Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/03/2021

Trung Quốc là đối thủ địa chính trị lớn nhất hiện nay của Mỹ

Thùy Dương - Bình An - Trần Phương

Cạnh tranh với Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất thế kỷ XXI

Thùy Dương, RFI, 04/03/2021

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định cạnh tranh với Trung Quốc là "thách thức địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ XXI" của Washington và các đồng minh. Lãnh đạo ngoại giao Mỹ cũng khẳng định sẽ kết hợp cứng rắn và đối thoại trong quan hệ với Bắc Kinh.

blinken1

Ngoại trưởng Antony Blinken phát biểu tại trụ sở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Washington DC, Hoa Kỳ, ngày 03/03/2021.  Reuters - Pool

Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại đầu tiên kể từ khi nhậm chức vào tháng Giêng năm 2021, ngoại trưởng Antony Blinken hôm 03/03/2021 nhận định, một số quốc gia trở thành những thách thức đáng kể đối với Mỹ, trong đó phải kể đến Nga, Iran hoặc Bắc Triều Tiên. Thế nhưng, ông Blinken tuyên bố : "Thách thức do Trung Quốc đặt ra thì khác, Trung Quốc là quốc gia duy nhất có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ có thể là lay chuyển nghiêm trọng hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở, mọi quy tắc, giá trị và quan hệ" khiến cho thế giới thay đổi theo hướng Bắc Kinh mong muốn.

Theo AFP, ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh quan hệ với Bắc Kinh sẽ là sự đan xen giữa "cạnh tranh nếu lành mạnh", "hợp tác khi có thể" và "đối kháng nếu cần thiết". Ông Antony Blinken cũng hứa sẽ "đối thoại với Trung Quốc trên thế mạnh", nhằm tìm kiếm điểm chung để chống biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh y tế và thúc đẩy không phổ biến vũ khí hạt nhân.

"Thế mạnh" mà Washington cần được giành lại cũng chính là thông điệp cốt lõi của các đường lối chỉ đạo chính sách đối ngoại của tổng thống Biden mà Nhà Trắng công bố hôm qua 03/03. Chính sách này nhấn mạnh cần phải hồi sinh mạng lưới liên minh "không gì sánh nổi" của Hoa Kỳ và khôi phục hình ảnh của nền dân chủ. Trong tài liệu 24 trang về các ưu tiên an ninh quốc gia, tổng thống Joe Biden coi sự cạnh tranh ngày càng gia tăng với Trung Quốc là một thách thức lớn mà Mỹ phải đối đầu.

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 04/03/2021

********************

Ngoại trưởng Mỹ : Trung Quốc là 'thách thức địa chính trị lớn nhất thế kỷ 21'

Bình An, Tuổi Trẻ Online, 04/03/2021

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 21 mà Mỹ đối mặt, và Trung Quốc cũng là quốc gia duy nhất có đủ khả năng gây nguy hiểm cho trật tự quốc tế.

blinken2

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu về các ưu tiên đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington D.C ngày 3/3 - Ảnh : Reuters

Ngày 3/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có bài phát biểu vạch ra các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông nói rằng Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất mà Mỹ đối mặt trong thế kỷ 21.

Theo Hãng tin Reuters, Ngoại trưởng Blinken giải thích Trung Quốc hiện là quốc gia duy nhất có đủ sức mạnh - gồm kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ - để thách thức nghiêm trọng khả năng của Mỹ trong việc hình thành hệ thống "quy tắc, giá trị và quan hệ" toàn cầu.

"Quan hệ giữa chúng ta với Trung Quốc sẽ là cạnh tranh khi cần thiết, sẽ là hợp tác khi có thể và sẽ là đối đầu khi bắt buộc làm như vậy" - ông Blinken nói.

Mỹ và Trung Quốc hiện có những xung đột về sức ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các hành vi thương mại của Bắc Kinh, vấn đề Hong Kong, Đài Loan và vấn đề quyền con người ở Tân Cương.

Tổng thống Biden đã gọi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất" đối với Mỹ và chính quyền ông đã bắn tín hiệu sẽ tiếp tục cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc tương tự chính quyền cựu tổng thống Donald Trump.

Ngoại trưởng Blinken nói rằng nếu Mỹ không đẩy lùi những nỗ lực tấn công vào dân chủ và quyền con người của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ được khuyến khích hành động mạnh tay hơn. Ông Blinken cho biết ông đồng ý với cáo buộc "diệt chủng" ở Tân Cương của người tiền nhiệm, ông Mike Pompeo, nhưng ông đã không dùng trực tiếp cách gọi này trong bài phát biểu.

Các nhà hoạt động và chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ cùng người thuộc các nhóm thiểu số Hồi giáo khác bị đưa vào các trại tập trung ở Tân Cương. Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc ngược đãi và gọi đây là các trung tâm đào tạo nghề, cần thiết để chống khủng bố.

8 ưu tiên chính sách đối ngoại của Mỹ sắp tới

Những bình luận trên đánh dấu đây là bài phát biểu chính sách đối ngoại quan trọng đầu tiên của Ngoại trưởng Blinken. Ông kêu gọi hợp tác với các đồng minh và đối tác trong một phản ứng phối hợp nhằm đối đầu Trung Quốc.

