Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/09/2021

20 năm sau sự kiện 11 tháng 9, liệu thế giới có an toàn hơn không ?

Quốc Phương - Minh Anh - Lê Ngọc

20 năm sau sự kiện 9/11, liệu thế giới có an toàn hơn không ?

Quốc Phương, BBC, 09/09/2021

Thế giới chưa an toàn và sẽ không an toàn chừng nào các lực lượng khủng bố trên thế giới vẫn còn tồn tại, một nhà báo, cựu phóng viên đài VOA từ Washington DC nói với BBC News tiếng Việt hôm thứ Năm.

bbc01

Tiến sĩ Vũ Quang Việt từ New York, nhà báo Phạm Trần từ Washington DC và nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huy từ Paris nhìn lại biến cố khủng bố 119 tròn 20 năm trước và thử đi tìm câu trả lời liệu thế giới hôm nay đã an toàn hơn ?

Sự kiện nước Mỹ bị tấn công vào ngày 11 tháng 09 năm 2001 đã thức tỉnh thế giới về một chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan đang tồn tại trong lòng các nước Trung Đông.

Giờ đây, sau 20 năm, liệu người Mỹ có cảm thấy an toàn hơn hay họ vẫn lo sợ về một cuộc tấn công khủng bố khác trên đất nước Hoa Kỳ hay nhằm vào công dân Mỹ ở nước ngoài.

antoan01

Một lá cờ Mỹ và hoa được đặt gần tên của một nạn nhân tại Đài tưởng niệm vụ 11/9 tại khu Ground Zero hôm 8/9/2021 ở New York, Hoa Kỳ

Chống khủng bố bằng chiến tranh 'khủng bố' ?

Tại cuộc hội luận chuyên đề Bàn Tròn Thứ Năm của BBC News tiếng Việt hôm 09/09/2021 đánh dấu 20 năm sự kiện khủng bố xảy ra tại Hoa Kỳ ngày 11/9/2001, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, cựu chuyên viên Liên Hiệp Quốc, người từng làm việc tại một văn phòng đặt tại Tòa Tháp Đôi ở New York trước thời điểm xảy ra vụ tấn công, cho rằng cuộc chiến tranh do Mỹ phát động chống lại chủ nghĩa khủng bố trên toàn thế giới thực chất là một 'cuộc chiến tranh khủng bố'.

"Bây giờ đặt vấn đề là chống khủng bố bằng cách làm một cuộc chiến tranh khủng bố dân trị dân thì có thể giải quyết được vấn đề gì không ?", cựu Vụ trưởng Vụ Thống kê của Liên Hợp Quốc đặt vấn đề trên quan điểm riêng."Tôi nghĩ rằng không thể, nghĩa là mình phải tự bảo vệ mình, nếu có khủng bố thì phải có tất cả các biện pháp để mà tự bảo vệ dân mình, tự bảo vệ nước mình.

"Nhưng mà làm một cuộc chiến tranh khủng bố để chống khủng bố để mà thay đổi tư tưởng người ta thì điều đó rất là khó thành công".

Tiến sĩ Vũ Quang Việt dẫn chứng việc Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan trong tháng 8/2021 như là một minh chứng cho sự 'thất bại' và lý giải cho nhận định trên quan điểm riêng của ông rằng đây là một 'cuộc chiến tranh khủng bố', ông nói:

"Chiến tranh mà muốn đánh bất cứ chỗ nào, tấn công cả vào những người không liên quan, tấn công dân lành thì cái đó nó xảy ra nhiều vấn đề. Thì tôi nghĩ đó là một thứ chiến tranh khủng bố".

"Mỹ hay các nước Tây phương muốn phát triển đa nguyên tự do dân chủ thì là phải ủng hộ chứ không phải vác quân đánh giùm.

"Nếu mà vác quân đánh giùm tôi nghĩ chẳng khác gì khủng bố".

Cùng tham gia hội luận, từ Washington D.C., nhà báo Phạm Trần, cựu phóng viên, ký giả đài VOA chia sẻ quan điểm khác của mình về cuộc chiến tranh chống khủng bố của Hoa Kỳ:

"Tôi không nghĩ đó là một cuộc chiến tranh khủng bố do Mỹ chủ trương để mà chống lại một lực lượng khủng bố khác.

"Thật sự theo lời của ông Tổng thống George W. Bush vào tối ngày 11 tháng 9 năm 2001 thì ông ấy nói rõ ràng là phản ứng của Hoa Kỳ là bảo vệ tự do, bảo vệ nền luật pháp của thế giới, không thể nào mà để cho các lực lượng phá hoại tự do hành động chống lại nước Mỹ hay chống lại bất cứ một nơi nào trên thế giới.

"Tôi cho đó là một lý tưởng tự do chống lại chủ trương khủng bố của quân khủng bố chứ không phải là Hoa Kỳ phát động một cuộc chiến tranh khủng bố để chống lại lực lượng khủng bố khác.

"Là bởi vì lý do nước Mỹ bị tấn công là do lực lượng Al-Qaeda và do Osama bin Laden lãnh đạo lúc đó đang ẩn náu ở bên Afghanistan.

"Ông Bush đã yêu cầu lực lượng Taliban phải bắt và trao trả Osama bin Laden cho nước Mỹ, nhưng Taliban từ chối.

"Bởi vậy, ngày 7 tháng 10, Tổng thống Bush đã họp với các nước đồng minh và đã ra lệnh cho các máy bay Mỹ và các máy bay của NATO cùng hợp tác ném bom xuống các vị trí của quân Al-Qaeda và quân Taliban, chứ không phải là nước Mỹ khơi động cuộc chiến, mà đây là chống lại lực lượng khủng bố khi nước Mỹ không bị tấn công".

Xây dựng dân chủ thiếu dự án ?

Từ Paris, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nhà dân tộc học có nghiên cứu về văn hóa Islam và Trung Đông, đưa ra bình luận khi nhìn lại vụ tấn công khủng bố 11/9 và cuộc chiến chống khủng bố của Hoa Kỳ. Ông nhắc lại :

"Nước Mỹ tới Afghanistan từ ngay sau Thế Chiến II, khi chiến tranh lạnh bắt đầu. Căn cứ Bagram, gần Kabul là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ trong vùng Trung Á được thành lập từ năm 1950. Mỹ cũng có cơ quan tình báo CIA rất mạnh với nhiều chuyên viên rất giỏi, nhưng các cấp lãnh đạo chính trị Mỹ không quan tâm.

"Nhận xét quan trọng nhất mà chúng ta cần có về những gì vừa xảy ra tại Afghanistan là chính quyền Kabul cũ có nhiều người có khả năng và thiện chí nhưng họ chỉ là những cá nhân chứ không phải là một đội ngũ gắn bó với nhau trong một dự án chính trị chung. Trước mặt họ là lực lương Taliban chỉ có những con người có thể là mê muội nhưng là một đội ngũ gắn bó với nhau trong một dự án chính trị lạc hậu là thiết lập một nhà nước Hồi giáo toàn nguyên.

"Người ta chê trách chính quyền Afghanistan là bất lực và tham nhũng nhưng đó là hậu quả đương nhiên của sự kiện những người lãnh đạo chính quyền Kabul chỉ là nhưng nhân sĩ được người Mỹ lựa chọn. Họ không phải là một đội ngũ và không có một dự án chính trị chung. Hoa Kỳ cũng không hề khuyến khích và thúc giục họ để có.

"Tôi cho rằng nếu nước Mỹ muốn phổ biến những giá trị tự do và dân chủ của mình, tức là sức mạnh của các quốc gia phương Tây, là phải đào tạo cho bằng được thành phần nhân sự chính trị bản địa, tức là những người được sinh ra và lớn lên ở quốc gia đó.

"Kế đến là giúp họ có một dự án chính trị cho tương lai, nghĩa là định hướng xây dựng chế độ chính trị nào cho đất nước của họ. 

"Nhìn  lại Việt Nam Cộng hòa ngày xưa ta thấy giống như Afghanistan ngày nay hoặc Iraq, những thành phần được Mỹ giúp lên cầm quyền không có dự án chính trị nào hết. Họ chỉ là những nhân sĩ được chọn để tham gia chính quyền qua bầu cử tự do và khi thắng thì thành lập chính quyền - đó là nguyên tắc.

"Muốn xây dựng dân chủ thì phải có dự án chính trị dân chủ để có thể thành công trong việc lãnh đạo đất nước, không có dự án chính trị dân chủ thì không thành công .

"Do đó phải giúp họ đào tạo một tầng lớp nhân sự chính trị mới, phải có một dự án xây dựng cho tương lai, từ A đến Z, lúc đầu phải đào tạo nhân sự chính trị ra sao, phải tổ chức giáo dục như thế nào và làm sao phải hướng dẫn người dân bản địa tập quen với lối sống tự do dân chủ, nghĩa là hiểu và biết sử dụng những quyền tự do cơ bản của con người.

"Đằng này người Mỹ đến đó đổ tiền ra và chỉ tin tưởng vào những người mà họ đã chọn vì nghĩ là trung thành.

