Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

17/08/2017

Nghĩ về một cơn điên của thế giới

Nguyễn Gia Kiểng

Bài 2 (trong Một hồ sơ về thảm họa dân tộc)

 

Nghĩ về một cơn điên của thế giới 

 

Nội chiến là sự tiếp nối, phát triển và tăng cường độ tự nhiên của đấu tranh giai cấp.

Lenin

 

************************

Tháng 2 này Đảng Cộng Sản Việt Nam kỷ niệm lần thứ 78 ngày thành lập. Đây cũng là dịp để suy nghĩ thêm về hiện tượng cộng sản.

Cuốn Sách Đen Về Chủ Nghĩa Cộng Sản (Le Livre Noir du Communisme) xuất bản năm 1997 tại Pháp hầu như đã chấm dứt mọi tranh cãi về bản chất và thành tích của chủ nghĩa cộng sản và các chế độ cộng sản. Đó là một công trình khảo cứu đúng đắn và công phu của những học giả lương thiện, có uy tín và có thẩm quyền về phong trào cộng sản. Không một nhà bình luận đứng đắn nào phản bác những sự kiện và nhận định trong tài liệu này.

livre0

Ám ảnh đen về chủ nghĩa cộng sản

Cuốn sách đã làm một tổng kết tối thiểu về số nạn nhân của các chế độ cộng sản : khoảng 100 triệu người. Con số này thật kinh hoàng so với số nạn nhân của các chế độ bạo ngược trong lịch sử nhân loại. Quốc Xã Đúc đã làm chết 20 triệu người. Chế độ Nga Hoàng, được mô tả như một chế độ tàn ác, đã tuyên án tử hình 6360 người và hành quyết 3932 người chống đối trong 100 năm cuối cùng của nó. Theo các tác giả con số 100 triệu này, trừ trường hợp của Trung Quốc và Campuchia trong đó sự phân biệt không được rõ rệt, chỉ bao gồm những người đã bị các chế độ cộng sản cố ý và trực tiếp tàn sát để áp đặt và giữ vững quyền lực. Do đó mà số nạn nhân Việt Nam chỉ được ước lượng ở mức một triệu người.

Số nạn nhân đã thiệt mạng vì những "sai lầm khách quan" của chủ nghĩa cộng sản, nghĩa là những người đã chết không phải vì các chế độ cộng sản chủ ý tiêu diệt họ mà đã chết do hậu quả của việc thực hiện chủ nghĩa cộng sản còn lớn hơn nhiều. Thí dụ như tại Liên Xô cũ khoảng 20 triệu người đã chết đói, tại Bắc Triều tiên số người đã chết đói trong mười năm qua có thể lên đến vài triệu người. Tại Trung Quốc tổng số người chết vì đói và bệnh tật do sai lầm của chính sách kinh tế có thể hơn 100 triệu (mà một phần đã được ghi nhận trong Sách Đen). Những người này đã chết vì chủ nghĩa cộng sản là một phương thức tổ chức xã hội sai cho nên khi được đem áp dụng đã bẻ gẫy hệ thống sản xuất và phân phối. Những nạn nhân này đặt ra một câu hỏi nghiêm trọng : tại sao một chủ nghĩa sai đến như vậy lại có thể đông viên được nhiều người như vậy và động viên họ đến mức độ có thể chấp nhận những tội ác kinh khủng ?

Tôi vẫn ngưỡng mộ hai dân tộc Anh và Mỹ vì họ chưa từng bị cám dỗ bởi chủ nghĩa cộng sản. Họ là những ngoại lệ. Phần còn lại của thế giới đã bị cuốn hút. Chủ nghĩa cộng sản đã là vấn đề lớn nhất của thế kỷ 20. Đã có một khối người rất đông đảo tại mọi quốc gia trên thế gìới, trong đó có những người rất xuất chúng thuộc mọi bộ môn văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, cổ võ cho nó. Những nhà bác hoc, những triết gia, những giải thưởng Nobel. Câu hỏi tại sao chủ nghĩa cộng sản lại có thể lôi kéo một số đông đảo những người kiệt xuất như vậy không dễ trả lời. Đây không phải là một vấn đề của lý luận. Nó là một cơn điên của nhân loại và phải tìm giải thích trong tâm lý và lịch sử.

Karl Marx không phải là một triết gia đúng nghĩa và chủ nghĩa cộng sản chẳng bao giờ có tầm vóc của một tư tưởng chính trị hay một lý thuyết quản trị quốc gia. Marx là một nhà báo và một nhà bút chiến có tài nhưng không có khả năng nào khác. Ông học triết và đậu tiến sĩ ở tuổi rất trẻ nhưng ông chưa bao giờ thực sự suy nghĩ như một triết gia. Ông chỉ sử dụng ngôn ngữ triết mà ông đã học được cho những khẳng định hấp tấp mà một triết gia đúng nghĩa không thể tự cho phép. Ông chỉ lấy những ý kiến của những người khác -Hegel, Darwin, Ricardo- để ứng dụng một cách khác và để kết luận một cách quả quyết và hàm hồ. Marx đã rất khổ sở khi bị yêu cầu thực hiện lời hứa là sẽ chứng minh một cách khoa học những gì ông đã khẳng định trong Tuyên Ngôn Cộng Sản năm 1847, đặc biệt là sự sụp đổ tất yếu của chủ nghĩa tư bản. Sau cùng ông đã chẳng chứng minh được gì và tất cả mọi dự đoán của ông đều bị thực tế phủ nhận một cách thảm hại. Cuốn Tư Bản (Capital) của ông, mà chỉ có tập 1 được xuất bản khi ông còn sống, là một thất vọng, ít ai đủ kiên nhẫn để đọc nó. Marx không có ý kiến gì về những vấn đề lớn đặt ra cho một quốc gia, như môi trường, dân số, đạo đức, luật pháp, văn học, nghệ thuật, sáng tạo, khoa học, kỹ thuật. (Mọi chế độ cộng sản đều đã là những thảm kịch cho môi trường và đạo đức xã hội vì chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn không biết tới những vấn đề này). Marx chỉ bàn về kinh tế và cũng chỉ quan niệm hoạt động kinh tế ở mức độ thấp nhất, mức độ sản xuất hàng hóa. Ông không biết tới dịch vụ, phân phối và tiền tệ. Những khẳng định của Marx đã bị chứng tỏ là sai lầm ngay khi Marx còn sống. Đảng Xã Hội Đức, được coi như xương sống của phong trào cộng sản thế giới lúc đó, đã bác bỏ Marx ngay từ đại hội Gotha năm 1875. Marx đã sống hơn hai mươi năm cuối đời với hào quang ngày càng xuống dốc trong cảnh nghèo khổ cùng cực tại London. Trước khi chết ông để lại một câu nói không biết mỉa mai hay chua chát : "điều chắc chắn là tôi không phải là một người Mác-xít".

Tư tưởng của Marx đã chỉ được hồi sinh, và được tô vẽ và tán dương sau đó, nhờ cuộc Cách Mạng Tháng 10 Nga. Và lần này nó được phối hợp với lý thuyết khủng bố của Lenin thành chủ nghĩa cộng sản, được biết tới như là chủ nghĩa Mác-Lênin. Cuộc Cách Mạng Tháng 10 Nga đã dần dần được nhìn lại một cách chính xác như một cuộc đảo chính cướp chính quyền của một đảng khủng bố có tổ chức chặt chẽ. Tư tưởng của Marx đã chỉ có công dụng đem lại một biện minh và một thế giá cho một công thức khủng bố để cướp và giữ chính quyền. Nhưng chủ nghĩa Mác-Lênin đã hiệu lực một cách đáng sợ. Tội ác được tôn vinh bởi vì nó được thực hiện nhân danh một lý tưởng quảng đại, người ta giết người để xây dựng một một xã hội ngàn lần đẹp hơn. Trái với bạo lực trần trụi của các vua chúa, bạo lực cộng sản được khoác cái áo đẹp và quí phái của một triết học và một lý tưởng. Sự tàn sát cũng không cần có giới hạn vì có chính nghĩa, và vì mọi giá trị đạo đức đã bị bác bỏ như là những phát minh của giai cấp tư sản.

Nhưng chủ nghĩa Mác-Lenin vẫn chỉ là chính nó, nghĩa là một chủ nghĩa khủng bố. Đảng cộng sản Nga, cũng giống như các đảng cộng sản khác, chưa bao giờ là một đảng quần chúng. Những công nhân đình công đòi quyền lợi sau Cách Mạng Tháng 10 đã bi tàn sát thẳng tay, cũng như các nông dân đòi được có ruộng đất. Sáu triệu người Ukraine bị cắt thực phẩm cho đến chết đói vì có mầm mống chống đối. Đừng nên quên rằng trong suốt lịch sử của phong trào công sản thế giới chưa hề có một đảng cộng sản nào thắng một cuộc bầu cử lương thiện nào, dù trước hay sau khi nắm chính quyền. Các đảng cộng sản đều giống nhau : chúng không phải là những đảng được thành lập để tranh thủ sự hưởng ứng của nhân dân qua những cuộc bầu cử, chúng đều là những tổ chức nhắm tạo ra và lợi dụng những cuộc khủng hoảng để cướp chính quyền và sau đó cai trị bằng bạo lực và khủng bố.

