Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/07/2019

Việt Nam là nơi điều hành các hoạt động tội phạm của Trung Quốc

Minh Châu

Nhận định trên được căn cứ từ việc toàn bộ các đối tượng người Trung Quốc tổ chức hệ thống thiết bị đánh bạc quốc tế tại hơn 100 căn phòng ở khu đô thị Our City, phường Hải Thành, quận Dương Kinh, Hải Phòng đã được Bộ Công an Việt Nam chuẩn bị bàn giao cho phía Công an Trung Quốc.

Vụ án cũng sẽ được Công an Trung Quốc thụ lý điều tra.

toipham1

Khu đô thị Our City, Hải Phòng, là một trong những nơi đặt bản doanh của những hoạt động tội phạm của Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam - Ảnh minh họa

Hệ thống điều hành bài bạc quốc tế tại Hải Phòng

Chiều ngày 28/7, thông tin ban đầu từ cơ quan Công an Hải Phòng cho biết đã tạm giữ hơn 380 đối tượng tham gia vận hành hệ thống thiết bị đánh bạc quốc tế trong hơn 100 phòng kín tại khu đô thị Our City, địa chỉ Km 6, đường Phạm Văn Đồng phường Hải Thành, quận Dương Kinh.

Các đối tượng đều là người Trung Quốc, còn rất trẻ, tuổi từ 18-24, được thuê sang làm việc với mức lương khoảng 3 ngàn nhân dân tệ (khoảng 10 triệu đồng Việt Nam). Những người này có nhiệm vụ điều hành các trang web, tổ chức cho chính công dân Trung Quốc đánh bạc trực tuyến, với các hình thức cá cược thể thao, dự đoán kết quả xổ số, lô đề…

Đến tối ngày 28/7, Công an Hải Phòng nhận định với báo chí rằng đây là đường dây đánh bạc lớn nhất từ trước đến nay cả về quy mô số người nước ngoài tham gia, cho tới số tiền vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam.

Tuy nhiên đến sáng ngày 29/7, phía Bộ Công an Việt Nam lại đưa tin đang tiến hành bàn giao vụ án cùng các đối tượng đang tạm giữ cho phía Công an Trung Quốc. Lý do : Hải Phòng chỉ là nơi đặt các thiết bị công nghệ để vận hành đường dây đánh bạc do người Trung Quốc điều hành. Cả những người chơi bạc, tham gia cá độ hoàn toàn là công dân Trung Quốc. Theo hiệp ước ký kết giữa hai nước về tư pháp, vụ án này sẽ thuộc thẩm quyền điều tra mở rộng, xử lý cuối cùng của công an Trung Quốc.

Hiệp định tương trợ tư pháp Việt – Trung có liên quan ?

Người viết không rõ viện dẫn về ‘hiệp ước ký kết’ gì đó mà phía Bộ Công an Việt Nam đưa ra là gì ? 

Còn theo văn bản có tên "Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa", do Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Nguyễn Đình Lộc và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Hoa Đường Gia Triều ký tại Bắc Kinh ngày 19 tháng 10 năm 1998, thì không thấy nêu về "thẩm quyền điều tra mở rộng, xử lý cuối cùng" của cả phía Việt Nam lẫn Trung Quốc (1).

Ở Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam – Trung Quốc nói trên, ở Điều 23 "Điều tra, thu thập chứng cứ", có các khoản như sau :

"1. Hai Bên ký kết, theo yêu cầu, với mục đích điều tra, thu thập chứng cứ, sẽ lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại và bị can, tiến hành giám định, khám nghiệm tư pháp và tiến hành các hành vi tố tụng khác có liên quan đến việc điều tra thu thập chứng cứ.

2. Ngoài việc phải tuân theo những quy định tại Điều 7 của Hiệp định này (2), yêu cầu điều tra, thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự còn bao gồm cả việc mô tả hành vi phạm tội và những quy định của pháp luật hình sự của Bên ký kết yêu cầu theo đó hành vi này được coi là tội phạm.

3. Bên ký kết được yêu cầu thông báo bằng văn bản cho Bên ký kết yêu cầu kết quả điều tra, thu thập chứng cứ cùng với những tài liệu đã thu thập được có tính chất chứng cứ.

4. Bên ký kết yêu cầu phải giữ bí mật toàn bộ giấy tờ có tính chất chứng cứ do bên ký kết được yêu cầu cung cấp và chỉ sử dụng những tài liệu này cho mục đích đã yêu cầu, trừ trường hợp hai Bên ký kết có thoả thuận khác".

