Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/11/2023

Mới ! Nhận hối lộ nhưng không vụ lợi thì được miễn tố

Tuyến Phan - RFA

Vụ án Vạn Thịnh Phát : 7 thanh tra viên nhận tiền từ SCB nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Tuyến Phan, VietnamNet, 24/11/2023

Trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, có 7 thành viên thuộc đoàn thanh tra cùng nhận tiền từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) nhưng lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

miennhiem1

Bị can Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị cáo buộc cùng đồng phạm chiếm đoạt hơn 498.000 tỉ đồng của SCB - TN

Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, từ tháng 1/2012 - tháng 10/2022, thông qua nhiều chiêu trò gian dối, các công ty thuộc "hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát do bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, điều hành đã được SCB giải ngân hàng ngàn khoản vay, với tổng số tiền hơn 1 triệu tỉ đồng.

Đến nay, tổng dư nợ thuộc nhóm không có khả năng thu hồi lên tới hơn 667.000 tỉ đồng. Sau khi trừ đi các tài sản đủ điều kiện trích lập dự phòng rủi ro và tiến hành xử lý tài sản bảo đảm, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 498.000 tỉ đồng của SCB.

Đáng chú ý, để sai phạm của bà Lan có thể diễn ra trong thời gian dài, với tính chất và mức độ nghiêm trọng như vậy, không thể không nhắc tới sự tiếp tay của các cán bộ thanh tra.

Theo kết luận, tháng 8.2017, đoàn thanh tra liên ngành tại SCB được thành lập với 18 thành viên, gồm 9 người thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, 2 người thuộc Kiểm toán Nhà nước, 4 người thuộc Thanh tra Chính phủ, 3 người thuộc Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Thực tế cho thấy, SCB sai phạm ở tất cả nội dung thanh tra. Tuy nhiên, từ chỉ đạo của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan, SCB đã chi tiền "đi đêm" cho toàn bộ thành viên đoàn thanh tra, nhằm bưng bít sai phạm. Hậu quả, vụ án không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Kết quả điều tra xác định, cả 18 thành viên đoàn thanh tra đều nhận tiền từ SCB. Trong đó, người nhận nhiều nhất là trưởng đoàn Đỗ Thị Nhàn (Vụ trưởng Vụ I, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng) với 5,2 triệu USD, tương đương 118 tỉ đồng.

Dù vậy, chỉ có bà Nhàn bị đề nghị truy tố tội nhận hối lộ, 10 người bị đề nghị truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, 7 người còn lại được đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.

Vì sao lại có diễn biến này ?

Từng kiên quyết kiến nghị xử lý nhưng không thành

Theo kết luận điều tra, 7 thành viên đoàn thanh tra nhận tiền từ SCB nhưng được đề nghị miễn trách nhiệm hình sự gồm 3 người thuộc Kiểm toán Nhà nước, 3 người thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng và 1 người thuộc Thanh tra Chính phủ.

Những người này được xác định là cấp dưới, chỉ tham gia một phần việc do tổ trưởng giao. Trong báo cáo gửi tổ trưởng và trưởng đoàn thanh tra, họ đều phản ánh trung thực về sai phạm của SCB.

Điển hình, trong quá trình kiểm tra 71 khách hàng (cùng địa chỉ ở số 4 Nguyễn Thị Minh Khai, Thành phố Hồ Chí Minh) tại SCB, ông Lại Văn Bách (thuộc Kiểm toán Nhà nước), bà Bùi Vũ Hồng Trang và bà Phạm Thị Thùy Linh (cùng thuộc Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) xác định các khoản vay đối với nhóm khách hàng nêu trên có rất nhiều sai phạm và kiên quyết kiến nghị chuyển cơ quan chức năng xem xét, xử lý.

Ba thanh tra viên còn đề nghị cấp trên, trong đó có bà Đỗ Thị Nhàn, làm rõ nguồn tiền SCB cho khách hàng vay, đồng thời yêu cầu xác minh tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) về tình trạng dư nợ của các khách hàng mới.

Tuy nhiên, đến khi hết thời hạn thanh tra, trưởng đoàn thanh tra vẫn không có văn bản xác minh. Họ phải ký báo cáo sửa đổi phần kiến nghị theo hướng chuyển cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm tra việc cấp tín dụng của SCB, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đề nghị chuyển cơ quan chức năng xem xét, xử lý.

Tương tự, một số thành viên đoàn thanh tra thuộc diện nhận tiền nhưng không bị đề nghị xử lý hình sự cũng đã báo cáo đầy đủ sai phạm của SCB, kiến nghị xử phạt hành chính và yêu cầu ngân hàng này khắc phục, chỉnh sửa. Họ không biết trong nhóm 71 khách hàng có nhiều người phát sinh dư nợ mới rất lớn, không tham gia việc dự thảo kế hoạch thanh tra, chỉ ký theo chỉ đạo của trưởng đoàn Đỗ Thị Nhàn…

miennhiem2

Trong vòng 10 năm, SCB đã giải ngân cho các công ty thuộc "hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát lên tới hơn 1 triệu tỉ đồng, trong đó tổng dư nợ không có khả năng thu hồi là hơn 667.000 tỉ đồng - T.N

Chủ động nộp lại tiền trước khi vụ án bị khởi tố

Vẫn theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, quá trình điều tra, cả 7 thành viên đoàn thanh tra nêu trên đều hợp tác tích cực, chủ động nộp lại toàn bộ tiền đã nhận từ SCB trước khi vụ án bị khởi tố.