Vậy thì tại sao phong trào cộng sản đã được ủng hộ ?

Chủ nghĩa cộng sản, như là một lý tưởng được Marx mô tả, không phải là mới. Nó có gốc rễ từ một thời rất xa xưa, từ sự tìm kiếm ngoan cố một tổ chức xã hội hoàn chỉnh. Cuốn Nước Cộng Hòa của Plato đã là dự án cộng sản đầu tiên. Từ kỷ nguyên Thiên Chúa Giáo các nước phương Tây sống trong một mâu thuẫn lớn giữa một giáo lý coi mọi người là anh em và một tổ chức xã hội phân biệt chủ và tớ, trong đó sự đói khổ thường trực đã khiến tài sản tư hữu được nhìn như là nguyên nhân của mọi tệ hại. Thiên Chúa Giáo xuất hiện như một triết lý giải phóng đã dần dần bị thuần hóa để trở thành một dụng cụ thống trị. Trong đáy sâu của tâm hồn con người mong đợi một hy vọng giải phóng mới. Thời đại Tái Sinh (Rennaissance), rồi Thế Kỷ Ánh Sáng (thế kỷ 18) đề ra chủ nghĩa cá nhân, coi con người phổ cập như là giá trị và đối tượng phục vụ cao nhất, dù có hay không có Thượng Đế. Trật tự tinh thần cũ lung lay và một ngày mai đầy hứa hẹn nhưng cũng đầy ẩn số hiện ra trước mắt. Chủ nghĩa cá nhân quá mới, người ta chưa thể hiểu nó sẽ dẫn đến đâu vì đây là lần đầu tiên con người khám phá ra chính mình. Có những nhà tư tưởng, mà đại diện tiêu biểu nhất là John Locke, nhìn thấy ở chủ nghĩa cá nhân nền tảng của một tổ chức xã hội mới : chế độ dân chủ, nhưng tiếng nói của họ còn quá ít và họ lại không phản bác mà còn bênh vực quyền tư hữu mà đại đa số thù ghét hoặc ngờ vực. Nét độc đáo của họ là đã dám đi ngược lại với một thành kiến áp đảo đã được coi như một chân lý, họ đúng nhưng cũng vì thế mà họ khó được chấp nhận. Cần nhấn mạnh rằng thành kiến này không phải chỉ là của những người nghèo khổ, nó được chia sẻ bởi cả một số rất đông đảo những người có tâm hồn quảng đại. Chính Giê Su Kitô cũng đã từng nói người giầu không thể vào nước chúa. Marx không phải là người đầu tiên đề xướng chủ nghĩa xã hội nhưng đã là người biện luận tài ba nhất cho nó. Thiên tài trong nghệ thuật chế tạo ra những tổng hợp sai nhưng hấp dẫn, Marx đã đưa ra lý thuyết đấu tranh giai cấp, dẫn tới vô sản chuyên chính, hủy bỏ quyền tư hữu, để rồi sau cùng là một xã hội công bằng không giai cấp. Nhưng sau cùng là bao giờ ? Marx không trả lời, như ông không hề định nghĩa thế nào là một giai cấp. Lý thuyết của ông là một xào nấu nhiều yếu tố mâu thuẫn : có yếu tố dân chủ vì quyền lực được coi là thuộc về nhân dân, đáp ứng nguyện vọng lâu đời là hủy bỏ quyền tư hữu, và cũng đáp ứng mối lo âu không biết chủ nghĩa cá nhân, quá mới để đa số có thể hiểu là khác với chủ nghĩa ích kỷ, sẽ đưa tới cái gì. Khi sự cáo chung của các chế độ quân chủ chuyên chính đã là một tất yếu sau Cách Mạng Pháp 1789 -và sự ra đời của nền dân chủ Hoa Kỳ- thì chủ nghĩa Marx phải được nhìn như một khuynh hướng bảo thủ chống lại tư tưởng thực sự mới lúc đó là chủ nghĩa cá nhân tự do và cố giữ lại những gì còn giữ lại được của chủ nghĩa tập thể (collectivism), cách tổ chức xã hội duy nhất mà loài người biết được từ ngày sống thành xã hội. Dân chủ còn quá mới.

