Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/10/2023

Xung đột Israel-Hamas có nguy cơ lan rộng khắp Trung Đông

Thu Hằng, Thùy Dương, Chi Phương, Anh Vũ

Bị Hamas đánh úp, Israel thừa nhận sai lầm, củng cố phòng thủ và "trả thù" cho "ngày đen tối"

Thu Hằng, RFI, 14/10/2023

Lực lượng Hồi giáo Palestine Hamas đã khai thác thành công điểm yếu của Vòm Sắt (Iron Dome) - hệ thống phòng không nổi tiếng của Israel được cho là có thể phá hủy đến 97% tên lửa. Khoảng 3.000 quả tên lửa dội xuống Israel chỉ trong hai ngày (07-08/10/2023), so với 4.360 quả trong 15 ngày cách đây hai năm.

israel01

Quân đội Israel điều xe tăng đến biên giới với dải Gaza, miền nam Israel, ngày 13/10/2023. AP - Ariel Schalit

Điểm yếu này không phải mới được phát hiện. Ngành công nghiệp quốc phòng Israel có lẽ đã tìm được cách chống đỡ với hệ thống laser chống tên lửa Iron Beam. Trả lời RFI ngày 10/10, cố vấn hàng không Xavier Tytelman phân tích :

"Vũ khí này sử dụng tia laser, có khả năng chặn đạn pháo và đạn súng cối. Vũ khí này đã được thử nghiệm từ nhiều năm qua và trên nguyên tắc sẽ được đưa vào hoạt động cuối năm 2023. Theo một số nguồn tin mà tôi có được và được chứng kiến, họ thấy rằng một số tên lửa và đạn pháo đã bị một vũ khí laser phá hủy. Và khi được triển khai ồ ạt, dù số đạn có bắn nhiều đến bao nhiêu, tất cả đều có thể bị bắn chặn".

Chi phí cho hệ thống laser vẫn chưa được rõ trong khi hệ thống Vòm Sắt tiêu tốn vài trăm triệu đô la. Trái với hệ thống tối tân của Israel, rocket tự chế của Hamas có chi phí không quá 100 đô la.

Chính phủ Israel thừa nhận sai sót nghiêm trọng về an ninh

Tại sao một nhà nước siêu vũ trang và nổi tiếng về tình báo như Israel lại không dự đoán và nhất là không kịp trở tay ?

Cuộc tấn công của Hamas được phối hợp chặt chẽ bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng 07/10, đồng loạt theo ba hướng : đường bộ, đường không và đường biển. Trước tiên, Hamas dùng drone thả chất nổ xuống các chốt biên phòng Israel để phá camera và hệ thống phát hiện chuyển động. Sau đó, hàng nghìn tên lửa được phóng ồ ạt từ Gaza sang Israel. Cùng lúc đội dù lượn vượt qua hàng rào kiên cố được Israel đầu tư vài tỉ đô la để xây dựng, còn trên mặt đất là xe bán tải và xe máy vượt qua một đoạn hàng rào bị xe ủi phá hủy. Lực lượng tuần tra Israel lại không đông đảo vào hôm đó.

Trong chương trình thời sự tối 11/10, ông Pierre Servent, cố vấn quân sự của đài truyền hình Pháp TF1/LCI, giải thích : "Vì lúc đó là dịp lễ tôn giáo nên có nhiều quân nhân được nghỉ phép. Một số khác trước đó đã được điều đến vùng Bờ Tây (West Bank - Cisjordanie) để xử lý các vụ rối loạn. Thời gian tập hợp các đội quân tản mát khắp nơi đã tạo điều kiện cho lực lượng khủng bố Hamas có khoảng thời gian đáng kể".

Phải mất 5 ngày sau khi Hamas tấn công đẫm máu, vài nghìn người chết ở cả hai phía, Israel mới thành lập được "chính phủ đoàn kết" và "hội đồng chiến tranh". Ngày 13/10, thông tín viên RFI Michel Paul tại Jerusalem cho biết sai lầm của chính phủ bắt đầu bị báo chí Israel công kích :

"Truyền thông Israel công bố một loạt thông tin về những sự kiện hôm thứ Bẩy (07/10) vừa qua. Trong đêm trước khi xảy ra cuộc tấn công, tình báo quân sự biết rõ các hoạt động dọc biên giới với Gaza. Họ cử một đội can thiệp đến đó. Những người thân cận với ông Netanyahu khẳng định chỉ một phút trước khi cuộc tấn công bắt đầu, thủ tướng mới được thông báo, chính xác là vào lúc 6 giờ 29 sáng hôm đó. Hiện giờ, cả phía chính trị gia và quân sự đổ lỗi cho nhau về thất bại khủng khiếp này. Tham mưu trưởng thừa nhận một sai lầm nghiêm trọng nhưng khẳng định không phải lúc nhắc đến. Nhiều bộ trưởng cũng thừa nhận trách nhiệm của chính phủ. Bộ trưởng Thông Tin không chần chừ, đã từ chức đêm qua". 

