Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Một sự kiện ngoại giao bí mật, tuy chỉ tồn tại ngắn ngủi, nhưng chứa đựng bài học cho các cuộc đàm phán trong tương lai.

damphan1

Các nhà đàm phán Nga và Ukraine gặp nhau qua hội nghị truyền hình vào tháng 3/2022 - Ảnh đăng lên Telegram ngày 14/3/2022 của Vladimir Medinsky / Minh họa của Bộ Ngoại giao

Rạng sáng ngày 24/02/2022, không quân Nga đồng loạt tấn công các mục tiêu trên khắp Ukraine. Cùng lúc đó, bộ binh và thiết giáp của Moscow từ phía bắc, phía đông, và phía nam tràn vào Ukraine. Trong những ngày tiếp theo, quân Nga đã cố gắng bao vây Kyiv.

Đó là những ngày và những tuần đầu tiên của cuộc xâm lược vốn dĩ có thể dẫn đến việc Ukraine bị Nga đánh bại và khuất phục. Khi nhìn lại, thật kỳ diệu là điều đó đã không xảy ra.

Chúng ta đã tương đối hiểu những diễn biến sau đó trên chiến trường. Nhưng điều ít được biết đến hơn là hoạt động ngoại giao diễn ra cùng lúc đó, với sự tham gia của Moscow, Kyiv, và một loạt các chủ thể khác – một hoạt động lẽ ra đã dẫn đến một thỏa thuận chỉ vài tuần sau khi chiến tranh bắt đầu.

Cuối tháng 3/2022, một loạt các cuộc gặp trực tiếp ở Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các cuộc họp trực tuyến khác đã tạo ra cái gọi là Thông cáo Istanbul, trong đó vạch ra khuôn khổ cho một thỏa thuận kết thúc cuộc chiến ở Ukraine. Các nhà đàm phán Ukraine và Nga sau đó bắt đầu soạn thảo văn bản của một hiệp ước, đạt được tiến bộ đáng kể nhằm hướng tới một thỏa thuận. Tuy nhiên, đến tháng 5, đàm phán bất ngờ kết thúc. Chiến tranh vẫn tiếp tục, và theo đó cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người ở cả hai bên chiến tuyến.

Chuyện gì đã xảy ra ? Các bên đã tiến gần đến hồi kết của chiến tranh đến mức nào ? Và tại sao họ không bao giờ hoàn tất một thỏa thuận ?

Để làm sáng tỏ giai đoạn quan trọng nhưng thường bị bỏ qua này, chúng tôi đã xem xét các dự thảo thỏa thuận được trao đổi giữa hai bên, một số chi tiết trong đó chưa từng được công bố trước đây. Chúng tôi cũng đã phỏng vấn một số nhân vật tham gia các cuộc đàm phán, cũng như các quan chức phục vụ tại các chính phủ chủ chốt của phương Tây vào thời điểm đó, những người mà chúng tôi xin phép giấu tên để thảo luận về các vấn đề nhạy cảm. Chúng tôi còn xem xét nhiều cuộc phỏng vấn được thực hiện gần đây hơn, có chứa các tuyên bố của các quan chức Ukraine và Nga đang phục vụ tại thời điểm diễn ra cuộc đàm phán. Hầu hết những nội dung này đều có trên YouTube, nhưng không phải bằng tiếng Anh, và do đó không được biết đến rộng rãi ở phương Tây. Cuối cùng, chúng tôi đã xem xét kỹ lưỡng dòng thời gian của các sự kiện kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược cho đến cuối tháng 5, khi đàm phán đổ vỡ. Khi ghép tất cả những mảnh này lại với nhau, những điều chúng tôi tìm thấy thật đáng ngạc nhiên, và có thể có ý nghĩa quan trọng đối với những nỗ lực ngoại giao trong tương lai nhằm chấm dứt chiến tranh.

Một số nhà quan sát và quan chức (trong đó nổi bật nhất là Tổng thống Nga Vladimir Putin) tuyên bố rằng đã có một thỏa thuận được đặt lên bàn đàm phán để có thể kết thúc chiến tranh, nhưng người Ukraine đã từ bỏ nó do sự kết hợp giữa áp lực từ các nhà bảo trợ phương Tây và những giả định ngạo mạn của chính Kyiv về sự yếu kém của quân đội Nga. Những người khác đã bác bỏ hoàn toàn tầm quan trọng của cuộc đàm phán, cho rằng các bên chỉ đang đàm phán cho có lệ và cố gắng câu giờ để sắp xếp lại thế trận, hoặc rằng các dự thảo thỏa thuận là không nghiêm túc.

Dù những cách giải thích đó chứa đựng một phần sự thật, nhưng chúng lại che khuất nhiều hơn là làm sáng tỏ vấn đề. Không có một bằng chứng rõ ràng nào, nên câu chuyện này thách thức những lời giải thích đơn giản. Hơn nữa, những giải thích nhân quả giản đơn như vậy đã bỏ qua một thực tế mà khi nhìn lại có thể được cho là điều phi thường : ngay giữa cuộc xâm lược chưa từng có của Moscow, người Nga và người Ukraine gần như đã hoàn tất một thỏa thuận có thể chấm dứt chiến tranh, và cung cấp cho Ukraine những đảm bảo an ninh đa phương, mở đường hướng tới trạng thái trung lập vĩnh viễn, và cuối cùng là tư cách thành viên EU.

Tuy nhiên, thỏa thuận cuối cùng vẫn khó đạt được vì một số lý do. Các đối tác phương Tây của Kyiv không muốn bị lôi kéo vào cuộc đàm phán với Nga, nhất là một cuộc đàm phán có thể tạo ra những cam kết mới buộc họ phải đảm bảo an ninh cho Ukraine. Dư luận ở Ukraine cũng trở nên căng thẳng hơn sau khi những tội ác của Nga tại Irpin và Bucha bị phát hiện. Và sau khi Nga thất bại trong việc bao vây Kyiv, Tổng thống Volodymyr Zelensky lại càng tự tin rằng, với sự hỗ trợ đầy đủ của phương Tây, ông có thể giành chiến thắng trên chiến trường. Sau cùng, dù nỗ lực của các bên nhằm giải quyết các tranh chấp kéo dài về cấu trúc an ninh đã mang lại triển vọng về một giải pháp lâu dài cho chiến tranh và ổn định khu vực, nhưng họ đã đặt mục tiêu quá cao và quá sớm. Họ đã cố gắng đạt được một giải pháp toàn diện ngay cả khi lệnh ngừng bắn cơ bản vẫn còn nằm ngoài tầm với.

