Người dân Quận 2 yêu cầu lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết xong vấn đề Thủ Thiêm mới lập Thành phố Thủ Đức
RFA, 07/10/2020
Đại biểu quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh hứa với cử tri sẽ tăng tốc giải quyết vấn đề Khu đô thị mới Thủ Thiêm để tiến hành dự án thành lập thành phố Thủ Đức.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê hứa sẽ giải quyết thấu đáo vấn đề Thủ Thiêm - Courtesy of nguoidan cung cap - RFA edited
Ông Khuê cho biết như vậy trong buổi tiếp xúc cử tri quận 2 diễn ra ngày 7/10 và được truyền thông Nhà nước Việt Nam đồng loạt loan tải.
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri cho rằng vụ khiếu nại của người dân liên quan đến sai phạm tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đã kéo dài hơn 20 năm, cần phải được giải quyết dứt điểm trước khi thành lập thành phố mới Thủ Đức.
Cụ thể, cử tri Nguyễn Huy Hoàng ở phường Bình An phát biểu rằng thành phố nên giải quyết vấn đề Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao Quận 9 cho đúng pháp luật trước rồi mới tính đến chuyện sáp nhập 3 quận lại để thành lập TP Thủ Đức.
Phần đông người dân quận 2 đều không đồng tình với đề án sáp nhập 3 quận thành thành phố mới, vì họ cho rằng vụ Thủ Thiêm giải quyết chưa xong, bây giờ thêm việc sáp nhập sẽ gây nhiều khó khăn khi người dân có những vấn đề liên quan đến giải quyết khiếu kiện, khiếu nại.
Trả lời về vụ Thủ Thiêm, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Chính phủ để thực hiện việc đối thoại với người dân về khu tái định cư 160 ha. Vừa qua do dịch bệnh Covid-19 nên Thanh tra chính phủ và UBND Thành phố Hồ Chí Minh chưa thực hiện được kế hoạch đối thoại với người dân.
"Tôi cũng rất mong trong điều kiện bình thường mới Thanh tra chính phủ nên sớm tiến hành để đáp ứng yêu cầu của cử tri. Chúng tôi đang ở chặng cuối của nhiệm kỳ, luôn đau đáu với hoàn cảnh của các cử tri và đã hết sức cố gắng… Chúng tôi đã báo cáo đầy đủ đến các cơ quan Trung ương và thành ủy", ông Khuê bày tỏ.
Riêng về việc sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức, ông Khuê đồng tình với người dân về vấn đề thành phố Thủ Đức mới sẽ khác như thế nào so với huyện Thủ Đức cũ.
Được biết, trong khi chờ đợi buổi đối thoại của Thanh tra chính phủ như lời ông Khuê nói, vào ngày 5/10/2020, một nhóm dân oan ở Thủ Thiêm đã đến thủ đô Hà Nội để kêu cứu vì họ cho rằng Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và quận 2 không muốn đối thoại với người dân Thủ Thiêm ngược lại còn có những biện pháp công khai trấn áp người dân.
Nguồn : RFA, 07/10/2020
**********************
RFA, 05/10/2020
Một nhóm dân oan ở Thủ Thiêm, vào ngày 5/10/2020, tái tục các chuyến đi đến thủ đô Hà Nội để kêu cứu với Trung ương, yêu cầu nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ việc tranh chấp đất đai ở Thủ Thiêm.
Người dân Thủ Thiêm, ngày 30/9/2020, căng băng-rôn trên khu đất đã bị Chính quyền quận 2 cưỡng chế sai pháp luật. Courtesy : Người dân Thủ Thiêm cung cấp
Nguyên nhân thúc đẩy họ phải khởi hành ngay cả trong bối cảnh nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, là vì họ cho rằng Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) và quận 2 lộ rõ bản chất không muốn đối thoại với người dân Thủ Thiêm. Bên cạnh đó chính quyền địa phương còn có biện pháp công khai trấn áp người dân một cách côn đồ.
Vụ việc mới nhất xảy ra vào ngày 30/9 vừa qua, khi một số người dân Thủ Thiêm đến khu đất cũ, nơi có nền nhà của họ để căng băng-rôn thông báo họ sẽ xây lại nhà nếu như Chính quyền thành phố không chịu giải quyết dứt điểm những sai phạm ở Thủ Thiêm.
Ông Cao Thăng Ca, vào tối ngày 5/10 kể lại vụ việc đã xảy ra với bản thân ông vào sáng ngày 30/9.
"Khi người ta đã căng băng-rôn rồi thì tôi đi bộ vào khu vực đó. Đi xe thì đương nhiên người ta không cho rồi. Đi bộ thì có người được cho vào, có người lại không được cho. Tôi bị họ ngăn không cho vào. Tôi hỏi họ vì sao cho những người khác vào mà không cho tôi vào. Và, tôi cũng thấy họ đang áp giải mấy người dân Thủ Thiêm, như bà The…Trong lúc tôi đi vào thì họ xô tôi té xuống bị chấn thương cột sống luôn. Người xô tôi là công an mặc sắc phục, trước sự chứng kiến của bà Hồng, Quận ủy viên - Bí thư kiêm Phó chủ tịch phường Bình An. Tôi yêu cầu lập biên bản, nhưng họ nhất định không cho lập biên bản. Họ cứ cho tôi nằm tại đó suốt 2 tiếng đồng hồ, từ 9-11 giờ. Sau đó thì công an đến nói là cứu người trước và lập biên bản sau. Nhưng họ nói thế chỉ để lừa mình thôi".
Ông Ca nói chính quyền địa phương "lừa" là vì :
"Khi họ đưa tôi đi cấp cứu thì tôi cũng không ngờ là họ đưa mình lên xe và bẻ chân, bẻ tay và người ta dùng các biện pháp nghiệp vụ, khiến cho mình đang đau một mà ở trên xe cấp cứu thì bị đau đến mười. Người dân xung quanh mà cản trở thì họ cũng bẻ tay, bẻ chân nên người dân sợ và giãn ra. Mấy người bẻ chân, bẻ tay người dân toàn là an ninh mặc thường phục. Lên xe thì còn chửi tục tĩu, thô bỉ, mạt sát, nhục mạ tôi đến mức không thể chịu đựng nỗi. Trên xe có 3 an ninh. Một anh an ninh lấy tay, chân và đầu gối ghìm tôi xuống. Còn 1 người an ninh ngồi ở ca-bin thì tôi chỉ nghe tiếng chửi thề tục tĩu của người đó còn hơn cả xã hội đen. Vô đến phòng cấp cứu, khi bác sĩ làm việc, lấy hồ sơ bệnh án của tôi thì họ lén chụp hình. Bác sĩ nói chỗ này không được chụp hình. Tôi nói với bác sĩ rằng đây là công an mà không chấp hành quy định của luật pháp thì làm sao chúng tôi tin tưởng được Chính quyền quận 2".
Mục sư Nguyễn Hồng Quang cũng là người đã có mặt ở khu đất tranh chấp giữa người dân Thủ Thiêm và Chính quyền quận 2. Mục sư Nguyễn Hồng Quang nói với RFA, ông đã đến để thăm lại nơi chốn nhà nguyện cũ, nhưng cũng bị công an quận mặc thường phục ngăn cản một cách bạo lực.
"Tôi đi đến sau (ông Ca được đưa đi cấp cứu) thì cũng bị bắt bẻ tay, dẫn đi. Mình về thăm rồi họ đánh thôi. Họ đẩy tôi ra ngoài thì dân oan Thủ Thiêm chạy xông vào để lôi mình ra thì họ buông".
Các cư dân Thủ Thiêm như mục sư Nguyễn Hồng Quang và ông Cao Thăng Ca cho biết việc căng băng-rôn đã được nói đến tại các buổi tiếp xúc Đại biểu Quốc hội và trong buổi làm việc với Trưởng Ban tiếp Công dân ở Trung ương, ông Nguyễn Hồng Điệp. Người dân Thủ Thiêm quyết định sẽ xây lại nhà, nếu như Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và quận 2 không chịu đối thoại với người dân Thủ Thiêm cho đến hết tháng 9 năm nay.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang còn xác nhận với RFA rằng động thái công an mặc sắc phục lẫn thường phục, trong ngày 30/9, ngăn cản người dân Thủ Thiêm đi vào khu đất của họ đã bị cưỡng chế sai pháp luật, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan ban ngành của chính quyền địa phương. Những người đại diện đó đã để cho sự việc xảy ra, đồng thời không có hành động lập biên bản như yêu cầu của người dân Thủ Thiêm có mặt tại hiện trường, mà còn kêu người dân nên đi ra khỏi khu đất để vãn hồi trật tự.
Những người dân oan Thủ Thiêm có mặt trong vụ việc xảy ra xung đột vào sáng ngày 30/9, cho rằng chính quyền cấp quận và cấp thành phố càng tỏ rõ cho người dân Thủ Thiêm rằng họ không hề có thiện chí để giải quyết vụ việc sai phạm ở Thủ Thiêm theo chỉ đạo của Trung ương.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang nhấn mạnh cáo buộc chính quyền địa phương càng lún sâu hơn trong sai phạm :
"Ủy ban Thành phố Hồ Chí Minh bây giờ cũng lộ rõ bản chất của họ. Cả anh Nhân (ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh) và anh Phong (ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh) thay vì sửa chữa sai lầm theo chỉ đọa của Chủ tịch nước hay của Thủ tướng Chính phủ thì họ đã sai nhưng họ vẫn muốn giữ đất đó cho các công ty mà thực chất là họ đã giao đất cho các công ty rồi, họ bán trước đó rồi. Bây giờ họ giữ đất đó chứ không giải quyết gì cho dân cả. Nói chung UBND quận 2 và Thành phố Hồ Chí Minh xem thường pháp luật và xem thường kiến thức pháp luật của người dân. Họ chủ động làm theo ý của họ thôi, chứ không cần pháp luật nữa".
Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân từng tuyên bố rằng Chính quyền thành phố quyết tâm giải quyết xong vấn đề Thủ Thiêm trong năm 2019. Tuy nhiên, Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã kéo dài thời gian giải quyết cũng như đối thoại với người dân Thủ Thiêm, qua ít nhất 3 lần trì hoãn với lý do bởi dịch Covid-19 và nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.
Một số người dân Thủ Thiêm Đài RFA tiếp xúc, chia sẻ rằng họ không đồng thuận với cách lý giải của Chính quyền quận 2 và Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh. Bởi vì, sự an toàn của họ luôn bị đe dọa kéo dài trong nhiều năm, mà đỉnh điểm từ năm 2016 cho đến thời điểm hiện tại, chứ không phải như cái cớ mà Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã năm lần bảy lượt tuyên bố rằng quan tâm đến sự an toàn của dân chúng Thủ Thiêm là trên hết.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang dẫn chứng với RFA :
"Anh Ca thì họ gửi email, tin nhắn hăm dọa quăng xuống lầu, tông xe hoài. Còn tôi thì tuần rồi chính quyền đến nhà và yêu cầu không được lên Facebook cũng như không được đi ra đường. Họ bảo rằng tôi đi khiếu nại pháp luật thì họ không nói gì, nhưng tôi không được đi ra đường chung với người dân và tôi không được lên Facebook".
Song song với việc trì hoãn tổ chức đối thoại với người dân Thủ Thiêm, Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh thông báo đang lên kế hoạch bán 61 lô đất thuộc dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm để tạo nguồn lực đầu tư, hoàn trả số tiền tạm ứng từ ngân sách.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, hồi đầu tháng 9/2020, dẫn lời ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng Ban Quản lý Đầu tư- Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cho hay theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thì có đến 55 lô đất phải tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất.
Các dân oan ở Thủ Thiêm nói với RFA rằng họ sẽ lần lượt ra Hà Nội để yêu cầu Trung ương khẩn trương can thiệp giữ nguyên hiện trạng đất đai ở Thủ Thiêm và phải nhanh chóng giải quyết dứt điểm đúng pháp luật các sai phạm của Chính quyền quận 2 trong hơn 20 năm qua trước khi tiến hành những hoạt động liên quan dự án Thủ Thiêm như bán đấu giá các lô đất, chẳng hạn.
Những người dân Thủ Thiêm mà Đài RFA trao đổi vào tối ngày 5/10 quả quyết rằng họ đã kiên trì giữ đất suốt hai thập niên qua như thế nào thì bất kể Chính quyền quận 2 và Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh bất chấp luật pháp, người dân Thủ Thiêm vẫn kiên định lập trường giữ đất như thế đó.
*********************
Lũ đầu nguồn sông Cửu Long thấp kỷ lục
RFA, 07/10/2020
Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam ngày 7/10 thông báo mực nước lũ trong tháng 9 trên dòng chính sông Mekong ở mức thấp hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm và thấp hơn khá nhiều so với dòng chảy tháng 8/2020.
Sông Cửu Long - AFP
Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin vào cùng ngày, dẫn thông báo của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam rằng, do mực nước lũ trên dòng chính sông Mekong ở mức thấp, mực nước Biển Hồ mới chỉ đạt gần 5m, dung tích Biển Hồ chỉ đạt gần 14 tỷ m3, xấp xỉ 36% so với dung tích trung bình nhiều năm. Ngoài ra, mực nước tại hai trạm Tân Châu và Châu Đốc trong tháng 9 ở mức thấp hơn nhiều, chỉ khoảng hơn 2m và đây cũng là đỉnh lũ cao nhất từ đầu mùa lũ đến nay.
Dự báo thời gian đạt đỉnh lũ chính vụ vào ngày 18-22/10. Vào thời điểm này, ở vùng thượng Đồng bằng sông Cửu Long, các huyện đầu nguồn như huyện An Phú, Tân Châu của An Giang, huyện Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự và Tân Hồng của Đồng Tháp là khu vực chịu ảnh hưởng mạnh của lũ thượng nguồn.
Nhưng với mức lũ nhận định ở dưới báo động 1, hầu hết các ô bao bảo vệ sản xuất (lúa Thu Đông, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản…) cơ bản đều đủ cao trình.
Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cũng cho hay lũ đến cuối tháng 9 vẫn ở mức thấp, triều cường đầu tháng 10 ở mức trung bình, triều cường đợt giữa tháng 10 ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2019. Về cơ bản không ảnh hưởng đến sản xuất vụ thu đông năm 2020.
*********************
Ngành dệt may Việt Nam chịu tác động nặng nề do dịch Covid-19
RFA, 07/10/2020
Chín tháng qua, ngành dệt may Việt Nam chỉ xuất khẩu được 25,5 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Báo Nhà nước Việt Nam đưa tin hôm 7/10/2020.
Bên trong một xưởng may ở Việt Nam - AFP
Ngành dệt may bị cho là ngành chịu tác động nặng nề nhất trong dịch Covid-19, ảnh hưởng đến đời sống của rất nhiều lao động do không có đơn hàng và công nhân bị cho nghỉ việc.
Con số do Bộ Công thương đưa ra được tờ Đại Đoàn Kết dẫn lại cho thấy, đến thời điểm này, chỉ có một số DN nhận được khoảng 50-60% đơn hàng cho tháng 9, 10, các tháng còn lại của năm 2020 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng. Nguyên nhân là sức mua các mặt hàng tiêu dùng ở các thị trường Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản chưa có nhiều tín hiệu tốt.
Đơn cử, Công ty giày Mỹ Phong ở Trà Vinh vào cuối tháng 9 vừa qua ra thông báo sẽ cho toàn bộ hơn 12 ngàn công nhân nghỉ việc nếu từ nay đến cuối năm không ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê công bố hôm 6 tháng 10 cho thấy tính đến tháng 9, cả nước có gần 32 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, bao gồm bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập...
Báo cáo nêu ra số thất nghiệp trong độ tuổi lao động của quý 3/2020 là hơn 1,2 triệu người, tính chung 9 tháng ước 1,35 triệu người (2,48% của tổng số 54,4 triệu lao động). Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị quý 3/2020 là 4,0% mức cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua.
*********************
31,8 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong 9 tháng/2020
RFA, 06/10/2020
Tính đến tháng 9/2020, Việt Nam có 31,8 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19. Và, mặc dù công ăn việc làm của người lao động trong quý III năm nay được cải thiện, tuy nhiên trong cả 3 quý công việc cho người lao động vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.
Người dân Hà Nội xếp hàng chờ nhận giúp đỡ thực phẩm từ các mạnh thường quân, trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. AFP
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 6/10 dẫn thông tin vừa nêu từ cuộc họp báo của Tổng cục Thống kê, diễn ra trong cùng ngày.
Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, bà Vũ Thị Thu Thủy, tại buổi họp báo hôm 6/10, cho biết trong 9 tháng năm 2020, có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam bị tác động bởi dịch Covid-19 bao gồm mất việc làm, nghỉ giãn việc, giảm giờ làm việc, giảm thu nhập… Trong đó, có 14% bị tạm nghỉ việc và tương đương 70% người lao động bị giảm thu nhập.
Các khu vực lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 là khu vực dịch vụ bị nặng nề nhất - chiếm xấp xỉ 69% lao động ; kế đến là khu vực công nghiệp và xây dựng -chiếm gần 66,5% và khu vực nông-lâm-thủy sản - chiếm 27%.
Số người lao động được ghi nhận gia tăng trở lại trong quý III năm 2020, với 1,4 triệu người. Trong đó, số người làm việc ở khu vực phi chính thức tăng 1,2 triệu so với quý II.
Bà Vũ Thị Thu Thủy cho hay do chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động ở Việt Nam còn bị hạn chế, nên họ phải tìm kiếm việc làm mới trong khu vực lao động phi chính thức. Do đó, thị trường lao động Việt Nam có dấu hiệu phục hồi, nhưng thiếu tính bền vững.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị trong 9 tháng năm 2020 là cao nhất so với cùng kỳ của 10 năm qua. Điển hình, thành phố Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2020, có hơn 165 ngàn người bị mất hoặc thiếu việc làm, do dịch Covid-19.
Chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ và sức khỏe của Donald Trump vẫn là đề tài được các báo Pháp quan tâm khai thác, với giọng điệu chỉ trích. Ngay cả tờ báo thiên hữu Le Figaro cũng có cái nhìn không mấy tích cực về tình trạng "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" và sự thiếu minh bạch trong thông tin của Nhà Trắng về sức khỏe của tổng thống Mỹ.
Le Figaro cho biết, theo nhiều phương tiện truyền thông Mỹ, tổng thống Donald Trump dường như đã được làm một xét nghiệm nhanh với kết quả dương tính vào tối thứ Năm 01/10 khi trở về từ cuộc mít-tinh với 260 người tham dự tại New Jersey. Thế nhưng, phải đợi đến tối thứ Sáu khi có kết quả xét nghiệm PCR thì Nhà Trắng mới thông báo tổng thống nhiễm Covid-19. Và hệ quả là đến thứ Hai 05/10, danh sách các quan chức Nhà Trắng nhiễm virus ngày càng dài.
Còn về Donald Trump, mặc dù ông cho biết đã học được nhiều điều về Covid-19, gọi đó là một "kinh nghiệm quý báu", "trường đời", nhưng theo kết quả cuộc khảo sát Viện Ifop thực hiện cho Reuters, 65% số người được hỏi cho rằng ông Trump lẽ ra có thể đã tránh được virus corona nếu ông nhìn nhận dịch bệnh một cách nghiêm túc hơn.
Trong khi đó, việc ông bất ngờ rời bệnh viện trong chốc lát, khi đang được điều trị và lẽ ra phải bị cách ly, chỉ để vẫy tay chào người ủng hộ và cho thấy ông vẫn khỏe mạnh, lại gây ra rất nhiều tranh cãi. Một vị bác sĩ của bệnh viện nơi ông điều trị đã "mở màn" trên Twitter, gọi chuyến đi của tổng thống là "một chuyến đi hoàn toàn vô ích", "điên rồ", "một màn kịch chính trị" có thể khiến 2 nhân viên cùng ngồi xe với ông nhiễm bệnh và mất mạng. Theo bác sĩ này, mệnh lệnh của tổng thống có thể đặt hai nhân viên nói trên vào vòng nguy hiểm.
Bầu cử tổng thống Mỹ 2020 : Chiến dịch "ngoại hạng"
Chỉ còn có 4 tuần lễ nữa là đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ. Nhưng theo báo công giáo La Croix, chưa bao giờ nước Mỹ bị chia rẽ như hiện nay, với một chiến dịch vận động tranh cử hỗn loạn nhất trong lịch sử. Trong bối cảnh đại dịch, đất nước bị suy yếu cả về nhân mạng và kinh tế, tuần nào cũng có những "tin giật gân" được công bố, cứ như thể công chúng đang xem một bộ phim truyền hình nhiều tập "phiên bản tốc độ nhanh".
Thông báo về việc tổng thống nhiễm virus corona và phải nhập viện điều trị đe dọa đẩy kỳ bầu cử tổng thống vào "ngõ cụt" và đẩy phe Cộng hòa vào "thế bí". Nhân vật quyền lực nhất nước Mỹ không thể tự bảo vệ mình, không thể bảo vệ người thân và các cộng sự, đó không phải là thông điệp đảng Cộng hòa muốn truyền tải trong khi chỉ còn có 4 tuần lễ nữa là đến ngày trọng đại. Các cuộc thăm dò sau khi tổng thống nhiễm Covid cho thấy trên toàn quốc, ông Trump đang thua đối thủ Joe Biden đến 8 điểm.
Donald Trump vốn dĩ thường thành công trong việc tạo ra bầu không khí có lợi cho bản thân thông qua hàng loạt tin nhắn Twitter hung hăng và những cáo buộc mơ hồ. Hồi năm 2016, ông đã thuyết phục được một bộ phận cử tri người Mỹ là bà Hillary Clinton không xứng đáng vào Nhà Trắng, mà xứng đáng ngồi tù. Lần này, ông Trump đang cố gắng thuyết phục cử tri rằng Joe Biden là một mối đe dọa cho đất nước và chỉ có sự gian lận ồ ạt lá phiếu mới có thể khiến ông không tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. Theo các cuộc thăm dò hiện nay, chiến thuật này của ông Trump sẽ không thành công nữa. Thế nhưng, theo La Croix, kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2020 là "quá đặc biệt" và còn nhiều điều chưa thể đoán định. Trò chơi vẫn chưa ngã ngũ…
Belarus : Phong trào đấu tranh biến thành phong trào bài Nga ?
Còn về Châu Âu, báo Le Monde có bài viết đáng chú ý với tiêu đề "Tại Belarus, người biểu tình ngày càng bài Putin". Mặc dù các nhà lãnh đạo đối lập đều nhấn mạnh không bài Nga, nhưng chính việc điện Kremlin hậu thuẫn cho tổng thống Lukashenko đã khiến phong trào đấu tranh đường phố trở nên bài Putin.
Gương mặt nổi bật của phe đối lập, bà Svetlana Tikhanovskaia, hiện giờ sống lưu vong tại Litva, khẳng định phong trào phản kháng làm rung chuyển Belarus suốt 57 ngày qua là "một cuộc cách mạng dân chủ chứ không phải một cuộc cách mạng địa chính trị". Mỗi khi phát biểu, kể cả trước các lãnh đạo Tây phương, bà Tikhanovskaia đều tìm cách để phong trào đấu tranh của người dân Belarus không bị nhìn nhận là bài Nga. Tuy nhiên, Le Monde cho biết từ nhiều tuần nay, các biểu ngữ bài Putin đã nở rộ trong các đoàn người biểu tình, nhằm phản đối sự can dự của tổng thống Nga theo hướng ủng hộ đồng nhiệm Lukashenko, người bị dân chúng Belarus cho là gian lận trong kỳ bầu cử tổng thống vừa qua.
Theo truyền thông đối lập, cuộc biểu tình tuần thứ 9 chống chế độ Lukashenko đã tập hợp được hơn 100.000 người. Le Monde cho độc giả thấy sự đối lập giữa một bên là người biểu tình ôn hòa nhưng đầy quyết tâm, còn bên kia là vị tổng thống đã tại nhiệm suốt 26 năm, với lời hứa cải tổ Hiến Pháp nhưng luôn từ chối đối thoại với phe đối lập, mà đa phần thành viên đã bị bắt giam hay phải sống lưu vong ở nước ngoài. Sự can dự của chính quyền Nga và tổng thống Putin càng làm mọi việc trở nên khó khăn.
Ông Nikolai, một kỹ sư khoảng 50 tuổi, cho rằng : "Nếu không có Putin, cuộc cách mạng lẽ ra đã hoàn thành sớm hơn rất nhiều. Đương nhiên là có một sự can dự. Putin quá lo sợ là phong trào sẽ lan sang cả đất nước của ông ấy". Vẫn theo ông Nikolai, cả hai nhà lãnh đạo Putin và Lukashenko đều là"những đứa con của Stalin".
Nhà nghiên cứu khoa học chính trị Anna Colin Lebedev, chuyên gia về không gian hậu Xô Viết, khẳng định là trong các bài phát biểu và thảo luận của những người phản đối chế độ, vai trò của nước Nga ngày càng chỉ trích, đặc biệt có những dấu hiệu cho thấy có sự đoàn kết với các phong trào phản kháng ở miền Viễn Đông Nga, tại Khabarovsk.
Tuy nhiên, vẫn có một số người biểu tình ca ngợi"tình huynh đệ" giữa Nga và Belarus, hai nước từng trải qua một lịch sử chung lâu dài. Điều này không khiến nhà nghiên cứu Piotr Rudkouski, giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược Belarus (BISS) ngạc nhiên. Ông nhận định thường thì người dân Belarus hoài nghi Châu Âu và thân Nga, sự đảo chiều từ thân Nga sang bài Nga như hiện nay chủ yếu là do tác động của "cuộc chiến đấu vì dân chủ" của người biểu tình.
Theo Le Monde, thái độ phản đối Putin có thể được bắt nguồn từ thỏa thuận mà hai nhà lãnh đạo Nga và Belarus đạt được hôm 14/09, trong chuyến công du của Lukashenko tới Sochi. Một khoản cho vay trị giá 1,3 tỉ euro ủng hộ chế độ Belarus đã được Nga công bố. Cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo cho thấy ông Lukashenko buộc phải đóng vai chư hầu của Moskva, và hơn bao giờ hết phụ thuộc vào nước Nga. Những cố gắng giành quyền tự chủ trong những năm gần đây của ông Lukashenko đã "đổ sông đổ bể".
Thanh niên Ilya, 28 tuổi, thì khẳng định vấn đề chỉ nằm ở tổng thống Nga chứ không phải do người dân Nga. Còn đối với cô Victoria, việc ông Lukashenko tố cáo chính quyền Nga can thiệp vào bầu cử Belarus rồi sau đó lại đi xin sự trợ giúp của Moskva chỉ chứng tỏ sự yếu kém của Lukashenko. Trong khi đó, một phụ nữ khác cho rằng ông Putin làm vậy chỉ vì sợ phong trào đấu tranh lan sang Nga chứ không nhằm sáp nhập Belarus.
Ngôn ngữ và văn hóa Belarus đặc biệt được đề cao trong các cuộc biểu tình từ vài tuần nay song trên thực tế, cho dù tiếng Nga và tiếng Belarus đều được coi là ngôn ngữ chính thức, tiếng Belarus không được sử dụng nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Theo chuyên gia Piotr Rudkouski, nếu Vladimir Putin có những biện pháp mạnh hơn để hậu thuẫn Lukashenko, có thể phong trào đôi khi sẽ mang tính bài Nga, thậm chí sẽ có nhiều lời chỉ trích nhắm vào điện Kremlin hơn, nhưng phong trào đấu tranh của người dân Belarus sẽ không hoàn toàn biến thành bài Nga.
Đòn đau cho các quán rượu, cà phê và nhà hàng
Về thời sự trong nước, các báo Pháp đều quan tâm đến biện pháp phòng dịch mới nhắm vào quán rượu bia cà phê và nhà hàng tại Paris và 3 tỉnh phụ cận sau khi những nơi này bị xếp vào danh sách "vùng báo động tối đa". Libération gọi đây là "một cú đau điếng người"của những người kinh doanh trong lĩnh vực này, vốn vẫn chưa hồi phục kể từ sau khi đất nước bị phong tỏa chống dịch Covid-19. Theo nghiệp đoàn ngành nhà hàng, khách sạn, 30% số cơ sở kinh doanh có thể sẽ không sống sót nổi trong cuộc khủng hoảng.
Theo quy định mới của Paris và 3 tỉnh phụ cận, các quán rượu bia cà phê chỉ tạm thời phải đóng cửa 15 ngày, còn các nhà hàng thì vẫn được mở cửa dù phải tuân thủ những quy định mới rất nghiêm ngặt. Thế nhưng, đối với nhiều nhà kinh doanh trong vùng Paris, đây là một "nỗi buồn lớn", "một thảm họa kinh tế"đẩy cả một ngành kinh doanh vào "tình cảnh bất định", nhất là vì trong thời kỳ hậu phong tỏa và kỳ nghỉ hè, Paris và vùng phụ cận vẫn là nơi hoạt động kinh doanh nhà hàng, quán xá bị tác động nhiều nhất do vắng khách du lịch nước ngoài.
Ngành công nghiệp hàng không : Việc làm "trên tuyến đầu"
Vẫn về hệ quả kinh tế của đại dịch Covid-19 đối với nước Pháp, báo Le Monde quan tâm đến tình hình công ăn việc làm trong lĩnh vực công nghiệp hàng không không gian. Đây là ngành tạo nhiều việc làm nhất cho nước Pháp kể từ sau cuộc khủng hoảng 2009 cho đến khi đất nước bị phong tỏa hồi giữa tháng 03/2020.
Thế nhưng, thành tích trong suốt 10 năm đó đã bị cuộc khủng hoảng Covid-19 xóa bỏ hoàn toàn. Hai nạn nhân lớn nhất trong ngành hàng không là hãng hàng không AirFrance và nhà chế tạo máy bay Airbus, lần lượt mất hơn 7.700 và gần 5.800 việc làm.
Thùy Dương
RFI, 04/10/2020
Hơn một ngày sau khi nhập viện do bị nhiễm siêu vi corona chủng mới, Donald Trump cho biết là "cảm thấy khỏe hơn nhiều", sẽ trở lại vận động tranh cử.
Tuy nhiên, tổng thống Mỹ tỏ ra thận trọng, không lạc quan thái quá. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, sẽ rút ngắn chuyến công du Châu Á trở về Washington sớm hơn dự kiến. Đoạn băng video bốn phút thu tại Quân y viện được công bố trên Twitter chiều thứ Bảy 03/10/2020.
Từ Houston, thông tín viên Thomas Harm cho biết thêm chi tiết :
"Donald Trump, mặc áo veste nhưng không mang cà-vạt, tư thế ngồi sau một cái bàn, sau lưng có lá cờ Mỹ. Ông nói : "Tôi đã tới đây, lúc không được khỏe, nhưng bây giờ thì khá hơn nhiều. Người ta cố gắng giúp tôi phục hồi sức lực. Tôi phải bình phục vì phải luôn luôn làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại. Không ai biết những ngày tới sẽ ra sao. Nhưng chắc chắn đó mới là thử thách thật sự. Chúng ta sẽ thấy chuyện gì sẽ xảy ra trong những ngày tới".
Donald Trump, không đeo khẩu trang, mặt có vẻ mệt mỏi cho biết thêm là ông chọn quân y viện thay vì tự cách ly trong phòng ở Nhà Trắng, không gặp được một ai.
Trong một thông cáo công bố sau đó, nhóm bác sĩ đặc trách chăm sóc cho tổng thống tỏ ra thận trọng nhưng cho biết lạc quan. Donald Trump uống Aspirine và thuốc trị siêu vi Remdesivir dù cho đến hiện nay, hiệu năng của công thức trị HIV này khá khiêm tốn. Nhưng đối với tổng thống Donald Trump, "phương cách trị liệu này là phép lạ của Chúa Trời".
Theo AFP, thái độ thận trọng của tổng thống Donald Trump được chính bác sĩ riêng là Sean Conley xác nhận sau đó : Tổng thống "chưa thoát nạn" cho dù "đã khá hơn nhiều so với tình trạng lúc mới định bệnh và đang tiến triển theo chiều hướng tốt".
Ngoài thuốc chống siêu vi Remdesivir, tổng thống Mỹ còn được điều trị bằng kháng thể nhân tạo, một hỗn hợp kháng thể chống Sars-Cov-2 viêm phổi cấp tính, của công ty Regeneron còn đang trong giai đoạn thử nghiệm dưới tên gọi là "Regn-Cov2".
Tú Anh
*****************
Triệu chứng Covid-19 của Tổng thống Trump 'rất đáng lo ngại' hôm Thứ Sáu ; 48 giờ tới có tính quyết định
VOA, 04/10/2020
Tổng thống Mỹ Donald Trump trải qua một giai đoạn "rất đáng lo ngại" hôm thứ Sáu 2/10, và 48 giờ tới sẽ có tính quyết định về việc chữa trị cho tình trạng ông bị nhiễm virus corona chủng mới, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows nói hôm thứ Bảy 3/10, AP đưa tin.
Trung tá Hải quân Mỹ, Bác sĩ Sean Conley nói với báo chí hôm 3/10
Trong khi đó, Reuters dẫn lời một người nắm tình hình sức khỏe của Tổng thống Trump cho biết cùng ngày 3/10 là ông Trump chưa chuyển sang giai đoạn bình phục rõ rệt sau khi nhiễm Covid-19, và một vài dấu hiệu sinh tồn của ông trong 24 giờ qua là rất đáng lo ngại.
Nhận xét của nguồn tin này về tình trạng y tế của tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa dường như mâu thuẫn với đánh giá mà một nhóm bác sĩ đưa ra trong cuộc họp báo trước đó cũng trong ngày 3/10, rằng ông "đang rất khỏe", bản tin của Reuters tường thuật.
Một trong những bác sĩ đó kể ông Trump bảo họ rằng "Tôi cảm thấy cứ như là tôi có thể bước ra khỏi đây ngay hôm nay".
Tổng thống Trump rời Nhà Trắng và được đưa đến Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed gần Washington vào thứ Sáu 2/10 chỉ vài giờ sau khi ông được chẩn đoán mắc Covid-19.
Bác sĩ thuộc Nhà Trắng Sean P. Conley nói với các phóng viên bên ngoài bệnh viện hôm 3/10 rằng ông Trump không bị khó thở và hiện không cần thở bằng oxy bổ sung, tin của Reuters cho hay.
"Tôi và toàn bộ nhóm vô cùng vui về diễn biến tốt của tổng thống", ông Conley nói, được Reuters dẫn lại.
Ông Conley từ chối cung cấp thời gian biểu khi nào ông Trump có thể ra viện.
Trong một tweet đăng ngày 3 tháng 10, tổng thống Trump có lời khen ngợi đội ngũ y tế tại Walter Reed, và nói rằng ông "cảm thấy khỏe".
Tweet của tổng thống Trump viết : "Các bác sĩ, y tá, và TẤT CẢ tại trung tâm y tế Walter Reed VĨ ĐẠI, và các đội ngũ y tế khác tại các trung tâm tuyệt vời tương tự, là TUYỆT VỜI ! ! !" và "với sự giúp đỡ của họ, tôi đang cảm thấy khỏe".
Kết quả chẩn đoán vừa qua là sự việc tiêu cực gần đây nhất đối với tổng thống thuộc đảng Cộng hòa, người đứng thấp hơn đối thủ bên đảng Dân chủ Joe Biden trong các cuộc thăm dò dư luận trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11.
Ông Conley cho biết ông Trump đã được tiêm liều Remdesivir đầu tiên trong liệu trình dài 5 ngày. Đây là một loại thuốc kháng virus tiêm tĩnh mạch do Gilead Sciences Inc bán, đã được chứng minh là có thể rút ngắn thời gian nằm viện, vẫn theo tin Reuters.
Ông Trump cũng đang áp dụng một phương pháp điều trị thử nghiệm bằng thuốc REGN-COV2 của Regeneron, một trong vài loại thuốc thử nghiệm "kháng thể đơn dòng" để điều trị Covid-19. Ngoài ra, ông cũng uống các loại thuốc gồm kẽm, Vitamin D, famotidine, melatonin và aspirin, ông Conley cho biết.
Theo Reuters
************************
RFI, 04/10/2020
Từ khi có thông tin chính thức về việc tổng thống Mỹ Donald Trump dương tính với virus, đêm ngày 01/10 qua ngày 02/10/2020, đến nay, Nhà Trắng đưa ra nhiều thông tin mâu thuẫn và không rõ ràng về tình trạng sức khỏe tổng thống. Phủ tổng thống Mỹ cũng bị chỉ trích là đã quá lơi lỏng trong việc phòng ngừa đại dịch Covid-19. Nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi phải chăng chính Nhà Trắng đã trở thành một "ổ dịch".
Theo AFP, trong ngày hôm qua, 03 tháng 10, một nguồn tin ẩn danh được coi là rất đáng tin cậy cho biết "các chỉ số sức khỏe cơ bản của tổng thống trong vòng 24 giờ qua là rất đáng lo ngại, và về phương diện điều trị, 48 giờ sắp tới sẽ mang tính quyết định". Sau đó, truyền thông Mỹ xác nhận người đưa ra thông tin này không ai khác hơn là ông Mark Meadows, chánh văn phòng Nhà Trắng. Thông tin từ ông Mark Meadows dường như hoàn toàn mâu thuẫn với tuyên bố của các bác sĩ của Nhà Trắng, là sức khỏe tổng thống "rất tốt".
Nhiều kênh truyền thông, trong đó có ABC, khẳng định ông Donald Trump đã được tiếp oxy, hôm thứ Sáu, 02/10, tại Nhà Trắng, trước khi được đưa đến bệnh viện quân y. Trả lời câu hỏi của báo giới về vấn đề này, bác sĩ của tổng thống, ông Sean Coley, chỉ giới hạn trong việc trả lời là trong ngày thứ Bảy 03/10, tổng thống không cần tiếp oxy. Bác sĩ Coley tránh trả lời câu hỏi của phóng viên về việc trong ngày thứ Năm 01/10 và từ khi đến bệnh viện, tổng thống Trump có được truyền oxy hay không.
Về vấn đề tổng thống đã có kết quả dương tính lần đầu vào lúc nào, bác sĩ của Nhà Trắng cũng đưa ra một thông tin cho thấy là xét nghiệm có thể đã được tiến hành vào ngày thứ Tư, 30/09, thay vì ngày thứ Năm 01/10, như thông báo chính thức trước đó.
Hiện tại, việc tổng thống Donald Trump bị nhiễm virus vào lúc nào và bằng con đường nào vẫn chưa có câu trả lời. Trả lời AFP, ông Ali Nouri, chủ tịch Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, chỉ trích việc Nhà Trắng đã "quá tin tưởng vào các xét nghiệm, và không coi việc mang khẩu trang và giữ khoảng cách trong các tiếp xúc là điều bắt buộc".
Một sự kiện được giới chuyên gia đặc biệt chú ý. Hôm thứ Bảy tuần trước 26/09, tại Nhà Trắng, đa số trong hàng chục khách mời, tham dự buổi tổng thống chính thức thông báo bổ nhiệm thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện, đã không tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Theo các đoạn video quay lại sự kiện này, phần lớn khách mời không mang khẩu trang, một cử chỉ của đông đảo chính trị gia đảng Cộng Hòa được coi như thể hiện thái độ trung thành với tổng thống.
Hiện tại, danh sách những người thân cận với tổng thống mãn nhiệm Donald Trump nhiễm virus đang kéo dài. Ngoài phu nhân tổng thống, bà Melania, và cố vấn Hope Hicks, còn có giám đốc chương trình tranh cử Bill Stepien, ba thượng nghị sĩ Cộng Hòa, cựu cố vấn Kellyanne Conway, một cố vấn hiện nay của tổng thống Chris Christie, ông Nicholas Luna, một cộng sự thân cận khác của tổng thống… chưa kể ba nhà báo tham dự sự kiện này.
Vào thời điểm diễn ra cuộc tranh luận đầu tiên với ứng cử viên Joe Biden, hôm 29/09, tại Cleveland, chưa có thông tin về việc tổng thống Donald Trump bị nhiễm virus. Hai ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ, Donald Trump và Joe Biden, đã có cuộc tranh luận trên cùng một diễn đàn, trong vòng 90 phút. Hôm 02/10, ứng cử viên Biden đã xét nghiệm với kết quả âm tính. Hôm nay, ông Biden sẽ xét nghiệm Covid lần thứ hai.
Trong khi chờ đợi diễn biến sức khỏe của chủ nhân Nhà Trắng, ngoại trưởng Mike Pompeo, quyết định rút ngắn chuyến công du Châu Á. Sau khi đến Tokyo trong ba ngày từ Chủ Nhật đến thứ Ba để hội kiến với đồng nhiệm Nhật, Úc và Ấn Độ (nhóm Quad - tứ giác kim cương), ngoại trưởng Mỹ trở về Washington thay vì đi Hàn Quốc và Mông Cổ.
Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, ông Pompeo sẽ trở lại Châu Á trong tháng 10.
Tổng thống Trump cám ơn các ủng hộ viên
VOA, 04/10/2020
Tổng thống Trump mới ngỏ lời cám ơn các ủng hộ viên từ bệnh viện nơi ông đang được chữa trị sau khi nhiễm Covid-19, theo Reuters.
44444444444444444444
Hình ảnh ông Trump trong đoạn video đăng ngày 3/10.
Trên Twitter sớm ngày 4/10, ông Trump viết : "Cám ơn rất nhiều !" Tổng thống Mỹ đăng lại một video của Giám đốc phụ trách mạng xã hội của Nhà Trắng Dan Scavino, cho thấy nhiều người bấm còi xe ôtô, reo hò và vẫy cờ ủng hộ ông bên ngoài Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed tối ngày 3/10.
Tới sáng ngày 4/10, đoạn video dài 24 giây này đã có 3,4 triệu lượt xem.
Một ngày sau khi được đưa tới cơ sở y tế trên, ông Trump hôm 3/10 đăng một đoạn video dài hơn 4 phút trên Twitter.
Tổng thống Mỹ nói : "Trong khoảng thời gian vài ngày tới, tôi đoán đó sẽ là cuộc trắc nghiệm thực sự, vì vậy chúng ta sẽ chờ xem điều gì xảy ra trong vài ngày tới".
Theo Reuters, các đánh giá khác nhau hôm 3/10 của quan chức chính quyền về tình trạng sức khỏe của ông Trump không cho thấy rõ tình trạng bệnh tình của nguyên thủ Mỹ nặng ra sao sau khi được chuẩn đoán nhiễm Covid-19 tối ngày 1/10.
Một nhóm bác sĩ của Nhà Trắng được hãng tin Anh dẫn lời nói sáng 3/10 rằng bệnh tình của ông Trump đã cải thiện và rằng ông đã nói tới chuyện trở lại Nhà Trắng.
Vài phút sau đó, theo Reuters, khi trao đổi với các phóng viên, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows đưa ra một nhận định kém sáng sủa hơn.
Ông Meadows được hãng tin này trích lời nói hôm 3/10 rằng "các dấu hiệu sinh tồn của tổng thống trong vòng 24 giờ qua rất đáng ngại" và rằng việc chăm sóc ông "trong vòng 48 giờ tới hết sức quan trọng".
Reuters trích lời quan chức Nhà Trắng này nói thêm rằng hiện chưa thấy "một lộ trình hồi phục hoàn toàn rõ ràng".
Dịch Covid-19 vẫn là chủ đề bao trùm hầu hết các báo Pháp ra ngày đầu tuần với hai chủ đề thời sự nổi bật : Pháp đang phải đối mặt với sự trở lại của làn sóng virus corona ; ông Donald Trump nằm viện vì nhiễm Covid 19 khiến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng phát sốt và trở nên khó lường hơn bao giờ hết.
Trước tiên xin được đến với thời sự đang thu hút sự quan tâm chú ý không chỉ của nước Mỹ mà cả thế giới. Đó là tình trạng sức khỏe của tổng thống Donald Trump sau khi bị dương tính với Covid-19 và phải nhập viện để theo dõi điều trị từ hôm thứ Sáu tuần trước. Hầu hết các báo Pháp đều có ít nhất một bài đề cập đến sức khỏe của ông Trump cùng mối liên quan hiển nhiên với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, vốn dĩ chỉ còn chưa đầy một tháng nữa sẽ diễn ra.
Le Figaro có bài xã luận mang tiêu đề "Virus và tổng thống". Bài xã luận ghi nhận : "Sau khi bị nhiễm Covid-19 và phải nhập viện từ hôm thứ Sáu, tổng thống Mỹ đã biết cách biến Twitter thành chiếc máy theo dõi dấu hiệu sức khỏe của ông. Cả thế giới theo dõi tần số các Tweet của ông như theo dõi nhịp tim để tìm kiếm các dấu hiệu về tình trạng sức khỏe của tổng thống".
Le Figaro nhận định, những lo lắng về sức khỏe của ông Trump đang đặt ra nhiều câu hỏi : "Liệu ông sẽ còn đủ khả năng, sức lực để đi đến cùng cuộc đua marathon và lãnh đạo đất nước nếu tái đắc cử ? Bên cạnh những điều không lường trước là sự lúng túng về chính trị đối với một vị tổng thống vốn dĩ không ngừng coi nhẹ mối nguy hiểm của loại virus đã khiến hơn 200 nghìn người dân Mỹ thiệt mạng".
Tuy nhiên, bài xã luận của Le Figaro cũng cảnh báo những phán đoán vội vàng : "Từ khi bước lên sân khấu chính trị, ông Trump, vốn dĩ được ví như vật thể lạ trong chính trường, đã khiến mọi nhà cái đánh cược bị lụn bại. Nếu ông vượt qua được mối nguy hiểm chết người này, ông sẽ trở thành ứng cử viên chiến thắng virus corona. Ông sẽ không ngần ngại nói rằng cùng với ông, nước Mỹ sẽ chiến thắng virus và một lần nữa ông sẽ chứng minh được khả năng bất ngờ thoát khỏi các tình huống tồi tệ nhất".
Trong khi đó, nhật báo kinh tế Les Echos nêu lên các tác động của việc tổng thống Trump nhiễm Covid-19 đối với tình hình chính trị và hoạt động tài chính của nước Mỹ.
Trong bài viết "Trump dương tính với Covid-19 : Chiến dịch tranh cử tổng thống bị đảo lộn", tờ báo nêu lên ba vấn đề : Việc ông Donald Trump phải nhập viện tối thứ Sáu vì nhiễm Covid-19 đã mở ra một giai đoạn bất định. Trước tiên là về sức khỏe thực sự của tổng thống Mỹ, nhất là vì các thông tin về tình trạng sức khỏe của ông Trump được đưa ra trái ngược nhau.
Thứ hai là hàng loạt các nhân vật chính trị trong đảng Cộng hòa bị nhiễm bệnh là hệ quả của việc chính quyền Trump lơ là các biện pháp phòng dịch và thứ ba là tình trạng sức khỏe của tổng thống Mỹ, sự minh bạch thông tin và việc lây lan virus ở Nhà Trắng có tác động đến chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ, vốn dĩ chỉ còn một tháng nữa là sẽ diễn ra.
Thị trường chứng khoán Mỹ chuẩn bị tình huống xấu nhất
Tờ báo cũng đặt ra một loạt câu hỏi xung quanh ca nhiễm Covid nhắn vào nhân vật số 1 thế giới cùng với các kịch bản có thể xảy ra cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tới đây.
Trên khía cạnh kinh tế, Les Echos ghi nhận việc tổng thống Donald Trump nhập viện đã không chỉ gây thiệt hại cho thị trường chứng khoán Mỹ ngay trong ngày cuối tuần trước mà giờ đây thị trường tài chính Mỹ còn đang lo sợ phải đối mặt với một kịch bản tồi tệ nhất của cuộc bầu cử tổng thống sắp tới : kết quả bầu cử không những khó lường mà còn rất có thể gây tranh cãi.
Theo Les Echos, tổng thống Donald Trump đã tỏ thái độ hoài nghi về khả năng gian lận trong bầu cử, nhất là bầu cử qua thư do tình hình dịch bệnh và có thể ông sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử nếu bị thua cuộc. Thêm vào đó, một lượng phiếu bầu khá lớn được thực hiện qua đường bưu điện và kết quả kiểm phiếu sẽ rất khó khăn và phức tạp, có khi phải đợi nhiều tuần lễ mới có. Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán Mỹ đang chuẩn bị đối mặt với những kịch bản đen tối nhất.
Xu hướng đơn phương của Mỹ khiến thế giới mất phương hướng
Cũng liên quan đến nước Mỹ dưới thời Donald Trump, nhật báo Les Echos có bài phân tích mang tựa đề: "Vì sao nước Mỹ thoái lui vai trò thế giới có nguy cơ không thể đảo ngược được".
Bài viết đặt vấn đề: Còn đâu vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trước đại dịch Covid-19 và với thế giới ? Nước Mỹ không còn là siêu cường sau chiến tranh lạnh, không còn hấp dẫn được nhiều đồng minh Châu Âu, Châu Á đã có trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng Châu Âu hay Trung Quốc cũng không thể thực thi vai trò lãnh đạo thế giới. Cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 là một dấu hiệu nữa về một thế giới đang mất phương hướng. Đó là hệ quả của xu hướng mà chính quyền của tổng thống Trump đã tạo ra : đơn phương hành động, bất cần ngoại giao.
Theo bài báo, xu hướng này có nguy cơ không thể đảo ngược cho dù chính trường Mỹ sắp tới có thay đổi hay không. Bài báo kết luận : "Nước Mỹ vẫn là cường quốc quân sự số 1 thế giới, nhưng "quyền lực mềm", sự tỏa sáng của văn hóa, lối sống và sức sáng tạo của nước Mỹ đã bị xói mòn. Người kế tục Trump vào tháng Giêng 2021 hay vào năm 2025, cũng khó mà có thể đánh bóng lại hình ảnh lãnh đạo thế giới của Mỹ. Nhiệm vụ này càng trở nên khó khăn khi mà cường quốc Trung Quốc vẫn tiếp tục trỗi dậy dù có Trump hay không".
Pháp : Làn sóng dịch virus corona thứ hai đang nổi lên ở mức báo động
"Covid-19 : Paris chuyển thành vùng báo động tối đa" là hàng tựa có thể thấy trên các mặt báo ra hôm nay. Le Figaro cho hay : Đại dịch tiếp tục lây lan mạnh ở Pháp, liên tục những ngày qua, số ca nhiễm tăng vọt, hàng loạt các chỉ số lây nhiễm, khả năng ứng phó của các bệnh viện đều vượt ngưỡng báo động ở nhiều địa phương và thành phố lớn của nước Pháp.
Tối hôm qua, chính phủ quyết định đặt Paris và vùng phụ cận trong tình trạng báo động tối đa. Như vậy từ thứ Ba (06/10), các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt sẽ được triển khai tại Paris và 3 tỉnh nằm sát cạnh. Trước mắt trong vòng 15 ngày, theo đó, các quán bar buộc phải đóng cửa, quán ăn có thể được mở cửa nhưng phải thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng dịch nghiêm ngặt mới. Các trường đại học buộc phải giảm sĩ số sinh viên có mặt trên lớp xuống một nửa, các bệnh viện triển khai kế hoạch tăng cường nhân viên y tế và giường bệnh …
Mùa hè vừa qua, chính phủ Pháp đã hy vọng lật sang trang mới hậu Covid-19 để khẩn trương khắc phục hậu quả, triển khai các cải cách nhưng khi vừa bước vào mùa thu virus corona đã trở lại làm đảo lộn mọi kế hoạch của chính phủ Macron. Các báo đều ghi nhận thấy những ngày qua, chính phủ cố nghe ngóng thăm dò tình hình để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch theo kiểu "ăn đong từng ngày".
Libération đặt vấn đề: một trong những nguyên nhân để làn sóng dịch thứ 2 bùng lên trở lại chính là những đánh giá lạc quan của nhiều chuyên gia y học được sự giúp sức của truyền thông, nhằm trấn an dân chúng. Ý kiến của các chuyên gia hàng đầu về vi trùng học, bệnh nhiễm trùng, các giáo sư dịch tễ học được truyền thông tích cực đăng tải. Họ đều cho rằng dịch đã ở giai đoạn cuối, virus đã trở nên suy yếu, kém nguy hiểm và các rào cản phòng chống dịch của chính phủ trong những tuần trước đó đã triệt tiêu tự do, cản trở đời sống xã hội một cách vô ích…
Các luận điểm như vậy đã khiến người dân hạ thấp mối đe dọa có thực của bệnh dịch và lơ là các biện pháp phòng dịch. Trong khi đó, chính phủ xử lý tình hình không rõ ràng, dứt khoát và thiếu phối hợp đồng bộ, đợi nước đến chân mới nhảy, tờ báo khẳng định.
Xung đột Armenia - Azerbaidjan : Sự lựa chọn lưỡng nan của Putin
Một thời sự nóng khác đang diễn ra cũng được các báo quan tâm là cuộc xung đột vũ trang giữa Azerbaidjan và Armenia tại Thượng Karabakh. Nhật báo Le Monde có đề cập đến vai trò của Nga trong cuộc xung đột đã diễn ra từ một tuần nay và vẫn không có dấu hiệu nào giảm nhiệt.
Le Monde ghi nhận từ đầu cuộc xung đột, chủ nhân điện Kremlin Vladimir Putin vẫn giữ thái độ cân bằng giữa Erevan và Baku, nhưng với diễn tiến tình hình gần đây, xem ra Moskva khó có thể duy trì lập trường như vậy. Nhưng đó sẽ là một sự "lựa chọn lưỡng nan của ông Putin".
Le Monde nhận thấy cuộc xung đột giữa hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ xung quanh một vùng đất tự trị đang đặt Nga vào tình thế tế nhị. Từ nhiều thập kỷ qua, Nga vẫn luôn đóng vai trò trọng tài trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ kiểu thế này mà vẫn bảo đảm bán vũ khí, gây được ảnh hưởng với các bên. Giờ đây, với việc Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện và đứng về phía Azerbaidjan, tình hình trở nên phức tạp và xấu đi khiến tổng thống Nga Putin có thể buộc phải có lựa chọn không hề dễ dàng.
Nếu ủng hộ Erevan chống lại Baku, Nga sẽ bị mất sân sau Azerbaidjan, đối đầu với thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Nga và Armenia đã ký với nhau thỏa thuận quốc phòng, dù thỏa thuận này không liên quan gì đến khu vực Karabakh. Le Monde nhận xét, Nga đang cố gắng dàn hòa hai bên tham chiến nhưng có vẻ như không còn có thể áp đặt ý kiến của mình cho cả Erevan cũng như Baku.
Anh Vũ
Nhiễm Covid, "cỗ máy chiến tranh" Donald Trump có dừng cuộc chơi ?
Rốt cuộc ông Donald Trump cũng đành phải để cho con virus corona trở thành trung tâm trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Nước Mỹ sẽ đi bầu trong hơn 30 ngày nữa, mà một trong hai ứng cử viên lại bị loại ra khỏi vòng chiến, ít nhất trong vài ngày. Đây chính là "ngạc nhiên của tháng 10" ?
Tổng thống Mỹ Donald Trump lên trực thăng đến quân y viện Walter Reed ở Washington sau khi xét nghiệm dương tính với virus corona, 02/10/2020. AP - Alex Brandon
Hồ sơ của Courrier International nói về "Những tù nhân của Covid". Le Point dành trang bìa cho tài tử điện ảnh kỳ cựu Pháp Gérard Depardieu nhân việc ông cho ra mắt cuốn sách "Ailleurs", với dòng tựa "Nước Pháp đã bị phong tỏa mà không hay". L’Express đề cập đến "văn hóa cancel", có thể hiểu là văn hóa tẩy chay, phủ nhận, xóa sổ… mà những người nổi tiếng thường là nạn nhân chạy tựa "Hãy câm miệng hoặc biến đi". L’Obs đặt vấn đề "5G : Mối đe dọa hay sự tiến bộ ?". Ở các trang trong, bầu cử Mỹ và virus corona rất được quan tâm, bên cạnh các chủ đề công nghệ 5G, mối nguy thánh chiến.
Con virus từ Vũ Hán tấn công vào trung tâm quyền lực Mỹ
Trang web của tuần báo Le Point chơi chữ chính là"Ông Trump dương tính với Covid-19 : Cỗ máy chiến tranh bị cảm cúm" (nhưng cũng có thể hiểu là bị ngưng chạy). Đây "ngạc nhiên của tháng 10", theo Courrier International, trong khi những tuần lễ qua nhiều nhà bình luận chỉ suy đoán xung quanh việc bỏ phiếu qua bưu điện.
Le Point cho rằng chuyện gì phải đến đã đến. Rốt cuộc Donald Trump cũng phải để cho con virus corona trở thành trung tâm trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Nước Mỹ sẽ đi bầu trong hơn 30 ngày nữa, mà một trong hai ứng cử viên lại bị loại ra khỏi vòng chiến, ít nhất trong vài ngày. Tổng thống Trump cùng với phu nhân Melania đều dương tính, phải cách ly. Chiến dịch vận động trên thực tế coi như đã dừng lại.
Sau khi sát hại hơn 200.000 người và làm cho nền kinh tế xuống dốc, con virus corona tấn công thẳng vào người đứng đầu nước Mỹ. Ở tuổi 74, tổng thống Trump nằm trong số những người có nguy cơ, và giờ đây thế giới theo dõi sát tình hình sức khỏe do bác sĩ riêng của ông công bố. Donald Trump nối dài thêm danh sách các nguyên thủ bị nhiễm bệnh sau khi cho rằng chỉ là virus cúm thông thường, như Jair Bolsonaro ở Brazil, hay Boris Johnson ở Anh. Trong khi đó Vladimir Putin với bản tính ngờ vực, sống tách biệt ngay từ đầu đại dịch.
Dù Nhà Trắng là địa điểm cách ly sang trọng (nay thì đã chuyển sang quân y viện), nhưng Donald Trump là con người của không gian trải rộng. Ông rất mê những cuộc mít-tinh cấp tốc. Những người ủng hộ Trump chờ đợi ông ở sân bay để xem chiếc Air Force One hạ cánh, một khán đài nhanh chóng dựng lên, một bài diễn văn hùng hồn chừng vài mươi phút và chiếc phi cơ 747 lại cất cánh đến một "swing state" khác.
Từ nhiều tuần qua, các cuộc thăm dò cho thấy Donald Trump, chậm mà chắc, đang rút ngắn lại khoảng cách với Joe Biden. Ông trông cậy vào cuộc tranh luận để tạo ấn tượng. Nhưng theo người ủng hộ ông nhiệt tình nhất là cây bút xã luận Rush Limabuagh cũng cho rằng thay vì hạ nốc-ao Biden, Joe chỉ bị trầy xước một ít. Và giờ thì Donald bị nhiễm bệnh…
Ông Trump dương tính với corona, còn Biden thế nào ? Cả hai ứng cử viên đều không bắt tay nhau, và hai chiếc bục của họ cũng cách xa nhau trong cuộc tranh luận. Nhưng họ có tôn trọng đầy đủ những quy định căn bản về dịch tễ hay không ? Ứng viên Dân chủ có thể sẽ phải đi xét nghiệm. Nếu Biden âm tính với virus, đó sẽ là một lợi thế rất lớn trước ông Trump, vào lúc chỉ còn một tháng nữa là đến bầu cử.
Ai sẽ lên thay tổng thống ?
Hậu quả sẽ như thế nào đối với chiến dịch tranh cử tổng thống ? Trước hết là lịch trình bị đảo lộn, trong lúc chẳng còn được bao nhiêu thời giờ. Về chương trình ở những bang "chiến địa" (swing state) : cuộc mít-tinh ở Florida đã bị hủy bỏ, Wisconsin và Arizona bị hoãn hoặc tổ chức qua mạng. Cuộc tranh luận thứ hai với Joe Biden dự kiến ngày 15/10 cũng có nguy cơ không diễn ra được. Mọi cái nhìn nay đều hướng về đối thủ Joe Biden đã 77 tuổi.
Điều gì sẽ diễn ra nếu tổng thống Trump không thể làm nhiệm vụ ? Theo tu chính án 25 của Hiến Pháp Hoa Kỳ, phó tổng thống Mike Pence - hiện giờ vẫn âm tính với con virus - sẽ đảm đương. Cho đến nay, tu chính án này mới vận dụng được ba lần. Lần đầu vào năm 1985, khi Ronald Reagan bị phẫu thuật, phó tổng thống George H. W. Bush trở thành tổng thống trong 8 tiếng đồng hồ. Đến năm 2007, hai lần George W. Bush chịu gây mê, quyền lực được chuyển giao cho Dick Cheney trong 2 giờ.
Trong trường hợp sức khỏe bị giảm sút trầm trọng cho đến cuối nhiệm kỳ, tất nhiên là phó tổng thống lên thay. Theo điều 2 Hiến Pháp và luật 1947, có đến 18 nhân vật có thể kế nhiệm. Sau phó tổng thống là chủ tịch Hạ Viện (hiện nay là bà Nancy Pelosi, nhân vật Dân chủ duy nhất trong danh sách). Tiếp đến là chủ tịch Thượng Viện, rồi ngoại trưởng…
Nhưng nếu xảy ra một thảm kịch tại Washington khiến tất cả những người kế nhiệm không còn nữa ? Hệ thống Mỹ vẫn còn một "chiêu" cuối : "người kế nhiệm được chỉ định". Trong những dịp chính thức như lễ nhậm chức hay diễn văn về liên bang, tổng thống chọn trước một người thay thế, được bảo vệ ở một nơi an toàn. Hồi năm 2018 khi tổng thống Trump đọc bài diễn văn, bộ trưởng Nông nghiệp Sonny Perdue đã được đưa đến một địa điểm an ninh tuyệt đối.
Chuyến đi hụt Florida có thể đáng tiếc cho ông Trump
Việc ông Trump không thể đến Florida vận động có thể là điều đáng tiếc, vì theo The Economist, Donald Trump có nhiều hy vọng tại tiểu bang hay nghiêng ngả này.
Đại diện đảng Cộng hòa tại đây cho biết "đã gõ trên 1,7 triệu cánh cửa, còn Dân chủ chỉ ngồi tại trụ sở nhưng lại cố giành chiến thắng". Tuy nhiên Joe Biden bắt đầu đến Florida từ 15/09, và càng cận ngày càng tung thêm tiền vào bang này, lấy trong số 100 triệu đô la do Michael Bloomberg tài trợ. Ứng cử viên nào thắng được ở Florida có nhiều hy vọng trở thành tổng thống Mỹ : trong 12 cuộc bầu cử vừa qua, chỉ có mỗi một lần dân Florida bầu cho người thua cuộc. Nếu thất bại ở bang này, Donald Trump hầu như không còn cơ hội.
Hai nhóm cử tri nắm giữ chiếc chìa khóa là người Mỹ la-tinh và người lớn tuổi, ông Trump có lợi thế ở nhóm đầu và bất lợi ở nhóm sau. Có đến 1/3 người Mỹ la-tinh tại Florida gốc Cuba, có truyền thống bầu cho Cộng hòa ; những người gốc Venezuela, Columbia và Nicaragua cũng vậy, chỉ có cộng đồng Mêhicô thường bầu cho Dân chủ.
Dân chủ quyết giành cử tri da đen ở Detroit
Còn tại Detroit, thuộc bang Michigan, cuộc chiến được quyết định bởi lá phiếu của người Mỹ da đen. Phóng sự của L’Express cho thấy phe Dân chủ cần đến lớp cử tri này hơn bao giờ hết. Ê-kíp của ông Joe Biden cố gắng vận động tầng lớp cử tri từng cảm thấy bị bỏ rơi hồi năm 2016.
Cách đây bốn năm, Michigan đã gây ngạc nhiên cho toàn thế giới. Là chiếc nôi của kỹ nghệ xe hơi, thành trì của các nghiệp đoàn và công nhân cánh tả, tiểu bang này là "bức tường xanh" Dân chủ. Được cho là luôn nằm ngoài tầm tay với của Cộng hòa, nhưng Donald Trump đã giành được chiến thắng khít khao : vượt 11.000 phiếu trên tổng số 5 triệu. Đến nỗi tờ báo lớn nhất ở địa phương là The Detroit Free Press đã loan báo bà Hillary Clinton thắng cuộc, và sau đó phải đính chính.
Tại Detroit, nơi 8/10 cử tri là người da đen, có đến 14% không đi bầu năm 2016, bỏ trống trận địa cho cử tri nông thôn da trắng theo Cộng hòa. Phía ông Joe Biden quyết giành lại lực lượng này. Ngay lối vào thành phố, một pa-nô khổng lồ chiếu số người chết vì virus corona được cập nhật, bên cạnh con số 200.000 là chân dung Donald Trump. Trên những đài phát nhạc rap, liên tục xen vào những câu quảng cáo kết án ông Trump đã giết hại hàng mấy chục ngàn người da đen.
Tuy nhiên con virus cũng gây khó khăn cho phía Dân chủ, vì hầu hết vận động gián tiếp qua mạng xã hội, tin nhắn, điện thoại… Giờ đây phải sáng tạo thêm, như phân phát thực phẩm cho người nghèo và đề nghị họ đăng ký đi bầu. Nhưng phía ông Donald Trump cũng xông ra thực địa : lần đầu tiên trong lịch sử Cộng hòa mở văn phòng ở Detroit vào đầu năm nay, và các tình nguyện viên gõ cửa từng nhà vận động.
Báo chí bảo thủ vẫn bênh Donald Trump
Nếu đa số báo chí Mỹ tỏ ra bức xúc trước cuộc tranh luận đầu tiên hôm 29/09 được cho là rất lộn xộn, thì không ít nhà quan sát bảo thủ lại đánh giá Donald Trump đã thành công. Courrier International trích dịch một số tờ báo bảo thủ cho rằng ông Trump tiếp tục thu hút cử tri khi bỏ qua những quy luật truyền thống.
Theo họ, Donald Trump là một "pitbull đã bảo vệ nước Mỹ" và tấn công Biden tơi tả. New York Post viết : "Trong một thế giới loạn ly, dưới sự đe dọa của những kẻ hiếu chiến như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bạn có thể trông cậy vào ai để bảo vệ đất nước ? Một con pitbull hung hăng sẵn sàng làm mọi thứ để chiến thắng, hay một người yếu đuối tươi cười ?".
Tương tự đối với tạp chí Anh The Circle, ông Trump là một "chiến binh đường phố" đối mặt với địch thủ mang tính truyền thống. Wall Street Journal ví von Donald Trump như một con voi cần thiết "trong cửa hàng đồ sứ phủ đầy bụi của chính trường Mỹ", tuy nhiên tỏ ý tiếc về sự hỗn độn của cuộc tranh luận. Ngược lại The Circle bênh vực : "Ông ấy quyết liệt, dí dỏm, ông đã cao giọng về những điều mà một số người không dám nói ra".
Trung Quốc bóp méo sự thật về cuộc chiến Triều Tiên
Nhìn sang Châu Á về mặt lịch sử, The Economist chú ý đến việc Tuần báo Anh tỏ ra ngạc nhiên khi"Trung Quốc kỷ niệm 70 tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên". những luận điệu dối trá từ thời Mao Trạch Đông cho đến nay vẫn được lặp lại, Bắc Kinh bóp méo lịch sử một cách trắng trợn.
Khu đài tưởng niệm nằm trên một ngọn đồi nhìn xuống thành phố biên giới Đan Đông vừa mở cửa lại vào cuối tháng Chín, trước ngày kỷ niệm 70 năm Trung Quốc tham gia cuộc chiến 1950-1953, mà Bắc Kinh gọi là "Chiến tranh chống Mỹ và giúp đỡ Triều Tiên". Tại đây trưng bày một số "hiện vật" sơ sài nhằm tố cáo "chiến đấu cơ Mỹ thả bom vi trùng" xuống Triều Tiên và miền bắc Trung Quốc năm 1952. Tuy nhiên sự thật đã được làm sáng tỏ từ rất lâu, chủ yếu từ tài liệu của Liên Xô cũ giải mật nhiều thập niên sau cuộc chiến, khẳng định cái gọi là chiến tranh vi trùng đã được sáng tác ra.
Dù vậy, học sinh Hoa lục được dạy rằng Trung Quốc phải nhập cuộc để chống Mỹ, những tình nguyện quân giày vải đơn sơ chiến đấu với xe tăng, máy bay Mỹ… Thực tế đây là một cuộc chiến đẫm máu với 400.000 lính Trung Quốc tử trận (khu lưu niệm ghi con số không đầy phân nửa), và làm đất nước Triều Tiên bị chia đôi ở vĩ tuyến 38.
Bắc Kinh hy vọng xuất khẩu lò phản ứng nguyên tử
Trên lãnh vực kinh tế, L’Express cảnh báo nguy cơ "Con rồng nguyên tử Trung Quốc tấn công thế giới". Trong những tuần lễ sắp tới, Bắc Kinh sẽ đưa vào hoạt động các lò phản ứng thế hệ thứ ba đầu tiên hoàn toàn Made in China, hy vọng có thể xuất khẩu được.
Lò phản ứng Phúc Thanh (Fuqing) số 5 dùng công nghệ HPR-1000, là loại lò áp lực được đặt tên là Hoa Long (Hualong), do hai tập đoàn China General Nuclear Power Corporation (CGN) và CNNC thiết kế, sản xuất, mở ra một kỷ nguyên mới cho Trung Quốc. Trước đó Bắc Kinh lệ thuộc vào công nghệ của Areva và EDF (Pháp), Westinghouse (Mỹ), vì lò phản ứng thế hệ thứ ba cần mức độ an toàn rất cao.
Với 48 lò phản ứng nguyên tử, Trung Quốc đang theo sát nút Pháp (56 lò), và đây là mặt hàng xuất khẩu mới. Tại Pakistan, hai lò Hoa Long đang được Trung Quốc xây dựng và sẽ có thêm ba lò nữa, Argentina cũng là khách hàng sắp tới. Với giá thành rất cạnh tranh, Bắc Kinh đang dòm ngó Châu Âu, nhưng nguyên tử là lãnh vực nhạy cảm nên địa chính trị đóng vai trò quan trọng, có nguy cơ chịu chung số phận với 5G của Hoa Vi.
Vì sao Trung Quốc gây hấn với Ấn Độ ?
Cũng liên quan đến Trung Quốc, nguyệt san Le Monde Diplomatique phân tích "Vì sao Trung Quốc và Ấn Độ đối đầu trên nóc nhà thế giới".
Trong đêm 15 rạng 16/06/2020, trên rặng Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn) thuộc vùng biên giới Ấn-Trung, quân lính hai bên đã xáp lá cà như thời Trung Cổ. Suốt 7 tiếng đồng hồ trong đêm đen như mực, ở độ cao 4.200 mét, họ đánh nhau bằng chùy bọc kẽm gai, gậy sắt, đá tảng và cả tay không. Đến sáng, phía Ấn Độ đếm được 78 binh sĩ bị thương và 20 tử thương – đa số bị chết đuối trong dòng sông lạnh giá Galwan. Bắc Kinh từ chối công bố thiệt hại, nhưng các nguồn tin phía Ấn nói rằng có hơn 40 lính Trung Quốc chết. Lần đầu tiên kể từ 45 năm qua đôi bên có thiệt hại nhân mạng.
Tờ báo Pháp tiết lộ những yếu tố cho thấy đúng ra đây là một trận phục kích được phía Trung Quốc chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhiều con suối nhỏ đã bị chuyển dòng trước đó để nhấn chìm đối thủ phía dưới. Một ngạc nhiên khác cho Ấn Độ là vụ tấn công diễn ra trên phần lãnh thổ mà chưa bao giờ Trung Quốc đòi chủ quyền. Đây là lần đầu Bắc Kinh tuyên bố chiếm toàn bộ thung lũng Galwan với cớ "xưa nay vẫn thuộc về Trung Quốc".
Hồi năm 1988, Ấn-Trung đã chọn lựa hòa dịu thay vì đối đầu, lúc đó GDP hai bên xấp xỉ nhau và có cùng ngân sách quốc phòng 20 tỉ đô la. Hai mươi năm sau, GDP Trung Quốc lớn gấp 5 Ấn Độ, quân đội có ngân sách cao gấp 3,6 lần ; thế quân bình không còn nữa.
Với "ngoại giao chiến lang", Tập Cận Bình coi Biển Đông là mặt trận chiến lược – khiến Việt Nam và Đài Loan phải tỏ ra cứng rắn hơn – còn tranh chấp biên giới với Ấn Độ chỉ ở hàng thứ hai. Phải chăng Bắc Kinh muốn New Delhi phải ở trong thế bất ổn thường xuyên ?
Le Monde Diplomatique cho rằng có nguyên nhân đối nội lẫn đối ngoại. Kinh tế sa sút, chính quyền Trung Quốc còn bị cả thế giới chỉ trích vì đại dịch corona, bên cạnh đó Bắc Kinh cảm thấy bị đe dọa khi Ấn Độ xích gần với Hoa Kỳ trong lúc quan hệ Mỹ-Trung xuống dốc. Thông qua các vụ tấn công ở biên giới, Trung Quốc muốn bóp nghẹt từ trong trứng nước tham vọng khu vực của nước láng giềng Ấn Độ.
Thụy My
Ai sẽ thay thế ông Trump, cuộc bầu cử có bị hoãn không, việc bỏ phiếu qua thư đang diễn ra thì sao... là hàng loạt câu hỏi được đặt ra.
Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Pence chính thức được Đảng Cộng hòa đề cử vào tháng Tám
Chỉ vài tuần nữa là diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, Donald Trump đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona.
Tổng thống sẽ bỏ lỡ những sự kiện chiến dịch nào ?
Ông Trump được yêu cầu phải tự cách ly 10 ngày kể từ khi nhận được kết quả dương tính vào 1/10, vì vậy ông vẫn có thể tham gia cuộc tranh luận tổng thống tiếp theo, dự kiến 15/10.
Một cuộc vận động dự kiến diễn ra ở Florida vào thứ Sáu đã bị hủy. Cuộc gọi hội nghị video với những người cao niên dễ bị tổn thương cũng vậy.
Ông Trump có các cuộc vận động khác được lên kế hoạch trong thời gian này, giờ sẽ phải hủy bỏ hoặc hoãn lại.
Cuộc bầu cử có thể bị trì hoãn trong những trường hợp nào ?
Ông Trump mang khẩu trang đến cuộc tranh luận đầu tiên với Biden nhưng lại không đeo
Khoảng thời gian tự cách ly của Tổng thống Trump rõ ràng có ảnh hưởng đến khả năng tranh cử của ông.
Vì vậy, câu hỏi đã được đặt ra là liệu cuộc bầu cử có thể bị trì hoãn hay không, và điều này có thể xảy ra như thế nào.
Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ được tổ chức theo luật vào thứ Ba sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11, bốn năm một lần - vì vậy năm nay là vào ngày 3/11.
Việc thay đổi ngày sẽ phụ thuộc vào các nhà lập pháp Hoa Kỳ chứ không phải tổng thống.
Việc này sẽ yêu cầu đa số ở cả hai viện của Quốc hội bỏ phiếu ủng hộ bất kỳ sự thay đổi ngày nào. Điều đó khó có thể xảy ra, vì sẽ phải thông qua Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát.
Ngay cả khi được thay đổi, hiến pháp Hoa Kỳ quy định rằng một chính quyền tổng thống chỉ tồn tại trong bốn năm. Vì vậy, nhiệm kỳ của Tổng thống Trump sẽ tự động hết hạn vào trưa ngày 20/1/2021.
Thay đổi ngày này sẽ yêu cầu sửa đổi hiến pháp. Điều này sẽ phải được sự chấp thuận của 2/3 trong số các nhà lập pháp Hoa Kỳ hoặc các cơ quan lập pháp cấp bang, sau đó là 3/4 các bang của Hoa Kỳ - điều này một lần nữa khó xảy ra.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Tổng thống Trump mất sức lao động ?
Hiện tại, Tổng thống Trump được cho là có "các triệu chứng nhẹ", nhưng nếu ông ấy bị ốm quá nặng để thực hiện nhiệm vụ của mình, thì đây là điều mà hiến pháp Mỹ quy định :
Tu chính án thứ 25 cho phép tổng thống chuyển giao quyền lực cho phó tổng thống, có nghĩa là Mike Pence sẽ trở thành quyền tổng thống. Khi khỏi ốm, ông Trump có thể giành lại vị trí của mình.
Nếu tổng thống quá ốm để giao quyền, nội các và phó tổng thống có thể tuyên bố ông không thể tiếp tục và ông Pence sẽ đảm nhận vai trò này.
Nếu ông Pence cũng trở nên mất khả năng lao động, theo Đạo luật Kế vị Tổng thống, Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện - một đảng viên Dân chủ - sẽ là người tiếp theo, mặc dù các chuyên gia hiến pháp cho rằng việc chuyển giao quyền lực như vậy sẽ thúc đẩy các cuộc chiến pháp lý.
Nếu bà Nancy Pelosi không muốn hoặc không thể đảm nhận vai trò này, nó sẽ được giao cho một Thượng nghị sĩ cấp cao của Đảng Cộng hòa, hiện là Charles E Grassley 87 tuổi. Điều này cũng gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với những thách thức pháp lý.
Ông Donald Trump hiện sức khỏe ra sao ?
Bác sĩ của ông Trump, Sean Conley, cho biết tổng thống "không cần phải tiếp oxy, nhưng tham khảo ý kiến của các chuyên gia mà chúng tôi đã chọn để bắt đầu liệu pháp Remdesivir. Ông ấy đã hoàn thành liều đầu tiên và đang nghỉ ngơi thoải mái".
Các thử nghiệm cho thấy Remdesivir, ban đầu được phát triển như một phương pháp điều trị Ebola, phá vỡ khả năng nhân đôi của virus và có thể cắt thời gian của các triệu chứng.
Trước đó, vào thứ Sáu, bác sỹ Conley cho biết tổng thống đã "được dùng một liều 8g cocktail kháng thể Regeneron như một biện pháp phòng ngừa" tại Nhà Trắng.
Các kháng thể bám vào virus corona, bảo vệ các tế bào của cơ thể và làm cho virus dễ nhìn thấy hơn đối với hệ thống miễn dịch.
Thông báo của bác sĩ riêng cho Tổng thống Trump do Nhà Trắng công bố
Tuy nhiên, việc điều trị bằng thuốc này vẫn còn đang thử nghiệm và chưa được các cơ quan quản lý chấp thuận. Mặc dù có rất nhiều hy vọng vào phương pháp điều trị này, một số bác sĩ đã bày tỏ lo ngại về việc sử dụng Regeneron cho tổng thống ở giai đoạn này.
Bác sỹ Conley nói rằng ông Trump cũng đang dùng kẽm, vitamin D, famotidine, melatonin và aspirin.
Nếu Trump không thể ứng cử thì sao ?
Phó Tổng thống Pence sẽ đảm nhận nhiệm vụ tổng thống nhưng sẽ không tự động trở thành ứng cử viên của Đảng Cộng hòa
Nếu vì bất kỳ lý do gì, một ứng cử viên được một đảng chọn làm ứng cử viên tổng thống không thể hoàn thành vai trò đó, thì một số thủ tục sẽ có hiệu lực.
Mặc dù Phó Tổng thống Mike Pence ban đầu sẽ đảm nhận nhiệm vụ tổng thống, nhưng ông không nhất thiết phải trở thành ứng cử viên tranh cử của đảng Cộng hòa - vì họ đã chính thức đề cử ông Trump.
Theo quy định của đảng này, 168 thành viên của Ủy ban Quốc gia Cộng hòa (RNC) sẽ bỏ phiếu để bầu ra một ứng cử viên tổng thống mới, với Mike Pence là một trong những ứng cử viên có khả năng.
Nếu ông Pence được chọn, một người đồng hành mới sẽ phải được chọn.
Cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều chưa từng thay thế ứng cử viên tổng thống của họ sau khi chính thức chọn họ.
Còn bỏ phiếu sớm thì sao ?
Theo các chuyên gia, điều này sẽ gây ra nhiều bất ổn vì hàng triệu phiếu bầu qua bưu điện đã được gửi đi với tên của các ứng cử viên do đảng của họ đề cử.
Bỏ phiếu trực tiếp sớm cũng đã bắt đầu ở một số tiểu bang.
Việc bỏ phiếu có thể sẽ tiếp tục với tên của ứng cử viên mất khả năng vẫn còn trên lá phiếu, Rick Hasen, giáo sư luật tại Đại học California, Irvine, viết.
Nhưng sẽ có câu hỏi về việc liệu luật tiểu bang có cho phép những người được đề cử bỏ phiếu trong cử tri đoàn Hoa Kỳ - được gọi là đại cử tri tổng thống - bỏ phiếu cho ứng cử viên thay thế hay không.
Còn việc đổi tên ứng cử viên, nếu một người xin rút thì sao ?
"Tổng thống Trump gần như chắc chắn sẽ vẫn có tên trong lá phiếu, bất kể điều gì xảy ra", Richard Pildes, một giáo sư luật có chuyên môn về bầu cử, viết.
Ông chỉ ra về lý thuyết, Đảng Cộng hòa có thể xin lệnh tòa để thay đổi tên của một ứng cử viên, nhưng trên thực tế sẽ không có đủ thời gian.
Nguồn : BBC tiếng Việt, 03/10/2020
********************
Covid gây nguy hiểm tới đâu cho sức khỏe ông Trump?
James Gallagher, BBC, 03/10/2020
Tổng thống Donald Trump rõ ràng có nhiều yếu tố nguy cơ cao - bao gồm tuổi tác, cân nặng và giới tính nam - tất cả đều làm tăng khả năng ông bị nhiễm virus corona nặng.
AP và New York Times đưa tin ông Trump có 'triệu chứng nhẹ'
Ông Trump năm nay 74 tuổi, nặng 110 kg và cao 1m90. Chỉ số Khối Cơ thể (BMI) của ông là trên 30, như vậy theo định nghĩa y khoa là béo phì.
Giờ đây ông thử dương tính với virus corona, điều đó có ý nghĩa thế nào?
Tuổi tác là một yếu tố quan trọng liên quan đến việc bị nhiễm nặng, dẫn tới nằm viện và tử vong trong một số trường hợp.
"Nhưng hầu hết những người bị nhiễm đã khá lên", BS Bharat Pankhania, từ trường y thuộc Đại học Exeter nói với BBC.
Một phân tích của hơn 100 nghiên cứu với dữ liệu từ khắp thế giới cho thấy nguy cơ bị bệnh cho trẻ em và người trẻ là rất thấp.
Tuy nhiên, ở tuổi 75, ước tính 25 người nhiễm virus thì có một người tử vong. Tỷ lệ này là một trong bảy đối với người trên 85 và một trong bốn với người trên 90 tuổi.
Biểu đồ về tỷ lệ tử vong theo độ tuổi. Nguồn : Levin et al. Dartmouth Colleage
Một mô hình tương tự được Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh CDC của Mỹ làm.
Theo đó tám trên 10 ca tử vong ở Mỹ là người ở độ tuổi trên 65. Và những người trong độ tuổi ông Trump có nguy cơ phải cần chăm sóc ở bệnh viện lớn gấp 5 lần những người ở độ tuổi 20.
Nguy cơ tử vong của độ tuổi ông Trump lớn gấp 90 lần người ở độ tuổi 20.
Hiện chưa rõ lý do của điều này chủ yếu do ở người già, hệ miễn dịch hoạt động kém hiệu quả hơn, hay nói chung là người già có sức khỏe kém hơn
"Tuổi cao cũng thường gắn với bệnh tim mạch, bệnh về phổi, tiểu đường type 2, nên thật khó mà biết rõ liệu tuổi tác hay các bệnh đi kèm [gây ra điều này]", Giáo sư Ravindra Gupta từ Đại học Cambridge nói.
Bị béo phì cũng thường dẫn tới nhiều bệnh nặng khác.
Một nghiên cứu của Cơ quan y tế Công xứ Anh kết luận rằng thừa cân làm tăng khả năng người nhiễm Covid phải vào khu hồi sức cấp cứu và khả năng tử vong.
Mỡ trong cơ thế có thể ảnh hưởng đến tế bào bạch cầu của hệ miến dịch, làm tăng độ viêm nhiễm trong cơ thể. Viêm nhiễm quá nhiều là lý do bệnh có thể làm chết người.
Trong làn sóng dịch đầu tiên, nhiều nam giới hơn phụ nữ cần nằm viện, và số ca tử vong ở nam chiếm 60%.
"Có sự khác biệt về miễn dịch giữa nam giới và phụ nữ", Giáo sư Ravindra Gupta.
Nhưng nam giới thường có sức khỏe kém hơn.
Giáo sư Pankhania nói thêm: "chúng ta biết rằng hai yêu tố là nam giới và tuổi cao thường dẫn đến bệnh nặng hơn, nhưng điều đó không có nghĩa tất cả đàn ông lớn tuổi đều bị bệnh nặng".
Vậy điều này có ý nghĩa gì cho Tổng thống Trump ?
Rất nguy hiểm khi đồn đoán về việc virus sẽ ảnh hưởng tới từng cá nhân ra sao.
Tất cả những điều bạn đọc là bức tranh tổng thể - một mô hình cho người dân khắp thế giới - chứ không phải là dự đoán đây sẽ là điều xảy ra cho vị tổng thống Mỹ.
Sức khỏe của mỗi người 74 tuổi một khác và các bệnh khác có ảnh hưởng rất lớn tới nguy cơ bị bệnh nặng hay nhẹ do virus.
"Chỉ vì ông ấy có các yếu tố nguy cơ cao không có nghĩa là ông sẽ có triệu chứng, đổ bệnh nặng hay phải đầu hàng trước virus", BS Nathalie McDermott từ Đại học King's College London nói.
Bà nói thêm : "Ông ấy cũng là tổng thống của Hoa Kỳ, nên ông ấy sẽ được điều trị tốt nhất thế giới nếu ông ấy bị ốm".
James Gallagher
Phóng viên Y tế và Khoa học
Nguồn : BBC, 03/10/2020
Covid-19 : Số người chết vì dịch bệnh tại Mỹ vượt mốc 200.000 ca
RFI, 22/09/2020
Hoa Kỳ vào hôm 22/09/2020 lại phá thêm một kỷ lục thảm khốc: Số người chết vì dịch Covid-19 vượt qua mốc 200.000 ca.
Thống kê của Đại Học Mỹ Johns Hopkins tính đến hết ngày hôm qua còn ở mức mấp mé ngưỡng này, chính xác là 199.815 vào lúc 3 giờ GMT sáng nay, nhưng với tốc độ bình quân gần 1.000 trường hợp tử vong mỗi ngày trong thời gian gần đây, ngưỡng biểu tượng 200 ngàn người chết chắc chắn sẽ bị vượt vào hôm nay.
Theo hãng AFP, trên bảng tổng kết số tử vong vì Covid-19 trên thế giới, Mỹ vẫn đứng đầu, theo sau là Brazil (137.272 ca), Ấn Độ (87.882 ca), Mexico (73.493 ca) và Anh Quốc (41.759 ca).
Với gần 1.000 ca tử vong mỗi ngày, so với dân số, con số tử vong tại Mỹ cao gấp bốn lần tỷ lệ tử vong của Châu Âu. Trong số hàng nghìn ca đó, người da đen và gốc Tây Ban Nha chiếm số đông (hơn một nửa số ca tử vong dưới 65 tuổi).
Pháp : Dịch Covid-19 tiếp tục đà lây lan
Còn tại Pháp, theo số liệu của Bộ Y tế, vào hôm qua, 21/09, trên toàn quốc đã có ang 5.298 ca nhiễm virus corona trong vòng 24 giờ. Con số này thấp hơn nhiều so với mức cao chót vót 13.500 ca hôm thứ Bảy 19/09 và 10.500 ca ngày 20/09.
Tuy nhiên, điều đáng ngại là tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus đã ang lên 5,9%, cho thấy dịch Covid-19 tiếp tục đà ang tốc tại Pháp. Phần đông các tỉnh tại Pháp đã lọt vào danh sách vùng đỏ do tình hình dịch bệnh xấu đi nhanh chóng, ang loạt địa phương phải siết chặt quy định, với hy vọng kiềm chế được tốc độ lây lan của virus.
Trong bối cảnh đó, Ý vào hôm qua cho biết sẽ bắt buộc người đến từ Paris và nhiều vùng của Pháp cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona 72 tiếng đồng hồ trước khi vào Ý.
Trọng Nghĩa
************************
Số tử vong vì Covid-19 ở Hoa Kỳ sắp vượt mốc 200.000
VOA, 21/09/2020
Hôm 21/9, số người chết do Covid-19 ở Hoa Kỳ sắp vượt qua mốc 200.000, cao hơn gấp đôi so với số tử vong ở Ấn Độ, quốc gia có số ca mắc bệnh cao thứ hai trên thế giới, theo Reuters.
Trung tâm Memorial Medical Center ở Houston, Texas, ngày 2/7/2020.
Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) dự báo rằng số người chết ở Hoa Kỳ sẽ lên tới 218.000 người vào ngày 10/10.
Các bang miền nam Texas và Florida có nhiều ca tử vong nhất ở Hoa Kỳ trong hai tuần qua và theo sau đó là bang California.
California, Texas và Florida - ba tiểu bang đông dân nhất của Hoa Kỳ - đã ghi nhận nhiều ca nhiễm coronavirus nhất và từ lâu đã vượt qua bang New York, nơi từng là tâm điểm của đợt bùng phát vào đầu năm 2020. Trung bình mỗi ngày cả nước Mỹ có hơn 40.000 ca nhiễm mới, cũng theo Reuters.
Viện Sức khỏe của Đại học Washington dự báo số ca tử vong do Covid-19 dự kiến vào cuối năm 2020 sẽ lên tới 378.000 người, với số người chết hàng ngày lên đến 3.000 mỗi ngày vào tháng 12.
Theo dữ liệu của CDC, hơn 70% những ngườiđã tử vong vì virus này ở Hoa Kỳ trên 65 tuổi.
Giám đốc CDC Robert Redfield gần đây phát biểu tại Quốc hội rằng việc mang khẩu trang sẽ giúp phòng ngừa hiệu quả hơn so với vaccine, và cho biết vaccine chỉ có thể được cung cấp đại trà vào "cuối quý II, quý III năm 2021".
Theo Reuters, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bác bỏ thời điểm cung cấp vaccine trên và nói rằng vaccine có thể được cung cấp trong vài tuần nữa và có trước cuộc bầu cử ngày 3/11. Hôm 18/9, ông Trump nói rằng ông hy vọng tất cả người Mỹ sẽ có vaccine vào tháng 4/2021.
*********************
Covid-19 : Mỹ trước ngưỡng 200.000 ca tử vong
RFI, 21/09/2020
Theo tổng kết của hãng tin Anh Reuters, nội trong ngày 21/09/2020 Mỹ sẽ đụng ngưỡng 200.000 nạn nhân Covid-19. Trung bình mỗi tuần, virus corona cướp đi sinh mạng của khoảng 800 người tại Mỹ.
Chưa đầy hai tháng trước bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, ông Donald Trump liên tục bị chỉ trích chậm trễ và bất lực trong cuộc chiến chống Covid-19. Vào lúc Nhà Trắng kỳ vọng sớm có thuốc tiêm chủng, thì lãnh đạo Cơ Quan Kiểm Soát và Phòng Chống Dịch CDC, Robert Redfield đánh giá phải đợi ít nhất đến mùa thu 2021 mới hy vọng vac-xin được phổ biến rộng rãi. Cũng cơ quan này lo ngại từ nay đến đầu tháng 10/2020 thiệt hại nhân mạng tại Hoa Kỳ sẽ lên tới 218.000 ca.
Tại Châu Âu tình hình cũng đáng lo ngại không kém. Hôm nay 13 % dân số Tây Ban Nha bị phong tỏa trở lại.
Bộ trưởng Y Tế Anh, Matt Hancock tuyên bố nước Anh ngay từ bây giờ cần tăng cường các biện pháp kiểm soát đà lây lan thì mới hy vọng đón Giáng Sinh năm nay "trong những điều kiện gần như bình thường".
Tại Pháp trong 24 giờ qua vẫn có hơn 10.000 ca nhiễm mới.
Còn tại Châu Á dịch bệnh càng lúc càng đe dọa Miến Điện. Riêng ngày 20/06/2020 nước này ghi nhận thêm 671 ca nhiễm Covid-19. Thành phố Rangoon, lá phổi kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này, kể từ hôm nay gần như bị phong tỏa. Các sinh hoạt bị hạn chế tối đa. Các công trình xây dựng phải tạm dừng cho tới ngày 07/10/2020. Theo các thống kê chính thức Miến Điện ghi nhận hơn 5.500 ca dương tính với virus corona và 92 bệnh nhân tử vong vì Covid-19. Bộ Y tế nước này cho biết "số ca nhiễm mới và tử vong tăng nhanh" trong những ngày qua. Dù vậy chính quyền Miến Điện vẫn không dời lại ngày bầu cử Quốc Hội được dự trù vào mồng 08/11/2020.
Thanh Hà
Trận đại dịch tiếp theo có thể được tạo ra trong ga-ra để xe của một ai đó, chỉ cần sử dụng những kỹ thuật di truyền giá thành thấp và phổ biến.
Là người thường đưa ra những thuyết âm mưu, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng virus gây ra Covid-19 do con người cố tình tạo ra hoặc do một tai nạn trong phòng thí nghiệm tại Viện Virus học Vũ Hán, Trung Quốc. Việc virus bị phát tán không loại trừ khả năng là do một tai nạn nhưng trong trường hợp này, tác nhân gây bệnh không phải là một tổ hợp các loại virus đã biết như thường thấy đối với những thứ được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Một bài báo của tạp chí Nature Medicine từng kết luận : "Nếu ai đó đang tìm cách tạo ra một chủng coronavirus mới như một mầm bệnh thì họ sẽ tạo ra nó trên cơ sở của một loại virus gây bệnh đã được biết đến".
Kỹ thuật di truyền tuy có thể không đứng sau đại dịch lần này, nhưng rất có thể sẽ là nhân tố gây ra đại dịch tiếp theo. Nhìn thấy sức tàn phá khủng khiếp của Covid-19 đối với nền kinh tế các nước phương Tây, các chế độ độc tài trên thế giới giờ đây nhận ra rằng việc gieo rắc mầm bệnh có sức hủy diệt không kém gì so với vũ khí hạt nhân. Điều đáng lo ngại hơn nữa là việc tạo ra virus giờ đây không phải chỉ các phòng thí nghiệm quy mô lớn của chính phủ mới làm được. Nhờ cuộc cách mạng công nghệ trong kỹ thuật di truyền, tất cả các công cụ cần thiết để tạo ra một chủng virus mới đang ngày càng trở nên rẻ tiền, đơn giản và sẵn có đến mức những nhà khoa học không có đạo đức hoặc những "hacker sinh học" độ tuổi thiếu niên cũng có thể dễ dàng tiếp cận, khiến cho mối nguy ngày càng lớn hơn. Những thí nghiệm mà trước đây chỉ có thể thực hiện được bên trong những bức tường bảo vệ của các phòng thí nghiệm thuộc về chính phủ và những công ty lớn giờ đây có thể được tiến hành ngay trong căn bếp với những thiết bị có trên Amazon. Kỹ thuật di truyền cùng với những tiềm năng tốt và xấu của nó ngày càng trở nên "đại chúng hóa".
Để tạo ra chủng virus mới, bước đầu tiên của nhà nghiên cứu sinh học là thu thập thông tin di truyền của một mầm bệnh hiện có, chẳng hạn như chủng coronavirus gây ra cảm lạnh thông thường, sau đó cải biến nó để tạo ra thứ còn nguy hiểm hơn. Vào những năm 1970, việc giải trình tự gen đầu tiên của một thể thực khuẩn (chỉ các loài virus chuyên kí sinh vi khuẩn) có chi phí hàng triệu đô-la Mỹ và phải nỗ lực làm việc trong nhiều tuần, kết quả cũng chỉ xác định được 5.386 nucleotide là các đơn vị cấu tạo nên gen. Ngày nay, việc giải trình tự của 3.000.000.000 cặp bazơ (1 cặp gồm 2 nucleotide) tạo nên bộ gen người, là thứ quy định cấu trúc và duy trì hoạt động của cơ thể, có thể được thực hiện chỉ trong vài giờ với chi phí khoảng 1.000 đô-la ở Hoa Kỳ. Xun Xu, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu gen BGI Group (Trung Quốc), nói với tôi qua email rằng ông dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ giải trình tự đầy đủ bộ gen người trong các siêu thị và qua hình thức trực tuyến với chi phí khoảng 290 đô-la vào cuối năm nay.
Bước tiếp theo trong kỹ thuật di truyền là sửa đổi bộ gen của mầm bệnh hiện có để thay đổi tác động của nó. Một công nghệ đặc biệt giúp cho việc thiết kế các thực thể sống trở nên dễ dàng như chỉnh sửa tài liệu trên Microsoft Word là kỹ thuật chỉnh sửa gen CRISPR, được phát triển chỉ vài năm trước, kỹ thuật này mô phỏng lại cách vi khuẩn sử dụng trong tự nhiên để cắt những phần thông tin di truyền từ bộ gen này và chèn nó vào bộ gen khác. Cơ chế mà vi khuẩn đã phát triển qua hàng thiên niên kỷ để tự vệ trước virus đã được con người biến thành một cách thức đơn giản, nhanh chóng và rẻ tiền để chỉnh sửa DNA của bất kỳ sinh vật nào trong phòng thí nghiệm.
Nếu việc tiến hành các thí nghiệm với DNA trước đây đòi hỏi nhiều năm kinh nghiệm, phòng thí nghiệm được trang bị đầy đủ cùng chi phí hàng triệu đô-la thì nay kỹ thuật CRISPR đã thay đổi tất cả điều đó. Để tiến hành kỹ thuật CRISPR, người thực hiện chỉ cần đặt hàng một đoạn RNA và mua các hóa chất và enzym bán sẵn trên Internet với giá chỉ vài đô-la. Vì chi phí thấp và dễ sử dụng, hàng nghìn nhà khoa học trên khắp thế giới đang tiến hành các dự án chỉnh sửa gen dựa trên kỹ thuật CRISPR. Có rất ít dự án nghiên cứu loại này bị kiểm soát bởi luật lệ, phần lớn là do các nhà quản lý vẫn chưa thể theo kịp với sự tiến bộ của công nghệ.
Trung Quốc, quốc gia đặt trọng tâm vào các tiến bộ công nghệ lên trên vấn đề an toàn và đạo đức, đã đạt được những bước tiến đột phá đáng kinh ngạc nhất. Năm 2014, các nhà khoa học Trung Quốc thông báo họ đã tạo ra thành công những con khỉ biến đổi gen ở giai đoạn phôi thai. Tháng 4 năm 2015, một nhóm các nhà nghiên cứu khác ở Trung Quốc đã trình bày chi tiết nỗ lực đầu tiên nhằm chỉnh sửa gen của phôi thai người. Mặc dù không thành công nhưng nó đã gây sốc cho toàn thế giới : mọi người không thể tưởng tượng được nó có thể xảy ra sớm như vậy.
