Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/10/2019

Tham vọng bá quyền Biển Đông : công hàm 1958 đang được lặp lại ?

Nhiều tác giả

Ngô Xuân Lịch có vỗ tay không ?

Cánh Cò, RFA, 25/10/2019

Ngày 21 tháng 10 năm 2019 có lẽ là dấu mốc để người dân biết thêm cách ứng xử của Quốc hội, Đảng và Chính phủ Việt Nam trước vấn đề Biển Đông, một vấn đề đang làm bức bối cả dân tộc trước sự trơ tráo của Trung Quốc, không đếm xỉa gì tới luật pháp quốc tế cương quyết chiếm cho bằng được hầu như toàn bộ vùng biển mà Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á chia sẻ chủ quyền đặc khu kinh tế.

qh1

Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp ngày 21/10/2019. Ảnh : TTXVN

Trong cùng một ngày cả hai nơi Hà Nội và Bắc Kinh diễn ra hai cuộc họp quan trọng, tại Việt Nam Quốc hội nhóm họp trong đó có một hạng mục rất nhỏ bàn về Biển Đông, có ông Nguyễn Phú Trọng đại diện cho Đảng, có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đại diện chính phủ phát biểu ý kiến về Biển Đông, có lẽ đây là lần đầu tiên sau nhiểu năm Quốc hội Việt Nam cho phép được mang câu chuyện Biển Đông ra thảo luận công khai mặc dù đây là đề tài mang đẳng cấp quốc gia và liên quan tới sự an nguy của chủ quyền lãnh thổ.

"Kiên quyết bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ" là ý kiến của Ông Nguyễn Phú Trọng… "Không bao giờ nhân nhượng về chủ quyền" được ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh..." Kiên quyêt bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ" được bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhắn gửi trước gần 500 đại biểu nhưng tựu trung cả ba người đều đưa ra quan điểm "giữ môi trường hòa bình để phát triển kinh tế".

Trong lúc đó tại Bắc Kinh, Diễn đàn Hương Sơn được Trung Quốc tổ chức một cách rầm rộ nhằm tuyên truyền cho một vấn đề, một mục đích duy nhất : Đài Loan, Biển Đông và đảo Điếu ngư thuộc về Trung Quốc không thể tranh cãi. Diễn đàn này được tổ chức hàng năm, đại biểu tham dự được mở rộng thành phần gồm lãnh đạo Bộ Quốc phòng và chỉ huy quân đội các quốc gia trong, ngoài khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, các đại biểu tổ chức quốc tế, các cựu chính trị gia, cựu tướng lĩnh và các học giả nổi tiếng.

Tại buổi lễ khai mạc Diễn đàn Hương Sơn thứ 9 tại Bắc Kinh hôm 21/10, trước sự có mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch, người đồng cấp Trung Quốc Thượng tướng Nguỵ Phượng Hòa đã tuyên bố :

"Các đảo ở Biển Đông và đảo Điếu Ngư là những phần lãnh thổ không thể thay đổi của Trung Quốc. Chúng tôi thậm chí sẽ không cho phép lấy đi một tấc lãnh thổ mà tổ tiên của chúng tôi đã để lại".

qh2

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9. Ảnh : Quân đội nhân dân.

Như vậy là hai chiến tuyến đã được định hình rồi chăng ? Không hẳn như vậy bởi Diễn đàn Hương Sơn có sự tham dự của ông Ngô Xuân Lịch và vai trò của ông thật mờ nhạt trước sự tấn công mạnh bạo vào chủ quyền quốc gia Việt Nam cũng như nhiều nước khác của Trung Quốc. Là một Bộ trưởng Quốc phòng, ông Ngô Xuân Lịch tuy mang sẵn bài diễn văn từ Việt Nam sang nhưng ông chỉ biết đọc những gì mà Đảng đã viết sẵn không hề dám đi ra ngoài dù một chữ để phản biện lại sự lộng giả thành chân của Bắc Kinh. Ông Ngô Xuân Lịch ngồi dãy ghế đầu tiên và vì vậy nhất cử nhất động của ông khó thoát khỏi camera mà hội nghị đã cài đặt, thử hỏi sau khi Nguỵ Phượng Hòa phát biểu cả hội trường đều vỗ tay như người ta thường thấy trong bất cứ một hội nghị nào do cộng sản tổ chức, ông Ngô Xuân Lịch có dám ngồi yên không vỗ tay hay sao ?

Và nếu ông ta vỗ tay như một phản xạ tự nhiên thì hình ảnh ấy sẽ giúp gì cho Trung Quốc ?

Nói ông Ngô Xuân Lịch không lên tiếng trước vấn đề Biển Đông là oan cho ông, ông có phát biểu những gì mà Đảng cần ông làm cái loa trước các quốc gia tham dự tại diễn đàn này. Ông đã đọc trơn tru : "Vấn đề Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích hợp pháp của mỗi nước với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng.

"Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực cùng các nước thúc đẩy hợp tác nhằm xây dựng Biển Đông thành một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển, vì lợi ích chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực".

"Trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị, những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc cần được kiên trì xử lý theo tinh thần thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực",

Ông Ngô Xuân Lịch không dám hó hé gì trước tuyên bố của Trung Quốc về việc xác định cả Biển Đông là của Trung Quốc và họ sẽ không bao giờ từ bỏ, trái lại ông đọc bài diễn văn không liên quan gì tới lời tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa.

Trong nội dung mà ông Lịch đại diện cho Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu có gì mới không ? Hòan toàn không. Nó đã được nói đến cách nay hơn 15 năm và bây giờ vẫn vậy. Vẫn hòa bình phát triển vẫn kiên quyết giữ vững tinh thần đoàn kết hữu nghị, vẫn kiên trì xử lý cấp cao giữa lãnh đạo hai nước….

Việc ngay trước mắt và cần phải lên tiếng một cách mạnh mẽ trước hội nghị là Bãi Tư Chính của Việt Nam đang bị Trung Quốc xâm lấn lại bị ông Bộ trưởng Quốc phòng im lặng một cách khó hiểu. Thái độ của ông và của toàn hệ thống cai trị Việt Nam giống nhau như đúc về việc phớt lờ câu chuyện Bãi Tư Chính, trong khi nơi này mới là trọng điểm của hành vi xâm lược có kế hoạch của Trung Quốc. Ba chữ Bãi Tư Chính như một thứ taboo cần tránh né và cách mà giới chức cao cấp của Việt Nam cùng lên tiếng rất giống nhau, giống như khuôn đúc và không ai có thể phân biệt.

Hòa bình phát triển là cái xương sống của chính sách mà Việt Nam theo đuổi trong việc bảo vệ Biển Đông, điển hình nhất là Trường Sa, Bãi Tư chính cũng như một số đảo lớn nhỏ khác trong vùng.

Có thể lý giải rằng Việt Nam sợ sức mạnh quân sự của Trung Quốc nên theo đuổi sự nhân nhượng vô giới hạn, nhưng chính cách nhân nhượng này làm cho Trung Quốc mỗi ngày một lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hơn. Sự nhân nhượng chủ quyền lãnh thổ dù trong hoàn cảnh nào cũng bị lịch sử xem là hành vi bán nước. Các nhân vật chóp bu hôm nay sẽ được nhắc nhở trong tương lai rất gần, khi Trung Quốc không còn thống trị một phần thế giới.

Đảng Cộng sản Việt Nam khi đánh Mỹ không có gì để mất nên dù đốt sạch dãy Trường sơn cũng đánh, nhưng đối với Trung Quốc hôm nay một câu nói cũng không dám cho trọn vẹn vì họ có quá nhiều thứ để mất. Họ sẽ mất quyền lực, mất tài sản, mất cơ ngơi mà trong chiến tranh chống Mỹ họ tạo nên do máu xương của chiến sĩ nhân dân. Đánh Trung Quốc trong thời điểm này họ sẽ cô đơn gần như một mình vì họ đã kiên quyết vì Trung Quốc mà không liên minh với bất cứ nước nào để giữ gìn giang sơn bờ cõi.

Vì vậy khi họ nói "Hòa bình để phát triển" là cách nói rất thông minh dùng trong hệ thống đảng viên của họ. Chỉ có hòa bình, dù hèn hạ, thì mới có thể phát triển tài sản bổng lộc của cả hệ thống đương quyền.

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 25/10/2019 (canhco's blog)

********************

Ngô Xuân Lịch á khẩu tại diễn đàn Hương Sơn

Nguyễn Tường Thụy, RFA, 23/10/2019

Không ai yêu cầu Việt Nam phải khiêu khích hay tấn công Trung Quốc nhưng yêu cầu tự vệ, đáp trả, không làm nhục quốc thể là những yêu cầu chính đáng.

nxl1

Ngô Xuân Lịch tại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9. Ảnh của báo Quân đội

BBC đưa tin :

Tại buổi lễ khai mạc Diễn đàn Hương Sơn thứ 9 tại Bắc Kinh hôm 21/10, trước sự có mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch, người đồng cấp Trung Quốc Nguỵ Phượng Hòa đã tuyên bố :

"Các đảo ở Biển Đông và đảo Điếu Ngư là những phần lãnh thổ không thể thay đổi của Trung Quốc. Chúng tôi thậm chí sẽ không cho phép lấy đi một tấc lãnh thổ mà tổ tiên của chúng tôi đã để lại".

Tuy nhiên, trong phát biểu của mình tại diễn đàn này, Ngô Xuân Lịch không hề nói được một câu khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông và các đảo ở Biển Đông. Càng không một lời nhắc đến hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam tại bãi Tư Chính đang diễn ra từ đầu tháng 7 đến nay của phía Trung Quốc. Ông ta chỉ dám nói những ý chung chung nghe đã nhàm chán như "Giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình", "tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng luật pháp quốc tế". Gan góc lắm thì ông ta chỉ nói đến mức "tình hình Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp" mà không dám nói ra kẻ nào đang làm cho tình hình ngày càng phức tạp trên Biển Đông.

Khi đưa tin về diễn đàn này, báo chí Việt Nam cũng không hề nhắc đến lời phát biểu ngang ngược trên của phía Trung Quốc. Truyền thông Việt Nam chỉ cần mẫn đưa tin những lời nói lòe bịp thiên hạ của Ngụy Phượng Hòa mà không có một lời phân tích, bình luận như thể đang tuyên truyền cho chính sách (bịp bợm) của Trung Quốc.

Diễn đàn Hương Sơn chỉ là nơi để Trung Quốc ba hoa về một Trung Quốc yêu chuộng hòa bình, tôn trọng các nước nhỏ, trong khi việc làm của chúng hoàn toàn ngược lại. Thậm chí Trung Quốc còn lu loa lên rằng chúng bị Việt Nam... bắt nạt, bị Việt Nam xâm phạm lãnh thổ.

Lẽ ra, trước phát biểu ngang ngược của Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, Ngô Xuân Lịch phải lên tiếng khẳng định chủ quyền của Việt Nam, tố cáo hành động xâm lăng của Trung Quốc đối với Việt Nam. Báo chí Việt Nam phải đồng loạt phản đối và Bộ ngoại giao Việt Nam phải ra tuyên bố bác bỏ ngay lập tức.

Có câu "im lặng tức là đồng ý". Khi Ngụy Phượng Hòa tuyên bố trước diễn đàn quốc tế rằng các đảo ở Biển Đông là những phần lãnh thổ không thể thay đổi của Trung Quốc và đưa ra những lời đe dọa mà phía Việt Nam không có phản ứng gì thì quốc tế sẽ hiểu rằng, Việt Nam đã chấp nhận ý kiến của phía Trung Quốc.

*

Nhà cầm quyền Việt Nam thường giải thích, thậm chí ca ngợi chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo, trong quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, dù mềm dẻo đến đâu cũng phải giữ thế bình đẳng trong quan hệ ngoại giao. Để giặc tự do vào vùng đặc quyền kinh tế của mình khảo sát tài nguyên mà chỉ biết theo dõi thì đâu phải là mềm dẻo khôn khéo. Là nước chủ nhà, Trung Quốc nói vỗ vào mặt đoàn đại biểu Việt Nam như thế mà phía Việt Nam không dám mở miệng, đâu phải là mềm dẻo, khôn khéo. Nó chỉ nói lên sự nhục nhã, đớn hèn.

Không ai yêu cầu Việt Nam phải khiêu khích hay tấn công Trung Quốc nhưng yêu cầu tự vệ, đáp trả, không làm nhục quốc thể là những yêu cầu chính đáng.

Qua sự việc ở Diễn đàn Hương Sơn, những người quan tâm đến vận mệnh của đất nước không thể không nghi ngờ về quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của giới cầm quyền Việt Nam

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 23/10/2019

*********************

Việt Nam ngất ngư ở Biển Đông

Phạm Trần, 23/10/2019

Khi Trung Quốc ngang ngược nói đá-đảo ở Biển Đông là của tổ tiên họ để lại thì đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam lại dao động, mất định hướng và cố ôm chân Bắc Kinh để cầu hòa.

tq2

Trung Quốc ngang ngược nói đá-đảo ở Biển Đông là của tổ tiên họ để lại - Tranh biếm họa 

Bằng chứng mới nhất xẩy ra ở diễn đàn Hương Sơn lần thứ 9 khai mạc ngày 21/10/2019 ở Bắc Kinh (9th Xiangshan forum), qua lời tuyên bố trịch thượng của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa và trong diễn văn nhũn như giun dế của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Việt Nam.

Họ Ngụy nói : "Các đảo ở Biển Đông và quần đảo Điếu Ngư (ở biển Hoa Đông) là những phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không cho phép dù chỉ một tấc lãnh thổ mà tổ tiên của chúng tôi đã để lại bị lấy đi" (1).

Trong diễn văn dài 26 phút, tướng Ngụy Phượng Hòa còn khoe : "Trung Quốc đã cam kết theo đuổi con đường phát triển hòa bình, và không có tham vọng tìm kiếm bá quyền" (2).

Người cầm đầu Bộ Quốc phòng với quân số 2.693.000 người còn cam kết : "Bắc Kinh (Trung Quốc) là một nhà nước yêu chuộng hòa bình, sẽ chẳng bao giờ mở cuộc tấn công trước, và sẽ không đe dọa thế giới" (3).

Diễn đàn Hương Sơn do Trung Quốc tổ chức hàng năm để thảo luận về an ninh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nhằm đối nghịch với diễn đàn Shangri-la được tổ chức vào tháng 6 hàng năm ở Singapore, quy tụ các lãnh đạo quốc phòng và chuyên gia từ nhiều nước.

Chủ đề "Duy trì trật tự quốc tế và thúc đẩy hòa bình tại Châu Á - Thái Bình Dương" được thảo luận tại diễn đàn Hương Sơn lần này với sự có mặt của đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cầm đầu.

Nga, Mỹ và nhiều nước khác, tổng cộng lối 1.300 nhân viên và chuyên gia quốc phòng-an ninh đã tham dự Hội nghị.

Không hề thay đổi

Những lời nói của Ngụy Phượng Hòa không mới, nhưng thời điểm đưa ra thì mới vì đúng vào lúc tầu Hải Dương 8 của Trung Quốc vẫn tiếp tục công tác thăm dò dầu khí ở khu vực bãi Tư Chính, sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bắt đầu từ ngày 03/07/2019. Những vị trí tầu HD-8 đi qua, đôi khi chỉ cách bờ biển Việt Nam dưới 100 cây số và chưa có dấu hiệu rút lui, theo đòi hỏi của Việt Nam.

So với vụ Hải Dương 981 xâm nhập và tìm kiếm dầu trong vùng biển của Việt Nam năm 2014 thì HD-8 đã vượt qua thời gian 75 ngày của HD-981 (từ 2/5 đến 16/07/2014). Điều này cho thấy Trung Quốc đã sử dụng điểm tiếp tế ở đảo Chữ Thập, cách Tư Chính lối 230 hải lý (lối 425 cây số) về phía bắc, cho HD-8 hoạt động lâu ngày.

Các tầu quân sự, cảnh sát biển và quân dân biển đánh cá có võ trang của Trung Quốc đi theo HD-8, cũng có thể hoạt động lâu ngày để đe dọa các giàn khoan dầu của Việt Nam ở khu vực Tư Chính.

Nếu Trung Quốc cố tình đem giàn khoan dầu đến vùng Tư Chính để "chủ quyền hóa" lời tuyên bố của Ngụy Phượng Hòa thì Việt Nam sẽ bị đặt trong tình trạng rất khó khăn.

Nhưng Ngụy Phương Hòa không chỉ mới khẳng định quyền chủ quyền của Trung Quốc trên toàn cõi Biển Đông rộng trên 3 triệu cây số vuông, từ ngày 21/10/2019 mà ông ta đã nói điều này từ ngày 02/06/2019 tại Hội nghị Đối thoại an ninh Shangri-La ở Tân Gia Ba.

Hồi đó, họ Ngụy nói trong diễn văn :

"Việc Trung Quốc xây dựng trên các đảo, các rặng đá ở Biển Nam Trung Hoa có phải là hành vi quân sự hóa hay không? Việc xây dựng trên phần lãnh thổ của mình chính là thực thi quyền hợp pháp thuộc chủ quyền quốc gia".

"Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở quốc phòng hạn chế trên các đảo và các rặng đá là nhằm tự vệ. Ở đâu có đe dọa, ở đó có hành động tự vệ. Đối diện với các tàu chiến được trang bị vũ khí hạng nặng và các máy bay quân sự, làm sao chúng tôi có thể đứng yên chịu trận mà không xây dựng một số cơ sở phòng vệ ?".

Tuy không nói đích danh nước nào, nhưng ai cũng hiểu Ngụy Phượng Hòa đã ám chỉ sự hiện diện của Hải quân Mỹ và các hoạt động tuần tra của Hạm đội số 7 ở Thái Bình Dương từ một năm qua, trước sự bành trướng ảnh hưởng và đe dọa an ninh ở Biển Đông của Trung Quốc.

Đáng chú ý là trướcc Hội nghị Shangri-La, tướng Ngụy Phượng Hòa đã thăm Việt Nam và họp với Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch để duyệt xét hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

Về tình hình Biển Đông, tin chính thức loan báo :

"Về vấn đề tồn tại giữa hai nước, hai bên nhất trí cần kiên trì giải quyết vướng mắc bằng biện pháp hòa bình, tạo sự tin cậy vững chắc; quyết tâm cùng nhau xây dựng môi trường hòa bình trên Biển Đông ; khẳng định môi trường hòa bình trên Biển Đông mà hai bên cùng nhau xây dựng không chỉ dành riêng cho Trung Quốc hay Việt Nam, mà còn cho các đối tác có thiện chí hợp tác với hai nước để cùng nhau phát triển" (Nhân Dân, 27/05/2019).

Nếu đem cam kết này của phía Trung Quốc áp dụng vào tình hình Tư Chính, xẩy ra từ ngày 03/071/2019 thì thấy ngay tính xảo ngôn lật lọng nói một đàng làm một nẻo của Ngụy Phượng Hòa. Những điều gọi là "biện pháp hòa bình" và "môi trường hòa bình trên Biển Đông" đã bị Trung Quốc xóa bỏ để tự tung tự tác, trước thái độ cúi đấu chịu nhục của phía Việt Nam.

Phạm Trường Long - Tập Cận Bình

Nên nhắc lại, vào tháng 06/2017, trong chuyến thăm Hà Nội, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Phạm Trường Long, cũng đã nói thẳng với tướng Ngô Xuân Lịch rằng : "Nam Hải [Biển Đông] là lãnh thổ Trung Quốc từ thời xa xưa" (theo tường thuật từ Hà Nội của Thống tín viên Tân Hoa Xã của Bắc Kinh).

Vì lời tuyên bố như gáo nước lạnh tạt vào mặt lãnh đạo Việt Nam mà họ Phạm đã gặp vào thời điểm này gồm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nên tướng Phạm Trường Long đã lên đường về nước ngay chiều ngày 18/06/2017, không tham dự các hoạt động "giao lưu hữu nghị tại tỉnh Lai Châu và Vân Nam ngày 20/6".

Có tin nói phía Việt Nam rất phẫn nộ và không muốn tướng Phạm Trường Long lưu lại Hà Nội. Sau đó Bộ Quốc phòng Trung Quốc phổ biến một Thông báo ngắn cho biết Bộ này đã hủy sự kiện dự kiến diễn ra trên biên giới "vì các lý do liên quan tới sắp xếp lịch làm việc".

Cả hai trường hợp Ngụy Phượng Hòa và Phạm Trường Long đều không lạ, theo quan điểm của phía Trung Quốc, dựa theo diễn tiến dành quyền chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc từ xưa tới nay, không hề thay đổi.

Bởi vì ngay từ ngày 25/09/2015, trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Barack Obama, trong chuyến thăm Mỹ, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã không ngần ngại tuyên bố :

"Trung Quốc cam kết theo đuổi chính sách phát triển hòa bình, láng giềng tốt và hợp tác với các quốc gia láng giềng của chúng tôi. Các hòn đảo ở biển Nam Trung Hoa, từ thời cổ đại, là lãnh thổ của Trung Quốc. Chúng tôi có toàn quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hợp pháp của chúng tôi, cũng như các quyền lợi chính đáng về hàng hải. Chúng tôi cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở vùng biển Nam Trung Hoa, dung hòa khác biệt và tranh chấp qua đối thoại, thương thuyết, tham khảo lẫn nhau trong hòa bình để mưu tìm giải pháp cùng có lợi thông qua hợp tác" (4).

Khoảng 2 tháng sau, họ Tập lập lại quan điểm này trong diễn văn tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á, thuộc Viện Đại học Quốc gia Tân Gia Ba (NUS, National University of Singapore).

Ông Tập nói vào sáng ngày 07/11/2015 : "Những hòn đảo trên Biển Đông là thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại, do đó Trung Quốc phải giữ gìn chủ quyền và lợi ích biển của mình".

Ngay sau đó, ông Tập nhấn mạnh : "Trung Quốc đang tìm cách giải quyết những vấn đề tồn tại giữa họ và các nước đang "chiếm một số đảo" (Straits Times, Singapore)

Con giun - con dế

Cũng đáng quan tâm là Tập Cận Bình đã nói như thế ở Tân Gia Ba chỉ 1 ngày sau khi kết thúc chuyến thăm 2 ngày ở Việt Nam. Ngoài các cuộc gặp lãnh đạo đảng và nhà nước, họ Tập còn đọc diễn văn trước Quốc hội ở Hà Nội ngày 6/11/2015.

Ông Tập nói : "Hai bên cần kiên trì, lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng… Chữ tín là nền tảng để làm bạn… Khi đại sự được coi trọng thì tiểu sự sẽ không khó giải quyết".

Ông cũng khoe với Quốc hội Việt Nam : "Dân tộc Trung Hoa từ trước đến nay đều yêu hòa bình, cái gen "hòa" của dân tộc từ trước tới nay đều không thay đổi, "hòa" trong văn hóa được bảo lưu trường tồn, mãi mãi…".

Họ Tập còn nhắc đi nhắc lại nhiều lần với Việt Nam phải : "Kiên trì phương châm láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai với tinh thần láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".

Về phấn mình, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi ấy chưa kiêm chức vụ Chủ tịch nước) đã nói trong cuộc tiếp Tập Cận Bình ở Hà Nội : "Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng việc duy trì quan hệ láng giềng hữu nghị với Trung Quốc ; sẵn sàng cùng Trung Quốc đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung đi vào chiều sâu".

Ông Trọng còn đề nghị : "Hai bên phối hợp chặt chẽ để kiểm soát hiệu quả tình hình trên biển ; tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau ; thực hiện nghiêm túc các nhận thức chung và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước ; duy trì nguyên trạng, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, gây căng thẳng tình hình".

Trong khi đó, tại căn phòng huy hoàng tiêu biểu cho tiếng nói toàn dân của Quốc hội sáng ngày 6/11/2015, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng còn hát theo :

"Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự giúp đỡ của Đảng, Chính phủ nhân dân Trung Quốc trong suốt 2 cuộc kháng chiến cứu nước cũng như công cuộc xây dựng bảo vệ đất nước

Tình hữu nghị đoàn kết chiến đấu, hợp tác vừa là đồng chí, vừa là anh em đó không những đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước của nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc mà còn góp phần vào sự nghiệp chung của nhân loại vì hoà bình, độc lập và tiến bộ xã hội. 

Quốc hội Việt Nam sẽ làm hết sức mình hợp tác cùng đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, góp phần củng cố và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị hai nước vì lợi ích của nhân dân hai dân tộc". 

Vẫn trơ mắt ếch

Giờ đây, 4 năm sau, Đảng, Chính phủ và Quốc hội vẫn mang nặng tư duy sợ Trung Quốc nên không dám có phản ứng mạnh trong vụ Tư Chính.

Trước hết, hãy nghe Đại tướng Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch nói tại Diễn đàn Hương Sơn (Trung Quốc). Báo Quân đội Nhân dân tường thuật từ Bắc Kinh :

"Liên quan đến Biển Đông, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho rằng, đây là khu vực chứa đựng nhiều rủi ro an ninh do tác động của nhiều yếu tố, như cạnh tranh giữa các nước lớn ; tranh chấp chủ quyền ; các vấn đề an ninh phi truyền thống. Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, tình hình Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, nếu không được xử lý tốt sẽ tác động đến hòa bình, ổn định tại khu vực, làm xói mòn lòng tin giữa các quốc gia, cản trở những nỗ lực hợp tác của khu vực. Lập trường của Việt Nam là ủng hộ và bảo vệ quyền tự do đi lại, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên trì chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982)".

Tướng Lịch nói : "Vấn đề Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích hợp pháp của mỗi nước với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng. Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực cùng các nước thúc đẩy hợp tác nhằm xây dựng Biển Đông thành một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển, vì lợi ích chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực".

Báo Quân đội nhân dân viết tiếp : "Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Trung Quốc đối với hợp tác phát triển, giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu và khu vực, cũng như các cơ chế hợp tác do ASEAN giữ vai trò trung tâm và những đề xuất, sáng kiến hợp tác giữa hai bên nhằm duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì lợi ích của mỗi nước và cả khu vực".

Giữa Việt Nam và Trung Quốc, ông Lịch được trích lời nói rằng : "Trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị, những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc phải được kiên trì xử lý theo tinh thần thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực".

Tuyệt nhiên không thấy tướng Lịch nói gì đến tình hình Tư Chính. Ông chỉ nói bâng quơ, hời hợt, không dám nói thẳng ra Trung Quốc là nước đang gây bất ổn ở Biển Đông, hay Trung Quốc -qua vụ Hải Dương 8- đang hành động hăm dọa cướp quyền chủ quyền và ăn hiếp Việt Nam.

Ngược lại, ông đã nhắm mắt "ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Trung Quốc đối với hợp tác phát triển, giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu và khu vực".

Thử hỏi ông Lịch : Ông có mơ hồ, viển vông không mà ăn nói quàng xiên như thế ? Trung Quốc đã đóng góp gì cho "an ninh khu vực", hay chính là kẻ phá hoại hòa bình và sự ổn định ở Châu Á-Thái Bình Dương ?

Về mặt Đảng, Hội nghị Trung ương 11, khóa đảng XII mới kết thúc ngày 12/10/2019 cũng không dám ra một Nghị quyết về tình hình Tư Chính, sau khi chỉ "nghe" mà "không thảo luận" về tình hình Biển Đông.

Trong toàn diễn văn, ông Trọng chỉ nói mấy chữ : "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế".

Trong khi Thông báo cuối cùng cũng chỉ nói rập khuôn : "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc".

Đến phiên Quốc hội cũng ù ù cạc cạc. Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, chỉ nói vỏn vẹn mấy chữ trong Diễn văn khai mạc ngày 21/10/2019 rằng : "Tình hình Biển Đông thời gian gần đây có những diễn biến phức tạp, khó lường và những tác động không thuận khác... đã ảnh hưởng không nhỏ đến nước ta".

Rồi bà loan báo như nói cho có chuyện để khỏi bị dân chửi rằng : "Bên cạnh đó, Quốc hội nghe báo cáo về công tác đối ngoại năm 2019, trong đó có tình hình Biển Đông".

tq1

Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam chỉ biết đồng ca bài "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc", rồi... thôi !

Tại sao lại chỉ "nghe" mà không nói rõ "và thảo luận", vì nếu chỉ nghe qua rồi xếp xó thì nghe làm gì cho tốn giờ và tốn tiền của dân ? Quốc hội, đại diện của dân mà không biết hành động khi Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng an ninh và chủ quyền biển đảo của Quốc gia thì có Quốc hội để làm gì ?

Nhưng như thế xem ra chưa đủ. Trong báo cáo tình hình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ biết "tát nước theo mưa", nói lại như con vẹt quan điểm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng :

"Tình hình khu vực, biển Đông diễn biến rất phức tạp.

Tình hình Biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao. Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng ; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước".

Ông Phúc nói tiếp : "Chúng ta đã, đang và tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và đấu tranh trên thực địa ; đồng thời gìn giữ môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước. Chủ trương đúng đắn, lập trường chính nghĩa và các nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta đã nhận được sự đồng tình, chung sức của nhân dân cả nước và sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế".

Thêm lần nữa, người đứng đầu chính phủ cũng không dám sờ chân lông Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Không dám nói thẳng là Trung Quốc đang "vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam", giống hệt như thái độ ỡm ờ, sợ hãi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Như vậy thì cả Thấy và Tớ có ngất ngư không, hay cả trên xuống dưới đều viển vông, mơ mộng sẽ được Tập Cận Bình tha cho tội chết, nếu không chỉ trích hành động xâm lăng của Trung Quốc ở Tư Chính.

Chẳng lẽ, khi còn làm Thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã có nhiều hành động can đảm chống Trung Quốc hơn Tam đầu chế bây giờ gồm ông Nguyễn Phú Trọng, bà Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Hành động nổi tiếng nhất của ông Dũng là vào ngày 23/05/2014, khi trả lời phỏng vấn của 2 hãng tin AP và Reuters ở Phi Luật Tân, ông Dũng nói : "Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".

Nên nhớ khi ông Dũng đưa ra lời tuyên bố này thì vụ Hải Dương 981 đang sôi động ở vùng biển Nam Hoàng Sa, bên ngoài vịnh Bắc Bộ.

Ông Dũng, được đồn đại, đã bị phe ông Trọng, một người thích ăn nói nhỏ nhẹ với anh láng giềng tướng cướp Trung Quốc, bao vây đến phải "tự ý nghỉ hưu" tại Đại hội đảng XII năm 2016.

Phạm Trần

(23/10/2019)

(1) "The South China Sea islands and Diaoyu islands are inalienable parts of China’s territory. We will not allow even an inch of territory that our ancestors have left to us to be taken away" (Reuters News Agency).

(2) During his 26-minute speech, the Chinese defence chief also said China was committed to the path of peaceful development and would not seek hegemony (The Straits Times, Singapore).

(3) Beijing is a "peace-loving nation" that would never strike first and does not pose a threat to the rest of the world (CNBC).

(4) China is committed to the path of peaceful development and a neighboring foreign policy characterized by good neighborliness and partnership with our neighbors. Islands in the South China Sea since ancient times are China’s territory. We have the right to uphold our own territorial sovereignty and lawful and legitimate maritime rights and interests. We are committed to maintaining peace and stability in the South China Sea, managing differences and disputes through dialogue, and addressing disputes through negotiation, consultation, and peaceful manner, and exploring ways to achieve mutual benefit through cooperation.

****************

"Công hàm Phạm Văn Đồng 1958" phiên bản 2019 ?

Nguyễn Hồng Phúc, VNTB, 23/10/2019

Báo chí Việt Nam đưa tin là ‘Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch phát biểu, khẳng định lập trường của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông tại Diễn đàn Hương Sơn, Bắc Kinh sáng 21/10’.

ngoxuanlich1

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch phát biểu, khẳng định lập trường của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông tại Diễn đàn Hương Sơn, Bắc Kinh sáng 21/10/2019

"Tôi đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng luật pháp quốc tế ; nghiêm chỉnh chấp hành Hiến chương Liên hiệp quốc, các nghị quyết của Hội đồng bảo an, thỏa thuận tại cơ chế hợp tác quốc phòng - an ninh quốc tế và khu vực, trong đó có ADMM+ [1] ; đó vừa là yếu tố đảm bảo sự công bằng, khách quan trong quan hệ giữa các nước và đặc biệt là trong xử lý các mâu thuẫn, bất đồng ; đồng thời cũng là đặc trưng của một xã hội văn minh và phát triển mà chúng ta đang hướng đến, ở đó không có cường quyền và áp đặt".

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch có đoạn diễn văn như trên tại Diễn đàn.

Tuy nhiên, theo như những gì đăng tải trên báo chí của Việt Nam, thì đoạn tường thuật sau đây cho thấy rất đáng lo ngại cho một kịch bản tương tự vụ ‘công hàm Phạm Văn Đồng 1958’ [2] : "Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng phát biểu rằng, trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị, những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc phải cần được kiên trì xử lý theo tinh thần Thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực".

Thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai nước’ là thỏa thuận được ký kết thời gian nào, có những điều khoản chi tiết ra sao [3] ? 

Các thỏa thuận này, về nguyên tắc của một nhà nước pháp quyền – dù là pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thì vẫn buộc phải chịu sự điều chỉnh của Luật Điều ước quốc tế mà Quốc hội Việt Nam đã thông qua ngày 09/04/2016, hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016 ; hoặc phiên bản trước đó của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, số 41/2005/QH11.

Tư cách công dân Việt Nam, người viết yêu cầu cần Quốc hội phải tường minh về "thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai nước" mà ông Ngô Xuân Lịch đã phát biểu công khai tại Bắc Kinh. 

Cũng tại Diễn đàn Hương Sơn, có lẽ vì hiểu rất rõ nội dung trong ‘thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai nước’, nên Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, tướng Ngụy Phượng Hòa đã có bài phát biểu khẳng định : "Các đảo ở Biển Đông và quần đảo Điếu Ngư (ở biển Hoa Đông) là những phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không cho phép dù chỉ một tấc lãnh thổ mà tổ tiên của chúng tôi đã để lại bị lấy đi". 

Biển Đông và Hoa Đông là hai vùng biển mà Trung Quốc đang có tranh chấp về chủ quyền với các nước láng giềng, trong đó ở Biển Đông là với các nước thuộc khu vực Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, ở biển Hoa Đông là với Nhật Bản trong đó có quần đảo Điếu Ngư hiện do Nhật kiểm soát.

Tại Hà Nội, quan sát phiên làm việc đầu tiên của Quốc hội hôm 21/10, từ "Biển Đông" đã xuất hiện ít nhất 6 lần trong phát biểu của các nhà lãnh đạo tại hội trường Diên Hồng, bao gồm bà Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Vũ Hồng Thanh và ông Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

"Chủ quyền Tổ quốc là thiêng liêng và bất khả xâm phạm" là cụm từ được sử dụng trong các diễn văn của những ông, bà lãnh đạo hôm 21/10. Như vậy, xem ra nếu vì lý do gì đó không thể/ chưa thể làm rõ lời phát biểu tại Bắc Kinh của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, tướng Ngô Xuân Lịch về cái gọi là ‘thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai nước’, thì cần thiết việc Quốc hội Việt Nam ban hành một nghị quyết, về yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiến hành một khởi kiện ra tòa quốc tế thích hợp cho việc tranh chấp về chủ quyền này. 

Hồ sơ của vụ khởi kiện đó sẽ làm lộ mặt ai là những kẻ bán nước, những tên mãi quốc cầu vinh ở hôm nay.

Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn : VNTB, 23/10/2019

Chú thích :

[1] Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á với các nước đối tác (ADMM+)

[2] Công hàm của ông Phạm Văn Đồng viết như sau : "Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng Lí rõ, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ghi nhận và tán thành lời tuyên bố ngày 4/9/1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tôn trọng quyết định đó và sẽ chỉ thị cho các cơ quan nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên mặt bể".

Phía Trung Quốc lập luận rằng, với tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa Phạm Văn Đồng năm 1958, Việt Nam đã từ bỏ quyền của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Ghi thêm của Thông Luận :

[3] Những thỏa thuận nói trên đã được phía Việt Nam và Trung Quốc công bố qua những Tuyên bố chung năm 2013 và 2015 : Những thỏa thuận hậu Thành Đô 5 - Bằng chứng của một sự phản bội:

1. Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc ngày 15/10/2013 tại Hà Nội giữa Lý Khắc Cường và Nguyễn Tấn Dũng) :  Về hợp tác trên biển : Hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc"

2. Tuyên bố chung Trung Quốc - Việt Nam ngày 08/05/2015 tại Bắc Kinh giữa Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng :

- Hai bên trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhấn mạnh tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc"…

- Hai bên nhất trí thúc đẩy hoạt động của Nhóm bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm, vững bước thúc đẩy đàm phán phân định khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này, sớm khởi động khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ trong năm nay...

3. Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc ngày 06/11/2015 tại Hà Nội giữa Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang và Tập Cận Bình  :

- Hai bên đã trao đổi chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhấn mạnh nghiêm túc tuân thủ những nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước ; nghiêm túc thực hiện"Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc"…

- Hai bên tuyên bố khởi động hoạt động khảo sát chung trên thực địa tại khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ vào trung tuần tháng 12 năm 2015, cho rằng đây là bước khởi đầu quan trọng cho việc hai bên triển khai hợp tác trên biển ; thúc đẩy vững chắc đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này ; Nhất trí gia tăng cường độ đàm phán Nhóm công tác cấp chuyên viên về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, tiếp tục thúc đẩy công việc của Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm, tuyên bố khởi động dự án hợp tác nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang.

- Hai bên nhất trí cùng nhau kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ và có hiệu quả "Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC), thúc đẩy sớm đạt được "Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông" (COC) trên cơ sở hiệp thương thống nhất, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp ; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và quan hệ Việt - Trung.

Quay lại trang chủ
Read 700 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)