Nga bị Ukraine cáo buộc hỗ trợ công nghệ quân sự cho Hamas

Đối với tổng thống Volodymyr Zelensky, cuộc xung đột Israel-Hamas và chiến tranh ở Ukraine có một điểm chung, đó là Nga. Trong buổi phỏng vấn với đài truyền hình Pháp France 2 tối 10/10, nguyên thủ Ukraine cáo buộc chính quyền Moskva "ủng hộ" phong trào Hamas tiến hành khủng bố Israel. Là khách mời đặc biệt trong cuộc họp của ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương - NATO hôm 11/10, ông Zelensky đã kêu gọi các nhà lãnh đạo phương Tây đến Israel để ủng hộ người dân, đồng thời lưu ý rằng chiến tranh vẫn tiếp diễn ở Ukraine.

Theo chuyên gia hàng không Xavier Tytelman, khi trả lời RFI, dường như một số năng lực quân sự được phát triển trên mặt trận Ukraine, ví dụ drone thả bom, đã được lực lượng vũ trang Hamas sử dụng :

"Người ta biết là vào lúc đầu cuộc xung đột, có nhiều thành viên của các nhóm thánh chiến Hồi giáo, cùng với người Syria, gia nhập quân đội Nga để có thể tham chiến chống Ukraine, nhưng thực ra, không thấy ai trên trận địa. Vì vậy người ta ngờ rằng dù là những người đó, kể cả thành viên lực lượng Fatah như họ tự nhận, đã đến Ukraine, nhưng không thấy họ tham chiến nên có thể là họ đã huấn luyện một số phương pháp, như sử dụng các loại drone nhỏ thả bom. Dĩ nhiên là có các chương trình huấn luyện được tổ chức ở bên ngoài.

Nhưng bàn tay của Nga chìa ra với Hamas là chuyện rõ ràng từ lâu với các loại vũ khí, kể cả tên lửa chống tăng 100% Nga nằm trong tay Hamas từ 10 năm nay, cũng như nhiều công nghệ, đạn pháo, drone đang được sử dụng công khai. Rõ ràng là hiện giờ rất nhiều người hướng sang Nga do những gì đang xảy ra bởi vì gây bất ổn trong vùng Trung Đông là ý đồ của Nga để phương Tây chuyển hướng viện trợ sang Israel thay vì tới Ukraine".

Mỹ tái đầu tư vào khu vực Đông Địa Trung Hải

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã đến Israel ngày 12/10 để tái khẳng định "sự ủng hộ không lay chuyển" của Washington và hứa "cung cấp tất cả những gì Israel cần để tự vệ". Ngoài cung cấp đạn dược, Mỹ điều tầu sân bay USS Dwight D. Eisenhower đến đông Địa Trung Hải để yểm trợ cho đồng minh lịch sử. Trên đài RFI, nhà nghiên cứu Héloïse Fayet, Trung tâm nghiên cứu An ninh của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp - IFRI, phân tích :

"Từ nhiều tháng qua, Mỹ tái đầu tư vào khu vực, dù là ở đông Địa Trung Hải hay vịnh Ba Tư nơi Hải quân Mỹ đã giảm hiện diện mạnh từ những năm 2020-2021. Nhưng họ đã tái xuất hiện nhiều hơn từ vài tháng qua để đối phó với mối đe dọa Iran. Washington đặt ưu tiên là Iran, nhưng cũng có thể là cả Lebanon và gián tiếp hơn là Nga. Nga có nhiều hoạt động hàng hải ở đông Địa Trung Hải, không ủng hộ ra mặt lực lượng Hamas và thậm chí đôi khi tỏ ra khá gần gũi với Israel nhưng Nga cũng có thể tận dụng tình hình hiện nay để tiến hành những chiến dịch riêng của họ ở đông Địa Trung Hải. Vì vậy, khi điều đội tầu sân bay tác chiến đến, Mỹ thể hiện rằng khu vực này không được trở thành nơi trú ẩn cho đối thủ của Israel và Hoa Kỳ".