Ngày nay, khi triển vọng đàm phán trở nên mờ mịt và quan hệ giữa các bên gần như không còn tồn tại, câu chuyện về cuộc đàm phán mùa xuân năm 2022 dường như chỉ gây xao nhãng mà không mang lại những hiểu biết có thể áp dụng trực tiếp vào hoàn cảnh hiện tại. Tuy nhiên, Putin và Zelensky từng khiến mọi người ngạc nhiên khi sẵn sàng xem xét những nhượng bộ sâu rộng để chấm dứt chiến tranh. Họ có thể sẽ làm mọi người ngạc nhiên một lần nữa trong tương lai.

Trấn an hay đảm bảo ?

Nga muốn đạt được điều gì khi xâm lược Ukraine ? Vào ngày 24/02/2022, Putin đã có một bài phát biểu trong đó ông biện minh cho cuộc xâm lược của mình bằng cách đề cập đến mục tiêu mơ hồ là "phi phát xít hóa" Ukraine. Cách giải thích hợp lý nhất cho cụm từ "phi phát xít hóa" là Putin muốn tìm cách lật đổ chính phủ ở Kyiv, có thể giết hoặc bắt giam Zelensky trong quá trình đó.

Tuy nhiên, vài ngày sau khi cuộc xâm lược nổ ra, Moscow lại bắt đầu thăm dò để tìm cơ sở cho một sự thỏa hiệp. Cuộc chiến mà Putin mong đợi là một cuộc chiến dễ dàng hoá ra lại khó hơn tưởng tượng, và việc sẵn sàng thỏa hiệp từ sớm cho thấy ông dường như đã từ bỏ ý tưởng lật đổ chế độ. Zelensky, như ông từng làm trước chiến tranh, đã bày tỏ sự quan tâm đến một cuộc gặp cá nhân với Putin. Dù từ chối nói chuyện trực tiếp với Zelensky, nhưng Putin đã chỉ định một nhóm đàm phán, và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã đóng vai trò hòa giải.

Đàm phán bắt đầu vào ngày 28/02 tại một trong những khu dinh thự rộng rãi của Lukashenko gần làng Liaskavichy, cách biên giới Belarus-Ukraine khoảng 48 km. Phái đoàn Ukraine được dẫn đầu bởi Davyd Arakhamia, lãnh đạo tại quốc hội của đảng chính trị của Zelensky, và cũng bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov, cố vấn tổng thống Mykhailo Podolyak, cùng nhiều quan chức cấp cao khác. Trong khi đó, Vladimir Medinsky, cố vấn cấp cao của Tổng thống Nga, người trước đây từng giữ chức Bộ trưởng Văn hóa, đã dẫn đầu phái đoàn Nga, đi cùng các thứ trưởng quốc phòng và ngoại giao, và một số nhân vật khác.

Tại cuộc gặp đầu tiên, phía Nga đã đưa ra một loạt điều kiện khắc nghiệt, đòi hỏi Ukraine phải đầu hàng. Đề xuất đã không được chấp nhận. Nhưng khi tình thế của Moscow trên chiến trường tiếp tục xấu đi, vị thế của nước này trên bàn đàm phán cũng dần suy giảm. Vì vậy, vào ngày 03 và ngày 07/03, các bên đã tổ chức vòng đàm phán thứ hai và thứ ba, lần này là ở Kamyanyuki, Belarus, ngay bên kia biên giới với Ba Lan. Phái đoàn Ukraine đã đưa ra yêu cầu của riêng họ : ngừng bắn ngay lập tức và thiết lập các hành lang nhân đạo cho phép dân thường rời khỏi vùng chiến sự một cách an toàn. Chính trong vòng đàm phán thứ ba này, Nga và Ukraine đã lần đầu tiên xem xét các dự thảo. Theo Medinsky, đây là bản dự thảo của Nga được phái đoàn của ông mang từ Moscow đến, và nó phản ánh sự kiên quyết của Moscow về tình trạng trung lập của Ukraine.

Vào lúc đó, các cuộc họp trực tiếp đã bị tạm dừng trong gần ba tuần, dù các phái đoàn vẫn tiếp tục gặp nhau qua Zoom. Trong những cuộc trao đổi này, phía Ukraine bắt đầu tập trung vào vấn đề sẽ trở thành trọng tâm trong tầm nhìn của họ về kết cục của cuộc chiến : những đảm bảo an ninh sẽ buộc các quốc gia khác phải đến bảo vệ Ukraine nếu Nga tấn công một lần nữa trong tương lai. Vẫn chưa rõ thời điểm mà Kyiv lần đầu tiên nêu ra vấn đề này trong các cuộc thảo luận với Nga hay các nước phương Tây. Nhưng vào ngày 10/03, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba – khi đó đang ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, chuẩn bị cuộc gặp với người đồng cấp Nga, Sergey Lavrov – đã nói về một "giải pháp bền vững, có hệ thống" cho Ukraine, đồng thời nói thêm rằng Ukraine "sẵn sàng thảo luận" về những đảm bảo mà họ hy vọng sẽ nhận được từ các quốc gia thành viên NATO và từ Nga.

damphan2

Podolyak và Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ Vasyl Bodnar sau cuộc gặp với phái đoàn Nga, Istanbul, tháng 3/2022. © Kemal Aslan / Reuters

Điều mà Kuleba dường như đã nghĩ đến là một đảm bảo an ninh đa phương (multilateral security guarantee), một thỏa thuận trong đó các cường quốc đối thủ cam kết đảm bảo an ninh cho một nước thứ ba, thường với điều kiện là nước này sẽ không liên kết với bất kỳ bên nào. Những thỏa thuận như vậy gần như không còn được ưa chuộng sau Chiến tranh Lạnh. Trong khi các liên minh như NATO thường nhằm duy trì phòng thủ tập thể chống lại kẻ thù chung, thì các đảm bảo an ninh đa phương lại được thiết kế để ngăn chặn xung đột giữa các bên về sự liên kết của quốc gia được đảm bảo, và nói rộng hơn, là để đảm bảo an ninh của quốc gia đó.

