Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

03/05/2020

Bắc Kinh lại làm mưa làm gió trên Biển Đông

RFI tổng hợp

Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông (RFI, 03/05/2020)

Trung Quốc vừa đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm ở Biển Đông trong vòng ba tháng rưỡi, từ ngày 29/04 đến 16/08. Trước tình hình ở Biển Đông và biển Hoa Đông trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây, Hoa Kỳ điều bốn máy bay ném bom B-1B đến ở đảo Guam, đánh dấu sự trở lại của loại oanh tạc cơ hạng nặng trong khu vực Thái Bình Dương.

cam1

Ảnh minh họa: Một đội tàu cá Trung Quốc tại cảng Đông Phương, Hải Nam. © Reuters (tư liệu)

Theo thông tin của Sở Nông Nghiệp Hải Nam, được báo mạng Hoàn Cầu Thời Báo trích dẫn ngày 02/05, "mọi hoạt động đánh bắt cá không được phép trong những vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc". Trong thời gian không được ra khơi, tầu thuyền của ngư dân được kiểm tra an toàn miễn phí và ngư dân được đào tạo hoàn thiện kỹ năng và luật lệ liên quan đến đánh bắt cá.

Trước đó, lực lượng Hải Cảnh và bộ Nông Nghiệp Trung Quốc thông báo tăng cường tuần tra và giám sát kể từ ngày 01/05 nhằm bắt giữ tầu thuyền vi phạm.

Báo mạng Anh Express ngày 02/05 cho rằng với lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông, Bắc Kinh tự cho quyền bắt giữ tầu cá Việt Nam và Philippines đánh bắt "trái phép", trong khi hai nước Đông Nam Á này luôn bác bỏ và lên án lệnh cấm đơn phương của Trung Quốc. Hiện tại, Việt Nam và Philippines chưa lên tiếng về quyết định của Trung Quốc.

Bốn chiến đấu cơ B-1B đến đảo Guam

Hoa Kỳ không tỏ ra khoanh tay trước những hành động lấn lướt của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt trong thời gian cả thế giới chống dịch Covid-19. Bốn oanh tạc cơ B-1B cùng với 200 quân nhân từ căn cứ Không Quân Dyess ở Texas đã được điều đến căn cứ Andersen, trên đảo Guam ở Thái Bình Dương, từ ngày 01/05 và chưa rõ thời gian kết thúc. Ba chiếc B-1B bay thẳng đến căn cứ Guam, chiếc còn lại bay đến Nhật Bản tập huấn với Hải Quân của Hoa Kỳ trong khu vực.

Trong thông cáo ngày 01/05 của bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ (STRATCOM), nhiệm vụ của đội máy bay B-1B là hỗ trợ lực lượng tại Thái Bình Dương và đồng minh, tham gia các nhiệm vụ mang tính răn đe chiến lược, ổn định trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Trước đó, ngày 30/04, hai chiếc B-1B, xuất phát từ căn cứ Nam Dokota (Mỹ), đã có chuyến bay diễn tập trong vòng 33 giờ với trọng tâm là Biển Đông.

Đây là lần đầu tiên oanh tạc cơ hạng nặng trở lại Guam sau khi rời khỏi căn cứ này vào giữa tháng 04/2019, kết thúc chiến dịch 6 tháng của các loại oanh tạc cơ B-52, B-1 và B-2 ở căn cứ Andersen. Loại máy bay ném bom B-1 có khả năng chở nhiều vũ khí nhiều hơn máy bay B-52, trong đó có bom dẫn đường JDAM và tên lửa hành trình chống hạm.

Thu Hằng

*********************

Tổng thống Philippines và Covid-19 : Từ đối phó chậm vì sợ Bắc Kinh đến đòi bắn bỏ dân chống phong tỏa (RFI, 02/05/2020)

Tính đến hết tháng Tư 2020, Philippines là quốc gia đứng thứ hai Đông Nam Á về số ca tử vong vì Covid-19, với 568 người chết, trong lúc vẫn đứng thứ ba về số lây nhiễm, xấp xỉ mức 8.500 trường hợp. 

cam2

Quân đội Philippines kiểm tra giấy tờ tại thành phố Pasay ngày 22/04/2020 vào lúc quốc gia Đông Nam Á bị phong tỏa chặt chẽ để chống dịch Covid-19. Reuters - Eloisa Lopez

Đặc điểm của quốc gia có gần 110 triệu dân này là việc tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chậm trễ hơn các láng giềng trong việc chống Covid-19 để không làm phật ý đồng minh Trung Quốc, để rồi khi bắt tay vào chống dịch thì lại vô cùng cứng rắn, đe dọa bắn bỏ những ai không tuân lệnh phong tỏa mà ông đã ban hành.

Trong một phóng sự đăng ngày 27/04/2020, Marianne Dardard, thông tín viên tạp chí Pháp L’Express tại Philippines đã không ngần ngại mỉa mai, gọi tổng thống Philippines là một chàng "Cao bồi chống virus corona".

Phóng viên L’Express nhắc lại là một người nổi tiếng với những biện pháp không nương tay, tổng thống Philippines đã ra lệnh cho cảnh sát "bắn bỏ" những kẻ "gây loạn" không tôn trọng phong tỏa. Với cách nói thô bạo, ông đã gởi đến những thành phần này lời đe dọa "nếu gây phiền phức thì tao sẽ đưa bọn mày xuống mồ".

Cách phát biểu không khác gì lúc ông khởi động "cuộc chiến chống ma túy", đã làm ít nhất 27.000 người chết theo các tổ chức phi chính phủ, lần này cũng gây lo ngại về những biện pháp trấn áp thô bạo hơn "trong lúc mà người dân các khu phố nghèo lại mất thu nhập vì phải ở nhà". Ông Duterte đe dọa sử dụng những biện pháp của thiết quân luật với việc triển khai quân đội.

Tuy nhiên, nhiều người cũng lưu ý là trước khi có giọng điệu "oai hùng" như thế, trong những tuần lễ đầu năm 2020, ông Duterte đã làm tất cả để khỏi làm phật lòng Trung Quốc, vào thời điểm Bắc Kinh còn cố tìm cách che giấu quy mô dịch bệnh.

Tổng thống Philippines đã xích lại gần Trung Quốc để có được đầu tư, nên đã đi theo đúng quan điểm của Bắc Kinh. Ngày nay, ông đang bị chỉ trích là chỉ chăm lo chiều ý Trung Quốc hơn là bảo vệ người dân. Theo Marianne Dardard, những lời chỉ trích này không sai !

Duterte : Hãy chấm dứt những lời lẽ bài Trung Quốc

Vào cuối tháng Giêng, bộ trưởng y tế Philippines Francisco Duque vẫn từ chối cấm người Trung Quốc vào Philippines vi e ngại "tác động chính trị và ngoại giao".

Qua ngày 01/02, ca tử vong đầu tiên vì virus corona ngoài Trung Quốc được chính thức ghi nhận tại Philippines : Một du khách Trung Quốc, người ở Vũ Hán, trước đó đã đi khắp nơi trên lãnh thổ Philippines.

Lẽ ra chính quyền Philippines phải đi tìm những người đã có liên hệ, tiếp xúc với "bệnh nhân số 0" này để ngăn chặn việc lây lan trong dân chúng, nhưng họ lại không làm vì điều tra quá kỹ về một người Trung Quốc sẽ làm Bắc Kinh tức giận.

Theo ghi nhận của nhà nghiên cứu Pháp François Xavier Bonnet ở Manila, thuộc Viện Nghiên Cứu về Đông Nam Á Đương Đại, để không bị dư luận chỉ trích quá nhiều, bộ trưởng Y Tế Philippines đã giải thích là các hãng hàng không đã từ chối cung cấp cho ông tên các hành khách đi cùng chuyến bay với bệnh nhân số 0 đó.

Và cùng một lúc, chính quyền Philippines cũng đi tìm số 500 du khách Trung Quốc đến từ Vũ Hán đến mừng Tết Nguyên Đán trên các bãi biển nổi tiếng, đầy ắp người của đảo Boracay. Việc tìm kiếm rất miễn cưỡng vì phải mất 4 ngày để tìm ra !

Để đối phó với những lời chỉ trích, tổng thống Duterte đã lên tiếng kêu gọi "Hãy chấm dứt những lời lẽ bài Trung Quốc".

Duterte : Trung Quốc không có lỗi gì về việc virus xuất hiện

Vào trung tuần tháng 3, tổng thống Philippines đã ban hành lệnh phong tỏa trên một phần lớn lãnh thổ, cùng một lệnh giới nghiêm rất nghiêm ngặt ở thủ đô Manila. Trong mọi phát biểu, ông không quên cám ơn nồng nhiệt chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về sự trợ giúp của Trung Quốc trong lúc mà nhiều nước chỉ trích sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh về nạn dịch.

Gần đây tổng thống Philippines có cố bào chữa cho đồng minh : "Không phải lỗi của Trung Quốc nếu virus xuất hiện trên đất họ".

Tuy nhiên, giới quan sát đã ghi nhận là chiến lược thân thiện của Manila đã không mấy có kết quả. Bệnh dịch tại Philippines dự trù sẽ tiếp tục lan rộng, trái với những lời khẳng định là dịch bệnh đang lùi bước của chính quyền.

Bắc Kinh chẳng trợ giúp bao nhiêu cho Philippines để chống dịch

Duterte đã được Bắc Kinh thưởng công như thế nào ? Theo nhà báo của L’Express thì chẳng bao nhiêu : Chỉ có 400.000 khẩu trang giải phẫu, và 40.000 chiếc loại FFP2, theo số liệu của đại sứ quán Trung Quốc tại Manila.

Ngoài ra, lãnh đạo ngành y tế Philippines còn than phiền là chỉ 40% xét nghiệm mà Bắc Kinh gởi qua là cho kết quả chính xác. Sau đó Y Tế Philippines đã phải đổi ý kiến và xin lỗi về tuyên bố này.

Vấn đề là Philippines hiện thiếu phương tiện chống dịch một cách nghiêm trọng. Các số liệu chính thức, theo giới quan sát, không đúng với thực tế tại quần đảo hơn 100 triệu dân. Bác sĩ Karl Henson, nhà nhiễm trùng học tại một bệnh viện tư ở Manila, rất lo ngại trước nguy cơ "một kịch bản như tại Ý với ca tử vong tăng vọt trên một đất nước mà hệ thống y tế vô cùng tự do theo kiểu Mỹ".

Bác sĩ giải phẫu Kitchie Guanzon-Ridon tại một bệnh viện công lớn ở Manbila không giấu bực tức : "Tại sao các lãnh đạo của chúng tôi có thể khẳng định là dịch đã chậm lại khi mà chỉ có không đầy 1% dân chúng là được xét nghiệm ?"

Trong một chuyến thăm Philippines gần đây, các chuyên gia y tế Trung Quốc cũng kết luận là "có một nguy cơ đáng kể là Philippines không thể diệt trừ được nguồn gốc lây nhiễm".

Phóng viên L’Express kết luận dí dỏm : "Liệu chàng cao bồi Manila có dám nói ngược lại các chuyên gia Trung Quốc hay không ?"

Mai Vân

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tổng hợp
Read 479 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)