Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/07/2023

Tại sao NATO quan tâm đến Châu Á lại là một sai lầm ?

Daniel R. DePetris & Rajan Menon

Trong cuộc họp của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO tại Litva vào ngày 11 và 12/07/2023, bên cạnh hồ sơ kết nạp Thụy Điển và sự thất vọng của Ukraine trước một lịch trình gia nhập mơ hồ, các thành viên của NATO và đồng minh cũng thảo luận về một vấn đề không kém phần quan trọng, đó là tăng cường tiến gần đến Châu Á Thái Bình Dương để chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

taisao0

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tham dự cuộc họp của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương cùng với Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Litva, vào tháng 12/7/2023. Valda Kalnina—EPA-EFE/Shutterstock

RFI xin trích dịch bài phân tích đăng trên tạp chí Time ngày 13/07 vừa qua.


Đây là năm thứ hai liên tiếp, Nhật Bản và Hàn Quốc, (cũng như Úc và New Zeland), vốn không phải là thành viên của NATO nhưng lại được mời tham dự thượng đỉnh của Liên Minh. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã rời thượng đỉnh Vilnius tại Litva, với "một chương trình hợp tác" cùng NATO - một thoả thuận dài 5 trang nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Nhật Bản và NATO, bao gồm các cuộc tập trận chung. 

Thông cáo chung của NATO chỉ rõ rằng Trung Quốc là một mối đe doạ tiềm tàng và cần được xem xét một cách nghiêm túc. Có vẻ như NATO đã đưa ra một quyết định có phối hợp, mở rộng vai trò của mình sang đến tận Châu Á, trong lúc mà Liên Minh đang phải tất bật với cuộc chiến tranh lớn nhất ở Châu Âu kể từ 1945. Tác giả của bài đăng trên Time cho rằng nếu như đây là kế hoạch của các nhà làm chính sách của NATO thì Liên Minh nên đạp chân phanh, trước khi quá muộn.

Tại sao việc NATO xích gần lại Châu Á lại đáng chú ý ?

Nhiệm vụ mới của NATO ở Châu Á Thái Bình Dương rất đáng chú ý vì nhiều lý do. Khi Liên Minh được thành lập vào năm 1949 trước mối đe dọa từ Liên Xô thời hậu chiến, lúc đó NATO có một mục đích rõ ràng : đó là bảo vệ các nước Tây Âu khỏi mối đe dọa từ chủ nghĩa bành trướng của Liên Xô. Đến khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, NATO đã mất đi lý do tồn tại. Việc mở rộng sang Trung và Đông Âu không còn là một trở ngại nữa và các thành viên của NATO đã gần như tăng gấp đôi so với thời Chiến Tranh Lạnh.

Khi những đối thủ địa chính trị đã chết hoặc bị chôn vùi, thì NATO ngày càng hướng ra bên ngoài Châu Âu, ở những nơi như Lybia, Afghanistan và Iraq để duy trì tính thích đáng của Liên Minh.

Với cuộc xâm lược tàn khốc, tấn công Ukraine của tổng thống Nga Vladimir Putin, NATO đã tìm lại mục đích tồn tại ban đầu của mình : phòng thủ chung của các nước thành viên trên lục địa Châu Âu. NATO đã thông qua những kế hoạch phòng thủ mới vào tuần trước, đây là lần đầu tiên kể từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc. Tăng cường khả năng răn đe một đối thủ gần như ngang hàng với Nga trở thành ưu tiên thứ nhất, thứ hai, và thứ ba của NATO. 

Tuy nhiên, những ưu tiên này có thể bị suy yếu nếu như NATO rối trí ở Châu Á. Ý nghĩa của mục tiêu mà NATO mới tìm được, cũng như những nỗ lực tái đầu tư quốc phòng ở Châu Âu sẽ bị suy giảm. 

Những bất đồng trong Liên Minh sẽ gia tăng ?

Sự thống nhất của NATO sẽ khó có thể được duy trì được nếu Liên Minh "sa lầy" vào các vấn đề an ninh ở Châu Á. Hiện đã tồn tại những điểm khác biệt lớn giữa các nước thành viên về bản chất và mức độ của mối đe dọa từ Trung Quốc và đâu là cách tốt nhất để đối phó với Bắc Kinh.

Sáng kiến của tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg về việc mở một văn phòng nhỏ của NATO ở Tokyo đã gây ra những bất đồng, và đây là một bài học hữu ích. Trong khi ông Stoltenberg xem văn phòng đó là cách để khiến quan hệ giữa NATO và Nhật Bản trở nên bền vững hơn thì tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại coi đây là việc hoàn toàn không cần thiết.

Các thành viên Châu Âu của NATO nhấn mạnh rằng an ninh trên lục địa này đòi hỏi sự hiện diện quân sự liên tục của Hoa Kỳ. Nếu điều này đúng thì ưu tiên của các nước Châu Âu là phải tuân thủ các nguyên tắc chi tiêu, được thông qua tại thượng đỉnh Wales vào năm 2014, tức là mỗi nước phải dành tối thiểu 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng. Mặc dù các nước thành viên NATO đã bổ sung 350 tỷ đôla vào ngân sách quốc phòng từ năm 2014, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Theo dữ liệu gần đây của NATO, trong số 30 thành viên, không bao gồm Phần Lan, thì chỉ có 11 nước đáp ứng yêu cầu này. Điều đáng chú ý là trường hợp đáng hổ thẹn của Đức, vì quốc gia giàu có nhất Châu Âu lại có vô số thiếu sót về quân sự.

NATO có lý do chính đáng để tăng cường ảnh hưởng ở Châu Á hay không ?

NATO biện minh khá rõ ràng để mạo hiểm can thiệp vào vấn đề an ninh của Châu Á. Hoa Kỳ xem Trung Quốc là thách thức về nhịp độ lớn mạnh vì Bắc Kinh tìm cách thay thế Washington, trở thành lãnh đạo của thế giới. Mỹ và Châu Âu ngày càng lo ngại về quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc và xu hướng bắt chẹt các nước láng giềng của Bắc Kinh.

Nhưng nếu gạt những giải thích đó qua một bên, NATO sẽ phải đấu tranh để duy trì sự hiện diện, hoạt động thường xuyên ở Châu Á. Ngoại trừ Anh Quốc, Hoa Kỳ và Pháp, Liên Minh không có khả năng triển khai lực lượng ở Châu Á ngay cả khi các nước Châu Á mong muốn điều này. Thêm vào đó, NATO cũng phụ thuộc nhiều vào Hoa Kỳ, về sức mạnh quân sự, tình báo và khả năng do thám trong mọi trường hợp. Điều mà liên minh quân sự có thể làm được nhiều nhất đó là thực hiện một số hoạt động tự do hàng hải ở các vùng biển gây tranh cãi, những hoạt động triển khai quân sự mang tính biểu tượng đó không có tác dụng nào khác ngoài việc làm Trung Quốc khó chịu. Với những thiếu sót quân sự cũng như tình hình an ninh tại Châu Âu hiện nay, câu hỏi đặt ra là tại sao Liên Minh lại xem xét gia tăng tham vọng của mình.

Một câu hỏi khác đó là làm thế nào mà việc tập trung vào Châu Á có thể giúp NATO duy trì hỗ trợ quân sự cho Ukraine ? Vào tuần qua, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức và Canada đã cam kết trang bị vũ khí cho quốc phòng của Ukraine chừng nào mà Ukraine vẫn cần. Tuy nhiên, các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Châu Âu, đã bị cản trở phát triển từ nhiều thập kỷ qua vì thiếu đầu tư, hiện đang phải vật lộn để cân bằng giữa nhu cầu của Ukraine và nhu cầu quân sự của chính các nước này. Do đó, việc mở rộng vai trò của NATO, và do vậy của Châu Âu sang Châu Á sẽ chỉ khiến vấn đề phức tạp hơn, buộc Liên Minh phải đưa ra nhiều lựa chọn khó khăn hơn. 

Liệu nhận định của NATO về mối đe dọa từ Trung Quốc có xác đáng hay không ? 

Liên quan đến vũ khí hạt nhân, Trung Quốc sở hữu ít hơn 8 % so với kho vũ khí của Hoa Kỳ. Về sức "ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc", Bắc Kinh có 1 cơ sở quân sự ở nước ngoài, trong khi mạng lưới bành trướng của Hoa Kỳ lên đến 750 căn cứ quân sự ở 80 nước, trong đó có một mạng lưới rộng lớn bao quanh Trung Quốc. 

Trong khi các quan chức Mỹ xem Trung Quốc như là một mối đe dọa đối với trật tự quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo, khoảng cách về năng lực của Washington và Bắc Kinh thường xuyên bị đánh giá là thấp. Giấc mơ Châu Á Thái Bình Dương của NATO cho thấy khối này có quá nhiều tham vọng.

Về phía Trung Quốc, sau thượng đỉnh của NATO tuần vừa qua, Bắc Kinh phản đối việc NATO mở rộng về phía Châu Á và khẳng định sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu lợi ích của Trung Quốc bị ảnh hưởng. Các phương tiện truyền thông do Nhà nước Trung Quốc quản lý như Hoàn cầu thời báo (Global Time), thường xuyên chỉ trích NATO, coi liên minh quân sự này như là những công cụ tấn công, là búa rìu, giáo mác, cuốc xẻng của Hoa Kỳ và là "nguồn gốc gieo rắc chiến tranh ở bất cứ nơi nào mà NATO đi qua". 

Daniel R. DePetris & Rajan Menon

Nguyên tác : Why NATO's Growing Interest in Asia Is a Mistake, Time, 13/07/2023

Chi Phương dịch

Nguồn : RFI, 17/07/2023

Daniel R. DePetris là thành viên của Defense Priorities và là người phụ trách chuyên mục đối ngoại của The Spectator.

Rajan Menon là giám đốc chương trình đại chiến lược tại Defense Priorities, giáo sư danh dự tại City College of New York, và là đồng tác giả của cuốn 'Xung đột ở Ukraine : Sự tháo gỡ trật tự sau Chiến tranh Lạnh'.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Daniel R. DePetris, Rajan Menon, Chi Phương
Read 371 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)