Thường dân và con tin : Bia đỡ đạn cho Hamas ?

Hoa Kỳ, cũng như nhiều nước phương Tây, tuyên bố Israel có quyền "đáp trả" các vụ tấn công đẫm máu của Hamas, đồng thời lưu ý đến số phận của thường dân Palestine. Ngày 13/10, Israel ra lệnh cho người dân Palestine ở Gaza có 24 tiếng để di tản xuống phía nam, có thể chuẩn bị mở chiến dịch đổ bộ để "báo thù" cho "ngày đen tối" trong khi đã liên tục oanh kích Gaza trong những ngày vừa qua.

Rawan Shawa, 28 tuổi sống ở miền trung Gaza, có nhiều người thân chết trong trận oanh kích của Israel đêm 11/10. Trên đài RFI ngày 12/10, cô kêu gọi "phải ngừng ngay cơn ác mộng này" :

"Tôi quá sợ hãi, tôi không tài nào ngủ được cho đến khi kiệt sức. Tiếng ồn từ xe quân sự rồi cứ hai phút là tiếng bom dội xuống Gaza, thật là kinh khủng. Tiếng tên lửa, tiếng kêu gào của phụ nữ, mùi chết chóc bủa vây chúng tôi mọi lúc mọi nơi. Đó không phải là cuộc sống bình thường. Cứ thử hình dung cảnh một người lúc bị tra tấn, lúc bị mất một phần cơ thể hay mất một người thân trong gia đình hoặc cứ hình dung ra cảnh một người cận kề với cái chết mà xem ! Đây là cuộc tấn công gây thương vong nhất từ trước đến giờ. Phải ngừng ngay cơn ác mộng này. Đây thật sự là địa ngục".

Một tuần trôi qua, số phận những người bị Hamas bắt cóc mang về Gaza, trong đó có ít nhất 20 quốc tịch khác nhau, vẫn chưa rõ. Israel tuyên bố không đàm phán với Hamas mà sẽ "xóa sổ" lực lượng này dù hàng trăm con tin vẫn nằm trong tay lực lượng bị Israel coi là "khủng bố". Một số nước Ả Rập tuyên bố sẵn sàng đứng ra đàm phán với Hamas, trong khi đó nhiều gia đình song tịch Pháp-Israel có người thân bị bắt cóc đã kêu gọi tổng thống Pháp Emmanuel Macron hỗ trợ.

Chị gái của Samuel Ben David Nagar là Céline, 32 tuổi có con mới 6 tháng, mất tích khi đến buổi hòa nhạc ngoài trời hôm 07/10 ở miền nam Israel, nơi quân Hamas bất ngờ tấn công sát hại và bắt cóc nhiều người. Samuel Ben David Nagar kể lại :

"Céline đến lễ hội âm nhạc đó cùng với cặp vợ chồng bạn thân. Vào khoảng 6 giờ 30, tên lửa bắt đầu bắn sang. Họ quay xe. Céline gọi điện cho chồng và bảo sẽ về nhà. Nhưng trên đường về, vì có quá nhiều tên lửa, nên họ phải dừng lại. Chị ấy lại gọi điện cho chồng, sau đó bảo "À, có quân nhân đến giúp tụi em rồi !". Nhưng thực ra không phải là lính Israel mà là những kẻ tàn bạo. Và từ đó chúng tôi không có tin tức của chị. Chúng tôi vẫn ngóng tin".

Nền kinh tế Gaza mất thu nhập chính từ Israel

Để trừng phạt Hamas, Israel - nhà cung ứng năng lượng cho Gaza - đã phong tỏa khu vực này từ ngày 07/10. Nhiều nước cũng thông báo đình chỉ viện trợ, trong khi 80% người dân Gaza (trên tổng số hơn 2 triệu dân) phụ thuộc vào nguồn viện trợ quốc tế. Không điện, không nước, lương thực cạn dần, Liên Hiệp Quốc cảnh báo nguy cơ người dân Palestine chịu "nạn đói".

