Giới hoạt động Việt Nam học gì ?
Một nhà hoạt động nhân quyền bình luận với BBC rằng bài học lớn nhất cho phong trào dân chủ tại Việt Nam nhìn từ vụ khủng hoảng Rohingya là "nếu không có sự giám sát, một thủ lĩnh sẽ bị tha hóa".
Nhà hoạt động nhân quyền Trịnh Hữu Long nói bà Aung San Suu Kyi làm ông "thất vọng"
Người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar (Miến Điện) đang phải đối mặt với thảm họa nhân đạo, theo Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.
Ông Antonio Guterres nói rằng những cuộc tấn công bị cáo buộc là do lực lượng an ninh tiến hành nhắm vào người Rohingya là hoàn toàn không thể chấp nhận. Quân đội nói rằng họ đang đấu với dân quân và phủ nhận việc nhắm vào thường dân.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kêu gọi tiến hành các bước khẩn cấp nhằm chấm dứt bạo lực.
Khoảng 379.000 người Rohingya đã trốn sang Bangladesh từ khi bạo lực nổ ra hồi tháng trước. Nhiều ngôi làng đã bị đốt.
Bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo có quyền lực nhất Miến Điện, bị những người từng ủng hộ bà ở phương Tây chỉ trích vì không ngăn được bạo lực diễn ra.
Hôm 14/9, trả lời BBC từ Đài Loan, nhà hoạt động nhân quyền Trịnh Hữu Long nói : "Thật sự tôi rất thất vọng vì tôi từng nghĩ bà Suu Kyi là một tượng đài không thể lay chuyển về tinh thần đấu tranh".
"Bài học lớn nhất cho phong trào dân chủ tại Việt Nam từ vụ khủng hoảng Rohingya là "nếu không có sự giám sát, một thủ lĩnh sẽ phản bội lý tưởng và bị tha hóa".
"Bà Suu Kyi đã từng là thần tượng của những người đấu tranh ở các nước, trong đó có tôi. Bà từng rao giảng, truyền cảm hứng về tự do, dân chủ cho những người khác đứng lên đấu tranh giống bà".
"Thế nhưng đến khi đứng trước lựa chọn chính trị, bà đã chọn chính trị thay vì giá trị phổ quát về nhân quyền và có hành động đi ngược lại những giá trị nhân quyền".
"Với tư cách người đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi Miến Điện từ một nước độc tài quân sự sang dân chủ, bà đã chọn đứng về phe đa số trong xã hội, im lặng trước việc đàn áp phe thiểu số là người Rohingya".
"Lựa chọn đó đã bỏ rơi một lực lượng thiểu số trong xã hội. Khi nói về tự do nhân quyền, không thể nói đa số có thể dùng quyền lực để đàn áp thiểu số, làm như thế không khác gì độc tài".
Bà Aung San Suu Kyi dự kiến có bài diễn văn trên truyền hình vào ngày 19/9
'Vấn đề cơ bản'
Người sáng lập trang Luật khoa Tạp chí cho biết thêm : "Khi một người nắm chính quyền mà không bị giám sát thì rất dễ bị tha hóa".
"Chuyện này có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào, kể cả Việt Nam".
"Có gì đảm bảo rằng những người cổ súy cho nhân quyền, dân chủ đến khi nắm quyền sẽ không tha hóa, phản bội lý tưởng của họ ? Một người từng đoạt giải Nobel Hòa bình như bà Suu Kyi mà còn vậy thì khả năng phản bội lý tưởng ở những nơi khác rất có thể xảy ra".
"Cho nên, trong mọi phong trào đấu tranh dân chủ, chúng ta không nên phụ thuộc nhiều vào cá nhân thủ lĩnh nào đó, và dồn toàn bộ sự tín nhiệm cho người đó".
"Người nắm quyền phải bị giám sát chặt chẽ bởi báo chí, các tổ chức xã hội dân sự và người dân".
"Khi đó, chúng ta mới có thể tin rằng người đó ít có khả năng tha hóa và phản bội lợi ích xã hội và giá trị phổ quát về nhân quyền".
"Ngoài ra, tôi nghĩ rằng vấn đề cơ bản nhất của dân chủ là sự tham gia của từng người dân vào tiến trình chính trị, chứ không chờ thủ lĩnh phất cờ".
"Tôi mong muốn người dân sẽ chủ động tham gia hơn vào tiến trình chính trị, trong khả năng và điều kiện của họ, chẳng hạn như góp ý xây dựng dự thảo luật, chống lại sai trái và gầy dựng hội đoàn riêng để bảo vệ lợi ích của họ".
"Một khi người dân làm được việc này thì các chính trị gia hay bất kỳ thủ lĩnh nào, sẽ run sợ trước người dân biết chủ động giám sát họ".
Theo một số nhà quan sát, bà Suu Kyi phải hết sức thận trọng về vấn đề người Rohingya vì người dân Myanmar không mấy cảm thông với người Rohingya.
Phần đông dân chúng Myanmar đồng tình với quan điểm chính thức của nhà nước rằng người Rohingya không phải là công dân nước này, mà là người nhập cư trái phép từ Bangladesh.