Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/11/2017

Tìm hiểu hiện tình phong trào dân chủ Việt Nam

Nguyễn Vũ Bình

Ngày 14/11 vừa qua, chị Nguyễn Thanh Tâm của chương trình phỏng vấn livetream Đối Diện trên mạng xã hội facebook có cuộc phỏng vấn nhà báo Nguyễn Vũ Bình với nội dung : "Tìm hiểu hiện tình Phong trào dân chủ Việt Nam", xin được trình bày nội dung gỡ băng cuộc phỏng vấn trực tiếp này.

nvb1

Thanh Tâm : Thanh Tâm xin chào mọi người, một lần nữa chúng ta lại gặp lại trong chương trình livetream chủ đề Đối Diện do Thanh tâm thực hiện, buổi phỏng vấn hôm nay là buổi phỏng vấn thứ 38 của chương trình và hôm nay chúng ta rất hân hạnh được sự tham gia của nhà báo Nguyễn Vũ Bình. Trước hết Thanh Tâm xin chân thành cảm ơn nhà báo Nguyễn Vũ Bình đã nhận lời tham gia buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Thanh Tâm xin mời nhà báo Nguyễn Vũ Bình gửi lời chào tới tất cả những người đang theo dõi chương trình.

Nguyễn Vũ Bình : Xin kính chào chị Thanh Tâm, xin kính chào quý khán, thính giả của chương trình Đối Diện, tôi là Nguyễn Vũ Bình, hiện đang sinh sống tại Hà Nội, tôi rất vui mừng được tham gia chương trình phỏng vấn của chị Thanh Tâm.

Thanh Tâm : Đề tài ngày hôm nay, đó là "tìm hiểu về hiện tình Phong trào dân chủ Việt Nam", thưa nhà báo Nguyễn Vũ Bình, nói về Phong trào dân chủ Việt Nam thì anh Bình cho biết khái niệm về Phong trào dân chủ, nếu chúng ta đem áp dụng vào bối cảnh tình hình đất nước hiện này, thì nó sẽ bao gồm những phương diện nào, Thanh Tâm xin mời nhà báo Nguyễn Vũ Bình ?

Nguyễn Vũ Bình : Đây là một đề tài rất lớn và phức tạp. Có rất nhiều người tham gia, có một quá trình lâu dài, nhưng để mà nói nó là cái gì, nó như thế nào và nó sẽ ra sao thì đây là một vấn đề rất phức tạp. Cũng rất là may mắn, tôi có thời gian tham gia tương đối lâu, đến bây giờ cũng được 17-18 năm, thứ hai là tôi cũng có chút nghiên cứu cũng có biết được một đôi điều. Trải qua một quá trình dài như thế, cũng có sự kiểm nghiệm, kiểm chứng các quá trình mà nó xảy ra. Những người tham gia có thể từ khía cạnh này, khía cạnh khác nhưng chưa có được cái nhìn tổng thể. Hôm nay chúng ta cùng nhau trao đổi xem thế nào. Phong trào dân chủ, nói một cách ngắn gọn, nó là toàn bộ những hoạt động của người dân hướng tới, nhằm dân chủ hóa đất nước. Đấy là khái niệm rộng và chung nhất. Dân chủ hóa đất nước có nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất là cái chính thể, thể chế chính trị bảo đảm tự do của con người. Đó là cái cốt lõi nhất của quá trình dân chủ hóa đất nước, bất kể nước nào cũng vậy. Áp dụng vào Việt Nam, chúng ta thấy Việt Nam chưa có chính thể dân chủ, tức là nó chưa có những định chế như tam quyền phân lập, đa nguyên đa đảng, rồi báo chí tự do, vv… Phong trào dân chủ ở trong thể chế chính trị độc tài thì việc cần làm là làm cái gì ? Việc quan trọng nhất, đó chính là việc thay đổi chuyển từ chế độ độc tài sang chế độ, chính thể dân chủ. Đó là nhiệm vụ cũng như cái cốt lõi nhất của Phong trào dân chủ. Ngoài ra Phong trào dân chủ còn có những lĩnh vực hoạt động khác nhưng cái cốt lõi nhất của Phong trào dân chủ trong thể chế độc tài này là thay đổi chế độ. Với mục tiêu thay đổi chính thể này, Phong trào dân chủ cần làm những cái gì ? đã làm những cái gì ? và khái quát lại nó gồm những cái gì ?

Tôi khái quát lại, nó gồm 6 lĩnh vực, 6 phương diện đấu tranh. Tôi sẽ điểm qua về 6 phương diện, sau đó tôi sẽ đi vào từng phương diện một. Phương diện thứ nhất là nâng cao nhận thức của người dân ; thứ hai là tố cáo và lên án chế độ độc tài toàn trị cộng sản Viêt Nam ; thứ ba là liên kết, kết nối trong Phong trào dân chủ để tạo ra sức mạnh cho phong trào ; thứ tư, là những hoạt động phản kháng của phong trào dân chủ ; thứ năm là kết nối với người dân để dẫn dắt cuộc đấu tranh ; thứ sáu là mặt trận quốc tế vận và mối liên hệ với người Việt hải ngoại và phong trào dân chủ hải ngoại. Như vậy, có 6 nội dung chính trong những hoạt động của Phong trào dân chủ. Tôi xin đi vào nội dung, phương diện đầu tiên, đó là :

1. Nâng cao nhận thức của người dân. Cái quan trọng nhất là phải làm sao cho người dân biết được, hiểu được các quyền con người của mình. Các quyền tự do cơ bản và quyền tự do dân sự. Tự do cơ bản là việc con người được tự do đi lại, sinh sống, sinh hoạt… tự do dân sự là các quyền tự ứng cử, bầu cử, v.v. Cái thứ hai của việc nâng cao nhân thức của người dân là chúng ta phải làm cho người dân hiểu bản chất của chế độ này, chế độ chúng ta đang sống, chế độ cộng sản. Cái thứ ba của việc nâng cao nhận thức con người là chúng ta cần tìm được mối liên hệ giữa việc mất tự do của con người với hoàn cảnh khổ cực của người dân.Từ việc chúng ta không có các quyền con người tới việc nhà nước họ áp đặt, họ làm ra những vấn đề mà nó dẫn đến cuộc sống của người dân lầm than khổ sở như hiện nay.

2. Tố cáo và lên án chế độ. Nội dung đầu tiên là tố cáo tội ác trong quá khứ, trong lịch sử của chế độ. Chế độ này có rất nhiều tội ác, có nhiều góc khuất mà cần phải làm rõ, ví dụ : cải cách ruộng đất, rồi đánh tư sản, vv… chúng ta phải lên án, tố cáo và phân tích ra vấn đề đó. Tố cáo lên án chính sách hiện hành, những chính sách hiện hành đang gây đau khổ cho người dân. Ví dụ, vấn đề "dân oan" vấn đề cướp đất… nó có hai chính sách tạo ra việc này, thứ nhất, chính sách sở hữu toàn dân về đất đai, thứ hai là quy hoạch tổng thể các khu công nghiệp và khu dân cư. Nó dựa vào hai cái này thì nó mới cướp được đất của người dân. Chúng ta sẽ phân tích ra để người dân hiểu được việc này, việc lợi dụng các chính sách để trục lợi. Rồi chúng ta tố cáo những chính sách kinh tế sai lầm, ví dụ như cái việc để doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 60-70% nguồn lực của đất nước nhưng lại làm ra chỉ 20-30% giá trị sản phẩm cho đất nước. Đó là chính sách về phát triển kinh tế nó sai lầm, đã có rất nhiều người phê phán cái này. Tố cáo lên án việc vi phạm quyền con người. Vi phạm quyền con người thì nhan nhản trên đất nước này, ví dụ như chúng ta biết, người dân tới đồn công an, sau đó bị đánh và bị chết ; tố cáo những việc đàn áp người đấu tranh. Những người đấu tranh bị đánh, bị câu lưu, rồi bắt giam bởi những điều luật rất mơ hồ như vậy. Cuối cùng là tố cáo tham nhũng.

3. Những hoạt động liên kết, kết nối bên trong Phong trào dân chủ để tạo ra sức mạnh của Phong trào. Chúng ta biết là, nếu đấu tranh đơn lẻ thì sức mạnh của chúng ta không được là bao, nhưng nếu kết hợp lại với nhau, chúng ta đấu tranh trong một tổ chức thì sức mạnh nó nâng lên cấp số nhân. Cho nên việc kết nối lại, liên kết trong Phong trào dân chủ là một yêu cầu thường trực, tuyệt đối. Tất nhiên là chúng ta biết rằng, việc kết nối này, hình thành và hoạt động theo tổ chức là việc đại kỵ đối với nhà cầm quyền Việt Nam. Nhưng dù đại kỵ thế nào chúng ta cũng phải làm, vì nó là yêu cầu để tăng thêm sức mạnh cho Phong trào dân chủ. Hoạt động liên kết, kết nối này để hình thành các tổ chức, có tổ chức chính trị đó là các đảng phái, các nghiệp đoàn, vv. Về xã hội, nó có các tổ chức xã hội dân sự, các hội nhóm thiện nguyện, v.v…

4. Các hoạt động phản kháng của Phong trào dân chủ. Đó là những việc ký kết các thư phản đối, tố cáo, phản kháng trên không gian mạng, trên facebook, có những bức ảnh chúng ta chụp để phản đối việc bắt bớ,ví dụ, Free Nguyễn Văn Đài, vv. Chúng ta có những phản kháng ở ngoài đời, đó là việc biểu tình, biểu tình chống Trung Quốc, biểu tình bảo vệ môi trường cây xanh, biểu tình bảo vệ môi trường chống Formosa, bảo vệ môi trường biển ; hoặc trước đây chúng ta có những hoạt động phản kháng như treo biểu ngữ tố cáo tham nhũng mà có gần chục người bị bắt năm 2008-2009 ; hoăc chúng ta đi đòi người khi một số người bị câu lưu, mà anh em biết thì đến trụ sở công an đòi người…

5. Hoạt động kết nối người dân, đi vào với người dân, cùng với người dân đấu tranh. Hoạt động này có hai khía cạnh, trên không gian mạng xã hội, chúng ta kết nối với rất nhiều người dân, sự kết nối này rất có giá trị, nó làm được rất nhiều việc. Thứ hai là kết nối ngoài đời, chúng ta có những tổ chức thiện nguyện, đi cứu trợ thiên tai, lũ lụt… rồi những hội nhóm về bảo vệ môi trường, người dân tham gia rất đông, hoặc chúng ta kết nối với "dân oan".

6. Mặt trận quốc tế vận và liên kết với người Việt hải ngoại, Phong trào dân chủ hải ngoại. Chúng ta tố cáo lên án chế độ, tất nhiên ở trong nước là cần thiết rồi, nhưng với quốc tế quan trọng hơn. Bởi vì Việt Nam đã hội nhập rồi, đã vào sân chơi chung của thế giới, thì thế giới cần biết được bản chất của cái nhà nước này. Thế thì, muốn kết nối với quốc tế, chúng ta phải có kênh dẫn truyền, đó là người Việt hải ngoại và Phong trào dân chủ hải ngoại, chứ chúng ta trong nước, không đi ra ngoài được, không quen biết ai, chúng ta làm sao kết nối được. Chúng ta phải kết nối với người Việt hải ngoại và chúng ta hình thành lên một mặt trận quốc tế, để quốc tế hiểu được bản chất của nhà cầm quyền, bản chất chế độ ; hiểu được người dân trong nước lầm than, bị vi phạm các quyền con người như thế nào.

Đó là 6 phương diện của Phong trào dân chủ, nhưng muốn thực hiện những yêu cầu, phương diện này, chúng ta cần hiểu rõ chế độ cộng sản này, và chúng ta cũng cần phải hiểu rõ phong trào dân chủ. Phong trào dân chủ có 6 phương diện này rồi, nhưng vẫn còn những điều chúng ta cần phải hiểu nữa…

Thanh Tâm : Vừa rồi nhà báo có đề cập đến việc đấu tranh để thay đổi chế độ. Ai cũng biết chế độ hiện giờ đang cai trị đất nước Việt Nam đó chính là chế độ cộng sản. Khi nói tới đấu tranh để thay đổi chế độ thì xin mời nhà báo có thể nói rõ hơn về vấn đề này không ?

