Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

07/06/2017

Những động vọng của Trung Quốc trên các vùng biển Châu Á

Tổng hợp

 

Mỹ : Trung Quốc xây nhà chứa chiến đấu cơ và đặt vũ khí cố định ở Biển Đông (RFI, 07/06/2017)

Theo báo cáo của bộ Quốc Phòng Mỹ gởi Quốc hội hôm qua, 06/06/2017, Trung Quốc đang xây các nhà chứa chiến đấu cơ và các vị trí đặt vũ khí cố định, cùng với nhiều cơ sở quân sự khác trên ba đảo chính mà Bắc Kinh kiểm soát ở Biển Đông.

tq1

Ảnh chụp vệ tinh của CSIS - AMTI công bố ngày 13/12/2016 cho thấy các điểm đặt pháo phòng không được Trung Quốc triển khai trên đá Xu Bi (Subi) thuộc quần đảo Trường Sa, Biển ĐônẢnh do AMTI cung cấp REUTERS

Trong báo cáo thường niên về những phát triển an ninh và quân sự liên quan đến Trung Quốc, Lầu Năm Góc cho biết là Trung Quốc đang tập trung xây dựng tại ba tiền đồn lớn nhất là Đá Chữ Thập, Đá Su Bi và Đá Vành Khăn, sau khi đã hoàn tất các công trình xây dựng tại 4 đảo nhỏ hơn.

Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, một khi xây dựng xong, các cơ sở trên 3 đảo nói trên có thể chứa đến 3 trung đoàn chiến đấu cơ trên quần đảo Trường Sa, nơi mà Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền với các nước như Việt Nam và Philippines.

Báo cáo của Lầu Năm Góc nhắc lại rằng năm ngoái, Trung Quốc lần đầu tiên đã cho máy bay dân sự hạ cánh xuống các sân bay ở Đá Chữ Thập, Đá Su Bi và Đá Vành Khăn, cũng như cho hạ cánh một máy bay quân sự xuống Đá Chữ Thập để di tản các nhân viên bị thương. Theo bản báo cáo của bộ Quốc Phòng Mỹ, như vậy là Bắc Kinh đang cố làm thay đổi nguyên trạng vùng biển đang tranh chấp.

Lầu Năm Góc nhận định : "Mặc dù việc bồi đắp và xây đảo nhân tạo không giúp củng cố những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc về mặt pháp lý, nhưng Bắc Kinh sẽ dùng các đảo đó như là những căn cứ dân sự và quân sự thường trực để tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông và củng cố khả năng kiểm soát các đảo và vùng biển lân cận".

Tuy nhiên, tài liệu của bộ Quốc Phòng Mỹ nhận xét rằng kể từ sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên gần như toàn bộ Biển Đông, Bắc Kinh đã dịu giọng hơn khi nói về bản đồ đường "lưỡi bò" trên báo chí chính thức.

Về ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, theo thẩm định của Lầu Năm Góc, chi tiêu quân sự của Bắc Kinh năm 2016 đã lên tới 180 tỷ đôla, chứ không phải 144,3 tỷ đôla như được thông báo vào tháng 3 năm ngoái.

Thanh Phương

********************

Bắc Kinh chỉ trích báo cáo quốc phòng của Hoa Kỳ (RFA, 07/06/2017)

tq2

Bãi Đá Chữ Thập chụp từ vệ tinh hôm 21/6/2016. Photo courtesy of amti.csis.org

Trung Quốc lên tiếng bác bỏ bản báo cáo quốc phòng hàng năm mà Hoa Kỳ mới công bố ngày 6 tháng 6, cho rằng những điểm được ghi trong báo cáo là thiếu trách nhiệm, không đúng với sự thật.

Trong báo cáo dày 97 trang gửi cho Quốc hội Liên Bang hôm 6 tháng 6, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ viết rằng trong năm vừa qua, Trung Quốc đã sử dụng 180 tỷ dollars cho quốc phòng, vượt quá xa con số 140 tỷ mà nhà nước Bắc Kinh công bố.

Ngoài ra, báo cáo cũng viết rằng Trung Quốc sẽ xây nhiều căn cứ quân sự ở những nước đồng minh của họ, đặc biệt ở những quốc gia có cùng lợi ích chiến lược như Pakistan.

Cũng trong báo cáo vừa nêu, các chuyên viên quốc phòng Hoa Kỳ cảnh báo Trung Quốc đang tăng cường hoạt động quân sự trên không cũng như trên biển.

Riêng về sự kiện tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, báo cáo của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho rằng Bắc Kinh tăng cường kiểm soát hiệu quả các khu vực mà Trung Quốc đang chiếm giữ trong vùng biển đang tranh chấp, khéo léo tránh để căng thẳng leo thang dẫn tới xung đột.

Hình ảnh đi kèm với báo cáo ghi rõ Trung Quốc đã hoàn tất xây dựng cơ sở hạ tầng ở Gạc Ma, Gaven, Tư Nghĩa và Châu Viện, đồng thời đang nỗ lực mở rộng các căn cứ quân sự ở 3 bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi ở Trường Sa, như xây đường băng, hải cảng, kho nhiên liệu, nhà chứa chiến đấu cơ v.v…, viết thêm rằng sau khi hoàn tất các cơ sở hạ tầng này, Bắc Kinh có thể đưa 3 trung đoàn không quân tới khu vực, hợp tác với lực lượng hải cảnh đang có mặt tại đó.

*********************

Trung Quốc có thể xây căn cứ quân sự tại Pakistan (RFI, 07/06/2017)

tq3

Một hải cảng của Djibouti. Ảnh ngày 5/05/ 2017.CARL DE SOUZA / AFP

Bản báo cáo của Lầu Năm Góc, công bố ngày 06/06/2017, cho biết Pakistan có thể là địa điểm tiềm năng trở thành một căn cứ quân sự của Trung Quốc. Điều này phù hợp với dự đoán Bắc Kinh có thể xây thêm căn cứ tại hải ngoại, sau khi đã hoàn tất một cơ sở tại Djibouti.

Báo cáo thường niên trình lên Quốc hội Mỹ, được Reuters trích dẫn, nhận định "dường như Trung Quốc đang tìm cách thiết lập thêm một số căn cứ quân sự tại các nước có quan hệ thân thiết lâu dài và có chung lợi ích với Bắc Kinh, như Pakistan".

Vẫn theo báo cáo, Pakistan đã là thị trường xuất khẩu vũ khí chính của Trung Quốc trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2016, Trung Quốc đã ký hợp đồng bán 8 tầu ngầm cho Pakistan. Chỉ riêng tại vùng Châu Á-Thái Bình Dương, Bắc Kinh đã xuất khẩu vũ khí từ 9 tỉ đô la (2011) lên thành hơn 20 tỉ đô la (2015).

Được hỏi về bản báo cáo thường niên của Mỹ, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chungying) cho biết Bắc Kinh "kiên quyết phản đối" báo cáo "vô trách nhiệm" của Lầu Năm Góc khi không nhắc đến Trung Quốc có quyền bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Mặt khác, bà Hoa Xuân Oánh tránh mọi bình luận về căn cứ tại Pakistan như "dự đoán", đồng thời khẳng định Trung Quốc và Pakistan duy trì quan hệ hợp tác hữu hảo và không nhắm vào nước thứ ba nào hết.

Ngoài ra, bản báo cáo của Lầu Năm Góc cũng nhắc lại vị trí chiến lược của căn cứ Djibouti, nằm tại cửa ngõ phía nam vào Biển Đỏ (Hồng Hải) trên tuyến đường đến kênh đào Suez.

Vị trí quan trọng bên bờ Ấn Độ Dương của Djibouti khiến New Delhi lo ngại vì cho rằng Djibouti sẽ trở thành một mắt xích trong "vành đai" liên minh quân sự quan trọng của Trung Quốc vây quanh Ấn Độ, gồm các nước Bangladesh, Miến Điện và Sri Lanka. Tuy nhiên, bản báo cáo không nhắc đến phản ứng của Ấn Độ về căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Pakistan.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ
Read 727 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)