Aung San Suu Kyi lên án vi phạm nhân quyền ở bang Rakhine (VOA, 19/09/2017)
Lãnh đạo trên thực tế của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, lên án các vụ vi phạm nhân quyền diễn ra ở bang Rakhine ở miền tây, nơi bạo lực còn tiếp diễn đã khiến hơn 400.000 người thiểu số Hồi giáo Rohingya bỏ chạy sang nước láng giềng Bangladesh trong những tuần gần đây.
Lãnh đạo trên thực tế của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, phát biểu qua truyền hình hôm 19/9/2017.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu được mong đợi trước quốc dân từ thủ đô Naypyitaw hôm 19/9, khôi nguyên giải Nobel Hoà bình đã tránh bàn về những lời quy trách nhiệm cho các lực lượng an ninh của Myanmar, họ bị cáo buộc đã "thanh lọc sắc tộc" nhằm vào người Rohingya.
Bà Aung San Suu Kyi bị quốc tế chỉ trích mạnh mẽ vì đã không lên tiếng quyết liệt về tình hình khủng hoảng.
Bà nói với một nhóm các nhà ngoại giao nước ngoài rằng nước bà không sợ sự giám sát chặt chẽ của quốc tế, và bà đảm bảo rằng mọi vi phạm nhân quyền hoặc "những hành động làm suy yếu sự ổn định và hòa hợp" sẽ bị xử lý "phù hợp với các quy định tư pháp nghiêm ngặt".
Nhà phân tích độc lập Richard Horsey nói với VOA rằng bà Aung San Suu Kyi phải giữ thăng bằng giữa mối quan tâm của quốc tế về nỗi thống khổ của người Rohingya và các cảm xúc dân tộc chủ nghĩa trong đa số dân theo đạo Phật ở trong nước.
Ông nói : "Tôi nghĩ nội dung của bài phát biểu đã thể hiện rất rõ rằng bà cảm thấy bà phải hết sức thận trọng đi trên ranh giới rất mong manh giữa những quan điểm của đa số người dân Myanmar mà thực sự trái ngược hoàn toàn với phần lớn cộng đồng quốc tế".
Bên lề cuộc họp của Đại hội đồng LHQ ở New York hôm 18/9, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ, Anh và các nước khác quan ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Rakhine đã kêu gọi chấm dứt bạo lực và muốn có các biện pháp để giảm bớt nỗi thống khổ của người tị nạn Rohingya.
Đại sứ Hoa Kỳ Nikki Haley cho biết đã có một "cuộc họp hữu ích về tình hình rất xấu", bà cũng nói không thấy có cải thiện nào ở chính nơi những người Rohingya phải bỏ chạy sang Bangladesh.
Đại sứ Haley phát biểu : "Cộng đồng quốc tế cam kết tìm một giải pháp để chấm dứt cuộc khủng hoảng này và mang lại hòa bình, ổn định cho bang Rakhine cũng như phần còn lại của Myanmar. Hoa Kỳ tiếp tục thúc giục chính phủ Myanmar kết thúc các hoạt động quân sự, cho phép những người làm công việc nhân đạo được tiếp cận, và cam kết hỗ trợ việc thường dân trở về nhà an toàn".
******************
Rohingya Miến Điện : Aung San Suu Kyi lên án các vụ "vi phạm nhân quyền" (RFI, 19/09/2017)
Nhà lãnh đạo Miến Điện hôm nay 19/09/2017 phát biểu trước Quốc Hội ở Naypyidaw - một bài diễn văn rất được chờ đợi về cuộc khủng hoảng người Rohingya tại bang Arakan - vài giờ trước khi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc. Trong khi quân đội Miến Điện bị tố cáo "thanh lọc chủng tộc", bà Aung San Suu Kyi chỉ bày tỏ lòng thương cảm những thường dân bị nạn, và lên án các vụ vi phạm nhân quyền.
Bà Aung San Suu Kyi đọc diễn văn gửi đến quốc dân về hồ sơ Rohingya, ngày 19/09/2017 tại Naypyidaw, thủ đô Miến Điện. Reuters/Soe Zeya Tun
Giải Nobel Hòa Bình, bị chỉ trích vì sự im lặng lạnh lùng suốt ba tuần qua, đã kêu gọi chấm dứt sự chia rẽ giữa Phật giáo và Hồi giáo. Bài diễn văn trên truyền hình bằng tiếng Anh và không được phụ đề tiếng Miến Điện, là một thông điệp hòa dịu gởi đến cộng đồng quốc tế. Bà Suu Kyi nói sẵn sàng tổ chức cho những người Rohingya tị nạn tại Bangladesh quay về Miến Điện, nhưng không cho biết những tiêu chí cụ thể.
Từ Rangoon, thông tín viên RFI Rémy Favre tường trình :
Bà Aung San Suu Kyi bày tỏ lòng thương cảm đối với những người đang gánh chịu cuộc khủng hoảng nhân đạo, nói rằng hết sức xúc động. Nhưng đồng thời bà cũng có những tuyên bố rất cứng rắn, nghi ngờ lý do khiến người Rohingya chạy trốn.
Bà nói rằng bạo lực đã chấm dứt từ hai tuần qua tại bang Arakan, nhưng những người Hồi giáo ở vùng này vẫn tiếp tục bỏ trốn, và đặt câu hỏi tại sao. Bà cố ý giảm nhẹ tầm mức của cuộc khủng hoảng, khẳng định đại đa số người theo đạo Hồi tại bang Arakan không di tản.
Trong khi đó Liên Hiệp Quốc loan báo có trên 400.000 người tị nạn, và nếu tính từ một năm qua thì con số đó là nửa triệu người, tức phân nửa dân số Rohingya tại Arakhan.
Bà Aung San Suu Kyi nêu ra giải pháp một cách chung chung. Bà khẳng định sẽ áp dụng những khuyến cáo của ủy ban do cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan lãnh đạo.
Ông Annan dự kiến trao quyền công dân cho người Rohingya, nhưng bà cố vấn đặc biệt nói rằng một số khuyến cáo sẽ được ưu tiên, và số khác thì còn phải chờ đợi, mà không cho biết cụ thể.
Các tổ chức nhân quyền tiếp tục chỉ trích
Amnesty International hôm nay tố cáo bà Aung San Suu Kyi thực hiện "chính sách con đà điểu" trước thảm trạng của người Rohingya ở bang Rakhine. Tổ chức phi chính phủ này khẳng định : "Có những bằng chứng hiển nhiên là lực lượng an ninh đã lao vào một chiến dịch thanh lọc chủng tộc", và tỏ ý tiếc là giải Nobel Hòa Bình không nhắc đến vai trò của quân đội trong cuộc khủng hoảng.
Cũng trong hôm nay, các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc về tình hình nhân quyền đòi hỏi phải được vào Miến Điện để làm nhiệm vụ mà không bị ngăn trở. Chủ tịch ủy ban điều tra, ông Marzuki Darusman tuyên bố trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève : "Điều quan trọng đối với chúng tôi là được tai nghe mắt thấy tại những nơi được cho là xảy ra bạo lực, được trực tiếp nói chuyện với những người liên quan và chính quyền".
Thụy My
*******************
Anh, Pháp kêu gọi lãnh tụ Suu Kyi chấm dứt bạo lực (RFA, 19/09/2017)
Hai nước Anh và Pháp vào ngày 18 tháng 9 lên tiếng kêu gọi lãnh tụ Aung San Suu Kyi của Myanmar cần có thêm biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực do quân đội tiến hành chống lại người sắc tộc thiểu số Rohingya ở bang Rakhine.
Một ngôi làng của người Rohingya ở Myanmar bị đốt cháy. AFP
Tin cho biết từ cuối tháng 8 vừa qua, quân đội Myanmar tiến hành phản công sau những cuộc tấn công do những thành phần vũ trang nổi dậy tại bang Rakhine.
Thống kê của chính phủ Myanmar nói có chừng 400 người thiệt mạng trong đợt bạo loạn này. Ngoài ra còn có hơn 410 ngàn người sắc tộc Hồi giáo Rohingya phải trốn chạy sang Bangladesh.
Hai vị ngoại trưởng Pháp và Anh khi có mặt tại New York, Hoa Kỳ để tham gia kỳ họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, lên tiếng thúc giục lực lượng an ninh Myanmar phải chấm dứt bạo lực, bảo bảm việc bảo vệ cho thường dân và cho phép các nhóm nhân đạo đến làm công tác.
*******************
Điều tra Liên Hiệp Quốc yêu cầu được tự do đến Myanmar (RFA, 19/09/2017)
Các viên chức Liên Hiệp Quốc điều tra về nhân quyền vào ngày 19 tháng 9 nêu rõ họ cần được đến Myanmar một cách đầy đủ, không bị giới hạn để tiến hành công tác điều tra cuộc khủng khoảng nghiêm trọng đang xảy ra tại quốc gia này.
Ông Marzuki Darusman, trưởng phái đoàn tìm hiểu được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, phát biểu với Hội Đồng Nhân Quyền hôm 19/9/2017.- AFP
Ông Marzuki Darusman, trưởng phái đoàn tìm hiểu được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, phát biểu với Hội Đồng Nhân Quyền rằng cần phải đến tận nơi để tìm hiểu sự thật về cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Myanmar.