Ukraine đã có một trải nghiệm cay đắng với phiên bản ít bền vững hơn của loại thỏa thuận này : một sự trấn an an ninh đa phương (multilateral security assurance), vốn khác với một sự đảm bảo. Năm 1994, nước này đã ký vào cái gọi là Bản ghi nhớ Budapest, quyết định tham gia Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân với tư cách là một quốc gia không có vũ khí hạt nhân, và đồng ý từ bỏ kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới khi đó. Đổi lại, Nga, Anh và Mỹ hứa sẽ không tấn công Ukraine. Tuy nhiên, trái ngược với quan niệm sai lầm phổ biến, trong trường hợp Ukraine bị xâm lược, Bản ghi nhớ Budapest chỉ yêu cầu các bên ký kết triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, chứ không phải đưa quân đến bảo vệ Ukraine.

Cuộc xâm lược toàn diện của Nga – và thực tế tàn nhẫn rằng Ukraine đang tự mình chiến đấu trong một cuộc chiến sinh tồn – đã thúc đẩy Kyiv vừa tìm cách chấm dứt hành vi xâm lược, vừa đảm bảo điều đó không bao giờ xảy ra nữa. Vào ngày 14/03, ngay khi hai phái đoàn đang gặp nhau qua Zoom, Zelensky đã cho đăng một thông báo trên kênh Telegram của mình, kêu gọi thực hiện "những đảm bảo an ninh bình thường, hiệu quả, khác với những đảm bảo ở Budapest". Trong một cuộc phỏng vấn với các nhà báo Ukraine hai ngày sau đó, cố vấn của Zelensky, Podolyak giải thích rằng : điều Kyiv tìm kiếm là "sự đảm bảo an ninh tuyệt đối" vốn đòi hỏi "các bên ký kết… không đứng bên lề trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào Ukraine, như những gì đang xảy ra. Thay vào đó, họ [sẽ] tham gia tích cực vào việc bảo vệ Ukraine trong một cuộc xung đột".

Việc Ukraine yêu cầu không bị bỏ mặc để họ tự bảo vệ mình một lần nữa là hoàn toàn dễ hiểu. Kyiv muốn (và vẫn muốn) có một cơ chế đáng tin cậy hơn là chỉ dựa vào thiện chí của Nga để bảo vệ an ninh của Ukraine trong tương lai. Nhưng để đạt được một đảm bảo an ninh là điều rất khó. Naftali Bennett là Thủ tướng Israel vào thời điểm đàm phán Ukraine-Nga diễn ra và đã tích cực làm trung gian hòa giải giữa hai bên. Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Hanoch Daum được đăng trực tuyến vào tháng 2/2023, ông kể lại rằng mình đã cố gắng khuyên Zelensky đừng mắc kẹt trong câu hỏi đảm bảo an ninh. "Có một câu chuyện cười về một anh chàng đang cố bán Cầu Brooklyn cho một người qua đường", Bennett giải thích. "Tôi nói : ‘Mỹ sẽ đảm bảo cho các vị hay sao ? Họ sẽ cam kết rằng trong vài năm nữa nếu Nga tái phạm thì họ sẽ cử binh lính đến à ? Ngay cả khi chính họ đã rời khỏi Afghanistan ?’ Tôi nói tiếp, ‘Volodymyr, điều đó sẽ không xảy ra đâu.’"

Để trình bày lại theo cách dễ hiểu hơn : nếu Mỹ và các đồng minh của họ không sẵn lòng cung cấp cho Ukraine những đảm bảo an ninh như vậy (chẳng hạn như dưới hình thức thành viên NATO) ngay từ trước chiến tranh, thì tại sao họ lại làm thế sau khi Nga đã thể hiện họ sẵn sàng tấn công Ukraine ? Các nhà đàm phán Ukraine đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này, nhưng sau cùng vẫn không thể thuyết phục được các đồng nghiệp phương Tây vốn lo ngại rủi ro. Quan điểm của Kyiv là, như được ngụ ý trong khái niệm đảm bảo, Nga cũng sẽ là một bên đảm bảo, điều đó có nghĩa là Moscow về cơ bản đã đồng ý rằng các bên đảm bảo khác sẽ có nghĩa vụ can thiệp nếu họ tấn công lần nữa. Nói cách khác, nếu Moscow chấp nhận rằng bất kỳ hành động gây hấn nào trong tương lai chống lại Ukraine cũng đồng nghĩa với một cuộc chiến giữa Nga và Mỹ, thì Moscow sẽ ít có xu hướng tấn công Ukraine một lần nữa bởi nó tương tự như khi nước này tấn công một đồng minh NATO.

Bước đột phá

Xuyên suốt tháng 3, giao tranh ác liệt tiếp tục diễn ra trên mọi mặt trận. Nga cố gắng chiếm Chernihiv, Kharkiv, và Sumy nhưng thất bại thảm hại, dù cả ba thành phố đều bị thiệt hại nghiêm trọng. Đến giữa tháng 3, cuộc tiến công của quân đội Nga về phía Kyiv đã bị đình trệ và họ cũng phải chịu thương vong nặng nề. Hai phái đoàn tiếp tục hội đàm qua cầu truyền hình nhưng sau đó đã quay trở lại gặp mặt trực tiếp vào ngày 29/03, lần này là tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Ở đó, họ dường như đã đạt được một bước đột phá. Sau cuộc gặp, hai bên tuyên bố đã đồng ý ra thông cáo chung. Các điều khoản đã được mô tả trong thông cáo báo chí của hai bên ở Istanbul. Nhưng chúng tôi đã thu thập được bản sao toàn văn của dự thảo thông cáo, có tựa đề "Những điều khoản chính của Hiệp ước về Đảm bảo An ninh của Ukraine". Theo những người tham gia đàm phán được chúng tôi phỏng vấn, thông cáo phần lớn được soạn bởi phía Ukraine, trong khi Nga tạm thời chấp nhận ý tưởng sử dụng nó làm khuôn khổ cho một hiệp ước.

Hiệp ước được hình dung trong thông cáo sẽ tuyên bố Ukraine là một quốc gia phi hạt nhân và trung lập vĩnh viễn. Ukraine sẽ từ bỏ mọi ý định tham gia các liên minh quân sự, hoặc cho phép các căn cứ quân sự hoặc quân đội nước ngoài hiện diện trên đất của mình. Thông cáo liệt kê những chủ thể có thể trở thành bên đảm bảo là các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (gồm cả Nga) cùng với Canada, Đức, Israel, Ý, Ba Lan, và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thông cáo cũng nói rằng nếu Ukraine bị tấn công và yêu cầu hỗ trợ, tất cả các bên đảm bảo đều có nghĩa vụ, sau khi đã tham khảo ý kiến với Ukraine và với nhau, để cung cấp hỗ trợ cho Ukraine nhằm khôi phục an ninh. Đáng chú ý, những nghĩa vụ này được nêu ra với mức độ chính xác cao hơn nhiều so với Điều 5 của NATO : áp đặt vùng cấm bay, cung cấp vũ khí, hoặc can thiệp trực tiếp bằng lực lượng quân sự của chính quốc gia đảm bảo.

