Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/11/2019

Vụ 39 người chết trong thùng xe : Hà Nội dửng dưng

Nhiều tác giả

Chính quyền Việt Nam đang hành xử một cách ngu ngốc nhất...

Mai Tú Ân, VNTB, 06/11/2019

Trong khi chính phủ nước Anh đi thăm viếng nạn nhân thì chính phủ Việt Nam không xuất hiện mà cũng không lên tiếng. Trong khi những người Anh như báo chí, điều tra... đi đến tận quê quán của những nạn nhân thì chính quyền địa phương đã mời tất cả họ về trụ sở một tiếng rưỡi đồng hồ và sau đó là trục xuất ngay lập tức. Những người bên ngoài sẽ ngạc nhiên lắm về cách sư xử của chính quyền Việt Nam và họ không chỉ đánh giá chính quyền ấy là một lũ ngu ngốc...

ngu1

Vụ tai họa khủng khiếp khiến 39 người Việt Nam đã phải bỏ mạng đầy oan uổng trong cái xe vận tải hàng lạnh ở bên Anh. Số phận run rủi đã đẩy tất cả những người Việt nói trên rơi vào một thế chết mà không thể cứu kịp, khiến những nhà điều tra người Anh choáng và sốc khi nhìn thấy những con người Việt Nam trẻ và khỏe đã phải chiến đấu một cách tuyệt vọng như thế nào để thoát khỏi cái bẫy chết người, là cái côntelno bằng thép có khoá ở phía ngoài và chỉ có người bên ngoài mở được. Còn những người Việt Nam ở trong thì không mở được. 

Khung cảnh thật khủng khiếp ngay cả với những nhà điều tra của cảnh sát Anh. Nhiệt độ đã là âm - 25°C nhưng chất oxy ngày càng teo tóp dần và khí carbonic mà những nạn nhân đã hút vào rồi lại thở ra theo một vòng khép kín thì ngày càng nhiều. Lúc này họ rất là yếu đuối khi chỉ có một số người đàn ông là còn chút sinh khí trong cuộc đấu tranh sinh tử nhưng đầy bất công này. Mặc dù nhiệt độ là - 25°C nhưng sự biến đổi thất thường trong trao đổi chất đã khiến họ thấy nóng như muốn phát điên. Họ cởi bỏ quần áo, nhiều người khỏa thân hoàn toàn và họ cào cấu cơ thể đến rách toạc và ứa máu trong điên cuồng vì cơ thể có quá nhiều chất Canonic mà rất ít oxy. Nhiều người lao vào cào cấu trong tuyệt vọng... Đó là những triệu trứng lâm sàng của những cơ thể đón nhận quá chất khí trơ vô ích. 

Đó là cái kết cục đáng buồn của em những bà con trong chuyến đi tuyệt mạng nọ. Thủ tướng và bộ trưởng khi đi đặt hoa tưởng niệm và ông đã ghi những dòng chữ hoàn toàn bất ngờ về những cái chết của 39 người khi đến nước Anh. Nhưng tại sao thủ tướng Anh lại dùng những từ ngữ tỏ ra có sự tương kính những con người, những cô gái chàng trai xinh đẹp đã chết đi gây ra một cơn xúc động không nhỏ trong những con người hiểu biết tế như ơi ông. Và làm sao lại không xúc động khi nhìn những khuôn mặt xinh xắn tràn đầy sức lực đã chết thảm trong một cái xe container chở hàng đông lạnh. Và làm sao không tràn lên những cảm xúc khi nghe kể về cái chết của những chàng trai cô gái ấy. Họ không có lỗi gì cả. Và mặc dù ông bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh đã nói rằng đó là tai nạn thôi, và những người đã chết cùng với gia đình họ có quyền kiện những quan chức đó vì sự thiếu nghiêm túc gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong khi chính phủ nước Anh đi thăm viếng nạn nhân thì chính phủ Việt Nam không xuất hiện mà cũng không lên tiếng. Trong khi những người Anh như báo chí, điều tra... đi đến tận quê quán của những nạn nhân thì chính quyền địa phương đã mời tất cả họ về trụ sở một tiếng rưỡi đồng hồ và sau đó là trục xuất ngay lập tức. Những người bên ngoài sẽ ngạc nhiên lắm về cách sư xử của chính quyền Việt Nam và họ không chỉ đánh giá chính quyền ấy là một lũ ngu ngốc...

