Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/03/2024

Chính trường cộng sản Việt Nam đang đặc tanh mùi máu

Nhiều tác giả

Dư luận bị đánh lạc hướng trong vụ Võ Văn Thưởng

Nguyễn Anh Tuấn, RFA, 29/03/2024

Đã một tuần trôi qua kể từ cuộc từ chức vô tiền khoáng hậu của ngôi sao chính trị đang lên Võ Văn Thưởng, dư âm của vụ việc dường như vẫn chưa lắng xuống.

giaudo0

Đời tư và quá trình công tác chủ yếu ở cơ quan đoàn và đảng khiến ông Võ Văn Thưởng ít gặp điều tiếng gì về tiền bạc - một điểm tương đồng với ông Nguyễn Phú Trọng. Ảnh minh họa

Dư luận xôn xao và bất ngờ cũng hợp lý vì ngay cả những nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm trong và ngoài nước cũng không lường trước được số phận chính trị của ông Thưởng - người từng được kỳ vọng sẽ kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng trong vai trò Tổng bí thư, lại kết thúc chóng vánh như vậy.

Sự bất ngờ của công chúng và giới quan sát là có cơ sở, bởi lẽ cho tới trước khi thông tin được lan truyền, ông Thưởng đang nắm giữ nhiều lợi thế hơn cả so với các ứng viên khác cho vị trí Tổng bí thư. Lợi thế cả về vị trí đương quyền, kinh nghiệm công tác đảng, lý lịch ý thức hệ, và cả sự dư dả về thời gian. Đặc biệt hơn, đời tư và quá trình công tác chủ yếu ở cơ quan đoàn và đảng khiến ông ít gặp điều tiếng gì về tiền bạc - một điểm tương đồng với ông Nguyễn Phú Trọng.

Công chúng và giới quan sát cứ thế không ngớt đồn đoán về điều gì thực sự đã khiến ông Thưởng phải ra đi. Ngay cả khi bằng nhiều cách khác nhau, những người buộc ông Thưởng từ chức đã hé lộ điều được cho là sai phạm của ông trong quá khứ, điều này có lẽ vẫn chưa thuyết phục được dư luận.

Cụ thể, vài ngày sau khi ông Thưởng ra đi, một bài viết lạ được Ban Chỉ đạo 35 một số địa phương đăng tải đã tiết lộ sai phạm của ông Thưởng trong thời gian làm Bí thư tỉnh Quảng Ngãi là để cho "doanh nghiệp mượn danh [Phúc Sơn - ghi chú của người viết] đảm nhận nhiều dự án, can thiệp công tác cán bộ, làm mất lòng tin trong nhân dân". Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là nhân dân nào mất lòng tin khi mà nội tình của sự việc đã không được làm rõ, và vì sao Bộ Công an lại chọn thời điểm Đảng khởi động công tác nhân sự khóa mới để làm án Phúc Sơn và lật lại sai phạm của ông Thưởng.

Tương tự vậy, dư luận không thấy thuyết phục khi án Phúc Sơn được Bộ Công an làm rất nhanh, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi có quyết định về số phận ông Thưởng chỉ chưa đầy một tháng. Vì sao một vụ án nghiêm trọng như vậy mà tiến hành thật cấp tốc ? Vì sao Bộ Công an có thể bắt các Ủy viên Trung ương Đảng có liên quan trong vụ án mà không cần Bộ Chính trị, Trung ương Đảng thông qua các bước kỷ luật đảng như trước kia ? Vẫn còn rất nhiều câu hỏi bỏ ngỏ.

Tuy nhiên, việc dư luận mãi thắc mắc về những gì ông Thưởng đã làm có thể ví như "thấy cây mà không thấy rừng" và vô tình lại phù hợp với mong muốn của người đã loại bỏ ông Thưởng : Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bởi lẽ khi đó dư luận đã ngầm giả định sự thưởng - phạt trong cuộc đốt lò của ông Trọng là công minh, trong khi trên thực tế chưa hẳn đã vậy.