Nguyễn Vũ Bình : Để mà đấu tranh thay đổi chế độ, thì trước hết chúng ta cần phải hiểu được, chế độ cộng sản này nó là cái gì ? nó như thế nào, và quy luật của nó ra sao ? Đây là một vấn đề cực kỳ phức tạp. Hiểu chế độ cộng sản này, nó có vô vàn tầng mức để hiểu. Người thì hiểu nó ở khía cạnh này, người thì hiểu nó khía cạnh kia. Người cao hơn một chút thì hiểu thêm khía cạnh nữa. Nhưng tổng hợp lại thì nó là một vấn đề rất khó. Bởi vì chúng ta thấy, trong phong trào dân chủ, hoặc trong nhân dân cũng vậy, khi nói tới chế độ cộng sản này, nó không có sự thống nhất, hầu như cãi nhau suốt. Bởi vì người ta không hiểu bản chất của nó, mỗi người chỉ nhìn một góc độ, người này tâm huyết góc độ này, người kia tâm huyết góc độ kia nên cãi nhau chỗ đó.

Ví dụ : có người nói thế này, chế độ cộng sản Việt Nam, đã có công này công kia, chỉ đến khi đổi mới, mới tha hóa biến chất. Có người nói, từ năm 75 tới giờ, có người lại nói, quá hơn một tý… nhưng cuối cùng nó là cái gì thì không ai nói ra được ?

Tôi đã phải mất rất nhiều thời gian, và nghiên cứu rất kỹ thì tôi mới có một hiểu biết, có thể nói tạm gọi là trọn vẹn, tương đối là trọn vẹn về chế độ cộng sản nói chung và cộng sản Việt Nam nói riêng. Cái đặc điểm của các chế độ cộng sản là những mục tiêu họ nói ra bên ngoài rất tốt đẹp, nhưng những thực tế diễn ra lại không tốt đẹp và nó ngược lại với những lời nói đó. Cho nên chúng ta cứ ca ngợi cái câu của ông tổng thống Nguyễn Văn Thiệu : "Đừng tin những gì cộng sản nói, hãy xem những gì cộng sản làm".

Qua một quá trình nghiên cứu, tôi thấy như thế này. Chế độ cộng sản có một sự chuẩn bị rất chu đáo, rất là bài bản và nó có nghệ thuật trong việc cai trị của nó. Muốn hiểu được chế độ cộng sản, thì chúng ta phải hiểu mục tiêu, đầu tiên chúng ta phải hiểu mục tiêu của chế độ cộng sản này đã… mục tiêu thật ấy. Nếu chúng ta không hiểu mục tiêu của nó, chúng ta không thể hiểu được nó. Và từ cái mục tiêu này, chúng ta mới tìm ra cách thức người ta làm, phương pháp của họ.

Mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản, không phải cái mà chúng ta vẫn đọc, vẫn được tuyên truyền mà mục tiêu chính của chế độ cộng sản là thống trị con người. Mục tiêu cao nhất của họ là thống trị nhân loại. Từng các quốc gia là thống trị nhân dân các quốc gia, và sau đó là thống trị nhân loại. Họ làm như thế nào ?

Đầu tiên người ta đặt vấn đề cướp được chính quyền, sau đó người ta áp đặt một cơ chế, bộ máy để người ta cai trị. Việc cướp chính quyền bằng nhiều cách và các quốc gia nó diễn ra khác nhau, nhưng còn cái áp đặt toàn bộ cái cơ chế, cái guồng máy của các nhà nước cộng sản thì nó giống nhau. Cái quan trọng nhất để cơ chế, bộ máy của cộng sản hoạt động là phải triệt tiêu được tinh thần phản kháng của người dân. Nếu muốn thống trị phải triệt tiêu được cái đó (tinh thần phản kháng). Người ta đã tìm ra cách, đó là triệt tiêu tinh thần phản kháng, khả năng phản kháng của người dân. Muốn triệt tiêu tinh thần phản kháng, khả năng phản kháng của người dân họ làm như thế nào ? Họ có ba trụ cột chính sách để họ thực hiện việc triệt tiêu tinh thần, khả năng phản kháng của người dân.

1. Trụ cột thứ nhất là gieo rắc sự sợ hãi, giết, tất cả ngay từ đầu khi cộng sản xuất hiện, chúng ta thấy việc giết kinh khủng đến mức độ nào. Tức là bất kể ai đối lập, không đi theo tinh thần chủ nghĩa của họ là giết tất cả. Các đảng phái khác cũng giết hết… giết rất là nhiều, người dân sợ, rất sợ, người ta chưa từng thấy cảnh như thế bao giờ.

2. Trụ cột chính sách thứ hai là áp đặt sự lệ thuộc. Sợ rồi vẫn chưa đủ, cần để người dân lệ thuộc vào nhà cầm quyền. Áp đặt sự lệ thuộc bằng cách, thứ nhất là bần cùng hóa nhân dân, tức là không còn cái gì đã. Người ta làm cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản miền bắc, cải tạo tư sản miền nam. Cải cách ruộng đất tức là cướp đất của người dân có ruộng và nói là địa chủ, giàu có. Có người giàu, có người không giàu, nhưng của người ta đang bình thường cướp hết đã… cho người dân thành bần cố nông, không có gì đã. Bên công nghiệp cũng vậy, cải tạo tư sản ở miền bắc và sau này miền nam. Người ta đến người ta thu nhà máy, xí nghiệp, công ty… thu hết, đang làm người chủ, cuối cùng còn không được bằng công nhân, vì bị phân biệt đối xử. Như vậy, bước đầu tiên là bần cùng hóa người dân. Bước thứ hai là cho người dân vào hợp tác xã, vào các công ty, xí nghiệp của nhà nước. Hai bước này là bắt đầu đánh vào dạ dày, và mọi chế độ tem phiếu, vv… Như vậy, họ đã tạo ra được sự lệ thuộc của người dân vào nhà nước, chế độ.

