Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/01/2021

Cuộc chiến chống tham nhũng chuyển sang gà nhà đá nhau

Đức Thịnh, Hà Nguyên, Hoài Nguyễn, Huy Đức

Tham nhũng chính trị thường là tham nhũng tập thể ?

Đức Thịnh, VNTB, 04/01/2021

Bởi trong những nước có nạn tham nhũng khủng khiếp thì các quan chức có sự cấu kết chặt chẽ. Kiểu lợi ích nhóm "ông thò cân giò bà đưa chai rượu", cùng hội cùng thuyền, dễ bề thao túng chính sách.

thamnhung1

Tham nhũng và những ‘báo cáo nằm lòng’

Tham nhũng chính trị chi phối cả lập pháp, tư pháp, hành pháp. Hành vi này nhằm để thống nhất vây cánh, cố kết chặt chẽ để trục lợi cho nhau. Vì vậy có thể nói tham nhũng chính trị vô cùng nguy hại cho quốc gia, dân tộc. Hình thái tham nhũng này chỉ xảy ra khi thiếu sự độc lập, kiểm soát, chế ước giữa ba nhánh : lập pháp, tư pháp, hành pháp.

Nói một cách khác, trong bối cảnh đơn nguyên chính trị, thì vấn nạn tham nhũng chính trị ‘lợi ích nhóm’ càng khó trị tận gốc hơn, vì sự cấu kết chặt chẽ ngay trong cùng đảng chính trị mà lại không phải chịu bất kỳ cạnh tranh ‘soi mói’ nào từ những đảng chính trị khác. Chính điều này giải thích vì sao lâu nay người ta vẫn quen nghe các mẫu câu thành tích : "Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm mặc dù vẫn còn phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và tinh vi hơn, nhất là tình trạng ‘tham nhũng vặt’, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi".

Rất khó để chứng minh nhận định này bằng định lượng, ngoài niềm tin vào các chỉ đạo được báo chí nhấn mạnh là quyết liệt của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, và việc một số vụ án lớn được đưa ra ánh sáng.

Rồi "việc kê khai tài sản, thu nhập đạt tỉ lệ 99,9% số người phải kê khai. Công khai bản kê khai đạt tỉ lệ 99,4%" – cũng như nhận định nêu trên, các số liệu này rất khó cảm nhận.

Người dân từ lâu đã quen với các khái niệm mang tính hình tượng cao nhưng lại dễ hiểu như "củi lửa", "cho vào lò". Lại nhớ trước thời điểm năm 2005, khi Quốc hội thảo luận dự án Luật phòng chống tham nhũng lần đầu tiên, nhiều đại biểu đã gay gắt coi tham nhũng là "quốc nạn", là "giặc nội xâm" và cho rằng "đấu tranh này là trận cuối cùng".

Những yêu cầu về nội luật hóa từ các công ước liên quan

Nếu chưa thể ‘vận dụng’ thuyết ‘tam quyền phân lập’, có lẽ Đảng và Nhà nước Việt Nam cần nghiên cứu nội luật hóa yêu cầu của Công ước của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) về hành vi làm giàu bất chính.

Việc quy định tội danh trên sẽ dẫn đến yêu cầu sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự, theo đó chuyển một phần nghĩa vụ chứng minh từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cơ quan tiến hành tố tụng) sang cá nhân để họ chứng minh nguồn gốc tài sản của mình là hợp pháp hay không hợp pháp. Áp dụng có hiệu quả các biện pháp chống rửa tiền đã được quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012.

