Miến Điện : Aung San Suu Kyi có thật là người "thủ đoạn" ?
Lãnh đạo Miến Điện hôm nay 19/09/2017 có bài phát biểu trước toàn dân. Le Figaro và Libération nhân dịp này nhận định về thái độ im lặng khó hiểu của giải Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi trước số phận bi thảm của hàng trăm nghìn người Rohingya tại Miến Điện. Trên trang nhất, Le Figaro cho rằng "Aung San Suu Kyi thất bại vì thảm kịch Rohingya", trong khi đó Libération chua chát chỉ trích "Aung San Suu Kyi, một giải Nobel và một cuộc thảm sát".
Bà Aung San Suu Kyi, cố vấn đặc biệt Nhà nước Miến Điện, trước giờ phát biểu trước quốc dân trên truyền hình về khủng hoảng người Rohingya, ngày 19/09/2017 tại Naypyidaw. Reuters/Soe Zeya Tun
Bài xã luận của Libération không kém phần cay nghiệt khi đề tựa "Thủ đoạn". Từng được xem là một gương mặt tiêu biểu chống sự tàn bạo ở Miến Điện, một con người cao cả, cam đảm, bị truy bức… nói tóm lại bà có đủ các phẩm chất để xứng đáng được trao giải Nobel. Vậy mà nay bà Aung San Suu Kyi đã từ chối nhìn nhận thực tế về các vụ thảm sát mà nạn nhân là tộc người thiểu số Rohingya, theo Hồi giáo.
"Thủ đoạn" là vì bà đã để cho những toan tính chính trị làm sụp đổ những nguyên tắc lý tưởng cần bảo vệ. Aung San Suu Kyi không chỉ phủ nhận thực tế mà còn tố cáo đó là "một núi băng thông tin giả", bất chấp các bài phóng sự, những lời thuật của nhân chứng về các vụ thảm sát.
Rõ ràng là quân đội Miến Điện đang tiến hành một cuộc thanh trừng sắc tộc. Binh lính của chế độ không chiến đấu chống quân "khủng bố", cho dù là họ đang truy đuổi những nhóm quân nổi dậy nhỏ có vũ trang đang khuấy đảo trong khu vực.
Trên thực tế, quân đội Miến Điện đang đánh vào một dân tộc "tay không tấc sắt" với một sự tàn bạo chưa từng thấy, đặc biệt là nhắm vào phụ nữ và trẻ em. Những người này bị tàn sát, bị tước đoạt, bị đuổi ra khỏi mảnh đất quê hương bằng chính những hành động bạo tàn của quân đội.
Đã đến lúc người mà từ lâu nay là biểu tượng của hòa bình và tự do trong con mắt của thế giới phải có những hành động cụ thể để chấm dứt những tội ác tày đình. Nếu không bà cũng sẽ trở thành những tên bạo chúa đạo đức giả đáng buồn, bất chấp giải Nobel Hòa bình của mình.
Aung San Suu Kyi, người hùng thảm bại
Về phần mình, Le Figaro có vẻ hòa dịu hơn, thông cảm cho những khó khăn của bà Aung San Suu Kyi. Trong một bài viết đề tựa "Quý Bà, người hùng bi thảm của nền dân chủ Miến Điện", tờ báo cho rằng lãnh đạo Miến Điện rất khó có thể thực hiện chuyển tiếp dân chủ. Quân đội nước này luôn rình rập cơ hội để có thể chiếm lại quyền hành.
Le Figaro nhận thấy các chuyên gia châu Á không có cùng quan điểm với cách nhìn của phương Tây, cho rằng những lời chỉ trích nhắm vào bà Aung San Suu Kyi là bất công. Theo nhà nghiên cứu Yeo Lay Hwee, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Singapore, "Phương Tây đã trông đợi quá nhiều vào bà ấy, và bây giờ thì họ đả kích bà không chút thương tiếc. Đó là một tầm nhìn quá ư là lý tưởng, mà không hề đếm xỉa đến thực tế phức tạp ở địa bàn".
Bởi ẩn sau thảm kịch Rohingya đó là cuộc đấu căng thẳng giữa Quý Bà và quân đội - kẻ thù số một với thách thức là tương lai cuộc chuyển tiếp nền dân chủ Miến Điện. Khủng hoảng bùng nổ phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật những giới hạn của việc mở cửa dân chủ.
Bất chấp thắng lợi bầu cử của đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ NLD năm 2015, quân đội Miến Điện vẫn nắm giữ ba vị trí chủ chốt trong chính phủ : Nội Vụ, Quốc Phòng và Biên Phòng, cũng như là 25% số ghế trong Nghị Viện. Bấy nhiêu cũng đủ cho quân đội Miến Điện rãnh tay thực hiện các vụ trấn áp ở bang Rakhine, với danh nghĩa an ninh quốc gia, sau một nhóm nổi dậy thuộc Quân Đội Cứu Thế Rohingya Arakan tấn công các đồn biên phòng ngày 25/08.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres buộc phải thốt lên là "Giới quân nhân vẫn nắm quyền lực". Họ vẫn là một nguồn bảo đảm thống nhất quốc gia, tại một đất nước có đến 135 sắc tộc khác nhau, luôn có nguy cơ tan rã do những lực lượng đối kháng và cuộc nội chiến triền miên ở vùng biên giới tộc người Shan.
Trong một diễn đàn, cựu thủ tướng Úc Kevin Ruud, một trong những lãnh đạo thế giới đầu tiên thúc đẩy đất nước mở cửa có nhắc lại rằng : "Rất nhiều nhà bình luận dường như quên rằng các tướng lĩnh Miến Điện vẫn có quyền Hiến định lấy lại quyền kiểm soát chính phủ bằng một cú đảo chính hợp pháp, nếu họ cho rằng trật tự đó cần phải được thiết lập lại".
Số phận của bà Aung San Suu Kyi không khác gì chuông treo mành chỉ. Đến mức mà một số người còn nhìn thấy nỗi lo một cú đảo chính bất ngờ khi bà vắng mặt trong việc bà quyết định không đến New York. Cuối cùng, Le Figaro trích phân tích của một giáo sư đại học cho rằng "Bà không thể cho phép mình đi sai một bước. Nếu bà ấy làm điều gì đó là vì có những thế lực mạnh hơn đang buộc bà ấy phải làm bất chấp giá phải trả là làm lu mờ hình ảnh của mình trên trường quốc tế".
Người Hmong tại Lào kêu cứu ?
Kể từ sau cuộc chiến tranh Việt Nam, năm 1975, số phận của cộng đồng người Hmong – người Mèo – ít được cộng đồng quốc tế chú ý tới. Báo Le Monde có bài "Tại Lào, trận chiến cuối cùng của người Hmong". Một nhóm nhỏ các chiến binh người Hmong trụ lại Lào, từ hơn 40 năm qua, vẫn chiến đấu chống lại chế độ cộng sản tại Vientiane và giờ đây, họ cầu cứu sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Ngày 12/09 vừa qua, qua điện thoại, Chonglor Her, chủ tịch Đại hội thế giới của người Hmong, một hiệp hội của sắc tộc này có trụ sở tại Mỹ đã nói với Bruno Philip, phóng viên báo Le Monde rằng quân đội cộng sản Lào đã quyết định tiêu diệt họ trong vài tháng tới. Họ hầu như không còn vũ khí, đạn dược nữa và họ đang bị bao vây. Vào tháng 10 năm 2015, ông Chonglor Her đã tới cứ địa này và cho biết nhóm người kháng cự tại đây có gần 200 người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.
Trong chiến tranh Đông Dương, người Hmong đã hợp tác với quân đội Pháp và họ đã bị bỏ rơi sau thất bại ở Điện Biên Phủ. Trong chiến tranh Việt Nam, người Hmong hợp tác với Mỹ ngăn chặn lực lượng Bắc Việt đi vòng qua Lào để tiếp viện cho Việt Cộng ở miền Nam Việt Nam. Chiến tranh kết thúc, Mỹ lại bỏ rơi họ.