3. Trụ cột chính sách thứ ba : kiểm soát tư tưởng của người dân. Họ có các cơ quan, nhưng cái đó chỉ là phần phụ, mà người ta tạo ra cơ chế để người dân kiểm soát tư tưởng của nhau. Ông này có tư tưởng, có ý khác là người dân báo lên trên, đó mới là cái nghệ thuật của người ta chỗ đó, tức là cái kiểm soát cao nhất là để tự người dân kiểm soát lẫn nhau. Khi người ta vừa có ý nghĩ, nói ra mới hôm trước, hôm sau cơ quan chức năng đã biết… nên người ta rất sợ, và không còn dám nghĩ tới nữa.

Với ba cái trụ cột chính sách này nó vận hành, nước nào cũng như nước nào. Liên Xô cũng như Đức, Đức cũng như Trung Quốc, Trung Quốc cũng như Việt Nam giống nhau, không có nước nào khác cả. Cơ chế vận hành một thời gian, người dân gần như bị triệt tiêu hết cái tinh thần, và khả năng phản kháng thì gần như không còn, thế là người ta muốn làm gì thì người ta làm. Đấy là lúc ấy người ta đã lập, đã áp đặt được sự thống trị người dân. Đây nó gọi là một nghệ thuật trong việc cai trị. Cộng sản đã đạt đến mức nghệ thuật trong sư cai trị.

Nhưng nếu muốn vận hành một guồng máy lớn như vậy, để bảo đảm những yêu cầu của chế độ đặt ra, thì hệ thống của nó phải khổng lồ, cần huy động rất nhiều người mới làm được việc này. Khi người dân bị ép phải vào hợp tác xã, xí nghiệp, nhà máy thì họ không thể làm việc có hiệu quả được. Chúng ta biết kinh tế kế hoạch hóa là không có hiệu quả. Cuối cùng, nền kinh tế không tạo ra của cải vật chất. Bộ máy thì khổng lồ, nền kinh tế không tạo ra của cải vật chất thì nguồn lực nhà nước ngày càng cạn kiệt đi. Chế độ cộng sản có một điểm như thế, nó rất ghê gớm về phương diện thống trị, phương diện cai trị và về việc quản lý xã hội theo ý đồ của họ nhưng lại không sản xuất ra được của cải vật chất. Không sản xuất ra nhưng hệ thống quá lớn, lại tiêu dùng, phá, nên nguồn lực đổ vào đó khủng khiếp và đến lúc phải cạn kiệt. Không có một đất nước cộng sản nào chịu nổi việc này, Liên Xô trước đây tan tành cũng chỉ vì cạn kiệt nguồn lực. Như vậy, chúng ta cần hiểu chế độ cộng sản, nó có một hệ thống mà nó tự hoạt động theo một guồng quay, cơ chế chứ không phụ thuộc vào cá nhân hoặc lớp người nào, ai lên, ai tham gia vào guồng máy đều sẽ như vậy. Chính vì vậy, chúng ta cần thay đổi là thay đổi cái cơ chế này. Mặt khác chúng ta cần hiểu quy luật của các chế độ cộng sản, đó là quy luật tự sụp đổ, chúng ta có thực tế Liên Xô, Đông Âu, do cạn kiệt nguồn lực và sức nặng của hệ thống…

Thanh Tâm : Thưa nhà báo Nguyễn Vũ Bình, có phải Phong trào dân chủ ở Việt Nam đã có từ lâu, có thể cho biết sơ lược về lịch sử Phong trào dân chủ ở Việt Nam, các giai đoạn, các thời kỳ cũng như đặc trưng của từng thời kỳ hay không, xin mời Anh ?

Nguyễn Vũ Bình : Chúng ta biết, Phong trào dân chủ Việt Nam không chỉ có mấy năm gần đây mà nó là cả một quá trình kéo dài. Tất nhiên, chúng ta không thể nói nó dài quá được, nhưng ít nhất, chúng ta nói từ năm 75 tới giờ. Mỗi một giai đoạn có một đặc thù, đặc trưng riêng, tôi tạm thời chia Phong trào dân chủ ra làm bốn giai đoạn và có những đặc trưng khác nhau. 

Giai đoạn thứ nhất của Phong trào dân chủ là từ năm 1975-1988 :

Tại sao lấy mốc năm 1988 ? Vì năm đó có bài viết "Nắm tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ" của tiến sĩ Hà Sĩ Phu, bài viết đó như một quả bom ở trong thời điểm đó. Một trí thức ở miền bắc đã có nhận thức như thế.

Giai đoạn từ 1975-1988 nó là cái gì ? Giai đoạn này gọi là giai đoạn Phục Quốc, theo quan điểm của tôi, tức là những người ở thời Việt Nam Cộng Hòa, nhất là những người trong quân đội, liên quan đến quân đội có vũ trang đứng lên, với ý thức, ý định là giải phóng quê hương, lập lại nhà nước Việt Nam Cộng Hòa đã mất. Giai đoạn này đặc trưng phương pháp là bạo động, vũ trang, thành phần chủ yếu là những người trong quân đội thời Việt Nam Cộng Hòa và những người Việt hải ngoại, mục tiêu là khôi phục lại quốc gia đã mất. Chúng ta biết là, cuối cùng kết quả cũng không đi đến đâu, nhưng nó là một sự động viên, khích lệ tinh thần đấu tranh sau này. 

Giai đoạn thứ hai là từ năm 1988 đến năm 2000 :

Tại sao lại là năm 2000 ? Vì năm 2000 có lá đơn xin thành lập đảng của Nguyễn Vũ Bình, tức là tôi. Lá đơn xin thành lập đảng tức là đặt vấn đề tổ chức, đó là bước ngoặt, hơn nữa, tôi là người trẻ tuổi, và một số người trẻ tuổi tham gia.

