Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

04/06/2019

Điểm báo Pháp - Thiên An Môn "cổng địa đàng" thành "cổng địa phủ"

RFI tiếng Việt

Khi Thiên An Môn từ "cổng địa đàng" thành "cổng địa phủ"

Tiananmen – Thiên An Môn là ba chữ chính chiếm lĩnh mục thời sự Châu Á trên nhiều nhật báo lớn của Pháp số ra ngày 04/06/2019.

thienanmon1

Ảnh minh họa và tít trên trang nhất báo Le Figaro (04/06/2019) : "Ba mươi năm sau tấn thảm kịch Thiên An Môn, bàn tay của chế độ Trung Quốc vẫn siết chặt". Capture d'ecran Le Figaro.

Vào ngày này, "cách nay đúng 30 năm, Trung Quốc cộng sản tàn sát giới trẻ tại quảng trường Thiên An Môn", Le Figaro nhắc lại.

Trên trang nhất, nhật báo thiên hữu đăng lại tấm ảnh một nam sinh áo trắng hiên ngang đối mặt với bốn chiếc xe tăng sắp hàng thẳng tắp rồi đề tựa "Ba mươi năm sau tấn thảm kịch Thiên An Môn, bàn tay của chế độ Trung Quốc vẫn không nới lỏng".

"Ngày mồng 4 tháng Sáu năm 1989" là ngày bị cấm kỵ nhất trong lịch sử Trung Quốc đương đại. Cái ngày mà Bắc Kinh luôn tìm cách chôn vùi vào trong quên lãng từ 30 năm qua. Trong đêm mồng 3 rạng sáng mồng 4 tháng Sáu, chế độ cộng sản đã phạm một điều không thể nào bào chữa được : cho quân đội nã súng và xe tăng nghiền nát người dân, những người tay không tấc sắt và ôn hòa. Họ phải trả giá cho việc dám tố cáo nạn tham nhũng và đòi cải cách dân chủ.

Le Figaro có dịp gặp lại những nhân chứng năm xưa vẫn còn sống sót, hồi tưởng lại cái đêm náo loạn khủng khiếp đáng sợ. Họ biết rằng đấu tranh đòi cải cách dân chủ có thể bị cảnh ngục tù, tra tấn, nhưng họ chưa bao giờ nghĩ rằng máu sẽ đổ thành sông, thây sẽ biến thành bùn thành cát, để rồi trôi theo những dòng nước hòa cùng với máu đổ xuống cống rãnh. Những người sinh viên hay những phóng viên năm xưa chứng kiến cảnh tàn sát đó không bao giờ quên được những hình ảnh hãi hùng, ghê rợn.

Sau cái đêm kinh hoàng này, những sinh viên đầu đàn, số thì bị bắt vì nghĩa khí anh hào để rồi bị tra tấn tàn nhẫn, số may mắn chạy thoát nhờ vào chiến dịch "Yellow Birds" do một số nhà ngoại giao Anh, Pháp, Mỹ cũng như các nhà tài phiệt Hồng Kông hảo tâm và Hội Tam Hoàng thời ấy tổ chức.

Thiên An Môn : Một ký ức "vướng víu"

Ba mươi năm sau vụ đại thảm sát là một cuộc đại tẩy, một sự im lặng nặng như chì. "Thiên An Môn, ba mươi năm im lặng" là hàng tít lớn trên trang nhất của nhật báo công giáo La Croix. Còn tờ Libération ngậm ngùi nhận định "Thiên An Môn, tấn thảm kịch bị ném vào quên lãng".

Có bao nhiêu nạn nhân trong vụ thảm sát đó ? Ba trăm người, theo chính quyền Trung Quốc, phần đông là cảnh sát ? Mười ngàn người, theo Alan Donald, đại sứ Anh tại Trung Quốc thời bấy giờ ? Hay 2.600 người theo số liệu của Hồng Thập Tự Trung Quốc ? Cho đến giờ không ai biết được con số chính xác.

Đối với tác giả bài xã luận của Le Figaro, sự kiện Thiên An Môn là "một bí mật đau đớn". Những bí mật này đang bị chính quyền Trung Quốc tìm cách xóa tan, "triệt tiêu khỏi ký ức". Tờ báo viết : "Những cuộc nổi loạn này không bao giờ tồn tại, cần phải được gạt bỏ ra khỏi sách vở học đường, tẩy sạch trí não, cấm tiệt trên mạng xã hội".

Bởi vì, "trong tâm trí các nhà lãnh đạo Trung Quốc, ký ức về Thiên An Môn vẫn luôn tồn tại. Nó đeo bám họ. Nỗi sợ sự sôi sục đòi dân chủ nguy hiểm này đã sản sinh ra sự ám ảnh phải "kiểm soát". Nỗi ám ảnh đó đã đạt đến đỉnh điểm dưới thời Tập Cận Bình".   

Cho nên để xóa tan vết thương và ký ức đau thương này, ba năm sau ngày thảm họa, tháng Giêng 1992, Đặng Tiểu Bình đã đưa ra một bước đi kế tiếp cho người dân Trung Quốc : "Hãy làm giầu đi, cần phải lấy cái gì hay của chủ nghĩa tư bản để tạo nên mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu Trung Hoa".

Với ông Thái Sùng Quốc (Cai Chongguo), cựu giảng viên triết học, câu nói trên của Đặng Tiểu Bình còn hàm ý rằng "Hãy câm miệng đi. Một nền tư bản chủ nghĩa và các chương trình tư hữu hóa tuy không nói ra đã được thiết lập. Và Trung Quốc ngày nay mạnh hơn rất nhiều".

Vẫn theo nhận định của ông Thái Sùng Quốc với báo Libération, sức mạnh này mạnh đến nỗi khiến các đối tác thương mại của Bắc Kinh phải câm lặng. "Trung Quốc tự hào về những thành tựu kinh tế, quân sự và công nghệ. Những thành tựu này nuôi dưỡng một tinh thần dân tộc chủ nghĩa, vốn dĩ ngày càng ít dung thứ những lời chỉ trích của phương Tây. Xã hội đã bị đồng tiền và gậy dùi cui kiểm soát".

Trung Quốc 2019 : Một "1984" của George Orwell ?

Nói một cách khác, "Kể từ giờ, chủ nghĩa tổng thể ngự trị trong đảng cộng sản và xã hội thì bị dắt mũi", Le Figaro nhận xét.

Bởi vì người dân Trung Quốc sẽ không bao giờ mạo hiểm xuống đường để đòi dân chủ nữa. Họ chấp nhận bản "hợp đồng" mà Đặng Tiểu Bình đưa ra năm 1992. Họ chấp nhận đánh đổi sự giầu có để không bao giờ đặt vấn đề về sự thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc và cũng như dấn thân vào chính trị.

Người vỡ mộng là những thế hệ sinh viên năm xưa và nhất là phương Tây. Họ ngây thơ nghĩ rằng sự trỗi dậy của một tầng lớp trung lưu ngày càng có điều kiện du lịch bên ngoài sẽ kéo đất nước hướng đến sự dân chủ hóa.

Nhưng ba mươi năm sau Thiên An Môn, Trung Quốc còn siết chặt hơn nữa kiểm soát xã hội, nhằm triệt ngay từ trong trứng nước mọi mầm mống nổi loạn hay thể hiện quan điểm đối lập. Công nghệ kỹ thuật tinh vi như trí thông minh nhân tạo và nhận dạng khuôn mặt còn giúp cho chế độ dễ dàng kiểm soát người dân.

Những chiếc xe tăng năm nào nay được thay thế bằng những mạng lưới camera chằng chịt. Như vậy, "ngày nay sẽ khó mà tham gia vào các cuộc biểu tình như là vụ Thiên An Môn năm 1989", theo như nhận xét của ông Patrick Poon, thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế, chi nhánh tại Hồng Kông.

Điều đáng buồn hơn là "ba mươi năm sau vụ Thiên An Môn : Những thế hệ trí thức Trung Quốc mới sẽ không đối đầu với chính quyền". Đây cũng chính là nhận định của nhà nghiên cứu Trung Quốc học, Sebastian Veg với nhật báo Le Monde trong một cuộc phỏng vấn.

Há chẳng phải đây là một mô hình xã hội mà nhà văn người Anh George Orwell đã từng dự đoán trong tác phẩm nổi tiếng "1984", xuất bản năm 1949 đó hay sao ?

Shangri-La 2019 : Mỹ - Trung đối đầu, ASEAN "khó xử"

Tình hình Châu Á, đặc biệt là tại Đông Nam Á, đã trở nên sôi bỏng hơn sau cuộc đấu khẩu dữ dội giữa Mỹ và Trung Quốc tại Diễn đàn An ninh Shangri–La, tại Singapore trong hai ngày cuối tuần 1 và 2/06/2019.

Le Monde, trong bài phân tích có tựa đề "Hoa Kỳ và Trung Quốc hình thành một cuộc chiến tranh lạnh mới", nhận định thế giới đang bị phân chia thành hai cực đáng lo ngại. Đa số các nước thành viên trong khối ASEAN cho rằng việc phải chọn lựa giữa hợp tác kinh tế với Trung Quốc và bảo đảm an ninh của Mỹ là điều không thể.

Đặc biệt là các quốc gia trong khu vực Biển Đông đều không muốn có một sự đối đầu với Trung Quốc và kêu gọi xử lý căng thẳng thông qua con đường ngoại giao. Một quan điểm cũng được bộ trưởng Quân lực Pháp, Florence Parly chia sẻ "Đối với những quốc gia tầm cỡ trung bình trong khu vực, lập trường của Pháp rất hữu ích, vì không thiên về một bên nào cả. Chúng tôi không muốn tham gia vào cuộc tranh cãi mà Hoa Kỳ có thể có với Trung Quốc".

Bắc Triều Tiên : Căng thẳng trong nội bộ gia tăng ?

Phải chăng các nhà đàm phán Bắc Triều Tiên đang trả giá đắt cho thất bại thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong-un tại Hà Nội hồi tháng 02/2019 ?

Đây là câu hỏi giới quan sát tìm cách giải đáp sau nhiều lời đồn đoán cho rằng lãnh đạo Kim Jong-un cho thanh trừng 5 quan chức cao cấp tham gia cuộc đàm phán.

Le Monde dè chừng trước thông tin do tờ báo cánh hữu Chosun Ilbo tại Hàn Quốc loan báo, cho rằng dường như 5 nhà ngoại giao, trong đó có ông Kim Hyok-chol, nhà đàm phán trong cuộc thương thuyết hạt nhân với Mỹ, đã bị hành quyết vì tội "phản bội lòng tin của lãnh đạo".

Nguyên nhân của thất bại này có lẽ là do sự thiếu chuẩn bị. Và đối với nhà lãnh đạo, đây cũng bị xem như là thất bại của cá nhân ông. Tuy thực hư chưa rõ, do không thể kiểm chứng, nhưng theo nhật báo này, có những tín hiệu đáng chú ý tại Bắc Triều Tiên, cho thấy Kim Jong-un dường như đang gặp khó khăn trong nội bộ.

Đầu tiên hết là sự vắng mặt của các nhà đàm phán trên trong cuộc gặp giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên với nguyên thủ Nga hồi cuối tháng Tư (2019) này.

Thứ hai là lời nhắc nhở "kỷ luật tư tưởng" của tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Bắc Triều Tiên, kêu gọi củng cố "tinh thần xã hội chủ nghĩa" và chống lại "hiện tượng phản chủ nghĩa xã hội hiện nay". Một lời cảnh cáo nhắm vào nhiều chủ doanh nghiệp mới, từ nhiều năm nay đã biến đổi nền kinh tế đất nước ngày càng trở nên linh hoạt hơn, pha lẫn giữa kinh tế chỉ huy và sáng kiến tư nhân.

Thứ ba, hiện tượng bắt giam nhiều "chủ doanh nghiệp đỏ", những người được mệnh danh "bậc thầy tiền tệ", hơi khá phô trương. Cuối cùng là quyết định đình chỉ các dự án với nhiều đối tác Trung Quốc.

Theo Le Monde, thất vọng ngoại giao, cùng với những khó khăn trong việc quản lý một xã hội đang có những chuyển đổi sâu sắc giải thích vì sao chế độ Bình Nhưỡng đang có xu hướng thu hẹp về những nền tảng cơ bản – tức có những "hành động hung hăng hơn". Đây cũng chính là những dấu hiệu cho thấy một sự "bất ổn" trong bộ máy chính quyền.

Bình Nhưỡng dường như bất ngờ trước thất bại của cuộc họp thượng đỉnh. Donald Trump quả thật thường xuyên tái khẳng định sự tin tưởng của ông vào Kim Jong-un, nhưng Washington đã rút ra khỏi bàn đàm phán. Các cuộc bắn thử tên lửa hồi đầu tháng 5/2019 không làm rúng động tổng thống Mỹ. Thậm chí ông còn tuyên bố là các vụ "bắn thử này chẳng làm ông phiền lòng".

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 576 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)