Ai cũng biết những cán bộ chủ chốt hiện tại đều từng kinh qua các chức vụ lãnh đạo địa phương hoặc bộ ngành, như ông Phạm Minh Chính từng là Bí thư Quảng Ninh, ông Vương Đình Huệ làm Bộ trưởng Tài chính, hay ngay cả ông Nguyễn Phú Trọng từng làm Bí thư Hà Nội. Lật lại mấy chục năm công tác của họ liệu lấy gì đảm bảo không mắc những sai phạm tương tự như ông Thưởng, trong bối cảnh chủ nghĩa bè phái thân hữu trục lợi hoành hành ở Việt Nam hàng mấy thập kỷ qua ?

Do đó, vấn đề không phải là trong quá khứ có mắc sai phạm hay không, mà nằm ở chỗ có đang nắm quyền lực thống soái để có thể lật lại sai phạm của đồng chí mình hay không.

Nhìn nhận dưới góc độ này sẽ thấy những đồn đoán, tranh luận, nghi vấn về sai phạm trong quá khứ của ông Thưởng không thật nhiều ý nghĩa, và có khi lại là dấu hiệu cho thấy dư luận đã bị đánh lạc hướng trong vụ việc này.

Chuyện cần đào sâu và thảo luận nhiều hơn là động cơ của người nắm quyền hành cao nhất trong Đảng hiện nay - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông Thưởng.

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn : RFA, 29/03/2024

***************************

Chính trường tanh tưởi

Đặng Đình Mạnh, VNTB, 24/03/2024

Chính trường cộng sản đang đặc tanh mùi máu. Chưa lúc nào bằng lúc này, tình "đồng chí" hay "đồng bọn" giữa các đảng viên cao cấp đang bộc lộ cho bằng hết bản chất… Số đảng viên có đủ tiêu chuẩn ngồi vào ghế tổng bí thư đầy quyền lực trong nhiệm kỳ tới lần lượt dính vào các đòn thù dưới thắt lưng, gồm : Vương Đình Huệ, Phạm Minh Chính, Trương Thị Mai và Võ Văn Thưởng.

hoitanh0

Chưa lúc nào bằng lúc này, tình "đồng chí" hay "đồng bọn" giữa các đảng viên cao cấp đang bộc lộ cho bằng hết bản chất… Ảnh minh họa Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đến dự Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, ngày 15/01/2024. Ảnh : Trí Dũng/TTXVN

Võ Văn Thưởng, chủ tịch nước. Thưởng là kẻ đầu tiên bị loại khỏi đường đua với lý do nhận hối lộ 60 tỷ đồng của một doanh nghiệp từ hơn 10 năm trước. Đây là đòn thậm đau đối với Thưởng, vì lẽ, số tiền 60 tỷ đối với một ủy viên bộ chính trị chỉ nhỏ như cái móng tay mà thôi. Cứ xem bí thư của một huyện đã ung dung có đến 170 tỷ đồng trong tài khoản, hoặc một giám đốc công an tỉnh có đến 40 sổ đỏ, nhà ở vài cái như cung điện, sở hữu khối tiền bạc của chìm, của nổi đồ sộ, thì có thể suy ra ủy viên bộ chính trị sẽ sở hữu bao nhiêu tài sản… Thế nhưng, thật sự thì Thưởng đã "chết" chỉ vì cái móng tay cỏn con ấy. 

Kẻ dính đòn kế tiếp là Vương Đình Huệ, chủ tịch quốc hội. Chẳng phải tự nhiên mà công chúng được bơm thổi tràn ngập tin tức và cả hình ảnh minh họa về cô ca sĩ H.T. xứ Nghệ xinh đẹp bồng hai con thơ với tên gọi xách mé "Hai con đom đóm". Không cần quá uyên bác, công chúng vẫn dễ dàng nhận ra cái tên "đom đóm" nói về ông chủ tịch quốc hội. Người được chính thân mẫu quảng cáo trên báo về sự hiếu học, bắt chước theo câu chuyện của thần đồng Mạc Đĩnh Chi chong chiếc đèn đom đóm để học trong đêm khuya, bất chấp tính phi khoa học về những chiếc đèn đom đóm ấy.