Từ năm 1988 đến năm 2000, tôi gọi là giai đoạn thức tỉnh, những người trí thức miền Bắc, hầu hết là miền Bắc, có cả ở miền Nam đã có sự thức tỉnh trong nhận thức, đã lên tiếng như các ông Hoàng Minh Chính, Trần Độ, ông Hà Sĩ Phu, Hồng Hà, Nguyễn Kiến Giang, Phạm Quế Dương, v.v. Đó là một lớp người, bắt đầu lên tiếng, có những bài viết trao tay nhau, rồi liên hệ với nhau… Giai đoạn này số người tham gia không nhiều, và phát triển rất chậm. Cùng lúc đó, một hướng khác, trong miền Nam và hải ngoại đã chuyển dần từ phương thức đấu tranh vũ trang, bạo động sang bất bạo động, người ta cũng kết nối với phong trào ở ngoài Bắc. Tức là hai quá trình nó diễn ra song song như vậy.

Giai đoạn thức tỉnh của trí thức miền Bắc từ năm 1988 đến năm 2000 âm thầm nhưng khốc liệt, với bức màn sắt bao phủ và sự sắt máu của công an, chế độ giai đoạn này, bắt bớ tù đày rất đơn giản, dễ dàng. 

Giai đoạn thứ ba là từ năm 2000-2007, gọi là giai đoạn đấu tranh chính trị. 

Tại sao gọi là giai đoạn đấu tranh chính trị ? Gọi là đấu tranh chính trị vì nó có mấy đặc trưng thế này :

Thứ nhất, những người tham gia là những người hoàn toàn có ý thức về việc đấu tranh thay đổi chế độ, những người đã hiểu sự cần thiết phải đấu tranh để thay đổi chế độ.

Thứ hai, người ta đặt vấn đề tổ chức, chúng ta có hội Chống tham nhũng mà chuẩn bị thành lập vào tháng 9/2001, có ông Hoàng Minh Chính, tôi, ông Phạm Quế Dương, ông Trần Khuê. Năm 2006 có rất nhiều tổ chức ra đời, đảng Dân Chủ được phục hoạt, thành lập đảng Thăng Tiến, thành lập Nghiệp đoàn lao động, trung tâm Nhân Quyền, khối 8406, v.v. Những người tham gia có ý thức chính trị và tập trung vào đấu tranh chính trị, lập ra các tổ chức, hội nhóm để đấu tranh, đối trọng, đối lập trực diện với nhà cầm quyền. Số người tham gia những năm đầu của giai đoạn này chưa nhiều, nhưng đến năm 2005, 2006 thì số người tham gia đã tăng lên rất nhiều, thành phần tham gia cũng tương đối phong phú. 

Giai đoạn thứ tư, bắt đầu từ cuối năm 2007, với cuộc biểu tình chống Trung Quốc lần đầu tiên tới hiện nay.

Tôi gọi giai đoạn này là giai đoạn tổng hợp. Tại sao gọi là tổng hợp, bởi vì giai đoạn này các phương thức, hình thái đấu tranh đều có hết. Giai đoạn trước chỉ có đấu tranh chính trị, nhưng giai đoạn này ngoài đấu tranh chính trị, tức là vẫn có các hội nhóm đấu tranh chính trị, nhưng có thêm các hình thái mới, kết hợp với nhân dân, đi vào nhân dân ; lập ra các tổ chức xã hội dân sự…

Thanh Tâm : Trong khoảng nửa năm 2017 trở lại đây, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã gia tăng đàn áp và bắt bớ rất nhiều người đấu tranh, thì Phong trào dân chủ lắng xuống, thậm chí có người nói bị thoái trào, anh Bình có đồng ý với nhận định này hay không ? Xin mời anh Bình ?

Nguyễn Vũ Bình : Chúng ta muốn hiểu được, nó có thoái trào hay không, chúng ta cần hiểu được, phong trào dân chủ có những nội dung gì ? Những nội dung gì đang làm được, và những nội dung gì bị hạn chế đi, không làm được hoặc dừng lại.

Muốn đánh giá được, chúng ta cần so sánh như vậy, chứ không thể nói cảm tính được, như : bắt nhiều thế, mười mấy hai mươi ông trong vòng có mấy tháng, thế là thôi tan rồi… không thể nói đơn giản vậy được, vì phong trào dân chủ rất rộng lớn. Lắng xuống là có, nhưng thoái trào tôi nghĩ là không. Bởi vì Phong trào dân chủ có 6 phương diện như thế, trong 6 phương diện đó, trong năm 2017 này, có những phương diện bị ảnh hưởng nặng nề, ví dụ hoạt động phản kháng, biểu tình là bây giờ khó khăn rồi, rồi người đấu tranh bị bắt, các tổ chức xã hội dân sự giảm hoạt động… đấy là những cái thực tế diễn ra như vậy, mà cũng không ai chối được.

Nhưng những chuyện như vậy, so với 6 nội dung kia, nó cũng không phải chiếm ưu thế, nó chỉ là một, hai nội dung, phương diện đấu tranh bị ảnh hưởng, hạn chế đi, chúng ta còn 4 nội dung vẫn đang hoạt động rất tốt.

Từ 2007 đến bây giờ, và nhất là mấy năm gần đây, chúng ta biết phong trào dân chủ phát triển rất là mạnh. Trên không gian mạng xã hội, chúng ta làm chủ tình hình, chúng ta là người dẫn dắt, phong trào dân chủ là người dẫn dắt, định hướng người dân, mạng xã hội facebook. Nếu chúng ta hiểu một cách đơn giản thì không đúng ý này, mà vấn đề dẫn dắt phải hiểu là trong việc phản biện xã hội, phản biện lại các chính sách sai lầm, phản biện hoạt động sai trái của các cơ quan công quyền, của các cá nhân sai trái trong bộ máy nhà nước thì những cá nhân lên tiếng đó là những thành viên của phong trào dân chủ là những người tiên phong, và rất hiệu quả trong việc đó.

Tại sao chúng ta làm được những việc đó hiệu quả ? Bởi vì chúng ta nói lên sự thật. Tại sao người dân lại nghe chúng ta, lại theo chúng ta ? Bởi vì chúng ta nói lên sự thật. Những cơ quan công quyền, cán bộ kia người ta không nói lên sự thật, không nói lên sự thật là thua rồi. Phong trào dân chủ dẫn dắt được là do người ta nói lên sự thật.

