Đại học Bắc Kinh nổi danh của Trung Quốc, từng là thành trì của các hoạt động sinh viên tranh đấu, đã xoay sang dập tắt bất đồng và tăng cường sự kiểm soát của Đảng Cộng sản sau một loạt cuộc biểu tình trên khắp nước về các vấn đề từ quyền lao động cho tới nữ quyền trong thời đại #MeToo.
Cửa Tây của Đại học Bắc Kinh (VOA)
Gọng kềm được siết chặt trong bối cảnh quyền kiểm soát cũng thắt chặt trên nhiều khía cạnh khác nhau của xã hội Trung Quốc kể từ khi Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, một giai đoạn đã chứng kiến việc tăng cường kiểm duyệt và siết chặt biểu tình, kể cả trong các khuôn viên đại học.
Chiều tối thứ Tư, Đại học Bắc Kinh – còn gọi là Beida, tức Bắc Đại, cảnh cáo sinh viên chớ nên tham gia các cuộc biểu tình để ủng hộ các hoạt động bênh vực quyền của người lao động mới đây, có sự góp mặt của các cựu sinh viên. Trường cảnh cáo sinh viên sẽ phải chịu trách nhiệm nếu họ dám "thách thức luật pháp".
Hôm thứ Ba, chi bộ Đảng Cộng sản tại Đại học Bắc Kinh đã thành lập các ủy ban đặc trách kiểm tra kỷ luật, đồng thời "kiểm soát và quản lý" khuôn viên trường, theo một tài liệu do chi bộ đưa ra mà Reuters đã tham khảo. Đây là những bước nhằm thắt chặt việc thực thi kỷ luật đảng.
Chi bộ đã tập hợp một cuộc mít tinh quy tụ tất cả các thành viên ở nhà trường và cho họ biết là một sinh viên mới tốt nghiệp nằm trong số những người bị mất tích sau một cuộc biểu tình đòi quyền cho người lao động hồi cuối tuần qua, là người hợp tác với một tổ chức bất hợp pháp.
Một phát ngôn nhân của Đại học Bắc Kinh được Reuters liên lạc hôm 14/11 nói ông không thể bình luận về cuộc mít tinh hoặc lời cảnh cáo đối với sinh viên.
Những người tham gia mít tinh được cho biết rằng ủy ban liên hệ, không được xác định danh xưng, có cương lĩnh hoạt động và "mật khẩu", và rằng chính phủ đã phê chuẩn việc bắt giữ cựu sinh viên Zhang Shengye, theo một nguồn tin xin giấu tên vì sự nhạy của tình hình.
Ảnh tư liệu : Hàng ngàn người biểu tình đòi dân chủ tập họp tại quảng trường Thiên An Môn, ngày 17/5/1989, ở Bắc Kinh. Sinh viên Đại học Bắc Kinh đóng vai trò quan trọng trong các cuộc biểu tình này (AP Photo/Sadayuki Mikami)
Lịch sử đấu tranh của sinh viên Đại học Bắc Kinh
Sinh viên Đại học Bắc Kinh đóng một vai trò chủ đạo trong việc khởi động Phong trào Ngũ Tứ, một phong trào đấu tranh rộng lớn của sinh viên, học sinh, công nhân, thị dân, trí thức Trung Quốc, chống lại chủ nghĩa đế quốc vào năm 1919, cũng như các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Thiên An Môn vào năm 1989.
Nhưng các hoạt động đấu tranh của sinh viên trường Đại học Bắc Kinh ngày càng bị đẩy ra ngoài rìa trong thời đại Tập Cận Bình, và một phong trào quy tụ các sinh viên và cựu sinh viên mới tốt nghiệp từa các trường đại học kể cả Bắc Đại, đã liên minh với các nhà hoạt động công đoàn để hỗ trợ giới công nhân lao động tại các hãng xưởng đấu tranh cho quyền thành lập công đoàn riêng, thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế.