Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/01/2024

Eo biển Đài Loan tuy hẹp nhưng rất khó vượt qua

Rupert Wingfield-Hayes - Kelly Ng

Đài Loan mà Trung Quốc thèm khát đang dần biến mất

Rupert Wingfield-Hayes, BBC, 11/01/2024

Đã từng có một thời khi mà nụ cười của nhà độc tài hiện diện khắp Đài Loan.

dailoan1

Đài Loan 1949 của Tưởng Giới Thạch đã không còn, ảnh hưởng của ông giờ đây đã giảm nhiều

Cảnh tượng đó giờ đây đang trở nên hiếm hoi hơn khi ngày càng nhiều những bức tượng như vậy bị phá bỏ. Từng có lúc số lượng tượng lên tới hơn 40.000 bức.

Hơn 200 bức tượng đã bị bỏ lại trong một công viên ven sông phía nam Đài Bắc. Tại đây, có tượng vị Đại nguyên soái Tưởng Giới Thạch đang đứng, ngồi, mặc trang phục truyền thống hay trang phục học giả, cưỡi ngựa, với trẻ nhỏ ngưỡng mộ vây quanh và cả tượng ông đang chống gậy khi đã về già.

Một Đài Loan dân chủ dường như không còn chỗ cho người cai trị cũ, người đã mang Trung Hoa Dân Quốc đến hòn đảo này, khi trốn chạy khỏi thất bại chực chờ dưới tay cộng quân của Mao Trạch Đông.

Khi Trung Quốc đại lục trở thành Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đài Loan vẫn là Trung Hoa Dân Quốc.

Cả hai đều tuyên bố chủ quyền trên lãnh thổ của phía còn lại. Cả Tưởng Giới Thạch lẫn Mao Trạch Đông đều không coi Đài Loan là một địa phận riêng biệt của một dân tộc riêng biệt.

Nhưng đó chính là Đài Loan ở thời hiện tại.

Khác với Đài Loan, những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc chưa bao giờ dừng lại. Tuy vậy, hầu như mọi thứ khác đã thay đổi ở cả hai bờ của eo biển rộng chừng 180km này.

Trung Quốc giờ đây đã trở nên giàu có, mạnh mẽ hơn và là một mối đe dọa không thể phủ nhận.

Đài Loan, hòn đảo nay đã áp dụng chế độ dân chủ, đang trong một cuộc bầu cử, thời điểm mà các mối liên kết với Bắc Kinh đang được thử thách.

Bất kể kết quả của cuộc bỏ phiếu vào thứ Bảy như thế nào, nền tự do của Đài Loan vẫn là một mối nguy cho hy vọng thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

dailoan2

Các sự kiện vận động trước cuộc bầu cử vào thứ Bảy đang vô cùng sôi nổi

Ở Đài Loan vẫn có người, tương tự Tưởng Giới Thạch đã từng, coi bản thân là người Trung Quốc và ngưỡng mộ Đại lục.

Những người khác lại cảm thấy họ là người Đài Loan thực thụ. Họ coi Bắc Kinh là một thế lực ngoại bang đang muốn thuộc địa hóa hòn đảo của mình, giống như những gì Tưởng Giới Thạch và người Nhật đã làm trước đó.

Ngoài ra, có khoảng 600.000 người bản địa có tổ tiên đã sinh sống tại hòn đảo này hàng ngàn năm.

Tiếp đến là một thế hệ trẻ hơn, với phức cảm nửa này nửa kia và luôn e ngại trước những câu hỏi về bản sắc. Dù cảm thấy bản thân là người Đài Loan, họ không đặt nặng việc tuyên bố độc lập.

Họ mong muốn có được hòa bình và quan hệ làm ăn với Trung Quốc, dù không muốn là một phần của đất nước này.

"Tôi là người Đài Loan. Nhưng tôi tin vào Trung Hoa Dân Quốc", một người phụ nữ ngoài 50 tuổi, lấp lánh trong ánh hào quang của đèn Giáng sinh và trông giống Elton John, nói.

