Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/04/2019

Về văn thư của Trưởng phòng Giáo dục quận Tân Bình

Thảo Vy & Minh Châu

Cần cách chức trưởng phòng giáo dục quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh

Thảo Vy, VNTB, 08/04/2019

Phải kiên quyết kỷ luật ở mức cao nhất là đuổi ra khỏi ngành giáo dục ông Trần Khắc Huy, vì đã đưa ra lệnh buộc các thầy cô giáo phải tuyên truyền sự gian dối. Đồng thời ở đây còn có dấu hiệu của lũng đoạn lợi ích nhóm, cản trở tư pháp, cố tình phá hoại nền pháp chế xã hội chủ nghĩa !

vanthu1

vanthu2

Văn bản được ghi số thứ tự phát hành là 01/GDĐT-VP, ký ngày 26/03/2019 của trưởng phòng Giáo dục quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt quá thẩm quyền và sai trái các nội dung.

Lời đề nghị khiếm nhã hay cái tát vào nền pháp chế xã hội chủ nghĩa ?

Một văn bản ký ngày 26/03/2019 của trưởng phòng Giáo dục quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, có tiêu đề "Tổ chức tuyên truyền việc thực hiện dự án xây dựng cụm trường học đạt chuẩn quốc gia tại khu đất công trình công cộng phường 6, quận Tân Bình". Văn bản được ghi số thứ tự phát hành là 01/GDĐT-VP. Nơi nhận là hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập, ngoài công lập và đơn vị trực thuộc.

Trưởng phòng Giáo dục quận Tân Bình, ông Trần Khắc Huy đưa ra các yêu cầu cụ thể như sau : "1. Khẳng định tính pháp lý khu đất công trình công cộng tại phường 6 là đất công. 2. Khẳng định việc cưỡng chế xây dựng vi phạm pháp luật trên đất công trình công cộng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. 3. Khẳng định giá hỗ trợ trực canh trên đất công trình công cộng tại phường 6 là không thay đổi. 4. Khẳng định đất công trình công cộng tại phường 6 được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ giáo dục – đào tạo và nhu cầu an sinh xã hội của nhân dân. 5. Kêu gọi, động viên nhân dân trực canh trên đất công trình công cộng tại phường 6 cùng chính quyền quận Tân Bình thực hiện việc kê khai, sử dụng đất để quận hoàn thành công tác chi hỗ trợ ; kêu gọi người dân không nghe lời tuyên truyền, xuyên tạc, xúi giục, kích động của đối tượng xấu làm ảnh hưởng đến công tác quản lý đất công trình và thực hiện các dự án phục vụ nhu cầu giáo dục – đào tạo và an sinh xã hội ; đồng thời kêu gọi nhân dân tích cực, mạnh dạn tố giác các đối tượng có hành vi chống đối, phá hoại, cản trở công tác quản lý nhà nước của quận và thực hiện các dự án trên đất công trình công cộng tại phường 6".

Ông Trần Khắc Huy yêu cầu 5 nội dung trên "phải thực hiện thường xuyên trong các buổi chào cờ sáng thứ 2 hàng tuần và trong các cuộc họp, sinh hoạt giáo viên định kỳ". "Tập trung tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục từ tháng 3/2019 đến 30/6/2019".

Như vậy, cả 5 yêu cầu của ông Trần Khắc Huy đã có dấu hiệu của hành vi cản trở tư pháp, vì trong vụ việc "các dự án trên đất công trình công cộng tại phường 6", hay còn gọi là "vườn rau Lộc Hưng", theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, "giữ nguyên hiện trạng khu đất, không tiến hành xây dựng, rào chắn khu Vườn Rau Lộc Hưng" trong thời gian chờ đợi "Lãnh Đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tiếp xúc, đối thoại, giải quyết dứt điểm". Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) đã có công văn số 318/BTCD-TD1 chuyển đơn của công dân đến Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh với yêu cầu cụ thể như vậy.

Ông trưởng phòng giáo dục quận đã kết luận thay cho chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh

Trong buổi gặp gỡ vào sáng ngày 18/02/2019 tại trụ sở Ban Tiếp công dân Trung ương của Thanh tra Chính phủ, đại diện người dân ở ‘vườn rau Lộc Hưng’ ngụ tại đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình, đã đưa ra các giấy tờ pháp lý cho biết đất khu vườn rau Lộc Hưng thuộc quyền quản lý và sở hữu của bà con từ những năm 1954 do Giáo hội Công giáo cấp, được bà con sử dụng đất ổn định và liên tục cho đến hôm nay. Điều này đã được Linh mục Huỳnh Công Minh, Tổng Đại diện của Hồng y Tổng Giám mục Giáo phận Sài Gòn, với tư cách chủ đất khẳng định với các cơ quan có thẩm quyền vào năm 2007. 

Đất của bà con vườn rau sử dụng ổn định và lâu dài từ năm 1954 cho đến nay, gần 65 năm, với mục đích canh tác thể hiện qua các biên lai nghĩa vụ thuế, phiếu thu đóng góp nghĩa vụ khác, bản đồ diện tích đất vườn rau… Và Giáo hội Công giáo và người dân nơi đây chưa bao giờ từ bỏ quyền sử dụng đất vườn rau, cũng như chưa bao giờ ký bất kỳ một văn bản nào của các cấp có thẩm quyền để tước bỏ quyền sử dụng đất của mình. Do đó người dân có đầy đủ cơ sở để được các cơ quan có thẩm quyền công nhận "quyền sử dụng" đất tại khu vườn rau Lộc Hưng. 

Luật sư Trần Thành phân tích, theo pháp luật đất đai ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguồn gốc đất Lộc Hưng là đất nông nghiệp từ năm 1954 và từ đó đến nay một số gia đình đến Lộc Hưng sinh sống trên đất nông nghiệp. Không phải vì lẽ đó mà người dân không có quyền lợi, bởi bản thân đất cát là tài sản đặc biệt cứ chiếm giữ ngay tình và sinh sống có giấy tờ gắn với nơi sinh sống sẽ tạo thành loại đất mới có tên "sử dụng đất ổn định". 

Tiêu chí đất sử dụng ổn định có thể dùng để bảo vệ quyền lợi cho hộ gia đình cá nhân như : Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, hóa đơn tiền điện, hóa đơn tiền nước, internet, cáp truyền hình… Một khi thuộc "sử dụng đất ổn định", theo định nghĩa chỉ có 2 khả năng pháp lý là thu hồi đất hoặc cấp giấy chứng nhận. Trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận, thì bản chất nhân đạo của pháp chế xã hội chủ nghĩa, cho phép người sử dụng đất tiếp tục sử dụng đất đến khi có dự án và phải ban hành quyết định thu hồi đất theo đúng trình tự quy định của pháp luật về đất đai.

Ngay cả trong trường hợp đất được nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn chiếm cũng phải tiến hành các bước thủ tục thu hồi đất, cụ thể là ở Điểm đ Khoản 1 Điều 64 Luật đất đai 2013. Trong trường hợp này, hậu quả pháp lý để lại là thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai. Trình tự thủ tục theo Điều 66 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, trước khi ban hành quyết định cưỡng chế, phải ban hành Thông báo thu hồi đất và đăng trên trang thông tin điện tử của UBND Thành phố Hồ Chí Minh và UBND quận Tân Bình.

Tuy nhiên tất cả các trình tự pháp lý tối thiểu kể trên đã không được tuân thủ ở "các dự án trên đất công trình công cộng tại phường 6". Vì các lẽ đó, nên ngay sau khi gặp gỡ đại diện người dân khu vườn rau Lộc Hưng, chiều 18/02/2019, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân trung ương đã phát hành văn bản số 318/BTCDTW-TD1 đề nghị chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh :

"Lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tiếp xúc, đối thoại, giải quyết dứt điểm. Xem xét, làm rõ nội dung một số hộ dân có quá trình sử dụng đất lâu dài nhưng chưa được xác nhận. Công khai các thông tin liên quan đến việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất tại khu Vườn Rau Lộc Hưng, phường 6, quận Tân Bình. Làm rõ nội dung thông báo của chính quyền địa phương về tổ chức tháo dỡ đối với các trường hợp xây dựng trái pháp luật phát sinh từ ngày 01/01/2018 tại khu đất trên, nhưng trên thực tế đã cưỡng chế toàn bộ các công trình khác. Trong thời gian công dân thực hiện quyền khiếu nại và chờ các cơ quan chức năng giải quyết , đề nghị giữ nguyên hiện trạng khu đất, không tiến hành xây dựng, rào chắn khu Vườn rau Lộc Hưng. Đồng thời công dân phản ánh có một số đối tượng có hành vi đe dọa, cản trở người dân thực hiện quyền khiếu nại".

Đến nay, ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, qua việc mời hai luật sư của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh là ông Nguyễn Văn Trung và ông Nguyễn Văn Hậu tham gia tham vấn pháp lý cho chính quyền. Nay, với văn bản của ông Nguyễn Khắc Huy ký ban hành với chức danh trưởng phòng Giáo dục quận Tân Bình, đã cản trở việc thực thi pháp luật về đất đai, về khiếu nại tố cáo của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, cần xem xét về trách nhiệm dân sự, hoặc có thể cả dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự tại Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ông Trần Khắc Huy đối mặt về cáo buộc hình sự như thế nào ?

Với sự việc mô tả pháp lý ở các phần trên của bài viết, cho thấy trưởng phòng Giáo dục quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu vi phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm quy định ở Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, được diễn giải như sau : Khách thể của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ cũng là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức ; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Nhà nước. Mặc dù tội phạm này gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền lợi ích hợp pháp của công dân, nhưng không vì thế mà cho rằng khách thể của tội phạm này là những thiệt hại thực tế xảy ra của Nhà nước, của xã hội, quyền lợi ích hợp pháp của công dân, mà những thiệt hại đó chỉ là hậu quả của hành vi phạm tội.

Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm là người phạm tội thực hiện hành vi của mình là cố ý (cố ý trực tiếp), tức là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra ; không có trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội bao giờ cũng mong muốn gây thiệt hại cho xã hội.

Theo điều văn của điều luật, thì động cơ phạm tội là dấu hiệu bắt buộc. Điều này thể hiện ngay câu đầu tiên : "Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác". Nếu không xác định được động cơ của người phạm tội thì hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân chưa cấu thành tội phạm này.

Ở đây, trên cương vị trưởng phòng Giáo dục, các văn bản hành chính được ký ban hành của ông Trần Khắc Huy phải phù hợp với Luật Giáo dục, Luật Cán bộ, công chức (luật số 22/2008/QH12). Văn bản được ghi số thứ tự phát hành là 01/GDĐT-VP, ký ngày 26/03/2019 của trưởng phòng Giáo dục quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt quá thẩm quyền và sai trái các nội dung.

Ngoài ra có một chi tiết cần lưu ý, tính từ đầu năm 2019 đến ngày 26/03/2019, phòng Giáo dục quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh mới ký phát hành chỉ có một văn bản hành chính, được đánh số 01/GDĐT-VP, và văn bản này lại có những nội dung trái pháp luật như phân tích đã nêu ở bài viết. 

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 08/04/2019

***************************

Thư gửi ông Trần Khắc Huy, trưởng phòng Giáo dục quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh

Minh Châu, VNTB, 07/04/2019

Trưởng phòng giáo dục quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn gửi tất cả các trường học công lập, dân lập và cả hệ thống trường mầm non ở quận Tân Bình, "kêu gọi người dân không nghe lời tuyên truyền, xuyên tạc, xúi giục, kích động của đối tượng xấu làm ảnh hưởng đến công tác quản lý đất công trình và thực hiện các dự án phục vụ nhu cầu giáo dục – đào tạo và an sinh xã hội ; đồng thời kêu gọi nhân dân tích cực, mạnh dạn tố giác các đối tượng có hành vi chống đối, phá hoại, cản trở công tác quản lý nhà nước của quận và thực hiện các dự án trên đất công trình công cộng tại phường 6".

vanthu0

Vườn rau Lộc Hưng sau khi bị cưỡng chế.

Rộng đường dư luận, phóng viên Minh Châu của trang Việt Nam Thời Báo đã có một ghi nhận quanh lời kêu gọi này của ông Trần Khắc Huy. 

Một số người dân ở vườn rau Lộc Hưng, nơi đang có cái gọi là "dự án trên đất công trình công cộng tại phường 6", thông qua Việt Nam Thời Báo muốn gửi đến ông Trần Khắc Huy cùng lãnh đạo quận Tân Bình và giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn, tóm tắt những nội dung liên quan đất đai mà ông Trần Khắc Huy cho rằng người dân đã nghe lời "tuyên truyền – xuyên tạc – xúi giục – kích động của đối tượng xấu".

Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thái

Năm 1954, cha mẹ tôi là ông bà Nguyễn Văn Quyền – Nguyễn Thị Hậu từ Bắc vào Nam sinh sống, được Hội thánh Công giáo Việt Nam (cũ) cho thuê đất để trồng rau sinh sống, trên diện tích 887m2. Năm 2008, gia đình tôi cất 1 căn nhà mái tôn, vách gỗ, khung cột gỗ, diện tích 5x20m trên đất. Khi xây dựng có xin phép miệng, gia đình tôi ở trên căn nhà này.

Năm 2010, gia đình tôi cất thêm 1 căn nhà và 5 căn phòng trọ diện tích 3x4m. Nhà mái tôn, tường gạch, mái lửng. Trị giá xây dựng khoảng 45 triệu đồng/căn. Cho thuê trọ giá 2,5 triệu đồng/căn/tháng. Năm 2013 gia đình tôi tiếp tục xây dựng thêm 5 căn nhà trọ. Tường gạch, mái tôn, gác lửng. Giá trị xây dựng khoảng 65 triệu đồng/căn. Cho thuê trọ giá 3 triệu đồng/căn/tháng. Qua các năm 2015 và 2016 gia đình tôi cất thêm 1 căn nhà mái tôn, để bán hàng tạp hóa. Cùng xây dựng một chuồng nuôi gà mái đẻ diện tích 2,5x6m. Giá trị xây dựng khoảng 35 triệu đồng. Gia đình chúng tôi ở trong căn nhà này.

Đầu năm 2018, do ngôi nhà mái tôn vách gỗ bị mối mọt rách nát, nên chúng tôi đập bỏ xây lại một căn nhà mái tôn, tường gạch, gác suốt. Giá trị xây dựng khoảng 120 triệu đồng. Ngoài ra, chúng tôi có mua một số tài sản sử dụng trong nhà như tủ lạnh, tủ mát, tivi, bàn ghế inox, bồn inox… và rất nhiều vật dụng khác, trị giá khoảng trên 200 triệu đồng.

Quá trình sử dụng đất gia đình tôi có kê khai các năm 2008, 2010, 2013, 2016, 2018. Trước năm 1975 gia đình tôi nộp tiền thuê cho Nhà hưu dưỡng Chí Hòa. Trong đợt cưỡng chế ngày 4 và 8/1/2019, toàn bộ các căn nhà và tài sản nói trên đều bị đập phá, hủy hoại. Chúng tôi chỉ lấy ra được một số quần áo. Tổng giá trị thiệt hại : khoảng 3 tỷ đồng.

Hộ gia đình ông Hoàng Công Minh

Từ năm 1961, ông bà của tôi là Nguyễn Văn Thư - Nguyễn Thị Nhật đến khu Vườn rau Lộc Hưng sinh sống. Ông bà tôi có mua phần đất canh tác hoa màu (bằng miệng chứ không có giấy tay), diện tích 572m2. Ngày 1/1/1975, ông ngoại tôi Nguyễn Văn Thư có ký một tờ Khế Ước mướn đất của Tòa tổng giám mục Sài Gòn, diện tích 42m2. Ngày 21/12/1976, UBND phường 7 (nay là phường 6) xác nhận bà tôi là Nguyễn Thị Nhật có tổng diện tích đất canh tác là 572m2. Đóng dấu và ký tên Phó chủ tịch Nguyễn Xuân Bình. Ngày 14/3/2000, UBND phường 6 quận Tân Bình xác nhận và đóng dấu bà ngoại tôi Nguyễn Thị Nhật có diện tích đất canh tác là 860m2.

Năm 2013, gia đình tôi cất 2 căn nhà cấp 4 để ở trên phần đất trồng rau. Diện tích xây dựng 3x7m. Trị giá xây dựng 120 triệu đồng/căn. Khi xây dựng có trình báo. 

Năm 2016-2017, mẹ tôi cho phép các con, gồm 2 anh em tôi được sử dụng đất để mưu sinh. Chúng tôi đã xây dựng 6 căn phòng trọ diện tích 8x4m và 1 quán ăn uống. Nhà mái tôn, tường gạch, gác gỗ. Trị giá xây dựng khoảng 2 tỷ đồng cho cả 7 căn. Cho thuê trọ giá 6 triệu đồng/căn/tháng.

Trong đợt cưỡng chế ngày 4 và 8/1/2019, toàn bộ các căn nhà nói trên đều bị đập phá, hủy hoại. Chúng tôi cũng mất một số tài sản vật dụng trị giá khoảng 15 triệu đồng. Tổng giá trị thiệt hại : khoảng 2,2 tỷ đồng.

Hộ gia đình bà Ngô Thị Nga

Năm 1954, cha mẹ tôi là ông bà Nguyễn Văn Thìn – Nguyễn Thị Mến từ Bắc vào Nam sinh sống, được Hội thánh Công giáo Việt Nam (cũ) cho thuê đất để trồng rau sinh sống, trên diện tích 900m2. Sau năm 1975 gia đình tôi tiếp tục sử dụng, trồng rau sinh sống. Năm 1986, tôi lập gia đình, cha mẹ cho tôi 420m2 đất đề trồng rau.

Năm 1996, tôi cất 1 chòi mái tôn 5x12m để cất vật liệu và nghỉ trưa. Năm 2010, gia đình tôi xây dựng 4 căn nhà trọ. Tường gạch, mái tôn, gác lửng. Giá trị xây dựng khoảng 80 triệu đồng/căn. Cho thuê trọ giá 3 triệu đồng/căn/tháng. Năm 2011, gia đình tôi cất thêm 4 căn phòng trọ, diện tích khoảng 4x4,5m. Năm 2016 tôi có xây thêm và sửa chữa nhà tôn từ 4 phòng thành 8 phòng.

Tổng cộng gia đình tôi có 16 căn nhà nhỏ, gia đình ở trong 2 căn, cho thuê trọ 14 căn, giá thuê 3 triệu đồng/căn/tháng. Tổng cộng thu nhập khoảng 42 triệu đồng/tháng.

Trước năm 1975 gia đình tôi nộp tiền thuê cho Nhà hưu dưỡng Chí Hòa. Sau năm 1975 nộp thuế cho UBND phường 7 (nay là phường 6). Ngoài ra, chúng tôi có mua một số tài sản, vật dụng sử dụng trong nhà, như máy lạnh, tivi… trị giá khoảng 50 triệu đồng. Trong đợt cưỡng chế ngày 4 và 8/1/2019, toàn bộ các căn nhà và tài sản nói trên đều bị đập phá, hủy hoại. Chúng tôi chỉ lấy ra được một số quần áo. Tổng giá trị thiệt hại : khoảng 1,8 tỷ đồng.

Hộ gia đình bà Kiều Thị Hồng

Năm 1954, cha mẹ tôi là ông bà Kiều Trí Trình – Lê Thị Uyên từ Bắc vào Nam sinh sống, được Hội thánh Công giáo Việt Nam (cũ) cho thuê đất để trồng rau sinh sống, trên diện tích 500m2. Sau năm 1975 gia đình tôi tiếp tục sử dụng, trồng rau sinh sống trên phần đất này.

Năm 2002, gia đình tôi cất 1 căn nhà mái tôn, diện tích 3x6m. Trị giá xây dựng khoảng 10 triệu đồng để ở. Quá trình xây dựng không xin phép. Năm 2003, gia đình tôi cất thêm 2 căn nhà tôn, diện tích 4x8m. Mái tôn, vách tôn, cột gỗ, sàn gạch men. Trị giá xây dựng là 260 triệu đồng. Quá trình xây dựng không xin phép.

Năm 2005, gia đình tôi cất thêm 2 căn nhà xây, diện tích 4x6m. Mái tôn, tường gạch, sàn gạch men. Trị giá xây dựng là 340 triệu đồng. Quá trình xây dựng không xin phép. Chúng tôi cho thuê trọ được 2,5 triệu đồng/tháng/căn. 

Đầu năm 2018, gia đình tôi cất thêm 2 căn nhà xây, diện tích 4x6m. Mái tôn, tường gạch, sàn gạch men. Trị giá xây dựng là 400 triệu đồng. Cho thuê trọ được 3,5 triệu đồng/tháng/căn.

Trước năm 1975 gia đình tôi nộp tiền thuê cho Nhà hưu dưỡng Chí Hòa. Sau năm 1975 nộp thuế cho UBND phường 7, nay là phường 6. Ngoài ra, chúng tôi có mua một số tài sản, vật dụng sử dụng trong nhà, như tủ gỗ, máy bơm… trị giá khoảng 30 triệu đồng. Trong đợt cưỡng chế ngày 4 và 8/1/2019, toàn bộ các căn nhà và tài sản nói trên đều bị đập phá, hủy hoại. Chúng tôi chỉ lấy ra được một số quần áo, nồi niêu. Tổng giá trị thiệt hại : khoảng 1,1 tỷ đồng.

Hộ gia đình bà Cao Thị Thơ

Năm 1954, bà ngoại tôi là Cao Thị Dự từ Bắc vào Nam sinh sống, được Hội thánh Công giáo Việt Nam (cũ) cho thuê đất để trồng rau sinh sống. Năm 1962, bà ngoại tôi chia cho cha mẹ tôi là Cao Chu Đảo 851m2 cũng để trồng rau nuôi sống gia đình. Sau năm 1975 gia đình tôi tiếp tục sử dụng, trồng rau sinh sống trên phần đất này.

Năm 2008, vì trồng rau không đủ sống, gia đình tôi chuyển sang nuôi thỏ, có dựng 2 căn nhà bằng tôn, cột gỗ, diện tích 10x16m. Quá trình xây dựng có ra phường, quận xin phép, nhưng không được tiếp nhận. Sau đó chúng tôi gửi đơn qua bưu điện. Năm 2017, bố tôi cho em tôi là Cao Thị Thủy cất 1 căn nhà 3,6x12m và 1 căn nhà trọ 3,6x6m để lấy tiền thuê sinh sống. Trị giá xây dựng là 700 triệu đồng. Quá trình xây dựng không xin phép. Thời gian này chúng tôi cũng cải tạo lại 2 căn nhà cũ, bằng cột sắt để làm quán cà phê. Trị giá xây sửa khoảng 100 triệu đồng.

Năm 2018 bố mẹ tôi cho xây dựng 3 căn nhà trọ, diện tích 3,6x7m để lấy tiền sinh sống. Trị giá xây dựng 3 căn hết 450 triệu đồng. Cho thuê trọ được 5 triệu đồng/căn/tháng. Quá trình sử dụng đất gia đình tôi có kê khai vào các năm 1998, 1991, 2000. Trong đợt cưỡng chế ngày 4 và 8/1/2019, toàn bộ các căn nhà nói trên đã bị phá hủy. Tổng giá trị thiệt hại : khoảng 1,25 tỷ đồng.

----------------------

Theo các hộ dân nói trên, không hề báo trước hay thông báo cho người dân, sáng sớm ngày 4/1/2019, bất ngờ đoàn cưỡng chế của quận Tân Bình phát loa và đưa đoàn xe cơ giới tiến vào khu vực vườn rau Lộc Hưng. Dẫn đầu là chủ tịch UBND phường 6 Nguyễn Thành Danh và phó chủ tịch UBND phường Nguyễn Anh Quang và hàng trăm người khác. Mặc dù bà con có hỏi quyết định và thông báo cưỡng chế đâu thì không được trả lời mà vẫn cho tiến hành ủi phá, đập, hủy hoại khoảng 40 căn nhà. Tiếp đó, ngày 8/1/2019, đoàn cưỡng chế tiếp tục vào ủi phá toàn bộ các căn nhà còn lại trong khu vực vườn rau. Được biết có khoảng 468 căn nhà đã bị phá hủy trong đợt cưỡng chế này.

Minh Châu

Nguồn : VNTB, 07/04/2019

Quay lại trang chủ
Read 964 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)