Đồng thời, nghiên cứu nội luật hóa các biện pháp phòng, chống rửa tiền đã được quy định trong UNCAC, Công ước của Liên hiệp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (TOC) và Sáng kiến thu hồi tài sản tham nhũng của Cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên hiệp quốc (UNODC). Theo đó các tổ chức tài chính áp dụng biện pháp kiểm tra thông tin khách ang đối với tất cả những người có thế lực chính trị ; yêu cầu kê khai về chủ sở hữu hưởng lợi ; yêu cầu kê khai về thu nhập và tài sản ; tiến hành rà soát định kỳ về các khách ang là những người có thế lực chính trị và không giới hạn một cá nhân được angà người có thế lực chính trị…

Hoàn thiện chế định phong tỏa, kê biên, thu giữ và trả lại tài sản do phạm tội mà có của Bộ luật hình sự, nhất là việc phong tỏa, kê biên, thu giữ và trả lại tài sản do phạm tội mà có có yếu tố nước ngoài, theo đó nghiên cứu bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục phong tỏa, kê biên tài sản trong trường hợp có yêu cầu của Tòa án nước ngoài. Tăng cường hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng. Gia nhập Nhóm các đơn vị tình báo tài chính (EGMONT), một tổ chức quốc tế của đơn vị tình báo tài chính (FIU) thành lập vào năm 1995.

Cuối cùng là cần tổ chức thực hiện nghiêm minh hệ thống pháp luật liên quan đến phòng chống tham nhũng, nhất là Bộ luật hình sự và nếu cần, có thể xem xét sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan như : Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự… để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Trích nội dung cuộc họp báo quốc tế công bố kết quả kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV và trả lời các câu hỏi của báo chí.

Báo chí : Trong các phiên thảo luận của Quốc hội, có tình trạng một vấn đề, chính sách hoặc dự án được nhiều đại biểu cùng đề cập với tần suất dày, lặp đi lặp lại. Có ý kiến cho rằng một số đại biểu được lobby, nhận "đơn đặt ang" để phát biểu theo chủ đích của một nhóm lợi ích. Tổng thư ký có quan điểm thế nào về vấn đề này ?

– Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội : Đây là vấn đề khó, tôi cũng không rõ lắm. Nếu có phần mềm nào đấy có thể phân tích được rõ thì tốt. Đại biểu Quốc hội có quyền phát biểu. Đại biểu còn được cấp kinh phí để thuê chuyên gia viết bài.

Có thể có vấn đề được nhiều đại biểu cùng quan tâm, chuẩn bị bài phát biểu sẵn rồi, nên tuy trùng với người đã phát biểu trước nhưng họ vẫn trình bày ý kiến của mình. Theo tôi, không nên đặt vấn đề một cách nặng nề.

Báo chí : Lobby là một vấn đề được nhiều nghị viện quan tâm, nhiều nước đã có luật về hoạt động này để tránh tác động xấu đến quyết định cuối cùng. Ở nhiệm kỳ trước, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội Nam Định Nguyễn Anh Sơn từng nói ông phát hiện tới 4 đại biểu phát biểu có những đoạn giống y chang nhau. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lúc đó cũng từng cảnh báo "đại biểu đọc bài của người khác".

Tìm hiểu thì có chuyện bộ, ngành in tài liệu, phát biểu "gửi gắm" một số đại biểu "nói giúp". Đây là thực tế cần Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến.

– Ông Nguyễn Hạnh Phúc : Tôi nghĩ rằng trong quá trình làm việc, tiếp xúc với bộ ngành, các đại biểu có trao đổi, khó tránh chuyện tác động. Nhưng tôi cho rằng không vì thế mà có thể làm lệch lạc các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước.

Khi xây dựng một dự án luật, Quốc hội thảo luận qua 2 kỳ họp, có cơ quan thẩm tra, với những vấn đề có quan điểm khác nhau còn lấy ý kiến các đại biểu trước khi thông qua. Cuối cùng, Quốc hội mới quyết định tập thể.

Đức Thịnh

Nguồn : VNTB, 04/01/2021

**********************

Chống tham nhũng ở Việt Nam đang trong ‘vòng luẩn quẩn’ ?

Hà Nguyên, VNTB, 03/01/2021

Vì đâu có ‘củi’ ?

