Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/12/2019

Stalin tìm cách tiêu diệt Ukraine bằng nạn đói : 4 triệu người chết

Anne Applebaum - Thụy My

Từ năm 1932 đến 1933, một nạn đói khủng khiếp đã diễn ra tại Liên bang Xô viết. Gần 5 triệu người đã bị chết đói, trong đó có đến 4 triệu tại Ukraine. Được gọi là "holodomor" (diệt chủng bằng nạn đói), thảm trạng này không phải do thiên tai hay mất mùa, là mà hậu quả của chính sách cưỡng bức tập thể hóa ở nông thôn do đảng cộng sản đưa ra, buộc nông dân phải từ bỏ mảnh đất thân yêu của họ để vào nông trang hợp tác.

ukraine0

Người dân đặt vòng hoa và nến tưởng niệm các nạn nhân của nạn đói Holodomor năm 1932-1933 tại Kiev, ngày 23/11/2019. Genya SAVILOV / AFP

Tại Ukraine, một loạt các chỉ thị trấn áp đã gây ra "nạn đói trong nạn đói, một thảm họa dành riêng cho người Ukraine". Đó là danh sách đen các làng và nông trang cần phải trừng phạt vì không đạt chỉ tiêu về ngũ cốc, tịch thu tất cả những thứ gì có thể ăn được, kiểm soát biên giới không cho những người nông dân đói khổ ra khỏi làng…

Song song đó, là một chiến dịch đàn áp trí thức Ukraine : giáo sư, nhà văn, nghệ sĩ, linh mục bị vu khống, đày ải, tàn sát, nhằm hủy hoại từ gốc rễ mọi ý định dân tộc vừa chớm nở - bị coi là thách thức cho sự "đoàn kết" của Liên bang Xô viết, được Stalin tưởng tượng ra.

"Diệt chủng bằng nạn đói" hoàn toàn bị che giấu trong thời Liên Xô cũ : về mặt chính thức, thì không hề có nạn đói. Các tài liệu lưu trữ bị hủy một cách có phương pháp, gây khó khăn cho mọi nghiên cứu về chủ đề này, ngoài những nhân chứng còn sống sót. Sau khi Liên Xô sụp đổ, người dân bắt đầu lên tiếng và các bằng chứng xuất hiện.

Nhà sử học kiêm nhà báo Anne Applebaum, đoạt giải thưởng Pulitzer năm 2004 với tác phẩm "Gu-lắc, một câu chuyện" lần này ra mắt cuốn sách gây chấn động "Nạn đói đỏ". Tác phẩm kể lại một chương tang tóc trong quá khứ của Ukraine, nay đã trở thành một quốc gia độc lập nhưng luôn phải chiến đấu với nước láng giềng to lớn là Nga để bảo vệ chủ quyền. Tác giả đã trả lời phỏng vấn báo Libération số ra ngày 26/12/2019.

Libération : Điều gì đã thúc đẩy bà viết về chủ đề này ?

Anne Applebaum : Cuốn sách là sự tiếp nối những cuốn trước, theo một cách nào đó. Tôi đã viết hai cuốn khác về chủ nghĩa Stalin, và nay có thể coi như một bộ ba cuốn. Từ lâu tôi đã muốn tìm hiểu về nạn đói này : tại sao nó xảy ra, tại sao Nhà nước lại để xảy ra, và vì sao người dân lại chấp nhận. Trong thập niên 80, nhà sử học tên tuổi Robert Conquest đã viết một tác phẩm nổi tiếng là "Mùa mưa đẫm máu". Ngày nay khi chúng ta có thể tham khảo văn khố, thì thời kỳ này phải được mô tả cụ thể hơn, từ đầu cho đến cuối. Tôi muốn viết về lịch sử Liên Xô là vì vậy : chúng ta có thể tham khảo các tài liệu lưu trữ mới, các hồi ký, một điều không thể có được cách đây mười năm.

Libération : Phải chăng nạn đói không phải là không tránh được, nhưng Stalin vẫn để cho diễn ra ?