Một yếu tố quan trọng khác cũng xuất hiện lần đầu tiên và gây choáng váng. Cuộc cách mạng kỹ nghệ đã tạo ra một quyền lực hoàn toàn mới : quyền lực của những nhà tư bản chủ nhân những công ty lớn theo nhau ra đời. Đây là một quyền lực rất lạ vào lúc đó bởi vì nó không đặt nền tảng trên bạo lực, mà trên tài sản. Sự giầu có bao giờ cũng đi đôi với quyền lực, nhưng cho tới lúc đó quyền lực của tài sản chỉ ở một tầm vóc nhỏ. Lần này quyền lực của giới tư bản đã quá lớn, bao trùm lên rất nhiều người, gần như một quyền lực chính trị. Người ta khó có thể chấp nhận được thứ quyền lực này bởi vì nó đến từ điều từ lâu đã bị thù ghét : tài sản tư hữu. Giữa lúc đang hy vọng được giải phóng người ta lại thấy phải chịu thêm một ách thống trị mới. Hơn nữa chế độ tư bản sơ sinh lại chỉ mới biết đi những bước đi chập chững, vụng dại và vô tâm. Rất ít nhà tư tưởng dám dự đoán thế giới đi về đâu, một số dự đoán những tương lai đen tối. Marx khẳng định sẽ có tích lũy tư bản, người lao động sẽ bị bần cùng hóa. Lý luận của Marx lạnh lùng một cách ghê rợn ; Marx không coi bóc lột là một tội ác -tội ác, thiện và ác, cũng như mọi khái niệm đạo đức hoàn toàn vắng mặt trong tư tưởng của Marx- mà như qui luật tự nhiên và do đó đấu tranh giai cấp để tiêu diệt giai cấp tư sản cũng là tự nhiên. Cách lý luận của Marx là một bước lùi dứt khoát và kinh hoàng về tình trạng dã man trong đó loài người cũng như mọi động vật tự nhiên phải xâu xé nhau để sống. Quá nhiều đảo lộn vật chất cũng như tinh thần. Hy vọng, bồn chồn, hoảng sợ và phẫn nộ. Thế giới lên cơn điên ! Chủ nghĩa Marx quyến rũ ở những gì nó chống lại. Không phải là một sự tình cờ mà cuốn sách quan trọng nhất của chủ nghĩa cộng sản lại mang tên là Tư Bản (Capital), cũng không phải là một sự tình cờ cuốn sách duy nhất trình bày một cách tổng quát chủ nghĩa cộng sản có tựa là Chống Duhring (Anti-Dühring). Marx không có giải pháp đúng đắn nào cho xã hội, nhưng ông đánh phá bằng những lời lẽ rất hùng hồn những gì mà người ta thù ghét : tài sản tư hữu, bất công, bóc lột v.v.

Dần dần các nhà lý luận nghiêm chỉnh tại châu Âu đã phơi bày những sai lầm của Marx. Khi Marx qua đời tư tưởng của ông đã mất gần hết ảnh hưởng. Lenin đã hồi sinh nó tại Nga, từ Nga nó dội trở lại châu Âu nhờ những thành tích ngoạn mục của chế độ Xô Viết như là một bằng chứng rằng Marx đã đúng và những người phản bác ông đã sai. Chỉ từ thập niên 1980 trở đi những "thành tích" này mới bị phơi bày là dối trá.