"Rồi từ đó dẫn đến những quyết định sai lầm trong việc xử lý cuộc chiến với hậu quả cuối cùng như chúng ta đã thấy là ở Iraq họ không được gì hết, ở Afghanistan cũng không, và cả Syria cũng vậy.

"Tôi thấy rằng sự thiếu sót của người Mỹ trong các cuộc chiến mà họ chủ động, lúc đầu rất là chính nghĩa, đúng, nhưng với thời gian khi ở lại lâu trong quốc gia mà họ muốn giúp, họ đã không làm một cố gắng nào để tìm hiểu văn hóa cũng như tâm lý của dân cư của quốc gia đó, thành ra dễ bị tố cáo là một lực lượng chiếm đóng".

Thế giới an toàn hơn sau 20 năm, tương lai thế nào ?

Liệu thế giới đã trở nên an toàn hay chưa sau 20 năm kể từ vụ khủng bố 11/9, tương lai tới đây sẽ thế nào, từ sau khi Hoa Kỳ bắt đầu phát động cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa khủng bố trên thế giới hai thập niên trước, trước câu hỏi này, nhà báo Phạm Trần thẳng thắn bày tỏ :

"Tôi có thể trả lời ngay là thế giới không an toàn và sẽ không an toàn chừng nào mà lực lượng khủng bố trên thế giới, tiêu biểu như Al-Qaeda và các lực lượng khác ở các nước vùng Trung Đông chưa bị loại khỏi mặt đất này".

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng : "như thế không có nghĩa là cuộc chiến tranh chống khủng bố sẽ lan rộng cho đến khi tiêu diệt hết mầm mống của khủng bố".

Liên hệ với việc Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan thời gian gần đây, nhà báo Phạm Trần đánh giá :

"Hậu quả của cuộc rút quân vừa rồi của Hoa Kỳ tại Afghanistan, sau 20 năm thì lại phục hồi sự sống cũng như lực lượng Al-Qaeda ở nước này.

"Bởi vì lực lượng Taliban từng nuôi dưỡng cũng như cho chỗ trú ẩn cho lực lượng Al-Qaeda.

"Vậy nên chúng ta thấy rằng vấn đề nan giải của thế giới chỉ hy vọng ổn định hơn thôi chứ thật ra mối đe dọa đó vẫn tồn tại và sẽ tồn tại mãi mãi".

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy so sánh chủ nghĩa khủng bố với đại dịch Covid đang hoành hành trên thế giới, ông nói :

"Theo tôi, cuộc khủng bố này giống như dịch Covid, phải sống chung với nó thôi, vì rất khó tiêu diệt.

"Vấn đề của các quốc gia phương Tây là phải đề phòng và ngăn ngừa đừng để nó xảy ra trên đất nước của mình.

"Chừng nào mà các quốc gia dân chủ chưa thể giúp đỡ những quốc gia và người dân sống dưới chế độ độc đoán thần quyền, Hồi giáo toàn nguyên phát huy các quyền tự do và dân chủ cơ bản thì những lực lượng khủng bố Hồi giáo quá khích vẫn còn lý do để tồn tại và tiếp tục chống đối, phá rối hay khủng bố các chế độ tự do dân chủ.

"Tại vì tự do và dân chủ là kẻ thù của nhất nguyên, của các phong trào Hồi giáo cực đoan".

Gửi ý kiến về khía cạnh này cho Bàn Tròn Thứ Năm, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà phân tích an ninh, chính trị từ Hà Nội bình luận :

"Biến cố khủng bố 11 tháng 9 dẫn nước Mỹ, các đồng minh của Mỹ và thế giới đến cuộc chiến chống khủng bố trên toàn thế giới, trước hết chống al-Qaeda. Mỹ đã tấn công Iraq, đưa quân đội và ở lại Afghanistan. Hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng, tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD và cho dù một số thủ lĩnh al-Qaeda đã bị bắt hoặc tiêu diệt, trong đó có Osama bin Laden, nhưng đến nay al-Qaeda vẫn hoạt động ở 17 nước. Cuộc chiến chống khủng bố vẫn phải tiếp tục, sau 20 năm, thế giới và nước Mỹ dường như đã không trở nên an toàn hơn.

"Khủng bố sẽ tồn tại cùng với loài người, các tổ chức và cá nhân khủng bố nào đó bị vô hiệu hóa, thì lại xuất hiện các tổ chức và cá nhân khủng bố khác. Từ việc khởi sự cuộc chiến chống khủng bố bởi tổng thống Mỹ George W. Bush, mặc dù đã nỗ lực hết sức, hiệu quả chống khủng bố quốc tế chưa mang lại nhiều kết quả căn bản, chủ yếu là do các cơ quan tình báo, an ninh nội địa Mỹ và đồng minh chưa nắm chắc tình hình và hoạt động của các tổ chức khủng bố.

"Afghanistan sẽ trở thành căn cứ địa của các nhóm khủng bố cũ và mới, là nơi nuôi nấng các tư tưởng và hành động cực đoan, gây bất ổn cho Trung Á, Trung Đông và thế giới ; đe dọa an ninh Nga, Ấn Độ và các nước xung quanh. Thế giới chưa nhìn thấy ở Taliban khả năng quản trị quản trị quốc gia theo các cách thức thông thường, bắt đầu có làn sóng di dân, khủng hoảng nhân đạo đã bắt đầu xảy ra.Mỹ và phương Tây sẽ cần tiếp tục hợp tác với phần còn lại của thế giới để tiếp tục chống khủng bố theo các tiếp cận có hiệu quả hơn. Sẽ cần bàn thảo, đóng góp và hành động mạnh mẽ hơn trong bối cảnh chính trị quốc tế đang diễn biến rất phức tạp liên quan đến các thế lực bá quyền mới".

Còn từ Amsterdam, Hà Lan cũng hôm 09/9, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai, nhà nghiên cứu văn hóa Trung Đông chia sẻ góc nhìn với cuộc hội luận của BBC :

"Biến cố 11/9 khiến khủng bố và Hồi giáo cực đoan trở thành tâm điểm của sự quan ngại trên toàn thế giới. Từ cuộc chiến chống khủng bố do Tổng Thống Bush đề xướng, Mỹ đã tham gia vào các hoạt động quân sự trên 80 quốc gia với hơn một triệu người chết và 37 triệu người phải rời bỏ quê hương - theo số liệu của Đại học Brown.

"Tuy nhiên, nếu mục đích của cuộc chiến này là khiến Mỹ và thế giới an toàn hơn, thì mục đích đó khó có thể nói là thành công mỹ mãn. Khảo sát của ABC mới đây cho thấy chỉ có 49% người Mỹ cho rằng đất nước họ đã an toàn hơn trước hiểm hoạ khủng bố. Con số 10 năm trước là 64%.

"Chúng ta vẫn có Boko Haram, nhà nước IS đã sụp đổ nhưng chiến binh IS vẫn tồn tại, Taliban từ kẻ bại trận giờ thành kẻ đàm phán và cầm quyền. Internet đóng vai trò kết nối các thành phần cực đoan toàn cầu với nhau theo cách mà 20 năm trước là điều không thể xảy ra.

"Thật khó có thể nói rằng trong bối cảnh như vậy, thế giới đã trở nên an toàn hơn so với thời kỳ hầu hết chúng ta đều không quan tâm và nghe nói tới một tôn giáo có tên là Islam", bà Phương Mai nói với BBC trên quan điểm riêng.

Quốc Phương thực hiện

Nguồn : BBC, 09/09/2021

********************

Khủng bố 11/9 : 102 phút làm thay đổi nước Mỹ và thế giới

Thứ Ba, 11/9/2001, nước Mỹ đã bị tấn công khủng bố. Trong 102 phút, gần 3.000 người đã thiệt mạng.

Ngày 11/9/2001, 19 tên khủng bố al-Qaeda đã cướp 4 máy bay thương mại nhằm tấn công hàng loạt các địa điểm mang tính biểu tượng của nước Mỹ.

Hai chiếc máy thuộc 2 chuyến bay của American Airlines United United Airlines đã đâm vào Tòa Tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York. Chỉ trong vòng 102 phút, cả hai tòa tháp cao 110 tầng đã đổ sập.

Chiếc máy bay thứ 3, chuyến bay 77 của American Airlines, đã đâm vào Lầu Năm Góc (trung tâm của Bộ Quốc phòng Mỹ) tại Bang Virginia.

Chiếc máy bay thứ 4, chuyến bay 93 của United Airlines, được cho đã hướng tới mục tiêu là Tòa nhà Quốc hội Mỹ cuối cùng đã rơi xuống một cánh đồng ở ngoại ô Thành phố Shanksville, Bang Pennsylvania, sau khi các hành khách dũng cảm khống chế nhóm không tặc.

Năm 2004, Ủy ban điều tra vụ khủng bố ngày 11/9 của Quốc hội Mỹ kết luận  rằng âm mưu khủng bố thành công là thất bại về mặt tình báo, đặc biệt là sự thiếu thông tin liên lạc giữa các cơ quan tình báo và thực thi luật pháp trong nước. Báo cáo năm 2004 cũng chỉ ra nhiều nhược điểm trong hệ thống quản lý an ninh di trú và hàng không cũng như việc nắm bắt các nguy cơ về khủng bố xuyên quốc gia.

Từ đó, Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia Mỹ được thành lập với nhiệm vụ điều phối và kết nối  hoạt động giữa Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ (CIA), Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và các cơ quan tình báo khác. Báo cáo cũng cho biết Iraq không liên quan đến vụ tấn công khủng bố, riêng kết luận Saudi Arabia không có liên quan đã làm nổ ra cuộc tranh cãi  cho đến tận ngày nay.

Phản ứng sau tấn thảm kịch, nước Mỹ đã tiến hành "cuộc chiến tranh chống khủng bố" – bao gồm cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan. Thêm nhiều mạng sống đã mất đi.

Vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã thay đổi tiến trình lịch sử của nước Mỹ và cả thế giới.

Nguồn : BBC, 09/09/2021

**********************

20 năm vụ khủng bố 11/9 : "Sự thật về cuộc tấn công phải được minh bạch"

Phạm Trần, Minh Anh, RFI , 09/09/2021

Thứ Bảy, ngày 11/09/2021, nước Mỹ tưởng niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố thảm khốc nhắm vào tòa tháp đôi World Trade Center ở New York, Bộ Quốc phòng Mỹ ở gần Washington và ở Shanksville tại Pennsylvania. Gần 3.000 người chết, hơn 6.000 người bị thương.

Hai mươi năm đã trôi qua, vẫn còn hơn 1.000 người chết đã không thể nhận dạng. Chấn thương tinh thần vẫn còn đó. Mối họa khủng bố vẫn đeo dai dẳng. Lễ tưởng niệm 20 năm vụ khủng bố gây chấn động thế giới diễn ra như thế nào, nhất là trong bối cảnh Hoa Kỳ triệt thoái toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan sau đúng 20 năm tham chiến ?

Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn với nhà báo Phạm Trần từ Washington.

20nam1

------------------------

RFI : Ngày 11/9 tới đây là đúng 20 năm xảy ra loạt tấn công khủng bố tòa tháp đôi tại New York và Bộ Quốc phòng Mỹ, làm gần 3.000 người chết. Năm nay, nước Mỹ sẽ tổ chức lễ kỷ niệm này như thế nào ? Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có những chương trình hay phát biểu gì để kỷ niệm biến cố đó ?

Phạm Trần : Chương trình kỷ niệm 20 năm của nước Mỹ, năm nay có một nét đặc biệt, do trùng hợp với tình hình ở Afghanistan. Chúng ta cũng nhớ là 20 năm trước đây, quân đội Mỹ đã mở cuộc tấn công Afghanistan, tiêu diệt cũng như đẩy lùi chính quyền cầm quyền lúc đó là lực lượng Taliban ra khỏi thủ đô Kabul.

Hai mươi năm sau, chính quyền Afghanistan được Hoa Kỳ cũng như khối NATO yểm trợ để vãn hồi hòa bình hay xây dựng đất nước đã sụp đổ, không phải là vì có đảo chính, mà do họ không có chiến đấu bảo vệ đất nước khi lực lượng Taliban lại tái tấn công trong mấy tháng vừa qua và lại làm chủ đất nước Afghanistan.

Năm nay lễ kỷ niệm cũng đặc biệt là vì người dân Mỹ kỷ niệm 11/09 của 20 năm trước nhưng đồng thời họ cũng lo sợ là nước Mỹ có thể sẽ bị quân khủng bố tấn công một lần nữa. Chúng ta cũng nhớ là phe nổi dậy Taliban ở Afghanistan đỡ đầu và nuôi dưỡng lực lượng Al Qaida, vốn dĩ vẫn còn tồn tại, hoạt động ở Afghanistan và nhiều nơi khác ở vùng Trung Đông.

Về phương diện chính quyền, tổng thống Joe Biden có chương trình đi thăm tất cả những nơi đã bị khủng bố tấn công như New York, Pennsylvania – nơi một chiếc máy bay bị rơi và ở Bộ Quốc phòng, nhưng không có chương trình nào cho thấy nguyên thủ Mỹ sẽ đọc diễn văn.

Ngược lại, vào lúc 7 giờ sáng tất cả các gia đình nạn nhân chết trong cuộc tấn công ở New York sẽ tụ tập ở công viên tưởng niệm ở New York, trước đây là vị trí của hai tòa nhà thương mại cao nhất của thế giới, và xướng tên tất cả các nạn nhân. Những hồi chuông ở các thánh đường của thành phố sẽ vang lên để kêu gọi người Mỹ dâng lời cầu nguyện cho những nạn nhân trong vụ khủng bố này.

Ngoài ra, còn có nhiều buổi lễ âm thầm ở nhiều nơi khác, đặc biệt là ở một khu vườn trống ở Pennsylvania, nơi mà chiếc máy bay thứ ba đã rớt xuống sau những cuộc giằng co giữa quân khủng bố với hành khách.

RFI : Hai mươi năm đã trôi qua, báo chí Mỹ ngày nay có cái nhìn như thế nào về sự kiện quan trọng này trong "lịch sử" hiện đại nước Mỹ ?

Phạm Trần : Điều đầu tiên là rất nhiều báo và các nhà bình luận đã nhắc lại ngày 11/09 của 20 năm trước để nhắc nhở là nước Mỹ lúc nào cũng bị các lực lượng khủng bố đe dọa, họ rất hận thù nhân dân Mỹ, nước Mỹ bởi Mỹ là một nước lãnh đạo trên thế giới, có nhiều kế hoạch, chương trình giúp đỡ các chính phủ mà những lực lượng khủng bố này không muốn Mỹ nhúng tay vào.

Báo chí Mỹ cũng nhắc lại tất cả những câu chuyện bi thảm trong cuộc tấn công 20 năm trước đây của những gia đình về những người con bị mất cha, mất mẹ và giờ đã lớn lên, kể lại những cuộc đời của họ.

Tóm lại, nước Mỹ âm thầm nhắc lại những chuyện cũ để hy vọng, để tìm lại những bài học cho tương lai, để bảo vệ, xây dựng nước Mỹ, góp công góp của vào nỗ lực của chính phủ chống lại các lực lượng khủng bố, không những cho Hoa Kỳ và cho cả nền hòa bình của thế giới cũng như là các nước đồng minh, đặc biệt là các nước đồng minh Tây phương như Pháp, Đức, Anh, những quốc gia quan trọng trong khối NATO, từng góp sức, của, công với Hoa Kỳ để tham dự cuộc chiến ở Afghanistan.

RFI : Hôm 4/9, ông Biden ký sắc lệnh cho giải mật các cuộc điều tra. Vậy các gia đình nạn nhân trông đợi điều gì ở cuộc điều tra này ? Theo ông, liệu những mong đợi đó có được đáp ứng ? Hay họ sẽ gặp những trở ngại nào khác nữa ?

Phạm Trần : Cuộc điều tra về cuộc khủng bố đã được tiến hành, nhưng các tài liệu vẫn còn được giữ bí mật. Người dân quan tâm đến tiết lộ : Phải chăng Ả Rập Xê Út có can dự vào cuộc khủng bố nước Mỹ 20 năm trước đây ? Và tất cả những tài liệu sắp sửa được công bố sắp tới đây, người dân cũng hy vọng sẽ soi sáng, sẽ đưa ra ánh sáng tất cả những bí ẩn mà từ trước đến nay, các cơ quan điều tra vẫn giữ bí mật.

Gia đình các nạn nhân không có hy vọng nào khác hơn là trông đợi câu trả lời : Tại sao nước Mỹ bị tấn công ? Kẻ thù tấn công nước Mỹ 20 năm trước đây là ai ? Cá nhân hay là một tập thể, hay là một quốc gia ?

Chỉ có điều, tài liệu sắp được công bố sẽ như thế nào, cho đến giờ này chưa thể biết được. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy họ muốn tất cả sự thật về vụ tấn công nước Mỹ 20 năm trước đây phải minh bạch, sáng tỏ, để giải tỏa nỗi oan ức cũng như sự nghi ngờ, mối lo âu, của người dân Hoa Kỳ đối với vụ khủng bố.

RFI : Nhà tù Guatanamo, được lập ra để giam giữ những người bị tình nghi có can dự trong vụ khủng bố. Nhà tù này cũng là tâm điểm của mọi chỉ trích trên khía cạnh nhân đạo. Năm nay tròn 20 năm, vì sao nhiều đời tổng thống Mỹ vẫn chưa thể đóng lại nhà tù này như cam kết ?

Phạm Trần : Thứ nhất, thủ tục điều tra là rất phức tạp. Mấu chốt và khúc thắt của vấn đề này là liệu các bằng chứng mà nhà cầm quyền cũng như là các cơ quan điều tra Hoa Kỳ như CIA, FBI hay các cơ quan an ninh của Bộ Quốc phòng đã khai thác, thu lượm được từ năm người tù được cho là có can dự vào cuộc khủng bố ngày 11/09/2001, là có thật như thế không ? Hay là do những cuộc tra tấn quá khắc nghiệt của các cơ quan điều tra Mỹ mà những nghi phạm đó đã phải thú nhận những cáo buộc đó ?

Phiên tòa đã được mở lại từ hôm thứ Ba, 07/9, và đợt đầu tiên sẽ kết thúc vào ngày 17/9. Giai đoạn thứ hai sẽ bắt đầu từ ngày mồng 01/11 và kết thúc vào ngày 19/11/2021. Sau cùng, qua đến năm 2022, phiên tòa rất có thể sẽ là công khai, nhưng diễn ra ở đâu, ở căn cứ quân đội hay là ở nơi nào đó thì người ta chưa quyết định.

Điều quan trọng là trong năm người bị tình nghi này, có một người được coi là đầu não Khaled Cheikh Mohammed, dường như đã tự nhìn nhận là người cầm đầu vụ khủng bố chống nước Mỹ cách nay 20 năm. Người ta không biết lời khai đó là do tự thú nhận hay là do bị tra tấn.

Do vậy, mọi sự khúc mắc về cuộc điều tra cũng như các luật sư được bổ nhiệm để bảo vệ cho các nạn nhân cũng đặt ra nhiều vấn đề. Theo họ, cần phải có những bằng chứng cụ thể thì phiên tòa này mới công bằng.

Từ trước cho đến giờ, đã có tổng cộng 40 cuộc điều tra để nghe các cơ quan điều tra phúc trình về hồ sơ này. Thế nên, cho đến hiện tại, người ta chưa có thể biết liệu phiên tòa lần này, bắt đầu từ ngày 07/9, và tạm cho là sẽ kết thúc vào sang năm sẽ diễn biến như thế nào ?

Chính vì vậy nhiều đời tổng thống trước ông Biden cũng rất bối rối về vấn đề này. Họ thấy rằng ngày nào, những người bị tù đó vẫn còn bị giam giữ tại một nhà tù của nước Mỹ thì vụ khủng bố chưa bao giờ có thể quên được. Các đời tổng thống đều muốn khép lại trang sử này, nhưng trước khi khép lại, thì phải có phiên tòa, phải xử và có bản án. Đây cũng chính là những gì nước Mỹ đang trông đợi !

RFI : RFI tiếng Việt xin cảm ơn nhà báo Phạm Trần tại Washington.

Minh Anh thực hiện

Nguồn : RFI, 09/09/2021

*******************

Vụ khủng bố 11/09/2001 : Thất bại to lớn của tình báo Mỹ

Minh Anh, RFI, 09/09/2021

Ngày 11/09/2001, nước Mỹ rung chuyển vì loạt tấn công khủng bố thảm khốc nhất trong lịch sử đất nước. Gần 3.000 người chết và hơn 6.000 người bị thương. Hai mươi năm sau, dư chấn vẫn còn đó, và người ta vẫn tự hỏi : Làm thế nào một kiểu khủng bố như vậy lại có thể xảy ra tại Hoa Kỳ, một cường quốc quân sự hàng đầu thế giới ?

antoan1

Tòa tháp phía nam của World Trade Center bốc cháy sau khi chiếc máy bay số hiệu UA 175 bị những tên khủng bố chiếm lấy lao thẳng vào, New York, ngày 09/11/2001. © wikipedia

11/9/2001 : "Cứ như một trận Trân Châu Cảng !"

Đó là một ngày thứ Ba định mệnh trong lịch sử nước Mỹ đương đại. Trong vòng chưa đầy hai tiếng, 19 tên khủng bố chiếm lấy 4 chiếc máy bay hàng không dân dụng Mỹ, tiến hành loạt tấn công tại ba điểm khác nhau : Tòa tháp đôi của World Trade Center ở New York, Lầu Năm Góc – trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ - và Shanksville tại Pennsylvania. Tấn thảm kịch này đã cướp đi 2.977 sinh mạng. Riêng tại tòa tháp đôi, con số tử vong là 2.753 người, trong đó có 343 lính cứu hỏa và 60 cảnh sát, nhưng chỉ có 1.643 người là được nhận dạng.  

Cả thế giới chấn động. Nước Mỹ bị tấn công. Cứ như một Trân Châu Cảng. Tổng thống Mỹ George W. Bush trên chiếc Air Force One rời Florida đến căn cứ quân sự Andrews ở ngoại ô Washington, khi quan sát Lầu Năm Góc từ trên cao, đã thốt lên : "Đây mới chính là diện mạo của cuộc chiến thế kỷ XXI !".

Vì sao nước Mỹ - một cường quốc hàng đầu thế giới về quân sự cũng như là kinh tế lại không thể dự báo và ngăn chặn được cuộc tấn công thảm khốc đó ? Trong cuộc điều tra đặc biệt nhân kỷ niệm 20 năm tấn thảm kịch này, nhà báo Gregory Philipps của đài France Inter, qua các cuộc gặp gỡ với nhiều cựu nhân viên an ninh, tình báo Mỹ và một số chuyên gia Pháp, ghi nhận cả một hệ thống kẽ hở trong ngành an ninh, tình báo Mỹ vào thời điểm đó.  

Al Qaeda : Những chỉ dấu báo động đỏ

Nhà báo nhắc lại, ba năm sau biến cố lịch sử này, năm 2004, ông Philip Zelikow, trong bản báo cáo của ủy ban điều tra Nghị Viện đã nêu rõ hai điểm yếu ngành an ninh Mỹ : Cuộc chiến chống khủng bố trước ngày 11/9 chỉ là một ưu tiên hạng ba đối với giới chức an ninh quốc gia và việc bảo vệ không phận Mỹ trong ngày bị tấn công chỉ được thiết lập một cách vội vã. 

Điều khó hiểu là trước khi xảy ra vụ tấn công, đã có nhiều chỉ dấu báo động đỏ mối đe dọa khủng bố. Ngay từ giữa những năm 1990, Al Qaeda, đặc biệt là Osama bin Laden, người thành lập tổ chức khủng bố này, đã nằm trong tầm ngắm của tình báo Mỹ. Nhiều vụ đánh bom tự sát được cho là do Al Qaeda thực hiện nhắm vào người Mỹ và những cơ quan đại diện lợi ích Mỹ ở nhiều nơi trên thế giới, đã xảy ra trong suốt giai đoạn này. Cụ thể : 

- Vụ khủng bố ở tầng hầm parking của World Trade Center năm 1993 làm 6 người chết, hơn 100 người bị thương. 

- Tháng Giêng năm 1995, an ninh Philippines phá vỡ âm mưu chuyển hướng hàng chục máy bay dân dụng của Mỹ trên Thái Bình Dương của Al Qaeda, còn được gọi là "chiến dịch Bojinka". 

- Năm 1996, vụ tấn công khủng bố tại khu phức hợp dân cư Dahran ở Saudi Arabia làm 20 người chết, trong đó hết 19 người là công dân Mỹ, 400 người bị thương.  

- Ngày 07/08/1998, cuộc tấn công khủng bố kép nhắm vào hai tòa đại sứ Mỹ, một ở Nairobi, Kenya và một ở Dar es Salaam, Tanzania đã làm 224 người thiệt mạng, trong đó có 12 công dân Mỹ. 

Trong tầm ngắm

Ali Soufan, cựu điều tra viên của FBI, một trong số những người đầu tiên gióng chuông báo động ngay từ năm 1996 về mối đe dọa Al Qaeda nhớ lại : "FBI đã bắt đầu theo dõi Al Qaeda khá sớm. Từ năm 1996, 1997, chúng tôi đã chú ý đến Bin Laden. Vào thời điểm đó, nhiều người trong cơ quan tình báo kể cả bên an ninh liên bang chỉ nghĩ rằng Bin Laden là một nhà tài trợ, chứ không nghĩ là nhân vật này có khả năng chuyển sang cả hành động. 

Tháng 8/1996, Bin Laden tuyên bố thánh chiến chống nước Mỹ. Chúng tôi nghĩ là nghiêm trọng, nhưng nhiều người khác thì không. Tháng 2/1998, ông ta phát ra một lệnh fatwa (giáo lệnh) kêu gọi hạ sát người Mỹ ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Chúng tôi thực sự tin rằng việc này là nghiêm trọng, đến mức ngầm kết án vắng mặt Bin Laden vào tháng 6/1998".

Về điểm này, ông Philip Zelikow, có giải thích thêm như sau : "Quả thật những kẻ thực hiện vụ khủng bố ngày 11/9 đã tuyên chiến với nước Mỹ bằng một bản fax gởi đến Luân Đôn vào đầu năm 1998. Bức fax này đến từ một nhóm bí ẩn, nằm ở một nơi kém phát triển nhất của thế giới, ở phía nam Afghanistan. Trong suốt năm 2001, chúng tôi đã suy nghĩ nhiều : Nhóm khủng bố này làm gì ở Afghanistan ? Nhưng ý tưởng nước Mỹ đến xâm chiếm Afghanistan để bắt lấy những kẻ đó trước năm 2001 là điều không thể nhắm đến !".

Những kẻ hỡ

Sau vụ tấn công này, nhiều câu hỏi được đặt ra. 19 tên khủng bố đó là ai ? Vì sao chúng không bị theo dõi ? Tại sao thông tin đồng phạm Mohammed Atta, từ Hamburg (Đức) đến Mỹ vào đầu mùa hè năm 2000, để học lái máy bay tại nhiều trường khác nhau ở Florida, Arizona và Minnesota đã không được chuyển đến Washington ? Trả lời câu hỏi nhà báo Gregory Philipps, nhà nghiên cứu, chuyên gia về các mạng lưới thánh chiến, ông Dominique Thomas, thuộc trường EHSS, đưa ra các nhận định :

"Trước hết, một trong những lỗ hổng lớn của hệ thống dân chủ là tình trạng quan liêu, đôi khi còn thiếu cả sự phối hợp giữa các ban ngành khác nhau. Quý vị có thể có đủ hết các mảng ghép nhưng chúng lại nằm rải rác ở nhiều bộ phận khác nhau, và không có sự liên thông hay kết nối tồi (…).

Hơn nữa, tôi nghĩ rằng vào thời điểm đó, cơ quan FBI có quá ít chuyên gia đủ khả năng phân tích các mối đe dọa. Nếu như chúng ta không có người thạo tiếng Ả Rập, những người nắm rõ khu vực này, hiểu được hệ tư tưởng, cách nói chuyện, tâm lý của những nhân vật đó, thì đương nhiên quý vị thất bại trong cuộc chiến này thôi !"

Ali Soufan là một ví dụ điển hình. Là người đầu tiên xác định được danh tính của Khaled Cheikh Mohammed, kẻ chủ mưu của loạt tấn công thảm khốc, nhưng Ali Soufan là một trong số hiếm hoi các nhà điều tra của FBI nói thạo tiếng Ả Rập, vì là người gốc Lebanon. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở CIA. Ông nhìn nhận sự hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa là điều cốt lõi trong cuộc chiến chống khủng bố. 

Chống khủng bố : Ưu tiên hạng ba, thất bại to lớn

Bên cạnh việc thiếu hiểu biết về thế giới ả rập, thiếu sự liên thông giữa các ban ngành, báo cáo của ông Philip Zelikow cho ủy ban điều tra nghị viện Mỹ còn nêu rõ trách nhiệm của ngành tình báo Mỹ trước ngày 11/9, chưa bao giờ xem xét nghiêm túc mối họa khủng bố.

Cuộc chiến chống khủng bố chỉ là ưu tiên thứ yếu của an ninh Mỹ thời đó, theo như giải thích của ông Mathhew Levitt, chuyên gia về chống khủng bố, với nhà báo Gregory Philipps. 

"Giờ nghĩ lại người ta chợt nhận thấy có điều gì không ổn, khó tin và cảm thấy đau đớn. Vào lúc đó có quá nhiều thông tin để xử lý, các nhân viên an ninh làm việc như điên. Nhưng bộ phận chống khủng bố ở FBI lúc ấy bị ví như là thùng nấu quần áo, đó không phải là nơi để họ thăng tiến. Hoạt động chính của FBI là tập trung nhiều vào các vụ án hình sự. Làm việc cho bộ phận chống khủng bố, gián điệp thật sự không mấy gì được xướng tên trên bảng vàng. Phần lớn thời gian họ chẳng bắt được ai. Ngày nay, khi nói đến khủng bố là người ta nghĩ đến cả một mẻ lưới. Nhưng đó là một hiện tượng hậu 11/9". 

Nhìn từ khía cạnh này, bà Valerie Plame, một cựu sĩ quan CIA, đánh giá : "Đây thật sự là một thất bại to lớn của các cơ quan tình báo Mỹ. Đó chẳng qua là do thiếu chút suy nghĩ về việc làm thế nào vụ khủng bố này có thể xảy ra. Loạt khủng bố này không tốn kém nhiều chi phí (khoảng nửa triệu đô la), chẳng cần nhiều sự huấn luyện (hai năm chuẩn bị). Những tên khủng bố này lại thoát được tầm theo dõi của FBI, cơ quan lẽ ra có trách nhiệm phải giám sát những đối tượng này. 

Rồi CIA cũng có cả những thông tin nhập cảnh vào Mỹ của những nghi phạm này nữa. Làm thế nào chúng có thể thoát được sự giám sát đó ? Người ta đã phớt lờ các dấu vết của FBI. Họ đã phí quá nhiều thời gian, sức lực và năng lượng để tìm kiếm một sự mưu phản. Nhưng làm gì có sự mưu phản nào. Đó chẳng qua là sự chểnh mảng, lơ là của Mỹ mà thôi !".

Gregory Philipps lưu ý, trước năm 2001, mối đe dọa khủng bố này được cho là "xa vời"đến mức người ta có thể mang theo cả dao rọc giấy hay một con dao nhỏ kích cỡ chưa tới 10 cm trong hành lý mà không phải lo lắng gì. Thậm chí, người thân có thể đưa hành khách đến tận cửa lên máy bay. Trước ngày 11/9, FAA – Cục Hàng không Liên bang Mỹ công bố một danh sách đen cấm một số người đáp máy bay, nhưng danh sách này chỉ có 12 tên, trong đó Cheikh Mohammed, một trong số đầu não của loạt khủng bố này. 

Bin Laden và 10 năm truy nã

Đương nhiên, lãnh đạo CIA lúc bấy giờ là George Tenet đã được báo động, Richard Clark – cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Bush có gióng chuông báo động về mối họa khủng bố Al Qaeda. Dù vậy, những tên khủng bố "nằm vùng"trên đất Mỹ lại không được cảm nhận như là mối đe dọa quan trọng. Vì sao như vậy ? Ông Andrew Card, chánh văn phòng Nhà Trắng thời kỳ đó giải thích : 

"Tổng thống Bush đã làm những gì ông ấy nên làm. Tôi đã đọc lại tất cả những bản báo cáo tình báo mà ông ấy đã xem qua. Và tôi còn nhớ có một bản báo cáo gây tranh cãi được đệ trình lên hồi tháng 8/2001, báo động rằng Al Qaeda đang chuẩn bị làm điều gì đó với Bin Laden. Rồi sau đó cũng có lời đáp : Đúng vậy, họ muốn tấn công nước Mỹ nhưng không ai có thể dự đoán chính xác ngày xảy ra vụ khủng bố. 

Ai có thể có được câu trả lời đúng ? Liệu chúng tôi có thể nào cấm các máy bay cất cánh trong ngày 11/9 hay không ? Giờ thì chúng ta biết được là những tên khủng bố đó đã khởi động vụ tấn công này trước đó vài ngày. Như vậy là chúng tôi đã có những thông tin sai và do vậy chúng tôi đã chọn nhầm ngày để chặn các chuyến bay.

Giả như chúng tôi có cấm các chuyến bay trong ngày đó, trong vòng một tuần hay một tháng, điều đó sẽ tàn phá kinh tế đất nước. Quốc hội rất có thể sẽ chất vấn chúng tôi : Các ông đang làm điều gì vậy ? Các ông không thể đóng cửa kinh tế đất nước như thế. Giờ thì chúng tôi hiểu rằng lẽ ra chúng tôi đã phải làm điều gì đó !".

Sau vụ khủng bố này, quyền hạn của các cơ quan tình báo đã được mở rộng. Hơn 262 cơ quan liên bang đã được lập ra hay được điều chỉnh lại. Hơn 850 ngàn nhân viên được tuyển dụng tại Mỹ trong lĩnh vực thu thập tình báo có nguy cơ biến hệ thống này còn trở nên quan liêu hơn và khó thể kiểm soát.  

Một điều hiển nhiên là các cơ quan an ninh Mỹ đã không thể phá vỡ vụ khủng bố ngày 11/09/2001. Và họ cũng đã phải mất đến 10 năm sau mới tìm ra được kẻ chủ mưu thực sự của loạt khủng bố này : Osama bin Laden ! 

Minh Anh

Nguồn : RFI, 09/09/2021

*********************

S kin 11/9 đã thay đổi nước M như thế nào ?

Lê Ngọc, VOV.vn, 09/09/2021

Các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9 ở New York đã gây chấn động thế giới và dẫn đến những thay đổi trong cơ cấu chính phủ, du lịch và văn hóa Mỹ.

sukien01

Nước Mỹ vẫn chưa hết bàng hoàng với sự kiện khủng bố 11/9/2001.

Ngày 11/9/2001 là một điểm mốc lớn trong lịch sử nước Mỹ, khi gần 3.000 người thiệt mạng bởi một cuộc tấn công chưa từng có về quy mô khủng bố, cũng là cuộc tấn công lớn nhất của thực thể nước ngoài chống lại quốc gia lại hùng mạnh này. Sự kinh hoàng và nỗi sợ hãi của sự kiện không chỉ giới hạn trong vài tháng, vài năm mà đã phủ một cái bóng đen lên cuộc sống của người Mỹ  và kéo dài cho đến ngày nay.

Sau vụ tấn công, sự kết hợp của nỗi sợ hãi và sự thừa nhận các thất bại tình báo của công tác đã dẫn đến một loạt các thay đổi chính sách bao gồm các hạn chế về nhập cư, thành lập Bộ An ninh Nội địa và mở rộng danh sách "cấm bay". Tuy nhiên, đó mới chỉ là khởi đầu, và dưới đây là 5 cách quan trọng mà nước Mỹ đã thay đổi sau vụ 11/9.

1. Cuộc chiến chống khủng bố bắt đầu 

Phát biểu trước Quốc hội và người dân ngày 20/9/2001, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã đưa ra một phản ứng quân sự, không phải là một cuộc không kích có chủ đích vào một cơ sở huấn luyện hoặc hầm chứa vũ khí đơn lẻ, mà là một cuộc chiến tranh chống khủng bố toàn cầu. Ông Bush nói : "Cuộc chiến chống khủng bố của chúng ta bắt đầu với al-Qaeda, nhưng nó không kết thúc ở đó, nó sẽ không kết thúc cho đến khi mọi nhóm khủng bố có phạm vi toàn cầu bị phát hiện, ngăn chặn và đánh bại".

Chưa đầy một tháng sau ngày 11/9, quân đội Mỹ đã phát động chiến dịch quân sự kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Cuộc chiến ở Afghanistan có sự ủng hộ của người Mỹ và sự hậu thuẫn của các đồng minh NATO nhằm tiêu diệt al-Qaeda, đè bẹp Taliban và tiêu diệt Osama bin Laden - kẻ chủ mưu vụ tấn công 11/9.

Sự ủng hộ của người Mỹ đối với cuộc chiến chống khủng bố  trở nên hỗn tạp khi kéo dài trong nhiều năm với nỗ lực nhằm vào nhiều tổ chức khủng bố và các chế độ bất hảo trên khắp thế giới. Hàng nghìn lính Mỹ đã thiệt mạng trong 2 thập kỷ đầu tiên của cuộc chiến chống khủng bố, nhiều chiến binh trở về nhà với những vết thương về thể chất và tâm lý. Tuy nhiên, bóng ma vụ 11/9, đã giữ chân quân đội Mỹ ở Afghanistan và các nơi khác trong gần 20 năm.

2. Đi lại bằng đường hàng không đã thay đổi

Một trong những khía cạnh đáng lo ngại nhất của vụ tấn công 11/9 là 19 tên không tặc của al-Qaeda không chỉ có thể lên máy bay thương mại với vũ khí thô sơ mà còn có thể xâm nhập vào buồng lái. Rõ ràng vụ 11/9 vừa là sự thất bại của bộ máy tình báo Mỹ trong việc xác định những kẻ tấn công và sự thất bại của hệ thống an ninh sân bay trong việc ngăn chặn chúng.

Mặc dù đã có một số vụ không tặc và đánh bom máy bay thương mại, bao gồm cả vụ đánh bom thảm khốc năm 1988 trên chuyến bay Pan Am 103 ở Lockerbie (Scotland), an ninh không phải là ưu tiên hàng đầu của các hãng hàng không trước ngày 11/9. Trước ngày đó, mọi người không cần phải có vé để có thể đi lang thang trong sân bay hoặc chờ đợi ở cổng. Không ai kiểm tra giấy tờ tùy thân của hành khách trước khi lên máy bay.

Thứ duy nhất mà mọi người phải lấy ra khi đi qua an ninh là tiền lẻ trong túi của họ. Hầu hết các sân bay không bận tâm đến việc kiểm tra lý lịch đối với nhân viên của họ và hành lý ký gửi không bao giờ được rà quét. Tất cả những điều này đã thay đổi khi thành lập Cơ quan Quản lý An ninh Vận tải (TSA) - một cơ quan liên bang hoàn toàn mới được Quốc hội chuẩn thuận vào tháng 11/2001. Trong vòng một năm, TSA đã tuyển hơn 50.000 nhân viên.

sukien2

Vụ khủng bố 11/9/2001 gây ra tổn thất lớn về người, của và cả danh tiếng của nước Mỹ. Nguồn : chicagotribune.comop

Ngoài đội quân sàng lọc mặc đồng phục xanh, TSA đã tạo cho hành khách Mỹ các giao thức an ninh mới. Cần phải có vé và giấy tờ tùy thân có ảnh để đi qua khu vực chiếu quét. Máy tính xách tay và đồ điện tử phải được bỏ vào túi xách tay ; giày phải được cởi ra ; chất lỏng bị hạn chế trong các lọ 85ml. Các máy chụp X-quang thông thường, vốn chỉ phát hiện các vật thể kim loại, đã được thay thế bằng máy quét toàn thân.

Các nhân viên TSA cũng được đào tạo về "phát hiện hành vi" để nhận ra các hành động được coi là đáng ngờ. Phía sau hậu trường, Trung tâm Sàng lọc Khủng bố mới của FBI đã lập một Danh sách theo dõi Khủng bố gồm hàng trăm nghìn cá nhân, trong đó có khoảng 6.000 tên, bao gồm 500 người Mỹ, được đưa vào danh sách "Cấm bay".

3. Bạo lực chống Hồi giáo bùng phát

Chỉ 4 ngày sau vụ tấn công 11/9, một tay súng ở Mesa (Arizona) đã nổ súng điên cuồng. Đầu tiên, y bắn chết Balbir Singh Sodhi, một chủ trạm xăng là người gốc Ấn đội khăn xếp, cho rằng anh ta là người Hồi giáo. Vài phút sau, sát thủ bắn một nhân viên trạm xăng khác là người gốc Lebanon, và sau đó bắn xuyên qua cửa sổ của một gia đình người Mỹ gốc Afghanistan.

Ngay cả khi các chính trị gia và cơ quan thực thi pháp luật liên tục tuyên bố Hồi giáo là một tôn giáo hòa bình, những giáo lý chân chính đã bị những kẻ khủng bố cực đoan xuyên tạc, nhiều người ở Mỹ và trên thế giới vẫn đánh đồng vụ tấn công 11/9 với đạo Hồi và tìm cách trả thù bất cứ ai trông giống đạo Hồi. Nếu trong năm 2000, chỉ có 12 vụ tấn công chống người Hồi giáo được thông báo cho FBI, năm 2001, con số đó tăng vọt lên 93.

Khi các tổ chức tự do dân sự chỉ trích TSA và cơ quan thực thi pháp luật về việc phân biệt chủng tộc của đàn ông Arab và Hồi giáo, hành vi tội ác chống lại người Hồi giáo vẫn tồn tại. Thống kê từ FBI cho thấy, năm 2001, có 91 vụ tấn công nghiêm trọng ​​chng Hi giáo do thành kiến được báo cáo, vào năm 2015 và năm 2016, con số đó đạt 127 vụ.

4. Tăng cường giám sát

Đạo luật Yêu nước (Patriot Act) được thông qua chỉ sáu tuần sau vụ 11/9, khi các nhà lập pháp cố gắng khắc phục những sai sót về tình báo cho phép những kẻ khủng bố đã được biết vào Mỹ và thực hiện âm mưu chết người nhất trong lịch sử Mỹ. Đạo luật gây tranh cãi đã cho phép những thay đổi sâu rộng trong cách làm việc các cơ quan tình báo trong nước như việc giám sát của FBI. Các quy tắc lâu đời nhằm bảo vệ người Mỹ khỏi "việc khám xét và thu giữ bất hợp lý" đã được nới lỏng hoặc đưa ra viện cớ vì an ninh quốc gia.

sukien3

Vụ khủng bố 11/9/2001 dẫn đến nhiều thay đổi trong đời sống nước Mỹ. Nguồn : inc.com

Nỗi sợ hãi vụ tấn công 11/9 mới chỉ là khởi đầu, ngày càng có nhiều nhóm khủng bố hoạt động tại các thành phố của Mỹ, chờ lệnh tấn công. Để tìm ra những kẻ khủng bố đang trà trộn đó, Quốc hội đã trao cho FBI và NSA những quyền mới nhằm thu thập và chia sẻ dữ liệu. Đạo luật Yêu nước đã trao cho các cơ quan tình báo quyền tìm kiếm hồ sơ thư viện và lịch sử tìm kiếm trên internet của một cá nhân mà không cần giám sát tư pháp.

Các nhân viên có thể khám xét một ngôi nhà mà không cần thông báo cho chủ sở hữu và nghe lén điện thoại mà không xác định lý do. Trong khi các nhóm tự do dân sự đấu tranh chống lại những gì họ coi là vi hiến về quyền riêng tư theo Đạo luật Yêu nước, thì vào năm 2008, một đạo luật gây tranh cãi hơn nữa đã được thông qua - Đạo luật sửa đổi FISA, cho phép NSA gần như không bị kiểm soát khi nghe trộm các cuộc điện thoại, tin nhắn văn bản và email của người Mỹ với mục tiêu nhắm vào các công dân nước ngoài bị nghi ngờ là khủng bố.

5. Nước Mỹ trở nên an toàn hơn nhưng đã thay đổi

Kể từ ngày 11/9/2001, những người Mỹ được truyền cảm hứng bởi hệ tư tưởng thánh chiến đã giết chết 107 người trong các cuộc tấn công khủng bố trong nước (tính đến tháng 9/2020). Gần một nửa số người đó là nạn nhân một vụ xả súng kinh hoàng tại hộp đêm Pulse ở Orlando, nhưng không có vụ tấn công khủng bố quy mô lớn nào vào các thành phố của Mỹ.

Các biện pháp an ninh được áp dụng sau vụ 11/9 dường như đã làm thất bại hoặc ngăn cản một âm mưu đầy tham vọng khác của các "con sói" nước ngoài trên đất Mỹ. Nhưng cũng trong thời gian đó, nước Mỹ đã phải đối mặt với một cuộc chiến chống khủng bố "vô tiền khoáng hậu" đã làm thay đổi bản chất cuộc sống của người Mỹ.

Theo history.com,

Lê Ngọc biên dịch

Nguồn : VOV.vn, 09/9/2021

20 năm sau sự kiện 9/11, liệu thế giới có an toàn hơn không ?

Quốc Phương, BBC, 09/09/2021

Thế giới chưa an toàn và sẽ không an toàn chừng nào các lực lượng khủng bố trên thế giới vẫn còn tồn tại, một nhà báo, cựu phóng viên đài VOA từ Washington D.C. nói với BBC News tiếng Việt hôm thứ Năm.

111111111111111111111

Tiến sĩ Vũ Quang Việt từ New York, nhà báo Phạm Trần từ Washington D.C. và nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huy từ Paris nhìn lại biến cố khủng bố 11/9 tròn 20 năm trước và thử đi tìm câu trả lời liệu thế giới hôm nay đã an toàn hơn ?

Sự kiện nước Mỹ bị tấn công vào ngày 11 tháng 09 năm 2001 đã thức tỉnh thế giới về một chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan đang tồn tại trong lòng các nước Trung Đông.

Giờ đây, sau 20 năm, liệu người Mỹ có cảm thấy an toàn hơn hay họ vẫn lo sợ về một cuộc tấn công khủng bố khác trên đất nước Hoa Kỳ hay nhằm vào công dân Mỹ ở nước ngoài.

222222222222222222

Một lá cờ Mỹ và hoa được đặt gần tên của một nạn nhân tại Đài tưởng niệm vụ 11/9 tại khu Ground Zero hôm 8/9/2021 ở New York, Hoa Kỳ

Chống khủng bố bằng chiến tranh 'khủng bố' ?

Tại cuộc hội luận chuyên đề Bàn Tròn Thứ Năm của BBC News tiếng Việt hôm 09/09/2021 đánh dấu 20 năm sự kiện khủng bố xảy ra tại Hoa Kỳ ngày 11/9/2001, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, cựu chuyên viên Liên Hiệp Quốc, người từng làm việc tại một văn phòng đặt tại Tòa Tháp Đôi ở New York trước thời điểm xảy ra vụ tấn công, cho rằng cuộc chiến tranh do Mỹ phát động chống lại chủ nghĩa khủng bố trên toàn thế giới thực chất là một 'cuộc chiến tranh khủng bố'.

"Bây giờ đặt vấn đề là chống khủng bố bằng cách làm một cuộc chiến tranh khủng bố dân trị dân thì có thể giải quyết được vấn đề gì không ?", cựu Vụ trưởng Vụ Thống kê của Liên Hợp Quốc đặt vấn đề trên quan điểm riêng.

"Tôi nghĩ rằng không thể, nghĩa là mình phải tự bảo vệ mình, nếu có khủng bố thì phải có tất cả các biện pháp để mà tự bảo vệ dân mình, tự bảo vệ nước mình.

"Nhưng mà làm một cuộc chiến tranh khủng bố để chống khủng bố để mà thay đổi tư tưởng người ta thì điều đó rất là khó thành công".

Tiến sĩ Vũ Quang Việt dẫn chứng việc Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan trong tháng 8/2021 như là một minh chứng cho sự 'thất bại' và lý giải cho nhận định trên quan điểm riêng của ông rằng đây là một 'cuộc chiến tranh khủng bố', ông nói:

"Chiến tranh mà muốn đánh bất cứ chỗ nào, tấn công cả vào những người không liên quan, tấn công dân lành thì cái đó nó xảy ra nhiều vấn đề. Thì tôi nghĩ đó là một thứ chiến tranh khủng bố".

"Mỹ hay các nước Tây phương muốn phát triển đa nguyên tự do dân chủ thì là phải ủng hộ chứ không phải vác quân đánh giùm.

"Nếu mà vác quân đánh giùm tôi nghĩ chẳng khác gì khủng bố".

Cùng tham gia hội luận, từ Washington D.C., nhà báo Phạm Trần, cựu phóng viên, ký giả đài VOA chia sẻ quan điểm khác của mình về cuộc chiến tranh chống khủng bố của Hoa Kỳ:

"Tôi không nghĩ đó là một cuộc chiến tranh khủng bố do Mỹ chủ trương để mà chống lại một lực lượng khủng bố khác.

"Thật sự theo lời của ông Tổng thống George W. Bush vào tối ngày 11 tháng 9 năm 2001 thì ông ấy nói rõ ràng là phản ứng của Hoa Kỳ là bảo vệ tự do, bảo vệ nền luật pháp của thế giới, không thể nào mà để cho các lực lượng phá hoại tự do hành động chống lại nước Mỹ hay chống lại bất cứ một nơi nào trên thế giới.

"Tôi cho đó là một lý tưởng tự do chống lại chủ trương khủng bố của quân khủng bố chứ không phải là Hoa Kỳ phát động một cuộc chiến tranh khủng bố để chống lại lực lượng khủng bố khác".

Ông Phạm Trần giải thích thêm quan điểm của mình :

 

"Là bởi vì lý do nước Mỹ bị tấn công là do lực lượng Al-Qaeda và do Osama bin Laden lãnh đạo lúc đó đang ẩn náu ở bên Afghanistan.

"Ông Bush đã yêu cầu lực lượng Taliban phải bắt và trao trả Osama bin Laden cho nước Mỹ, nhưng Taliban từ chối.

"Bởi vậy, ngày 7 tháng 10, Tổng thống Bush đã họp với các nước đồng minh và đã ra lệnh cho các máy bay Mỹ và các máy bay của NATO cùng hợp tác ném bom xuống các vị trí của quân Al-Qaeda và quân Taliban, chứ không phải là nước Mỹ khơi động cuộc chiến, mà đây là chống lại lực lượng khủng bố khi nước Mỹ không bị tấn công".

Xây dựng dân chủ thiếu dự án ?

Từ Paris, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nhà dân tộc học có nghiên cứu về văn hóa Islam và Trung Đông, đưa ra bình luận khi nhìn lại vụ tấn công khủng bố 11/9 và cuộc chiến chống khủng bố của Hoa Kỳ. Ông nhắc lại :

"Nước Mỹ tới Afghanistan từ ngay sau Thế Chiến II, khi chiến tranh lạnh bắt đầu. Căn cứ Bagram, gần Kabul là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ trong vùng Trung Á được thành lập từ năm 1950. Mỹ cũng có cơ quan tình báo CIA rất mạnh với nhiều chuyên viên rất giỏi, nhưng các cấp lãnh đạo chính trị Mỹ không quan tâm.

"Nhận xét quan trọng nhất mà chúng ta cần có về những gì vừa xảy ra tại Afghanistan là chính quyền Kabul cũ có nhiều người có khả năng và thiện chí nhưng họ chỉ là những cá nhân chứ không phải là một đội ngũ gắn bó với nhau trong một dự án chính trị chung. Trước mặt họ là lực lương Taliban chỉ có những con người có thể là mê muội nhưng là một đội ngũ gắn bó với nhau trong một dự án chính trị lạc hậu là thiết lập một nhà nước Hồi giáo toàn nguyên".

"Người ta chê trách chính quyền Afghanistan là bất lực và tham nhũng nhưng đó là hậu quả đương nhiên của sự kiên nhưng người lãnh đạo chính quyền Kabul chỉ là nhưng cá nhân được người Mỹ lựa chọn. Họ không phải là một đội ngũ và không có một dự án chính trị chung. Hoa Kỳ cũng không hề khuyến khích và thúc giục họ để có.

"Tôi cho rằng nếu nước Mỹ muốn phổ biến những giá trị tự do và dân chủ của mình, tức là sức mạnh của các quốc gia phương Tây, là phải đào tạo một thành phần nhân sự chính trị bản địa, tức là những người được sinh ra và lớn lên ở quốc gia đó.

"Thứ nhất là phải giúp họ có một dự án chính trị cho tương lai, nghĩa là xây dựng chế độ chính trị gì cho đất nước của họ.

"Nhìn kỹ lại Việt Nam Cộng hòa ngày xưa ta thấy giống như Afghanistan ngày nay hoặc Iraq, những thành phần được Mỹ giúp lên cầm quyền không có dự án chính trị nào hết. Họ chỉ là những nhân sĩ được chọn để tham gia chính quyền qua bầu cử tự do và khi thắng thì thành lập chính quyền - đó là nguyên tắc.

"Nhưng muốn xây dựng dân chủ thì phải có dự án chính trị dân chủ để có thể thành công được, không có dự án chính trị dân chủ thì không thành công trong việc lãnh đạo đất nước.

"Do đó phải giúp họ đào tạo một tầng lớp nhân sự chính trị mới, phải có một dự án xây dựng cho tương lai, từ A đến Z, lúc đầu phải đào tạo nhân sự chính trị ra sao, phải tổ chức giáo dục như thế nào và làm sao phải hướng dẫn người tbản địa tập quen với lối sống tự do dân chủ, nghĩa là biết sử dụng những quyền tự do cơ bản của con người.

"Đằng này người Mỹ đến đó đổ tiền ra và chỉ tin tưởng vào những người mà họ đã chọn vì được cho là trung thành.

"Rồi từ đó dẫn đến những quyết định sai lầm trong việc xử lý cuộc chiến với hậu quả cuối cùng như chúng ta đã thấy là ở Iraq họ không được gì hết, ở Afghanistan cũng không, và cả Syria cũng trắng tay.

"Tôi thấy rằng sự thiếu xót của người Mỹ trong các cuộc chiến mà lúc đầu rất là chính nghĩa, đúng, nhưng với thời gian khi ở lại lâu trong quốc gia mà họ muốn giúp, là đã không làm một cố gắng nào tìm hiểu văn hóa cũng như tâm lý của dân cư của quốc gia đó, thành ra dễ bị tố cáo là một lực lượng chiếm đóng".

Thế giới an toàn hơn sau 20 năm, tương lai thế nào?

Liệu thế giới đã trở nên an toàn hay chưa sau 20 năm kể từ vụ khủng bố 11/9, tương lai tới đây sẽ thế nào, từ sau khi Hoa Kỳ bắt đầu phát động cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa khủng bố trên thế giới hai thập niên trước, trước câu hỏi này, nhà báo Phạm Trần thẳng thắn bày tỏ :

 

"Tôi có thể trả lời ngay là thế giới không an toàn và sẽ không an toàn chừng nào mà lực lượng khủng bố trên thế giới, tiêu biểu như Al-Qaeda và các lực lượng khác ở các nước vùng Trung Đông chưa bị loại khỏi mặt đất này".

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng : "như thế không có nghĩa là cuộc chiến tranh chống khủng bố sẽ lan rộng cho đến khi tiêu diệt hết mầm mống của khủng bố".

Liên hệ với việc Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan thời gian gần đây, nhà báo Phạm Trần đánh giá :

"Hậu quả của cuộc rút quân vừa rồi của Hoa Kỳ tại Afghanistan, sau 20 năm thì lại phục hồi sự sống cũng như lực lượng Al-Qaeda ở nước này.

"Bởi vì lực lượng Taliban từng nuôi dưỡng cũng như cho chỗ trú ẩn cho lực lượng Al-Qaeda.

"Vậy nên chúng ta thấy rằng vấn đề nan giải của thế giới chỉ hy vọng ổn định hơn thôi chứ thật ra mối đe dọa đó vẫn tồn tại và sẽ tồn tại mãi mãi".

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy so sánh chủ nghĩa khủng bố với đại dịch Covid đang hoành hành trên thế giới, ông nói :

"Theo tôi, cuộc khủng bố này giống như dịch Covid, phải sống chung với nó thôi, vì rất khó tiêu diệt.

"Vấn đề của các quốc gia phương Tây là phải đề phòng và ngăn ngừa đừng để nó xảy ra trên đất nước của mình.

"Như đã nói nếu chúng ta không phát huy được những giá trị tự do và dân chủ đến với những quốc gia và dân tộc còn sống dưới những chế độ độc tài, nhất nguyên thì khủng bố Hồi giáo sẽ tiếp tục hoành hành và đe dọa.

"Tại vì tự do và dân chủ là đối thủ của nhất nguyên, của phong trào Hồi giáo cực đoan.

"Thành ra ngày nào mà các quốc gia dân chủ chưa thể giúp đỡ những quốc gia và người dân trong các quốc gia Hồi giáo toàn nguyên phát triển để được sống trong tự do và dân chủ thì những lực lượng khủng bố Hồi giáo quá khích vẫn còn lý do tồn tại và tiếp tục chống đối".

Gửi ý kiến về khía cạnh này cho Bàn Tròn Thứ Năm, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà phân tích an ninh, chính trị từ Hà Nội bình luận:

 

"Biến cố khủng bố 11 tháng 9 dẫn nước Mỹ, các đồng minh của Mỹ và thế giới đến cuộc chiến chống khủng bố trên toàn thế giới, trước hết chống al-Qaeda. Mỹ đã tấn công Iraq, đưa quân đội và ở lại Afghanistan. Hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng, tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD và cho dù một số thủ lĩnh al-Qaeda đã bị bắt hoặc tiêu diệt, trong đó có Osama bin Laden, nhưng đến nay al-Qaeda vẫn hoạt động ở 17 nước. Cuộc chiến chống khủng bố vẫn phải tiếp tục, sau 20 năm, thế giới và nước Mỹ dường như đã không trở nên an toàn hơn.

"Khủng bố sẽ tồn tại cùng với loài người, các tổ chức và cá nhân khủng bố nào đó bị vô hiệu hóa, thì lại xuất hiện các tổ chức và cá nhân khủng bố khác. Từ việc khởi sự cuộc chiến chống khủng bố bởi tổng thống Mỹ George W. Bush, mặc dù đã nỗ lực hết sức, hiệu quả chống khủng bố quốc tế chưa mang lại nhiều kết quả căn bản, chủ yếu là do các cơ quan tình báo, an ninh nội địa Mỹ và đồng minh chưa nắm chắc tình hình và hoạt động của các tổ chức khủng bố.

"Afghanistan sẽ trở thành căn cứ địa của các nhóm khủng bố cũ và mới, là nơi nuôi nấng các tư tưởng và hành động cực đoan, gây bất ổn cho Trung Á, Trung Đông và thế giới; đe dọa an ninh Nga, Ấn Độ và các nước xung quanh. Thế giới chưa nhìn thấy ở Taliban khả năng quản trị quản trị quốc gia theo các cách thức thông thường, bắt đầu có làn sóng di dân, khủng hoảng nhân đạo đã bắt đầu xảy ra.

 

Mỹ và phương Tây sẽ cần tiếp tục hợp tác với phần còn lại của thế giới để tiếp tục chống khủng bố theo các tiếp cận có hiệu quả hơn. Sẽ cần bàn thảo, đóng góp và hành động mạnh mẽ hơn trong bối cảnh chính trị quốc tế đang diễn biến rất phức tạp liên quan đến các thế lực bá quyền mới".

Còn từ Amsterdam, Hà Lan cũng hôm 09/9, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai, nhà nghiên cứu văn hóa Trung Đông chia sẻ góc nhìn với cuộc hội luận của BBC :

"Biến cố 11/9 khiến khủng bố và Hồi giáo cực đoan trở thành tâm điểm của sự quan ngại trên toàn thế giới. Từ cuộc chiến chống khủng bố do Tổng Thống Bush đề xướng, Mỹ đã tham gia vào các hoạt động quân sự trên 80 quốc gia với hơn một triệu người chết và 37 triệu người phải rời bỏ quê hương - theo số liệu của Đại học Brown.

"Tuy nhiên, nếu mục đích của cuộc chiến này là khiến Mỹ và thế giới an toàn hơn, thì mục đích đó khó có thể nói là thành công mỹ mãn. Khảo sát của ABC mới đây cho thấy chỉ có 49% người Mỹ cho rằng đất nước họ đã an toàn hơn trước hiểm hoạ khủng bố. Con số 10 năm trước là 64%.

"Chúng ta vẫn có Boko Haram, nhà nước IS đã sụp đổ nhưng chiến binh IS vẫn tồn tại, Taliban từ kẻ bại trận giờ thành kẻ đàm phán và cầm quyền. Internet đóng vai trò kết nối các thành phần cực đoan toàn cầu với nhau theo cách mà 20 năm trước là điều không thể xảy ra.

"Thật khó có thể nói rằng trong bối cảnh như vậy, thế giới đã trở nên an toàn hơn so với thời kỳ hầu hết chúng ta đều không quan tâm và nghe nói tới một tôn giáo có tên là Islam," bà Phương Mai nói với BBC trên quan điểm riêng.

Quốc Phương thực hiện

Nguồn : BBC, 09/09/2021

**********************

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Quốc Phương, Vũ Văn Việt, Phạm Trần, Nguyễn Văn Huy, Minh Anh, Lê Ngọc
Read 597 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)