Thêm một ý nữa, tình yêu thương hay sự chia sẻ phong trào dân chủ cũng làm rất tốt những việc này. Chúng ta đi cứu trợ bão lụt, làm thiện nguyện sau này bị đánh phá nhưng đến bây giờ vẫn còn những người làm việc này. Đối với người dân, sự thật và sự chia sẻ với họ chính là cái người ta theo.

Cho nên tôi nói phong trào dân chủ rất là mạnh ở mặt trận truyền thông mạng xã hội. Tôi nói là mạng xã hội chứ bây giờ báo chí thì ai xem, thì chúng ta chiếm lĩnh gần như hoàn toàn cái trận địa truyền thông. Chính vì vậy mà người ta mới có ý định dẹp Facebook với Google, Youtube… nhưng tôi nghĩ là rất khó, bởi vì ngoài phong trào dân chủ ra, còn rất nhiều người dân, rồi các công ty mạng viễn thông… cái lợi ích của nó trong đó, nếu mà dẹp đi thì là cả một sự đảo lộn lớn của đất nước này.

Và cũng có thể, chế độ này ở giai đoạn cuối rồi, nên nó làm ra những việc chẳng giống ai để cho nó kết thúc. Tôi không nói là nó sẽ xảy ra hay không xảy ra, nó xảy ra cũng có cái tốt của nó, tôi nghĩ nó sẽ đảo lộn, và đảo lộn trong thời điểm này, chế độ đang cạn kiệt nguồn lực, nó sẽ là sự kết thúc.

Trở lại với câu hỏi của chị, trong năm 2017 như thế, bắt như vậy, thì có phải phong trào dân chủ thoái trào không ? Tạm lắng thì có, nhưng thoái trào thì không. Phong trào dân chủ có 6 phương diện, cái mà người ta đánh vào, cái mà bây giờ đang thiệt hại, nó chỉ ở trong một, hai cái phương diện nào đó thôi, mà cũng không phải toàn bộ phương diện đó, mà chỉ một vài khía cạnh của một hai phương diện. Cho nên chúng ta không thể nói phong trào dân chủ thoái trào được, nó vẫn đang phát triển, và ở những khía cạnh này khía canh khác nó tạm lắng thôi.

Thanh Tâm : Vâng, nhà báo Nguyễn Vũ Bình nói vậy thì Thanh Tâm cũng có phần yên tâm, chúng ta biết vừa qua có Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng, không biết nhà báo Nguyễn Vũ Bình có nghĩ sự kiện APEC có mang lại sự thay đổi nào đó cho Phong trào dân chủ Việt Nam hay không ?

Nguyễn Vũ Bình : Vâng, cái thay đổi, nếu mà chi tiết, những vấn đề nhỏ, thì nó luôn luôn thay đổi. Nhưng nếu nói là thay đổi có tính chất bước ngoặt thì tôi nghĩ là không.

Chúng ta cần hiểu bối cảnh của APEC, những mong muốn của nhà cầm quyền Việt Nam, cũng như của phong trào dân chủ. Mong muốn của nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay, chúng ta biết rồi, đối với họ vấn đề kinh tế là vấn đề cấp bách, nguy cơ số một, nó không còn cái gì hơn cả, để cứu vãn nền kinh tế. Nhưng nó có một đặc điểm là, người ta không đi vào thực chất để giải quyết vấn đề, người ta chỉ đi vào những cái bên ngoài, những cái để cầm hơi thôi. Chứ nếu mà giải quyết thực chất vấn đề, của nền kinh tế, cũng không khó, thật ra các chuyên gia của nhà nước cầm quyền cộng sản người ta chỉ ra hết. Đó là việc tư nhân hóa, chuyển hẳn sang cơ chế thị trường, buông những doanh nghiệp nhà nước ra… rồi cho minh bạch, các công ty kiểm toán quốc tế vào.

Cách làm để thay đổi nền kinh tế không phải không có, có rất nhiều, mà rất nhiều người làm được, nhưng người ta không làm. Lý do không làm là, kinh tế mà làm như vậy thì nó sẽ kéo đến chính trị, xã hội và người ta lo sợ sẽ mất độc quyền lãnh đạo của người ta. Nhưng người ta lại bấu víu vào những Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương, TPP… người ta hi vọng xuất khẩu được, hoặc lấy hàng của tàu tuồn sang kiếm được chênh lệch phần trăm… người ta đi vào những cái gọi là bấu víu, không cơ bản. Với tâm thế như vậy, vào hội nghị APEC, thì cái TPP ông tổng thống Mỹ đã bỏ đi rồi, còn 11 nước thì Canada lại không đồng ý điều khoản về lao động, nên chưa ký kết ngay. Cuối cùng qua thương lượng thì các nước đạt thỏa thuận kiểu như ký nháy, rồi để tiếp tục bàn thảo tiếp.

ục tiêu về vấn đề Biển Đông, có nhiều người đưa thông tin, phân tích cho rằng, tổng thống Mỹ đã đặt vấn đề Biển Đông trong nội hàm quan tâm trong chiến lược của Mỹ kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Theo một khía cạnh nào đó cũng mang lại kết quả, vì nhà cầm quyền Việt Nam chuyên đi leo dây, đạt được kết quả với Mỹ như vậy, lúc sau họ lại ký với Trung Quốc hàng chục văn bản, v.v. như vậy, về thực chất, nhà cầm quyền không tận dụng được APEC để thoát khỏi khủng hoảng.

Đối với phong trào dân chủ, trước khi diễn ra APEC, chúng ta đã đưa được rất nhiều những thông tin về việc nhà cầm quyền Việt Nam gia tăng đàn áp, điều này đã được các tổ chức nhân quyền quốc tế rất quan tâm. Họ đã đưa các chương trình nghị sự, cũng như những can thiệp nhất định. Đến khi vào đến Việt Nam tham gia hội nghị, họ sẽ được chứng kiến việc vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam, việc canh giữ các nhà hoạt động, câu lưu người bất đồng chính kiến…

APEC cũng là cơ hội để phong trào dân chủ thể hiện cho thế giới thấy phần nào bộ mặt của nhà cầm quyền Việt Nam, cũng như là cơ hội để phong trào dân chủ đánh giá mọi mặt hoạt động, các mối quan hệ, tương quan của nhà cầm quyền, của chế độ. Tôi nghĩ rằng những thay đổi nhỏ thì luôn luôn có, nhưng thay đổi có tính chất bước ngoặt thì sự kiện APEC này chưa làm được…

Thanh Tâm : Vừa rồi anh Bình có nhắc đến tổng thống Donad Trump, trong bài diễn văn của tổng thống Donad Trump đọc ở Hội nghị Thượng đỉnh có đề câp đến Hai Bà Trưng, chúng ta đều biết Hai Bà Trưng là hai vị nữ lưu luôn nêu cao tấm gương về tinh thần đấu tranh bất khuất bảo vệ bờ cõi, đất nước Việt Nam trước sự xâm lấn của giặc ngoại xâm phương Bắc, theo anh Bình, tổng thống Donad Trump có dụng ý gì khi nhắc đến hai vị nữ anh hùng này của dân tộc Việt Nam, Thanh Tâm xin mời anh Bình ?

Nguyễn Vũ Bình : Có thể nói, trong diễn văn Tổng thống Donad Trump đề cập tới cuộc đấu tranh của Hai Bà Trưng chống giặc ngoại xâm, nó rất là tế nhị, rất mạnh mẽ.

Theo chúng tôi hiểu, đó là một thông điệp ngầm, bởi vì Hai Bà Trưng chống chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc, đấy là nói theo ngôn ngữ bây giờ. Hay ở chỗ khi ông ấy nói vậy thì không ai bắt bẻ gì được, vì nó là truyền thống của đất nước Việt Nam. Nói như vậy là ông ấy hiểu được cái nội tình của Việt Nam, thảm cảnh của nhân dân Việt Nam đang bị o ép, đang bị xâm lấn bởi Trung Quốc, đó là thông điệp ngầm, ông ấy muốn chuyển tải là người dân phải đứng lên để thoát khỏi sự xâm lấn, bành trướng, o ép của Trung Quốc theo gương của Hai Bà Trưng.

Chính vì vậy, rất nhiều người đánh giá cao bài diễn văn có nội dung này. Chúng tôi cũng chia sẻ sự đồng tình với nội dung đó, vì như vậy ông ấy rất hiểu Việt Nam và rất tế nhị, nhưng cũng rất hiệu quả, một sự động viên khích lệ ngầm.

Thanh Tâm : Nhà báo Nguyễn Vũ Bình có thể cho biết dự đoán của anh về tương lai gần tình hình của đất nước cũng như của phong trào dân chủ Việt Nam hay không ?

Nguyễn Vũ Bình : Với câu hỏi này, chúng ta cần hiểu, đối với một nhà nước cộng sản, với một cơ chế và bộ máy khổng lồ hoạt động được bẩy mấy năm như vậy, thì nó rất khủng khiếp.

Hiểu để chúng ta biết được giới hạn của phong trào dân chủ. Có rất nhiều quan điểm, có rất nhiều người nói, hô hào nhân dân đứng lên lật đổ, giải phóng, v.v. những quan điểm đó cũng không sai, nó phản ánh nguyện vọng chính đáng của người dân, của những người đấu tranh.

Nhưng chúng ta phải hiểu cái giới hạn của phong trào dân chủ, ngoài lý thuyết về sự vận hành của hệ thống cộng sản (chặt chẽ, khó khăn) thì chúng ta cũng cần hiểu là : năm 45 đảng cộng sản Việt nam thành lập được 15 năm, có 5.000 đảng viên, được tổ chức rất chặt chẽ và sắt máu. Khi đó, chính phủ đô hộ Pháp đã yếu, vô cùng rệu rã… vậy mà họ cũng phải chờ đến khi Nhật đảo chính Pháp, rồi lợi dụng cuộc biểu tình của công nhân viên chức Hà Nội, mới nhảy ra cướp chính quyền. Nay, nhà cầm quyền cộng sản có hệ thống, guồng máy mạnh gấp hàng nghìn lần chế độ Pháp thuộc lúc đó, trong khi đó phong trào dân chủ chúng ta có gì ?

Chúng ta hoạt động chưa có tổ chức, chưa có đảng phái nào hoạt động (công khai) trong nước, bí mật thì không biết có không, nếu có thì cũng không đáng kể nhưng lại nói là đi lật đổ chế độ thì chúng ta lấy gì để lật đổ chế độ ? Đó là những điều mà chúng ta không nắm được giới hạn của chúng ta. Mong muốn của chúng ta là lật đổ cộng sản, nhưng trong tay chúng ta chưa có lực lượng được tổ chức, thì chưa thể nới tới chuyện lật đổ được. Cuối cùng, phong trào dân chủ làm được gì ? Nó tác động để đẩy nhanh quá trình tự sụp đổ của chế độ cộng sản, vì quy luật của cộng sản là quy luật tự sụp đổ do cạn kiệt nguồn lực.

Trở lại câu hỏi về dự phóng cho tương lai của Việt Nam, chúng ta đã chứng minh được sự cạn kiệt nguồn lực của chế độ, chúng ta biết hiện nay Việt Nam nợ khoảng 600 tỷ đô la, đó là tổng thể toàn bộ khoản nợ của Việt Nam, từ nợ của chính phủ, doanh nghiệp, địa phương các lĩnh vực… số nợ này gấp khoảng 3 lần GDP của Việt Nam. Trong bối cảnh cả nước làm ra không đủ chi cho hệ thống trong một năm, tức là làm hiện tại chưa đủ ăn. Như vậy, hiện tại, thực chất chúng ta không trả được 1 đồng tiền lãi nào trong số 600 tỷ đô la nợ, chưa nói đến nợ gốc… đó là con số rất thực, trực tiếp. Bây giờ dự phóng tương lai chúng ta chỉ căn cứ vào quy luật của chế độ cộng sản, tự sụp đổ do cạn kiệt nguồn lực, và cái chứng minh là số nợ hiện tại, khả năng trả nợ thực tế của Việt Nam như thế.

Như vậy, có thể nói, chúng ta đang ở giai đoạn cuối cùng sự tồn tại của chế độ cộng sản, sự sụp đổ của nó sẽ xảy ra trong tương lai rất gần.