Lenin là một chuyên viên khủng bố, lớn lên trong một truyền thống khủng bố quốc gia và gia đình. Tư tưởng chính trị của Nga, kể từ thập niên 1860, do sự pha trộn các học thuyết Tây Âu với truyền thống bạo lực của Nga, chủ yếu là một chủ nghĩa vô chính phủ bạo động. Ám sát và thủ tiêu được coi như một phương tiện bình thường để giải quyết các khác biệt. Anh ruột Lenin bị hành quyết về tội khủng bố. Với một căn cước như vậy Lenin dĩ nhiên biết hiệu lực ghê gớm của hoạt động khủng bố. (Để có một ý niệm về hiệu lực của khủng bố chỉ cần nhìn vào những lực lượng được sử dụng để truy lùng Bin Laden và đội quân khủng bố vài ngàn người Al Qaeda). Đương đầu với khủng bố, một lực lượng qui ước, nghĩa là không dùng phương pháp khủng bố, mạnh gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp mười cũng tuyệt vọng. Phải mạnh gấp trăm ngàn lần. Sở dĩ các nhóm khủng bố tại Nga trước Lênin đều không lay chuyển được chính quyền Nga hoàng là vì chúng đều quá nhỏ, vả lại chúng cũng chỉ có mục tiêu phá hoại. Lenin nhìn đã thấy ở chủ nghĩa Marx một vũ khí lý tưởng để không những chỉ phá hoại mà còn cướp chính quyền : nó có vóc dáng của một triết lý cách mạng và có thể động viên được nhiều người trong khi để cướp được chính quyền chỉ cần một đội ngũ tầm vóc vừa phải nhưng có kỷ luật và quyết tâm. Chủ nghĩa Marx cũng rất hợp với tâm lý cách mạng của người Nga lúc đó : nó bác bỏ mọi giá trị đạo đức, coi bóc lột và đấu tranh giai cấp là tự nhiên, những gì đúng là những gì có lợi cho mục tiêu theo đuổi, cứu cánh biện minh cho phương tiện, Marx cũng không quan tâm tới những ý niệm quốc gia và dân tộc. Lenin đã phát minh ra cả một lý thuyết khủng bố để bổ túc cho tư tưởng của Marx. Ông ta đã nắm được chính quyền bằng vũ lực nhờ một đội ngũ nhỏ nhưng kỷ luật và sau đó thi hành chính sách khủng bố toàn diện và tuyệt đối trong nội bộ đảng cũng như đối với xã hội. Mọi thông tin và mọi quyền tự do đều bị xóa bỏ. Phải khống chế tư tưởng để triệt tiêu mọi ý định chống đối, phải dùng bạo lực để tiêu diệt những chống đối còn lại, và bạo lực phải cực kỳ hung bạo để gây kinh hoàng. Chính quyền Mác-Lênin thực hiện đấu tranh giai cấp và Lenin quan niệm đấu tranh giai cấp là nội chiến liên tục. Chính quyền Mác- Lênin là một chính quyền lâm chiến với nhân dân của chính mình.

Phong trào cộng sản đã đứng vững được tại các nước mà nó đã nắm được chính quyền nhờ khủng bố và đã bành trướng được sang các nước khác, như tại Việt Nam, cũng nhờ chiến tranh khủng bố. Và vì nó luôn luôn đặt đối phương trong thế thụ động. Các đảng cộng sản Tây Âu có vai trò chiến lược quyết định : đánh bóng các chế độ cộng sản và gây khó khăn tối đa cho các chính quyền dân chủ. Khi các đảng cộng sản tại các nuớc Tây Âu sụp đổ và bức tường bưng bít bị chọc thủng thì chủ nghĩa Mác-Lênin cũng sụp đổ tại Liên Xô và trên thế giới vì nó hiện nguyên hình như là một chủ nghĩa khủng bố. Các chế độ cộng sản Trung Quốc và Việt Nam đã phải thích nghi với thực tại thế giới để kéo dài sự tồn tại dù biết rằng về lâu về dài không thể trụ được. Hợp lý hơn với chính mình, chế độ cộng sản Bắc Triều Tiên tiếp tục đóng kín, cho đến gần đây.

Chủ nghĩa cộng sản đã được ủng hộ chủ yếu vì người ta không hiểu nó và không được thông tin về những tội ác kinh khủng của những chế độ nhân danh nó. Nhưng cũng có những lý do sâu xa khác.

Trong một bài trước đây (Tổ chức và sự hình thành cuả ý kiến, Thông Luận số 199, tháng 01/2006) tôi đã trình bày cách mà chúng ta suy nghĩ. Chỉ có một số ít người lý luận để đi đến kết luận, trong đại đa số các trường hợp người ta lý luận để bảo vệ một kết luận đã có sẵn, và kết luận này, khi không phải do tham vọng và quyền lợi, thường đến từ vô thức, từ những nguyện ước ấp ủ lâu ngày, từ những ám ảnh, kỷ niệm và thành kiến, từ những tập quán và giá trị do xã hội áp đặt. Nói chung là từ quá trình hình thành của mỗi con người. Như đã nói ở phần trên, chủ nghĩa cộng sản đã xuất hiện như một giải đáp cho nhiều ước vọng đã tích lũy từ lâu, quá lâu. Người ta ủng hộ nó bởi vì người ta chờ đợi nó và người ta không muốn nghe những lập luận phản bác, ngay cả khi dựa trên những bằng chứng xác thực, bởi vì người ta đã kết luận rồi và không muốn đổi ý kiến. Phong trào cộng sản, với những tác hại kinh khủng của nó, nhắc nhở một kinh nghiệm lịch sử : những thay đổi cần thiết bị trì hoãn quá lâu đến khi bắt buộc phải tới thì thường tới một cách rất tàn khốc.