Theo kênh NBC News, Trung Quốc là quốc gia duy nhất mà Ngoại trưởng Blinken xem là một trọng tâm trong bài phát biểu liệt kê ra 8 ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ sắp tới.

8 ưu tiên này gồm : đương đầu với Trung Quốc, chấm dứt đại dịch Covid-19, thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu ổn định hơn, đối phó biến đổi khí hậu, bảo vệ vị trí lãnh đạo của Mỹ về công nghệ, cải cách hệ thống nhập cư, tăng cường các liên minh và hồi phục các giá trị dân chủ.

Bình An

Nguồn : Tuổi Trẻ Online, 04/03/2021

****************************

Bị phương Tây vây ép tứ bề, Trung Quốc sắp công bố kế hoạch tự chủ công nghệ

Trần Phương, Tuổi Trẻ Online, 03/03/2021

Trong khi phương Tây tìm cách chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ, Bắc Kinh cũng chuẩn bị chính sách nhằm cắt giảm phụ thuộc công nghệ vào nước ngoài.

blinken3

Mục tiêu của Trung Quốc là thúc đẩy kinh tế theo hướng cách mạng công nghiệp - Ảnh : Bloomberg

Giới quan sát đánh giá tham vọng thúc đẩy đổi mới công nghệ của Trung Quốc lớn chưa từng thấy nhằm đưa nước này vượt lên dẫn đầu.

Theo Hãng tin Bloomberg ngày 2/3, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc của Trung Quốc trong tuần này sẽ thông qua chính sách 5 năm nhằm giảm sự phụ thuộc vào phương Tây trong các ngành quan trọng như sản xuất chip và đầu tư vào các công nghệ mới nổi từ xe chạy hydrogen hay công nghệ sinh học.

Kế hoạch, cần huy động hàng nghìn tỉ USD, có thể đưa Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới ngay trong thập kỷ này, đồng thời hoàn thành mục tiêu trở thành siêu cường.

"Điều quan trọng nhất là mức tham vọng, lớn hơn nhiều so với Nhật Bản, Hàn Quốc hay Mỹ từng có. Tham vọng của Trung Quốc là thúc đẩy kinh tế theo hướng cách mạng công nghệ", giáo sư Barry Naguhton, Đại học California (Mỹ) và là một chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về Trung Quốc, nhận định.

Đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mục tiêu không chỉ là nâng cao đời sống của 1,4 tỉ dân Trung Quốc, mà còn chứng tỏ vai trò của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong điều hành kinh tế.

Cuộc đua công nghệ đang đẩy căng thẳng Mỹ - Trung leo thang và hiện nay cả hai đều hướng đến mục tiêu tự chủ trong một số lĩnh vực chiến lược do lo sợ đối phương tìm cách thay đổi hệ thống chính trị của mình.

Chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách hủy hoại tính chính danh của tổ chức này, hủy diệt các ông lớn công nghệ của Trung Quốc như Huawei hay tập đoàn sản xuất chip SMIC. Người kế nhiệm ông, Joe Biden, cũng thể hiện rõ lập trường ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ then chốt, đồng thời nâng cao khả năng tự cung đối với nhiều mặt hàng chiến lược.

Ông Biden tuần trước đã tuyên bố rà soát tổng thể chuỗi cung đối với sản phẩm bán dẫn, thiết bị y tế, đất hiếm, pin ôtô điện hiệu suất cao. Đây là một phần trong kế hoạch tổng thể để đưa Mỹ vượt lên trước Trung Quốc, trong đó có gói chi tiêu 2.000 tỉ USD vào hạ tầng.

Giới đầu tư toàn cầu đang theo dõi chặt chẽ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, dự kiến bắt đầu từ 5/3 và kéo dài trong 1 tuần. Dự kiến Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ vạch ra kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 12 tháng tới với các biện pháp như thúc đẩy tiêu dùng.

Quan trọng hơn, phiên họp cũng sẽ công bố chi tiết kế hoạch dài hạn nhằm phát triển 30 công nghệ mà Trung Quốc hiện chưa sản xuất được, từ thiết bị chế tạo chip cho tới hệ điều hành điện thoại thông minh, phần mềm thiết kế máy bay.

Chính quyền Trung Quốc dự kiến tiết lộ mục tiêu chi bằng hoặc vượt mức chi tiêu 3% GDP mà Mỹ đang dành cho nghiên cứu và phát triển. Nguồn tiền sẽ nhiều hơn dành cho các nghiên cứu nhà nước trong những lĩnh vực mà Bộ Khoa học và công nghệ Trung Quốc tuyên bố thuộc diện ưu tiên như năng lượng hydrogen, xe điện, siêu máy tính…

Ngành công nghệ chip của Trung Quốc hiện vẫn chật vật, với các công ty hàng đầu của nước này vẫn đi sau các đối thủ toàn cầu khoảng 5 năm. 

Kế hoạch 5 năm lần này của Bắc Kinh dự kiến đề ra các giải pháp tăng cường nguồn tài chính cho công nghệ bán dẫn, coi đây là ưu tiên đặc biệt như đã từng dồn nguồn lực cho phát triển năng lực nguyên tử trước đây.

Trần Phương

Nguồn : Tuổi Trẻ Online, 03/03/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương, Bình An, Trần Phương
Read 592 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)