Giao trứng cho ác

Luật Tương trợ tư pháp của Việt Nam (3), ở Điều 8 "Triệu tập và bảo vệ người làm chứng, người giám định", có các điều khoản cụ thể sau :

"1. Trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền có thể triệu tập người làm chứng, người giám định theo quy định của Luật này và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2. Trong giấy triệu tập phải ghi rõ điều kiện làm chứng, giám định và cam kết về việc bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, điều kiện ăn ở, đi lại cho người làm chứng, người giám định.

3. Người làm chứng, người giám định được tạo điều kiện thuận lợi trong nhập cảnh, xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

4. Người làm chứng, người giám định được triệu tập đến Việt Nam không bị bắt, bị tạm giam, tạm giữ hoặc bị điều tra, truy tố, xét xử vì những hành vi sau đây trước khi đến Việt Nam : a) Cung cấp lời khai làm chứng, bản kết luận chuyên môn đối với vụ án mà người đó được triệu tập : b) Phạm tội ở Việt Nam : c) Có quan hệ với đối tượng đang bị điều tra, truy tố, xét xử về hình sự tại Việt Nam : d) Có liên quan đến vụ việc dân sự hoặc hành chính khác tại Việt Nam.

5. Quyền không bị bắt, bị tạm giam, tạm giữ hoặc bị điều tra, truy tố, xét xử của người làm chứng, người giám định quy định tại khoản 4 Điều này chấm dứt nếu người đó không rời Việt Nam sau thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được thông báo bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về việc không cần thiết sự có mặt của họ tại Việt Nam. Thời hạn này không tính vào thời gian mà người làm chứng, người giám định không thể rời Việt Nam vì lý do bất khả kháng".

Như vậy, nếu vụ việc người Trung Quốc "vận hành hệ thống thiết bị đánh bạc quốc tế trong hơn 100 phòng kín tại khu đô thị Our City, địa chỉ Km 6, đường Phạm Văn Đồng phường Hải Thành, quận Dương Kinh, Hải Phòng", không được tiến hành quy trình tố tụng hình sự tại Việt Nam, cho thấy sẽ không thể làm rõ Khu đô thị Our City do chủ đầu tư là người Trung Quốc xây dựng gần 10 năm trước, có diện tích 43ha là nhằm vào các mục đích gì ? Liệu có liên quan đến an ninh quốc gia Việt Nam ?

Được biết, Khu đô thị Our City trong chục năm qua gần như là ‘đặc khu’ của người Trung Quốc sinh sống. Các cơ quan quản lý hành chính của Hải Phòng gần như không thể bước vào khu đô thị này.

Ngoài ra, nếu chấp nhận lý do "theo hiệp ước ký kết giữa hai nước về tư pháp, vụ án này sẽ thuộc thẩm quyền điều tra mở rộng, xử lý cuối cùng của công an Trung Quốc", thì sẽ có rất nhiều địa điểm ở Việt Nam đã và sẽ hình thành các trung tâm điều hành những hoạt động tội phạm người Trung Quốc, mà phía công an Việt Nam dẫu có biết song không thể đủ căn cứ pháp lý cho xử trí.

Minh Châu

Nguồn : VNTB, 31/07/2019

Chú thích :

(1) http://bit.ly/2YuvCzS

(2) Điều 7. Yêu cầu tương trợ tư pháp

1. Yêu cầu tương trợ tư pháp phải gửi bằng văn bản và bao gồm những nội dung sau : 1) Tên và địa chỉ của cơ quan yêu cầu : 2) Tên và địa chỉ của cơ quan được yêu cầu, nếu có thể : 3) Mô tả vụ việc, các vấn đề yêu cầu tương trợ và các thông tin cần thiết khác liên quan đến yêu cầu tương trợ tư pháp : 4) Họ tên, giới tính, địa chỉ, quốc tịch, nghề nghiệp, ngày sinh và nơi sinh của những người có liên quan và tên gọi, địa chỉ của pháp nhân, nếu là pháp nhân : 5) Họ tên, địa chỉ của những người đại diện, nếu có, của những người có liên quan.

2. Nếu Bên ký kết được yêu cầu xét thấy những thông tin nêu trong yêu cầu chưa đầy đủ để giải quyết yêu

3. Yêu cầu tương trợ tư pháp và các tài liệu kèm theo phải do cơ quan yêu cầu ký và đóng dấu.

(3) http://bit.ly/2LP3khI

Quay lại trang chủ
Read 513 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)