Những vụ án liên quan tham nhũng được xét xử thời gian qua ở Việt Nam được báo chí mô tả là tham nhũng kinh tế. Trong khi đó thì vấn đề ‘tham nhũng quyền lực’ lại được đề cập rất mờ nhạt…

thamnhung1

Việc trị ‘tham nhũng chính trị’ ở Việt Nam được biết đến với tên gọi quen thuộc trên báo chí là Chiến dịch ‘đốt lò’, cụm từ dùng chỉ chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn do ông Nguyễn Phú Trọng khởi xướng từ năm 2016

Trao đổi với BBC News tiếng Việt hôm thứ Năm, 18/12/2020 từ Hà Nội, vào thời điểm một ngày trước khi Hội nghị Trung ương 14 khóa XII của Đảng cộng sản bế mạc, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ, nhà nghiên cứu chính sách công từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam trước hết cho rằng đang có một "vòng luẩn quẩn" trong công cuộc "đốt lò" :

"Trong tổng kết 7 năm chống tham nhũng và kể từ khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban phòng, chống tham nhũng trung ương, ông có nhấn mạnh 6 bài học để phòng chống tham nhũng thế nào cho tốt và hiệu quả.

Việc ông đưa ra những bài học này là để làm sao tiếp tục chống tham nhũng trong những nhiệm kỳ tiếp theo, nhưng có lẽ đó chỉ là một cách làm thôi, trong khi từ đó chúng ta có thể suy ra một điều không tránh khỏi, đó là tập trung quyền lực để chống tham nhũng, nhưng lại trớ trêu thay, tham nhũng lại xuất phát từ sự tha hóa quyền lực.

Việc đó đang là một mâu thuẫn rất lớn hiện nay với công cuộc cải cách thể chế nói chung và thể chế chính trị nói riêng và đó là điều rất khó, bởi vì như vậy chúng ta có thể hình dung ra là hội nghị trung ương xong, sẽ có thể tới đây có lãnh đạo mới ở đại hội, nhiệm kỳ 13.

Và chúng ta lại có thể thấy khi đó sẽ có sự tập trung quyền lực cao hơn nữa để chống tham nhũng cho nhiệm kỳ trước đó vừa xong hoặc là nhiệm kỳ trước nữa, như thế nó trở thành một cái vòng rất luẩn quẩn" (*).

‘Lửa’ cần đến từ đâu ?

Trong tham luận trình bày hồi tháng 7/2020 với chủ đề "Thể chế chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam – Những vấn đề cần bổ sung và phát triển trong bối cảnh mới", Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, cựu Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, đã nhìn nhận như sau :

"Chuyển từ nhận thức cũ, tư duy lý luận cũ về chủ nghĩa xã hội theo mô hình "chủ nghĩa xã hội hiện thực Xô Viết" với kinh tế hiện vật, kế hoạch hóa tập trung quan liêu, phân phối bình quân, bao cấp, "phát triển đơn trị", "tuyến tính" (chỉ trong một hệ thống xã hội chủ nghĩa Xô Viết), thực chất là đóng cửa các mối quan hệ với phương Tây tư bản chủ nghĩa… sang nhận thức mới, tư duy lý luận mới về chủ nghĩa xã hội với kinh tế thị trường, dân chủ hóa, nhà nước pháp quyền, đa phương hóa, đa dạng hóa trong hợp tác, cạnh tranh với các loại đối tác trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập.

Cùng tồn tại, cùng hợp tác, cạnh tranh và đấu tranh, không để những khác biệt ý thức hệ cản trở hội nhập và hợp tác.

Trong bước chuyển rất quan trọng này, từ tổng kết thực tiễn, Đảng ta từng bước tìm thấy câu trả lời "Chủ nghĩa xã hội là gì ?" và "Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam như thế nào trong điều kiện mới, bối cảnh mới, yêu cầu mới ?".

