Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/04/2024

Con rồng Trung Quốc muốn nuốt chửng con gấu Nga – có dễ không ?

Anh Vũ - Thanh Hà - Minh Anh

Trung Quốc tuyên bố mong muốn "tăng cường hợp tác chiến lược" với Nga

Anh Vũ, RFI, 09/04/2024

Các kênh truyền thông chính thức Nga cho biết, hôm nay 09/04/2024, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp người đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov đã tuyên bố Bắc Kinh mong muốn "tăng cường hợp tác chiến lược" với Moskva.

ngatq1

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị trao đổi văn kiện, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 09/04/2024 via Reuters – Russian Foreign Ministry

Lãnh đạo ngoại giao Nga đã tới Bắc Kinh hôm qua, 08/04 trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc hai ngày, theo AFP, nhằm tăng cường quan hệ hai nước giữa lúc Nga tiếp tục cuộc chiến tranh tại Ukraine.

Từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine, quan hệ hợp tác kinh tế và các cuộc tiếp xúc ngoại giao cũng như quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước không ngừng được thúc đẩy.

Thông tấn xã Nga RIA Novosti cho biết, ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định, "Trung Quốc sẽ ủng hộ sự phát triển ổn định của nước Nga dưới sự lãnh đạo của tổng thống Putin... Bắc Kinh và Moskva sẽ tiếp tục sẽ tăng cường hợp tác chiến lược trên trường quốc tế và ủng hộ lẫn nhau mạnh mẽ".

Hãng tin Nga Izvestia đăng một video trên Telegram, trong đó ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu cảm ơn "sự ủng hộ của những người bạn Trung Quốc" đối với tổng thống Vladimir Putin sau khi tái đắc cử.

Hồi tháng 3/2023, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Moskva đã khẳng định với tổng thống Putin về "tình hữu nghị không giới hạn" giữa hai nước. Mối quan hệ càng gần gũi hơn khi 2 nước đồng quan điểm lên án điều mà họ gọi là hành vi bá quyền phương Tây trên trường quốc tế. Lãnh đạo hai nước sau đó còn có cuộc gặp vào tháng 10 năm ngoái tại Bắc Kinh bên lề diễn đàn Sáng kiến Vành đai Con đường.

Trước báo giới hôm nay, cùng với ông Sergey Lavrov, ông Vương Nghị tuyên bố : "Với tư cách là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và là những cường quốc đang trỗi dậy, Trung Quốc và Nga rõ ràng phải đứng về phía tiến bộ lịch sử, chính nghĩa và công lý". Lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh hai nước "sẽ tiếp tục duy trì các trao đổi chặt chẽ dưới nhiều hình thức".

Trung Quốc chủ trương giải quyết cuộc chiến tại Ukraine bằng con đường ngoại giao và tỏ ra trung lập về cuộc xung đột này. Bắc Kinh đã kêu gọi tôn trọng toàn vẹn chủ quyền của tất cả các quốc gia, nhưng chưa bao giờ công khai lên án Moskva về cuộc tấn công quân sự Ukraine. Trong khi đó các nước phương Tây vẫn thường xuyên kêu gọi Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình với Nga để đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine. 

Anh Vũ

Đọc thêm :

Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở Trung Á : Một lối thoát kinh tế cho Nga

***************************

Ngoại trưởng Nga công du Trung Quốc để bàn về Ukraine

Thanh Hà, RFI, 08/04/2024

Chiến tranh Ukraine, tăng cường quan hệ song phương và tình hình trong khu vự Châu Á – Thái Bình Dương là những hồ sơ chính trong hai ngày làm việc 08 và 09/04/2024 của ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Bắc Kinh. Mặt khác, hai bên cũng chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc của tổng thống Vladimir Putin dự trù vào tháng 5/2024. Đây sẽ là chuyến xuất ngoại đầu tiên từ khi ông Putin tái đắc cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ.

ngatq2

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (xuống máy bay, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 8/4/2024. AP

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga được AFP trích dẫn cho biết ngoại trưởng Lavrov sẽ có nhiều cuộc trao đổi với đồng cấp Vương Nghị. Hai bên "trao đổi quan điểm trên một số hồ sơ nóng bỏng" như "khủng hoảng Ukraine và tình hình tại Châu Á-Thái Bình Dương".