Đây là một phản ứng hiếm hoi tại một cuộc mít tinh vận động tranh cử cho Quốc Dân Đảng (KMT), đảng phái do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo đến khi qua đời năm 1975. Thành phố Đào Viên là thủ phủ của Quốc Dân Đảng, nơi có hàng chục ngàn người đổ ra đường để ủng hộ ứng cử viên tổng thống Hầu Hữu Nghi.

Quốc Dân Đảng hiện đang đề xuất việc thiết lập hòa bình và mở rộng đối thoại với cựu thù - Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP). Đảng này cho rằng Đài Loan chỉ có thể thịnh vượng khi chấp nhận đối thoại với Bắc Kinh.

dailoan3

Tưởng Vạn An, ngôi sao mới nổi của Quốc Dân Đảng, được coi là người có tiềm năng trở thành ứng cử viên tổng thống trong tương lai

"Chúng ta nên kết bạn với đại lục", người phụ nữ vừa cười vừa nói. "Chúng ta có thể cùng nhau kiếm tiền".

Tên bà bị át đi hoàn toàn giữa tiếng nhạc đinh tai nhức óc của bài ca ái quốc.

Tiếng hò reo tán thưởng vang dội cả sân khấu khi Tưởng Vạn An xuất hiện ; ông này là chắt nội của Tưởng Giới Thạch và là ngôi sao đang lên của Quốc Dân Đảng.

"Tôi thích anh ấy lắm, đẹp trai vô cùng", người phụ nữ ăn mặc sặc sỡ nói. "Mong một ngày anh ấy sẽ trở thành tổng thống !"

Đám đông chủ yếu là những người trong độ tuổi 50 đến 60. Họ có mối quan hệ gia đình hoặc kinh doanh với Trung Quốc và là những người ủng hộ lâu năm của Quốc Dân Đảng.

"Tôi là người Trung Quốc, còn Đài Loan chỉ là một hòn đảo nhỏ bé. Hãy nhìn Trung Quốc mà xem !", một người đàn ông khoảng 50 tuổi đầy phấn khích khi nói về những thành tựu trong việc phóng tên lửa gần đây của Trung Quốc.

"Tất nhiên là chúng ta nên thống nhất - có thể không phải bây giờ, nhưng một ngày nào đó chúng ta nhất định phải làm vậy".

dailoan4

Phần lớn người ủng hộ Quốc Dân Đảng là những người Đài Loan cao tuổi, có gia đình hoặc mối quan hệ kinh doanh với Trung Quốc

Không có nhiều người trẻ ở đây, họ dường như không bị thu hút bởi di sản của Quốc Dân Đảng.

"Tôi không bầu cho đảng, tôi bầu cho ứng cử viên", Lâm Thần Trạch nói. "Tôi là người Đài Loan, nhưng tôi muốn hòa bình. Đảng Dân Tiến [cầm quyền] đã nắm quyền tám năm và đã đến lúc thay đổi. Hầu Hữu Nghi là một người tốt. Ông ấy trung thực và làm việc hiệu quả".

"Bạn coi mình là người Trung Quốc hay người Đài Loan ?" – Câu hỏi kéo dài hàng thập kỷ giờ đây đang có những câu trả lời đối nghịch.

Đối với Bắc Kinh, đây là điều đáng báo động. Đối với các đảng chính trị ở Đài Loan, đây được coi là một vấn đề tế nhị, đòi hỏi khả năng điều chỉnh lập trường linh hoạt.

"Hành động của họ đối với những bức tượng này là một sai lầm", cựu chiến binh 94 tuổi Phạm Huấn Trung nói khi đi qua công viên đầy tượng Tưởng Giới Thạch.

Ông Phạm mới 18 tuổi vào năm 1947 khi rời quê hương Tứ Xuyên, nằm sâu trong vùng núi miền tây nam Trung Quốc, để gia nhập quân đội Tưởng Giới Thạch.

