Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/07/2019

Chuyện cái mái vú của bà nghị Xuân

Minh Châu

"Tôi dùng từ ‘cái lu’ vì muốn nhấn mạnh ở khía cạnh tri thức bản địa, theo phương diện dân gian, nhưng mọi người lại đẩy câu chuyện quá xa".

lu1

Lu đựng nước mưa

Trong phiên họp Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vào chiều 12/7, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dân tộc học - Nhân học Thành phố Hồ Chí Minh, đã đề xuất trang bị lu cho người dân để chống ngập.

Theo biện giải của bà nghị Phan Thị Hồng Xuân, "Đây không phải là sáng kiến do tôi tự nghĩ ra mà đã được các chuyên gia của JICA (Nhật Bản) nêu trong chương trình lắng nghe trao đổi vừa qua. JICA cho rằng, nếu Thành phố Hồ Chí Minh vận động mỗi hộ gia đình xây một bể chứa nước 1m3 thì vừa góp phần chống ngập vừa tiết kiệm nước sạch. Không chỉ Nhật mà nhiều nước khác cũng dùng. Đây là giải pháp mềm trong thích ứng với biến đổi khí hậu".

Ở đây, bà nghị Xuân đã ‘bản địa hóa’ cái hồ/ bể chứa nước thành cái lu cơ động và gần gũi hơn. Bà nghị Xuân còn cho biết, "một nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cũng chia sẻ quan điểm với tôi và cho biết một số nhà dân ở Nhà Bè cũng đang dùng các lu, hồ xây để chứa nước mưa, giảm bớt nguy cơ úng ngập. Tôi đã đề nghị đại biểu đó giơ tay phát biểu để Hội đồng nhân dân thấy đây không phải ý kiến chủ quan của cá nhân tôi, nhưng vì hết thời gian nên không kịp phát biểu".

Người viết bài từng có thời gian làm giáo viên ở ấp 4, huyện Nhà Bè hồi thập niên 80 thế kỷ trước, nên chia sẻ với ý kiến của bà nghị Nhà Bè chưa kịp đăng đàn kia. 

Nếu bà nghị ấy kịp phát biểu, tin chắc sẽ càng khiến bà nghị Xuân thêm bối rối, vì lâu nay miệt Nhà Bè, Cần Giờ hay Hóc Môn, Bình Chánh, do phải chịu cảnh nước phèn nên người dân dùng lu, hay còn gọi là mái vú/ mái dú để hứng nước mưa để dành sử dụng trong sinh hoạt, ăn uống. Đất đai ruộng đồng như Nhà Bè thì làm gì có chuyện ngập lụt đô thị như điều đang bàn luận ở nghị trường.

Tôi cho rằng sau khi vấp phản ứng của dư luận, thay vì bà nghị Xuân ‘tiếp thu’ thì lại ‘xù lông’ biện minh trong một phản hồi ngay sau đó với báo chí : "Tôi sinh ra và lớn lên từ nông thôn và không lấy mác Phó Giáo sư Tiến sĩ để phát biểu mà lấy từ kinh nghiệm gốc gác của mình. Nhưng cách nói dân dã quê mùa lại dễ bị phản ứng. Thay vì nói rõ đây là kinh nghiệm từ JICA (Nhật Bản) thì có lẽ đã được chấp nhận dễ hơn. Tôi cũng không thích phát biểu như một người đang lên lớp giảng bài. Cho nên tôi nói vắn tắt, dân dã và đáng tiếc đã xảy ra điều như vậy".

Tôi không biết bà nghị Xuân là dân quê mùa miệt nào, chứ ở vùng Xóm Gà, Gia Định nơi tôi trải quảng đời thơ ấu, thì hồi đó nhà ai dù giàu hay nghèo, dù là thầy giáo quèn, cho tới giáo sư, tiến sĩ đều phải có một hàng lu đựng nước. 

Lu đựng nước uống và lu đựng nước sinh hoạt hằng ngày. Lu đựng nước thường là lu mái dú hay "mái vú", có cái bụng phình to có thể chứa đến năm đôi nước. Bà nghị Xuân chắc quên mất tiêu rằng, đối với lu thì người ta không tính thể tích kiểu mét khối, mà chỉ tính xem đựng được bao nhiêu đôi nước mà thôi. 

Ngoài lu mái dú còn có lu da lươn, lu da lươn màu vàng miệng nhỏ hơn, ốm và cao hơn lu mái dú, trên vai lu thường có đắp nổi hình rồng. Lu da lươn chứa được khoảng ba đến bốn đôi nước.

Hiện tại xóm lò lu ở Thủ Dầu Một, Bình Dương vẫn còn nổi lửa làm lu (1).

Xin mở ngoặc nói thêm, với những cuộc di dân từ các nơi đổ về Sài Gòn tìm kiếm kế sinh nhai, dân cư Sài Gòn đông đến mức quá tải, đẩy ngành cấp nước (người Sài Gòn có thời gọi là thủy cục) lâm vào cảnh khó khăn. 

Vậy là nước giếng khoan ra đời. Cứ việc khoan xuống bơm thẳng lên thùng chứa bằng nhựa, rồi cho chảy xuống các vòi. Nước không cần qua xử lý, nhiều chất độc hại từ nước, từ sự lão hóa bồn nhựa, nhưng dân Sài Gòn cứ việc ăn uống, tắm giặt tỉnh bơ. Cũng là lu, nhưng giờ đây có chất liệu bằng nhựa được gọi là thùng.

Một chút chuyện bên lề về cái lu hồi môn. Tôi không rõ bà nghị Xuân quê ở đâu, chồng con thế nào ?. Người xứ tôi thường cho con cái của mình cặp lu lúc lập gia đình, với mục đích mong cho cái của mình chí thú làm ăn. 

Trà dư tửu hậu ngày cuối tuần, nhân vụ mái vú bà nghị Xuân, ông anh họ của tôi kể hồi mới cưới vợ, ba của anh cũng cho vợ chồng anh cặp lu mà ông đã cẩn thận cất kỹ từ lâu. 

"Ba nói rằng, đây là cặp lu đầu tiên ba cho thằng con lớn, sau này các con sẽ mua thật nhiều lu để chứa nước mưa mà dùng. Thật đúng như ba nói, sau ngày ‘trọng đại’ ấy, tôi đã mua thêm được nhiều cặp lu, nhưng cặp lu cũ kỹ mà ba má cho thì vẫn còn đó, đồng hành với cả nhà trong cuộc sống gia đình...". Anh kể trong tâm tình chia sẻ của người đàn ông nay cũng đã 70, nhớ về ba má của mình.

Tôi chợt nhớ hôm về quê bận tết rồi, người dì vốn là ‘bà mụ’ nay đã ngoài 80, bỏm bẻm nhai trầu nhắc chừng con cháu vầy, đại khái : "Bây chắc không biết nước trong hai cái mái dú dù uống trong năm hay để qua mùa đều có hồn ; bây uống cái hồn nước để bây biết thương cha thương mẹ, thương đất, thương người, thương cây thương cỏ. Nếu bây thành kẻ bề thế bỏ quên nước, buôn bán đổi chác, bây hãy mở nắp mái dú, bây sẽ nghe nước trong mái dú khóc than. Tao không nói gạt gì bây, với quân phụ nước tao không nói tới, còn với người có bụng trọng nước mà lỡ lầm, nước cứ hành đau đớn như vú đàn bà căng sữa vì mất con vậy…".

Những ngày này, tin tức từ biển Đông, từ bãi Tư Chính nơi Việt Nam có nhà giàn DK1 đang đẩy sự phẫn nộ của người dân mỗi lúc càng lên cao, chợt nghĩ, không biết mái dú của bà nghị Xuân có lần nào biết đến "đau đớn như vú đàn bà căng sữa vì mất con vậy" ?

Minh Châu

Nguồn : VNTB, 14/07/2019

(1) https://www.youtube.com/watch?v=D4aRYZGUVAY

Quay lại trang chủ
Read 1136 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)