Hãng tin Anh Reuters nhắc lại Nga và Trung Quốc cùng muốn lại phác họa ra một trật tự mới trên thế giới thay thế mô hình dân chủ của phương Tây mà đứng đầu là Mỹ.

Về phía Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Mao Ninh nhấn mạnh chuyến đi của lãnh đạo ngoại giao Nga diễn ra trong khuôn khổ một "chuyến viếng thăm chính thức" theo lời mời của ngoại trưởng Vương Nghị.

Liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine, Trung Quốc luôn khẳng định thế trung lập và đã đề xuất một kế hoạch gồm 12 điểm để giải quyết xung đột. Nga tuyên bố đánh giá cao sáng kiến này.

Theo Reuters, cho đến nay, dường như Nga chấp nhận đàm phán vãn hồi hòa bình tại Ukraine với điều kiện Kiev chấp nhận "một thực tế", đó là mất quyền kiểm soát 20% lãnh thổ quốc gia.

Chiến tranh Ukraine là cơ hội để Trung Quốc và Nga mở rộng quan hệ kinh tế : tổng trao đổi mậu dịch hai chiều giữa hai nước trong năm 2023 đạt ngưỡng 240 tỷ đô la, tăng thêm 26% so với hồi 2022. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng gần 47% trong năm vừa qua và trong chiều ngược lại Nga cũng đã xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc đến 13%.

Từ 2022 Nga và Trung Quốc đã khẳng định "mối quan hệ đối tác" và "tình bạn vô bờ bến".

Tổng thống Nga và chủ tịch Trung Quốc đã hai lần gặp nhau tại Moskva và Bắc Kinh. Ông Tập từng khẳng định "mức độ tin tưởng lẫn nhau về mặt chính trị ngày càng lớn". Sau khi tái đắc cử hồi tháng 03/2024 ông Vladimir Putin đánh giá tình hữu nghị của trục Moskva – Bắc Kinh là "yếu tố đem lại ổn định" cho thế giới và đánh giá rất cao mối quan hệ cá nhân với chủ tịch Tập Cận Bình.

Thanh Hà

*************************

Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở Trung Á : Một lối thoát kinh tế cho Nga

Minh Anh, RFI, 08/04/2024

Bắc Kinh và Moskva đang nhắm đến việc kết hợp Sáng kiến Vành đai và Con đường mà Trung Quốc đề xướng với Liên minh kinh tế Á – Âu (Eurasian Economic Union - EEU) do Nga lãnh đạo. Điều này báo hiệu một sự quan tâm mới đối với chiến lược của Trung Quốc mà Nga từng coi là một thách thức. 

ngatq3

Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) tham dự diễn đàn Sáng kiến Vành đai Con đường, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, hồ Nhạn Tê (Yanqi), Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 15/05/2017. AP - Lintao Zhang

Theo các nhà phân tích được South China Morning Post trích dẫn, việc hợp tác với Bắc Kinh có thể giúp Moskva lấy lại niềm tin từ các nước láng giềng ở Trung Á, hiện đang lo ngại trở thành một "Ukraine tiếp theo".

Khi Trung Quốc thời Tập Cận Bình công bố Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative - BRI) năm 2013, nước Nga của Vladimir Putin tỏ ra không mấy hào hứng trước các nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng khổng lồ tại các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ như Kazakhstan, Kyrsyzstan... Vào thời điểm đó, Vladimir Putin xem sáng kiến trên của Tập Cận Bình như là một thách thức cho sự thống trị của Nga tại một khu vực mà Nga xem là "sân sau" nhà mình.

EEU vs BRI

Năm 2015, tổng thống Nga cho thành lập Liên minh Kinh tế Á – Âu (EEU), quy tụ các nước thuộc Liên Xô cũ như Armenia, Belarus, Kazakstan và Kyrgyzstan, nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế và các lợi ích địa chính trị của riêng mình ở Trung Á. Kế hoạch này cũng nhằm đối phó với thị trường chung và liên minh thuế quan của Liên Hiệp Châu Âu (EU), được hình thành từ những năm 1990.

