Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/06/2022

"Châu Âu phải ngừng giúp quân đội Trung Quốc hiện đại hóa"

Antoine Bondaz, Jean Guisnel

Trong khi chiến tranh Ukraine vẫn tiếp diễn, Bắc Triều Tiên đẩy mạnh thử nghiệm phóng tên lửa và chuẩn bị, theo Washington, một vụ thử nghiệm hạt nhân mới, thì Trung Quốc ngày 31/05/2022, lần thứ hai trong năm, điều 30 máy bay, trong đó có 20 chiến đấu cơ, xâm nhập vùng nhận diện phòng không ADIZ của Đài Loan. Những sự kiện đáng lo ngại này làm gia tăng căng thẳng trong khu vực trong khi sự chú ý của quốc tế lại đang đổ dồn vào Ukraine.

EU1

Một màn trình diễn tại Bắc Kinh nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng cộng sản nhằm phô trương sức mạnh Trung Quốc. Ảnh tư liệu chụp ngày 28/06/2021.  AP - Ng Han Guan

Giảng viên Trường Khoa học Chính trị Sciences Po Paris, Antoine Bondaz, nhà nghiên cứu thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS), chỉ đạo Chương trình FRS-KF về an ninh và ngoại giao Triều Tiên, cũng như Đài Loan, ngày 02/06/2022, có bài trả lời phỏng vấn báo Le Point. RFI tiếng Việt giới thiệu bài viết.

Le Point : Tại sao ông nói rằng Châu Âu nhìn về Ukraine nhưng không nên lơ là Trung Quốc và Bắc Triều Tiên ?

Antoine Bondaz : Châu Âu hướng về Ukraine là điều chính đáng. Nhưng chúng ta phải chú ý đến cả những diễn biến mạnh mẽ và đáng lo ngại tại Ấn Độ - Thái Bình Dương. Các nỗ lực quốc phòng của Trung Quốc vẫn đang được thực hiện và làm thay đổi sâu sắc cán cân quyền lực trong khu vực. Cho dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm đi, chi tiêu quân sự vẫn tiếp tục tăng mạnh, lên tới 7,1% trong năm 2022. Trung Quốc đang hiện đại hóa các kho vũ khí, cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là về hải quân và hạt nhân.

Trong lĩnh vực an ninh, và không chỉ riêng về quân sự, Trung Quốc cũng rất tích cực và tìm cách tăng mạnh các thỏa thuận song phương hoặc với các nước nhỏ, như với các quốc đảo ở Thái Bình Dương, cho dù không phải lúc nào cũng thành công. Châu Âu có nhận ra điều đó, nhưng lại chưa có đủ sự quan tâm. Trong khi đó, thông qua các thỏa thuận kiểu này, Trung Quốc có thể có điều kiện thuận lợi để thực hiện các hành vi độc tài, vào thời điểm mà sự cạnh tranh, đối đầu mang tính hệ thống giữa Trung Quốc và Châu Âu, như Liên Âu đã chính thức công nhận hồi năm 2019, đang bùng phát mạnh mẽ.

Le Point : Ông cũng lo ngại về tình hình Bắc Triều Tiên ?

Antoine Bondaz : Bắc Triều Tiên gia tăng các vụ phóng tên lửa, nhưng các phản ứng của quốc tế vẫn hạn chế và đôi khi là đối nghịch nhau. Trong 5 tháng qua, Bắc Triều Tiên đã thực hiện khoảng 15 vụ thử tên lửa đạn đạo. Một số người có thể nói rằng các vụ thử tên lửa tầm ngắn ít gây phẫn nộ hơn so với thử nghiệm tên lửa tầm xa, nhưng họ đã nhầm. Bắc Triều Tiên đã thực hiện ít nhất 2 vụ thử tên lửa liên lục địa trong năm nay và trái ngược với hồi năm 2017, quốc tế không có biện pháp trừng phạt hay nghị quyết nào, thậm chí không có tuyên bố nào của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Bình Nhưỡng phần nào đã thành công trong việc bình thường hóa chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của họ, đồng thời đã tận dụng nhiều nhất có thể lợi thế các sự bất đồng quốc tế kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine. Bắc Triều Tiên đã khai thác sự mất cảnh giác của các nhà lãnh đạo phương Tây do chiến tranh Ukraine và sự mất đoàn kết giữa các thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An : Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Anh và Nga.

