Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/05/2022

Cuộc chiến chống tham nhũng gặp khó khăn, nhất là trong quân đội

Phạm Quý Thọ, Ngô Xuân Lộc

Phòng chống tham nhũng vẫn theo cách cũ thì hiệu quả không thể bền vững

Phạm Quý Thọ, RFA, 16/05/2022

Trước tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng và phức tạp, Đảng Cộng sản Việt Nam đang tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tuy nhiên tư duy và cách làm vẫn không thay đổi, bởi vậy hiệu quả sẽ không thể bền vững.

quandoi3

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Công tác phòng chống tham nhũng trong khối cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào kết quả phòng chống tham nhũng của cả hệ thống chính trị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị Trung ương 5 Đảng Cộng sản Việt Nam vừa kết thúc hôm 10/5 cho thấy Đảng tiếp tục nỗ lực tập trung quyền lực cao hơn để chống tham nhũng bằng cách quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo cấp tỉnh).

Ngày 13/5 Hà Nội là tỉnh đầu tiên cụ thể hóa chủ trương nêu trên. Tổ chức mới này là ‘cánh tay nối dài’ quyền lực tập trung của Đảng ở cấp trung gian, bao gồm 15 thành viên với Bí thư Thành ủy làm Trưởng Ban và các Phó ban là Trưởng các Ban Nội chính, Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, Giám đốc Công an Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sẽ cụ thể hóa dựa trên, về cơ bản, Quy định số 211-QĐ/trung ương ngày 25/12/2019 đối với cấp Trung ương. Trường hợp Hà Nội sẽ là điển hình để mở rộng cho các tỉnh thành khác trong cả nước.

Quyền lực hệ thống quan chức cấp tỉnh, thành giờ đây, ‘chậm còn hơn không’, đã có cơ quan giám sát nội bộ. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của Ban phòng chống tham nhũng cấp tỉnh, cũng như cơ chế kiểm soát quyền lực nói chung mang bản chất của chế độ tập quyền cần được xem xét từ triết lý đến cách đánh giá gắn với cải cách thể chế. 

Triết lý giáo điều

"Tập trung quyền lực để chống tha hóa quyền lực" - triết lý phòng chống tham nhũng của chế độ tập quyền trong bối cảnh chuyển đổi sang thị trường đã trở nên giáo điều, bảo thủ.

Triết lý này có cội nguồn từ chế độ phong kiến tập quyền : quan chức được giáo dục, tuyển chọn và bổ nhiệm theo năng lực và đạo đức vào bộ máy đặc ân, đề cao sự phục tùng tuyệt đối trong quan hệ "Vua – Tôi" và phục vụ nhà vua suốt đời. Công cụ cai trị chủ yếu bằng bạo lực, gieo rắc nỗi sợ hãi. Cơ quan giám sát quyền lực thời phong kiến có tên gọi Đô sát viện, do nhà vua trực tiếp chỉ đạo và độc lập tương đối với thiết chế khác của chế độ trong việc giữ "kỷ cương phép nước". Hệ thống giám sát này góp phần ‘làm trong sạch’ đội ngũ quan chức để duy trì quan hệ "Vua – Tôi", nhưng không thể giúp chế độ phong kiến thoát khỏi suy vong vì vấn đề "nguỵ vương" - sự tha hóa của nhà vua.

Dưới chế độ tập quyền Đảng Cộng sản toàn trị, phương thức công tác cán bộ, về bản chất, không thay đổi. Công cụ kế hoạch hóa tập trung nền kinh tế song hành với bộ máy đặc quyền đặc lợi và bị kiểm soát bởi các ban chuyên trách của Đảng. Quyền lực Đảng đứng trên và bao trùm cả nhà nước và pháp luật. Ngoài ra, thiết chế hình tháp quyền lực vẫn phản ánh lãnh tụ tuyệt đối ở chóp đỉnh quyền lực. Cả hệ thống chính trị, quan chức lệ thuộc vào Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Một chế độ tập quyền cao, được tổ chức tinh vi và dựa vào hệ tư tưởng phức tạp nhưng đã lung lay trước thực tế chuyển đổi sang thị trường. Tình trạng tha hóa quyền lực, tham nhũng, suy thoái đạo đức quan chức nghiêm trọng, thậm chí chia rẽ và tranh giành quyền lực. Trước tình hình đó cùng với một số ban Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập năm 2013 do Tổng Bí thư Đảng đứng đầu. Xét về bản chất, đó là mô hình Đô sát viện ‘kiểu mới’, một thể chế quyền năng bao trùm lên các cơ cấu quyền lực khác của chế độ.

