Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/10/2023

Đất "guộng" phương Nam

Hồ Kim Kha

"Chao ôi chợ gì mà lạ lùng vậy ? Một con ba ba to gần bằng cái nong, đặt lật ngửa, cứ ngọ nguậy bơi bơi bốn chân trước ông cụ già ngồi lim dim đôi mắt. Những con rùa vàng to gần bằng cái tô, đều tăm tắp như đổ cùng một khuôn ra, nằm rụt cổ trong mấy chiếc giỏ cần xé. Đây là một con nai người ta vừa xẻ thịt ra bán, cái thủ còn nguyên chưa lột da bày giữa đống thịt đỏ hỏn trên một tấm lá chằm. Cua biển cũng có, ếch cũng có nghêu sò cũng có. Còn cá tôm thì nhiều lắm, đủ các loại tôm, không kể xiết. Tôi bước thêm mấy bước qua những đống trái khóm chín vàng tỏa thơm mùi mật, thấy hai con trút nằm khoanh, vảy xếp lại như những đồng hào lấp lánh. Có tiếng chim gì mổ nhau kêu quang quác trong chiếc lồng kẽm chỗ tối tối : ngọn đèn vừa bị cánh chim quạt tắt và người chủ bán chưa kịp thắp lên. Một chú khỉ con cứ nhảy qua nhảy lại lia lịa, chờn vờn trèo lên đống bí ngô".

dat1

Một nông dân làm ruộng ở Cần Thơ hôm 28/2/2023 - AFP

"Vườn cau, vườn dừa ở Bến Tre, nơi người đi có thể bước suốt ngày dưới những vườn dừa tàu lá ken nhau, trên đầu không lọt xuống một bóng nắng…"

"Đứng trên các cánh đồng, nhìn bốn mặt chân trời, chỉ thấy lúa vàng gợn lên mênh mông như biển…".

"Dòng sông Năm Căn mênh mông, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác, cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng. Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng hơn ngàn thước, trông hai bên bờ, rừng được dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận. Cây đước mọc dài theo bãi, theo từng lứa trái rụng, ngọn bằng tăm tắp, lớp này chồng lên lớp kia ôm lấy dòng sông, đắp từng bậc màu xanh lá mạ, màu xanh rêu, màu xanh chai lọ… lòa nhòa ẩn hiện trong sương mù và khói sóng ban mai. Chợ Năm Căn nằm sát bên bờ sông, ồn ào, đông vui tấp nập".

(Trích tiểu thuyết Đất rừng phương Nam, tác giả Đoàn Giỏi)

Ruộng vườn dưới lòng sông

Trong tiểu thuyết của Đoàn Giỏi, đất rừng phương Nam mà cụ thể là xứ Cà Mau, rừng, cánh đồng, ruộng lúa và sông nước U Minh hiện ra sừng sững lồng lộng, khoáng đạt và vạm vỡ, giàu có trù mật, dữ dội quyết liệt nhưng kiến nghĩa hào hiệp, hoang dã nhưng ôm ấp chở che. Khoảng không bát ngát đó, những làn hơi thở của sông nước và đất rừng đặc biệt đó quyến rũ đến mê hoặc. Nó đã phà vào trái tim ai một lần thì người đó như đã được khảm con dấu chói bỏng lên da thịt, dù đi đâu cũng nhớ đau đáu, nhớ đến khát thắt trong từng tế bào.

Gần 100 năm trôi qua, đất rừng U Minh vẫn còn đó, những câu chuyện kỳ lạ mãnh liệt như phảng phất hơi thở truyền kỳ của đồng bằng sông nước vẫn còn sống động trên từng trang giấy, cuốn hút mạnh mẽ người đọc nơi xa.

Nhưng…

Đất "guộng" phương Nam (ruộng, theo phát âm của hầu hết xứ phương Nam) từng được lúa vàng phủ kín mênh mông như biển, ở một số nơi từ nhiều năm nay đã không còn nuôi nổi nhiều con người.

Căn nguyên của tình trạng bi đát mà nhiều người vẫn còn chưa lường nổi đó không chỉ nằm trong biên giới Việt Nam. Xưa, chín khúc Cửu Long Giang nặng trĩu trườn trên châu thổ ấp ôm, đắp bồi cho ruộng vườn miền Tây tươi tốt. Nhưng từ khi Trung Quốc và các nước thượng nguồn sông Mê Kông chặn dòng để khai thác triệt để các đập thủy điện lớn nhất thế giới thì dưới hạ nguồn, mùa nước nổi ngày càng hiếm hoi và có những năm trở thành lũ dữ. Các hồ thủy điện cao trên vùng thượng lưu sông khiến cho không còn cát và phù sa thường xuyên bồi đắp lòng sông như trước, thay đổi triệt để cả hệ sinh thái và môi trường sống của các loài thủy sản trong sông. Con nước sống vốn no nê phù sa bị rút nguồn sinh khí từ tận thượng nguồn, giờ càng xuôi dòng càng cạn kiệt.

Thêm vào đó, những nỗ lực khai thác cát suốt hàng chục năm qua của các địa phương Việt Nam ven sông, gồm cả khai thác chính thức của Nhà nước và khai thác cát lậu đã cùng chung lưng đấu sức hút cạn nguồn sống của dòng sông. Trong suốt vài chục năm, hút cát lậu dễ vô cùng, và ngon như ăn gỏi. Chỉ cần một chiếc xà lan chạy ì ì, một hoặc nhiều cái vòi hút cát cắm xuống lòng sông và máy bơm mạnh là làm giàu. Thoắt một cái chiếc xà lan đã đầy ắp. Chạy tới nơi mua, lại thò vòi ra phun cát thẳng vô những nền nhà đang chuẩn bị xây, là xong. 

Theo các chuyên gia sông ngòi, dòng sông bị hút sạch cát nhưng không có gì bù lại thì chỉ còn là dòng nước đói (từ dùng của các chuyên gia về sông ngòi) trống rỗng. Nước đói rất dữ, hung hãn gặm khoét lòng và bờ sông để bù đắp lượng cát nó đã bị lấy mất. Khắp nhiều tỉnh Nam Bộ, ruộng vườn, nhà cửa của người dân rơi nhào xuống lòng sông, mép nước lấn vô đất, vô vườn đến hàng trăm mét. Có những người lùi đất cất nhà mới đến ba lần chỉ vỏn vẹn trong vòng vài năm, nhưng lần lượt cả ba ngôi nhà đều không thoát khỏi nạn cúng cho Hà Bá.

Nước gặm sụp chân móng nhà êm ái hồi nào không ai hay, rồi tới hôm định mệnh, bất thình lình ầm một tiếng như đại bác, toàn bộ ngôi nhà và mảnh vườn quanh nó sụp biến xuống lòng sông âm lặng.

dat2

Tàu chở cát trên sông Mekong ở Cần Thơ hôm 16/12/2018. Reuters

Theo thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ năm 2016 đến nay, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện đến gần 800 điểm sạt lở với tổng chiều dài gần 1.200 km. Trong đó có 281 điểm với 528 km sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Về Long An, Bến Tre, Tiền Giang… mà nghe kể chuyện của dân hút cát hay dân bị mất nhà mất đất thì triền miên. Câu chuyện chung là dân hút cát lậu ai cũng phất thật lẹ, giàu nhất vùng. Nhưng cái quả nhận được cũng khủng khiếp. Dân mấy ấp Tân Phú, Tân Bắc (huyện Châu Thành, Bến Tre) chỉ ngôi nhà của người hút cát lậu cũng chính là dân ấp này, kể rằng ông ta giàu nhất ở đây. Nhưng một bữa, vợ đi theo ghe hút cát của chồng rồi không biết cách sao mà té xuống sông chết đuối. Người dân kể với một thái độ đặc biệt, ám chỉ rằng nghề hút cát lậu là cái nghề thất đức, gây hậu quả mất nhà mất ruộng vườn của người khác. Nên nhân quả có thừa, gia đình họ phải lãnh hậu quả mất người kinh khủng như vậy. Mà đó chưa phải là hết !

Quay lại chuyện của dòng sông.

Từ mấy chục năm trước, từ khi Mê Kông chưa bị chặn dòng trên thượng lưu thì chính sách sai lầm của nhiều đời lãnh đạo các tỉnh đồng bằng cũng đã dẫn đến những hệ lụy đến ruộng đất miền Tây không tưởng tượng được.

Đê bao chặn mùa nước nổi

Tiến sĩ Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, nguyên chủ nhiệm dự án Quy hoạch kiểm soát lũ Đồng bằng sông Cửu Long viết trong một bài báo từ năm 2014 : "Quy hoạch kiểm soát lũ đồng bằng sông Cửu Long được Thủ tướng phê duyệt năm 1999 (thời điểm đó Thủ tướng Chính phủ là ông Võ Văn Kiệt-người viết). Trong quy hoạch nói rõ chỉ tập trung phát triển hai vụ lúa đông xuân và hè thu (đó là cách gọi miền Bắc đã bị áp đặt vào mùa lúa miền Nam, bởi ai cũng biết Nam Bộ không có mùa đông, mùa xuân, mùa hè, mùa thu gì cả. Một đàn anh miền Tây rặc ri nói tôi hay, nông dân Nam Bộ trước kia gọi là lúa mùa sớm và lúa mùa muộn, chỉ có hai mùa lúa một năm-người viết). Không khuyến khích làm vụ ba vì nhiều rủi ro do lũ về và đất cũng như người nếu khai thác quanh năm sẽ dễ kiệt quệ, làm đê bao sẽ không lấy được phù sa, vệ sinh đồng ruộng v.v… Nói cho công bằng, lúa vụ ba (còn gọi thu đông) cũng là phát kiến của người dân từ thập niên 80 nhưng chỉ làm ở những nơi chủ động được công tác thủy nông".