Bắc Kinh và Moskva lần đầu tiên phủ quyết dự thảo nghị quyết lên án và trừng phạt các vụ thử nghiệm tên lửa của Bắc Triều Tiên. Đây là một diễn biến đáng lo ngại vì làm suy yếu các chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân và khuyến khích Bắc Triều Tiên đẩy mạnh chiến dịch thử tên lửa đạn đạo - và có thể là thử nghiệm hạt nhân, lần thứ 7 kể từ năm 2006 - và chứng tỏ rằng các cường quốc hiện giờ không còn có thể đồng lòng về các đề tài mà trước đây họ thường khá thống nhất. Cuộc chiến ở Ukraine gây ra những hậu quả không chỉ ở tầm an ninh của riêng Châu Âu.

Le Point : Ông phân tích thế nào về sự phát triển quân sự của Trung Quốc ?

Antoine Bondaz : Kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, việc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc không chỉ là về năng lực mà còn mang tính học thuyết và thể chế. Giải Phóng Quân Nhân Dân Trung Quốc (PLA) đã được tái tổ chức hoàn toàn vào cuối năm 2015 - với việc thành lập lực lượng hỗ trợ chiến lược đặc trách về không gian và mạng internet và lực lượng hỗ trợ hậu cần - không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho sự điều phối giữa các cơ quan chỉ huy trên lãnh thổ quốc gia mà còn cho phép tiến hành ngoại giao quân sự, tóm lại là làm ngoại giao.

Chúng ta đang chứng kiến ​​s tăng cường hợp nhất giữa dân sự và quân sự, một chiến lược quốc gia có từ năm 2015, với một ủy ban đặc trách việc điều phối chính trị, do chính ông Tập Cận Bình làm chủ tịch. Mục tiêu rất rõ ràng : Cho phép các lực lượng vũ trang, đặc biệt là hệ thống cải cách quân sự, được hưởng lợi từ sức mạnh của những tác nhân mới, cả tư nhân và dân sự. Song song với đó, việc chiếm hữu các công nghệ nước ngoài, dù là hợp pháp hay bất hợp pháp, đều ngày càng gia tăng, đặc biệt gồm các công nghệ kép dân-quân sự. Vào lúc các nước nói tiếng Anh đã tăng cường các cơ chế kiểm tra, giám sát hợp tác khoa học và công nghệ với Trung Quốc, các nước Châu Âu vẫn chưa đủ nghiêm khắc, vẫn là một nguồn cung cấp công nghệ quan trọng vì dễ tiếp cận cho Trung Quốc.

Do đó, Châu Âu không chỉ phải nhận thức được việc Trung Quốc đang hiện đại hóa quân đội và những hậu quả của công cuộc này, mà còn phải ngừng đóng góp cho sự hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc. Có một nghịch lý là dù Châu Âu đã có lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc từ năm 1989, nhưng một số kỹ sư của Trung Quốc về vũ khí lại được đào tạo ở Châu Âu hoặc thông qua hợp tác với Châu Âu. Bảo vệ tiềm năng khoa học và công nghệ (PPST) của quốc gia là điều rất cấp thiết. Để đến 15-20 năm nữa thì sẽ là quá muộn.

Le Point : Về mặt quân sự mà nói thì Trung Quốc có ý đồ gây hấn không ?

Antoine Bondaz : Trung Quốc đã có các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, từ Biển Đông đến biên giới Ấn Độ, và tất nhiên là cả Đài Loan, từ nhiều thập kỷ nay. Nhưng tôi không nghĩ rằng điều đó có nghĩa là Trung Quốc theo chủ nghĩa bành trướng, mà đó là phương tiện hỗ trợ cho các yêu sách của họ hơn là việc Trung Quốc thay đổi mục tiêu.

Khi nói đến Đài Loan, chúng ta phải sử dụng các ngôn từ cho phù hợp. Đó thực sự là ý muốn thôn tính một hòn đảo gần 25 triệu dân, chứ không phải bất kỳ sự "thống nhất" nào như Bắc Kinh tuyên bố. Trên thực tế, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa chưa bao giờ kiểm soát được Đài Loan. Từ hơn một thập kỷ nay, Trung Quốc đã tăng cường đáng kể năng lực quân sự để có thể can thiệp quân sự vào Đài Loan, nhưng những phương tiện này vẫn chưa đủ để Bắc Kinh có thể chiếm đảo Đài Loan trong thời gian gần.