Nay chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh chứng tỏ Đảng tiếp tục theo đuổi phương châm phòng chống tham nhũng trên. Triết lý này đã trở nên bảo thủ, "ta đánh ta" hay "kỷ luật hết thì lấy ai làm việc", phản ánh sự duy ý chí khi cho rằng hệ thống quan chức vẫn có thể lấy lại ‘sức đề kháng’ trước thực tế thị trường nếu quan chức phục tùng Đảng và lãnh tụ, kiên định với ý thức hệ chủ nghĩa xã hội và tự rèn luyện.

Hiệu quả phòng chống tham nhũng

Triết lý phòng chống tham nhũng như trên đã dẫn dắt thái độ và hành động coi trọng sự trừng phạt và coi mức độ nặng nhẹ là sự răn đe như giải pháp phòng ngừa. Cách làm này phản ánh nỗ lực tập trung vào triệu trứng – ‘bề nổi của tảng băng trôi’, sự cần thiết trước mắt, phản ánh sự nghiêm trọng của tham nhũng, nhưng không giải quyết gốc rễ của vấn đề. Bởi vậy, hiệu quả phòng chống tham nhũng không chỉ bởi số lượng quan tham, cán bộ tha hóa bị trừng phạt, mà còn xem hiệu ứng tích cực thúc đẩy cải cách, trước hết là tạo ra các thể chế hữu hiệu để kiểm soát quyền lực.

Trong các năm 2013-2020 có 14.300 vụ/24.410 bị can đã bị khởi tố, điều tra, trong đó hơn 11.700 vụ/22.600 bị cáo về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Trong năm năm nhiệm kỳ (2016-2021) Đại hội 12 có hơn 87 nghìn đảng viên bị kỷ luật, trong đó 113 cán bộ cao cấp diện Trung ương quản lý. Số lượng các quan tham, cán bộ tha hóa bị trừng phạt nhiều và vẫn có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây, đặc biệt trong nửa đầu năm nay. Như Đảng đã thừa nhận, công tác phòng chống tham nhũng chuyển biến chưa rõ rệt ; tham nhũng "vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, và vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ".

Cải cách chính trị, gần đây trong Đại hội 13 năm 2021 mới được nhấn mạnh, đã không đáp ứng với cải cách chuyển đổi thị trường và, hậu quả lớn đã diễn ra, trong đó : Bộ máy cai trị phình to và kém hiệu năng (Theo báo cáo giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016, tính đến hết tháng 12/2016, bộ máy hành chính có tổng cộng 337 Cục trưởng, 767 Phó Cục trưởng, 218 Vụ trưởng, 593 Phó Vụ trưởng, 4.599 Trưởng phòng và tương đương, 7.021 Phó Trưởng phòng và tương đương để quản lý tổng số công chức 69.813 người, trong đó, riêng Bộ Tài chính có 181 Cục trưởng, 423 Phó Cục trưởng…) ; Quan hệ thân hữu giữa đại gia và quan chức ngày càng nghiêm trọng gây ra bất công, bóc lột lao động và bất bình đẳng kiểu mới ; "những trường hợp đặc biệt" đã phá vỡ giới hạn kiểm soát quyền lực, chuyển giao quyền lực Tổng Bí thư khó khăn ; Xuất hiện tâm lý sùng bái lãnh tụ ; Công tác lý luận trở nên giáo điều, nguỵ biện để giải thích mối quan hệ giữa chế độ toàn trị và thị trường, bế tắc đề xuất mô hình phát triển ; Rối loạn quản lý điều hành trong nhiều lĩnh vực như đất đai, đầu tư công, thị trường tài chính… ; Xung đột lợi ích, dân oan khiếu kiện và bùng phát các hiện tượng xã hội tiêu cực…

Trường hợp phân cấp, phân quyền cho địa phương cấp tỉnh là điển hình. Khi lãnh đạo các tỉnh, thành phố có quyền lớn hơn trong quy hoạch, phê duyệt các dự án đầu tư, đấu thầu mua sắm công, quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất… nhưng đã thiếu cơ chế ràng buộc trách nhiệm, kiểm soát quyền lực phù hợp và hiệu năng. Và, hậu quả là các vi phạm trong lĩnh vực đất đai xảy ra trên diện rộng, vô số các án kỷ luật, truy tố đối với các cá nhân lãnh đạo và tập thể tỉnh ủy, thành ủy, thị ủy… được thực thi khi đã trở nên quá muộn mằn !

Hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng cần phải được đánh giá gắn liền với cải cách thể chế chính trị, trong đó và trước hết, phải thay đổi tư duy, thay đổi cách làm để tạo ra cơ chế kiểm soát quyền lực. Rất tiếc, việc thiết kế "Lồng thể chế" để kiểm soát quyền lực, "Kê khai" để minh bạch tài sản quan chức, cụ thể hóa, chỉnh sửa để tăng tính khả thi của Luật phòng chống tham nhũng… là những đề xuất đúng và quan trọng, đã được khởi động trong nhiệm kỳ trước, dù chưa phải là những giải pháp căn cơ như đối trọng chính trị hay tam quyền phân lập vốn đặc trưng cho kinh tế thị trường trong chế độ dân chủ, nhưng đã bị trì hoãn mà không rõ lý do.

Rõ ràng đây là một món nợ xấu trong cải cách thể chế và, cần thiết phải có Hội nghị Trung ương thảo luận và ban hành nghị quyết về vấn đề này.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 16/05/2022

*************************

Tham nhũng trong mua bán vũ khí của quân đội Việt Nam nghiêm trọng đến mức nào ?

Ngô Xuân Lộc, RFA, 16/05/2022

ơ quan công quyền Việt Nam mới đây đã đưa ra lệnh truy nã với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Bà này đã bị khởi tố từ ngày 29/4 với vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và các đơn vị liên quan, trong đó bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đóng vai trò là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).

quandoi1

Dàn tên lửa C125- 2TM có thể được triển khai chiến đấu độc lập, hoặc hiệp đồng chiến đấu trong thế trận phòng không.

Tưởng rằng chỉ là một vụ tham nhũng đơn thuần, nhưng lại có một tờ báo của Israel tọc mạch cho biết rằng, bà Nhàn giữ một vai trò quan trọng trong việc mua bán vũ khí giữa Israel và Việt Nam [1] .

Một báo cáo của SIPRI cho biết, Israel là nguồn cung cấp vũ khí nhiều thứ hai cho Việt Nam, chỉ sau Nga [2] . Với thông tin từ tờ Haaretz như vậy, thì bà Nhàn phải là một "siêu điệp viên", vì kể cả trên thế giới, những phi vụ mua bán vũ khí như vậy, không dễ gì một nhân vật bình thường trong thương trường có thể tiếp cận. Điều này cũng lý giải vì sao mà bà Nhàn dường như đã biết trước thông tin sắp bị bắt để trốn chạy ra nước ngoài từ trước đó. Điều này khác hẳn với các điệp viên tình báo của bên công an như Dương Chí Dũng - Tổng giám đốc Vinalines, anh ruột của sĩ quan công an cao cấp Dương Tự Trọng, dù trốn khỏi Việt Nam, nhưng vẫn bị tình báo của Tổng Cục 2 bắt dễ dàng bên Campuchia. Hay kể cả Trung tá tình báo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm), dù đã trốn sang Singapore vẫn bị bắt giữ và áp tải về Việt Nam không khó khăn lắm.