Ông này cho biết đang chờ sự cho phép của Myanmar để đến đất nước này.
Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc thành lập phái đoàn hồi tháng ba với mục tiêu điều tra về những cáo giác vi phạm tại Myanmar ; đặc biệt tập trung vào những cáo giác về tội ác chống lại người sắc tộc thiểu số Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine.
Vào ngày 19 tháng 9, chỉ ít giờ sau khi lãnh tụ Aung San Syu Kyi có bài phát biểu về vấn đề Rohingya, đại sứ Myanmar tại Liên Hiệp Quốc Htin Lynn lên tiếng về quan điểm của Naypyidaw đối với phái đoàn điều tra của Liên Hiệp Quốc là không chấp thuận.
Ông này cho rằng biện pháp thành lập một phái đoàn như thế không ích lợi gì trong việc giải quyết khủng hoảng phức tạp tại bang Rakhine.
***********************
Khủng hoảng Rohingya : Suu Kyi không sợ 'giám sát' (BBC, 19/09/2017)
Bà Suu Kyi có bài diễn văn hôm 19/9.
Người đoạt giải Nobel Hòa bình nói bà đọc bài diễn văn này vì bà không thể đi dự họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong tuần này.
Suu Kyi nói bà muốn cộng đồng quốc tế biết những gì chính phủ của bà đang làm để giải quyết tình hình.
Bà lên án mọi vi phạm nhân quyền và cho biết bất cứ ai chịu trách nhiệm về những vụ ngược đãi tại Rakhine đều bị đưa ra tòa.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói : "Trung Quốc phản đối bạo lực tại khu vực Rakhine và thấu hiểu những nỗ lực của chính phủ Miến Điện nhằm duy trì sự ổn định của nước này".
Ông Vương cũng nói thêm rằng Myanmar và Bangladesh nên giải quyết những vấn đề trước mắt thông qua đối thoại và tham vấn.
Bà Suu Kyi bị chỉ trích nặng nề khi 400.000 người Rohingya đã chạy trốn bạo lực sang Bangladesh.
Bạo lực gần đây nổ ra sau cuộc tấn công có vũ trang bị quy trách nhiệm cho các chiến binh Rohingya nhắm vào đồn cảnh sát ngày 25/8.
Cuộc đàn áp của quân đội tiếp theo sau bị Liên Hiệp Quốc gọi là thanh lọc sắc tộc.
Quân đội nói rằng các chiến dịch của họ ở bang Rakhine nhằm mục đích triệt hạ các chiến binh và bác việc nhắm mục tiêu là dân thường.
Nhưng các nhân chứng từ Rohingya, những người đã chạy sang nước láng giềng Bangladesh, nói ngược lại.
Bà Suu Kyi trước đó tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng đang bị bóp méo bởi "những thông tin sai lệch" và cho biết những căng thẳng đang lan rộng nhờ tin giả.
Bà cũng hủy chuyến đi dự họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, và nói rằng bà có bài diễn văn hôm 19/9 về "hòa giải dân tộc và hoà bình".
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với BBC, người đứng đầu Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres, cảnh báo bà Suu Kyi "có cơ hội cuối cùng" để ngăn chiến dịch tấn công quân sự.
********************
Quốc tế kêu gọi trừng phạt Myanmar vì đàn áp người Rohingya (RFA, 18/09/2017)
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế Human Rights Watch vào ngày 18 tháng 9 lên tiếng kêu gọi thế giới áp dụng lệnh trừng phạt lên quân đội Myanmar vì đã đẩy khoảng hơn 400.000 người Hồi giáo Rohingya ra khỏi nước này trong một chiến dịch được Liên Hợp quốc gọi là ‘thanh lọc sắc tộc’.
Những người tị nạn từ Myanmar đến các trại tị nạn ở Cox's Bazar, Bangladesh. AFP
Tuyên bố của tổ chức này đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và các nước quan tâm nên áp đặt lệnh trừng phạt và cấm bán vũ khí đối với quân đội Myanmar, đồng thời phong tỏa tài sản và cấm đi ra nước ngoài những quan chức quân đội Myanmar có liên quan đến chiến dịch thanh lọc.
Lời kêu gọi này được đưa ra giữa lúc Đại hội đồng Liên Hợp quốc chuẩn bị họp ở New York để bàn về vấn đề khủng hoảng ở Myanmar.
Đợt khủng hoảng mới ở Mynamar bắt đầu từ ngày 25 tháng 8 ở bang Rakhine khi một nhóm những người Rohingya nổi dậy tấn công vào một số đồn cảnh sát và doanh trại quân đội Myanmar, giết chết 12 người.
Quân đội Myanmar sau đó đã đáp trả và khiến hơn 400.000 người Rohingya phải chạy đi lánh nạn sang nước láng giềng Bangladesh.
Hãng tin Reuters hôm 18 tháng 9 cho biết hàng trăm người tị nạn Rohingya tiếp tục đến Bangladesh bằng thuyền nhỏ trong các ngày chủ nhật và thứ hai. Những người này cho biết quân đội Myanmar đã đốt phá nhà cửa và giết hại người Rohingya. Nhiều người tị nạn còn cho biết có những thường dân là người theo đạo Phật ở bang Rakhine cũng tham gia những cuộc tấn công nhắm vào người Rohingya.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế cho biết các hình ảnh vệ tinh cho thấy khoảng 80 làng của người Hồi giáo tại bang Rakhine đang bị cháy và xác nhận thông tin các bằng chứng về những vụ đốt phá của người theo đạo Phật đối với làng và nhà cửa của người Hồi giáo Rohingya.
Chính phủ Myanmar bác bỏ những cáo buộc này và đổ lỗi cho những kẻ nổi dậy Hồi giáo đã gây ra bạo lực tại bang Rakhine.
Myanmar hiện cũng không cho các nhân viên trợ giúp nhân đạo và phóng viên vào khu vực đang xảy ra chiến sự.
Người Bangladesh biểu tình hỗ trợ sắc dân Rohingya
Trong khi đó tại thủ đô Dhaka, Bangladesh, khoảng 20.000 người Hồi giáo theo đường lối cứng rắn đã xuống đường tuần hành để phản đối bạo lực chống lại người Rohingya ở Myanmar.
Những người biểu tình mặc áo trắng hô to khẩu hiệu Thượng đế là toàn năng. Họ tập trung bên ngoài một nhà thờ hồi giáo lớn nhất Bangladesh và dự định sẽ bao vây tòa đại sứ của Myanmar tại Bangladesh.
Trước đó, vào thứ 6 tuần trước, khoảng 15.000 người biểu tình ở Bangladesh đòi hỏi chính phủ phải có chiến tranh với Myanmar nơi người theo đạo Phật chiếm đa số, vì tội diệt chủng đối với người Hồi giáo Rohingya.
Trước khi bạo lực xảy ra ở Myanmar hôm 25 tháng 8, đã có ít nhất khoảng 300.000 người tị nạn Rohingya ở Bangladesh, trong các trại tị nạn có điều kiện tồi tệ trên biên giới với Myanmar.
Chính phủ Ấn Độ muốn trục xuất người Rohingya vì lo ngại an ninh
Toà tối cao Ấn Độ hôm 18 tháng 9 bắt đầu xem xét một khiếu nại phản đối quyết định của chính phủ trục xuất khoảng 40.000 người Hồi giáo Rohingya từ Myanmar vì lo sợ những người này là mối đe dọa cho an ninh của Ấn Độ.
Khiếu nại này được nộp lên tòa hôm thứ sáu tuần trước thay mặt cho 2 người Rohingya hiện đang sống ở một trại tị nạn ở New Dehli sau khi chạy trốn khỏi Myanmar khoảng 5 đến 6 năm về trước.
Khiếu nại này được đưa ra sau khi một quan chức chính phủ Ấn Độ hồi tháng trước cho biết chính phủ nước này sẽ trục xuất hết tất cả những người Rohingya, kể cả những người đã được đăng ký với Liên Hợp quốc.
Phát biểu tại tòa tối cao hôm 18 tháng 9, ông Mukesh Mittal, một giới chức cao cấp của Bộ Nội vụ Ấn Độ nói tòa phải cho phép chính phủ thực hiện quyết định trục xuất vì lợi ích rộng lớn hơn của quốc gia vì một số người tị nạn Rohingya đến Ấn Độ có hồ sơ cực đoan. Ông này nói một số người Rohingya từng tham gia du kích quân ở Myanmar cũng đang hoạt động rất tích cực ở một số bang của Ấn Độ và được xác định là mối đe dọa rất nghiêm trọng và tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia.
Những người Rohingya nộp đơn khiếu nại bác bỏ thông tin cho rằng họ có liên quan đến những tổ chức Hồi giáo quá khích.
Theo thống kê của Liên Hợp quốc, hiện có khoảng 16.000 người Rohingya được đăng ký ở Ấn Độ, nhưng còn rất nhiều người chưa được đăng ký. Chính phủ Ấn cho biết con số người Rohingya không có giấy tờ là 40.000 người.