Nhìn rộng ra, những năng lực quân sự của Trung Quốc đã được quốc tế hóa : các chiến dịch chống cướp biển đầu tiên ở Vịnh Aden năm 2008, việc sơ tán công dân Trung Quốc khỏi Libya năm 2011, việc điều động lực lượng chiến đấu trong khuôn khổ các chương trình gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở Mali năm 2014 và nhất là việc mở căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài, ngay cả khi Trung Quốc vẫn từ chối tên gọi đó, ở Djibouti năm 2017. Một điểm chung là các hoạt động trên thường liên quan đến Châu Phi và với lý do đó, Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp vũ khí chính trên lục địa này.

Le Point : Việc giao hệ thống địađối không của Trung Quốc cho Serbia phải chăng nhằm gây ấn tượng với Châu Âu và Mỹ ?

Antoine Bondaz : Việc giao HQ-22 mới đây là quan trọng nhưng không đánh dấu một bước ngoặt chính trị. Điều thay đổi là thông điệp mà Trung Quốc gửi đi và trên hết là những nỗ lực tuyên truyền đáng kể từ cả hai phía. Trung Quốc phần nào sử dụng Serbia để tâng bốc chủ nghĩa dân tộc của người Hoa, mà Bắc Kinh thường nhắc nhớ về vụ đánh bom của Mỹ vô tình nhằm vào đại sứ quán Trung Quốc ở Beograd hồi năm 1999 khiến 3 nhà báo Trung Quốc thiệt mạng.

Ngoài ra, dù ít được đề cập một cách cởi mở, ngày càng có những lo ngại gia tăng về khả năng Trung Quốc phát triển tên lửa đạn đạo có lợi cho Bắc Triều Tiên. Nếu không phải như vậy, làm sao chỉ trong vòng 1 thập niên, Bình Nhưỡng có thể phát triển hơn 15 mẫu tên lửa đạn đạo mà phần lớn gần như hoạt động ngay từ lần thử đầu tiên.

Le Point : Vậy ông cho rằng sự quan tâm của quốc tế đối với mối liên hệ nói trên giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên là chưa đủ ?

Antoine Bondaz : Pháp, Anh và dĩ nhiên là Mỹ, những cường quốc hạt nhân, thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An và cũng là những nước có phương tiện tình báo, có chú ý đến điều đó. Nhưng Châu Âu có thể và cần làm tốt hơn nữa, chẳng hạn bằng cách tự động lên án các vụ thử tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên, vốn dĩ mỗi vụ thử đều vi phạm luật pháp quốc tế. Tính tự động này càng quan trọng hơn bởi Liên Âu đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực không phổ biến tên lửa đạn đạo, thông qua sự ủng hộ mạnh mẽ Quy tắc Ứng xử The Haag (La Haye).

Nhìn rộng hơn, ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, Châu Âu muốn đóng vai trò tích cực hơn và đã áp dụng chiến lược hồi tháng 09/2021. Tuy nhiên, Châu Âu phải duy trì thành công sự năng động nói trên và quan tâm đến các vấn đề an ninh trong khu vực, vốn trở nên khó khăn do phải ưu tiên cho cuộc chiến Ukraine. Cả Pháp, đang hiện diện và hoạt động trong khu vực, cũng như Châu Âu, đều cần tăng cường các sự hợp tác trong khu vực, cả với nước Úc. Việc Úc có chính phủ mới là một cơ hội duy nhất, không phải để quên đi hợp đồng tàu ngầm và liên minh AUKUS, mà là để tái khởi động lại mối quan hệ song phương trên những cơ sở vững mạnh hơn.

Jean Guisnel thực hiện

Nguyên tác : "L’Europe doit cesser de contribuer à la modernisation militaire chinoise", Le Point, 02/06/2022

Thùy Dương lược dịch

Nguồn : RFI, 06/06/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Antoine Bondaz, Jean Guisnel, Thùy Dương
Read 370 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)