Dù Ukraine sẽ trung lập vĩnh viễn theo khuôn khổ được đề xuất, con đường trở thành thành viên EU của Kyiv vẫn được để ngỏ và các bên đảm bảo (gồm cả Nga) sẽ "xác nhận rõ ràng ý định của họ là tạo điều kiện thuận lợi cho Ukraine trở thành thành viên EU". Điều này không có gì là bất thường : hồi năm 2013, Putin từng gây áp lực mạnh mẽ lên Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, yêu cầu rút lui khỏi một thỏa thuận liên kết đơn thuần với EU. Giờ đây, Nga đã đồng ý "tạo điều kiện thuận lợi" cho Ukraine gia nhập đầy đủ vào EU.

Dù lợi ích của Ukraine trong việc có được những đảm bảo an ninh này là rõ ràng, nhưng vẫn chưa rõ tại sao Nga lại đồng ý với bất kỳ điều khoản nào trong số này. Chỉ vài tuần trước đó, Putin đã cố gắng chiếm thủ đô Ukraine, lật đổ chính phủ nước này, và áp đặt một chế độ bù nhìn. Thật khó tin khi ông ấy đột nhiên chấp nhận rằng Ukraine – quốc gia đang thù địch với Nga hơn bao giờ hết, vì chính những hành động của Putin – sẽ trở thành thành viên của EU và được Mỹ đảm bảo độc lập và an ninh (cùng nhiều thứ khác). Nhưng bản thông cáo cho thấy đó chính xác là điều mà Putin sẵn sàng chấp nhận.

Chúng ta chỉ có thể phỏng đoán lý do tại sao. Cuộc tấn công chớp nhoáng của Putin đã thất bại ; điều đó đã rõ vào đầu tháng 3. Có lẽ khi đó ông đã sẵn sàng chấp nhận từ bỏ nếu được đáp ứng yêu cầu lâu dài nhất của mình : rằng Ukraine sẽ từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO và không bao giờ tiếp nhận lực lượng NATO trên lãnh thổ của mình. Nếu ông không thể kiểm soát toàn bộ đất nước Ukraine, chí ít ông cũng có thể đảm bảo những lợi ích an ninh cơ bản nhất của mình, ngăn chặn tình trạng chảy máu của nền kinh tế Nga, và khôi phục danh tiếng quốc tế của đất nước.

Thông cáo cũng bao gồm một điều khoản khác gây ấn tượng mạnh khi nhìn lại : nó kêu gọi hai bên tìm cách giải quyết tranh chấp ở Crimea một cách hòa bình trong vòng 10 đến 15 năm tới. Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo vào năm 2014, Moscow chưa bao giờ đồng ý thảo luận về tình trạng của nó, nói rằng nó chỉ là một khu vực thuộc về Nga giống như bao khu vực khác. Bằng cách đề nghị đàm phán về tình trạng của Crimea, Điện Kremlin đã ngầm thừa nhận rằng thực tế không phải như vậy.

Vừa đánh vừa đàm

Trong nhận xét mà ông đưa ra vào ngày 29/03, ngay sau khi kết thúc đàm phán, Medinsky, trưởng phái đoàn Nga, rõ ràng đã rất lạc quan. Ông giải thích rằng các cuộc thảo luận xoay quanh hiệp ước về tính trung lập của Ukraine đang bước vào giai đoạn thực tế, và rằng – bất chấp những điều khoản phức tạp do hiệp ước có nhiều bên đảm bảo tiềm năng – Putin và Zelensky có lẽ sẽ ký nó tại một hội nghị thượng đỉnh trong tương lai gần.

Ngày hôm sau, ông nói với các phóng viên, "Hôm qua, phía Ukraine, lần đầu tiên đã thể hiện rõ bằng văn bản sự sẵn sàng thực hiện một loạt các điều kiện quan trọng nhất để xây dựng mối quan hệ láng giềng tốt đẹp và bình thường trong tương lai với Nga". Ông nói tiếp, "Họ đã trình bày cho chúng tôi những nguyên tắc về một thỏa thuận tiềm năng trong tương lai, được ghi rõ bằng văn bản".

Cùng lúc đó, Nga đã từ bỏ nỗ lực chiếm Kyiv và đang rút lực lượng khỏi mặt trận phía bắc. Alexander Fomin, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, đã công bố quyết định này tại Istanbul vào ngày 29/3, gọi đây là nỗ lực "xây dựng lòng tin lẫn nhau". Trên thực tế, rút quân là điều bắt buộc phải làm. Người Nga đã đánh giá quá cao khả năng của mình và đánh giá quá thấp sự phản kháng của Ukraine, và giờ đây, họ đang biến thất bại quân sự thành một động thái ngoại giao để tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán hòa bình.

Việc rút quân đã gây ra những hậu quả sâu rộng. Nó củng cố quyết tâm của Zelensky, loại bỏ mối đe dọa trước mắt đối với chính phủ của ông, và chứng minh rằng quân đội được ca ngợi của Putin thực sự có thể bị đẩy lùi, nếu không muốn nói là bị đánh bại, trên chiến trường. Nó cũng cho phép phương Tây hỗ trợ quân sự quy mô lớn cho Ukraine, bằng cách giải phóng các tuyến đường dẫn đến Kyiv. Cuối cùng, cuộc rút lui đã khiến người ta phát hiện ra bí mật khủng khiếp về những hành động tàn bạo mà lính Nga đã thực hiện ở các vùng ngoại ô Kyiv là Bucha và Irpin, nơi họ đã hãm hiếp, tra tấn, và sát hại thường dân.