Lý do thứ hai là sự mê hoặc của bạo lực. Bạo lực không phải là đặc tính riêng của phong trào công sản. Nó xuất hiện ở khắp nơi, Balkan, Nigeria, Sudan, Rwanda, Iraq, Afganistan... Bản năng bạo lực có trong mỗi người và nằm trong bản chất của con người. Cho đến môt ngày gần đây, khi dân chủ xuất hiện như là một phương thức tổ chức xã hội cho phép giải quyết những mâu thuẫn một cách văn minh, mọi chính quyền đều đã thành lập nhờ bạo lực và được duy trì bằng bạo lực. Con người sống dưới bạo lực và chịu đựng bạo lực trong suốt quá trình tiến hóa. Người ta vừa ghê sợ vừa ham muốn nó. Bạo lực cũng có tính lãng mạn của nó. Trong mỗi con người đều vẫn còn một tên sát nhân phải kiềm chế. Chủ nghĩa cộng sản đã thả lỏng tên sát nhân này và thỏa mãn một bản năng. Cũng nên biết rằng khủng bố mới chỉ bị lên án gần đây thôi, trước đây nó được coi là dũng cảm, anh hùng. Che Guevara đã là một thần tượng của tuổi trẻ trong thập niên 1960.

Chủ nghĩa Mác-Lênin đã lan rộng trên thế giới không phải vì giá trị lý luận của nó mà vì nó là một dụng cụ rất hiệu lực để cướp và giữ chính quyền. Nó phù hợp với những tham vọng quyền lực. Mao Trạch Đông không cần biết tới triết lý của Marx, ông chỉ đọc những sách cổ Trung Hoa. Hồ Chí Minh, theo chính lời ông thuật lại, đã chọn chủ nghĩa Mác-Lênin khi vừa mới nghe nói tới nó và trong suốt cuộc đời chưa hề có một đóng góp lý luận nào cho chủ nghĩa này. Cũng như Đảng Cộng Sản Liên Xô, cả hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam đều đã là những đảng khủng bố và thành công nhờ khủng bố. Không có gì đáng ngạc nhiên là khi nắm được chính quyền họ đã đập phá, và khi đã ngừng đập phá để xây dựng thì họ bối rối. Xây dựng không phải là chức năng cũa chủ nghĩa Mác-Lênin.

Vấn đề của chúng ta là ra khỏi chủ nghĩa này. Đúng hơn là chấm dứt giai đoạn hậu cộng sản đã bắt đầu từ nhiều năm nay. Nghĩa là đoạn tuyệt với văn hóa Mác-Lênin và giải quyết những di sản của nó, một di sản đầy máu và nước mắt, đầy tội ác, ức hiếp và thù hận. Sức sống hiện nay của chế độ cộng sản chủ yếu là sự lo sợ trước viễn ảnh phải trả lời về những tội ác và phải sòng phẳng với quá khứ. Chúng ta sẽ chỉ có giải đáp nếu hiểu bằng cả lý trí và tấm lòng hiện tượng cộng sản và tìm ra được một cách đúng để nhìn nó và nghĩ về nó.

Chúng ta đã thảo luận nhiều về tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc. Một cách để chấp nhận tinh thần này là nhìn giai đoạn cộng sản như một cơn điên của dân tộc Việt Nam trong một cơn điên chung của cả thế giới. Không thể tìm kiếm sự hợp lý trong một cơn điên và cũng không nên đặt vấn đề trách nhiệm trong một cơn điên. Vấn đề chỉ là hàn gắn những đổ vỡ.

Nguyễn Gia Kiểng

(tháng 02/2008)

Đọc thêm :

Một hồ sơ về thảm họa dân tộc

Bài 1. Rút kinh nghiệm từ hai cuộc Cách Mạng

Bài 2. Nghĩ về một cơn điên của thế giới

Bài 3. Nhìn lại chủ nghĩa Mác-Lênin

Bài 4. Nhìn lại Cách Mạng Tháng Tám

Bài 5. Cuộc chiến đấu thực sự

Khai sáng kỷ nguyên thứ hai

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Gia Kiểng
Read 4194 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)