Nhưng chỉ cần câu chuyện hủ hóa như thế, bất chấp thật giả, thì chủ tịch họ Vương cũng đã đủ mất sạch uy tín trước công chúng nếu có ý định tham gia cuộc đua tử thần vào chiếc ghế tổng bí thư. Dĩ nhiên qua đó, họ Vương cũng nhận được thông điệp không gì có thể rõ ràng hơn : Ông ấy không được chào đón vào cuộc đua như là một ứng viên.

Phạm Minh Chính, thủ tướng. Vẫn là mô típ cũ về câu chuyện hủ hóa được đồn thổi khá lâu về mối quan hệ tình ái ngoài luồng giữa ông thủ tướng đã lập gia đình với người phụ nữ đầy quyền lực trước đây : Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Bà Thanh Nhàn đang bị truy nã đỏ về nhiều vụ án tham ô, tham nhũng trong nước. Để nhắc nhở ông thủ tướng về tội hủ hóa và cả khả năng là đồng bọn giúp sức cho bà Thanh Nhàn trong các phi vụ đắt tiền, thỉnh thoảng, đối thủ của ông vẫn nhờ các KOLs (những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội) lên tiếng về nghi án ấy để nhắc nhở thân phận ông thủ tướng và nhân tiện, cũng làm mất uy tín thủ tướng. Như họ Vương, ông thủ tướng họ Phạm cũng nhận được thông điệp không gì có thể rõ ràng hơn : Ông ấy không được chào đón vào cuộc đua như là một ứng viên.

hoitanh1

Ngay cùng thời điểm có tin đồn ông Võ Văn Thưởng nộp đơn xin từ chức chủ tịch nước, thì cũng kèm theo tin đồn bà Trương Thị Mai cũng xin nghỉ hưu sớm.

Trương Thị Mai, thường trực ban bí thư, ủy viên bộ chính trị. Bà được công chúng đánh giá là có nhiều nét tương đồng với Võ Văn Thưởng, ít nhất về 2 phương diện : Bất tài nhưng sạch sẽ. "Sạch sẽ", đó là nói về thời điểm trước khi Thưởng bị lộ mặt. Thật vậy, kinh qua nhiều chức vụ, bà hầu như chưa từng để lại dấu ấn gì đặc biệt để khẳng định tài năng cả. Sống lâu lên lão làng, cứ thế bà được đẩy dần lên các ghế lãnh đạo cao cấp. Thế nhưng, ngay sau thời điểm họp Tiểu ban Nhân sự Trung ương để chuẩn bị cho đại hội XIV, bắt đầu có tin đồn râm ran về tư cách đạo đức của bà khi dính đến nghi án bí thư tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng, người vừa bị bắt giữ, khởi tố hình sự có thể đã cung phụng việc xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng cho bà tại Đà Lạt bằng ngân sách nhà nước.

Dĩ nhiên, hư thực chưa từng được chứng minh. Nhưng như trường hợp ông chủ tịch quốc hội họ Vương, đối thủ của bà chỉ cần những tin đồn thổi để dọn đường dư luận và cũng để nắn gân bà.

Ngay cùng thời điểm có tin đồn ông Võ Văn Thưởng nộp đơn xin từ chức chủ tịch nước, thì cũng kèm theo tin đồn bà Trương Thị Mai cũng xin nghỉ hưu sớm. Không rõ, bà đã sớm ngửi thấy mùi tanh máu của đồng bọn nên đành áp dụng kế "tẩu vi thượng sách" trong tam thập lục kế để sớm thoái lui khỏi đấu trường đẫm máu, hoặc chỉ là hư chiêu, trước khi tung thực chiêu dành suất trên đường đua ?

Còn những Phan Đình Trạc. Nhưng có lẽ, Trạc chưa từng sẵn sàng cho bất kỳ trò chơi quyền lực nào cả, ít nhất trong thời điểm này.

Vậy, cuối cùng thì ai sẽ là ứng viên tại vạch xuất phát cuộc đua tử thần ? Dĩ nhiên, người trong sạch nhất. 

Vậy, ai là người trong sạch nhất ? Dĩ nhiên, là người không bị vướng vào các lời đồn thổi về bê bối tình, tiền.

Vậy, ai là người không bị vướng vào các lời đồn thổi về bê bối tình, tiền ? Dĩ nhiên, là người tung lời đồn thổi cho các đối thủ.

Đến đây, các bạn biết ai là ứng viên nhỉ ?

hoitanh3

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an trung ương đến dự hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 74 ngày 4/1/2019

Kể từ khi quyền lực quốc gia bị thoán đạt bằng một cuộc "Cướp chính quyền" vào năm 1945, thay thế cho bầu cử tự do, văn minh, thì chính trường xứ này bắt đầu sa vào cái "dớp" truyền kiếp không thể thoát ra được.

Lúc này, thời điểm chuẩn bị cho một cuộc thay đổi quyền lực quốc gia cũng vậy, công chúng, người chủ đất nước đã hoàn toàn bị đẩy ra rìa cuộc chơi. Thay vì là nhân vật chính trong một cuộc bầu cử tự do, văn minh, họ chỉ còn là những khán giả thụ động chứng kiến cuộc chơi tanh tưởi đang diễn ra trên sân khấu. Cho dù kẻ thắng trong cuộc chơi quyền lực có là ai chăng nữa, thì vai trò khán giả của công chúng vẫn không có gì thay đổi, họ vẫn phải cày bừa để cung phụng cho các cuộc chơi mới của kẻ thắng cuộc…

DC, ngày 24/03/2024

Đặng Đình Mạnh

Nguồn : VNTB, 24/03/2024

*************************************

3 lý do Tổng Trọng phải trảm Võ Văn Thưởng theo lệnh của Bắc Kinh ?

Trà My, Thoibao.de, 25/03/2024

Sự nghiệp chính trị của ông Võ Văn Thưởng đã chính thức khép lại ở tuổi 54. Tuy nhiên, lý do vì sao ông Thưởng bị bãi chức, thông báo của Ban Chấp hành Trung ương khóa 13, tại phiên họp "bất thường" ngày 20/3, đã không nêu rõ.

vvt1

Ngày 20/10/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự BRF lần thứ ba tại Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh minh họa 

Công luận thấy rằng, với những lời lẽ được cho là rất nặng nề trong thông báo trên, nhưng lại không ai hiểu, ông Thưởng đã sai phạm những gì, đến mức bị buộc phải thôi chức, và vì sao Đảng không nói rõ cho dân biết ?

Giới quan sát nhận xét rằng, Chủ tịch nước ông Võ Văn Thưởng là một chính khách trẻ, có lý luận, có mối quan hệ "gần gũi" và được đích thân TổngTrọng đào tạo và dìu dắt. Sự thăng tiến của ông Thưởng trong tương lai, có khả năng tiến xa và trở thành người đứng đầu của Đảng, trên cương vị Tổng bí thư. Nhưng, ông lại đột nhiên "rớt đài".

Theo đồn đoán, lý do ông Thưởng ngã ngựa liên quan tới một số bê bối về tham nhũng xảy ra từ 12 năm về trước. Điều này đã được nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, từ Học viện Chính trị Đông Nam Á, có trụ sở tại Singapore, xác nhận :

"Các nguồn tin không chính thức nhưng đáng tin cậy cho biết, trong thời gian ông còn giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (2011 – 2014), một người thân của ông Thưởng đã nhận 60 tỷ đồng từ Tập đoàn Phúc Sơn, được cho là [đã hối lộ] cho Thưởng để xây dựng nhà thờ tổ của mình".

Dù không có bằng chứng xác thực, nhưng công luận và giới thạo tin vẫn cho rằng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm là kẻ đứng sau vụ hạ bệ ông Thưởng. Lý do, ông Tô Lâm muốn đoạt lấy chức Chủ tịch nước, để được hưởng suất "trường hợp đặc biệt" ở lại Đại hội 14, sẽ tổ chức vào tháng 1/2026.

Có ý kiến cho rằng, bất kể Bộ trưởng Công an Tô Lâm là nhân vật "siêu quyền lực" trong bộ máy lãnh đạo Đảng, thì việc ông Tô có thể "diệt" được ông Thưởng là điều không dễ dàng. Bởi đây là một nhân vật gần gũi với ông Trọng.

Hơn nữa, với nguyên tắc lãnh đạo tập thể, thì việc ra đi hay ở của Thưởng phụ thuộc theo đa số phiếu biểu quyết của Bộ Chính trị, mà phe Tổng vẫn chiếm đa số. Điều này cho thấy, dù Tô Lâm có rất muốn trảm ông Thưởng, thì không phải cứ muốn là được !

Đó là lý do, một số người cho rằng, chính Tổng Trọng là người chủ động "diệt" Thưởng ! Vì sao ?

Việc Võ Văn Thưởng lâu nay vẫn được đánh giá là nhân vật trẻ tuổi, thuộc phái "cấp tiến" được phe cộng sản miền Nam ủng hộ, là điều có thật. Đồng thời, Thưởng có xu hướng chính trị nghiêng về phương Tây nhiều hơn. Đó là những lý do khiến Ban lãnh đạo Bắc Kinh và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, không hài lòng.

Trong chuyến thăm của ông Thưởng đến Trung Quốc, dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" lần thứ 3, được tổ chức tại Bắc Kinh, vào tháng 10/2023, ông Thưởng không được chào đón lắm.

Cụ thể, nước chủ nhà Trung Quốc đã bố trí cho ông Thưởng một chỗ đứng không thể "khiêm tốn" hơn, khi để ông đứng ngoài rìa (chỉ còn cách một người) bên trái, trong bức hình lễ khai mạc. Điều đó đã khiến cho có nhiều người cảm thán rằng : Ông Thưởng tham dự Diễn đàn "Một vành đai, một con đường" với tư cách một nhân vật "chầu rìa", đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩ bóng.

Điều vừa kể phù hợp với việc, trước chuyến đi này của ông Thưởng, công luận và mạng xã hội Việt Nam đánh giá là "lành ít, dữ nhiều".

Cũng như sau đó, trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Hà Nội vào tháng 12/2023, tại tiệc chiêu đãi "quốc khách" chiều ngày 12/12/2023, Tổng Trọng đã nghẹn ngào khi đọc diễn văn trước Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo đó, Tổng Trọng đã thổ lộ với người đồng cấp Trung Quốc rằng : "Đồng chí Tập Cận Bình còn trẻ hơn tôi nhiều. Nhưng mà tôi thì cũng đã già rồi, rất muốn gửi gắm và trao trách nhiệm cho thế hệ trẻ".

Theo giới phân tích, sự thổ lộ này đã khiến Tập Cận Bình và lãnh đạo Bắc Kinh không hài lòng.

Trong bối cảnh, Tổng Trọng và Ban lãnh đạo Hà Nội có nhiều chỉ dấu ngả sang phương Tây nhiều hơn, bằng chứng là họ đã nâng cấp quan hệ ngoại giao với hàng loạt các quốc gia như, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc, lên mức cao nhất, là "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện". Điều này khiến Bắc Kinh rất không hài lòng, mà trong đó có những đóng góp to lớn của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Đó là lý do, vì sao Tổng Trọng không còn lựa chọn nào khác, buộc phải xử lý ông Thưởng.

Mới đây, ngày 22/3/2024, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Lê Hoài Trung, đã hội kiến với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh, đã khẳng định, Việt Nam khẳng định tăng cường quan hệ mật thiết hơn với việc Trung Quốc, là câu trả lời./.

3 lý do ông Tổng phải trảm V.V Thưởng theo lệnh của Bắc Kinh ?

Trà My 

Nguồn : Thoibao.de, 25/03/2024

****************************

Biến Trần Cẩm Tú thành vô dụng, âm mưu hóa giải sức mạnh ông Tổng của phản nghịch Tô ?

Thái Hà, Thoibao.de, 25/03/2024

Thông báo của Trung ương Đảng ngày 20/3 về việc cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với ông Võ Văn Thưởng, có đoạn :

"Vừa qua, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, ông Võ Văn Thưởng đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, và chịu trách nhiệm người đứng đầu, theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước".

trancamtu

Tô Lâm đã làm thay công việc của "Công an nội bộ trong Đảng", điều đó có nghĩa là, ông Tô Lâm đã biến Trần Cẩm Tú thành vô dụng, trong vụ kỷ luật Võ Văn Thưởng. Ảnh minh họa : ông Trần Cẩm Tú

Tuy ông Thưởng viết đơn từ chức, nhưng thực chất, đây là hình thức kỷ luật cách chức. Việc viết đơn "từ chức" chỉ là cách để bảo vệ danh dự cho ông Thưởng – một nhân vật thuộc Tứ trụ và cho Đảng.

Vậy câu hỏi đặt ra là, đâu là nơi xuất phát của áp lực này ?

Báo cáo của Trung ương Đảng chỉ nói chung chung về tội trạng của ông Thưởng, chứ không nói gì cụ thể. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cũng đã soi rất kỹ câu từ của bản kết luận do Trung ương Đảng công bố. Đó là, "theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng". Câu hỏi đặt ra là, cái gọi là "cơ quan chức năng" kia là cơ quan nào ? Tại sao lại phải giấu giếm ?

Thông thường, về mặt Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương do ông Trần Cẩm Tú đứng đầu, sẽ làm công việc điều tra sai phạm và đề nghị mức kỷ luật. Đây là quy định bao lâu nay của Đảng. Vậy tại sao, đối với trường hợp của ông Thưởng, lại có một "cơ quan chức năng" bí ẩn nào đó nhảy vào, tranh làm công việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương ?

Thật ra, cũng không khó đoán, cái gọi là "cơ quan chức năng" này chính là Bộ Công an của Tô Lâm.

Lâu nay, Đảng quy định, muốn kỷ luật về mặt Đảng một cán bộ lãnh đạo, thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện việc điều tra, đưa ra kết luận và đề xuất lên Bộ Chính trị, về mức kỷ luật. Ủy ban Kiểm tra Trung ương được ví như "công an của nội bộ của Đảng", còn Bộ Công an là công an của thường dân.

Sau khi "Công an nội bộ của Đảng" đề nghị kỷ luật, ở mức khai trừ Đảng đối với một ai đó, và đẩy họ về phía thường dân thì mới đến lượt Tô Lâm ra tay. Nhưng nay thì khác, Tô Lâm đã làm thay công việc của "Công an nội bộ trong Đảng", điều đó có nghĩa là, ông Tô Lâm đã biến Trần Cẩm Tú thành vô dụng, trong vụ kỷ luật Võ Văn Thưởng.

Thông tin nội bộ cho biết, chính Tô Lâm đã tự ý điều tra và lập hồ sơ của Võ Văn Thưởng, rồi gây áp lực buộc ông Trọng phải ra tay với Võ Văn Thưởng. Từ đó, ông Trọng mới cho Trần Cẩm Tú kết luật sai phạm của Võ Văn Thưởng theo nội dung mà Tô Lâm cung cấp. Nói thẳng ra, Trần Cẩm Tú đã bị Tô Lâm dắt mũi, trong vụ kỷ luật Võ Văn Thưởng.

Hôm nay Tô Lâm "dắt mũi" được Trần Cẩm Tú, thì không có gì đảm bảo rằng, ông không có âm mưu vô hiệu hóa Trần Cẩm Tú. Bởi lâu nay, Trần Cẩm Tú là sức mạnh của ông Nguyễn Phú Trọng. Việc điều tra các "đồng chí" sai phạm được ông Trọng giao cho Trần Cẩm Tú đi trước.

Việc vô hiệu hóa Trần Cẩm Tú chỉ mới diễn ra trong thời gian gần đây, kể từ vụ "bắt sống" ông Trần Đức Quận – Bí thư ; và ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, vào ngày 24/1. Sau đó là vụ "bắt sống" bà Hoàng Thị Thúy Lan – Bí thư ; và ông Lê Duy Thành – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, cùng lúc với việc bắt ông Đặng Văn Minh – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Tất cả những người này là do Tô Lâm bắt trước, không qua Trần Cẩm Tú.

Phải chăng, đây là dấu hiệu cho thấy, Tô Lâm đã vô hiệu hóa được Trần Cẩm Tú để hóa giải sức mạnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ?

Biến Trần Cẩm Tú thành vô dụng, âm mưu hóa giải sức mạnh ông Tổng của Tô ?

Thái Hà

Nguồn : Thoibao.de, 25/03/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Anh Tuấn, Đặng Đình Mạnh, Trà My, Thái Hà
Read 568 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)