi cộng đồng người Việt các nước có những điểm khác nhau, nên hai bộ sách trên chỉ là tài liệu để giáo viên tham khảo, linh hoạt sử dụng, hoặc dựa vào đó biên soạn tài liệu chính thức dùng cho việc dạy học.

Vĩnh Hà thực hiện

*******************

Chi tiết về in ấn hai bộ sách Tiếng Việt vui và Quê Việt

Bộ Giáo dục và đào tạo giao Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ biên tập, thiết kế, chế bản, tạo file để đưa lên Internet, in và phát hành hai bộ sách Tiếng Việt vui và Quê Việt. Cụ thể :

- sách Tiếng Việt vui in 437 bộ, với 2.622 quyển sách và 2.622 sách bài tập, 

- sách Quê Việt in 387 bộ, với 2.322 quyển sách và 2.322 sách bài tập.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và đào tạo cũng giao Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam in sách phục vụ việc bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2020.

Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam có trách nhiệm bàn giao bản mềm hai bộ sách Tiếng Việt vui và Quê Việt đã được biên tập cho văn phòng bộ để đăng tải lên trang http//www.moet.gov.vn. Tổng kinh phí thực hiện : 1.639.098.903 đồng (khoảng 72.000 USD).

Nguồn : Bộ Giáo dục và đào tạo

Quay lại trang chủ
Read 894 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)