Mai Tú Ân

Nguồn : VNTB, 06/11/2019

*****************

Người Rơm vào Anh : một căn bệnh mãn tính

David Hoàng, BBC, 05/11/2019

Bi kịch của Người Rơm trốn vào Anh vừa được làm mới bằng một thảm kịch kinh hoàng với 39 xác chết tìm thấy trong xe đông lạnh, dù trên thực tế vấn nạn này đã dai dẳng qua nhiều chục năm, chẳng hạn trước khi Ba Lan trở thành thành viên EU cả chục năm, hàng "binh đoàn" Ba Lan đã vào Anh theo mọi "cửa ô" và phục sẵn chờ đến ngày đẹp trời 01/05/2004, là lúc hộ chiếu Ba Lan được hợp pháp hóa.

ngu3

Vụ 39 người Việt chết : Giám mục phụ tá Westminster làm lễ đặc biệt ở London

Nhắc như thế để thấy di cư lậu ngoài sự vi phạm pháp luật biểu kiến, nó là một nhu cầu nguyên thủy và là căn bệnh xã hội mãn tính bùng phát bất cứ khi nào có biến động liên quan tới sức đề kháng của hệ thống chính trị thông qua hàng rào biên phòng.

Trước việc nước Anh chuẩn bị chia tay EU, thông tin khả tín cho biết cảnh sát Pháp và các nước xung quanh Anh tỏ ra rất hờ hững và bỏ mặc nên lập tức các băng đảng đưa người đang "chầu hẫu" đã khuyến mại giảm giá (5.000-7.000£) để đánh những container đầy trĩu trịt "Rơm" vào Anh. Đi lậu bằng container vào Anh đã xẩy ra hàng chục năm, nhưng đông chặt người như thảm kịch trên thì hết không khí để thở. Bài viết này phân tích thực trạng và tâm lý nhóm người Việt di cư lậu, các lỗ hổng luật pháp Anh và một vài giải pháp.

Từ thành phố nào người đã ra đi ?

Trả lời câu hỏi này quan trọng vì nó phản ánh phương thức hoạt động tuyển mộ cũng như logistics của loại hàng này. Số liệu cho thấy từ Việt nam, nhiều ngàn Người Rơm ra đi rất tập trung từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình chứng tỏ một hệ thống dắt mối băng đảng thông qua quan hệ đồng hương, huyết thống là điểm nổi bật bắt nguồn từ văn hóa Việt nam. Dựa trên các quan hệ kiểu này, họ đã dễ dàng hơn trong việc vay mượn, giữ bí mật, huy động một nguồn tài chính nhanh chóng để quăng vào các đường dây đưa người bắt rễ tại địa phương và vì thế ý chí ra đi càng thêm mãnh liệt.

Trên đường hành trình, các đối tượng liên tục cập nhật cho gia đình và người thân cả ở đầu đi và đích đến chứng tỏ không có một sự cưỡng bức nào hơn là một sự hợp tác di chuyển giữa các băng đảng đưa người và Người Rơm.

"Chẳng ai ngu đâu anh ơi"

Đó là câu bình luận người viết nhận được khi phỏng vấn nhiều Người Rơm nay đã may mắn có quốc tịch Anh về thảm kịch vừa xảy ra khi họ cho rằng đường đi nước bước đã được các băng đưa người tính toán trước và mỗi Người Rơm đều có các hoạch định cá nhân riêng là sẽ đến đâu, gặp người thân nào ở Anh và thậm chí rất nhiều trường hợp đã xác quyết từ trước là sau khi chui ra khỏi thùng đông lạnh thì chỉ một ngày sau họ sẽ chui ngay vào một cái "thùng" khác, là những căn hộ kín mít để tưới Cần Sa (trồng cỏ).

ngu4

Bên trong nơi ở của nhóm người Việt Nam trồng cần sa ở Wiltshire, Anh Quốc, bị cảnh sát bắt hồi tháng 2/2017

Trên đường đến Anh, các quốc gia quá cảnh đều quá tải với lượng hàng hóa lưu thông nên chỉ kiểm tra theo xác suất trong khi ý chí tới Anh mãnh liệt của người di cư lậu là tận dụng mọi sơ hở của biên phòng, hải quan nên số lượng lọt lưới rất lớn thậm chí có nơi biết rằng Người Rơm Việt sẽ không kiếm tìm gì ở xứ họ nên các quá trình rà soát rất lỏng lẻo, không ít cảnh sát Pháp còn cười tươi với Người Rơm lang thang và chỉ tay về phía cảng Calais sang Anh, trở ngại sinh tử cuối cùng cho quyết tâm tới Anh của họ.

Khi đã có những đường dây được tổ chức chặt chẽ và sâu rộng đến như thế thì không ngạc nhiên đối tượng ra đi cũng có thể bao gồm tất cả các hoàn cảnh, từ những người đánh cá bị mất cuộc sống sau thảm họa Formosa trên biển miền Trung, thanh niên sinh viên không tìm được việc làm, những mảnh đời làm ăn thất bát hay nợ nần cờ bạc cho tới những người muốn làm giàu bất chấp pháp luật nước sở tại, thậm chí là tội phạm trốn nã từ Việt nam.

Có thể so sánh những Người Rơm Việt trồng cỏ tại Anh như những người đi đào vàng ở Việt nam nhưng với lợi nhuận cao hơn và rủi ro tính mạng ít hơn vì thanh niên các tỉnh miền Trung nghèo khó thường tới các bãi tìm vàng và họ rất biết về những cái chết nhan nhản do sốt rét, sập hầm, ngộ độc cyanua cũng như bị cướp bóc chém giết ở bưởng vàng.

Lỗ hổng vào"thiên đàng"

Đã có rất nhiều nghìn người bỏ lại làng quê Việt nam ở các tỉnh kể trên chui lọt vào Anh và chỉ dăm bảy năm quê nhà sau lưng họ mọc lên các xóm thậm chí các làng villa tiền tỷ, thứ kích thích ghê gớm thị giác và có lẽ cả vị giác đối với bà con cùng khu vực làm trỗi dậy mạnh mẽ đặc tính con gà và tiếng gáy của văn hóa Việt nam càng kích thích "anh em" lên đường.

Nên lưu ý rằng, có thể không ít trong 39 nạn nhân trên ra đi từ những căn nhà tiền tỷ, là những căn nhà xây bằng tiền mà lớp cha anh đi trước đã gửi từ Anh về. Trớ trêu, tất cả hiện thực đó chứng tỏ đang tồn tại một lỗ hổng lớn ở nơi đến, trong hệ thống luật pháp Anh.

Những Người Rơm vào Anh đa phần ở tuổi 19 tới 35, nhưng khi bị cảnh sát bắt họ thường khai là vị thành niên đã bị bán cho băng trồng Cần Sa hay tiệm móng tay và hệ thống cảnh sát quá tải này cũng không thèm chụp X-ray răng để xác định tuổi sinh học mà dựa vào lời khai lập tức gửi họ cho các gia đình người Anh hay cơ sở từ thiện nuôi để sau vài ngày họ lại bỏ trốn tới một bãi "cỏ" mới.

Quay cuồng làm thuê như vậy, nhưng với lợi nhuận gấp năm lần làm móng tay, sau một vài năm đám người này thừa tiền chạy luật sư để lách vào những kẽ hở về nhân quyền của luật pháp Anh bằng cách bịa ra hàng ngàn câu chuyện về lí do phải trốn chạy từ Việt nam và kết quả rất nhiều trong số họ đã được quốc tịch Anh theo dạng nhân đạo.

ngu5

Chăm sóc khách hàng trong một tiệm sơn móng tay tại Anh

Trong họ, những người trở thành chủ bãi trồng cỏ còn thu nhập trăm lần khủng khiếp hơn, họ thực sự là những tội phạm xuyên quốc gia khi chủ động tham gia vào các quá trình móc nối tuyển người, sản xuất và tiêu thụ Cần Sa.

Lần tạt vào trung tâm Đồng Hới vào tháng 8 năm nay, cậu thợ sửa điện thoại trong lúc hí hoáy bửa chiếc iphone đầy nước suối của tôi vừa hỏi "anh ở Anh à, anh có trồng cỏ không ?". Tôi giật mình nhưng thấy thú vị ghê gớm như gặp được "người Rục" nên liền tiếp chuyện. Cậu ta kể rằng ở ngay ở phố cậu cũng có mấy người sang Anh trồng cỏ và gửi tiền về xây nhà lầu mua đất, đầu tư bất động sản và mỗi khi bị cảnh sát Anh vồ được, gia đình lại bán đất nền để gửi tiền sang Anh tái đầu tư.

