Trung Quốc sẽ tự đóng hàng không mẫu hạm (RFA, 29/03/2017)
Trích dẫn những nguồn tin khác nhau, tờ South China Morning Post đưa tin nói Trung Quốc đang đóng khu trục hạm chở trực thăng, đồng thời lên kế hoạch tự đóng chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên.
Tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc tập trận quân sự ở Thái Bình Dương hôm 24/12/2016. AFP photo
Bản tin đăng tải trên số báo mới nhất cho hay những hoạt động này được Trung Quốc thực hiện với mục đích tăng cường sức mạnh và khả năng chiến đấu của hải quân.
Tờ South China Morning Post cho biết chiếc khu trục hạm chở trực thăng đầu tiên sẽ được hạ thủy vào năm 2019, và đi vào hoạt động một năm sau đó.
Tờ báo cũng nói vào ngày 23 tháng Tư tới đây, nhân dịp kỷ niệm 68 năm thành lập quân chủng hải quân, Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ loan báo kế hoạch đóng chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên.
Bản tin cũng cho biết song song với nỗ lực hiện đại hóa quân sự, hải quân Trung Quốc còn gia tăng hoạt động tuần tra ở Biển Đông và tại vùng biển nằm sát Đài Loan.
Vài tuần trước đây bản báo cáo quốc phòng do chính phủ Đài Bắc soạn thảo cũng nói tới vấn đề này, cho hay mức đe dọa đến từ Trung Quốc ngày càng cao, đặc biệt sau khi nữ Tổng thống Thái Anh Văn tuyên thệ nhậm chức.
Mối quan hệ giữa Đài Bắc và Bắc Kinh đang ở trong giai đoạn đầy khó khăn, vì Trung Quốc cho rằng bà Thái Anh Văn chủ trương tuyên bố độc lập, tách rời khỏi Hoa Lục.
Trong quá khứ, Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng cảnh báo Đài Loan, kể cả đe dọa sẽ sử dụng võ lực để thống nhất đất nước.
Một diễn biến quan trọng khác cũng được tờ South China Morning Post nói tới là việc Trung Quốc sẽ cắt giảm số binh sĩ bộ binh, nhưng tuyển thêm binh sĩ cho hải quân và thủy quân lục chiến.
Bài báo viết rằng hiện giờ, số binh sĩ thủy quân lục chiến của Trung Quốc là 20,000 người, trong tương lai sẽ tăng lên thành 100.000 người ; số binh sĩ hải quân cũng sẽ tăng khoảng 15%, lên thành 235.000 người.
Tờ báo trích dẫn lời một cựu chính ủy hải quân Trung Quốc nói rằng là một nước nằm sát bờ biển, hải quân giữ vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải và quyền lợi của quốc gia.
Viên cựu chính ủy hải quân Trung Quốc cũng nói rõ là ngoài trách nhiệm phải sẵn sàng để đối phó với cuộc chiến có thể xảy ra với Đài Loan, hải quân Trung Quốc còn phải chu toàn trách nhiệm ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời trong tương lai hải quân Trung Quốc sẽ có mặt để bảo vệ quyền lợi quốc gia ở bán đảo Triều Tiên và tại Nam Á.
******************
Trung Quốc có thể triển khai chiến đấu cơ ở Biển Đông bất cứ lúc nào (VOA, 29/03/2017)
Hình ảnh vệ tinh của chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á thuộc viện nghiên cứu CSIS cho thấy thứ được nói là súng chống máy bay và hệ thống vũ khí của Trung Quốc trên Đá Subi ở Biển Đông
Trung Quốc hầu như đã hoàn tất công trình xây cất cơ sở hạ tầng quân sự trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, cho phép Bắc Kinh triển khai chiến đấu cơ và các thiết bị quân sự khác đến những nơi nay vào bất cứ lúc nào, Reuters dẫn lời các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại Washington cho biết hôm 27/3.
Ảnh vệ tinh do Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc CSIS phổ biến trong tháng này cho thấy công trình xây dựng của Bắc Kinh trên Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn hầu như đã hoàn tất. Giám đốc AMTI, ông Greg Poling cảnh báo "việc triển khai quân sự của Trung Quốc chỉ trong tương lai gần".
Tiến sĩ Tạ Văn Tài, cựu giáo sư Đại học Luật ở Havard, nhận định về hoạt động mới của Trung Quốc tại Trường Sa :
"Nếu có làm gì thêm thì cũng giống như là đã làm trong quá khứ. Ông Tập Cận Bình đã hứa là không làm, nhưng lại cứ làm, đó là củng cố thêm ở Trường Sa".
Trung Quốc luôn bác bỏ những chỉ trích của Hoa Kỳ và quốc tế rằng nước này đang "quân sự hóa" Biển Đông. Tuy nhiên vào tuần rồi, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói những thiết bị mà Bắc Kinh đặt tại các đảo nằm trong khu vực tranh chấp chỉ nhằm mục đích bảo vệ quyền "tự do hàng hải".
Tại cuộc họp báo hôm 28/3, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói bà chưa được biết về báo cáo của AMTI, nhưng bà nói "Đối với Trung Quốc, triển khai hay không triển khai các phương tiện phòng vệ cần thiết trên lãnh thổ của mình là một vấn đề thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc".
Về phía Hoa Kỳ, người phát ngôn Ngũ Giác Đài, Trung Tá Gary Ross, cũng từ chối bình luận với Reuters về báo cáo của AMTI với lý do đây không thuộc chức năng của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Tuy nhiên, Trung Tá Ross nói "việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng ở Biển Đông là một trong nhiều bằng chứng cho thấy họ tiếp tục hành động đơn phương, làm tăng căng thẳng trong khu vực và cản trở tiến trình giải quyết tranh chấp một cách hòa bình".
Giáo sư Tạ Văn Tài nhận xét những phản ứng của Mỹ ở Biển Đông từ trước tới nay là khá "yếu ớt". Cựu giáo sư Đại học Luật của Mỹ dẫn chứng : "Khi đi hành quân tự do hàng hải vòng quanh mấy đá ngầm mà Trung Quốc xây lên đó, mà lại đi ngoài 12 hải lý, tức là Mỹ phản ứng yếu ngay từ thời Obama. Đó là không đi sát vào 500, là [khu vực] có quyền đi bởi vì vùng quanh các đảo nhân tạo là hải dương quốc tế".
Vào thời điểm chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và dự kiến sẽ bàn thảo các thỏa thuận với Trung Quốc, Giáo sư Tạ Văn Tài nói : " Tôi hy vọng ông Trump là người có khuynh hướng quyết liệt trong mọi chuyện ông làm. Trong chính sách ngoại giao, nếu ông ấy quyết liệt, cùng với những lời đã nói của Ngoại trưởng Tillerson thì là điều nên làm, phải cứng rắn trên Biển Đông".
Trước đó trong buổi điều trần tại Thượng viện Mỹ để được chuẩn thuận chức vụ ngoại trưởng, ông Rex Tillerson đã tỏ thái độ phẫn nộ về hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông nói Trung Quốc lẽ ra không được phép tiếp cận các đảo nhân tạo mà nước này đã xây trong vùng biển tranh chấp. Nhưng trong chuyến công du Châu Á đầu tiên của ông trong tháng này, Ngoại trưởng Tillerson đã dịu giọng hơn với Bắc Kinh. Hai bên đồng ý gác lại những vấn đề phức tạp.
Báo cáo của AMTI nói với 3 căn cứ không quân ở Trường Sa và một căn cứ không quân trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, nơi Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc có khả năng hoạt động gần như trên toàn bộ Biển Đông, tuyến hàng hải thiết yếu cho thương mại toàn cầu.
Nhóm nghiên cứu của AMTI cho rằng các thiết bị cảnh báo sớm và radar tân tiến thiết đặt trên Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Châu Viên cũng như trên đảo Phú Lâm sẽ mở rộng tầm hoạt động tương tự cho các thiết bị của Bắc Kinh.
Hơn một năm trước, Trung Quốc lắp đặt tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm và có ít nhất một lần triển khai tên lửa hành trình chống tàu tại đây.
Việt Nam thường lên tiếng phản đối và tái khẳng định chủ quyền của mình trước những hoạt động củng cố quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng theo GS. Tạ Văn Tài, những phản đối của Việt Nam từ trước tới nay vẫn ‘chưa đủ quyết liệt’.
Ông nói : "Phải bạo lên mới được, không được nhút nhát. Phải tuyên bố phản đối quyết liệt thì Mỹ mới có thể thấy Việt Nam là nước có lực lượng quân sự mạnh nhất trong các nước Đông Nam Á mà dám đứng lên phản đối thì Mỹ mới quyết liệt theo. Thường thường, các cường quốc ngại quyết liệt đương đầu với nhau vì có thể thành chiến tranh lớn, nó muốn các nước trung gian nói giùm cho nó. Việt Nam phải quyết liệt hơn mới được".
Tháng trước, Reuters dẫn lời các giới chức Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng gần hai chục cấu trúc trên Đá Subi, Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập. Dường như công trình được thiết kế để chứa tên lửa đất đối không tầm xa.
Bắc Kinh cũng đã xây dựng các kho chứa thiết bị phóng tên lửa tại Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn, trong đó kho chứa trên Đá Chữ Thập đủ lớn để chứa 24 chiến đấu cơ và 3 máy bay lớn hơn, kể cả máy bay ném bom.
Khánh An
*************************
Việt Nam xác minh thông tin căn cứ quân sự ở Trường Sa (RFA, 30/03/2017)
Các cơ sở Trung Quốc xây trên bãi Chữ Thập do Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) tại Hoa Kỳ chụp qua vệ tinh hôm 9/3/2017. Photo courtesy of csis.org
Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xác minh thông tin Trung Quốc sắp hoàn tất chuỗi căn cứ quân sự ở Trường Sa. Đó là phát biểu của ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra trong ngày 30/3.
Đồng thời, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho biết Việt Nam hoan nghênh việc Trung Quốc và Philippines sẽ đàm phán song phương về Biển Đông, và nhắc lại quan điểm của Việt Nam là khuyến khích các quốc gia giải quyết mọi bất đồng bằng biện pháp hòa bình.
Ngoài ra, ông Lê Hải Bình cũng nói thêm Việt Nam ủng hộ cuộc họp giữa đại diện các nước ASEAN và Trung Quốc để thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) và đánh giá cao tính quan trọng của bộ quy tắc này trong việc đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Trung Quốc bác cáo buộc xây sân bay ở Trường Sa
Trong khi đó, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, vào ngày 30 tháng 3 lên tiếng nói không hề có cái gì gọi là ‘đảo nhân tạo’ tại khu vực Biển Đông và lặp lại luận điểm là mọi hoạt động xây dựng ở đó chủ yếu cho mục tiêu dân sự.
Phát ngôn nhân Bộ Quốc Phòng Trung Quốc lên tiếng như vừa nêu sau khi vào ngày 27 tháng 3 vừa qua Nhóm Minh bạch Hàng hải thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) tại Hoa Kỳ công bố báo cáo nêu rõ Trung Quốc gần hoàn tất việc xây dựng 3 sân bay để đáp các máy bay chiến đấu ở khu vực quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Báo cáo của CSIS dựa vào những bức hình vệ tinh chụp được và đi đến kết luận các đường băng, nhà vòm chứa máy bay, khu vực đặt radar và công trình đặt tên lửa đất đối không kiên cố đã hoặc gần hoàn tất.
Các cơ sở này được xây dựng trên ba bãi đá là Subi, Vành khăn và Chữ Thập. Việt Nam hiện đòi chủ quyền đối với toàn bộ các bãi này.
***********************
Việt Nam lên án Đài Loan tập trận ở Ba Bình (RFA, 30/03/2017)
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vẫy tay từ tàu ngầm Tiger ngày 21 tháng 3 năm 2017. AFP photo
Việt Nam vào ngày thứ năm 30 tháng 3 lên án Đài Loan về các cuộc tập trận bắn đạn thật tại khu vực Ba Bình ở Biển Đông từ ngày thứ tư 29 cho đến thứ sáu 31 tháng 3 này.
Hãng tin Reuters loan tin này dẫn lời phát ngôn viên Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho rằng hành động đó vi phạm nghiêm trọng về chủ quyền lãnh thổ và đe dọa đối với an ninh hàng hải, đồng thời yêu cầu Đài Loan không lặp lại hành động tương tự trong tương lai.
Phía Đài Loan thì cho rằng hoạt động tập trận như vậy diễn ra thường xuyên trên hòn đảo này.
Việc Đài Loan khẳng định chủ quyền trên hòn đảo Ba Bình được cho là phức tạp vì bấy lâu nay Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của Hoa Lục.
Hiện tại Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết các vùng biển giàu tài nguyên ở Biển Đông. Các nước khác trong khu vực gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền tại khu vực biển này.