Đó là "Chủ nghĩa xã hội hiện thực mới", "chủ nghĩa xã hội Việt Nam" không chỉ giữ vững nền tảng lý luận Mác xít (chủ nghĩa xã hội khoa học) mà còn bổ sung, phát triển sáng tạo, nhấn mạnh tính dân tộc, tính nhân dân, tính thời đại. Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết, theo tư tưởng Hồ Chí Minh được thấm nhuần. Khẳng định phát triển đất nước là lợi ích cốt lõi của quốc gia. Đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định sức mạnh và thắng lợi".

Nếu những biện luận của cựu ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương là được chấp nhận, cho thấy rất có thể ở Việt Nam vẫn tiếp tục của giai đoạn "hôm nay sai – ngày mai đúng – ngày mốt lại sai…", vì đó là thực tiễn tất yếu của dọ dẫm trên con đường đi tìm "thể chế chính trị trong thời kỳ quá độ" – nghĩa là vẫn chưa xác định rõ đoạn đường đó khi nào là ‘cao tốc’, ‘đường bờ đê’, hay thậm chí phải ‘qua sông lụy đò’.

Một khi công – tội cũng loanh quanh, thì…

"Trong bối cảnh đó, tôi đồng cảm với nhận xét đang có một "vòng luẩn quẩn" trong công cuộc "đốt lò".

Tôi cũng nghĩ rằng ở phiên tòa hình sự sơ thẩm dự kiến mở hôm 5/1/2021 về 3 nhà báo tự do đã cổ súy cho chủ thuyết tam quyền phân lập, rất có thể hôm nay Đảng không lựa chọn chuyện phân quyền này, nhưng rất có thể mai đây để giải quyết "vòng luẩn quẩn" trong kiểm soát quyền lực ấy, biết đâu tân Tổng bí thư sẽ chọn ‘thí điểm’ về tam quyền.

Và nếu tiến trình này đến sớm hơn, có thể phiên hình sự phúc thẩm sau đó, cả 3 nhà báo sẽ được tuyên ‘không xác lập tội danh cáo buộc’…" – luật sư T.T., chia sẻ niềm tin.

Hà Nguyên

Nguồn : VNTB, 03/02/1021

Chú thích :

(*) https://youtu.be/JjO0-dhDDIc

***********************

Ở Việt Nam có tham nhũng chính trị không ?

Hoài Nguyễn, VNTB, 03/01/2021

Tham nhũng chính trị là việc sử dụng quyền hạn của các quan chức chính phủ, của cơ quan Đảng, hoặc các liên hệ mạng lưới của họ để trục lợi cá nhân bất hợp pháp.

Với cách hiểu trên, ở Việt Nam có ‘tham nhũng chính trị’, và tội danh này nằm rải rác theo cách hiểu của Luật phòng, chống tham nhũng.

thamnhung2

Ông Nguyễn Đức Hà (nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở, Ban Tổ chức Trung ương)

Việc trị ‘tham nhũng chính trị’ ở Việt Nam được biết đến với tên gọi quen thuộc trên báo chí là Chiến dịch ‘đốt lò’, cụm từ dùng chỉ chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn do ông Nguyễn Phú Trọng khởi xướng từ năm 2016 trên cương vị Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.

Chiến dịch ‘đốt lò’ này được các nhà quan sát cho là một nỗ lực của Đảng trong việc giành lại quyền lực và uy thế, cũng như củng cố lòng tin của người dân vào chính quyền và sự dẫn dắt được cho là luôn sáng suốt của Đảng.

Quan sát cho thấy cho đến khi ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử chức Tổng bí thư tại đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng năm 2016, ông Trọng mới đủ vững tâm để đưa ra một chiến dịch chống tham nhũng rộng khắp, hiện thực hóa quyết tâm thành những hành động cụ thể.

Trong các phát biểu của mình, ông Nguyễn Phú Trọng thường dùng hình tượng "củi và lò" để thể hiện công cuộc chống tham nhũng.

Lần đầu tiên ông Nguyễn Phú Trọng nhắc đến khái niệm "đốt lò" là ngày 31 tháng 7 năm 2017, tại Hà Nội, khi chủ trì phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng : "Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công".

Ngày 26 tháng 7 năm 2019, ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, phát biểu : "Việc này phải thành nếp, không làm không được. Lò cháy rồi không ai đứng ngoài cuộc được. Anh đi ngược là lộ ra ngay anh thế nào".

Tư tưởng chỉ đạo chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng được hệ thống hóa trong cuốn "Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng" được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản, tập hợp 31 bài phát biểu, bài viết, trả lời phỏng vấn của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Nguyễn Phú Trọng từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, nhất là từ Đại hội lần thứ XII trở đi.

Về mặt truyền thông, chiến dịch "đốt lò" thể hiện qua hàng loạt các vụ án lớn được phanh phui và đưa ra xét xử. Nhiều vụ tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, đưa ra xét xử, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ đương chức và cán bộ nghỉ hưu có vi phạm, cho thấy sự quyết liệt hành động, làm đến cùng, làm triệt để, không có "vùng cấm" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên cũng không ít ngờ vực là diễn biến ấm – lạnh thất thường của "đốt lò" cho thấy yếu tố kém bền vững của cung cách xử trí vấn nạn "tham nhũng chính trị" qua" giải pháp tình thế là "đốt lò".

Như đã nêu ở phần đầu bài viết, "tham nhũng chính trị" là dạng tham nhũng được hình thành do sự câu kết giữa những người có ảnh hưởng trong hệ thống chính trị, chủ yếu là những quan chức cấp cao trong bộ máy cầm quyền, nhằm tạo ra những quyết định, hay tìm cách tác động thiên lệch vào những quyết sách của nhà nước có lợi cho một cá nhân, doanh nghiệp hoặc những nhóm lợi ích nào đó.

Như vậy, có thể hiểu tham nhũng chính trị là sự lạm dụng quyền lực chính trị được giao để thu lợi riêng, với mục đích tăng quyền, hoặc tăng tài sản. Biểu hiện của dạng tham nhũng này là dùng vị trí chính trị, ảnh hưởng chính trị của mình để can thiệp vào việc có, hoặc không đưa ra một quyết định mang tính chính trị như chính sách, đạo luật, thỏa thuận…, một cách thiên vị nhằm mục đích vụ lợi ; mua bán, trao đổi các chức vụ chính trị, vị trí có quyền lực, chạy chức, chạy quyền, sau đó dùng vị trí của mình để trục lợi cá nhân…

Thể chế nhất nguyên chính trị, nếu không có những nguyên tắc quản trị thích hợp cho giám sát các quyền lực ở độc đảng cầm quyền, thì có lẽ liên quan tham nhũng chính trị sẽ khó thể trị dứt một cách căn cơ.

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 03/01/2021

**********************

Trung ương và cuộc chiến chống tham nhũng

Huy Đức, 02/01/2020

Một chuyên gia kinh tế gửi tôi hai biểu đồ được lập dựa trên kết quả điều tra PCI các năm (của VCCI), cho thấy : tham nhũng giảm ; tỷ lệ doanh nghiệp phải hối lộ khi làm thủ tục hành chính hay khi thanh tra, kiểm tra đều giảm.

thamnhung1

thamnhung2

Có thể nói, kể từ khi chính thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (hiện nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời, chỉ có nhiệm kỳ này mới thực sự quyết tâm cao chống tham nhũng [Vụ Trần Dụ Châu mang dáng dấp "mượn đầu Vương Hậu" nhiều hơn]. Không có nền chính trị nào không có phe phái nhưng những kẻ bị kỷ luật, bị đưa ra tòa trong 4 năm vừa rồi là "đúng người".

Một nhân vật từng ở trong "Bộ Ngũ" cho rằng, trong vài nhiệm kỳ gần đây, "lưu manh đã leo lên đến tầm rất cao" ; quyền lực nhà nước có lúc đã cận kề với nguy cơ bị vận hành như "quyền lực xã hội đen" nhưng còn "vô đạo" và ít "giang hồ" hơn "xã hội đen".

Những nỗ lực của nhiệm kỳ qua đã tạm đẩy lùi được nguy cơ đó.

Ba phương án "nhân sự đặc biệt" nếu đúng là không có phương án nào cao hơn 40% thì lại một lần nữa cho thấy "không phải cứ có uy tín trong dân là lại nhận được phiếu cao trong Đảng". Tín nhiệm của Trung ương không chỉ băn khoăn về vấn đề tuổi tác mà còn có thể đọc được thái độ của họ với cuộc chiến chống tham nhũng hơn bốn năm qua. Chắc chắn có những ủy viên sợ hãi đến lượt mình nhưng có thể cũng có những ủy viên đòi hỏi cao hơn vậy.

Trở lại với điều tra PCI mà tôi vừa dẫn ở trên, các doanh nghiệp cho rằng, họ vẫn chưa dám tố cáo tham nhũng. Doanh nghiệp chưa dám tố cáo vì sợ hãi. Và, quan chức ít tham nhũng hơn cũng vì sợ hãi chứ chưa phải luật pháp đã minh bạch hơn, cơ chế giám sát tốt hơn.

https://youtu.be/aZZmLfr2ejE

Công cuộc "đốt lò" hiện nay vẫn là ý chí chính trị từ trên xuống chứ chưa được vận hành bằng cơ chế. Cho nên, nếu có một Ban chấp hành trung ương vì nước thì chắc chắn cũng sẽ thấy như dân : Không thể chống tham nhũng mà không đổi mới.

Phải tới ngày 9/1/2021 thì "Bộ Tứ" mới có hình hài ; Sau 15/1/2021, Trung ương mới đưa ra quyết định. Không có một đội ngũ lãnh đạo mới giữ được thế trận cũ thì công cuộc chống tham nhũng hơn bốn năm qua dễ thành công cốc. Nhưng, những nhà lãnh đạo mới mà vẫn loay hoay trong "lồng cũ" thì có bắt được nhiều tham nhũng cũng không có ý nghĩa lâu dài.

PS : Trong khi chờ thông tin nhân sự cấp cao được giải mật, đọc lại chuyện nhân sự Đại hội VIII, tất nhiên là nhiệm kỳ này sẽ không có ai đủ trơ trẽn để điều hành nhân sự theo được "phong cách Đỗ Mười" :

Tam nhân Tại Vị

Từ ngày 3 đến ngày 9/6/1996, Trung ương tái nhóm họp để bàn về nhân sự. Tại hội nghị mà về sau ngôn từ nội bộ gọi là "Trung ương 11b", Ban Nhân sự đđưa bốn phương án về "ba đồng chí lãnh đạo chủ chốt" - Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt - ra Trung ương thăm dò. Kết quả, Trung ương đã không bỏ phiếu cho ba ông ở lại nhưng cũng không đủ phiếu để mời ba ông về làm cố vấn.

Phương án "cả ba đồng chí ở lại Bộ Chính trị" chỉ được 35 phiếu đạt 22,01%. Phương án "hai đồng chí ở lại Bộ Chính trị" được 11 phiếu, 6,9%. Phương án "một đồng chí ở lại Bộ Chính trị" được 68 phiếu, 42,76%. Còn phương án "cả ba đồng chí đều không tái cử Bộ Chính trị, làm cố vấn", được 38 phiếu, 23,89%. Chỉ còn chưa đầy ba tuần là đại hội mà nhân sự chủ chốt vẫn rất mơ hồ. Trong lời bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, Tổng bí thư Đỗ Mười nói : "Về danh sách giới thiệu Ban Chấp hành Trung ương Khóa VIII, nếu có vấn đề mới, đến Hội nghị Trung ương 12, Bộ Chính trị sẽ báo cáo xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương" [468].

Hơn hai tuần trước khi Đại hội VIII bắt đầu, vấn đề nhân sự vẫn còn chưa có gì rõ ràng. "Cách mạng lão thành" lại viết thư góp ý. Phương án không để những ủy viên Trung ương đđến tuổi sáu mươi lăm tái cử bị một số người phản đối. Thư đề ngày 12/6/1996 của ông Trần Lâm viết : "Đồng chí Đỗ Mười tiếp tục làm tổng bí thư ở độ tuổi tám mươi, mà gạt bỏ hết những ủy viên Trung ương ở tuổi sáu lăm thì khoảng cách về tuổi giữa tổng bí thư và các đồng chí khác trong Bộ Chính trị và Ban Chấp hành trung ương sẽ là mười sáu tuổi trở lên đến vài ba chục tuổi. Như vậy tổng bí thư sẽ dễ được coi như cha chú, như lãnh tụ". Ông Trần Lâm ủng hộ việc "kiếm người thay thế Chủ tịch nước Lê Đức Anh" trong khi phê phán ông Đỗ Mười : "Trong vấn đề chuẩn bị nhân sự này đồng chí (Đỗ Mười) tỏ ra nể nang, chịu sức ép của một số người muốn gạt anh Võ Văn Kiệt vì định kiến hoặc vì chủ nghĩa cá nhân mờ ý chí sáng suốt".

Ngày 19/6/1996, tại Hội nghị Trung ương 12, khi đọc "Báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 11", Tổng bí thư Đỗ Mười nói : "Xin đề nghị đồng chí Lê Đức Anh và đồng chí Võ Văn Kiệt tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị Khóa VIII... Xin đề nghị thêm hai đồng chí nữa là đồng chí Đoàn Khuê và đồng chí Nguyễn Đức Bình tái cử Trung ương và Bộ Chính trị Khóa VIII". Tuy bị một số ủy viên phản ứng [469] nhưng Trung ương vẫn biểu quyết thuận đề nghị này của ông Đỗ Mười [470]. Chiều ngày 19/6/1996, Tổng bí thư Đỗ Mười trấn an : "Chúng tôi - Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh - đã nhiều tuổi, tư tưởng của chúng tôi là muốn chuẩn bị tốt nhân sự cho Khóa VIII, tốt nhất là đến Quốc hội Khóa X có thể thay thế nhân sự chủ chốt, nhất là chức tổng bí thư. Thay thế đồng chí tổng bí thư là một vấn đề lớn. Chúng ta cần có thời gian chuẩn bị để thay thế các vị trí chủ chốt và nếu tìm được thì sẽ thay thế ngay, lúc đó chúng tôi sẵn sàng lui về tuyến hai".

Cũng trong buổi chiều 19/6/1996, theo bản Tổng hợp ý kiến thảo luận tổ : "Nhiều ý kiến nhấn mạnh các đồng chí trên chỉ nên ở trong Trung ương và Bộ Chính trị đến hết nhiệm kỳ quốc hội (tháng 7/1997) rồi rút, phải kiên quyết chuẩn bị người đến lúc đó thay thế. Có ý kiến chức vụ tổng bí thư cũng nên như vậy. Bộ chính trị nói các đồng chí sẽ rút dần nhưng không rõ có thời hạn không. Ba đồng chí chủ chốt đều cao tuổi mà ở lại cả nhiệm kỳ thì không hay, nhưng có cơ sở gì đảm bảo các đồng chí rút dần hay bầu rồi là ở cả nhiệm kỳ ?" [471]. Một số ý kiến cho rằng : "Bộ Chính trị nói phương án Trung ương 11 làm lòng dân không yên là không có cơ sở. Chính phương án ba đồng chí ở lại cả dân mới không yên lòng vì thấy lãnh đạo cao tuổi mà không chuẩn bị được người thay".

(trích Bên Thắng Cuộc, quyển II : Quyền Bính, trang 316).

Huy Đức

Nguồn : Osinhuyduc, 02/01/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đức Thịnh, Hà Nguyên, Hoài Nguyễn, Huy Đức
Read 881 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)