Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

06/02/2024

Điều tra Hàn Quốc về Bắc Triều Tiên

RFI tiếng Việt

Dân Bắc Triều Tiên mất niềm tin vào chế độ cha truyền con nối nhà Kim

Theo Yonhap, chính quyền Hàn Quốc hôm nay, 06/02/2024, "lần đầu tiên" công bố "Báo cáo về tình trạng kinh tế và xã hội của Bắc Triều Tiên". Dựa trên thông tin từ những người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên, Báo cáo dài 280 trang của Bộ Thống nhất Hàn Quốc ghi nhận niềm tin của người dân vào chế độ cha truyền con nối của dòng họ nhà Kim sụt giảm mạnh, trong bối cảnh hệ thống phân phối nhu yếu phẩm của nhà nước Bắc Triều Tiên "gần như sụp đổ".

hanquoc1

Tại một cuộc triển lãm nghệ thuật, nhân kỷ niệm 75 năm thành lập nước, tại Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, ngày 05/09/2023. AP - Jon Chol-jin

Ngày hôm qua, trước khi Bộ Thống nhất công bố báo cáo này, bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yung-ho đã nhấn mạnh là Seoul tiếp tục theo đuổi chính sách "thống nhất hòa bình" với Bắc Triều Tiên trên cơ sở "chế độ dân chủ tự do", thể theo các điều khoản được ghi trong Hiến pháp Hàn Quốc.

Seoul tố cáo Bình Nhưỡng "đổ lỗi cho bên ngoài"

Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng lên án việc lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un "đảo ngược chính sách mà những người tiền nhiệm đã thúc đẩy", khiến Bắc Triều Tiên có thể "rơi vào tình trạng trống rỗng về ý thức hệ". Bộ trưởng Bộ Thống nhất Kim Yung-ho cảnh báo nguy cơ Bình Nhưỡng tìm cách "đổ lỗi cho bên ngoài để tìm lối thoát cho tình trạng hỗn loạn trong nước", và kêu gọi tăng cường các biện pháp răn đe về quân sự để đề phòng các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng.

Chính lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, trong một cuộc họp của đảng cầm quyền cuối tháng trước, thừa nhận nhu yếu phẩm thiếu trầm trọng tại nhiều vùng của đất nước là một "vấn đề chính trị nghiêm trọng".

Về bản báo cáo của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, thông tín viên Trần Công từ Seoul cho biết cụ thể :

"Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã công bố "Báo cáo về tình trạng kinh tế và xã hội của Bắc Triều Tiên" sau khi phỏng vấn hơn 6300 người đào thoát từ Bắc Triều Tiên từ năm 2013 đến 2022. Các giáo sư từ các trường đại học lớn của Hàn Quốc, như các giáo sư Lee Woo-young, Ko Kwang-young, giáo sư Kim Seong-yeong, đã cùng nhau phân tích các thông tin từ những người đào thoát và đưa ra các kết luận về sự thay đổi của nền kinh tế Bắc Triều Tiên trong 10 năm qua.

Theo báo cáo từ Bộ Thống nhất, hệ thống phân phối của Bắc Triều Tiên gần như sụp đổ, tỷ lệ người dân không nhận được tiền lương hoặc khẩu phần ăn tại nơi làm việc chính thức ngày càng tăng. Nền kinh tế Bắc Triều Tiên đang suy thoái, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động do thiếu điện và nguyên liệu thô, người dân phải tự lo lương thực, quần áo, chỗ ở, sinh kế và chăm sóc y tế từ nguồn chợ đen.

Sự bất mãn của người dân đối với chế độ ngày càng tăng, ý thức của người dân Bắc Triều Tiên dường như đang dần thay đổi. Đặc biệt, người dân Bắc Triều Tiên ngày càng có nhận thức tiêu cực về "sự kế thừa ba thế hệ" lãnh đạo Bắc Triều Tiên và "sự kế thừa của dòng họ xuất thân từ ngọn núi thiêng Bạch Đầu (Baekdu)".

Bộ Thống nhất cho biết, trong thông cáo báo chí ngày hôm nay, "thông qua việc xuất bản báo cáo này, chúng tôi muốn thông báo chính xác cho công chúng về thực trạng tại Bắc Triều Tiên, từ đó đưa ra cái nhìn đúng đắn về Bắc Triều Tiên và chuẩn bị cho một bán đảo Triều Tiên thống nhất tự do và hòa bình". Bộ trưởng Bộ Thống nhất Kim Young-ho hy vọng báo cáo này "sẽ là cơ hội để người dân Hàn Quốc hiểu được vấn đề mà người dân Bắc Triều Tiên đang phải đối mặt".

Trần Công

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Công
Read 92 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)