Các báo cáo từ Bucha bắt đầu nổi lên khoảng đầu tháng 4. Vào ngày 04/04, Zelensky đã đến thăm thị trấn. Ngày hôm sau, ông nói chuyện qua video với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và cáo buộc Nga gây ra tội ác chiến tranh ở Bucha, so sánh lực lượng của Nga với nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (còn được gọi là ISIS). Zelensky sau đó đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trục xuất Nga, vốn là thành viên thường trực.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là hai bên vẫn tiếp tục làm việc suốt ngày đêm để soạn thảo một hiệp ước mà Putin và Zelensky dự kiến sẽ ký trong một hội nghị thượng đỉnh được tổ chức trong tương lai không xa.

Hai bên đã tích cực trao đổi các bản dự thảo với nhau và dường như cũng bắt đầu chia sẻ chúng với các bên khác. (Trong cuộc phỏng vấn vào tháng 2/2023, Bennett cho biết đã nhìn thấy 17 hoặc 18 bản thảo đàm phán của thỏa thuận ; Lukashenko cũng cho biết đã nhìn thấy ít nhất một phiên bản.) Chúng tôi đã xem xét kỹ lưỡng hai trong số các bản dự thảo này, một bản đề ngày 12/04 và một bản khác đề ngày 15/04, mà những người tham gia đàm phán cho chúng tôi biết là bản cuối cùng được trao đổi giữa các bên. Phần lớn nội dung giống nhau, nhưng vẫn có những khác biệt quan trọng – và cả hai bản đều cho thấy rằng thông cáo chung chưa giải quyết được một số vấn đề chính.

Đầu tiên, trong khi thông cáo và dự thảo ngày 12/04 nêu rõ rằng các bên đảm bảo sẽ quyết định một cách độc lập xem liệu họ có đến trợ giúp Kyiv trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào Ukraine hay không, thì trong dự thảo ngày 15/04, phía Nga đã cố gắng huỷ bỏ điều khoản quan trọng này, bằng cách nhấn mạnh rằng hành động trợ giúp sẽ chỉ xảy ra "trên cơ sở một quyết định được tất cả các bên đảm bảo đồng ý" – theo đó trao cho kẻ xâm lược tiềm năng là Nga quyền phủ quyết. Theo ghi chú trong văn bản, phía Ukraine đã bác bỏ sửa đổi đó, kiên quyết thực hiện công thức ban đầu, theo đó mỗi bên đảm bảo đều có nghĩa vụ phải hành động và không cần phải đạt được sự đồng thuận trước khi thực hiện.

Thứ hai, dự thảo có chứa một số điều khoản được bổ sung vào hiệp ước theo yêu cầu của Nga, nhưng không nằm trong thông cáo chung, và liên quan đến các vấn đề mà Ukraine từ chối thảo luận. Những điều khoản này yêu cầu Ukraine phải cấm "chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa Quốc Xã, chủ nghĩa tân Quốc Xã, và chủ nghĩa dân tộc hung hăng" – và, để đạt được mục tiêu đó, phải bãi bỏ sáu đạo luật của Ukraine (toàn bộ hoặc một phần) có liên quan đến các khía cạnh gây tranh cãi của lịch sử thời kỳ Xô-viết, cụ thể là vai trò của những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine trong Thế chiến II.

Có thể hiểu tại sao Ukraine lại phản đối việc để Nga quyết định các chính sách dựa trên ký ức lịch sử của mình, đặc biệt trong bối cảnh một hiệp ước về đảm bảo an ninh. Và phía Nga cũng biết những điều khoản này sẽ gây khó khăn cho người Ukraine trong việc chấp nhận phần còn lại của hiệp ước. Do đó, chúng có thể được xem là những "viên thuốc độc".

Tuy nhiên, cũng có thể các điều khoản này nhằm mục đích giúp Putin giữ thể diện. Chẳng hạn, bằng cách buộc Ukraine bãi bỏ các đạo luật lên án quá khứ thời Liên Xô và xem những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine đã chiến đấu với Hồng Quân trong Thế chiến II là những người đấu tranh cho tự do, Điện Kremlin có thể lập luận rằng họ đã đạt được mục tiêu đã đề ra là "phi phát xít hóa", dù ý nghĩa ban đầu của cụm từ đó có lẽ là việc lật đổ chính phủ của Zelensky.

Sau cùng, vẫn chưa rõ liệu có phải những điều khoản này đã khiến thỏa thuận đổ vỡ hay không. Trưởng đoàn đàm phán Ukraine, Arakhamia, sau đó đã hạ thấp tầm quan trọng của chúng. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 11/2023 trên một chương trình tin tức truyền hình Ukraine, rằng Nga đã "hy vọng cho đến giây phút cuối cùng rằng họ [có thể] ép chúng ta ký một thỏa thuận như vậy, rằng chúng ta [sẽ] chấp nhận trung lập. Đây là điều quan trọng nhất đối với họ. Họ sẵn sàng kết thúc chiến tranh nếu chúng ta, giống như Phần Lan [trong Chiến tranh Lạnh], giữ thái độ trung lập và cam kết không gia nhập NATO".

Quy mô và cơ cấu của quân đội Ukraine cũng là chủ đề được đàm phán căng thẳng. Tính đến ngày 15/04, hai bên vẫn có quan điểm quá khác biệt về vấn đề này. Ukraine muốn có một đội quân thời bình gồm 250.000 người, nhưng Nga nhất quyết rằng con số tối đa là 85.000, nhỏ hơn đáng kể so với quân đội thường trực mà Ukraine có trước cuộc xâm lược năm 2022. Ukraine muốn có 800 xe tăng, nhưng Nga chỉ cho phép 342. Sự khác biệt giữa tầm bắn của tên lửa thậm chí còn lớn hơn, 280 km (yêu cầu của Ukraine), và chỉ 40 km (yêu cầu của Nga).

Tuy nhiên, quá trình đàm phán đã cố tình bỏ qua vấn đề biên giới và lãnh thổ. Rõ ràng, ý tưởng là để Putin và Zelensky quyết định những vấn đề đó tại hội nghị thượng đỉnh đã lên kế hoạch. Nhiều khả năng, Putin sẽ nhất quyết đòi giữ toàn bộ lãnh thổ mà lực lượng của ông đã chiếm đóng. Câu hỏi đặt ra là liệu Zelensky có thể bị thuyết phục để đồng ý với việc chiếm đất này hay không.

