Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/03/2020

Căng thẳng : Trung Quốc bắn tia laser vào máy bay Mỹ

Richard Javad Heydarian - Trọng Nghĩa

Lầu Năm Góc cáo buộc Trung Quốc leo thang trong vấn đề Biển Đông khi Bắc Kinh bắn tia laze vào máy bay do thám Mỹ.

laser1

Hình ảnh về một cuộc tấn công laser cấp quân sự vào một máy bay quân sự Mỹ. Ảnh : quân đội Hoa Kỳ / Victor Tangermann

Khi Covid-19 đang thu hút sự chú ý của dư luận thể giới thì tại Biển Đông, Mỹ – Trung lại căng thẳng, gia tăng mối đe dọa đối với sự ổn định khu vực.

Trước đó, Lầu Năm Góc tuyên bố một tàu chiến Trung Quốc đã bắn tia laze quân sự vào máy bay do thám P-8 của Hải quân Hoa Kỳ trong khi phương tiện này đang thực hiện nhiệm vụ thường lệ ở khu vực Biển Đông.

Những tia laze như vậy có thể tạm thời làm mù phi công khi chiếu thẳng sâu vào trong buồng lái máy bay.

Tàu khu trục hải quân [Trung Quốc] hành động không an toàn và không chuyên nghiệp, Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh, các loại vũ khí có thể gây ra tác hại nghiêm trọng đối với các máy bay và thủy quân lục chiến, cũng như các hệ thống tàu và máy bay.

Lầu năm góc cũng cảnh báo Trung Quốc có thể sẽ nhận sự đáp trả. Washington dự kiến ​​sẽ phản đối ngoại giao chính thức về sự cố này trong một vài ngày tới.

Vào năm 2018, các quan chức Mỹ cảnh báo rằng một căn cứ không quân của Trung Quốc ở Djibouti có thể đã nhắm vào các máy bay quân sự của nước này bằng tia laze quân sự.

laser2

Lính hải quân Trung Quốc PLA trên một tàu hải quân ở Biển Đông. Ảnh: Twitter

Sự cố laze chỉ ra khiêu khích mới đầy tiềm năng ở vùng biển tranh chấp, nơi cả Trung Quốc và Mỹ đang xoay vòng trong cuộc cạnh tranh để giành quyền chỉ đạo.

Các nhà phân tích chiến lược hiện đang cân nhắc, liệu căng thẳng Mỹ-Trung có mở rộng ra, gồm cả cuộc chiến thương mại chưa được giải quyết và những cảnh báo trong bối cảnh cuộc khủng hoảng virus do Trung Quốc gây ra, khiến tình hình Biển Đông leo thang.

Sự khiêu khích mới nhất của Trung Quốc đã đi ngược lại nguyên tắc tự do hoạt động hàng hải (FONOP).

Năm ngoái, Mỹ đã tiến hành chín lần thực hiện FONOP ở Biển Đông, tăng năm lần so với năm 2018 và sáu trong năm 2017.

Vào tháng 1, Hàng không mẫu hạm USS Montgomery, đã thực hiện FONOP đầu tiên của Hoa Kỳ năm 2020, trong phạm vi vài hải lý của Đá Chữ Thập do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Tháng trước, Mỹ đã triển khai tàu khu trục tên lửa USS Wayne E Meyer trong phạm vi 12 hải lý của Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn, hai trong số những hòn đảo nhân tạo trên biển.

Đây là lần đầu tiên một tàu chiến Mỹ thách thức các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.

laser2

Không ảnh Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), được biết đến ở Trung Quốc là Yongshu Reef, được phát hành bởi quân đội Trung Quốc. Ảnh : PLA

Đại tá Li Huamin, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc đả kích Hoa Kỳ vì hành động "bất chấp quy tắc và luật quốc tế ". Ông cảnh báo Hoa Kỳ kiềm chế những hành động khiêu khích để tránh những biến cố không thể đoán trước được.

Ngoài ra, ông cũng cho biết, quân đội Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Lầu Năm Góc đã nhanh chóng điều chỉnh FONOP, vốn gia tăng tần suất dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Reann Mommsen, phát ngôn viên của Hạm đội 7 Hoa Kỳ, khẳng định rằng tất cả các hoạt động trên tuân thủ theo theo luật pháp quốc tế và chứng minh rằng Hoa Kỳ sẽ bay, đi thuyền và hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

laser3

Vào tháng 7 năm 2016, một hội đồng trọng tài tại The Hague được thành lập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã phủ nhận bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc.

Trung Quốc đã từ chối tuân theo phán quyết.

Richard Javad Heydarian

Nguyên tác : US, China sea tensions on a precarious laser’s edge, Asia Times, 02/03/2020

Anh Khoa lược dịch

Nguồn : VNTB, 03/03/2020

******************

Virus corona : Trung Quốc "gieo gió" nhưng không muốn "gặp bão"

Trọng Nghĩa, RFI, 28/02/2020

Trong những ngày gần đây, trong bối cảnh dịch Covid-19 có dấu hiệu bớt hoành hành tại Trung Quốc, chính quyền và dư luận nước này lại bắt đầu có tâm lý lo ngại trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại do việc con virus corona theo chân người nước ngoài du nhập vào Trung Quốc. Điều oái oăm ở chỗ con virus độc hại đó lại có xuất xứ từ Trung Quốc, nơi được xem là cái nôi của dịch bệnh.

ban1 - Copie

Công an vũ trang đeo khẩu trang tuần tra tại Daxing International Airport ở Bắc Kinh ngày 20/02/2020. Reuters/Tingshu Wang

Hãng tin Pháp AFP ngày 27/02/2019 đã ghi nhận sự kiện là trong những ngày gần đây, cả chính quyền trung ương lẫn một số chính quyền địa phương tại Trung Quốc đã loan báo ý định hay quyết định tăng cường kiểm soát du khách đến từ nước ngoài, đặc biệt nhắm vào những quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 như Hàn Quốc, Iran, Ý…

Ở cấp trung ương, theo AFP, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã xác nhận rằng nước này đang xem xét "các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát có đối tượng cụ thể", nhắm vào những người nhập cảnh Trung Quốc.

Ở cấp địa phương, một số biện pháp cụ thể đã bắt đầu được thực hiện. Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc chẳng hạn, hôm 26/02 vừa qua, đã loan báo quyết định cách ly 14 ngày đối với những người đến từ các quốc gia bị dịch bệnh "ảnh hưởng nghiêm trọng". Tuy nhiên, chính quyền thành phố không nói rõ đó là những nước nào.

Trong thực tế, hàng trăm hành khách đến từ Hàn Quốc đã bị cách ly ở phía đông Trung Quốc, sau khi phát hiện ra một số trường hợp nghi nhiễm bệnh Covid-19 trên hai chiếc máy bay.

Phản ứng lo ngại virus quay trở lại Trung Quốc cũng xuất hiện trên báo chí Trung Quốc. Nhiều tờ báo đã yêu cầu chính quyền phải kiểm soát nghiêm ngặt người đến từ những nước có dịch khác. Hoàn Cầu Thời Báo chẳng hạn cho rằng khách đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc "không nên được đối xử ưu đãi, vì điều đó sẽ cho phép họ dễ dàng lọt qua mạng lưới phòng ngừa và kiểm soát của Trung Quốc".

Ngoài ra, theo ghi nhận của AFP, phản ứng lo ngại đặc biệt dữ dội trên các mạng xã hội Trung Quốc. Hôm 27/02, theo hãng tin Pháp, các mạng xã hội Trung Quốc đã dậy sóng sau khi có tin về việc một người quốc tịch Trung Quốc từ Iran trở về, đã bị nhiễm virus corona, nhưng vẫn tự do đi lại nhiều nơi, đến tận vùng Ninh Hạ ở miền bắc sau khi nhập cảnh ở Thượng Hải, thành phố phía nam. Sự kiện đó đã làm dấy lên vô số bình luận trên mạng xã hội Vi Bác, với ít nhất 100 triệu lượt xem.

Một cư dân mạng tỏ thái độ phẫn uất : "Chúng ta không thể phá hỏng tất cả những nỗ lực ở Trung Quốc, chỉ vì một người đến từ nước ngoài".

Những yêu cầu hạn chế cũng như kiểm dịch nghiêm ngặt đối với người nước ngoài từ những vùng dịch ngoài Trung Quốc phải nói là rất hợp lý.

Tuy nhiên, trong trường hợp Trung Quốc, yêu cầu này có phần mỉa mai vì lẽ con virus mà một số nước hiện mắc phải được xác định là đã trực tiếp đến từ Vũ Hán Trung Quốc, từ lúc chính quyền nước này còn bưng bít thông tin về dịch bệnh.

Giới quan sát đều ghi nhận là khi dịch bệnh mới bùng lên, Bắc Kinh đã không ngần ngại gay gắt đả kích các nước đã nhanh chóng đóng cửa với Trung Quốc. Và ngày nay Bắc Kinh lại áp dụng cùng một biện pháp mà họ đã phản đối.

Trọng Nghĩa

****************

Chiến hạm Trung Quốc bị tố chiếu laser vào phi cơ tuần tra Mỹ gần Guam

Trọng Nghĩa, RFI, 28/02/2020

Hải Quân Hoa Kỳ ngày 27/02/2020 tố cáo tàu chiến Trung Quốc đã chiếu laser vào một chiếc phi cơ tuần tra biển P-8A Poseidon của Hải Quân Mỹ đang hoạt động trên vùng biển quốc tế.

ban2 - Copie

Phi cơ tuần tra P-8 Poseidon cất cánh từ Perth International Airport, ngày 16/04/2014. AFP PHOTO / POOL / Greg WOOD

Đài truyền hình Mỹ Fox News trích dẫn thông cáo của Hạm Đội Thái Bình Dương cho biết vụ việc xẩy ra vào ngày 17/2 tại một vùng biển quốc tế, cách đảo Guam khoảng 380 hải lý (610 km) về hướng tây.

Chiếc phi cơ tuần tra biển P-8A của Mỹ khi đang bay trên bầu trời khu vực thì bị trúng tia laser bắn đi từ một khu trục hạm Trung Quốc. Thông cáo nói rõ là tia laser mà Trung Quốc sử dụng không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng đã bị thiết bị cảm biến trên máy bay P-8A ghi nhận.

Đối với phía Mỹ, các "vũ khí" laser có khả năng gây tổn thương nghiêm trọng cho phi hành đoàn, thủy thủ đoàn cũng như hệ thống máy móc trên máy bay hay tàu thuyền.

Hạm Đội Thái Bình Dương khẳng định rằng khu trục hạm của Hải Quân Trung Quốc đã có những "hành động không an toàn và không chuyên nghiệp", đồng thời tố cáo Trung Quốc đã vi phạm quy tắc ứng xử trong trường hợp đối đầu không mong muốn trên biển CUES mà Hải Quân nhiều nước, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, đã đồng ý vào năm 2014.

Đối với Hải Quân Mỹ, Trung Quốc cũng vi phạm Biên Bản Ghi Nhớ giữa hai bộ Quốc Phòng Mỹ và Trung Quốc quy định các quy tắc hành xử khi quân đội hai bên "gặp nhau" trên biển và trên không.

Theo đài truyền hình Mỹ CNN, một số quan chức quốc phòng Mỹ xin ẩn danh cho biết là Washington chuẩn bị gửi công hàm phản đối hành động của phía Trung Quốc.

Vụ chiếu laser lần này đã gợi lại một vụ việc xảy ra vào tháng 05/2019, khi một trực thăng trên tàu đổ bộ Úc HMAS Canberra nghi đã bị tàu cá Trung Quốc chiếu laser trên Biển Đông sau khi ghé thăm Việt Nam và trên đường sang Singapore.

Năm 2018, các quan chức Mỹ cũng tố cáo lực lượng Trung Quốc đồn trú tại Djibouti đã chiếu laser vào phi cơ Mỹ gây thương tích cho phi công.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 28/02/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Richard Javad Heydarian, Trọng Nghĩa
Read 647 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)