Mới đây, trang tin Sputnik của Nga - vốn luôn có quan điểm thân thiết với chính phủ Việt Nam và Trung Quốc đã phải có bài viết nhằm "thanh minh" trước các "tin đồn" rằng quan hệ Việt Nam - Israel vẫn tốt đẹp [3] . Đương nhiên là chính phủ Israel không dại gì để mất khách hàng quan trọng của mình, nhưng việc cử một Ủy viên Bộ Chính trị là ông Nguyễn Xuân Thắng sang Israel ngay lập tức [4] , thì điều này cho thấy "tin đồn" của báo Haaretz là có cơ sở.

quandoi2

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương gặp ông Michael Mickey Levy, Chủ tịch Quốc hội Israel trong chuyến thăm Israel từ 10 đến 14/5/2022. Thông tin đối ngoại

Cùng với bà Nhàn, Công ty Vạn Xuân của Bộ Quốc phòng cũng bị Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị xem xét trách nhiệm. Công ty Vạn Xuân là một công ty được thành lập năm từ 1991 và thuộc sở hữu của Bộ Quốc phòng với nhiệm vụ chính là nhập khẩu vũ khí, khí tài, quân trang, nguyên liệu, vật tư chuyên dùng cho quốc phòng. Theo thông tin từ phía Mỹ, Công ty Vạn Xuân chính là một công ty chuyên nhập vũ khí từ nước ngoài về Việt Nam [5] . Mặc dù trong thông báo, Ủy ban Kiểm tra trung ương chỉ đưa ra những lý do mơ hồ như : "Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân, Bộ Quốc phòng nhiệm kỳ 2015-2020 đã có một số vi phạm, khuyết điểm trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện Quy chế làm việc ; trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn doanh nghiệp và việc thực hiện nhiệm vụ được giao" [6] . Nhưng nhiều người ở Việt Nam cho rằng, Công ty Vạn Xuân đã bị kỷ luật liên quan đến việc nhập khẩu vũ khí từ nước ngoài.

Ngay từ năm ngoái, các nhà nghiên cứu từ bên ngoài đã biết những thông tin về các vụ tham nhũng này, điển hình như một nhà nghiên cứu người Pháp tên là Benoît de Tréglodé - Giám đốc khu vực Châu Phi - Châu Á - Trung Đông, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM) đã cho biết : "Ngoài ra, cần phải nêu thêm một ý khác do có một vài vấn đề trong mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Một số nguồn tin đã báo trực tiếp cho Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về nhiều khoản hoa hồng rất lớn trong những hợp đồng bán vũ khí giữa Israel và Việt Nam và liên quan đến rất nhiều người trong giới lãnh đạo, kể cả trong Bộ Quốc Phòng Việt Nam. Một cuộc điều tra đã được mở ra" [7] .

quandoi0

Tổ hợp pháo phòng không tự hành ZSU-23-4M1 có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên không ở độ cao thấp, tiêu diệt mục tiêu mặt đất, mặt nước ở cự ly gần. Ảnh: Nhật Vũ

Chúng ta còn nhớ, gần đây, hàng loạt các tướng lĩnh quân đội Việt Nam đã phải xộ khám, đặc biệt phải kể tới vụ bảy tướng lĩnh trong lực lượng Cảnh sát biển đã bị bắt [8] , tất cả đều liên quan đến tham nhũng, đặc biệt là mua sắm các vũ khí và phương tiện quốc phòng.

Các nhà nghiên cứu về quốc phòng Việt Nam đều không lạ gì với việc tham nhũng như vậy. Tiến sĩ Stephen Burgess - Một chuyên gia về quốc phòng trong một nghiên cứu của mình đã cho biết : "các nhà buôn vũ khí Nga bị cáo buộc trả tiền cho các quan chức Việt Nam để tiếp tục mua hàng Nga, điều này có thể xảy ra vì các quan chức chỉ kiếm được khoảng 400 USD mỗi tháng và phải sinh sống ở một Hà Nội đắt đỏ" [9] .

Việc có hoa hồng cho các hợp đồng vũ khí là chuyện bình thường theo thông lệ quốc tế, tuy nhiên, các nguồn tin trong quân đội Việt Nam cho biết, có hai vấn đề đáng lưu tâm ở đây, một là giá cao bất thường cho các hợp đồng chuyển giao vũ khí này ; hai là các tính năng của các loại vũ khí này đã không được đảm bảo đúng yêu cầu của hợp đồng ?

Năm 2014, tâm lý chống Trung Quốc tại Việt Nam dâng lên rất cao sau sự kiện Trung Quốc đặt Giàn khoan 981 vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Để chống lại áp lực từ phía Trung Quốc, chính phủ Việt Nam đã tích cực thực hiện các hoạt động hỗ trợ ngư dân, đồng thời tăng cường mua sắm vũ khí. Phía Mỹ ước tính từ 2003 đến năm 2018, ngân sách quốc phòng của Việt Nam đã tăng 700% [10] . Tuy nhiên, đây lại là cơ hội tuyệt vời cho các "nhóm lợi ích" ?

Năm 2014, Israel đã chuyển giao dây chuyền sản xuất súng Galil ACE 31 và 32 cho phía Việt Nam [11] . Tuy nhiên, khi sử dụng trên thao trường, nhiều chiến sĩ Việt Nam cho biết các vũ khí này rất bất tiện. Và sau đó, Bộ Quốc phòng đã phải thay thế một hệ thống khác dựa trên việc cải tiến dây chuyền từ Israel.

Tham nhũng một cách hệ thống từ trên cao xuống như vậy cho thấy sự mục ruỗng trong chính quyền Việt Nam ra sao. Nhưng điều quan trọng là khi ngân sách đất nước phải oằn mình để trang bị quốc phòng nhằm gìn giữ và bảo vệ đất nước, rất có thể khi đất nước lâm nguy thì quân đội Việt Nam mới bộc lộ ra sự yếu kém như của quân đội Nga đã thể hiện ở chiến trường Ukraine hiện nay. Các trang thiết bị hay vũ khí hiện đại mua hàng tỉ USD, có khi chỉ là những thứ đồ chơi của trẻ em. Và như vậy thì khả năng mất nước là rất lớn.

Ngô Xuân Lộc

Nguồn : RFA, 16/05/2022

Tham khảo :

[1] https://www.haaretz.com/israel-news/.premium.HIGHLIGHT-israel-vietnam-arms-deals-at-risk-after-arrest-warrant-against-key-middlewoman-1.10772845

[2] https://www.sipri.org/sites/default/files/2019-03/fs_1903_at_2018.pdf

[3] https://vn.sputniknews.com/20220512/xoa-tin-don-xau-ve-mua-ban-vu-khi-giua-viet-nam-va-israel-sau-vu-ba-nguyen-thi-thanh-nhan-15158957.html

[4] https://www.ttdn.vn/tin-tuc-su-kien/thoi-su-chinh-tri/viet-nam-israel-huong-toi-cung-co-quan-he-huu-nghi-va-hop-tac-toan-dien-61659

[5] https://www.trade.gov/country-commercial-guides/vietnam-defense-and-security-sector

[6] https://ubkttw.vn/danh-muc/tin-tuc-thoi-su/thong-cao-bao-chi-ky-hop-thu-14-cua-uy-ban-kiem-tra-trung-uo.html ?fbclid=IwAR2gPqIY0Ershx-74-vJpKf91_HdEO2gl_nu_7OZYUTk5cZfsMuwIwlpUWc

[7] https://www.rfi.fr/vi/tạp-ch%C3%AD/tạp-ch%C3%AD-việt-nam/20210329-hop-tac-quoc-phong-viet-nam-israel ?fbclid=IwAR1IGaSlXvqq-yDOi5digVgpePz1ZnDCYAz6RejzyjvWSGdUPVJQmsEaZ3w

[8] https://vov.vn/phap-luat/vi-sao-7-si-quan-cap-tuong-cuu-lanh-dao-canh-sat-bien-bi-bat-tam-giam-post937922.vov

[9] https://www.airuniversity.af.edu/JIPA/Display/Article/2870567/the-usvietnam-comprehensive-partnership-and-the-key-role-of-air-force-relations/

[10] https://www.trade.gov/country-commercial-guides/vietnam-defense-and-security-sector

[11] https://www.israeldefense.co.il/en/content/production-galil-rifles-vietnam-has-begun

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ, Ngô Xuân Lộc
Read 329 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)