Bất chấp những bất đồng đáng kể này, dự thảo ngày 15/04 gợi ý rằng hiệp ước sẽ được ký trong vòng hai tuần. Tất nhiên, ngày tháng vẫn có thể thay đổi, nhưng điều đó cho thấy hai bên đã lên kế hoạch tiến hành nhanh chóng. "Giữa tháng 4/2022, chúng tôi đã tiến rất gần đến việc kết thúc cuộc chiến bằng một thỏa thuận hòa bình", một trong những nhà đàm phán Ukraine, Oleksandr Chalyi, kể lại trong lần xuất hiện trước công chúng vào tháng 12/2023. "Một tuần sau khi Putin bắt đầu gây hấn, ông ấy kết luận rằng mình đã phạm sai lầm lớn, và cố gắng làm mọi cách có thể để đạt được một thỏa thuận với Ukraine".

Chuyện gì đã xảy ra ?

Vậy thì tại sao đàm phán lại đổ vỡ ? Putin tuyên bố rằng các cường quốc phương Tây đã can thiệp và huỷ hoại thỏa thuận vì họ quan tâm đến việc làm suy yếu nước Nga hơn là chấm dứt chiến tranh. Ông cáo buộc rằng Boris Johnson, khi đó là Thủ tướng Anh, đã thay mặt "thế giới Anglo-Saxon" gửi thông điệp này tới người Ukraine, rằng họ phải "chiến đấu với Nga cho đến khi đạt được chiến thắng và Nga phải gánh chịu thất bại chiến lược".

Phản ứng của phương Tây đối với cuộc đàm phán này, dù khác xa với mô tả của Putin, nhưng chắc chắn là rất lãnh đạm. Washington và các đồng minh hết sức nghi ngờ về triển vọng của con đường ngoại giao ở Istanbul. Xét cho cùng, thông cáo đã bỏ qua vấn đề lãnh thổ và biên giới, và các bên vẫn có quan điểm khác biệt về nhiều vấn đề quan trọng khác. Đối với phương Tây, dường như đây không phải là một cuộc đàm phán sẽ thành công.

Hơn nữa, một cựu quan chức Mỹ phụ trách chính sách đối với Ukraine vào thời điểm đó đã tiết lộ với chúng tôi rằng Ukraine đã không tham khảo ý kiến của Washington mãi cho đến khi thông cáo được ban hành, dù hiệp ước được mô tả sẽ tạo ra các cam kết pháp lý mới cho Mỹ – bao gồm cả nghĩa vụ gây chiến với Nga nếu nước này xâm lược Ukraine một lần nữa. Chỉ riêng điều khoản đó thôi cũng đủ khiến hiệp ước trở thành một điều không thể chấp nhận đối với Washington. Vì vậy, thay vì ủng hộ Thông cáo Istanbul và tiến trình ngoại giao sau đó, phương Tây lại tăng cường viện trợ quân sự cho Kyiv và gia tăng áp lực lên Nga, bao gồm cả việc thông qua chế độ trừng phạt ngày càng nặng.

Vương quốc Anh đã dẫn đầu nỗ lực này. Vào ngày 30/03, Johnson thể hiện việc không ủng hộ giải pháp ngoại giao khi nói rằng "chúng ta nên tiếp tục tăng cường các biện pháp trừng phạt với một chương trình gồm nhiều giai đoạn, cho đến khi không còn một người lính nào của Putin ở lại Ukraine". Sang ngày 09/04, Johnson xuất hiện ở Kyiv, trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm thủ đô Ukraine sau khi Nga ngừng chiến dịch chiếm Kyiv. Theo báo cáo, ông nói với Zelensky rằng "bất kỳ thỏa thuận nào với Putin cũng là thỏa thuận đi vào ngõ cụt". Johnson nói rằng bất kỳ thỏa thuận nào "cũng là một chiến thắng đối với ông ta, nếu anh đưa cho ông ta bất cứ thứ gì, ông ta sẽ chỉ giữ nó, cất nó đi, rồi sau đó chuẩn bị cho cuộc tấn công tiếp theo". Trong cuộc phỏng vấn năm 2023, Arakhamia đã nổi giận và buộc Johnson phải chịu trách nhiệm về kết quả này. "Khi chúng tôi trở về từ Istanbul", ông nói, "Boris Johnson đã đến Kyiv và nói rằng chúng tôi sẽ không ký bất cứ thứ gì với [Nga] – và hãy cứ tiếp tục chiến đấu".

Kể từ đó, Putin đã liên tục sử dụng phát biểu của Arakhamia để đổ lỗi rằng phương Tây khiến đàm phán thất bại, và xem nó như bằng chứng cho sự phục tùng của Ukraine đối với những người ủng hộ nước này. Bất chấp trò thao túng của Putin, Arakhamia đã chỉ ra vấn đề thực sự : bản thông cáo mô tả một khuôn khổ đa phương đòi hỏi phương Tây sẵn sàng can dự ngoại giao với Nga và xem xét một sự đảm bảo an ninh thực sự cho Ukraine. Đó không phải là ưu tiên hàng đầu của Mỹ và các đồng minh vào thời điểm đó.

Trong những nhận xét công khai của mình, người Mỹ chưa bao giờ coi thường ngoại giao như Johnson đã từng làm. Nhưng họ dường như không coi đó là trọng tâm trong phản ứng của họ trước cuộc xâm lược của Nga. Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã đến thăm Kyiv hai tuần sau Johnson, chủ yếu là để phối hợp hỗ trợ quân sự. Như lời phát biểu của Blinken tại một cuộc họp báo sau đó, "Chiến lược mà chúng tôi triển khai – hỗ trợ mạnh mẽ cho Ukraine, gây áp lực lớn lên Nga, đoàn kết với hơn 30 quốc gia tham gia vào những nỗ lực này – đang mang lại kết quả thực sự".

Tuyên bố rằng phương Tây đã ép Ukraine rút lui khỏi đàm phán với Nga là vô căn cứ. Nó cho thấy Kyiv không có tiếng nói gì trong vấn đề này. Đúng là những lời đề nghị hỗ trợ của phương Tây đã củng cố quyết tâm của Zelensky, và sự thiếu nhiệt tình của phương Tây dường như đã làm giảm mức độ quan tâm của Zelensky đối với ngoại giao. Tuy nhiên, xét cho cùng, trong các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo phương Tây, Zelensky đã không ưu tiên theo đuổi biện pháp ngoại giao với Nga để chấm dứt chiến tranh. Cả Mỹ và các đồng minh đều không nhận thấy rằng Zelensky muốn họ phải tham gia vào con đường ngoại giao một cách tích cực. Vào thời điểm đó, xét đến sự cảm thông rộng rãi của công chúng phương Tây, việc thúc ép một giải pháp ngoại giao như vậy có thể ảnh hưởng đến chính sách của phương Tây.