Trước khi Hamas tấn công Israel, tỉ lệ thất nghiệp ở Gaza đã rất cao, nghèo đói hoành hành. Trả lời đài RFI, kinh tế giá Israel Jacques Bendelac, chuyên gia về nền kinh tế Israel và các vùng lãnh thổ Palestine, giải thích :

"Kinh tế của Gaza chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Phần lớn nông phẩm được xuất sang Israel, cũng như một phần công nghiệp như đồ gỗ hoặc một số sản phẩm nhỏ kiểu như vậy. Đó là một nền kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào Israel và viện trợ quốc tế. Cách đây không lâu có đến 20.000 công nhân từ Gaza đến Israel làm việc. Việc này giúp họ có nguồn thu khoảng 50 triệu đô la hàng tháng. Đối với họ, khoản tiền này rất lớn. Thế nhưng nguồn thu này bị cắt đột ngột cách đây 3 ngày".

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 14/10/2023

************************

Quốc tế thúc giục Israel dừng kế hoạch tấn công trên bộ vào dải Gaza, tránh gây thảm họa nhân đạo

Thùy Dương, RFI, 14/10/2023

Thứ Sáu, ngày 13/10/2023, sau khi Israel yêu cầu thường dân sinh sống ở phía bắc Dải Gaza di tản về phía nam vùng đất này trong vòng 24 giờ, quốc tế đã ngay lập tức có nhiều phản ứng, đa phần đề nghị Israel ngưng kế hoạch tấn công trên bộ vào khu vực hiện đang có 1,1 triệu thường dân sinh sống.

israel02

Lính Israel chiếm được vị trí gần biên giới giữa Israel với Dải Gaza, ở miền nam Israel, 13/10/2023. Reuters – Amir Cohen

Trong khi thủ tướng Palestine, Mohamed Shtayyeh, tố cáo Israel "diệt chủng" người dân Dải Gaza, thì trên các mạng xã hội, Martin Griffiths, phụ trách công tác cứu trợ của Liên Hiệp Quốc, nhận định "gọng kìm đang xiết lại quanh thường dân ở Gaza". Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng liên tục điện đàm với Tel Aviv "để kêu gọi Israel tránh gây thảm họa nhân đạo", theo phát ngôn viên của ông Antonio Guterres. Theo AFP, đến tối thứ Sáu 13/10, các thành viên của Cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine cũng không rời khu vực phía bắc Dải Gaza.

Các tổ chức nhân quyền cũng đặc biệt bày tỏ lo ngại. Tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới coi thông báo của Tev Aviv là "một tối hậu thư nguy hiểm và vô trách nhiệm" và cho rằng tấn công vào khu vực "tập trung đông người như vậy vào chỉ rộng vài km2, chỉ làm nghiêm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo" hiện nay. Cũng như nhiều tổ chức nhân quyền khác, Y Sĩ Không Biên Giới đề nghị lập "các vùng an toàn", nhất là tại các bệnh viện, cho "những ai không thể di tản". Ý tưởng lập "các khu vực an toàn" cho thường dân dải Gaza cũng được ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đề xuất vào hôm qua.  

Trong khi đó, Moskva trình lên Hội đồng Bảo An dự thảo đòi thiết lập ngay lập tức và dài hạn lệnh ngừng bắn để mở hành lang nhân đạo. Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cùng ngày 13/10 xem việc quân đội Israel phong tỏa dải Gaza là không thể chấp nhận được và so sánh với vụ Đức quốc xã bao vây thành phố Leningrad của Liên Xô trong Đệ nhị Thế chiến.

Về phía Israel, phát ngôn viên quân đội, Jonathan Conricus, sáng nay tố cáo chính tổ chức Hamas đang cản trở thường dân Palestine tiến về phía nam dải Gaza. Theo Reuters, tổ chức Hamas hôm qua đề nghị thường dân không di chuyển và hứa chiến đấu đến giọt máu cuối cùng chống Israel.

