Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/12/2018

CPTPP : Cơ hội thành lập công đoàn tự do và độc lập ở Việt Nam

Thanh Phương & Minh Quân

CPTPP sẽ mở đường cho việc thành lập công đoàn độc lập

Thanh Phương, RFI, 03/12/2018

Không chỉ có tác động về mặt kinh tế, CPTPP, một hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, còn có những tác động to lớn về mặt xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là về lao động, mở đường cho việc thành lập công đoàn độc lập.

congdoan2

Một nhà máy lắp ráp xe gắn máy tại Hải Phòng. Ảnh chụp ngày 03/11/2018. Reuters

Ngày 12/11/2018, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Như vậy Việt Nam là nước thứ 7 thông qua hiệp định này, sau các nước New Zealand, Canada, Úc, Nhật Bản, Meehicô và Singapore. CPTPP sẽ có hiệu lực kể từ ngày 30/12/2018.

Không chỉ có tác động về mặt kinh tế, CPTPP, một hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, còn có những tác động to lớn về mặt xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là về lao động. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hiệp định này đặt ra những yêu cầu cụ thể về quyền lao động và điều kiện làm việc nhằm đảm bảo tự do thương mại, nói chung là buộc Việt Nam phải hiện đại hoá pháp luật về lao động, giúp người lao động và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi ích về kinh tế một cách công bằng.

Theo thống kê, tại Việt Nam đã có hơn 6.000 cuộc đình công diễn ra kể từ giữa thập niên 90 và tất cả đều là đình công tự phát, chứ không phải là do công đoàn khởi xướng. Trả lời phỏng vấn RFI, luật sư Hoàng Cao Sang, Văn phòng luật sư Hoàng Luật Việt, cũng đưa ra nhận định tương tự :

" Hiện tại ở Việt Nam, đa phần người lao động bị thiệt thòi, vì tổ chức công đoàn lại ăn lương của người sử dụng lao động, cho nên công đoàn này thường là không hiệu quả và không bảo vệ được người lao động và tất cả tranh chấp, đình công đều mang tính tự phát. Khi mà tự phát như vậy thì họ không biết được đâu là quyền của mình và đâu là nghĩa vụ của mình, để mình thực hiện, cho nên người lao động thường là bị ép hoặc không được đảm bảo quyền lợi. Không một cá nhân, hay một tổ chức nào hiểu biết về pháp luật để bảo vệ họ.

Một điều nữa là pháp luật Việt Nam hiện nay cũng chưa tham gia những công ước bảo vệ người lao động, cũng như bảo vệ người sử dụng lao động một cách tốt nhất theo luật của quốc tế".

Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP yêu cầu tất cả các nước tham gia phải thông qua và duy trì các quyền được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO về Các nguyên tắc và Quyền cơ bản trong lao động trong pháp luật, thể chế và thông lệ của họ. Các quyền này được quy định trong 8 công ước cơ bản của ILO.

Tuy nhiên, theo ILO, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn ba công ước cơ bản (Công ước số 87, 98 và 105) liên quan đến quyền tự do hiệp hội, quyền thương lượng tập thể và xóa bỏ lao động cưỡng bức. LS Hoàng Cao Sang cho biết thêm về nội dung của 3 công ước nói trên :

" Cái quan trọng nhất mà hiệp định này đưa ra, đó là Việt Nam phải cam kết về vấn đề chế độ lao động, mà cụ thể là trong chương 19 của hiệp định, họ viện dẫn rất là nhiều quy định pháp luật, trong đó có Tuyên bố của ILO 1998. Trong tuyên bố đó có 8 công ước, mà Việt Nam mới ký được 5 công ước, còn 3 công ước nữa chưa ký.

Tôi cho rằng đây là những công ước rất quan trọng đối với việc Việt Nam phải thay đổi cơ chế làm việc của mình trong các doanh nghiệp, đối với từ người sử dụng lao động cho đến người lao động và pháp luật đối với quan hệ lao động này.

Trong 3 công ước chưa ký đó, tôi cho rằng công ước 87 là hơi "nhạy cảm" với cơ chế và pháp luật Việt Nam, đó là về quyền tự do và hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức. Đó là công ước quan trọng nhất, đã gây cản trở nhiều nhất trong quá trình đàm phán gia nhập CPTPP. Công ước có quy định là người lao động và người sử dụng lao động được quyền tự tạo một tổ chức và tham gia tổ chức theo sự lựa chọn của mình, chứ không phải như quy định bây giờ là phải theo công đoàn chính thức.

Còn công ước 98 là về những nguyên tắc quyền tổ chức và thương lượng tập thể đối với người lao động. Công ước 105 là về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Điều quan trọng mà họ đưa ra là khi mà người lao động đình công hoặc bị xử lý kỷ luật thì sẽ không bị cưỡng bức, không bị bắt làm một công việc nào đó mang tính cưỡng bức, không bị phân biệt đối xử chủng tộc, xã hội, tôn giáo".

Lộ trình phê chuẩn ba công ước cơ bản sẽ diễn ra như thế nào, luật sư Hoàng Cao Sang cho biết :

" Khi Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn tham gia thì tất nhiên Việt Nam phải sửa đổi pháp luật và những cơ chế đúng với 3 công ước nói trên. Theo lộ trình tôi được biết, Việt Nam sẽ phê chuẩn công ước 98 vào năm 2019, công ước 105 vào năm 2020 và công ước 87 vào năm 2023. Công ước 87 là công ước gây cản trở nhiều nhất là Việt Nam phải có một thời gian nhất định để tham gia ký kết và phê chuẩn công ước ấy. Năm 2023 là thời hạn kéo dài nhất. Tôi cho rằng Nhà nước Việt Nam kéo dài thời gian để có một sự chuẩn bị nhất định cho công ước ấy".

Để thực thi những nguyên tắc được đề ra trong các công ước cơ bản, việc sửa đổi Bộ Luật Lao động là bước đầu tiên và quan trọng nhất tại Việt Nam. Theo kế hoạch, dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi sẽ được trình Quốc hội thông qua vào cuối năm 2019.

Về lâu dài, sau khi CPTTP có hiệu lực, như đã nói ở trên, người lao động ở Việt Nam trên nguyên tắc sẽ được phép thành lập hay gia nhập các tổ chức do họ tự lựa chọn ở cấp cơ sở, và những tổ chức đó có thể không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức công đoàn chính thức. Như vậy là CPTPP sẽ mở đường cho việc hình thành công đoàn độc lập ở Việt Nam, một xu thế mà chính quyền đã cố trì hoãn, nhưng cuối cùng buộc phải chấp nhận đi theo. Đối với luật sư Hoàng Cao Sang, CPTPP và tiếp đến là hiệp định tự do mậu dịch với Liên Hiệp Châu Âu (EU) là những động lực buộc Việt Nam phải thay đổi. 

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 03/12/2018

***************

‘Cơ hội CPTPP’ : Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kéo nhau ‘du hí’ ở Hà Lan

Minh Quân, VNTB, 03/12/2018

Trong rất nhiều năm qua, bằng một quy định tài chính tự đặt ra, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã nghiễm nhiên phè phỡn hưởng thụ ít nhất 3% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp (gồm 2% do doanh nghiệp phải ‘đóng góp’ và 1% từ thu nhập của người lao động). Một quy định mà rất nhiều doanh nghiệp và công nhân đã phẫn nộ : ‘không ăn cướp thì là cái gì !’.

Bức ảnh dưới đây có lẽ đã đủ để lột tả về thực chất của vụ "đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn viên chức Việt Nam dẫn đầu thăm làm việc tại Hà Lan từ ngày 24/11- 2/12/2018, nhằm học hỏi kinh nghiệm từ các nước có chế độ chính sách xã hội tiên tiến hàng đầu như Hà Lan, đồng thời, tìm biện pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả và vai trò của Công đoàn trong đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động".

duhi1

Chân dung ‘đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam’. Ảnh : báo Thế Giới & Việt Nam

Trong bức ảnh này, có đến hai chục ‘đại biểu Việt Nam’ - như báo Thế Giới & Việt Nam đưa tin, trong khi chỉ có mặt duy nhất một người Hà Lan nhưng lại chẳng được báo Việt Nam giới thiệu về tên tuổi và chức danh - điều mà rất dễ khiến người đọc nghi ngờ về tính thực chất của "Đoàn cũng có buổi gặp làm việc Bộ Lao động và Quan hệ xã hội Hà Lan, Công đoàn Thiên chúa giáo (CNV), Hiệp hội Giới chủ, tổ chức May mặc công bằng (Fair wear Foudation) và một số doanh nghiệp của Hà Lan…".

Nội dung làm việc quá chung chung và đặc biệt là kết quả làm việc về ‘hợp tác quốc tế’ cũng chung chung không kém của ‘đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam’ đã cung cấp thêm một bằng chứng trần trụi về tổ chức hội đoàn ‘cánh tay nối dài của đảng’ này đã quen thói xài tiền chùa để du hí nước ngoài trong nhiều năm qua như thế nào.

Chuyến ‘du hí’ đến Hà Lan của ‘đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam’ xảy ra ít ngày sau việc đích thân ‘Tổng Chủ’ Nguyễn Phú Trọng ‘chỉ đạo’ Quốc hội thông qua Hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và lần đầu tiên phải công nhận hoạt động của Công đàon độc lập, công nhận quyền tự do lập nghiệp đoàn của người lao động, và cũng lần đầu tiên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam’ phải đối mặt với việc phải cạnh tranh sòng phẳng với các tổ chức công đoàn độc lập, đối mặt với nguy cơ bị người lao động tẩy chay và quay lưng nếu tới đây ‘cánh tay nối dài của đảng’ này không biết cách ‘bảo vệ quyền lợi người lao động’.

Từ năm 2013 khi Hiệp định TPP (tiền thân của Hiệp định CPTPP) bắt đầu thành hình cho đến nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam’ là tổ chức có nhiều lý cớ nhất trong số các hội đoàn nhà nước để ‘đi công tác nước ngoài’ bằng tiền đóng thuế của dân. Nhưng cũng từ đó đến trước khi CPTPP được chính thức thông qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam’ đã không có bất cứ một động tác nào hỗ trợ công nhân thực hiện những cuộc đình công chính đáng của họ, cũng không có tác động nào nhằm sửa Luật Lao động để cải thiện mối quan hệ chủ - thợ theo yêu cầu của TPP trước đây và CPTPP sau này.

Một thực tế không thể chối cãi trong rất nhiều năm qua là Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã chưa bao giờ đồng thuận, càng không hề lãnh đạo, tổ chức bất kỳ vụ đình công nào với bất kỳ yêu cầu biểu thị chính đáng nào của công nhân trong gần 1.000 cuộc đình công tự phát hàng năm.

Nhiều nguồn tin từ giới công nhân còn khẳng định rằng nhiều lãnh đạo công đoàn nhà nước đã được trả lương cao để phục vụ cho giới chủ đầu tư và bảo vệ lợi ích của đảng cầm quyền, thay vì bảo vệ người lao động. Ngay cả một số nhà nghiên cứu thuộc chính quyền cũng không che giấu rằng không phải là điều bất thường khi các nhà quản lý trở thành lãnh đạo công đoàn và sử dụng công cụ này để thao túng các cuộc bầu cử công đoàn. Rất nhiều ví dụ trong thực tế đã cho thấy giới lãnh đạo công đoàn ở nhiều địa phương đã thỏa hiệp và toa rập với giới chủ và công an địa phương để theo dõi công nhân, chỉ điểm những người đứng đầu phong trào đình công để công an truy xét, sách nhiễu và bắt bớ họ.

Vào tháng Mười Một năm 2018 khi Quốc hội thông qua Hiệp định CPTPP, một quan chức của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu lập tức vu cáo : "Nếu không cẩn thận, sẽ hình thành một loại tổ chức công đoàn gọi là 'công đoàn vàng', hoặc một loại tổ chức đại diện người lao động nhưng tham gia để thực hiện hoạt động chính trị và chống phá, gây phức tạp".

Cùng với Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Hội Nông Dân Việt Nam, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam nằm trong số 6 ‘cánh tay nối dài của đảng’ bị xem là bám chặt đời sống ký sinh, mỗi năm tiêu xài đến 14.000 tỷ đồng tiền ngân sách - tức tiền mà người dân phải è cổ đóng thuế.

Nhưng ngoài tiền cấp từ ngân sách, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam còn một nguồn thu rất màu mỡ khác. 

Trong rất nhiều năm qua, bằng một quy định tài chính tự đặt ra, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã nghiễm nhiên phè phỡn hưởng thụ ít nhất 3% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp (gồm 2% do doanh nghiệp phải ‘đóng góp’ và 1% từ thu nhập của người lao động).

Một quy định mà rất nhiều doanh nghiệp và công nhân đã phẫn nộ : ‘không ăn cướp thì là cái gì !’

Minh Quân

Nguồn : VNTB, 03/12/2018

Quay lại trang chủ
Read 588 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)