Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/07/2019

Có xóa bỏ ‘phí ăn cướp 3%’ ?

Thường Sơn

Sau nhiều năm đằng đẵng không chịu từ bỏ cơ chế độc quyến về ‘quản lý công đoàn’, cuối cùng chính thể độc tài Việt Nam đã phải chấp nhận sửa Luật Công đoàn sau khi hai hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Châu Âu - Việt Nam) và EVIPA (Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Liên Hiệp Châu Âu) được chính thức ký kết vào ngày 30/6/2019 tại Hà Nội.

congdoan0

Hội thảo về một số đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn - Ảnh minh họa

Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam - một trong số 6 ‘cánh tay nối dài của đảng’ đã dự kiến phạm viLuật Công đoàn sửa đổi sẽ tập trung điều chỉnh với 6 nhóm quy định chủ yếu : Vai trò, quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn ; Nguyên tắc tổ chức và chỉ đạo hoạt động công đoàn ; Quyền gia nhậpcông đoàn của người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ; Quyền gia nhập hệ thốngcông đoàn Việt Nam của tổ chức đại diện người lao động ; Các hành vi phân biệt đối xử và can thiệp, thao túng chống công đoàn ; Tài chính công đoàn.

Theo kế hoạch, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn dự kiến trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020).

Thế nhưng một trong những nội dung cốt lõi trong Luật Công đoàn cần phải xóa bỏ là ‘phí ăn cướp 3%’ vẫn không được Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam nêu ra, trong khi trước đó chính chủ thể này đã là tác nhân muốn giấu biến Luật Công đoàn để khỏi phải sửa đổi.

Trong rất nhiều năm qua, bằng một quy định tài chính tự đặt ra, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam - tổ chức được xem là ‘cánh tay nối dài của đảng’ - đã nghiễm nhiên phè phỡn hưởng thụ ít nhất 3% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp (gồm 2% do doanh nghiệp phải ‘đóng góp’ và 1% từ thu nhập của người lao động).

Một quy định mà rất nhiều doanh nghiệp và công nhân đã phẫn nộ : ‘không ăn cướp thì là cái gì !’.

Nhưng cho tới nay, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam vẫn chưa hề minh bạch tài chính, hay nói thẳng là chưa hề công bố con số thu hàng năm từ ‘phí ăn cướp 3%’ là bao nhiêu, chi cho những mục gì và số tiền mà cơ quan này lợi dụng để ‘ăn chơi nhảy múa’ thâm lạm đến mức nào.

Trong thâm niên ‘ăn tạp’ của mình, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã chưa bao giờ đồng thuận, càng không hề lãnh đạo, tổ chức bất kỳ vụ đình công nào với bất kỳ yêu cầu biểu thị chính đáng nào của công nhân trong gần 1.000 cuộc đình công tự phát hàng năm.

Nhiều nguồn tin từ giới công nhân còn khẳng định rằng nhiều lãnh đạo công đoàn nhà nước đã được trả lương cao để phục vụ cho giới chủ đầu tư và bảo vệ lợi ích của đảng cầm quyền, thay vì bảo vệ người lao động. Ngay cả một số nhà nghiên cứu thuộc chính quyền cũng không che giấu rằng không phải là điều bất thường khi các nhà quản lý trở thành lãnh đạo công đoàn và sử dụng công cụ này để thao túng các cuộc bầu cử công đoàn. Rất nhiều ví dụ trong thực tế đã cho thấy giới lãnh đạo công đoàn ở nhiều địa phương đã thỏa hiệp và toa rập với giới chủ và công an địa phương để theo dõi công nhân, chỉ điểm những người đứng đầu phong trào đình công để công an truy xét, sách nhiễu và bắt bớ họ.

Được xem là ‘anh em sinh đôi’ với Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn ‘ăn cướp 3%’ là một trong những chân kiềng cho chế độ độc tài và độc quyền cả về bóp hầu bóp cổ công nhân.

Mối quan hệ giữa Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam với những đơn vị do cơ quan này làm ‘chủ quản’ thậm chí còn tồi tệ đến mức vào tháng 6 năm 2019, Đại học Tôn Đức Thắng ở Sài Gòn đã trở thành địa chỉ đầu tiên tố cáo cơ quan chủ quản của đại học này là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam về chế độ ‘nộp tô’ đến 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế (có thể hiểu là phải nộp đến 30% của phần lợi nhuận ròng sau khi đã nộp thuế).

Đáng chú ý, thư tố cáo trên mà được gửi đến các cơ quan của đảng và chính quyền, nhưng không phải ‘lưu hành nội bộ’ mà được Đại học Tôn Đức Thắng công bố cho báo chí nhà nước - như một thông điệp sẵn sàng đối mặt với cơ chế đầy bất công và tham lam của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

Có thể cho rằng đây là lần đầu tiên Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam bị một vố đau điếng từ thư tố cáo của một đơn vị do cơ quan này làm chủ quản. Và cũng là lần đầu tiên một đơn vị cấp dưới như Đại học Tôn Đức Thắng thấm thía về thói hư tật xấu và nạn thù vặt bẩn thỉu đê tiện của giới quan chức chủ quản luôn tụng niệm ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ và ‘luôn chăm lo và bảo vệ quyền lợi người lao động’ là đến mức nào.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 09/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 462 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)