Thùy Dương

*************************

Đụng độ bạo lực nổ ở biên giới giữa Lebanon và Israel, một nhà báo thiệt mạng

Chi Phương, RFI, 14/10/2023

Trong lúc quân đội Israel tiếp tục các chiến dịch tấn công vào Gaza, thì tại biên giới giữa Israel và Lebanon, các cuộc đụng độ bạo lực đã nổ ra vào hôm qua, 13/10/2023, sau khi một nhóm người được cho là cố xâm nhập vào Israel. Một nhà báo của Reuters đã thiệt mạng, nhiều nhà báo khác đã bị thương. 

israel3

Lực lượng dân phòng và chính quyền Lebanon giải cứu một nhà báo bị thương trong vụ tấn công của Israel ở Alma al-Shaab, miền nam Lebanon, 13/10/2023. © Hassan Ammar / AP

Trong một thông cáo, được AFP trích dẫn, quân đội Israel cho biết đã xác định được một "đội biệt kích khủng bố, cố gắng xâm nhập lãnh thổ Israel từ Lebanon. Drone của Israel đã tiêu diệt được nhiều kẻ khủng bố". Thông tín viên RFI Paul Khalifeh từ thủ đô Lebanon cho biết thêm : 

"Các nguồn tin từ an ninh Lebanon đã xác nhận các cuộc đụng độ bạo lực nổ ra sau khi một nhóm lính không rõ danh tính, cố gắng xâm nhập vào khu vực mà nhiều sự cố đã xảy ra từ những ngày qua. Các nhà báo và người dân tại đây, đã nghe thấy những tiếng súng tự động bắn liên hồi.

Israel cũng pháo kích dữ dội vào khu vực này, nhiều trực thăng và drone bay lượn trên bầu trời. Một trạm quan sát mà lực lượng Lebanon không còn sử dụng đã bị tên lửa bắn trúng. Hàng chục quả đạn pháo bắn phá quanh 5 khu vực ở Nam Lebanon. 

Phong trào Hồi giáo Hezbollah thông báo từ tối qua, đã tấn công 4 vị trí của quân đội Israel để trả đũa các vụ oanh tạc vào các vùng của Lebanon. Những diễn biến này xảy ra vài giờ sau tuyên bố của phó tổng thư ký của Hezbollah, Cheikh Naïm Qassem, trong một cuộc tập hợp bày tỏ tình  đoàn kết với người Palestine ở Gaza rằng Hezbollah đã "chuẩn bị đầy đủ để can thiệp vào Israel vào thời điểm thích hợp".

Ông cho biết thêm "những cuộc tiếp xúc trong hậu trường gián tiếp hoặc trực tiếp giữa đảng Hồi giáo của Lebanon với các cường quốc, các nước Ả Rập và các đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc, yêu cầu ông không can thiệp vào cuộc chiến, nhưng điều đó sẽ không có tác động đến quyết định của Hezbollah".

Tại miền nam Lebanon, gần với biên giới Israel, trong các cuộc đụng độ vào tối hôm qua, một nhà báo của hãng tin Anh Reuters, Issam Abdallah, đã thiệt mạng, nhiều nhà báo của các hãng tin khác, như AFP và Al-Jazeera cũng đã bị thương khi tác nghiệp tại khu vực này.  

Theo AFP, phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc Stéphane Dujarric bày tỏ mong muốn "mở cuộc điều tra để xác định rõ chuyện gì đã xảy ra". Lực lượng của Liên Hiệp Quốc được triển khai tại miền nam Lebanon cho biết đang nỗ lực làm việc với chính quyền hai bên để giảm bớt căng thẳng.  

Tại hai địa điểm gần biên giới giữa Lebanon và Israel cũng như dải Gaza, tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền hôm 12/10 vừa qua, đã cáo buộc quân đội Israel sử dụng phốt pho trắng, một loại hoá chất độc hại, bốc cháy khi gặp oxy, có thể gây bỏng nghiêm trọng và dễ dàng đốt cháy các cơ sở hạ tầng. Tổ chức nhân quyền cho rằng hành động này làm tăng nguy cơ thương vong cho thường dân cũng như ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. Israel đã bác bỏ cáo buộc trên. 

Chi Phương

*************************

Gaza : Israel mở hành lang di tản, hàng nghìn người Palestine chạy lánh nạn

Anh Vũ, RFI, 14/10/2023

Sau khi quân đội Israel ra lệnh thường dân phải sơ tán khỏi phía bắc Gaza trong vòng 24 giờ, hôm qua, 13/06/2023, hàng nghìn người Palestine đã bỏ chạy khỏi nơi cư trú, qua các đường phố bị tàn phá của thành phố Gaza, với hy vọng tìm được nơi ẩn náu xa hơn về phía nam. Trong khi đó Israel chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ trả đũa Hamas.

israel04

Những người Palestine tại Gaza, rời bỏ nhà cửa đi sơ tản xuống phía nam Dải Gaza, ngày 13/10/2023. Reuters – Ahmed Zakot

Tại Gaza, những tiếng nổ vẫn không ngừng vang lên. Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu cảnh báo hôm thứ Sáu: " Đây chỉ là bước khởi đầu" trong các hành động của Israel tại Gaza. 