Nhưng khi Nga tiến hành cuộc chiến xâm lược Ukraine, mối đoàn kết trong khối bị sứt mẻ do một số nước thành viên của EEU lo lắng trước nguy cơ trở thành một Ukraine tiếp theo. Bên cạnh đó là những khó khăn do các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt nhắm vào Moskva trong nhiều lĩnh vực từ mua bán năng lượng, giao dịch ngân hàng.

Tuy nhiên, tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao, diễn ra ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, phó thủ tướng Nga Alexey Overchuk đề cập đến việc Nga và Trung Quốc đang thảo luận về khả năng "cải thiện kết nối" sáng kiến BRI với liên minh EEU. Theo quan điểm của Wang Yimei, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế tại đại học Nhân dân Trung Quốc, sự việc cho thấy Nga muốn "tận dụng ảnh hưởng của Trung Quốc để lấy lại niềm tin từ các nước láng giềng, đặc biệt là sự mất lòng tin từ Kazakhstan".

Trên thực tế, vào năm 2015, Bắc Kinh và Moskva đã từng có các thỏa thuận liên kết EEU và BRI, nhằm xây dựng các tuyến đường bộ và đường sắt đi từ Trung Quốc đến Châu Âu đi qua Trung Á. Đây là điều mong muốn của Bắc Kinh từ nhiều năm trước, hy vọng "hội nhập Á – Âu" nhiều hơn, biến các chương trình hợp tác song phương thành hợp tác đa phương, tạo thêm động lực cho các kế hoạch trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), ví dụ tuyến đường sắt Trung Quốc – Kyrgyzstan – Uzbekistan, dài 523 km, được đề xuất từ năm 1990, đi đến Châu Âu mà không cần quá cảnh qua Nga.

Kết nối EEU với BRI : Cơ hội phát triển kinh tế cho Nga

Nhưng việc xây dựng tuyến đường này chỉ mới bắt đầu từ 2023 do việc "Nga nghi ngờ về sự hiện diện của Trung Quốc ở "sân sau", còn Trung Quốc thì lo lắng khả năng tồn tại về mặt thương mại". Chuyên gia Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, trụ sở tại Washington, nhận định, trong bối cảnh đang bị sa lầy trong cuộc chiến ở Ukraine, "Nga không còn lựa chọn nào tốt hơn là mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế với Trung Quốc".

Chính sách này của Nga được thể hiện rõ trong các cuộc gặp giữa hai thủ tướng Nga và Trung Quốc ở Bắc Kinh hồi tháng 5 và tháng 12/2023. Chủ đề này rất có thể sẽ được đưa ra thảo luận trong cuộc gặp thượng đỉnh Tập Cận Bình – Vladimir Putin, dự kiến diễn ra vào tháng 5/2024.

Còn theo phân tích từ Zoon Ahmed Khan, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu, trụ sở ở Bắc Kinh với SCMP, chiến tranh Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đẩy Nga ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trước triển vọng Châu Âu tiếp tục giảm mua năng lượng, Nga sẽ tìm cách "mở rộng sự hiện diện của mình tại các thị trường Châu Á và các nước đang trỗi dậy ở phương Nam thông qua dự án Vành đai và Con đường".

Kế hoạch phối hợp EEU và BRI có thể giúp phát triển các hành lang giao thông nối Nga và Trung Quốc với các nước Á – Âu khác, xây dựng các đường ống năng lượng, tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và các cơ chế tạo thuận lợi cho thương mại. Chuyên gia Khan lưu ý thêm rằng, kế hoạch này sẽ còn mang lại cho Trung Quốc cơ hội hồi sinh dự án Con Đường Tơ Lụa Bắc Cực, cho các tuyến hàng hải xuyên Đại Tây Dương. Và dự án này trùng với sáng kiến của Nga về một tuyến hàng hải phía Bắc ! 

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ, Thanh Hà, Minh Anh
Read 396 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)