Trách nhiệm của Bí thư Quân ủy Trung ương
Bí thư Quân ủy Trung ương cần đưa ra quyết định cuối cùng về việc thu hồi sân golf Tân Sơn Nhất để trả lại đất cho sân bay này để mở rộng.
Có thật là lắng nghe ý kiến cử tri ?
Sáng 21/6/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng tổ đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh có buổi tiếp xúc cử tri quận 1. Tham dự buổi tiếp xúc có ông Phan Văn Mãi – chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong nhiệm kỳ này, ông sẽ đi tất cả các quận huyện của thành phố để lắng nghe ý kiến của bà con cử tri, chứ không chỉ ở Hóc Môn và Củ Chi.
Lý lịch chính trị cho biết thời kỳ 2011 – 2016, ông Nguyễn Xuân Phúc giữ vai trò là Phó Thủ tướng thường trực, xử lý trực tiếp các nhiệm vụ, trọng trách của Chính phủ Việt Nam cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng chuyển giao vị trí thời điểm khác nhau như Hoàng Trung Hải (2011 – 2016), Nguyễn Thiện Nhân, Vũ Văn Ninh (2011 – 2016), Trương Hòa Bình (từ 2016), Phạm Bình Minh (từ 2013), Vương Đình Huệ (2016 – 2020), Vũ Đức Đam (từ 2013), Trịnh Đình Dũng (từ 2016).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong nhiệm kỳ của mình đã đề ra khái niệm Chính phủ kiến tạo mới so với Chính phủ điều hành trước đó. Chính phủ này có bốn đặc điểm chính là :
1. Chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật, chính sách, thể chế tốt để nuôi dưỡng phát triển kinh tế chứ không chỉ điều hành trên những gì pháp luật có sẵn ;
2. Nhà nước không làm thay thị trường ;
3. Kiến thiết môi trường kinh doanh thuận lợi ;
4. Siết chặt kỷ luật cán bộ, xây dựng chính quyền điện tử.
Đến khi ông Nguyễn Xuân Phúc rời ghế thủ tướng thì đặc điểm thứ tư của "siết chặt kỷ luật cán bộ" vẫn chưa thực thi.
Giờ thì ông Nguyễn Xuân Phúc giữ loạt chức vụ : Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương.
Với những chức vụ như trên cho thấy ông Nguyễn Xuân Phúc có trách nhiệm "không thể lẫn trách" trong việc cần thiết thu hồi sân golf Tân Sơn Nhất, trả lại diện tích đất này cho chức năng vốn có của nó là sân bay.
Bí thư Quân ủy Trung ương không thể cứ im lặng
Một chuyện cũ. Hạ tuần tháng 3-2014, trong một văn thư được UBND Thành phố Hồ Chí Minh chuyển đến Bộ Giao thông vận tải với đề nghị "vui lòng phúc đáp UBND Thành phố trước ngày 25/4". Văn thư này có nội dung là cử tri quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng giải tỏa sân golf trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, và thu hồi ngay 157 héc-ta đất sân golf để mở rộng sân bay.
Cử tri cho rằng việc xây dựng nhà hàng, khách sạn, nhà cao tầng trong sân bay sẽ ảnh hưởng đường bay, gây nguy hiểm, chưa kể nguy cơ gián điệp nước ngoài trà trộn vào khu vực này làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Trước luồng ý kiến cho rằng, khu vực sân golf thuộc đất Quốc phòng, nếu cần thiết sẽ giữ lại để phục vụ Quốc phòng, phản biện quan điểm đó rằng Bộ Quốc phòng cũng chỉ là một bộ trong bộ máy Nhà nước và trực thuộc Chính phủ. Vì vậy, Bộ Quốc phòng cũng phải thực hiện việc quản lý và sử dụng đất theo luật.
Theo một tài liệu của Công ty tư vấn Pháp ADPi, thì công ty này có trình bày phương án đề xuất và được sự đồng ý của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất với năng suất 60 triệu hành khách/năm, mở rộng xây dựng nhà ga hành khách cả về phía Nam và về phía Bắc. Theo đó, mở rộng về phía Bắc thì cần giải quyết vấn đề thu hồi sân golf.
Theo đó, việc thu hồi sân golf sẽ giúp xây dựng thêm nhà ga hành khách T4 với diện tích 250.000 m2 và mở rộng sân bay về phía Bắc là phương án cần thiết và thuận tiện nhất để giải quyết việc ùn tắc từ mặt đất đến trên trời, ở bên trong và bên ngoài sân bay Tân Sơn Nhất nhằm tăng năng suất lên mức 50 – 60 triệu hành khách/năm để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đến năm 2025 và lâu dài về sau.
Tuy nhiên đến nay thì Bộ Quốc phòng vẫn chưa đồng ý "trả đất". Chính điều này cho thấy nếu như ông Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị là "Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Việt Nam" vì lẽ nào đó vẫn chịu bất lực trước vấn đề này, thì cần thiết đến vai trò của Bí thư Quân ủy Trung ương – chức danh của người đứng đầu cơ quan lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là chức danh lãnh đạo tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam.