Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/09/2019

Mặt trận Tổ quốc và Quốc hội vẫn chỉ là những tổ chức tay sai của Đảng cộng sản

RFA tiếng Việt

Mặt trận Tổ quốc phải có tiếng nói bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông (RFA, 20/09/2019)

Nhiều ý kiến thẳng thắn của các đại biểu được nêu ra trong phiên họp ngày thứ nhất Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 diễn ra vào chiều ngày 18/9 tại Hà Nội, về báo cáo kiểm điểm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII. Trong đó, phần đông cho rằng, Mặt trận Tổ quốc chưa bày tỏ thái độ chính kiến trước một số vấn đề cấp bách mà xã hội quan tâm thời gian gần đây, đặc biệt là tình hình căng thẳng Biển Đông.

mttq1

Chuẩn Đô đốc ông Lê Kế Lâm phát biểu tại phiên họp. RFA Edited

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, tình hình biển đảo Việt Nam hiện nay không yên ổn và đang khá sôi sục nhưng trong báo cáo kiểm điểm của Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc không đề cập đến và ông đề nghị Mặt trận Tổ quốc cần quan tâm đến biển đảo, đưa vấn đề biển đảo vào báo cáo kiểm điểm.

Đài Á Châu Tự Do hôm 19/9 đã liên lạc với Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm và có cuộc trò chuyện nhanh liên quan đến chất vấn của ông và được ông trả lời :

"Phát biểu của tôi căn cứ vào nguyện vọng của nhân dân và tình hình thực tế diễn biến trên Biển Đông trong những ngày gần đây phức tạp. Tôi thấy trong báo cáo có nêu nhưng ít quá, chưa đủ mức độ của nó nên tôi có chất vấn. Tôi có đề nghị cần làm rõ vấn đề này, sau đó nhiều người ủng hộ tôi nói rằng là anh nói lên như vậy là sự thật lịch sử, sự thật trên Biển Đông và rõ ràng toàn dân quan tâm".

RFA : Thưa Chuẩn Đô đốc, vậy ông nghĩ vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong vấn đề này như thế nào ?

Lê Kế Lâm : Mặt trận cũng như đoàn thể quần chúng xung quanh Mặt trận thì đều một lòng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tất cả quyền lợi của dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam, trên không, trên đất liền cũng như trên biển. Do đó, mặt trận là họ quan tâm toàn diện, quan tâm đến đời sống, vật chất tinh thần của nhân dân vào sự phát triển của đất nước, thì tất nhiên trong vấn đề biển đảo cũng có nêu đến chứ không phải là không nêu.

RFA : Cũng liên quan Biển Đông, Mặt trận tổ quốc phải đóng vai trò người trong cuộc chứ không phải là một quan sát viên ? (theo ý kiến của đại biểu Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch nêu trong Hội nghị Đoàn chủ tịch lần thứ 17 diễn ra trong tháng 7 vừa qua ), ông nghĩ sao về ý kiến này ?. Tại sao sau kiến nghị của ông Kim, trong báo cáo lần này của Mặt trận Tổ quốc vẫn không nhắc đến vai trò của Mặt trận Tổ quốc về Biển Đông ?

Lê Kế Lâm : Quyền đó là của đoàn chủ tịch và của lãnh đạo Mặt trận, còn nhân dân thì có quyền nói lên bức xúc của nhân dân. Tất nhiên, mặt trận là đại diện cho toàn dân nên mặt trận cần phải có tiếng nói thỏa đáng trong mọi vấn đề của đất nước của dân tộc. Tôi nghĩ trước sau gì thì Mặt trận cũng thể hiện quyết tâm của mình mà đó cũng là quyết tâm của toàn dân.

RFA : Đối với kiến nghị lần này của ông sẽ thế nào, thưa ông ?

Lê Kế Lâm : Chiều nay có chia tổ để thảo luận thì cũng có nhiều đại biểu bức xúc nói về vấn đề này. Tôi hoàn toàn đồng tình và có kiến nghị rằng, trong lời kêu gọi của nhân dân cũng như trong nghị quyết là phải có vấn đề về Biển Đông, đặc biệt là trong tình hình hiện nay thì nên nói cho đúng mức độ và thỏa đáng với nguyện vọng và mong ước của nhân dân.

RFA : Thưa ông, trong tình huống xấu nhất, kiến nghị của ông vẫn không được lắng nghe, ông có thể chia sẻ việc tiếp tục lên tiếng ra sao với tư cách là một người sĩ quan Hải quân trước tình thế ở Biển Đông hiện nay ?

mttq2

Tàu cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc ngoài Biển Đông. AFP

Lê Kế Lâm : Nói thật rằng tôi tin là sẽ không có vấn đề gì đâu, có thể lúc này chưa nói được thì sẽ nói vào lúc khác nhưng có một cái nhất quán là mặt trận dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam thì sẽ là chỗ dựa của nhân dân trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nhân dân Việt Nam trên Biển Đông theo luật quốc tế năm 1982. Việc này sớm muộn gì người ta cũng biểu thị tùy theo tình hình phát triển xấu hay không xấu trên biển và sẽ có thái độ đúng mực mà thôi.

RFA : Ông có gặp gỡ những vị khác để cùng bàn bạc về tình thế hiện nay và nhận được những ý kiến gì không, thưa ông ?

Lê Kế Lâm : Có chứ, ngoài giờ trong lúc giải lao tôi có gặp và trao đổi nhiều. Tôi cũng nói với cả những người có trách nhiệm trong đoàn chủ tịch, cũng như trong thường trực của mặt trận. Tôi phản ảnh lên nguyện vọng của nhân dân và đề nghị nên có lời tuyên bố có mức độ để người dân tin tưởng cũng như kêu gọi sự đoàn kết của toàn dân trong nhiệm vụ đấu tranh để bảo vệ mọi quyền lợi của nhân dân trên không, trên đất liền cũng như trên biển và phù hợp với luật pháp quốc tế, phù hợp với thực tế lịch sử Việt Nam.

RFA : Đảng cộng sản Việt Nam vừa là tổ chức thành viên vừa lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo Cương lĩnh, Hiến pháp và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong khi đó Mặt trận Tổ quốc là đại diện cho dân nên phải thể hiện được những yêu cầu cấp thiết trong việc bảo vệ vững chắc lãnh thổ của tổ quốc. Theo ông Mặt trận Tổ quốc cần phải làm gì hiện nay để thể hiện rõ trách nhiệm của tổ chức ?

Lê Kế Lâm : Họ đương làm đó thôi, đang lãnh đạo toàn dân tập hợp, kết nối, bắc cầu giữa lãnh đạo với nhân dân và mọi thành phần trong nhân dân để thực hiện nhiệm vụ chính trị và làm sao cho Việt Nam theo lời di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh là phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

RFA : Vậy theo Chuẩn Đô đốc, Mặt trận Tổ quốc cần phải cải tổ ra sao để có thể phát huy được sức mạnh của toàn dân như yêu cầu đề ra, đặc biệt trong tình hình hiện nay ?

Lê Kế Lâm : Cái này báo chí trên đài sẽ công bố về phương hướng hoạt động của Mặt trận trong nhiệm kỳ IX, có nói rõ vấn đề cần làm như thế nào, chương trình hành động ra sao, giải pháp thế nào. Theo dõi trên đài báo Việt Nam cũng như sẽ có website của Mặt trận dịch ra tiếng nước ngoài.

RFA : Xin cảm ơn Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện hôm nay.

RFA tiếng Việt, 19/09/2019

******************

Ông Trần Thanh Mẫn tái cử Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (RFA, 20/09/2019)

Ông Trần Thanh Mẫn, 57 tuổi, vừa tái cử chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024, theo thông tin từ truyền thông trong nước ngày 20 tháng 9.

mttq3

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn - Courtesy of mattran.org.vn

Ông Mẫn (cùng với ông Trần Cẩm Tú) là hai thành viên mới được Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, bầu vào Ban bí thư Trung ương hồi tháng 5/2018.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu các ứng cử viên cho các cuộc bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân tại Việt Nam. Ngoài ra, Mặt trận tổ quốc cũng dảm nhiệm vai trò giám sát các cuộc bầu cử quốc hội.

Cùng với việc tái cử, ông Mẫn nhận chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc : "Mặt trận Tổ quốc cần phát huy dân chủ, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc. Mặt trận Tổ quốc cần tiếp tục xứng đáng với vai trò là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân ; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, là tổ chức nòng cốt trong hệ thống chính trị ở Việt Nam".

Theo báo Zing hôm 20/9, ông Mẫn là tiến sĩ kinh tế, có bằng cử nhân chính trị. Ông là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa X ; XI ; XII, đại biểu Quốc hội khóa XIII ; XIV.

Hồi năm 2017, ông Mẫn được cử làm chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thay cho ông Nguyễn Thiện Nhân, người được Bộ Chính trị phân công làm bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ở thời điểm đó sau khi ông Đinh La Thăng "ngã ngựa".

Cá nhân ông Trần Thanh Mẫn đến nay được ghi nhận không có nhiều dấu ấn về phát ngôn hay hành động trên chính trường Việt Nam.

Website của Đảng cộng sản Việt Nam hôm 17/9 dẫn phát ngôn chỉ đạo khá chung chung của ông Mẫn : "Cần phát huy vai trò chủ động, chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm, nhất là việc xác định, lựa chọn nội dung, phạm vi, hình thức giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương…"

Tuy vậy, ông Mẫn đang được xem là một trong những ứng viên tương lai cho chức ủy viên Bộ chính trị. Theo phân tích của nhà nghiên cứu chính trị Lê Hồng Hiệp đang làm việc tại Singapore, Ban bí thư trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam giống như một bước đệm để các đảng viên cao cấp bước vào Bộ Chính trị.

Đáng lưu ý, trong bối cảnh căng thẳng tại Bãi Tư Chính giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn, báo cáo của Mặt trận Tổ quốc tại Đại hội đại biểu toàn quốc không nhắc đến vai trò của Mặt trận trong việc lên tiếng về Biển Đông.

Trả lời RFA hôm 19/9, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc nói : "Nhân dân thì có quyền nói lên bức xúc của nhân dân. Tất nhiên, mặt trận là đại diện cho toàn dân nên mặt trận cần phải có tiếng nói thỏa đáng trong mọi vấn đề của đất nước của dân tộc. Tôi nghĩ trước sau gì thì Mặt trận cũng thể hiện quyết tâm của mình mà đó cũng là quyết tâm của toàn dân".

*******************

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực tâm muốn nghe ý kiến phản biện giúp Đảng và Chính quyền ? (RFA, 19/09/2019)

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc

Phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ IX Mặt trận Tổ quốc (Mặt trận Tổ quốc), vào sáng ngày 19 tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Mặt trận Tổ quốc cần làm tốt vai trò trong chủ trì hiệp thương, phân công, phối hợp với các tổ chức thành viên trong việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội, phải chủ động góp ý kiến với việc hoạch định chính sách, làm người phản biện sắc sảo, chân tình giúp Đảng và chính quyền tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn.

mttq4

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ IX Mặt trận Tổ quốc sáng ngày 19/09/19. Courtesy : chinhphu.vn

Thủ tướng Việt Nam còn lưu ý Mặt trận Tổ quốc nên lựa chọn các nội dung, vấn đề phản biện liên quan tới quyền, lợi ích chính đáng của người dân và những vấn đề bất cập mà dân chúng quan tâm trong bối cảnh một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên quan liêu, tham nhũng cũng như đang có những diễn biến mới, phức tạp trong khu vực và thế giới trước tình hình căng thẳng ở Biển Đông, đe dọa hòa bình, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ…có thể dẫn đến nguy cơ gây mất ổn định và tác động đến niềm tin của nhân dân.

Từ Sài Gòn, ông Lê Công Giàu, nguyên Phó bí thư thường trực Thành đoàn Thanh niên Cộng sản thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh), nguyên Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA rằng yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không có gì là mới mẻ :

"Thông thường mà nói thì những ý kiến phát biểu như thế đã diễn ra nhiều lần rồi, chứ không phải là lần đầu tiên hay gần đây thôi. Tại vì Mặt trận Tổ quốc có danh nghĩa là phải góp ý với Nhà nước, cho nên ông Phúc phải nói theo công thức đó, theo nội dung đó tức là kêu gọi Mặt trận Tổ quốc phải nên lấy ý kiến của mọi người phản ánh với Đảng và Chính phủ…Thật ra ông Phúc phải nói như thế, chứ còn không có cách nào khác".

Còn Blogger Nguyễn Lân Thắng ở Hà Nội không những khẳng định lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam không có tác dụng phản biện mà thậm chí còn nêu lên thực trạng về những tiếng nói phản biện ở Việt Nam không được Đảng và Nhà nước lưu tâm :

"Theo tôi, việc ông Phúc kêu gọi những lời phản biện xã hội từ một cơ quan là Mặt trận Tổ quốc, một nơi hoạt động nhờ vào ngân sách của Nhà nước, thì tôi cho rằng không có tác dụng gì phản biện nhiều. Sự phản biện phải đến từ các cá nhân, cũng như các tổ chức hoàn toàn độc lập về mặt ngân sách cũng như về mặt đảng và hành chính thì mới có tác dụng. Thế còn tất cả những ý kiến phản biện của những chuyên gia, của các cá nhân độc lập hoặc những tổ chức xã hội dân sự từ trước đến nay đều bị bỏ ngoài tai và thập chí rằng người ta còn coi đây là những ý kiến trái chiều, thậm chí là ý kiến của ‘thế lực phản động’".

mttq5

Đoàn nhân sĩ trí thức thay mặt những người đã ký tên vào bản Tuyên bố Biển Đông tuần hành đến trước Đại sứ quán Trung Quốc sáng 8/8/19. Courtesy : Facebook Le Dung vova

Chính phủ sẵn sàng cho phản biện ?

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận, trong nhiều năm qua, không ít lần giới nhân sĩ trí thức cũng như các cựu lãnh đạo, cán bộ lão thành đóng góp ý kiến và đã tham gia ký tên vào nhiều kiến nghị với Chính phủ về các vấn đề của Việt Nam ; tuy nhiên hầu như Chính phủ Việt Nam không hề lưu tâm hay có những phản hồi liên quan các ý kiến đóng góp đó.

Không những vậy, một tình trạng mà những chính phủ trên thế giới và các tổ chức nhân quyền quốc tế cáo buộc Chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền vì sử dụng Luật An ninh mạng để đàn áp và bắt bớ, giam cầm những tiếng nói phản biện độc lập của người dân Việt Nam, với bằng chứng hàng loạt người bị bắt giữ và tuyên án tù trong thời gian gần đây.

Mới nhất trong tháng 9 năm nay, Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) đánh giá Việt Nam là một trong 10 quốc gia kiểm duyệt tự do ngôn luận tệ hại nhất trên thế giới.

Trước lời kêu gọi của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam về phản biện xã hội, phải chủ động góp ý kiến cho Đảng và chính quyền để lãnh đạo quản trị và điều hành đất nước được tốt hơn, ông Nguyễn Khắc Mai-nguyên Trưởng Ban nghiên cứu Ban Dân vận Trung ương khẳng định rằng Chính phủ cần thiết phải tổ chức các cuộc đối thoại với giới phản biện độc lập ở trong nước. Ông Nguyễn Khắc Mai nói :

"Bây giờ quan trọng nhất là tổ chức đối thoại rất nghiêm chỉnh rất khoa học giữa những người đau đáu với tình hình đất nước, là những người có trí tuệ, có bản lĩnh, có lập trường, có kinh nghiệm thì người ta sẽ bàn tính những phương cách đến nơi đến chốn với nhóm lãnh đạo của Đảng. Như thế thì may ra mới có cơ hội".

Theo ông Lê Công Giàu thì để tỏ rõ ý nguyện mong muốn của Chính phủ là muốn lắng nghe phản biện xã hội, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nên bắt đầu lưu ý đến những kiến nghị của giới nhân sĩ trí thức và của người dân liên quan vấn đề dự án cao tốc Bắc Nam hay vấn đề căng thẳng với Trung Quốc tại bãi Tư Chính ngày càng leo thang.

"Gần đây, chúng tôi đã có ký tên để kêu gọi Đảng và Chính phủ có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc ở Biển Đông. Ví dụ, chúng tôi đề nghị là phải kiện Trung Quốc ra tòa và thứ hai là phải liên minh với những nước ủng hộ Việt Nam và ủng hộ tự do ở Biển Đông. Nếu mà Thủ tướng muốn làm như lời ông đã nói thì hãy xem xét và thực hiện hai điều mà chúng tôi vừa kiến nghị đi".

Còn Tiến sĩ Nguyễn Quang A-nguyên Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS, lên tiếng qua trang Facebook cá nhân, kêu gọi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hãy hủy Quyết định số 97/2009/QĐ-Ttg như một việc làm nhỏ đúng thẩm quyền để chứng minh cho mong muốn của chính ông và nếu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm được như thế thì sẽ có vô số người phản biện sắc sảo cho đất nước Việt Nam.

Quyết định số 97/2009/QĐ-Ttg do cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành về danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, trong đó có nội dung quy định "Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ".

*********************

Những "con sâu" trong Quốc hội Việt Nam : Họ là ai ? (RFA, 19/09/2019)

7 Đại biểu quốc hội bị bêu danh

Báo Tiền Phong Online đăng tải thông tin trong 3 năm qua, kể từ đợt bầu cử Đại biểu quốc hội Khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021) đến thời điểm tháng 9 năm 2019 đã có 7 Đại biểu quốc hội (Đại biểu quốc hội) bị miễn nhiệm, cho thôi làm Đại biểu quốc hội, trong đó nhiều người bị kỷ luật hoặc vướng vòng lao lý.

mttq6

Ông Đinh La Thăng (giữa) và ông Trịnh Xuân Thanh (đeo kính) trong phiên tòa tại Hà Nội hôm 8/1/18. AFP

Bảy vị Đại biểu quốc hội được nêu danh bao gồm ông Võ Kim Cự (nguyên Chủ tịch Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam), ông Đinh La Thăng (nguyên Phó Ban Kinh tế Trung ương), ông Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN), bà Phan Thị Mỹ Thanh (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai), Thiếu tướng Lê Đình Nhường (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh), ông Hồ Văn Năm (Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai), ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó Chủ tịch Hậu Giang) và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hương (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam).

Đài RFA nêu câu hỏi với vài người từng tham gia ứng cử trong đợt bầu cử Đại biểu quốc hội (Đại biểu quốc hội) Khóa XIV hồi năm 2016 rằng họ đón nhận thông tin vừa nêu như thế nào và được cô Nguyễn Trang Nhung cho biết :

"Với thông tin đó thì tôi cũng không có gì bất ngờ. Nói chung, tôi tiếp nhận thông tin đó khá là bình thường. Tôi nghĩ có thể một phần họ không thực sự là do dân bầu lên cho nên không thật sự có trách nhiệm với người dân. Thêm nữa là họ cũng không đủ các phẩm chất cần thiết để đảm nhiệm các vị trí đại diện cho người dân, cho nên họ đã thể hiện ra những mặt xấu và do đó đã phạm phải những sai lầm như vậy".

Qua trao đổi với một số những người tự ra ứng cử Đại biểu quốc hội và giới quan sát tình hình Việt Nam thì hầu hết đều cho rằng trong số gần 500 Đại biểu quốc hội Khóa XIV không chỉ có 7 "con sâu" mà thôi, ("con sâu" ở đây được diễn giải theo như cách nói của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang rằng "bầy sâu" thời ông tại vị đã sinh sôi không kiểm soát nỗi).

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng còn nhắc lại người dân Việt Nam thường nói câu cửa miệng rằng "các đồng chí chưa bị lộ mà thôi". Tuy nhiên, trước thông tin liên quan Báo Tiền Phong Online bêu danh 7 vị Đại biểu quốc hội, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định qua đó có thể thấy chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động dù sao cũng có dấu chỉ của sự tiến bộ. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng lý giải về nhận định này của ông :

"Nguyên nhân lớn nhất là xuất phát từ chiến dịch ‘đốt lò’ của ông Nguyễn Phú Trọng. Và, trong chiến dịch đốt lò này thì một trong những quan điểm mà ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra là công khai thông tin về những trường hợp sai phạm nhưng tất nhiên trong thực tế không phải là công khai tất cả mà chỉ công khai một số trường hợp chọn lọc thôi. Vì thế, giới đại biểu quốc hội bị sai phạm cũng nằm trong chiến dịch công khai thông tin đó. Cho nên đó là lý do không thể bưng bít thông tin được như trước đây. Còn trước chiến dịch ‘đốt lò’ thì vẫn bưng bít thông tin. Thành ra nói gì thì nói cũng phải ghi nhận rằng đó là một cái nét dù sao cũng hơi hơi tiến bộ của chiến dịch ‘đốt lò’, chiến dịch được coi là chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng".

Nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng còn nhấn mạnh rằng ngày càng nhiều thông tin liên quan đến giới chức lãnh đạo, cán bộ trong bộ máy Nhà nước và Đại biểu quốc hội sai phạm, tham nhũng…được các cơ quan truyền thông phổ biến rộng rãi trong công luận còn bởi yếu tố đấu đá nội bộ, vạch mặt và thanh trừng lẫn nhau.

mttq7

Ông Hồ Văn Năm, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Nai, bị tước tư cách Đại biểu quốc hội khóa XIV ngày 18/09/19. Courtesy : chinhphu.vn

Quốc hội Việt Nam sẽ ra sao ?

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận trong nhiều năm, không ít tiếng nói của dân chúng và giới đấu tranh dân chủ tại Việt Nam kêu gọi Chính phủ Hà Nội cho trưng cầu dân ý tự do. Một điểm son được quốc tế đánh giá có sự thay đổi qua đợt bầu cử tại Việt Nam hồi năm 2016 là có nhiều người dân chủ động tự ra ứng cử, dù biết rằng sự tham gia ứng cử của họ không đạt được kết quả nào.

Cô Nguyễn Trang Nhung, người từng bị loại ngay từ vòng đầu tiên chia sẻ rằng với tình hình ngày càng có nhiều những "con sâu" là Đại biểu quốc hội bị phanh phui và phơi bày thì cơ quan lập pháp của Việt Nam cũng sẽ không có gì thay đổi trong thời gian sắp tới :

"Tôi không đặt niềm tin nhiều vào sự thay đổi của thể chế nói chung cũng như sự thay đổi của cơ quan lập pháp trong tương lai gần. Tuy nhiên tôi có hy vọng với mong muốn trong tương lai sẽ có sự thay đổi đáng kể, nhưng điều này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những người dân bình thường rằng là chúng ta có sẵn sàng thay thế những người đang ở trong cơ quan lập pháp mà không xứng đáng hay không và chúng ta có sẵn sàng là những người ra ứng cử và trở thành đại biểu quốc hội trong tương lai đại diện cho người dân hay không ?"

Trong khi đó, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng lại cho rằng sẽ có một sự thay đổi ở Quốc hội Việt Nam trong vòng 5 năm tới. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng lập luận :

"Không chỉ là hy vọng mà là quy luật và tin rằng chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai không xa, không tới 5 năm nữa đâu. Tại vì quy luật biến chuyển của chế độ từ toàn trị sang bán dân chủ và sau đó sang dân chủ thì sẽ bắt nguồn cơ bản từ cơ quan nghị viện, tức là cơ quan quốc hội, rồi sau đó mới lan dần sang bộ máy chính quyền, tức là bộ máy hành pháp và cuối cùng là bộ máy của đảng và bộ máy công an. Thế thì ở Việt Nam, theo tôi thì rất nhiều khả năng sẽ xảy ra những chuyển biến vận động thay đổi một cách mềm mại trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam, phải tự biến chuyển, tự nó sẽ có một cuộc cách mạng trong một số năm nữa và cái nơi đầu tiên để xảy ra cuộc cách mạng đó là cơ quan quốc hội. Nếu như trước đây người dân, xã hội dân sự và giới đấu tranh dân chủ-nhân quyền tự ứng cử vào Quốc hội nhưng bị Nhà nước và Đảng cầm quyền gạt đi thì về sau này Đảng cầm quyền sẽ phải chấp nhận một tỷ lệ nhất định của thành phần ứng cử tự do tham gia vào Quốc hội".

Đồng quan điểm với Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một số nhà quan sát tình hình Việt Nam khẳng định với RFA rằng họ có niềm tin một khi Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo chấp nhận một tỷ lệ nhất định của thành phần ứng cử tự do tham gia vào Quốc hội thì đó sẽ là tiền đề cho khởi sự đầu tiên của cơ chế dân chủ, át dần cơ chế toàn trị và sẽ dẫn tới một tương lai chắc chắn tốt đẹp hơn cho đất nước và người dân Việt Nam.

Quay lại trang chủ
Read 486 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)