Theo quan điểm của tôi, là trong năm nay và sang năm… những giới hạn cuối cùng (về số nợ, khả năng trả nợ…) nó đã vượt qua rồi. Nhưng việc dự đoán phần lớn thể hiện mong mỏi, mong ước của chúng ta. Nói vậy để chúng ta biết, trong tương lai gần điều đó sẽ xảy ra và chúng ta cũng cần có sự chuẩn bị để khi chế độ sụp đổ chúng ta không bị sốc, không bị bất ngờ.

Thanh Tâm : Từ trước tới giờ, quan niệm của chúng ta về phong trào đấu tranh dân chủ thì quốc nội, các anh chị em đấu tranh trong nước mới là tiền tuyến,ở hải ngoại chỉ là hậu phương mà thôi. Có nghĩa là hải ngoại yểm trợ, hỗ trợ cho công cuộc đấu tranh mà thôi. Nhưng thời gian sau này, luồng suy nghĩ có vẻ chuyển đổi vì khi bước ra sân chơi quốc tế, thì sân chơi bây giờ không chỉ là quốc nội không nữa, mà mặt trận đấu tranh quốc nội và hải ngoại cũng như nhau. Nếu chúng ta biết kết hợp, ở hải ngoại vận dụng những luật chơi quốc tế, thì vẫn có thể là một mũi tấn công rất tốt, cùng với quốc nội hai mặt tiếp ứng với nhau. Vậy anh Bình nghĩ gì về quan niệm mới này, tức là không phải phân chia tiền tuyến hậu phương như trước nữa, mà là hai mũi giáp công ?

Nguyễn Vũ Bình : Vâng, tôi hoàn toàn nhất trí. APEC vừa rồi, chính phủ Đức không tham gia, lý do vụ khủng hoảng ngoại giao, liên quan tới việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Rồi chúng ta biết, vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình, đòi bồi thường 1,25 tỷ đô la. Chúng ta cũng được biết, chương trình đòi tài sản công dân của Ủy ban Cứu người vượt biển đang xúc tiến…

Tôi có một bài viết : "Hướng đi mới của phong trào dân chủ Việt Nam", đây là hướng đi cực kỳ quan trọng. Tại sao lại quan trọng ? Vì trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập rồi, sự tăng trưởng cũng như phát triển của nền kinh tế phụ thuộc, thậm chí lệ thuộc vào các nền kinh tế nước ngoài, nhất là những nước phát triển như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản…

Mặt trận đối ngoại bây giờ, chúng ta đánh trực diện vào những quốc gia đó, khi đó chúng ta có thể tác động vào vấn đề làm ăn, giao thương kinh tế của Việt Nam. Đây là một mặt trận rất lớn và quan trọng.

Tôi đồng ý với chị, vai trò của phong trào hải ngoại không có kém gì với quốc nội. Nói cho cùng thì như tôi đã phân tích, trong nước cũng chỉ tác động để đẩy nhanh quá trình tự sụp đổ của chế độ cộng sản, và hải ngoại cũng vậy. Nếu như trước đây chúng ta xác định, trong nước mà tập hợp nhau lại được, đứng lên dồn ép nhà cầm quyền Việt Nam để người ta nhượng bộ, mở cửa, thay đổi thì điều đó mới gọi là vai trò quyết định ở trong nước. Nhưng trong nước không làm được vai trò đó, chúng ta không dồn ép được nhà cầm quyền nhượng bộ, đồng ý để các đảng phái xuất hiện và tồn tại, thì chúng ta không thể nói vai trò quyết định được nữa. Như vậy, vai trong trong nước và hải ngoại là như nhau, đều tác động đẩy nhanh quá trình tự sụp đổ của chế độ.

Bây giờ mở ra hướng mới như này, mặt trận hải ngoại chúng ta cần chú trọng, bởi vì ảnh hưởng của nó rất lớn, ví dụ 1,25 tỷ đô la nếu ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện, trong lúc khó khăn của nhà cầm quyền Việt Nam thì nó là vấn đề cực lớn. Sau này nếu đòi tài sản thành công, ví dụ nhà cầm quyền phải đền bù bồi thương 5-7 tỷ đô la, hoặc 10-15 tỷ đô la, thì chế độ cũng không còn tiền mà thanh toán, phá sản, quy hàng.

Thanh Tâm : Câu hỏi vừa rồi là câu hỏi cuối cùng, không biết nhà báo Nguyễn Vũ Bình có điều gì muốn nói thêm xung quanh chủ đề về phong trào dân chủ Việt Nam hay không ?

Nguyễn Vũ Bình : Vâng, tôi xin nói một chút nữa thôi. Những người tham gia vào phong trào dân chủ, về tinh thần, sự dấn thân thì rất là hay rồi. Nhưng cũng có những hạn chế, đó là một phần ít có sự trau dồi, tìm hiểu.

Khi chúng ta tham gia, chúng ta cần hiểu về phong trào dân chủ, chúng ta hiểu về chúng ta, rồi chúng ta cần hiểu về chế độ cộng sản. Chúng ta cũng cần hiểu bản thân chúng ta, khả năng chúng ta phù hợp với lĩnh vực nào, khía cạnh đấu tranh nào. Tôi mong muốn, qua những buổi như thế này, được gửi gắm tới những người mới tham gia, những bạn trẻ, cần nghiên cứu, cần tìm hiểu để tham gia vào phong trào được hiệu quả hơn.

Tôi xin chân thành cảm ơn chị Thanh Tâm và chương trình Đối Diện đã cho tôi cơ hội chia sẻ chút hiểu biết của mình.

Thanh Tâm : Thay mặt chương trình và khán thính giả, xin chân thành cảm ơn nhà báo Nguyễn Vũ Bình đã tham gia và chia sẻ những nghiên cứu và hiểu biết rất giá trị của Anh. Xin đươc hẹn gặp lại Anh trong các chương trình tiếp theo.

Hà Nội, ngày 23/11/2017

Nguyễn Vũ Bình

Nguồn : RFA, 23/11/2017

(Nội dung gỡ băng cuộc phỏng vấn livetream)

Quay lại trang chủ
Read 916 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)