Đa số Người Rơm khai rằng họ bị truy sát ở Việt nam vì những vấn đề tôn giáo, nhân quyền hay đấu tranh dân chủ trong khi hài hước có người trong số họ là thành viên hội cờ đỏ xứ Nghệ. Bị bắt tại Anh họ đều khai cùng một mẫu số là trẻ em, bị mua bán, bị đánh đập, bỏ đói và lạm dụng tình dục trong các nhà trồng cỏ hay tiệm làm móng trong khi trên thức tế họ sẽ bỏ việc ngay nếu mức lương trả dưới 500-700 bảng một tuần trong các tiệm làm móng.

Phụ nữ còn có một ưu thế vượt trội là nếu họ sinh con với một bạn tình và tìm được một người cha có quốc tịch Anh bảo lãnh, nghiễm nhiên đứa bé có quốc tịch Anh để ngay sau đó họ đẻ tiếp đứa trẻ thứ hai với bạn tình và sẽ nhập quốc tịch cho anh chàng này vì cô ta đã có giấy tờ ăn theo đứa con đầu. Vướng mắc các vấn đề nhân quyền, luật pháp Anh đã tự trói tay để Người Rơm nhộn nhịp chui qua lỗ hổng này.

ngu6

Tủ thuốc nhuộm móng tay trong một tiệm nail tại Anh

Trong lúc hệ thống chính trị tại Anh có vẻ cần một lí do đủ ấn tượng để mạnh tay với vấn nạn Người Rơm khi họ đăng tải những chuyện đa phần nhảm nhí mà Người Rơm Việt bịa ra hòng khai thác khía cạnh nhân đạo nhưng việc chính phủ Anh bắt lại thả, rồi cấp quốc tịch cho rất nhiều người có lẽ thể hiện những lúng túng, thậm chí trống kèn xuôi ngược trong hệ thống pháp luật Anh.

Nền pháp luật Anh bắt nguồn từ thực tiễn văn hóa và trình độ của dân tộc này, nó đã phát triển xa trong các khía cạnh nhân đạo, bảo vệ quyền con người để có thể áp dụng cho các sắc dân mà giá trị về phẩm chất trung thực, về lòng tin thường bị xem nhẹ trước các lợi ích sinh học mà trên thực tế Người Rơm Việt là một ví dụ điển hình.

Ngoài những lỗ hổng có tính cơ chế ở trên, có một thứ quyến rũ "mềm" mà bất cứ một sắc dân nào đến Anh dù hợp pháp hay bất hợp pháp cũng thừa nhận là sự bình yên của xã hội Anh. Người Rơm Việt ra đi từ một xứ sở đầy nhũng nhiễu của công quyền, xã hội nhiều rủi ro, bạo lực và thiếu việc làm, các thảm họa môi trường và biến đổi khí hậu dồn dập, ô nhiễm đến tận hang cùng ngõ hẻm thì với họ nước Anh quả là "thiên đàng" có thực vì họ chẳng bao giờ bị chặn hỏi giấy tờ trên đường, cuộc sống của họ khi đã vào được Anh là lo kiếm tiền để mua sắm, cờ bạc và gửi tiền lậu về Việt nam, đặc biệt những cái chết của họ nếu có trên đất Anh không phải vì tai nạn giao thông, đâm chém, ung thư mà đa phần do sốc thuốc ở các sàn nhảy.

Có lẽ đó là một sức hút mãnh liệt mà người nọ bảo người kia, nên từ các ngả cuối cùng lại đổ vào Anh, nhưng dù sao thứ quyến rũ "mềm" đó không phải lỗi của đất nước này.

ngu7

Chừng 7.500 cụm cần sa thu được ở Wales và Bristol có giá thị trường 3,5 triệu bảng Anh theo thời giá 2015

Có thể làm gì ?

Căn bệnh mãn tính nhập cư lậu sẽ không thể giải quyết được chừng nào phía Việt nam luôn có lớp lớp người sẵn sàng ra đi và quan trọng hơn những lỗ hổng luật pháp nước Anh vẫn đang tạo cơ hội cho họ. Cho tới nay chính phủ Anh có vẻ chỉ quan tâm tới các giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn Người Rơm từ Việt nam hơn là tìm các giải pháp căn nguyên cho vấn nạn này.

Không giải pháp kỹ thuật nào có thể kiểm tra tất cả hàng trăm ngàn container dịch chuyển qua đường biên mỗi ngày và cũng khó có giải pháp kỹ thuật nào chống lại hiệu quả các băng đảng đã bắt rễ sâu rộng khắp thế giới mà chân rết của nó đa phần là những người nhập cư nay đã có giấy tờ và đang làm việc tại Anh.