Anne Applebaum : Còn hơn thế nữa ! Cuốn sách của tôi chứng minh rằng vào năm 1932, sự hỗn loạn, nạn đói ngự trị khắp nơi tại Liên bang Xô viết, và Stalin biết rằng Ukraine bị ảnh hưởng nặng nhất. Ông ta đã có một loạt quyết định vào mùa thu 1932, nhằm làm trầm trọng thêm nạn đói ở Ukraine. Quota ngũ cốc phải nộp được tăng lên, kèm theo các đạo luật làm giảm đi khả năng sử dụng ngôn ngữ Ukraine. Nói cách khác, đây là sự tấn công vào bản sắc Ukraine. Có những vụ bắt bớ hàng loạt trí thức. Stalin muốn thông qua sự hỗn loạn từ nạn đói để tiêu diệt ý hướng xác lập chủ quyền Ukraine.

Libération : Một trong những khó khăn đối với việc xác lập trách nhiệm của Stalin, là không có tờ giấy nào mang chữ ký của ông ta, ra lệnh gây ra nạn đói…

Anne Applebaum : Hẳn là như vậy, nhưng chúng tôi có những lá thư do Stalin viết vào mùa hè1932 cho Kaganovitch, một trong những tay sai của ông ta, trong đó Stalin tỏ ra giận dữ. Vào lúc tập thể hóa, khi Ukraine bắt đầu chịu đựng nạn đói, đã xảy ra các vụ nổi dậy và phản kháng, thậm chí nổi dậy vũ trang chống lại đảng, để chống chủ trương tịch thu ngũ cốc. Một số đảng viên cộng sản Ukraine bắt đầu đánh hơi thấy, họ từ chối tịch thu thực phẩm của nông dân, khiến Stalin nổi trận lôi đình. Ông ta viết trong thư, đây là lúc phải đàn áp.

Vài tuần sau, có các chỉ thị mật nhắm vào Ukraine. Nạn đói gia tăng, và đến mùa xuân 1933, tỉ lệ tử vong lên rất cao. Cần nhắc lại rằng đó không phải do hạn hán, mà trước hết là lúa mì rồi rau quả, khoai tây và gia súc lần lượt bị tịch biên. Tháng 12 rồi tháng Giêng, tháng Hai, các đội dân quân đi càn khắp Ukraine và tịch thu thực phẩm, tuy biết rằng người dân đang chết đói. Có rất nhiều bản báo cáo, kể cả của công an, về các vụ ăn thịt người. Như vậy có rất nhiều bằng chứng là Stalin đã biết.

Libération : Bà dành phần kết cho nạn "diệt chủng" khi nói về nạn đói này …

Anne Applebaum : Từ này là của Raphael Lemkin, một luật sư Ba Lan gốc Do Thái, nay sống tại Ukraine. Theo định nghĩa ban đầu, đây không chỉ là sự tàn sát hàng loạt mà còn là mưu toan tiêu diệt một nền văn hóa khác, vốn đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử thế giới và đặc biệt tại khu vực này của Châu Âu. Một sự chiếm đóng không chỉ đơn thuần chính trị mà đi kèm việc phá hủy các nhà thờ, cấm sử dụng ngôn ngữ…đó là hiện tượng mà Lemkin muốn định nghĩa.

Sau Đệ nhị Thế chiến, từ "diệt chủng" đã được quốc tế luật hóa, có hẳn một chương của Liên Hiệp Quốc. Rốt cuộc ý nghĩa được chấp nhận là điều tương tự như diệt chủng người Do Thái, tức là một quốc gia muốn sát hại toàn bộ cư dân của một quốc gia khác. Nạn đói ở Ukraine như vậy không nằm trong ý nghĩa này, nhưng là diệt chủng theo nghĩa nguyên thủy – mưu toan giết người vì nguồn gốc của họ, gây thiệt hại về văn hóa và hủy hoại chủ quyền Ukraine.

Tôi đưa chủ đề diệt chủng vào phần kết vì không muốn cuốn sách bị coi là tranh luận về diệt chủng – vốn mang tính pháp luật và đạo đức – trong khi tôi viết sách về lịch sử. Việc này làm nhiều người Ukraine thất vọng vì họ muốn holodomor phải được nhìn nhận là diệt chủng.

Libération : Có sự lặp lại trong quan hệ giữa Moskva và Kiev trong thập niên 30 và ngày nay ?

Anne Applebaum : Cần chú ý, Putin không phải là Stalin, chúng ta đang trong một kỷ nguyên hoàn toàn khác. Nhưng lịch sử nạn đói cho thấy tư duy của Moskva về Ukraine. Điều làm Stalin lo sợ là khả năng nổ ra một phong trào quốc gia Ukraine, tách rời Ukraine ra khỏi Liên Xô, thách thức lý tưởng bôn-sê-vich. Stalin lo ngại chủ nghĩa dân tộc tự do phương Tây và ý hướng dân chủ, sợ Ukraine quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây.

Putin ngày nay cũng nghi ngại Ukraine với cùng một lý do. Tất nhiên Ukraine không phải là mối đe dọa quân sự cho Nga, nhưng là vấn đề lớn về ý thức hệ. Khi những người biểu tình ở Kiev vẫy cờ Châu Âu, kêu gọi chấm dứt tham nhũng và tổng thống phải bỏ trốn, đó chính là kịch bản mà Putin sợ hãi. Trong thập niên 30 cũng như bây giờ, phong trào quốc gia Ukraine luôn là thách thức đối với Kremlin. Trong quá khứ là chế độ toàn trị bôn-sê-vich, còn giờ đây là chế độ độc tài tham nhũng của Putin.

Libération : Ngược lại, nạn đói đã thay đổi cái nhìn của Ukraine về Nga như thế nào ?

Anne Applebaum : Chính phủ Ukraine luôn rất thận trọng, nói về một tội ác do Nhà nước xô viết gây ra chứ không phải Nga. Đây không phải là xung đột quốc gia giữa Nga với Ukraine. Nhưng trong suốt thế kỷ 20, nạn đói là bí mật tại Liên Xô và chỉ được cộng đồng Ukraine lén lút đề cập đến. Đó là điều đã diễn ra khi người Ukraine không có chủ quyền và Nhà nước của chính mình : họ bị thảm sát.

Libération : Bà hy vọng cuốn sách của mình sẽ có tác động gì ngoài giới học thuật ?

Anne Applebaum : Tôi viết cho một công chúng rộng hơn. Tôi muốn người đọc biết được lịch sử Ukraine, nhất là từ khi nước này trở thành vấn đề địa chính trị hết sức quan trọng. Nói thẳng ra là nếu bị Nga nuốt chửng, thì Nga sẽ trở thành một siêu cường Châu Âu ; nhưng không có Ukraine, Nga không thể là đế quốc. Như vậy Ukraine độc lập, có chủ quyền và làm chủ định mệnh của mình chứ không phải chư hầu, là điều cốt lõi cho an ninh Châu Âu, cho tất cả chúng ta.

Libération : Lịch sử ít được biết đến này ảnh hưởng đến dư luận phương Tây về cuộc xung đột hiện nay giữa hai nước ?

Anne Applebaum : Chắc chắn rồi. Người ta không biết về lịch sử Ukraine, không coi là một Nhà nước thực sự - điều này có thể hiểu được vì cho đến 1991 Ukraine mới có chủ quyền. Một trong những mục tiêu của tác phẩm là giới thiệu đất nước này, lý do của cuộc xung đột với Nga, những nguyên nhân sâu xa hơn trong lịch sử đương đại.

Libération : Liệu bà sẽ tiếp tục nghiên cứu về thời kỳ xô viết ?

Anne Applebaum : Tôi sẽ không viết thêm cuốn sách nào nữa về Stalin, "Nạn đói đỏ" quá đau lòng khi viết ra. Trận đói này là một trong những thảm họa tàn bạo nhất, câu chuyện của những nông dân mù chữ và các em bé chết vì đói. Những trí thức bị nhốt trong trại cải tạo thì còn có thể hiểu được, đằng này tai họa lại giáng xuống những con người nhỏ nhoi tội nghiệp không thể tự vệ…

Một số đoạn trong cuốn sách khó viết ra hơn là "Gu-lắc" - dù "Gu-lắc" nói về một chủ đề phức tạp hơn. Nhưng khi tôi kết thúc bằng màu sắc hết sức bi quan, và đưa cho một nhà sử học Ukraine trẻ đã giúp đỡ tôi xem qua, thì cô ấy nói : "Bà không thể kết như vậy được. Lịch sử của chúng tôi không dừng lại vào năm 1934. Stalin tìm cách tiêu diệt Ukraine nhưng thất bại. Ukraine đã sống sót và ngày nay là một quốc gia có chủ quyền, đó là hồi kết có hậu". Cô ấy có lý, và tác phẩm của tôi đã kết thúc như thế. Chúng ta có thể vui mừng với sự độc lập của Ukraine ngày nay.

Thụy My biên dịch

Nguồn : RFI, 27/12/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anne Applebaum, Thụy My
Read 462 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)