Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

18/07/2022

Tình hình rối ren tại Sri Lanka vẫn chưa ổn định

RFI tổng hợp

Sri Lanka ban hành lại tình trạng khẩn cấp, người biểu tình rời dinh tổng thống

Anh Vũ, RFI, 18/07/2022

Theo Reuters, ngày 17/07/2022, quyền tổng thống Sri Lanka, ông Ranil Wickremesinghen, đã ra sắc lệnh ban hành tình trạng khẩn cấp mới, nhằm đề phòng tình trạng hỗn loạn trước khi Quốc hội bầu tân tổng thống ngày 20/07.

sri1

Cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình gần văn phòng thủ tướng ở Colombo, Sri Lanka, ngày 13/7/2022. AP - Rafiq Maqbool

Kể từ tháng Tư, khi có phong trào chống chính phủ đã để đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng, chính quyền Sri Lanka đã nhiều lần đặt đất nước trong tình trạng khẩn cấp. Trong khuôn khổ tình trạng khẩn cấp, Quân đội được phép bắt giữ người, giải tán các cuộc tập hợp phản kháng chính phủ. Sau khi có thông báo ban hành tình trạng khẩn cấp, những người biểu tình đã quyết định rời khỏi dinh tổng thống cùng phủ thủ tướng, mà họ chiếm giữ từ nhiều ngày qua.

Đặc phái viên Sébastien Farcis từ Colombo gửi về bài phóng sự :

Sau một ngày chiến đấu để giành được văn phòng thủ tướng, người biểu tình đã để người dân Sri Lanka vào thăm trong tòa nhà có kiến trúc từ thời thuộc địa. Trong số các vị khách đến để ủng hộ phong trào có Prabhat, một viên chức của bộ quốc phòng:

"Chúng tối sẽ chiếm tất cả các tòa nhà này cho đến khi có một chính phủ mới, với sự tham gia của mọi đảng phái. Để lãnh đạo chính phủ, chúng tôi sẵn sàng tạo cơ hội cho tất cả nhưng ai muốn, nhưng với điều kiện người đó không được có mối liên hệ nào với phe Rajapakse."

Vấn đề bây giờ là để xem người biểu tình sẽ đi đến đâu. Theo ông Dennis Kularatne, một trong những lãnh đạo cuộc tấn công hôm trước, mọi chuyện rất rõ ràng :

"Tôi tới đây vì tôi có một đứa con, tôi muốn nó có tương lai. Tôi muốn có một đất nước Sri Lanka được quét sạch tham nhũng và những chính khách tha hóa. Tôi ủng hộ những việc người biểu tình làm vì những chính trị gia đã có thời gian để hành động, nhưng họ đã không làm gì. Giờ đây, chúng tôi không còn lựa chọn. Chúng tôi phải dùng đến những phương cách này".

Thủ tướng vừa được chỉ định làm quyền tổng thống thứ Tư tuần trước đã trả lời người biểu tình bằng cách ban hành lệnh giới nghiêm toàn quốc trong cả đêm.

Anh Vũ

******************

Sri Lanka : Khan hiếm lương thực nhiên liệu trầm trọng, khủng hoảng chính trị kéo dài

Anh Vũ, RFI, 17/07/2022

Hôm 17/07/2022, tại Sri Lanka các cuộc biểu tình chống chính phủ vì đã để đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế bước sang ngày thứ 100. Tổng thống Gotabaya Rajapaksa phải bỏ chạy ra nước ngoài và từ chức. Người dân quay sang trút nỗi phẫn nộ lên thủ tướng, vừa được chỉ định làm quyền tổng thống. Trong khi chờ đợi Quốc hội bầu tổng thống mới, khủng hoảng kinh tế tiếp tục trầm trọng thêm, đẩy người dân vào tình trạng khan hiếm mọi nhu yếu phẩm chưa từng có.

sri2

Xếp hàng chờ mua xăng tại một trạm bán xăng dầu ở Colombo, Sri Lanka ngày 16/07/2022.  © Côme Bastin / RFI

Đặc phái viên RFI Côme Bastin tại Colombo ghi nhận :

Sáu triệu người Sri Lanka, tức hơn 1/4 dân số đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn lương thực thực phẩm, theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc. Các gian hàng trống không, giá thực phẩm bùng nổ và tình hình sẽ còn tồi tệ nữa. Tình trạng này không ngoại trừ ai. Surani Weerasinghe, một bà mẹ hai con giải thích :

"Tôi xuất thân từ một gia đình khá giả, trước đây tôi có thể mua cho con tôi mọi thứ chúng muốn ăn. Nhưng giờ đây, chúng tôi phải hạn chế. Tôi không thể mua những thứ đơn giản như bơ hay phô mai ? Để nấu bếp, tôi phải dùng củi".

Dùng củi nấu thay vì khí đốt, bởi căn nguyên của mọi vấn đề là quốc đảo trong Ấn Độ Dương này đang thiếu nhiên liệu hoàn toàn. Sri Lanka giờ không có khả năng chi trả cho nhập khẩu nhiên liệu.

Jérôme là một tài xế taxi nhỏ ở địa phương đang xếp hàng dài nhiều cây số trước một trong số hiếm hoi những trạm bán xăng dầu còn mở cửa. Anh cho biết : "Anh có tưởng tượng nổi khi giờ đây tôi phải kiên nhẫn xếp hàng đến 5 ngày để đổ được nửa bình xăng của xe không ? Năm ngày xếp hàng và phải ăn uống, làm mọi nhu cầu trên phố…".

Trong khi đó, một số tàu trở dầu vừa cập cảng Sri Lanka, chính phủ đã hứa cung cấp nhiên liệu theo hạn mức hàng tuần cho mỗi chiếc xe bằng mã QR. Trung khi chờ đợi chính phủ mới, ông thủ tướng giờ là quyền tổng thống Ranil Wickremesinghe thông báo kế hoạch khẩn cấp cung cấp lương thực cơ bản cho dân chúng.

Những biện pháp đó đã được cân nhắc nhiều lần. Vì Nhà nước không còn bao nhiêu nguồn lực nên các biện pháp đó cũng sẽ không thay đổi cơ bản nỗi thống khổ của người dân Sri Lanka.

Anh Vũ

******************

Sri Lanka bắt đầu tiến trình bầu chọn tân tổng thống

Trọng Thành, RFI, 16/07/2022

Sau khi tổng thống Sri Lanka tuyên bố từ chức, hôm 16/07/2022, Quốc hội nước này bắt đầu tiến trình bầu chọn tân tổng thống. Cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào thứ Tư 20/07.

sri3

Sajith Premadasa, lãnh đạo đảng đối lập ở Sri Lanka, trong một cuộc trả lời phỏng vấn dành cho hãng tin Mỹ AP.  AP - Eranga Jayawardena

Theo hãng tin Reuters, tuy ông Gotabaya Rajapaksa từ chức, nhưng sự ủng hộ của đảng SLPP đối với cựu tổng thống vẫn còn rất mạnh trong Quốc hội. Hôm qua, đảng SLPP cho biết sẽ không cử người ra tranh chức tổng thống, nhằm dồn sự ủng hộ cho quyền tổng thống Ranil Wickremesinghe, 73 tuổi, cựu thủ tướng. 

Nhưng theo AFP, ông Wickremesinghe - được coi là người có nhiều khả năng đắc cử - cũng bị đông đảo người biểu tình coi như một người thuộc phe cánh của cựu tổng thống. Hôm thứ Tư vừa qua, văn phòng của thủ tướng Wickremesinghe đã bị người biểu tình chiếm lĩnh, đông đảo dân chúng muốn ông Wickremesinghe phải từ chức. 

Ứng cử vào chức tổng thống, ngoài quyền tổng thống Wickremesinghe, còn có cựu bộ trưởng Y Tế Dullas Alahapperuma, nguyên thành viên đảng cầm quyền, cựu lãnh đạo Quân đội Sarath Fonseka, 73 tuổi, và ông Sajith Premadasa, lãnh đạo đối lập tại Quốc hội Sri Lanka. 

Sarath Premadasa từng là ứng viên tổng thống của đảng Mặt trận Dân tộc Thống nhất năm 2019, nhưng đã bị thua Gotabaya Rajapaksa, chỉ thu được hơn 41% phiếu bầu.

Theo lãnh đạo đối lập, bất luận là ai, tân tổng thống Sri Lanka đứng trước sứ mạng nặng nề, vực dậy nền kinh tế, thay đổi triệt để hệ thống chính trị hiện hành. Thông tín viên Côme Bastin tường trình từ Colombo : 

"Ông Sajith Premadasa 55 tuổi là con trai của một cựu tổng thống Sri Lanka bị ám sát năm 1993 trong cuộc nội chiến. Dáng vẻ thư giãn, lãnh đạo đối lập tránh để lộ bất cứ biểu hiện mừng chiến thắng nào trong bối cảnh hiện nay. Ông nói :

"Chúng ta phải định hình lại nền kinh tế của mình dựa trên các công nghệ mới và xuất khẩu. Nông nghiệp phải phát triển trở lại. Chúng ta phải lập ra được các khoản cứu trợ dành cho những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất. Nhưng về tất cả những chuyện này, nguồn lực của chúng ta bị hạn chế. Các cuộc thảo luận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF do đó rất quan trọng để giúp Sri Lanka giành lại được uy tín quốc tế".

Lãnh đạo đảng đối lập SJB, Sajith Premadasa, là một dân biểu. Ông có được sự ủng hộ từ đảng của người sắc tộc thiểu số Tamil. Nhưng bất luận là ai, tân lãnh đạo Sri Lanka cũng sẽ phải làm rất nhiều việc để khôi phục niềm tin của người dân vào các chính sách của ông để đưa Sri Lanka thoát khỏi vực thẳm kinh tế hiện nay.

Lãnh đạo đối lập nói : "Đông đảo dân chúng đã bỏ phiếu cho đảng của gia tộc Rajapaksa, và đảng này đã phản bội họ. Phe cánh của cựu tổng thống đã thông qua được một sửa đổi luật củng cố đáng kể quyền lực của tổng thống. Vì vậy, chúng tôi không có quyền làm người dân thất vọng. Cần phải thay đổi toàn bộ hệ thống. Phải có các kết quả cụ thể và nhiều dân chủ hơn".

Nghị Viện Sri Lanka cần nhanh chóng tìm được người kế nhiệm thủ tướng Ranil Wickremesinghe, người vừa trở thành tổng thống lâm thời. Nhưng trên tuyến đường đi dạo dọc bờ biển của thủ đô Colombo, những người biểu tình nói rằng họ sẽ chỉ rời đi cho đến khi nào người dân bầu ra được một chính phủ mới và một Hiến pháp mới".

Trọng Thành

******************

Tổng thống Sri Lanka trốn sang Singapore, người biểu tình chiếm văn phòng thủ tướng

Thùy Dương, RFI, 14/07/2022

Trong khi tổng thống Sri Lanka, Gotabaya Rajapaksa, chạy trốn sang Maldives rồi từ Maldives cùng vợ và hai vệ sĩ hôm nay 14/07 sang Singapore trên một chuyến bay thương mại, trong nước những người biểu tình chống chính phủ hôm thứ Tư 13/07/2022 đã chiếm văn phòng thủ tướng.

sri4

Những người biểu tình Sri Lanka vẫy quốc kỳ từ nóc văn phòng thủ tướng, yêu cầu ông từ chức. Ảnh chụp tại Colombo, Sri Lanka ngày 13/07/2022.  © AP - Rafiq Maqbool

Đây là tòa nhà văn phòng làm việc thứ 4 của các quan chức hành pháp bị người biểu tình chiếm giữ. Và cũng giống như những nơi khác, người biểu tình để mở văn phòng thủ tướng cho công chúng đến, và có rất đông người đã đến ủng hộ phong trào đấu tranh. Tuy nhiên, bất chấp áp lực từ công chúng, cả tổng thống Sri Lanka và thủ tướng đều chưa từ chức. Nhiều người đang tự hỏi bước tiếp theo sẽ là gì.

Từ Colombo, đặc phái viên Sébastien Farcis gửi về bài phóng sự :

"Sau một ngày tranh đấu để chiếm văn phòng thủ tướng, những người biểu tình chào đón người dân Sri Lanka đến tòa nhà đẹp có từ thời thuộc địa. Trong số những người đến tham quan và ủng hộ phong trào này có Prabhat, một quan chức bộ quốc phòng. Ông Prabhat nói :

"Tôi đến vì tôi có một đứa con, và tôi muốn con tôi có tương lai. Tôi muốn một đất nước Sri Lanka thoát khỏi nạn tham nhũng và thoát những chính trị gia tham nhũng này. Tôi ủng hộ những gì những người biểu tình đang làm bởi các chính trị gia đã có thời gian để hành động nhưng họ đã không làm gì cả. Bây giờ chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác, chúng tôi phải sử dụng những phương pháp này".

Câu hỏi hiện nay là những người biểu tình này sẽ còn làm gì nữa. Đối với Dennis Kularatne, một trong những người đứng đầu vụ xâm chiếm văn phòng thủ tướng vào hôm qua, mọi chuyện đã rõ ràng. Anh nói :

"Chúng tôi sẽ chiếm tất cả các tòa nhà này cho đến khi một chính phủ gồm thành viên nhiều đảng thực sự được chỉ định. Để điều hành chính phủ, chúng tôi sẵn sàng trao cơ hội cho bất cứ ai muốn, chỉ với một điều kiện : người này không có bất cứ mối liên hệ nào với gia tộc Rajapakse".

Thủ tướng, người trở thành tổng thống lâm thời từ thứ Ba vừa qua, đã phản ứng bằng cách thiết lập lệnh giới nghiêm toàn quốc trong suốt ban đêm".

Theo tin mới nhất, một người phát ngôn của phong trào biểu tình hôm 13/07 cho biết họ sẽ rút lui ôn hòa khỏi phủ tổng thống, văn phòng tổng thống và phủ thủ tướng, nhưng sẽ tiếp tục tranh đấu. Theo AFP, thông báo được đưa ra trong bối cảnh tổng thống lâm thời Ranil Wickremesinghe đã yêu cầu lực lượng an ninh giải tỏa trụ sở các cơ quan công quyền bị chiếm giữ và làm mọi điều cần thiết để tái lập trật tự.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ, Trọng Thành, Thùy Dương
Read 273 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)