Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

03/11/2021

Trung Quốc : tên lửa hạt nhân, Đài Loan, Yahoo! giã từ, tích trữ lương thực

RFI tổng hợp

Mỹ nghi ngờ Trung Quốc âm mưu phóng tên lửa hạt nhân tầm xa

Chi Phương, RFI, 03/11/2021

Theo báo cáo mới nhất của các chuyên gia Liên Đoàn các nhà Khoa Học Mỹ (FAS), được đăng tải trên trang CNN hôm 02/11/2021, Trung Quốc đã xây dựng 3 hầm chứa trong thời gian ngắn ở phía tây nước này, có thể được dùng để phóng tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân. 

tq1

Ảnh tư liệu chụp ngày 01/10/2019, xe quân sự chở tên lửa đạn đạo DF-41 trong cuộc diễu binh mừng Quốc Khánh Trung Quốc. AP - Mark Schiefelbein

Dựa trên các hình ảnh vệ tinh thương mại do Maxar Technologie và Planet Labs cung cấp, các chuyên gia Mỹ nghi ngờ là ngoài ba hầm được cho là chứa tên lửa hạt nhân, Trung Quốc có vẻ như đang xây dựng thêm khoảng 300 hầm chứa khác. Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc cũng đang xây dựng các công trình khác xung quanh các hầm chứa. Các công trình này có kích thước gần bằng một sân vận động. 

Theo trang CNN, Trung Quốc liên tục phát triển các hầm chứa tên lửa trong bối cảnh nước này đang củng cố sức mạnh quân sự của mình. Các báo cáo gần đây khiến quan chức Mỹ lo ngại về tiến trình phát triển quân sự nhanh chóng của quốc gia 1,4 tỷ dân. Cuối tháng 6/2021, Trung Quốc bị nghi ngờ đã xây dựng hầm chứa tên lửa đầu tiên và xây thêm hầm chứa thứ hai vào cuối tháng 7/2021. 

Chuyên gia Matt Korda và Hans M. Kristensen, tác giả của báo cáo, nhận định : "Đây có thể là một hầm chứa tên lửa hạt nhân chưa từng có ở Trung Quốc". Nhưng ông lưu ý rằng các hầm chứa tên lửa này "cần nhiều năm nữa mới có thể đi vào hoạt động hoàn toàn", và cần phải xem Trung Quốc "sẽ trang bị và vận hành nó như thế nào". 

Từ lâu Trung Quốc đã cam kết thực hiện chính sách "răn đe tối thiểu", nghĩa là giữ kho vũ khí hạt nhân ở mức tối thiểu cần thiết để ngăn chặn kẻ thù tấn công. 

Theo ông Benjamen Friedman, giám đốc chính sách của tổ chức tư vấn Defenses Priorities, có trụ sở ở Washington, về cơ bản, Trung Quốc không thay đổi các chính sách hạt nhân, mà chỉ " tăng cường hơn một chút so với trước đây". Ông nhận định rằng chính phủ Hoa Kỳ từ lâu đã "theo đuổi khả năng tấn công đầu tiên" nhằm chống lại các đối thủ có vũ khí hạt nhân. Tức là có đủ vũ khí và nhất là vũ khí hạt nhân để phá hủy toàn bộ kho vũ khí của kẻ thù trong một lần. "Trung quốc có lẽ muốn có thêm bảo đảm trước viễn cảnh Mỹ tấn công trước ngăn chặn vũ khí của kẻ thù vì nhiều lý do khác nhau". 

Chi Phương

******************

Lần đầu tiên một phái đoàn Nghị Viện Châu Âu đến thăm Đài Loan

Thu Hằng, RFI, 03/11/2021

Lần đầu tiên một phái đoàn nghị sĩ Châu Âu đã được chính quyền Đài Bắc đón tiếp ngày 03/11/2021. Chuyến thăm kéo dài ba ngày được Bộ Ngoại giao Đài Loan đánh giá mang ý nghĩa "quan trọng" trong lịch sử hòn đảo và là một bước tiến mới trong việc thắt chặt quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu.

tq2

Raphaël Glucksmann, dẫn đầu phái đoàn nghị sĩ Châu Âu được một thứ trưởng ngoại giao Đài Loan đón tiếp tại sân bay quốc tế Đào Viên, Đài Bắc, ngày 03/11/2021.  AFP - STR

Chuyến đi do Ủy Ban đặc biệt về can thiệp của nước ngoài của Nghị Viện Châu Âu tổ chức. Theo thông cáo của nghị sĩ người Pháp Raphaël Glucksmann, dẫn đầu phái đoàn, Đài Loan có "kinh nghiệm độc nhất về cách đối phó với các vụ tấn công liên tiếp và tinh vi qua việc huy động toàn xã hội và không hạn chế nền dân chủ của họ".

Thông tín viên RFI Adrien Simorre Đài Bắc giải thích về ý nghĩa của chuyến thăm :

"Một tín hiệu ủng hộ mạnh mẽ đối với nền dân chủ Đài Loan". Đây là ý nghĩa của chuyến công du được nghị sĩ Châu Âu Raphael Glusckmann, dẫn đầu phái đoàn, nhấn mạnh.

Chuyến thăm của nhóm nghị sĩ Châu Âu diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc gây áp lực ngày càng mạnh với chính quyền Đài Bắc. Vào tháng trước, bộ trưởng Quốc Phòng Khâu Quốc Chính (Chiu Kuo Cheng) thậm chí còn nói rằng Đài Loan đang trải qua giai đoạn "khó khăn nhất từ 40 năm qua" sau khi Bắc Kinh điều chiến đấu cơ với số lượng kỉ lục thâm nhập vùng nhân dạng phòng không của Đài Loan. Trong bối cảnh này, đoàn nghị sĩ Châu Âu sẽ gặp các nhà lãnh đạo chủ chốt của Đài Loan, trong đó có tổng thống Thái Anh Văn, người kiên quyết chống lại mưu toan của Trung Quốc thâu tóm hòn đảo.

Chuyến thăm này là cử chỉ mới nhất trong loạt hoạt động nhằm đưa Bruxelles và Đài Bắc xích lại gần nhau. Đầu tháng 10, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết ủng hộ một thỏa thuận thương mại với Đài Loan. Vào tuần trước, ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp đã có chuyến công du Châu Âu và lần đầu tiên ông đã đến Bruxelles.

Giờ thì chờ phản ứng từ phía Trung Quốc về chuyến công du của các nghị sĩ Châu Âu. Trước đó, đại sứ quán Trung Quốc đe dọa sẽ có "phản ứng" trong trường hợp các nghị sĩ này đến Đài Loan. Tuy nhiên, ông Raphael Glucksmann đã cảnh báo "không một lời đe dọa nào, không biện pháp trừng phạt nào tác động được đến tôi". Nghị sĩ người Pháp nằm trong danh sách trừng phạt của Trung Quốc hồi tháng Ba".

Thu Hằng

******************

Yahoo! giã biệt Trung Quốc vì "môi trường tư pháp khó khăn"

Thu Hằng, RFI, 03/11/2021

Yahoo và ứng dụng trò chơi điện tử Fortnite lần lượt thông báo rời Trung Quốc. Trong một thông cáo không đề ngày, Yahoo! cho biết kể từ ngày 01/11/2021, người sử dụng "không truy cập được (dịch vụ của Yahoo) từ Hoa lục". Ngay từ năm 1999, Yahoo! đã mở công cụ tìm kiếm với hy vọng chính phục được thị trường một tỉ dân, nhưng cuối cùng đã phải từ bỏ, do "môi trường thương mại và tư pháp ngày càng khó khăn ở Trung Quốc".

tq2

Quảng cáo cho Yahoo! trong đường tàu điện ngầm ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 17/03/2006.  AP - Anonymous

Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :

"Yahoo! rời hẳn Trung Quốc, nhưng trước đó trên thực tế, công cụ tìm kiếm nổi tiếng thời đầu Internet chẳng còn gì nhiều ở quốc gia này. Cho tới thứ Hai 01/11, công ty Sunnyvale chỉ còn một ứng dụng dự báo thời tiết và vài trang đăng bài báo bằng tiếng nước ngoài.

Từ giờ người sử dụng sẽ không thể truy cập được bất kỳ dịch vụ nào của Yahoo! từ nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa. Một quyết định được biện minh là do "môi trường khó khăn". Đây là cách nói tránh như Microsoft vào tháng trước khi giải thích mạng LinkedIn phải rời khỏi Trung Quốc. Đây là mạng xã hội lớn nhất cuối cùng của nước ngoài phải rời khỏi thị trường hơn 1 tỉ người sử dụng.

Lược lại lịch sử của Yahoo! tại Trung Quốc thì có thể thấy, sau thời kỳ đầu bị cáo buộc thỏa hiệp với chính sách kiểm duyệt ở Trung Quốc, Yahoo! đã phải đóng cửa dịch vụ trao đổi trực tuyến (Chat) và trang web, sau đó là công cụ tìm kiếm và phát triển ở Bắc Kinh vào năm 2015. Quyết định giã từ được đưa ra sau khi chính quyền Trung Quốc muốn kiểm soát những đại tập đoàn công nghệ của họ, trong đó có Alibaba từng được phép khai thác Yahoo! Trung Quốc - và nhìn chung là trong bối cảnh "cải cách sâu rộng" đối với nền kinh tế công nghệ cao và "cuộc cách mạng kỹ thuật số".

Có hiệu lực từ ngày 01/11/2021, luật mới về bảo vệ dữ liệu cá nhân, được soạn thảo để bảo vệ tính bảo mật thông tin người sử dụng, đã tác động nghiêm trọng đến các nền tảng thương mại trực tuyến hoặc trong lĩnh vực trò chơi điện tử trực tuyến. Đó là chưa nói đến biện pháp cải cách thuế sâu rộng được thông báo áp dụng từ đầu năm tới, được cho là nhằm tạo thế bình đẳng giữa các công ty nước ngoài và Trung Quốc".

Trung Quốc phản đối Mỹ thu hồi giấy phép hoạt động của China Telecom

Chi nhánh tập đoàn viễn thông Trung Quốc China Telecom Americas phải ngừng hoạt động trong vòng 60 ngày tới. Thông tin được công bố ngày 02/11, nhưng vào tháng 10, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) từng nêu lý do "an ninh quốc gia" khi thông qua quyết định thu hồi giấy phép hoạt động của China Telecom ở Mỹ.

Ngày 03/11, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc "kịch liệt phản đối" và yêu cầu Washington rút lại quyết định này, đồng thời cáo buộc Mỹ luôn viện cớ an ninh quốc gia để trừng phạt nhiều doanh nghiệp Trung Quốc trong những năm qua.

Theo Nikkei Asia, vào tháng 04/2020, chính phủ Mỹ cáo buộc tập đoàn China Telecom, thông qua mạng di động ảo, theo dõi hơn 4 triệu người Mỹ gốc Hoa, 2 triệu khách du lịch Trung Quốc mỗi năm đến thăm Hoa Kỳ, 300.000 sinh viên Trung Quốc tại các trường ở Mỹ và hơn 1.500 doanh nghiệp Trung Quốc ở Mỹ.

Thu Hằng

********************

Trung Quốc kêu gọi người dân tích trữ lương thực

Thụy My, RFI, 02/11/2021

Chính quyền Trung Quốc từ tối hôm 01/11/2021 kêu gọi người dân tích trữ thực phẩm để phòng ngừa trong trường hợp khẩn cấp. Giá rau quả tăng vọt do Covid quay lại và mưa lớn gây lo ngại khan hiếm lương thực, trong lúc đang căng thẳng với nhiều nước cung cấp.

tq4

Một chợ bán rau quả ở ngoại ô Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 03/06/2021.  Reuters – Aly Song

AFP dẫn một thông cáo trên trang web của bộ Thương Mại tối qua, yêu cầu "các hộ gia đình tích trữ một số lượng hàng thiết yếu cho nhu cầu hàng ngày, để dùng trong trường hợp khẩn cấp". Thông cáo không nêu lý do, cũng không nói Trung Quốc có bị khan hiếm thực phẩm hay không. Bộ Thương mại cũng kêu gọi chính quyền các địa phương tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp và hoạt động cung ứng, giám sát việc dự trữ thịt, rau quả, đồng thời ổn định giá cả.

Trung Quốc là nước nhập khẩu thực phẩm nhiều nhất thế giới, dễ bị ảnh hưởng trước những xung đột. Hiện nay Bắc Kinh đang căng thẳng với các nước xuất khẩu lương thực lớn như Hoa Kỳ, Canada, Úc. Chỉ thị của bộ Thương Mại khiến cư dân mạng cho rằng có liên quan đến căng thẳng với Đài Loan, nhưng tờ báo Nhà nước Economic Daily phê phán họ "tưởng tượng quá nhiều".

Vào lúc đỉnh dịch đầu năm 2020, các chuỗi cung ứng đã bị rối loạn do nhiều địa phương và tuyến đường bị phong tỏa. Thế Vận Hội mùa đông sắp diễn ra ở Bắc Kinh tháng Hai tới, chính quyền lo ngại dịch Covid lại bùng lên. Ít nhất 6 triệu người đã bị phong tỏa, chủ yếu ở Lan Châu (Lanzhou) thuộc tỉnh Cam Túc cách Bắc Kinh 1.700 kilomet, tuy số ca dương tính mới tại Trung Quốc vẫn còn rất thấp so với tình hình chung trên thế giới - hôm nay có 71 ca.

Nạn lụt mùa hè vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho mùa màng. Reuters cho biết Sơn Đông, tỉnh sản xuất rau quả lớn nhất nước đã bị mất toàn bộ sản lượng, giá dưa leo, rau và bông cải xanh tăng gấp đôi. Theo số liệu chính thức, tháng trước giá 28 loại thực phẩm đã tăng 16%. Ông Tập Cận Bình năm ngoái đã kêu gọi người dân tiết kiệm, không lãng phí lương thực.

Trong quá khứ, tại Trung Quốc từng xảy ra những trận đói, nhất là chính sách Đại nhảy vọt của Mao cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60 đã làm khoảng 36 triệu người chết đói.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 404 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)