Thông tín viên của RFI tại Jerrusalem, Michel Paul cho biết, lệnh di tản thường dân bắt đầu được triển khai. Quân đội Israel đề nghị người dân phía bắc dải Gaza sử dụng hai hành lang di tản bắt đầu từ 10 giờ sáng nay, giờ địa phương, cho đến 16 giờ : Một hành lang chạy dọc theo bờ biển vùng đất Palestine, hành lang thứ 2 trong khu vực trung tâm dải Gaza.

Thông báo đã được quân đội Israel in trên các tờ rơi rải từ máy bay và phổ biến qua mạng xã hội bằng tiếng Ả Rập có ghi rõ vị trí của hai hành lang di tản nói trên. Thông báo nhắc lại : "Hãy đi về phía nam .... vì sự an toàn của bạn và gia đình bạn".

Cũng có thông tin nói nằng quân đội Israel đã thực hiện một số cuộc tấn công trên bộ vào dải Gaza.

Phóng viên của RFI ghi nhận Hàng nghìn cư dân Gaza, mang theo túi đồ đang cố chạy khỏi phía bắc, bằng mọi phương tiện có thể, đi bộ, trên các xe kéo, mô tô hay xe hơi. Họ đi về phía nam, nhưng không biết đi về đâu.

Không ít người từ chối di tản vì không có phương tiện hoặc không muốn theo lệnh của Israel. Ông Ziad Medoukh, giáo sư tiếng Pháp tại các trường Đại học ở thành phố Gaza nói :

"Những đe dọa của Israel buộc người Palestine phải ra đi là chiến tranh tâm lý. Với chúng tôi, những người Palestine đã quyết định ở lại, chỗ dựa của chúng tôi là hai tổ chức quốc tế là văn phòng Hồng Thập Tự và văn phòng Liên Hiệp Quốc. Hiện tại, hai tổ chức quốc tế này không có thông cáo yêu cầu mọi người ra đi. Chúng tôi không thể đáp ứng đe dọa của một đội quân chiếm đóng, chúng tôi phải chờ đợi thôi".

Khoảng 2,4 triệu dân sống ở dải Gaza, vùng đất rộng 362 km2 này, thực tế đã bị đã bị Israel phong tỏa trên bộ, trên không và trên biển kể từ khi Hamas lên nắm quyền ở đó vào năm 2007. Kể từ ngày 9 tháng 10, vùng đất này bị Israel phong tỏa hoàn toàn. Điện, nước và nguồn cung cấp thực phẩm bị cắt hoàn toàn.

Sau cuộc tấn công đẫm máu của Hamas hôm thứ Bảy ngày 07/10, Israel đáp trả bằng cách tuyên bố chiến tranh nhằm tiêu diệt phong trào Hồi giáo Palestine, bắn phá dữ dội vào dải Gaza và triển khai hàng chục nghìn quân quanh lãnh thổ cũng như biên giới Lebanon.

Lệnh phong tỏa cũng như di tản thường dân trong dải Gaza đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ như là hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Israel.

Anh Vũ

*********************

Israel ra lệnh thường dân di tản về phía nam Gaza trong vòng 24 giờ

Anh Vũ, RFI, 13/10/2023

Thêm dấu hiệu cho thấy quân đội Israel chuẩn bị cho cuộc tấn công trên bộ nhằm tiêu diệt lực lượng Hamas tại Gaza. Hôm 13/10/2023, Israel ra lệnh là trong vòng 24 giờ mọi thường dân Palestine phải di tản về phía nam dải đất này. Lệnh di tản, giống như một tối hậu thư, đã bị Liên Hiệp Quốc phản đối, nhưng Tel Aviv không lùi bước.

israel05

Người dân Palestine tại dải Gaza di tản ngày 13/10/2023. AFP – Mohammed Abed

Theo AFP, trong một thông cáo phát đi sáng sớm hôm nay 13/10, quân đội Israel "ra lệnh tất cả thường dân tại thành phố Gaza phải rời khỏi nhà, di tản xuống phía nam, vì sự an toàn và bảo vệ cho chính họ". Thông cáo chỉ rõ thêm các thường dân phải tới khu vực phía nam của thành phố Gaza và chỉ được trở lại thành phố khi có lệnh mới của quân đội Israel.

Tại New York, phát ngôn viên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Stéphane Dujarric, xác nhận lệnh di tản của quân đội Israel liên quan đến khoảng 1,1 triệu người đang sống tại phía bắc dải Gaza. Ông Dujaric cảnh báo lệnh di tản với quy mô lớn như vậy là không thể thực hiện được, chưa kể sẽ gây ra những thảm kịch nhân đạo. Trong hoàn cảnh đó, Liên Hiệp Quốc khẩn thiết kêu gọi Israel hủy lệnh này.

Ngay lập tức, đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc, Gilad Erdan, đã phản ứng, tố cáo Liên Hiệp Quốc đã "nhắm mắt làm ngơ trước Hamas".

Hôm qua, sau cuộc hội đàm với ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Tel Aviv, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thề sẽ hủy diệt Hamas, tổ chức bị Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu gọi là "khủng bố".

Những tuyên bố như vậy càng cho thấy Israel quyết tâm mở cuộc tấn công trên bộ vào Gaza, sau nhiều ngày oanh kích vào thành phố này. Israel cũng đã triển khai hàng chục nghìn quân áp sát biên giới với Gaza và phát lệnh động viên hơn 300 nghìn quân dự bị.

Người dân tại thành phố Gaza đang trong tuyệt vọng, đón nhận lệnh di tản trong vòng 24 giờ với tâm trạng hoang mang lo sợ, không biết đi về đâu. Thông tín viên RFI, Sami Boukhelifa, ghi nhận qua phóng sự tại chỗ:

"Rami là một người cha trong gia đình. Lúc 6 giờ 30 sáng nay, tôi gọi cho ông. Rami đã thức dậy. Đêm với ông quá ngắn. Bom đạn, cháy nổ, làm sao mà chợp mắt được. Giờ lại là tin về lệnh tản cư. Ông Rami bị sốc. Ông nói: "Ông khẳng định với tôi tin này. Nhưng chúng tôi phải đi đâu đây? Mọi người ở đây vẫn nghĩ rằng đó chỉ là tin đồn. Một số người thì nói Liên Hiệp Quốc đã chính thức thông báo. Số khác thì lại bảo rằng không nên tin vào những tin như thế này.

Nhưng quân đội Israel đã phát thông cáo tức là đã xong hết chuyện rồi. Tôi sẽ đi. Có một người bà con của tôi đã cao tuổi cũng rất phẫn nộ nói rằng: " Bỏ chạy ư? Không bao giờ, nếu chúng muốn đất đai của tôi thì chúng cứ giết tôi và lấy đi". Đủ rồi, Chúa nguyền rủa cái văn minh nhân loại này, cái thế giới giả dối này. Đúng là điên rồ".

Câu hỏi của Sami là làm sao trong 24 giờ di chuyển được đông người như vậy ? Người ta nói rằng có đến hơn một triệu dân. Ở khu vực phía bắc Gaza, có các địa phương Beit Lahia, Beit Hanoun và đặc biệt là trại tị nạn Jabaliya, trong phạm vi 5 km2, có 300 nghìn người dân. Đây là khu vực có mật độ dân số đông nhất thế giới. Liên hiệp Quốc đề nghị Israel hủy lệnh di tản này, nhưng nhà nước Do Thái không chấp nhận".

Từ hôm thứ Bảy tuần trước, sau khi lực lượng mở cuộc tấn công tàn sát vào lãnh thổ Israel, ít nhất đã có 1200 người thiệt mạng tại Israel, đa số là thường dân. Hamas bắt đi 150 người làm con tin. Đáp trả, Israel liên tục oanh kích vào dải Gaza làm hơn 1500 người thiệt mạng, trong đó có nhiều thường dân, theo thống kê của chính quyền tại Gaza được công bố hôm nay. Trong 7 ngày qua, hơn 4000 tấn thuốc nổ đã đổ xuống dải đất Gaza có 2,4 triệu dân. Hơn 423.000 người Palestine đã rời bỏ nhà cửa để tránh các trận bom đạn. Trong khi đó, toàn bộ dải Gaza bị Israel phong tỏa, điện nước bị cắt hoàn toàn.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng, Thùy Dương, Chi Phương, Anh Vũ
Read 268 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)