Zelensky cũng vô cùng phẫn nộ trước những hành động tàn bạo của Nga tại Bucha và Irpin, và có lẽ ông hiểu rằng điều mà ông gọi là "cuộc diệt chủng" của Nga ở Ukraine sẽ khiến thỏa thuận ngoại giao với Moscow trở nên khó khăn hơn về mặt chính trị. Tuy nhiên, đằng sau hậu trường, công việc soạn thảo hiệp ước vẫn tiếp tục và thậm chí còn được tăng cường trong những ngày và tuần sau khi tội ác chiến tranh của Nga bị phát hiện, cho thấy rằng sự tàn bạo ở Bucha và Irpin chỉ là yếu tố thứ yếu trong quá trình ra quyết định của Kyiv.

Niềm tin mới xuất hiện của người Ukraine, rằng họ có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến, rõ ràng cũng đóng một vai trò nào đó. Việc Nga rút khỏi Kyiv và các thành phố lớn khác ở phía đông bắc và triển vọng có thêm vũ khí từ phương Tây (vì những con đường vào Kyiv giờ đây do Ukraine kiểm soát) đã giúp thay đổi cán cân quân sự. Sự lạc quan về những lợi ích có thể đạt được trên chiến trường thường làm giảm sự quan tâm của một bên tham chiến đối với những thỏa hiệp trên bàn đàm phán.

Quả thật, từ cuối tháng 4, Ukraine bắt đầu tỏ ra cứng rắn hơn, yêu cầu Nga rút quân khỏi Donbas như điều kiện tiên quyết cho bất kỳ hiệp ước nào. Như Oleksii Danilov, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, đã phát biểu vào ngày 02/05, "Một hiệp ước với Nga là không thể – chỉ có thể chấp nhận đầu hàng".

damphan3

Các nhà đàm phán Nga và Ukraine gặp nhau ở Istanbul, tháng 3/2022 © Văn phòng Báo chí của Tổng thống Ukraine / Reuters

Ngoài ra, còn có câu chuyện từ phía người Nga, vốn rất khó đánh giá. Phải chăng toàn bộ cuộc đàm phán này là một vở kịch được dàn dựng khéo léo, hay Moscow thực sự quan tâm đến một giải pháp ? Liệu Putin có suy nghĩ lại khi biết rằng phương Tây sẽ không ký vào thỏa thuận, hay lập trường của Ukraine đã cứng rắn hơn ?

Ngay cả khi Nga và Ukraine giải quyết được bất đồng, khuôn khổ mà họ đàm phán ở Istanbul vẫn cần có sự đồng thuận từ Mỹ và các đồng minh của nước này. Và các cường quốc phương Tây đó sẽ phải chấp nhận rủi ro chính trị bằng cách tham gia vào cuộc đàm phán với Nga và Ukraine, đồng thời đặt uy tín của họ vào thử thách bằng cách đảm bảo an ninh cho Ukraine. Vào thời điểm đó, và trong suốt hai năm qua, ý chí sẵn sàng thực hiện các giải pháp ngoại giao rủi ro, hoặc thực sự cam kết bảo vệ Ukraine trong tương lai, gần như không hề tồn tại ở Washington và các thủ đô châu Âu.

Lý do cuối cùng khiến cho đàm phán thất bại là do các nhà đàm phán đã cầm đèn chạy trước ô tô khi đặt trật tự an ninh thời hậu chiến lên trước việc kết thúc chiến tranh. Hai bên đã bỏ qua các vấn đề thiết yếu về quản lý và giảm thiểu xung đột (thiết lập hành lang nhân đạo, ngừng bắn, rút quân) và thay vào đó, cố gắng tạo ra một thứ giống như một hiệp ước hòa bình lâu dài, nhằm giải quyết các tranh chấp an ninh vốn là nguồn gốc của căng thẳng địa chính trị suốt hàng chục năm qua. Đó là một nỗ lực đáng ngưỡng mộ – nhưng lại quá tham vọng.

Công bằng mà nói, Nga, Ukraine, và phương Tây đã thử làm điều ngược lại – và cũng thất bại thảm hại. Các thỏa thuận Minsk được ký vào năm 2014 và 2015 sau khi Nga sáp nhập Crimea và xâm chiếm Donbas gồm toàn những chi tiết vụn vặt, như ngày giờ chấm dứt chiến sự, và hệ thống vũ khí nào sẽ được rút đi, với khoảng cách bao nhiêu. Quan ngại an ninh cốt lõi của cả hai bên chỉ được giải quyết một cách gián tiếp, nếu có.

Câu chuyện này cho thấy rằng các cuộc đàm phán trong tương lai nên được triển khai theo nhiều kênh song song, trong đó tính thực tế của việc chấm dứt chiến tranh sẽ được giải quyết theo một kênh đàm phán riêng, trong khi các vấn đề rộng hơn sẽ được giải quyết theo một kênh khác.

Hãy ghi nhớ bài học

Ngày 11/04/2024, Lukashenko, trung gian ban đầu của đàm phán hòa bình Nga-Ukraine, đã kêu gọi các bên quay trở lại với dự thảo hiệp ước từ mùa xuân năm 2022. "Đó là một thỏa thuận hợp lý", ông nói trong cuộc trò chuyện với Putin ở Điện Kremlin. "Đó cũng là một thỏa thuận có thể chấp nhận được đối với Ukraine. Họ đã đồng ý với thỏa thuận này".

Putin đáp, "Tất nhiên là họ đã đồng ý".

Trên thực tế, Nga và Ukraine chưa bao giờ đi đến một văn bản thỏa hiệp cuối cùng. Nhưng họ đã đi xa hơn so với những gì chúng ta nghĩ trước đây, đạt được một khuôn khổ tổng thể cho một thỏa thuận khả thi.

Sau hai năm tàn sát vừa qua, nhắc lại điều này chỉ như nước chảy qua cầu. Nhưng đó là một lời nhắc nhở rằng Putin và Zelensky từng sẵn sàng xem xét những thỏa hiệp đặc biệt để chấm dứt chiến tranh. Vì vậy, nếu và khi Kyiv và Moscow quay trở lại bàn đàm phán, họ sẽ thấy bàn đàm phán tràn ngập những ý tưởng có thể hữu ích cho việc xây dựng một nền hòa bình lâu dài.

Samuel Charap Sergey Radchenko

Nguyên tác : "The Talks That Could Have Ended the War in Ukraine", Foreign Affairs, 16/04/2024

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 26/04/2024

Samuel Charap là giám đốc về Chính sách Nga và Á-Âu, đồng thời là nhà khoa học chính trị cấp cao tại Tập đoàn RAND.

Sergey Radchenko là giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp của Đại học Johns Hopkins ở Châu Âu.

Published in Diễn đàn

Mỹ thông báo đã chuyển cho Ukraine tên lửa ATACMS tầm xa

Trọng Thành, RFI, 25/04/2024

Bộ ngoại giao Mỹ hôm 24/04/2024 thông báo Washington đã chuyển cho Ukraine nhiều tên lửa ATACMS tầm xa, trước khi Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ 61 tỉ đô la cho Kiev. Nhiều tên lửa loại này đã được quân đội Ukraine sử dụng để tấn công cơ sở quân sự Nga cách xa chiến tuyến. Hoa Kỳ đã đưa ra quyết định nói trên sau khi không thuyết phục được Nga ngừng tấn công vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.

ukraine1

Quân đội Mỹ bắn thử phiên bản đầu tiên của Hệ thống tên lửa chiến thuật, tại khu bắn thử White Sands Missile Range, Fort Bragg N.C., bang New Mexico, Mỹ, ngày 14/12/2021. AP - John Hamilton

AFP dẫn lời phát ngôn viên bộ ngoại giao Mỹ cho biết việc chuyển giao cho Ukraine các tên lửa ATACMS tầm bắn 300 km đã được thực hiện theo "yêu cầu trực tiếp của tổng thống" Joe Biden. Các hỏa tiễn này nằm trong đợt viện trợ ngày 12/03 với tổng trị giá 300 triệu đô la. Theo bộ ngoại giao Mỹ, Hoa Kỳ đã giữ bí mật việc chuyển giao này "theo đề nghị của Ukraine vì lý do an toàn". Theo một giới chức Mỹ xin ẩn danh, quân đội Ukraine đã sử dụng nhiều hỏa tiễn loại này vào sáng sớm ngày 17/04 để tấn công một sân bay Nga tại bán đảo Crimea, cách chiến tuyến khoảng 165 km, và một lần nữa trong đêm thứ Ba 23/04 qua ngày thứ Tư 24/04, tại miền đông nam Ukraine. 

Trong một thời gian dài, Hoa Kỳ đã lưỡng lự trong việc chuyển giao tên lửa ATACMS tầm xa. Cho đến nay, Mỹ mới chỉ cấp cho Kiev tên lửa ATACMS tầm trung (165 km). Cũng giới chức nói trên cho biết, hai lý do chính đã khiến Washington thay đổi quan điểm. Thứ nhất là việc Nga sử dụng tên lửa đạn đạo tầm xa do Bắc Triều Tiên cung cấp để tấn công Ukraine bất chấp nhiều cảnh báo của Mỹ với phía Nga. Thứ hai là Moskva không từ bỏ kế hoạch oanh kích các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.

Hôm qua, trả lời báo giới, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết chính quyền Kiev đã cam kết không dùng loại vũ khí này để tấn công vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, mà chỉ tấn công trong phạm vi các vùng lãnh thổ Ukraine được quốc tế công nhận. 

Tổng thống Mỹ phê chuẩn gói viện trợ 61 tỉ đô la cho Ukraine

Về gói viện trợ 61 tỉ đô la cho Ukraine, hôm qua, tổng thống Mỹ đã ngay lập tức phê chuẩn sau khi Quốc hội lưỡng viện Mỹ bật đèn xanh. Ông Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của gói viện trợ, được chờ đợi từ lâu nay, đối với an ninh của chính nước Mỹ, của các đồng minh Châu Âu, cũng như nền công nghiệp Mỹ :

"Tôi sẽ bảo đảm cho viện trợ bắt đầu được chuyển giao ngay lập tức. Chúng tôi sẽ bắt đầu chuyển các thiết bị đến Ukraine, gồm đạn được cho hệ thống phòng không, cho pháo binh, cho các hệ thống tên lửa và cho các xe thiết giáp.

Gói viện trợ này thực sự là đầu tư không chỉ cho an ninh của Ukraine, mà cả cho an ninh của Châu Âu và an ninh của chúng ta. Chúng tôi chuyển cho Ukraine các phương tiện có trong kho dự trữ của chúng ta. Tiếp theo, chúng ta sẽ thay thế các vũ khí dự trữ đó bằng những sản phẩm mới do chính các doanh nghiệp Mỹ sản xuất ngay tại Mỹ. Tên lửa Patriot được chế tạo tại Arizona, tên lửa chống tăng tại Alabama, đạn pháo tại Ohio, Pennsylvania và Texas.

Nói cách khác, chúng ta hỗ trợ Ukraine nhưng đồng thời cũng đầu tư cho năng lực sản xuất của nền công nghiệp chúng ta, tăng cường an ninh quốc gia của chúng ta, hỗ trợ việc làm tại gần 40 bang của nước Mỹ."

Trọng Thành

******************************

Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố gởi vũ khí cho Ukraine "ngay từ tuần này"

Thanh Phương, RFI, 24/04/2024

Trong một thông cáo của Nhà Trắng được công bố hôm qua, 23/04/2024, tổng thống Joe Biden tuyên bố Hoa Kỳ sẽ bắt đầu gởi các vũ khí và thiết bị cho Ukraine "ngay từ tuần này" sau khi cả hai viện của Quốc Hội thông qua kế hoạch viện trợ quân sự mới cho Kiev. Trước đó, theo các quan chức Mỹ được hãng tin AP trích dẫn, Lầu Năm Góc sẽ tháo khoán ngay khoản viện trợ quân sự đầu tiên 1 tỷ đôla cho Ukraine.

ukraine2

Tổng thống Mỹ Joe Biden và đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng ngày 12/12/2023. Reuters - Leah Millis

Sau Hạ Viện, hôm qua, đến lượt Thượng Viện Hoa Kỳ, với đa số phiếu áp đảo, thông qua kế hoạch viện trợ tổng cộng 95 tỷ đôla cho Ukraine, Israel và Đài Loan, trong đó có đến 61 tỷ đôla sẽ để giúp Kiev chống trả quân Nga. 

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :

"Tôi sẽ ký phê chuẩn và sