Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/07/2020

Liệu Việt Nam có thể trở thành nước phát triển vào năm 2045 ?

RFA tiếng Việt

Liệu Việt Nam có thể trở thành nước phát triển vào năm 2045 như cao vọng của lãnh đạo ?

"Trong chiến lược phát triển mới, mục tiêu tổng quát đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao".

phattrien1

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 18/6/2020. AFP

Đó là phát biểu của ông Bùi Tất Thắng, Chánh Văn phòng Tiểu ban Kinh tế xã hội chuẩn bị Đại hội XIII, khi nói về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tại Hội nghị ‘Chiến lược phát triển bền vững đất nước’ do Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức hôm 1/7.

Khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 1 tháng 7 năm 2020, liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, việc đặt ra các mục tiêu có thể là điều khích lệ, nhưng điều cơ bản là phải xây dựng những phương án cụ thể và những chính sách và biện pháp để bảo đảm mục tiêu đó được thực hiện. Cho đến nay, Việt Nam đặt ra mục tiêu, nhưng theo ông chính quyền đã chậm và ít xây dựng các phương án, cũng như thực thi các phương án đó, và các chính sách đưa ra cũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Ông nói tiếp :

"Việc đặt ra các mục tiêu thì từ xưa đến nay chúng ta vẫn đặt ra như vậy. Thí dụ như mục tiêu năm 2020 này thì GDP của Việt Nam phải đạt 3.000 USD / một đầu người, và nước Việt Nam trở thành một nước cơ bản công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Thì cả hai mục tiêu đó đều không đạt được, một là GDP của Việt Nam còn dưới 3.000 đô la khá nhiều, vào khoảng 2.680 đô la. Còn Việt Nam trở thành một nước cơ bản công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, thì còn khá xa vời, tỷ lệ nông nghiệp còn khá cao, nêu chưa trở thành một nước công nghiệp hóa được".

Lâu nay, nhiều vị lãnh đạo của đảng và chính phủ thường hay phát biểu, đưa ra mục tiêu Việt Nam sẽ sớm trở thành cường quốc về một lãnh vực nào đó. Đơn cử như tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X hôm 28/3/2010, nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh khi phát biểu bế mạc hội nghị, từng nói mục tiêu năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp, hiện đại.

Chuyên gia kinh tế Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, nhận định với Đài Á Châu Tự Do hôm 1 tháng 7 năm 2020, liên quan vấn đề này :

"Nói đúng ra thì nhiều mục tiêu chiến lược cũng chưa đạt được. Cho nên kỳ vọng quá cao mà không nỗ lực thì cũng không có tính khả thi. Ngay lần trước đại hội cũng nói năm 2020 sẽ trở thành nước công nghiệp phát triển, nhưng cuối cùng văn kiện phải loại đi vì tính khả thi không có. Cho nên nếu mà nói mười năm nữa mà Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao thì tôi nghĩ hơi khó. Kỳ vọng quá cao mà không thực hiện được thì thứ nhất mất tính hiệu lực của nó, thứ hai người dân sẽ giảm lòng tin đi, phải nói thẳng là như vậy".

Hội nghị khoa học ‘Hướng tới một chiến lược phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cảnh trạng thái bình thường mới và biến đổi khí hậu toàn cầu.’ hôm 1/7 còn đưa ra mục tiêu : ‘Trong chiến lược phát triển mới, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao’.

phattrien2

Hội nghị ‘Chiến lược phát triển bền vững đất nước’ do Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức hôm 1/7. Courtesy VUSTA

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước có thu nhập trung bình cao, là không thể :

"Muốn trở thành nước có thu nhập trung bình cao thì thu nhập phải đạt trên 8.000 đô la đến 10 ngàn đô la, thì bây giờ chúng ta mới ở mức vào khoảng 2.680 đô la. Trong vòng 10 năm muốn đạt như vậy, thì phải tăng trưởng bình quân ít nhất là trên 7 %, và đó là mức tăng trưởng mà chúng ta chỉ đạt trong thời gian ngắn, lúc bắt đầu đổi mới, sau đó thì chúng ta không đạt được tốc độ như vậy. Mặc dù về tiềm năng, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng 7%, bởi vì Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng trong thời gian đó khá dài, Hàn Quốc cũng đạt mức tăng trưởng đó trong thời gian rất dài".