Nếu chính phủ Anh cho phép tự trồng Cần Sa ở mức độ nhỏ phục vụ cho nhu cầu cá nhân thì chắc chắn lợi nhuận từ Cần Sa sẽ giảm xuống tới mức nhập cư lậu từ Việt Nam sẽ ít đánh đổi tính mạng để kiếm một lợi nhuận không tương xứng. Tại Hà Lan hiện nay, mỗi người có thể trồng tới 7 cây để phục vụ nhu cầu cá nhân.

Cùng lúc đó, thị trường làm đẹp rộng lớn với nghề làm móng tay vốn là sở trường của người Việt bởi sự khéo léo luôn là đích ngắm đến thứ hai của Người Rơm từ Việt Nam. Có lẽ đã đến lúc chính phủ Anh và các nhà đầu tư cần đầu tư để triển khai rộng rãi các sáng chế sử dụng những giải pháp tự động hóa cho quá trình làm móng để giảm thiểu nhu cầu nhân công lao động cũng như các đòi hỏi kỹ năng khiến người bản xứ có thể dễ dàng tham gia.

Bản thân người viết tin tưởng chắc chắn rằng nếu các bộ móng tay tuyệt đẹp được tạo ra bằng tự động hóa, nhu cầu thợ móng tay có tay nghề cao tại Anh sẽ bớt cấp thiết đòi hỏi gia tăng nguồn lao động bổ sung từ bên ngoài, sức hấp dẫn tài chính từ nghề làm móng cho di cư lậu từ Việt nam sẽ biến mất. Như vậy các giải pháp đã có sẵn, sự lựa chọn phụ thuộc ở quyết định của chính phủ Anh.

Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một người đang sinh sống và làm việc tại Oxford, Anh quốc.

********************

Nước mắt cá sấu và trách nhiệm bị chối bỏ

Nhân Hòa, RFA, 03/11/2019

Về vụ 39 người Việt chết ở Anh, chính quyền Việt Nam đã nói một đằng làm một nẻo. Một mặt, ngày 2/11, Bộ Ngoại giao Hà Nội tuyên bố, họ hy vọng phía Anh sớm hoàn tất điều tra vụ việc, nghiêm trị những kẻ phải chịu trách nhiệm về thảm kịch này.

ngu2

Bàn thờ tưởng niệm 39 nạn nhân Việt Nam xấu số tại Nhà thờ The Holy Name and Our Lady of the Sacred Heart Church, phía Đông London. (Yui Mok/PA via AP)

Nhưng mặt khác, trước đó, chính quyền các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã chặn ô tô của một phái bộ Anh quốc đi xuống các địa phương để liên hệ với các gia đình nạn nhân. Công an còn bắt các xe ấy đi vào Uỷ ban xã để kiểm tra, sau đó đã "trục xuất" phái bộ ra khỏi địa phương mà họ muốn liên lạc.

Ngay cả các nhà báo trong nước cũng bị hạn chế khi đi xuống các xã, huyện để tiếp xúc với những cư dân ở những nơi có các thân nhân người bị nạn. Cơ quan công an Việt Nam đã "rỉ tai" các gia đình nạn nhân chỉ được tiếp xúc với những nhà báo "có giấy giới thiệu của Bộ Ngoại giao Việt Nam".

Về mặt chính thức và công khai, hai cơ quan báo chí ở Việt Nam là "Tuổi Trẻ" và "Nhân Dân" đã lập tức tung ra các bài phân tích nghe rất rổn rảng để rũ bỏ sự liên đới khi khẳng định, trách nhiệm hiện nay thuộc về chính phủ nước Anh, còn chính phủ Việt Nam đã làm hết sức mình (?)

"Nhân Dân online" – trang tin được cho là tiếng nói của Đảng cộng sản Việt Nam – hôm 1/11 viết : "Đừng cứ lúc nào cũng gán ghép trách nhiệm cho Nhà nước Việt Nam". Bài báo còn hù doạ : "…Một số tổ chức, cá nhân lại tìm cách lợi dụng sự hoang mang, lo lắng, thậm chí là nỗi đau để cố đẩy vấn đề theo hướng tiêu cực, coi đó như là cơ hội để vu cáo Nhà nước Việt Nam".

Liều lĩnh hơn, tờ "Tuổi Trẻ" hôm 2/11 nhận định thảm kịch 39 người nhập cư trái phép chết ở Anh "không phải là trách nhiệm của chính phủ mà từ đó công dân di cư lậu xuất phát, cũng không phải của những nạn nhân đó và gia đình họ, thậm chí không phải của bọn buôn người" !? "Vấn đề chính là chính sách nhập cư đã trục trặc từ rất lâu ở các nước giàu".

Thái độ "ăn vạ quốc tế" nói trên là nhằm che đậy trách nhiệm của chính quyền. Mặc dầu trước đó, tờ "Nhân Dân" từng lu loa lên rằng, ngay sau khi có tin về vụ việc, Thủ tướng đã giao cho Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Uỷ ban các tỉnh… khẩn trường làm rõ nội vụ để có biện pháp xử lý phù hợp với pháp luật Việt Nam và quốc tế !?

Vẫn theo mạch viết trên, các "bút nô" còn tố cáo bài giảng của linh mục Ngô Văn Khả tại Thánh lễ ngày 27/10/2019 ở nhà thờ Thái Hà (Hà Nội) là sai phạm về tuyên truyền khi dám phê phán Nhà nước. Quyết đoán hơn, bài viết cho biết nước có người di cư nhiều nhất thế giới không phải là Việt Nam, mà đó là một nước phát triển có thu nhập bình quân theo đầu người trên 30 ngàn USD (Nước nào thì bài báo lại không chỉ ra được !).

Không tưởng tượng nổi truyền thông Việt Nam đã đổi trắng thay đen như thế nào khi lập luận, chính việc ngăn trở mong muốn nhập cư một cách bất hợp lý là gốc rễ của những bi kịch Essex. Khi người ta không thể ra đi theo dòng chảy tự nhiên của nhu cầu lao động và thị trường một cách hợp pháp, đó sẽ là nơi các băng đảng buôn người lấp vào chỗ trống (!)

Bài báo nhận định tiếp : "Những cái chết ở Essex không phải là tai nạn hay chỉ diễn ra một lần. Chúng là sản phẩm trước hết của một nền chính trị và chính sách nhập cư phi nhân tính, đối xử với con người và việc họ di cư (một quyền cơ bản) như những trục trặc xã hội".

Trong khi đó, từ 28/10, tại hạt Essex, Thủ tướng Boris Johnson cho biết nước Anh thật sự bị sốc trước vụ 39 người chết và đã ghi vào sổ tang : "Cả quốc gia và thế giới sốc trước thảm kịch này, cũng như số phận tàn nhẫn xẩy đến với những người vô tội đang hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng tôi thương tiếc… và chia buồn với gia đình của họ".

Còn ở Việt Nam, phải chờ đến một tuần lễ sau, mãi cho tới hôm 2/11, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh mới "tuýt" mấy dòng chia buồn với "nạn nhân người Việt trong số 39 người mất ở Essex" nhạt như nước ốc (ông Minh vẫn chưa thừa nhận tất cả số người chết trong container là người Việt). Và đương nhiên, cả Chủ tịch nước, Thủ tướng lẫn tuyệt đại đa số 500 Nghị sĩ quốc hội đang họp ở Ba Đình vẫn "im như thóc" trước bi kịch mà nếu xẩy ra ở những nơi khác thì đã được coi là thảm hoạ quốc gia.

Cả Ngoại trưởng lẫn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao đều né tránh nói đến trách nhiệm của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong việc khuyến khích chính sách "xuất khẩu lao động" đem ngoại tệ về nước. Trong lúc đó Nhà nươc cộng sản đã để mặc hàng ngàn người dân mỗi năm phải tìm đường mưu sinh ở nước ngoài bằng mọi giá, kể cả chấp nhận đánh đổi cả mạng sống của họ.

Đáng ra, qua vụ 39 người này, chính quyền Việt Nam từ trung ương đến địa phương phải chủ động lôi ra ánh sáng tất cả các đường dây buôn người. Tất cả các quan chức, kể cả ở địa phương hay trung ương, dính líu phải bị trừng trị, truy tố các thủ phạm và tịch thu các tài sản bất minh của họ để bồi thường cho các nạn nhân đã chết.

Đằng này, một chính quyền tự nhận là "của dân, do dân và vì dân" nhưng trên thực tế chỉ nhỏ những giọt nước mắt cá sấu muộn màng, còn lại thì công khai chối bỏ sự liên đới, đùn đẩy trách nhiệm của chính mình cho quốc tế, cản trở các phái bộ và các nhà báo đến các địa phương để gặp gỡ những gia đình nạn nhân.

Nhân Hòa

Nguồn : RFA, 03/11/2019 (NhanHoa's blog)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai Tú Ân - David Hoàng - Nhân Hòa
Read 443 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)