Tháng 4 năm 2016, một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc khác tiếp tục cho biết họ đã thành công trong việc chỉnh sửa bộ gen của phôi thai người làm cho nó có khả năng chống lại sự lây nhiễm HIV, tuy nhiên phôi thai đó đã không được sinh ra. Nhưng sau đó, vào tháng 11 năm 2018, nhà nghiên cứu Trung Quốc He Jiankui (Hứa Kiến Khôi) thông báo rằng ông đã tạo ra "những đứa trẻ CRISPR" đầu tiên – những đứa trẻ khỏe mạnh có bộ gen được chỉnh sửa trước khi chúng chào đời. Tờ Nhân dân Nhật báo ban đầu gọi đây là "bước đột phá mang tính lịch sử" nhưng sau khi tin tức này gây chấn động toàn thế giới, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ và sau đó kết án ông ba năm tù vì hành vi phi đạo đức. Trước đó, ông đã tuyên bố rằng chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn cho nghiên cứu của ông. Dù thế nào đi nữa, giới hạn của ngành khoa học y sinh đã bị vượt qua.
Đội ngũ các nhà khoa học bất chấp đạo đức của Trung Quốc chắc chắn là một điều đáng lo ngại. Tuy nhiên điều đáng lo ngại hơn là công nghệ chỉnh sửa gen đang trở nên dễ tiếp cận đến mức chúng ta có thể hình dung được hình ảnh những thanh thiếu niên tiến hành thí nghiệm với các chủng virus. Ví dụ như ở Mỹ, bất kỳ ai muốn bắt đầu công việc chỉnh sửa gen ngay tại ga-ra nhà mình có thể đặt mua qua mạng một bộ công cụ CRISPR tự làm với giá chỉ 169 đô-la. Bộ công cụ đi kèm với cẩm nang "Mọi thứ cần để thực hiện việc chỉnh sửa chính xác gen vi khuẩn tại nhà". Với 349 đô-la, công ty kể trên cũng cung cấp bộ kit chỉnh sửa gen người, đi kèm với nó là các tế bào phôi thai thận có được từ quá trình nuôi cấy mô lấy từ bào thai một bé gái sau khi thai bị phá. Lô hàng được quảng cáo là sẽ đến tay người nhận không quá ba ngày, không cần chuyển phát nhanh hoặc ướp đá lạnh.
Các đoạn DNA được mua qua hình thức chuyển phát bưu điện đã cho phép một nhóm nghiên cứu tại Đại học Alberta (Canada) hồi sinh một họ hàng đã tuyệt chủng của virus đậu mùa là đậu ngựa (horsepox) vào năm 2017 bằng cách ‘khâu’ các mảnh DNA lại với nhau. Virus đậu ngựa (horsepox) không gây hại cho con người, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng những nhà khoa học không có nhiều kiến thức chuyên môn vẫn có thể sử dụng phương pháp tương tự để tái sinh virus gây bệnh đậu mùa chỉ trong vòng sáu tháng với chi phí khoảng 100.000 đô-la. Virus đậu mùa từng là nỗi ám ảnh của nhân loại cho đến khi nó bị xóa sổ năm 1980. Nếu các nhà khoa học Canada sử dụng kỹ thuật CRISPR, chi phí của họ có thể được tối giảm.
Trong cuốn sách "The Driver in the Driverless Car" (Người lái xe trong chiếc xe không người lái) của mình, được xuất bản trước khi người Canada hồi sinh virus đậu ngựa và những đứa trẻ được chỉnh sửa gen ở Trung Quốc ra đời, tôi đã cảnh báo về mối nguy hiểm của việc chỉnh sửa gen và cho rằng chúng ta sẽ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn về việc có nên hạn chế công nghệ sinh học tổng hợp hay không. Khi được sử dụng với mục đích tốt, những công nghệ này có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề của nhân loại, chẳng hạn như giúp nhanh chóng tìm ra các phương pháp chữa trị bệnh tật. Khi được sử dụng với mục đích xấu, chúng có thể gây ra sức tàn phá trên phạm vi toàn cầu giống như những gì mà chúng ta đang phải chiến đấu hôm nay. Đó là lý do tại sao nhiều người, trong đó có tôi, đã vận động cho lệnh cấm chỉnh sửa gen người trong tương lai gần.
Nhưng không chỉ là một lệnh cấm, cần phải có các hiệp ước quốc tế để ngăn chặn việc sử dụng kỹ thuật CRISPR chỉnh sửa gen trên người hoặc động vật. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) lẽ ra phải ngăn các công ty bán các bộ dụng cụ chỉnh sửa gen DIY. Các chính phủ nên đặt ra những giới hạn đối với các phòng thí nghiệm chẳng hạn như trường hợp của Đại học Alberta. Nhưng chẳng có biện pháp nào được thực hiện cũng như không có bất kỳ hình thức kiểm soát và cân bằng nào khác. Bây giờ thì đã quá muộn để ngăn chặn những công nghệ này phổ biến trên toàn cầu – "thần đèn đã thoát khỏi chiếc đèn dầu".
Giải pháp duy nhất hiện nay là phát huy mặt tốt của những công nghệ này bên cạnh đó là xây dựng hệ thống phòng thủ đề phòng những mối đe dọa. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện như những gì chúng ta đang chứng kiến với sự phát triển của vắc-xin Covid-19. Trong quá khứ, mất hàng chục năm để chế tạo thành công vắc-xin. Bây giờ, chúng ta đang trên đà chế tạo thành công chúng chỉ trong vòng vài tháng nhờ những tiến bộ trong kỹ thuật di truyền. Các loại vắc-xin của công ty Moderna Therapeutics và Pfizer/BioNTech chỉ mất vài tuần để phát triển và hiện đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng quy trình chế tạo vắc-xin có thể giảm xuống chỉ còn vài giờ một khi các công nghệ được hoàn thiện.
Chúng ta cũng có thể đẩy nhanh quá trình thử nghiệm vắc-xin và phương pháp điều trị, vốn là phần chậm nhất của chu trình phát triển. Chẳng hạn, để kiểm tra nhanh chóng số lượng lớn những loại thuốc điều trị ung thư tiềm năng, các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới đang tạo ra các tế bào nuôi cấy ba chiều được gọi là "organoids- là các bản sao siêu nhỏ của các cơ quan nội tạng" được lấy từ quá trình sinh thiết khối u. SEngine Precision Medicine, công ty hàng đầu trong lĩnh vực này, có thể thử nghiệm hơn 100 loại thuốc trên các organoids này, loại bỏ nhu cầu sử dụng đối tượng thay thế con người là chuột lang. Các nhà nghiên cứu tại Viện Wyss của Đại học Harvard thông báo vào tháng 1 năm 2020 rằng họ đã phát triển con chip mô phỏng cơ quan người (organ-on-a-chip) đầu tiên đối với phổi, mô phỏng chính xác đặc tính sinh lý học và sinh lý bệnh học của cơ quan nội tạng người. Các kỹ sư tại Viện Công nghệ Massachusetts đã và đang phát triển một nền tảng dựa trên công nghệ vi lưu (Microfluidic platform) giúp kết nối các mô được lấy từ tối đa 10 cơ quan khác nhau, cho phép mô phỏng những tương tác giữa các cơ quan nội tạng trong nhiều tuần để đo lường tác động của thuốc lên các bộ phận khác nhau của cơ thể. Nhiều hệ thống như vậy đang được phát triển giúp đẩy nhanh quá trình thử nghiệm và điều trị. Tất cả những công nghệ này sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh phòng thủ của chúng ta trước các mối nguy sinh học.
Chúng ta không thể quay lại để sửa chữa những sai lầm trong quá khứ giống như "thần đèn không thể chui trở lại vào trong chiếc đèn dầu" theo lối ví von của người phương Tây. Chúng ta phải coi đại dịch Covid-19 lần này như một cuộc diễn tập nghiêm chỉnh để có thể đối phó với những gì sắp xảy đến trong tương lai. Không may là mối nguy đó không chỉ đến từ những loại virus bùng phát trong tự nhiên mà còn cả những chủng virus do con người cố tình tạo ra. Chúng ta phải "học bài" thật nhanh để xây dựng các hệ thống phòng thủ giống như những hệ thống có trên các máy tính của chúng ta chống lại những kẻ xâm nhập. Mặt tốt là rốt cuộc nó có thể giúp chúng ta chữa khỏi mọi bệnh tật, còn mặt xấu thì quá kinh khủng đến nỗi tôi không dám nghĩ tới.
Đính chính ngày 16/09/2020 : Bài báo này nói rằng trình tự gen của vi khuẩn được giải mã đầu tiên là của Escherichia coli vào những năm 1970. Trên thực tế, Escherichia coli lần đầu tiên được giải trình tự gen đầy đủ vào năm 1997.
Vivek Wadhwa
Nguyên tác : "The Genetic Engineering Genie Is Out of the Bottle", Foreign Policy, 11/9/2020.
Nguyễn Thanh Hải dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 21/09/2020
Vivek Wadhwa nghiên cứu viên xuất sắc tại Chương trình Lao động và Cuộc sống của Trường Luật Harvard và là đồng tác giả của cuốn "From Incremental to Exponential : How Large Companies Can See the Future and Rethink Innovation" (Từ tăng dần đến tăng cấp số nhân : Cách các công ty lớn có thể nhìn thấy tương lai và suy nghĩ về đổi mới), sẽ được xuất bản vào tháng 10.
Thế giới của chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mang tính thảm họa : Đại dịch Covid-19. Trong lịch sử thế giới hiện đại, chưa từng có một thời khắc nào mà loài người chúng ta phải đối diện với một cuộc khủng hoảng có quy mô rộng lớn đến như thế. Đại dịch Covid-19 đã tấn công loài người chúng ta trên khắp các chiến tuyến : Từ thành thị đến nông thôn, từ vùng biển đến vùng trời, từ Châu Á sang Châu Âu, từ Châu Âu sang Châu Mỹ… Không một vùng đất nào của Địa Cầu thoát khỏi sự kiềm tỏa của Đại dịch Covid-19. Đây thật sự là một cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu.
Đại dịch Covid-19 hầu như phá hủy hạ tầng y tế của nhiều quốc gia : Bệnh viện bị quá tải, máy thở không đủ để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, khẩu trang không đủ cho người dân, đồ bảo hộ không đủ cho nhân viên y tế, hệ thống xét nghiệm không theo kịp tốc độ lây nhiễm… Chính vì những lý do này mà số ca nhiễm và số ca tử vong không ngừng gia tăng.
Tuy những hậu quả do Đại dịch gây ra về mặt sức khỏe và sinh mệnh của người dân là rõ ràng. Nhưng đó chỉ là một phần của vấn đề. Đại dịch Covid-19 còn gây ra những tác động xấu về mặt tâm lý, xã hội, kinh tế…
Về mặt tâm lý, Đại dịch đã làm cho mọi người luôn có cảm giác bất an, lo lắng về bản thân, cảm thấy tương lai của mình là bất định. Nhiều người vì thế đã rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng. Về mặt xã hội, Đại dịch đã làm cho mọi người ngại tiếp xúc với nhau : Hàng xóm tránh tiếp xúc nhau, bạn bè ngại gặp nhau, đồng nghiệp hạn chế nói chuyện với nhau… Các mối quan hệ xã hội vì thế không thể phát triển được. Do đó có thể nói các thành viên trong xã hội đang bị cô lập thật sự. Điều này làm cho tâm trạng của mọi người càng trở nên u uất hơn. Khủng hoảng tâm lý – xã hội vì thế càng nặng nề hơn. Đặc biệt, về mặt kinh tế, tác hại của Đại dịch đối với nền kinh tế thế giới là có tính phá hủy. Do số ca nhiễm và số ca tử vong hầu như tăng theo cấp số nhân nên các quốc gia buộc phải áp dụng các biện pháp cách ly và phong tỏa đối với người dân của mình. Những biện pháp bắt buộc này đã làm cho thương mại quốc tế bị suy giảm, các nền kinh tế bị cô lập, sản xuất bị đình đốn, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, tăng trưởng kinh tế của các quốc gia vì thế được dự báo là sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng…
Qua những gì đã phân tích ở trên, chúng ta thấy rằng Đại dịch Covid-19 không chỉ mang tính toàn cầu mà nó còn mang tính toàn diện. Nó đã tấn công vào mọi mặt của đời sống xã hội loài người chúng ta. Nếu xem xét sự việc một cách khách quan thì chúng ta phải thừa nhận rằng nỗ lực chống dịch của hầu hết các chính phủ trên thế giới trong thời gian vừa qua đã thất bại. Đại dịch Covid-19 đang chuẩn bị bùng phát trở lại. Các chính phủ đang bị thử thách lớn về mặt uy tín và niềm tin đối với công chúng. Câu hỏi đặt ra là : (1) Tại sao cộng đồng quốc tế lại thất bại trong cuộc chiến chống Đại dịch Covid-19 ? (2) Các chính phủ đã sai lầm ở đâu ? (3) Điều gì có thể giúp nhân loại vượt qua được cuộc khủng hoảng của thế giới hôm nay ?
Về câu hỏi thứ nhất, chúng ta dễ dàng tìm thấy câu trả lời như sau : Cộng đồng quốc tế thất bại trong cuộc chiến chống Đại dịch là vì thiếu sự hợp tác quốc tế. Do thiếu sự hợp tác quốc tế nên các quốc gia không đủ nguồn lực để chống lại Đại dịch. Italia là một trường hợp điển hình. Khi Đại dịch bắt đầu bùng phát ở nước này, Chính phủ Italia đã liên tục kêu gọi các quốc gia đồng minh trong khối EU viện trợ vật tư y tế để chống dịch, nhưng yêu cầu của Italia đã không được đáp ứng. Ngược lại, những quốc gia đồng minh của Italia trong EU như Đức, Pháp, Tây Ban Nhà… lại đồng loạt đóng cửa biên giới với Italia và tập trung tích trữ vật tư y tế để dự phòng cho nhu cầu của riêng mình. Thực trạng này cho chúng ta thấy được rằng các quốc gia đã không có sự hỗ trợ cần thiết các nguồn lực y tế cho nhau. Một thực trạng khác cũng cho chúng ta thấy sự thiếu hợp tác giữa các quốc gia là các quốc gia thiếu sự minh bạch trong công tác phòng, chống dịch. Các quốc gia có dịch bùng phát sớm không chịu chia sẻ thông tin đầy đủ cho các quốc gia chưa có dịch. Điều này đã làm cho các quốc gia chưa có dịch không thấy được mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Vì vậy, họ đã không áp dụng các biện pháp chống dịch quyết liệt ngay từ đầu nên dịch bệnh mới có điều kiện lan rộng ra khắp nơi.
Sự thiếu minh bạch cũng có thể xem là cơ sở cho đáp án của câu hỏi thứ hai. Thật vậy, vì thiếu thông tin nên chính phủ các nước có dịch bùng phát chậm đã có thái độ chủ quan, khinh địch. Điều này được nhìn thấy qua hành vi của Thủ tướng Anh Johnson vào hôm 3/3/2020 – ông vẫn bắt tay người dân sau khi đi thăm các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Sự chủ quan, khinh địch còn được thể hiện qua phát ngôn của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9/3/2020 – trên Twitter, ông đã so sánh Covid-19 với cúm mùa. Một sự so sánh khập khiễng mà thực tế đã chứng minh là sai lầm. Chính vì thiếu thông tin nên các nhà lãnh đạo của những quốc gia có dịch bùng phát chậm đã có những phán đoán thiếu chính xác. Điều này đã làm cho chính phủ của họ có những phản ứng sai lầm trước diễn biến của Đại dịch.
Tất nhiên, sai lầm của những chính phủ này còn do một nguyên nhân khác, đó là do các nhà lãnh đạo của những chính phủ này còn có toan tính riêng cho bản thân. Họ sợ rằng nếu phải áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa xã hội nghiêm ngặt để chống dịch thì sẽ phá hủy những thành tựu kinh tế đã đạt được trong nhiệm kỳ của họ. Viễn cảnh này sẽ ảnh hưởng xấu đến kết quả tái tranh cử của họ. Vì thế, họ ngại sử dụng đến các biện pháp chống dịch quyết liệt khi dịch bệnh bắt đầu lan truyền đến đất nước họ. Đây thật sự là một tình thế nan giải đối với các chính trị gia này. Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Brazil Bolsonaro… là những ví dụ cụ thể.
Đáp án cho câu hỏi thứ ba chính là giải pháp cho cuộc khủng hoảng của thế giới hôm nay. Nhà khoa học Mỹ Jared Diamond đã xây dựng một mô hình vượt qua khủng hoảng cho các quốc gia. Trong tác phẩm mới nhất của ông vừa ra mắt công chúng năm 2019 – Biến Động (Upheaval), vị giáo sư của Đại học California, Los Angeles đã kể cho chúng ta về câu chuyện các quốc gia vượt qua khủng hoảng và giải thích rõ vì sao họ thành công. Theo Jared Diamond, tiến trình vượt qua khủng hoảng thành công chịu sự tác động của 12 nhân tố :
1. Đồng thuận quốc gia trong một nước đang có biến cố (khủng hoảng).
2. Thừa nhận trách nhiệm quốc gia để xử lý.
3. Dựng một hàng rào để khoanh lại các vấn đề của quốc gia cần xử lý.
4. Tìm kiếm sự giúp đỡ về vật chất và tài chính từ các quốc gia khác.
5. Dùng các quốc gia khác như hình mẫu về cách thức giải quyết các vấn đề.
6. Căn tính quốc gia.
7. Đánh giá quốc gia một cách trung thực.
8. Kinh nghiệm lịch sử của các biến cố quốc gia trước đó.
9. Đối phó với thất bại quốc gia.
10. Tính linh hoạt quốc gia trong tình huống đặt biệt.
11. Giá trị cốt lõi quốc gia.
12. Thoát khỏi những ràng buộc địa chính trị.
Trong tác phẩm của mình, Jared Diamond đã luận giải xuất sắc sự tác động của các nhân tố này đến tiến trình ra quyết định của các quốc gia và cách các quốc gia tận dụng các nhân tố này để vượt qua khủng hoảng.
Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ mô hình vượt qua khủng hoảng của Jared Diamond thì chúng ta thấy rằng mô hình này không thích hợp cho cuộc khủng hoảng của thế giới hôm nay. Đơn giản là vì mô hình này dành cho việc xử lý các cuộc khủng hoảng mang tính quốc gia, còn cuộc khủng hoảng mà loài người chúng ta đang phải đối mặt là cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu. Ở chương thứ 11 trong Biến Động (Upheaval), Jared Diamond cũng đã thừa nhận sự bất lực của mô hình mà ông đã đề xuất trước các vấn đề của thế giới. Vì thế giới thiếu những điều mà một quốc gia có thể có được. Quốc gia có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài nhưng thế giới thì không (nhân tố 4), quốc gia có thể xác định cho mình một bản sắc riêng nhưng thế giới này quá đa dạng, mọi người khó đồng thuận với nhau về một bản sắc chung cho cả thế giới (nhân tố 6)…
Chương thứ 11 trong Biến Động (Upheaval) là chương mà tác giả bàn đến những vấn đề toàn cầu. Trong chương này, Jared Diamond đã nêu ra một số vấn đề toàn cầu và đề xuất một số lộ trình để giải quyết các vấn đề ấy. Nhưng những vấn đề và những lộ trình mà Jared Diamond nêu ra đều có tính dài hạn. Vì vậy, những lộ trình có tính giải pháp của ông không khả dụng đối với tình thế cấp bách của chúng ta hiện nay. Các tác phẩm của Jared Diamond đều rất xuất sắc nhưng đáng tiếc là tác phẩm mới nhất của ông, mặc dù được đánh giá rất cao và rất hấp dẫn, lại không cung cấp được cho chúng ta một giải pháp hữu hiệu để chúng ta có thể giải quyết cuộc khủng hoảng của thế giới hôm nay.
Vậy chúng ta có thể tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng của thế giới hôm nay từ đâu ? Có lẽ, chúng ta nên căn cứ vào tính chất của cuộc khủng hoảng này và tìm cách giải quyết. Cuộc khủng hoảng này – như đã phân tích ở trên – vừa có tính toàn diện, vừa có tính toàn cầu. Thế nên, giải pháp dành cho nó phải là một hệ thống các biện pháp đáp ứng được hai tính chất mà chúng ta đã chỉ ra.
Một thực tế mà chúng ta phải thừa nhận là các đường biên giới quốc gia không có khả năng ngăn chặn sự lây nhiễm của virus Corona. Vì vậy, không một quốc gia nào có đủ nguồn lực để có thể đơn độc chống lại Đại dịch Covid-19. Cuộc chiến chống lại Đại dịch Covid-19 là cuộc chiến chung của toàn nhân loại. Chúng ta biết rằng, kể từ khi xảy ra thảm họa hồ Toba hơn 70.000 năm trước cho đến nay, Đại dịch Covid-19 là một trong số ít các thảm họa có khả năng đe đọa đến cuộc sống của toàn nhân loại. Thế nên, không một ai được phép đứng ngoài cuộc chiến. Cuộc chiến này cần đến sự hợp tác của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới. Vì thế, để bảo đảm sự hợp tác giữa các quốc gia thành công thì chúng ta cần đến một cơ chế hợp tác quốc tế mới.
Chúng ta có thể bắt đầu từ đâu ? Đáp án : Liên Hiệp Quốc. Ngoài nhiệm vụ cơ bản ban đầu là duy trì hòa bình trên thế giới, Liên Hiệp Quốc còn có thêm một số nhiệm vụ cơ bản khác, như duy trì an ninh quốc tế, thúc đẩy sự hợp tác quốc tế và nỗ lực thực hiện các mục tiêu chung. Vì vậy, việc Liên Hiệp Quốc đóng vai trò chủ yếu trong cuộc chiến chống lại Đại dịch Covid-19 là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, từ khi Đại dịch Covid-19 bùng phát cho đến nay thì vai trò của Liên Hiệp Quốc lại quá mờ nhạt trong việc xử lý khủng hoảng. Có lẽ, khi bị Đại dịch tấn công bất ngờ, các nhà lãnh đạo của các nước bị tầm nhìn quốc gia che khuất nên chưa nhìn thấy được vai trò toàn cầu của Liên Hiệp Quốc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Thực tế là, Liên Hiệp Quốc có khả năng thống nhất hành động của tất cả các quốc gia trên thế giới. Thật vậy, cơ quan chính trị quan trọng nhất của Liên Hiệp Quốc là Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Mà khi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc thì các quốc gia thành viên buộc phải chấp hành. Vì thế, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chỉ cần ra một nghị quyết phòng, chống Đại dịch Covid-19 trong đó có kèm theo những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với các quốc gia vi phạm các quy định phòng, chống dịch mà nghị quyết đã đề ra thì các quốc gia trên toàn thế giới sẽ buộc phải hành động vì mục tiêu chung là dập tắt trận Đại dịch này.
Chúng ta biết rằng nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chỉ có thể được thông qua với sự đồng thuận của 5 nước thành viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Nếu một trong năm nước này ra đòn phủ quyết thì nghị quyết của Hội đồng Bảo an không thể thông qua được. Nhưng hiện nay Mỹ và Nga đang tồn tại nhiều bất đồng còn Mỹ và Trung Quốc thì đang xung đột với nhau cực kỳ căng thẳng. Vấn đề đặt ra : Liệu các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với những mối mâu thuẫn như thế có thể tìm được tiếng nói chung trong một nghị quyết phòng, chống Đại dịch Covid-19 hay không ? Chúng ta có quyền hy vọng câu trả lời là có. Vì các nước này đã từng đứng chung trong một liên minh để chống lại mối đe dọa của Chủ nghĩa Phát xít đối với hoà bình thế giới thì việc hôm nay họ cùng nhau hợp tác để xử lý một thảm họa toàn cầu là điều hoàn toàn có thể thực hiện được. Sự hợp tác giữa các cường quốc đối địch không phải là điều không thể xảy ra. Điều này đã từng có tiền lệ : Năm 1985, trước những mối đe dọa mơ hồ của người ngoài hành tinh, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã cùng thống nhất với nhau rằng nếu một trong hai nước bị người ngoài hành tinh tấn công thì lập tức sẽ nhận được sự hỗ trợ của nước còn lại. Chỉ là một một mối đe dọa có tính mơ hồ mà hai siêu cường đối địch đã có thể hỗ trợ cho nhau còn hôm nay thế giới đang phải đối mặt với một thảm họa toàn cầu thật sự thì tại sao các cường quốc lại không thể hợp tác với nhau để cùng nhau hành động vì một mục tiêu chung ?
Trong thời điểm khó khăn này của thế giới, 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cần phải chứng minh cho tất cả mọi người trên thế giới thấy rằng họ là những cường quốc có trách nhiệm. Họ cần phải hợp tác với nhau để xử lý cuộc khủng hoảng này. Nếu 5 nước này đạt được sự đồng thuận với nhau để Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết phòng, chống Đại dịch Covid-19 thì liệu cuộc chiến chống lại Đại dịch của cộng đồng quốc tế có diễn ra thuận lợi không ? Câu trả lời : Không chắc chắn.
Vì chúng ta biết rằng hành động của một cường quốc là rất khó dự đoán và kiểm soát. Cho dù nghị quyết đã được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua thì 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an đã biểu quyết thông qua nó, vẫn có khả năng vi phạm nghị quyết, làm ảnh hưởng đến cuộc chiến chung của cộng đồng quốc tế. Thế nên, để bảo đảm cuộc chiến chống Đại dịch Covid-19 thắng lợi và trách nhiệm của mình trước toàn thể nhân loại thì trước khi đưa dự thảo nghị quyết ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc biểu quyết, 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc phải tự giới hạn hành động của mình bằng một hiệp ước có tính ràng buộc. Hiệp ước này sẽ được 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ký kết. Hiệp ước sẽ được công khai với cộng đồng quốc tế. Hiệp ước này cần phải có quy định rằng nếu một nước thành viên nào đó của Hiệp ước vi phạm các quy định phòng, chống dịch hay có những việc làm ảnh hưởng đến cuộc chiến chung của cộng đồng quốc tế thì sẽ phải chịu sự trừng phạt của bốn nước còn lại và cộng đồng quốc tế. Nếu một hiệp ước như vậy được ký kết thì nó sẽ biến 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thành một liên minh các cường quốc chống Đại dịch Covid-19 và cộng đồng quốc tế sẽ có thể cùng phối hợp với liên minh các cường quốc này để cùng nhau chống lại Đại dịch. Khi đó, cuộc chiến mà loài người chúng ta phát động chống lại Đại dịch Covid-19 sẽ có khả năng thành công vô cùng to lớn.
Vì thế, có thể nói, thế giới chúng ta đang thật sự cần đến hai văn bản này : Hiệp ước phòng, chống Đại dịch Covid-19 của 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Nghị quyết phòng, chống Đại dịch Covid-19 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Hai văn bản này sẽ tạo ra một cơ chế hợp tác quốc tế mới để cộng đồng quốc tế xử lý cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay. Đây chính là giải pháp toàn cầu cho cuộc khủng hoảng của thế giới hôm nay. Nghĩa là chúng ta đã tìm ra cách để dập tắt tính toàn cầu của cuộc khủng hoảng.
Vậy còn tính toàn diện của cuộc khủng hoảng hiện nay thì chúng ta sẽ giải quyết như thế nào ? Đáp án : Tính toàn cầu của giải pháp sẽ tạo ra tính toàn diện của giải pháp. Thật vậy, khi Liên Hiệp Quốc đã có được hai văn bản mà chúng ta đã nói nghĩa là Liên Hiệp Quốc đã thống nhất được hành động của tất cả các quốc gia thành viên cho cuộc chiến vì sức khỏe và tính mệnh của con người. Khi đó, các cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)… sẽ cùng vào cuộc để giải quyết cuộc khủng hoảng của thế giới hôm nay. WHO lúc ấy sẽ không chịu sự ảnh hưởng của bất kỳ cường quốc nào nữa. Nó sẽ là một cơ quan chuyên môn đúng nghĩa. WHO lúc ấy sẽ có thể đưa ra được những lời cảnh báo kịp thời nhất, những phác đồ điều trị chính xác nhất… cho các quốc gia trên thế giới. FAO sẽ phối hợp với các quốc gia trên thế giới để cùng đưa ra những giải pháp cụ thể bảo đảm an ninh lương thực cho thế giới chúng ta. WB, IMF sẽ phối hợp với các quốc gia trong nhóm G20 để ngăn chặn bất kỳ một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nào có thể xảy ra trong thời gian này, bảo đảm cho nền kinh tế thế giới vẫn vận hành thông suốt. Khi ấy, có thể nói, những bế tắc trong cuộc sống mà Đại dịch Covid-19 gây ra cho chúng ta đã được giải quyết.
Như vậy, trước mắt chúng ta đã hiện lên được giải pháp cho cuộc khủng hoảng của thế giới hôm nay. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra : Giải pháp này có tính khả thi hay không ? Câu trả lời : Điều này phụ thuộc vào diễn biến của Đại dịch Covid-19. Nếu vì một nguyên nhân tự nhiên nào đó mà virus Corona càng ngày càng giảm độc tính và Đại dịch cũng không còn khả năng đe dọa đến cuộc sống chúng ta thì giải pháp này không cần dùng đến. Nhưng nếu độc tính của virus Corona được giữ nguyên như hiện nay hay càng ngày càng tăng và Đại dịch kéo dài trong nhiều năm thì có lẽ, không sớm thì muộn, cộng đồng quốc tế sẽ phải dùng đến giải pháp này. Vì một thực tế đơn giản là, nếu độc tính virus Corona không giảm và Đại dịch tiếp tục lan rộng thì không một quốc gia nào trên thế giới có đủ nguồn lực để có thể đơn độc chống lại trận Đại dịch này.
Tạ Hoàng Tấn
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 20/09/2020
Dịch Covid-19 đã có ảnh hưởng tiêu cực cả trên lãnh vực tiền tệ. Tuần báo Pháp Le Point ngày 03/09/2020 đã có một phân tích đáng chú ý về tác hại của đại dịch 19 trên đồng đô la Mỹ.
Dưới tựa đề "Phải chăng dịch Covid-19 đã đánh gục đồng đô la siêu hùng mạnh ?", Le Point ghi nhận tình trạng đồng đô la Mỹ bị mất giá đáng kể từ đầu dịch đến nay, khiến cho nhiều ngoại tệ khác đang mơ đến việc chiếm được ngôi vị siêu ngoại hối của tờ giấy bạc xanh, tên gọi nôm na của đồng đô la Mỹ.
Theo thống kê mới nhất của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, đồng đô la Mỹ hiện chiếm 62% dự trữ ngoại tệ thế giới, mức cách đây 30 năm, hơn xa đồng euro Châu Âu (20,1%), đồng yen Nhật Bản (5,7%), đồng bảng Anh (4,4%) và đồng yuan (hay nhân dân tệ) Trung Quốc (2%).
Ngoài ra hơn một nửa trao đổi thương mại thế giới được thực hiện bằng đô la, một đồng tiền cũng được sử dụng trên các thị trường nguyên liệu chủ chốt.
Nhưng sức mạnh của đồng tiền Mỹ, theo nhiều chuyên gia, đang là nạn nhân lớn của đại dịch Covid-19. Đối với họ, việc đồng đô la sụt giá từ 3 tháng nay (-8% so với đồng euro) dự báo cho một cuộc khủng hoảng thực sự, hậu quả của làn sóng bất tín nhiệm của các nhà đầu tư quốc tế đối với một nước Mỹ yếu đi về mặt kinh tế, không còn ảnh hưởng mạnh về địa chính trị.
Nhưng thông báo là vua đô la sắp bị truất phế là một chuyện, nhưng để đồng bạc Mỹ mất đi vị trí siêu ngoại hối của mình thì phải có đồng tiền khác thay vào.
Đồng euro có thể thay thế chăng? Le Point tỏ ra khá gay gắt : Chỉ có những fan cuồng nhiệt dỏm của đồng tiền Châu Âu mới có thể nghĩ là đồng euro sẽ được củng cố qua nạn dịch, vốn đã bộc lộ cách biệt kinh tế và văn hóa giữa vùng phía nam và bắc Châu Âu cùng sử dụng đồng tiền này.
Và nhất là đó là đồng tiền của một Châu Âu không có chính phủ, không có chính sách ngoại giao riêng, không quân đội, không thị trường tài chính tầm cỡ, không khả năng tranh đua với Mỹ với tư cách một thế lực địa chính trị.
Còn đồng yuan Trung Quốc thì sao? Le Point không ngần ngại mỉa mai : Sự tin tưởng vào đồng tiền này trên thị trường tài chính thế giới cũng không khác gì sự tin tưởng vào con số tử vong chính thức vì Covid-19 ở thành phố Vũ Hán.
Để một ngày nào đó soán được ngôi của đồng đô la thì đồng yuan phải thôi không còn là đồng tiền của một chế độ cộng sản độc tài, nói láo nhiều như là họ xuất khẩu, kiểm duyệt truyền thông và bỏ tù các nhà đối lập chính trị.
Trọng Nghĩa