Trong 15 năm qua, nhiều nhà báo nước ngoài, bất chấp hiểm nguy và gian khổ, đã tiếp cận cộng đồng người Hmong đang trụ lại ở núi Phou Bia, ngọn núi cao nhất Lào, để báo động cộng đồng quốc tế về số phận của họ.
Từ nhiều năm qua, các thủ lĩnh vũ trang của cộng đồng người Hmong tại Lào không ngừng tuyên bố rằng họ đang sống những giờ phút cuối cùng, trước khi bị quân đội Lào triệt hạ. Lần này, ông Her đã khẳng định là cộng đồng người Hmong sẽ chiến đấu tới cùng và không ra hàng, nhưng đồng thời ông kêu gọi chính phủ Pháp, Mỹ và Liên Hiệp Quốc hãy cử các quan sát viên tới nơi đây để thấy rõ được tình cảnh của người Hmong và trước khi chấm dứt cuộc điện đàm, thủ lĩnh người Hmong nhắc lại : Hãy tới cứu giúp chúng tôi.
Syria : Tương lai mù mờ "Kế hoạch hòa bình của Putin"
Về thời sự quốc tế, Le Monde trên trang nhất đặt câu hỏi : "Nga làm thế nào áp đặt trật tự của họ tại Syria ?". Câu hỏi này đã được nhật báo tìm cách giải đáp qua bài phóng dài trên trang 2 có tựa đề : "Tại Syria, những mập mờ trong kế hoạch hòa bình của Putin". Tờ báo nhận thấy là trên tất cả các mặt trận, Nga đã giúp giảm được bạo lực và củng cố chế độ Damascus.
Sau khi cứu được chế độ Bachar al-Assad nguy cơ sụp đổ năm2015, rồi giúp chế độ Damascus đẩy lùi phiến quân, dập tắt hy vọng của phe đối lập qua việc tái đánh chiếm được Aleppo năm 2016, các nhân viên quân sự, ngoại giao, tình báo Nga đang nỗ lực tìm cách chấm dứt cuộc xung đột đã tàn phá Syria từ 6 năm qua.
Theo Le Monde, sự rút lui của Mỹ để tập trung sức lực chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo, sự lu mờ của các nước dầu lửa trong khu vực do phải đối phó với cuộc xung đột tại Yemen và bất đồng nội bộ căng thẳng, sự nhích lại gần nhau giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo cơ hội cho Moskva tự do hành động, tạo dựng một kế hoạch hòa bình theo ý đồ của tổng thống Vladimir Putin.
Tờ báo điểm lại những thành công của Nga trên tất cả các lĩnh vực, quân sự, ngoại giao, hỗ trợ dân sự, tái thiết, và những lợi thế của Nga trên thực địa. Theo chuyên gia Samir al-Taqi, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phương Đông, một tổ chức tư vấn gần gũi với phe đối lập Syria, Nga đã đưa hàng trăm nhân viên cố vấn và làm trung gian tới các làng mạc, thành phố mà phe đối lập đang kiểm soát. Họ cố gắng dàn xếp từng bước, với đích nhắm cuối cùng là đạt được một thỏa thuận chung liên quan đến các "khu vực giảm căng thẳng".
Le Monde cho biết Nga rất năng động trên mọi phương diện bao gồm cả nỗ lực thống nhất cái gọi là phe đối lập mà Moskva và chế độ Damascus có thể chấp nhận được. Chuyên gia Samir al-Taqi nhận định : Nga mơ tưởng đến một thỏa thuận hòa bình, bao gồm một dạng phi tập trung hóa, dựa trên các "vùng giảm căng thẳng".
Thế nhưng, quan điểm này khó tồn tại. Nga đang làm một công việc rất vất vả và không được Damascus biết ơn : đó là cố gắng tạo dựng hòa giải, nhưng Moskva không ngăn cản được chính quyền Assad và các đồng minh Iran tiếp tục cuộc chiến giành lại lãnh thổ. Khu vực giảm căng thẳng chỉ là một sự dàn dựng mang tính tiếp thị và không tồn tại lâu dài được.
Theo giới quan sát, Bachar al-Assad đang giành được thắng lợi và Putin biết rõ điều này. Do vậy, Moskva tìm kiếm một thỏa thuận trung gian, cho phép Nga thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, đồng thời vẫn có thể tuyên bố là tạo dựng được sự ổn định ở Syria. Có lẽ Nga là nước duy nhất tin tưởng vào những thỏa thuận liên quan đến các khu giảm căng thẳng, trong khi Damascus vẫn từ chối ký kết, còn Iran thì căm ghét các thỏa thuận này. Chính quyền Damascus sẽ không trao Syria cho Nga.
Trung Quốc : Khi nhà mạng "Tây du ký"
Trong lĩnh vực kinh tế, Le Monde thông báo "Các tập đoàn mạng Trung Quốc trên đường chinh phục phía tây". Nhật báo thắc mắc "Các nhà mạng lớn của Trung Quốc đang cạnh tranh với Silicon Valley ra sao ?".
Sau thông báo kết quả hoạt động tuyệt vời trong quý II, hồi trung tuần tháng 8/2017, Alibaba và đối thủ Tencent, chuyên về các trang mạng xã hội và các trò chơi điện tử đã vượt ngưỡng 400 tỷ đô la giá trị cổ phiếu. Với thành tích này, Alibaba và Tencent nghiễm nhiên bước vào sân chơi "các ông lớn" trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cho đến lúc này chỉ dành cho các "đại gia" Mỹ : Google, Apple, Facebook, Microsoft và Amazon.
Trung Quốc giờ gần như đứng đầu trong lĩnh vực trả tiền qua mạng. Số tiền trả trên mạng trong năm 2016 đã đạt mức 5 500 tỷ đô la, cao hơn gấp 50 lần so với 112 tỷ chi trả bằng điện thoại di động tại Hoa Kỳ, theo như phân tích của văn phòng iResearch. Hầu bao "điện tử" gần như do Alibaba (Alipay) và Tencent (WeChat Pay) thống lĩnh. Thị trường tài chính mới này đã hoàn toàn làm thay đổi thói quen người tiêu dùng tại Trung Quốc.
Ngày nay người ta có thể thực hiện mọi giao dịch qua điện thoại, và thói quen này tạo thuận lợi cho sự trỗi dậy của những dịch vụ mới cho thuê xe đạp có gắn GPS mà người ta có thể scan bằng điện thoại. Tại Trung Quốc hai hãng cho thuê xe lớn đều được cả hai nhà mạng Trung Quốc hỗ trợ.
Trang nhất các báo Pháp
Đề tài chính trên trang nhất các báo Pháp tập trung chủ yếu vào tình hình trong nước. Nhật báo kinh tế Les Echos nhận xét : "Gọng kềm ngân sách đang được gỡ dần cho Macron". Thâm thủng ngân sách dự báo cho năm 2018 sẽ là 2,6% GDP. Tăng trưởng gia tăng tốc độ sẽ cho phép nới lỏng các ràng buộc ngân sách đang đè nặng lên chính phủ.
Cũng liên quan đến ngân sách Pháp, Le Monde chạy tựa : "Le Maire và Darmanin bảo vệ ngân sách rạn vỡ". Trả lời phỏng vấn nhật báo, bộ trưởng kinh tế-tài chính và bộ trưởng tài chính công giải thích về những biện pháp cải cách mà chính phủ thông báo liên quan đến các lĩnh vực thuế khóa và các chính sách tài trợ xã hội…
Về phần mình, La Croix ghi nhận người dân Paris nay "Di chuyển một cách khác". Nhân dịp Paris chuẩn bị mở cuộc họp bàn tìm cách cải thiện điều kiện đi lại cho hàng triệu dân, La Croix nhìn thấy ở những nước khác đã có những cách tân trong giao thông công cộng.
Minh Anh