Trong đó, có người khai đã nhận tiền từ SCB 4 lần, nhưng trả lại 2 lần, thực tế chỉ nhận 100 triệu đồng ; có người thì khai đã nhận được SCB chi tiền 5 lần, tổng cộng 9.000 USD và 100 triệu đồng.

Với những căn cứ đã nêu, cơ quan điều tra quyết định không xử lý hình sự mà đề nghị xử lý nghiêm về Đảng và chính quyền đối với nhóm 7 thanh tra viên.

Ở một diễn biến khác, hôm 22/11, tại buổi họp báo thông báo kết quả phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo), ông Nguyễn Văn Yên, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương, cho biết quá trình điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát đã được Ban Chỉ đạo chỉ đạo sát sao, chặt chẽ.

Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp, chỉ đạo các cơ quan tố tụng Trung ương nghiên cứu, phân tích, đánh giá đúng tính chất, mức độ và bản chất sai phạm.

Theo đó, những trường hợp sai phạm nhận tiền lớn, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã bị khởi tố và đề nghị truy tố. Một số đối tượng khác thì cân nhắc tính chất, mức độ, đặc biệt là nguyên nhân, bối cảnh nhận tiền để xem xét xử lý.

"Các trường hợp đoàn kiểm tra, thanh tra có vi phạm được cân lên đặt xuống, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng. Có một số đối tượng rơi vào tình cảnh không có thỏa thuận, không có cam kết, đòi hỏi. Tiền nhận số lượng ít vào dịp lễ, tết", ông Yên nói và cho hay, với các trường hợp này không xử lý về hình sự, sẽ xử lý nghiêm bằng kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính.

Đưa hối lộ trăm tỉ nhưng vẫn thoát tội

Theo yêu cầu của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan, ông Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng giám đốc SCB, đã đưa hối lộ cho trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn tổng số tiền 5,2 triệu USD.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra nhận định ông Văn chỉ thực hiện chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, đã chủ động khai báo về việc đưa tiền cho bà Nhàn và các cá nhân khác trong quá trình thanh tra. Đồng thời, cựu Tổng giám đốc SCB còn chủ động tố giác hành vi của bà Nhàn và hợp tác tích cực với cơ quan điều tra.

Do vậy, bị can này không bị xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi đưa hối lộ, chỉ bị đề nghị truy tố 2 tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng.

Tuyến Phan

**************************

Nhận hối lộ trong vụ Vạn Thịnh Phát nhưng không vụ lợi sẽ được miễn trách nhiệm hình sự

RFA, 23/11/2023

Những quan chức nhận tiền hối lộ trong vụ Vạn Thịnh Phát nhưng không có động cơ vụ lợi sẽ chỉ xem xét kỷ luật về mặt Đảng và hành chính. 

miennhiem3

Người dân tập trung đông trước Ngân hàng SCB chi nhánh Hà Nội vào sáng 8/10/2022 để rút tiền - FB Saigon Review

Hôm 22/11, Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết vụ án Vạn Thịnh Phát là "lớn nhất từ trước tới nay" và được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo sát sao, chặt chẽ, có hệ thống. 

Báo mạng VnExpess dẫn lời ông Yên khẳng định, người nhận số tiền tham nhũng lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của ngân hàng SCB phải bị truy tố, xét xử. 

Tuy nhiên, đối với người nhận ít, không có động cơ ; nhận tiền vào dịp lễ tết như bồi dưỡng, quà ; không cam kết làm gì để có lợi cho bên đưa tiền sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng về nguyên nhân, hoàn cảnh. 

Các trường hợp này sẽ không xử lý về mặt hình sự nhưng xử lý nghiêm về kỷ luật Đảng và hành chính.

Ông Yên cho rằng việc xử lý này "thấu tình, đạt lý" và tương tự như vụ án Việt Á cũng có chủ trương tha, miễn xử lý với người có vai trò thứ yếu, phụ thuộc, phải thực hiện theo mệnh lệnh, không có động cơ vụ lợi trong hoàn cảnh dịch bệnh.

Phát biểu của Phó ban nội chính Trung ương một lần nữa khẳng định lại vai trò định hướng trong việc xử lý các vụ án của Trung ương Đảng, và tòa án không độc lập xét xử theo pháp luật. 

Trong vài tuần trở lại đây, báo chí Nhà nước đưa thông tin từ cơ quan công an kết luận 24 thành viên đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước thanh tra ngân hàng SCB đều có hành vi nhận hối lộ. 

Trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Ngân hàng Nhà nước) bị cho là đã nhận hối lộ lên tới 5,2 triệu USD (khoảng 118 tỉ đồng).

RFA, 23/11/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tuyến Phan, RFA tiếng Việt
Read 235 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)