Hội nghị hôm 1/7, đưa ra 3 đột phá chiến lược 2021-2030, với các nội dung mới : Hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩ đầy đủ ; Phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khơi dậy khát vọng lòng tự hào dân tộc ; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế...

Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết, cách đây nhiều năm, chính phủ Việt Nam cũng đã đề ra ba khâu đột phá quan trọng. Một là đột phá, một nỗ lực vượt bậc trên lĩnh vực thiết lập thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Thứ hai là xây dựng kết cấu hạ tầng và thứ ba là nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực.

Cả ba khâu đột phá đó theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cho đến nay mới làm được rất khiêm tốn và thể chế kinh tế thị trường thì gần đây nhiều người thấy là Nhà nước đã can thiệp quá nhiều vào thị trường. Trong khi đó, những việc chính yếu của Nhà nước như bảo đảm luật pháp, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô thì Nhà nước lại làm kém hiệu quả.

Các đại biểu tại hôm 1/7/2020 cũng cho rằng, về mặt chủ quan, sau gần 35 năm đổi mới, thế và lực của Việt Nam đã lớn mạnh hơn nhiều.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS khi trả lời RFA cho rằng, toàn bộ cái gọi là công cuộc đổi mới trong thời gian vừa qua thực chất không có gì là đổi mới cả. Mà Đảng cộng sản Việt Nam đã buộc phải trả lại cho người dân một số quyền về kinh tế của họ, nhưng không phải là tất cả. Theo ông, đó là động lực chính cho sự phát triển kinh tế trong thời gian 35 năm qua ở Việt Nam. Hay nói cách khác là tiềm năng, lòng hăng say của người dân Việt Nam đã bị tước đoạt một thời gian dài. Đến khi chính quyền nhận thấy rằng nếu tiếp tục như vậy thì bản thân nhà nước không còn đường mà sống nên trả lại cho người dân những quyền làm kinh tế, từ nông nghiệp cho đến quyền làm kinh doanh...

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định thêm về việc thể chế hiện nay cản trở sự phát triển kinh tế như thế nào :

"Vấn đề thể chế thì có rất nhiều vấn đề, tôi chỉ muốn nhấn mạnh phải thực hiện công khai minh bạch. Bây giờ đã có cổng thông tin chính phủ, thì công khai minh bạch tối đa những thông tin vào đó. Cho đến nay công khai minh bạch về cho tiêu ngân sách, về chi tiêu của bộ máy nhà nước, rồi chi tiêu đi công tác, đi công tác nước ngoài, thì các khoản chi tiêu đó chưa được công bố. Chúng tôi rất mong rằng là hãy thực hiện trước mắt là công khai minh bạch đi cái đã, rồi sau đó mới tính đến các vấn đề thể chế khác. Thí dụ như giám sát như thế nào, có các tổ chức quần chúng để có thể góp ý kiến hoặc giám sát bảo vệ môi trường, chống tham nhũng..".

Theo Chuyên gia kinh tế Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, kỳ vọng thì bao giờ cũng đặt ra một mục tiêu, nhưng thực tế có đạt được hay không thì đòi hỏi phải nỗ lực rất là nhiều. Để thực hiện được được mục tiêu hay không theo ông, đòi hỏi phải có sự thay đổi rất mạnh về thể chế, thay đổi cơ chế hoạt động, cũng như phải có sự quyết tâm nỗ lực thật sự của đảng, của chính quyền cũng như toàn xã hội.

Nguồn : RFA, 01/07/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 573 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)