Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/07/2019

Công nghệ ướp xác và trưng bày thi hài

Minh Quân

Công nghệ ướp xác và trưng bày thi hài : kinh nghiệm nào từ Việt Nam ?

Ngày 18/7, Hội đồng Khoa học y tế kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã báo cáo Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước việc bảo quản lâu dài, bảo vệ an toàn tuyệt đối thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

xac1

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nơi lưu giữ xác ướp Hồ Chí Minh

Tin tức báo chí cho biết, giáo sư người Nga Banin Victor Vasilievich nói rằng cần quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo các cán bộ y tế, kỹ thuật tham gia công tác giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học giữa Việt Nam và Liên bang Nga để trao đổi, thông báo tiến bộ khoa học mới phục vụ công tác này.

"Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học tiếp tục ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý Lăng trong hợp tác, nghiên cứu khoa học phục vụ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh". Bài báo trên tờ Tuổi Trẻ số phát hành ngày 19/7, có đoạn viết như vậy.

Với tất cả sự tôn kính về người đã khuất – bất kể người ấy là ‘dân đen’ hay lãnh tụ chính trị, bài viết này xin được chia sẻ góc nhìn thuần về mặt thực chứng khoa học, không có bất kỳ ẩn ý/hàm ý nào về sự xúc phạm người đã mất.

Công nghệ ướp xác để trưng bày

Thi hài ông Hồ Chí Minh được cho là đã được ướp và thành công trong việc nửa thế kỷ để trong hòm có độ trong suốt, dành để phục vụ người dân/đoàn ngoại giao/du khách ‘viếng lăng mộ’ như một điểm du lịch khi có dịp tới Hà Nội.

Công nghệ ướp xác ông Hồ Chí Minh, tin tức cho biết là do các chuyên gia ở Viện lăng Lenin của Liên Xô thực hiện. Các chuyên gia của Viện này còn được cho là thực hiện những công trình tương tự đối với Georgi Dmitrov (ở Bulgaria), Josef Stalin (ở Nga), Klement Gottwald (Tiệp Khắc), Mao Trạch Đông (ở Trung Quốc), Kim Il-sung và Kim Jong-il (ở Bắc Hàn).

Điểm chung của việc lưu giữ thi hài để phục vụ ‘trưng bày’ của công nghệ ướp xác của Viện lăng Lenin, là nghiêng về hướng bảo quản nguyên hình dạng, trọng lượng, màu sắc và tính linh hoạt của thi hài, hơn là bảo quản các mô sinh học. Chính điều này cho thấy các xác ướp của những thi hài kể trên khác hẳn với các Pharaon ở Ai Cập cổ đại.

Nếu ai đó từng vào xem "xác ướp Xóm Cải" được trưng bày ở bảo tàng nằm trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn sẽ dễ dàng nhận ra sự tương phản của việc ‘nguyên hình dạng, trọng lượng, màu sắc và tính linh hoạt của thi hài’, so ‘bảo quản các mô sinh học’.

"Họ phải thường xuyên thay thế các bộ phận như da, thịt bằng nhựa và các chất liệu khác", Alexei Yurchak, giáo sư nhân chủng học xã hội của trường Đại học California, nhận xét trong một báo cáo khoa học về ướp xác, năm 2015. Thời điểm đó tại Nga, các nhà khoa học cũng đưa ra lo lắng về mối đe dọa chính với tương lai của lăng mộ, là thiếu lớp nghiên cứu kế cận. Các nhà khoa học đang ngày càng già đi, và không có các nhà nghiên cứu trẻ sẵn sàng để thay thế.

"Những người trẻ tuổi không còn quan tâm đến khoa học lăng tẩm nữa, nó không còn uy tín như xưa", Alexei Yurchak cho biết.

Công nghệ ướp xác và lưu giữ phiên bản ‘ma-de-in-Việt-Nam’ ?

Từ nhận xét của giáo sư nhân chủng học Alexei Yurchak, cho thấy sở dĩ gọi là phiên bản ‘ma-de-in-Việt Nam’, vì theo tài liệu khoa học được đăng tải công khai tại Nga, cứ cách vài ngày các nhà khoa học lại phải đến lăng để kiểm tra thi hài, nơi được nhiệt độ và ánh sáng được tính toán cẩn thận. Và cứ mỗi 18 tháng, Lenin được đưa đến một phòng thí nghiệm dưới lòng đất với ánh sáng lờ mờ để tái ướp và rửa sạch.

Mặc dù các nhà khoa học Liên Xô thời đó đã bảo tồn được phần xương, cơ, da và các cơ quan khác, tất cả các cơ quan nội tạng của Lenin đã được gỡ bỏ. Bộ não Lenin được lấy ra và kiểm tra ở "Viện não Xô Viết", thành lập không lâu sau khi Lenin qua đời, với vai trò cụ thể là nghiên cứu những "khả năng phi thường" của ông. Hiện những mảnh não vẫn còn được bảo tồn cho đến ngày nay tại Trung tâm Thần kinh học, Viện khoa học Nga.

Việc ướp xác, lưu giữ phục vụ trưng bày đối với thi hài ông Hồ Chí Minh được Viện lăng Lenin thực hiện, nên nhiều khả năng các diễn biến cũng tương tự. Như vậy cụ thể đúc kết kinh nghiệm nào từ các nhà khoa học ở Việt Nam trong lãnh vực này cho "công nghệ ướp xác và lưu giữ phiên bản ‘ma-de-in-Việt-Nam" từ sau khi Liên Xô sụp đổ ?

Đáng tiếc là ở "Hội nghị khoa học tổng kết 40 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh" do ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức ngày 9-10-2009, chỉ nêu úp mở mỗi tình tiết, "từ năm 2004 đến nay, các nhà khoa học y tế Việt Nam đã phối hợp với các chuyên gia y tế Liên bang Nga tiến hành pha chế dung dịch đặc biệt tại Việt Nam" (trích tham luận của thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, trưởng ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh). 

Tuy nhiên phải đến năm 2018, phía Nga mới đồng ý chuyển giao công nghệ và phối hợp pha chế dung dịch đặc biệt nói trên tại Việt Nam. "Từ thành công đó, năm 2018 Việt Nam tiếp tục hợp tác xây dựng cơ sở kỹ thuật và sản xuất thành công bộ quần áo đặc biệt cho Chủ tịch Hồ Chí Minh". Thông tin từ thiếu tướng Cao Đình Kiếm, chính ủy Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho biết tại buổi họp báo quí 1 của Bộ Quốc phòng, sáng 3/4/2019.

Họ là những ai ?

"Hội đồng Khoa học y tế kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh" làm việc với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 18/7/2019, gồm có 7 thành viên người Việt Nam và 4 nhà khoa học y tế của Liên bang Nga.

Hội đồng Khoa học y tế cấp Nhà nước về phía Việt Nam bao gồm các thành viên với chức danh cụ thể như sau : Giáo sư, viện sĩ, tiến sĩ khoa học Đặng Vũ Minh - chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, chủ tịch Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước về bảo quản, giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2018 - 2023 làm chủ tịch hội đồng.

Trung tướng, giáo sư, tiến sĩ Đỗ Quyết - giám đốc Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng), ủy viên Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước về bảo quản, giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2018 - 2023 làm ủy viên. Giáo sư, tiến sĩ Tạ Thành Văn - hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, ủy viên Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước về bảo quản, giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2018 - 2023 : ủy viên.

Đại tá, tiến sĩ Vũ Văn Bình - nguyên phó trưởng ban Ban quản lý lăng, nguyên phó tư lệnh Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ủy viên Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước về bảo quản, giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2018 - 2023 : ủy viên. Thiếu tướng, giáo sư, tiến sĩ Vũ Đức Mối - nguyên phó giám đốc Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng), nguyên ủy viên Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước về bảo quản, giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2003 - 2008 : ủy viên.

Đại tá, tiến sĩ Bùi Hải Sơn - tư lệnh Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, phó trưởng ban Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh : ủy viên. Đại tá, tiến sĩ Nguyễn Văn Vận - viện trưởng Viện 69 (Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh), ủy viên Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước về bảo quản, giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2018 - 2023 : ủy viên thư ký.

Về phía Liên bang Nga gồm có 4 nhà khoa học y tế tham gia hội đồng : Giáo sư, viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Khoa học Liên bang Nga Banin Victor Vasilievich, trưởng khoa hình thái (Đại học Y quốc gia Matxcơva mang tên Evdokimov A.I) làm chủ tịch hội đồng. Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Khoa học Liên bang Nga Sidelnikov Nikolai Ivanovich, giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học dược liệu và tinh dầu Liên bang Nga : ủy viên.

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Matveychuk Igor Vasilievich, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu y sinh Matxcơva thuộc Viện Nghiên cứu khoa học dược liệu và tinh dầu Liên bang Nga : ủy viên. Giáo sư, tiến sĩ khoa học, thầy thuốc ưu tú Gribunov Iury Pavlovich, trưởng khoa giải phẫu Bệnh viện Văn phòng Tổng thống Liên bang Nga : ủy viên.

Thay lời kết

Năm 1961, xác ướp Josef Stalin được mang đi chôn trong một nghĩa trang nhỏ. Năm 1962, xác ướp Klement Gottwald được hỏa táng. Tháng 8/1999, xác ướp của Georgi Dimitrov được đem hỏa táng. Nga đang có đề xuất cải táng Lenin.

Từ những lý do sinh học lẫn đạo lý, đã đến lúc phải suy nghĩ đáp ứng ý nguyện được nêu trong "Di chúc Hồ Chí Minh", đó là được hoả táng. Dĩ nhiên, lúc đó thì lăng của ông có thể là nơi lưu trữ đồ lưu niệm, thậm chí có thể trở thành một viện bảo tàng lịch sử.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 20/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 1614 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)