Ông Trường cho rằng đê bao và bờ bao mà các tỉnh đồng bằng xây nên là "một trong các chiến lược khôn khéo để thích ứng với biến đổi do các hoạt động phát triển ở thượng lưu sông Mê Kông, sự biến đổi do thay đổi khí hậu toàn cầu, và chủ động phát triển bền vững cho đồng bằng".

"Mục đích của đê bao và bờ bao là bảo vệ triệt để các khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp, đồng thời phải lợi dụng được lũ (từ dùng của ông Trường, còn dân Nam Bộ gọi là mùa nước nổi-người viết) lấy phù sa, tăng nguồn thủy sản, vệ sinh đồng ruộng. Đê bao nhằm bảo vệ các khu dân cư, công nghiệp, còn bờ bao chỉ bảo vệ lúa hè thu cho tới tháng tám lại cho nước lũ vào đồng lấy phù sa và vệ sinh đồng ruộng. Đó là một chiến lược khôn khéo vừa phù hợp với chiến lược chung của cả lưu vực vừa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ dân sinh, phát triển sản xuất.

Nhưng khi một số nơi "phá rào" đẩy mạnh việc làm lúa vụ ba, làm đê bao tràn lan số nơi không có trong quy hoạch, đáng nhẽ phải tuyên truyền ngăn chặn vì "lợi bất cập hại" thì chính quyền địa phương, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã sai lầm chạy theo phong trào tự phát, biến lúa vụ ba thành chính vụ. Đây là sai lầm, cần phải sửa, không có gì phải bàn cãi".

Đồng bằng sông Cửu Long bằng phẳng và đồng nhất đến nỗi một người quen với phong cảnh đồi núi, biển cả, đồng ruộng hay trảng cát liên tiếp xen nhau ở miền Bắc, miền Trung sẽ thấy cặp mắt mình nặng trĩu vì nhàm chán khi chiếc xe chạy đều đều qua các tỉnh miền Tây. Đâu cũng là lúa, đâu cũng là sông, kinh, rạch, vườn, cầu khỉ… Bằng phẳng tưởng chừng cả đồng bằng là một cái dĩa khổng lồ. Nên trước kia khi chưa có đê bao, mùa nước nổi về, nước dâng dần dần lên khắp đồng bằng (vì vậy mới gọi là nước nổi, nổi dần lên chứ không chảy từ trên cao xuống thấp cuồn cuộn như đặc thù sông ngòi các tỉnh phía Bắc và miền Trung). Nước nổi tràn ngập khắp đồng ruộng mấy tháng liền, cuốn trôi sâu bệnh, rửa sạch thuốc trừ sâu và phân bón hóa học thừa, và bồi đắp phù sa màu mỡ dày đậm khắp ruộng vườn. Mùa nước nổi là mùa vui rộn rã vì cá tôm, nguồn lợi thủy sản quá nhiều. Qua mùa nước nổi, thả hạt giống gì xuống cũng lên cây tươi tốt mà không cần thêm phân bón hay thuốc trừ sâu.

dat3

Người dân bắt cá tại một con kênh cạn nước ở Sóc Trăng hôm 8/3/2016. AFP

Nhưng hệ thống đê điều áp đặt khắp các tỉnh đồng bằng đã chặn con nước nổi lan tràn ruộng đồng. Hệ thống đê tràn lan gây chênh lệch độ cao trên khắp đồng bằng, tạo ra dòng chảy mạnh gây xói lở, cuốn quét mọi thứ trên đường đi mà không còn ôm ấp đắp bồi. Miền Tây mà có lũ ! Con lũ lạ lẫm và bất ngờ với dân xứ đồng bằng vốn quen với mùa nước hiền lành no ấm. Sai lầm nối tiếp sai lầm, thiệt hại của lũ bị gán vào mùa nước nổi khiến nhiều đời lãnh đạo địa phương-như ông Trường nhận xét trên kia- càng ráo riết xây nhiều đê điều. Phù sa không vào được ruộng, không có nước rửa sạch mầm bệnh và phân bón thừa. Nên đất đai ngày càng kém màu mỡ, sâu bệnh nhiều kéo theo việc phải bón thêm nhiều phân bón hóa học, phun thêm nhiều lượng và nhiều loại thuốc trừ sâu. Cái vòng luẩn quẩn kéo dài nhiều năm dẫn đến một kết quả mà những thế hệ nông dân trồng lúa truyền thống trước kia của Nam Bộ không thể tưởng tượng được : chi phí phân bón và thuốc trừ sâu mỗi mùa còn lớn hơn cả giá trị lúa thu hoạch được.

Báo Tuổi trẻ ngày 19/5/2022 dẫn điều tra của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long : chi phí đầu tư vật chất vào sản xuất chiếm tới 71,7% trong tổng chi phí sản xuất lúa (tỷ lệ còn lại chi phí nhân công). So với năm 2021, con số này tăng đến 5,3%. Trong đó chi phí phân bón là 33,1%, thuốc bảo vệ thực vật là 14,6%. Nông dân càng làm càng lỗ. Thế tất họ phải tìm cách bỏ ruộng để tìm nghề khác sinh nhai.

Vườn : được mùa mất giá

Dân xứ vườn thì đối phó với cảnh hết được giá mất mùa thì đến được mùa mất giá, điệp khúc trồng-chặt lặp lại liên tục. Không chết đói nhưng sống lay lắt. Vốn liếng dành dụm được hoặc đi mượn nợ đổ vô vườn hết sạch để thay giống và chăm sóc cây trồng những năm chưa có thu hoạch. Mà vẫn trường kỳ phập phồng với thị trường : không cầm chắc được có lợi nhuận/lợi nhuận lâu dài hay không.

Đến cùng, khi những mùa cây trái không còn đủ lo cho những chi phí của cuộc sống thì người ta bán.

Nguyên nhân khác là cùng với quá trình đô thị hóa, giá đất ruộng màu mỡ ngày càng tăng cao. Truyền thống chia đất cho con cái (mà không có khả năng mua thêm vào) của nhiều thế hệ/gia đình nông dân khiến mảnh đất nhiều đời trước dư sức nuôi được gia đình thì giờ chỉ còn nhỏ xíu manh mún, thậm chí chỉ còn đủ làm cái nền nhà chứ chưa kể đến trồng trọt. Những thế hệ này nếu không được học hành lên cao hoặc có nghề nghiệp khác tốt hơn để có thể nuôi sống mình thì chỉ còn cách đi làm công nhân.

Ở khắp đồng bằng, có những xóm dân hầu như chỉ còn vườn không nhà trống, hoặc vài người trung niên ở lại làm ruộng vườn cầm chừng, trông nom mấy đứa cháu để cha mẹ chúng rảnh tay xa xứ làm ăn. Cả gia đình đều đi lên những tỉnh có khu công nghiệp lớn và nhiều nhà máy như Long An, Bình Dương, Đồng Nai làm công nhân. Những nhà không có ruộng vườn ở quê thì cha mẹ lớn tuổi cũng đi theo để giữ cháu và cơm nước cho con cái. Họ chỉ về quê một năm đôi lần vào Tết hoặc giỗ lớn, vì chi phí đi lại và thời gian của công nhân đều eo hẹp.

Những gì làm nên một miền Tây Nam Bộ trù phú ắp đầy như đất vàng đất bạc của những thế kỷ trước giờ chỉ còn khá phảng phất và tượng trưng. Biển lúa vàng vẫn mênh mông gợn sóng nhưng ngồi sụp ngay cạnh đó là gương mặt bạc đi của người nông dân.

Hồ Kim Kha

Nguồn : RFA, 26/10/2023

Tham khảo : 

https://kinhtedothi.vn/gan-40-nam-moi-duoc-mot-vu-boi-thu-duoc-mua-duoc-gia.html

https://danviet.vn/lam-cho-dat-song-de-nong-dan-mien-tay-trong-lua-co-thu-nhap-cao-20230828171416235.htm

https://tuoitre.vn/nong-dan-mien-tay-bo-ruong-vi-phan-bon-20220518230542438.htm

https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2023/05/thong-cao-bao-chi-ket-qua-khao-sat-muc-song-dan-cu-2022/

https://kinhtetrunguong.vn/web/guest/nghien-cuu-trao-doi/mot-so-van-de-ve-phat-trien-nong-nghiep-nong-dan-nong-thon-n.html

https://vneconomy.vn/xep-hang-trinh-do-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-cac-tinh-den-nam-2021.htm

https://kinhtetrunguong.vn/kinh-te/kinh-tet-vi-mo/tang-truong-grdp-cua-63-tinh-thanh-quy-i-2023-45-dia-phuong-cao-hon-binh-quan-chung-ca-nuoc.html

https://tuoitre.vn/thu-nhap-cua-nong-dan-gioi-o-an-giang-tang-32-so-voi-nhiem-ky-truoc-20230724110033808.htm

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hồ Kim Kha
Read 184 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)