Đầu năm 1949, khi nội chiến Trung Quốc chuyển hướng, đơn vị của Phạm được cử đến Đài Loan để chuẩn bị cho việc sử dụng hòn đảo này như một thành trì.

Sáu tháng sau, Tưởng Giới Thạch cùng hệ thống chính phủ và đội quân thất bại gần một triệu người theo sau.

Phạm nghĩ rằng ông sẽ sớm trở về nhà. Nhưng sau khi Mao nắm quyền, ông không thể về hay thậm chí viết thư về nhà. "Vì vậy, tôi đã chờ đợi và chờ đợi hàng thập kỷ".

dailoan5

Phạm Huấn Trung vẫn gắn bó với giấc mơ thống nhất Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch

Mãi đến năm 1990 ông mới được trở lại nơi quê hương. Thời điểm đó, người thân trong gia đình ông đã qua đời từ lâu, nhiều người trong số họ bị Đảng Cộng sản Trung Quốc truy bức vì hành động "phản cách mạng" của ông.

Ông được biết mẹ và anh trai của mình đã chết đói trong Nạn đói lớn (từ 1958 đến 1961) – một hậu quả từ nỗ lực công nghiệp hóa thời Mao Trạch Đông.

Dù đã sống bảy thập niên ở Đài Loan, Phạm nói ông vẫn luôn coi mình là người Trung Quốc : "Chúng tôi đến đây không có nghĩa đất nước bị tàn lụi ; chúng tôi vẫn là Trung Hoa Dân Quốc. Đài Loan chỉ là một tỉnh nhỏ trong số hơn 30 tỉnh".

Không xa công viên này, Tưởng Giới Thạch vẫn chưa an giấc trong chiếc quan tài bằng đá cẩm thạch đen, vẫn chưa được chôn dù đã gần nửa thế kỷ từ khi ông qua đời.

"Chúng tôi chiến đấu để thống nhất Trung Quốc", Phạm nói. "Chúng tôi muốn một Trung Quốc hùng mạnh, thống nhất và độc lập. Đó là ước mơ của chúng tôi".

Đối với Tưởng Giới Thạch, Đài Loan chỉ là một thành trì tạm thời để dưỡng thương rồi lại tiếp tục theo đuổi ước mơ tái chinh phục Trung Quốc. Dù đã chết từ lâu mang theo giấc mơ của mình, Tưởng Giới Thạch đã để lại dấu ấn rõ rệt.

Khi đi bộ trên các con đường ở Đài Bắc, bạn sẽ bắt gặp những cái tên sót lại từ một thời đại đã qua của Trung Quốc : Nam Kinh Đông lộ, Bắc Bình Bắc lộ, Trường An Tây lộ.

Hiện tại, ngôn ngữ được sử dụng cho giáo dục và thương mại là tiếng Quan Thoại, một phương ngữ miền bắc Trung Quốc.

dailoan6

Đài Loan thể hiện rõ sự ảnh hưởng mạnh mẽ của miền bắc Trung Quốc, từ đồ ăn đến ngôn ngữ

Đài Bắc là thành phố của mì sợi làm từ lúa mì và bánh bao, đều là những món ăn phương Bắc.

Nơi đây cũng có rất nhiều nhà hàng Thượng Hải xuất sắc - di sản từ cuộc di cư của nhiều tầng lớp doanh nhân thành đạt từ khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền.

Tuy nhiên, di sản của Tưởng Giới Thạch có một cái giá rất đắt. Bất kỳ biểu hiện nào về bản sắc chính trị của người Đài Loan đều bị đàn áp dã man. Dưới thời Tưởng Giới Thạch, người được sùng bái tương tự Mao Trạch Đông, Stalin hay Kim Nhật Thành, hàng ngàn người đã bị tra tấn, bỏ tù và hành quyết.

"Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc, giống như một cặp song sinh cùng trứng, có cùng một lý tưởng", nhà hoạt động chính trị John Chen (John Trần), 86 tuổi, nói. "Cả hai đều nhất trí rằng chúng tôi là một phần của Đại Trung Hoa".

Ông Trần trò chuyện khi tham quan một trại giam quân sự cũ ở miền nam Đài Bắc – một nơi mà đối với ông đã quá quen thuộc.

Năm 1969, một tòa án quân sự đã xét xử và giam giữ ông ở đây, chỉ ba tuần sau hôn lễ của ông. Ông đã trải qua 10 năm tiếp theo ở Cảnh Mỹ, một trong những nhà tù đáng sợ nhất của Đài Bắc. Tội của ông là tham gia một nhóm ủng hộ độc lập cho Đài Loan khi còn theo học một trường y tại Nhật Bản.

dailoan7

Sau 15 năm ngồi tù do ủng hộ Đài Loan độc lập, ông Trần vẫn khẳng định một ngày nào đó điều này sẽ đến

Ông bị nhốt trong buồng giam chật chội với sáu tù nhân khác. Bên trong không hề có giường, chỉ có một nhà vệ sinh bệt trong góc, một cái vòi nước và một cái xô để rửa.

Hè thì oi bức đến chảy mỡ, đông lại rét thấu xương. Mỗi ngày họ chỉ được ra ngoài tập thể dục vỏn vẹn 15 phút.

Ông Trần sinh ra dưới thời Nhật Bản cai trị, có thể nói tiếng Nhật lưu loát. Ông thừa nhận rằng phong cách sống của mình tương đồng với Nhật Bản hơn là với Trung Quốc đại lục.

"Tôi không coi mình là người Trung Quốc, mà là người Đài Loan", ông nói.

Ông Trần là một trong số hàng triệu người có gia đình di cư từ Trung Quốc, chiếm phần lớn cư dân của hòn đảo.

Họ chủ yếu đến từ Phúc Kiến qua nhiều đợt di cư từ những năm đầu thế kỷ 17. Họ nói tiếng Đài Loan, một phiên bản của phương ngữ miền Nam Phúc Kiến, khác biệt với tiếng Quan Thoại, như tiếng Anh với tiếng Bồ Đào Nha vậy.

Với ông, "Đài Loan vốn đã độc lập" và có một tương lai tươi sáng.

"Một ngày nào đó Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ sụp đổ. Khi đó, chúng ta có thể hội nhập vào cộng đồng quốc tế một cách trọn vẹn".

Ông bác bỏ tuyên bố của Bắc Kinh rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc chỉ vì có chung văn hóa và ngôn ngữ.

"Vậy Tây Tạng hay Tân Cương thì sao ? Nếu cứ là người gốc Trung và nói tiếng Trung thì quốc gia thuộc chủ quyền Trung Quốc, vậy cả Singapore sao ?

Thời kỳ cai trị quân sự đã qua từ lâu, và trên khắp Đài Loan có các tượng đài tưởng niệm Khủng bố Trắng, một thời kỳ đàn áp chính trị kéo dài hàng thập niên tại Đài Loan dưới thời Tưởng.

Tuy vậy, một số người cho rằng lập trường dai dẳng của Bắc Kinh đang khiến thế hệ trẻ nhiệt huyết suy nghĩ lại cách nhìn nhận bản thân.

dailoan8

Mặc dù đã học tiếng Quan Thoại khi lớn lên, Lạc Ốc Anh Hồ từ chối sử dụng ngôn ngữ này

Lạc Ốc Anh Hồ (Lôa Ēng-hôa) bắt đầu học tiếng Đài Loan khoảng năm năm trước. Giờ đây, anh chỉ nói tiếng Đài Loan hoặc tiếng Anh và từ chối nói tiếng Quan Thoại.

Đối với anh, đó là ngôn ngữ của kẻ thực dân áp bức. Anh ví von việc này giống như người Anh bị buộc phải nói tiếng Ý vì nước Anh từng là một phần của Đế quốc La Mã.

"Khi còn học tiểu học, mỗi sáng chúng tôi đều tập trung lại và hát quốc ca [Trung Hoa Dân Quốc]. Luôn có một số học sinh lười biếng không thèm hát, tôi sẽ hét lên với họ 'mày không yêu quê hương sao !' Khi đó, tôi thực sự nghĩ mình là người Trung Quốc".

Anh nói rằng chỉ khi đi làm ở Úc và chứng kiến cách quốc gia này đối mặt với lịch sử đầy biến động của mình, anh mới có được nhận thức sâu sắc về bản thân.

Dưới thời Quốc Dân Đảng, học sinh bị cấm sử dụng và sẽ bị phạt nếu nói tiếng Đài Loan. Cha mẹ người Đài Loan cũng bắt con cái nói tiếng Quan Thoại ngay cả khi ở nhà vì tin rằng điều đó sẽ giúp chúng vào đại học hoặc có được việc làm tốt.

Lạc Ốc nói rằng tuy tiếng Đài Loan không bị cấm nhưng "sự áp đặt tư tưởng" vẫn tồn tại.

"Điều đáng nói nhất là việc chúng tôi bị tước đi quyền học tiếng Đài Loan - 80% người dân có nguồn gốc Đài Loan, nhưng không có quyền được học bằng ngôn ngữ của chính mình. Điều này chẳng phải thật ngớ ngẩn hay sao ?"

Đối với những người trẻ như Lạc Ốc, Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền, dù đã thành công nhờ vào việc chống lại Bắc Kinh và kêu gọi độc lập cho Đài Loan, vẫn còn rất nhiều việc có thể và phải làm.

dailoan9

Dù từng gặp khó khăn trong các cuộc bầu cử địa phương, DPP đã cầm quyền liên tục 8 năm gần đây

Đảng Dân Tiến (DPP) từng là một tổ chức thiếu quy củ, chật vật để giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử địa phương và giành ghế trong Quốc hội.

Trong các cuộc mít tinh của đảng, tiếng Đài Loan được sử dụng. Tính đến thời điểm hiện tại, Đảng Dân Tiến đã cầm quyền được 16 năm, bao gồm 8 năm qua.

Những người ủng hộ trẻ tuổi của đảng nói tiếng Anh lưu loát và quan tâm tới các vấn đề về môi trường hay LGBTQ nhiều hơn là về sự độc lập chính thức của Đài Loan.

Trong một cuộc mít tinh gần đây tại Đài Bắc, ứng cử viên phó tổng thống của DPP, bà Tiêu Mỹ Cầm, đã có bài phát biểu công khai đầu tiên. Với sức trẻ và sự lôi cuốn, bà gây được ấn tượng mạnh với đám đông.

Nhưng tại Bắc Kinh, Tiêu Mỹ Cầm bị căm ghét.

Bà sinh ra ở Nhật Bản với mẹ là người Mỹ và cha là người Đài Loan. Cương vị gần đây nhất của bà Tiêu Mỹ Cầm là đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Hoa Kỳ.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nhiều lần tung tin đồn rằng bà hầu như không nói được tiếng Quan Thoại, cho dù đây không phải sự thật.

Trung Quốc lo sợ sự trỗi dậy của những chính trị gia như bà Tiêu, những người hầu như không có mối liên hệ gia đình nào với đại lục và coi Đài Loan gần gũi với Tokyo và Washington hơn là với Bắc Kinh.

Nếu không tính DPP, đây là cuộc bầu cử đầu tiên mà cả ba ứng cử viên tổng thống đều là người gốc Đài Loan. Không ai trong số họ đến từ những gia đình di cư đến hòn đảo này cùng Tưởng Giới Thạch năm 1949.

Ông Hầu của Quốc Dân Đảng là con trai của một thương nhân đến từ miền nam Đài Loan, người đã vươn lên đứng đầu Cục điều tra quốc gia.

Ngày nay, không còn thấy DPP nói về mục tiêu độc lập hay Quốc Dân Đảng nói về kế hoạch đối thoại với Bắc Kinh ; hai đảng hiện đang tránh bàn luận về kế hoạch thống nhất và câu hỏi chủ quyền giữa Đài Loan và Trung Quốc.

Cả hai đều chấp nhận "hiện trạng" đặc biệt của Đài Loan - không được coi là một quốc gia nhưng tự bầu ra lãnh đạo cho mình.

dailoan10

Tại cuộc mít tinh của Quốc Dân Đảng, một người phụ nữ ăn mặc lấp lánh nhận xét thẳng thắn : "Đây chính là ngọn núi đang bảo vệ chúng tôi. Thiếu đi [vị thế của] Trung Hoa Dân Quốc, Đài Loan coi như xong. Đài Loan không thể độc lập. Độc lập sẽ dẫn đến chiến tranh".

Đây là điều mà các chuyên gia gọi là "mập mờ chiến lược". Cho đến nay, cách làm này khiến tất cả, bao gồm Bắc Kinh, hài lòng.

Nhưng đó không phải là cách mà người dân nhận diện bản thân.

"Hôm nay tất cả chúng tôi đều là người Đài Loan, bất kể xuất xứ của tổ tiên. Chúng tôi kết hôn với nhau và trộn lẫn tiếng Đài Loan với tiếng Quan Thoại khi nói chuyện", một nhóm người đi bộ trên con đường mòn gần Đài Bắc nói.

Khi đi du lịch nước ngoài, họ luôn nói rằng họ đến từ Đài Loan. "Chúng tôi không muốn mọi người nghĩ rằng chúng tôi đến từ Trung Quốc".

Điều này trái ngược với mục tiêu thống nhất Trung Quốc dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản. Thông điệp này cũng đã được gửi đến người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, người Mông Cổ và Hong Kong.

dailoan11

Việc người dân Đài Loan đang tự đưa ra quyết định về bản sắc của họ là một vấn đề đối với Bắc Kinh

Tuy không phải tất cả mọi người đều nghĩ mình là người Đài Loan, các cuộc thăm dò cho thấy ngày càng nhiều người trẻ có xu hướng này.

Ngay cả trong hoàn cảnh Đài Loan hiện tại, dòng họ Tưởng vẫn nhận được ưu ái. Nhiều người cho biết họ muốn Quốc Dân Đảng đề cử chắt nội của Tưởng Giới Thạch vào năm 2028 ; còn bà Tiêu đã được coi là ứng cử viên cho DPP.

Bất kỳ ai cũng có thể thắng, nhưng việc điều này được quyết định bởi người dân Đài Loan là một quan ngại đối với Trung Quốc.

Các cử tri trẻ tuổi nói rằng tất cả những gì họ quan tâm là hòa bình : "Tôi có hai em trai và tôi rất lo rằng chúng sẽ phải chiến đấu với Trung Quốc", Thẩm Lộ, 21 tuổi, nói tại cuộc mít tinh của Quốc Dân Đảng.

Giống như hầu hết những đồng minh mạnh mẽ, có ít người dân Đài Loan nói về việc độc lập bởi sự phi thực tiễn, thậm chí là bất khả thi của việc này.

Nhưng hòa bình giờ là tiên quyết với một Đài Loan đang muốn giữ lại những gì họ đang có.

"Tôi là người Đài Loan nhưng điều quan trọng nhất đối với thế hệ của tôi là hòa bình", Thẩm Lộ nói. "Tôi không muốn thống nhất. Tôi muốn tình hình như hiện nay được duy trì mãi mãi".

Rupert Wingfield-Hayes

Nguồn : BBC, 11/01/2024

************************

Bắc Kinh sẽ 'không bao giờ thỏa hiệp' về Đài Loan, Trung Quốc nói với Hoa Kỳ

Kelly Ng, BBC, 10/01/2024

Trung Quốc trong các cuộc đàm phán quân sự đầu tiên với Hoa Kỳ kể từ năm 2021 đã tuyên bố sẽ "không bao giờ thỏa hiệp" về vấn đề Đài Loan.

dailoan12

Các cuộc đàm phàn diễn ra chỉ vài ngày trước khi có cuộc bầu cử quan trọng ở Đài Loan

Bắc Kinh kêu gọi Hoa Kỳ "chấm dứt việc trang bị vũ khí cho Đài Loan" và coi những quan ngại của họ một cách "nghiêm túc".

Tin tức được đưa ra chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử quan trọng ở Đài Loan, sự kiện có thể đẩy hòn đảo này gần hơn với – hoặc ngược lại, xa hơn khỏi – Bắc Kinh.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, nhưng hòn đảo này tự coi mình là khác biệt với lục địa Trung Quốc.

"Trung Quốc bày tỏ sẵn sàng phát triển mối quan hệ quân sự lành mạnh và ổn định với Hoa Kỳ trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng", thông cáo của Bộ Quốc phòng nước này viết.

Bộ Quốc phòng nói rằng Hoa Kỳ cần xem xét những mối quan ngại của Trung Quốc một cách "nghiêm túc", đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ "không có bất kỳ nhượng bộ hay thỏa hiệp nào về vấn đề Đài Loan, và yêu cầu phía Mỹ tôn trọng nguyên tắc Một Trung Quốc, các cam kết liên quan, chấm dứt việc trang bị vũ khí cho Đài Loan, và không ủng hộ Đài Loan độc lập".

Đài Loan là điểm nóng quan trọng trong cuộc tranh giành ảnh hưởng quyền lực giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở Châu Á.

Hồi năm 2022, Trung Quốc đã từ chối nối lại đàm phán như một động thái nhằm phản đối sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ tại thời điểm đó, bà Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan vào tháng 8/2022.

Hai bên nối lại đàm phán vào đầu tuần này, sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đạt được thỏa thuận trong cuộc họp hồi tháng 11. Cuộc đàm phán kéo dài hai ngày đã kết thúc tại Washington vào hôm thứ Ba.

Trong một diễn biến riêng rẽ, Đài Loan cho biết họ không coi việc phóng vệ tinh của Trung Quốc qua không phận phía nam của Đài Loan hôm thứ Ba là một hành động can thiệp bầu cử.

Vụ phóng vệ tinh vào chiều thứ Ba đã khiến có cuộc cảnh báo trên toàn bộ hòn đảo về khả năng có không kích. Người dùng điện thoại di động trên khắp hòn đảo tự trị đã nhận được tin nhắn cảnh báo họ "hãy chú ý đến sự an toàn của mình".

Bộ Quốc phòng Đài Loan sau đó đã xin lỗi vì nội dung nêu không chính xác liên quan đến tên lửa trong cảnh báo gửi tới các điện thoại di động.

"Sau khi nhóm an ninh quốc gia phân tích thông tin tổng thể và cân nhắc đánh giá thông tin của nhiều đồng minh quốc tế, ta có thể loại trừ các nỗ lực chính trị", Lin Yu-chan, người phát ngôn của văn phòng tổng thống Đài Loan, nói.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết vệ tinh có tên Einstein Probe được sử dụng để "quan sát các hiện tượng thoáng qua bí ẩn".

Đảng đối lập chính của hòn đảo, Quốc Dân Đảng (KMT) đã chỉ trích việc sử dụng "tùy tiện" hệ thống cảnh báo trên toàn đảo, nói rằng điều đó gây ra tâm lý sợ hãi.

Kelly Ng

Nguồn : BBC, 10/01/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Rupert Wingfield-Hayes, Kelly Ng
Read 406 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)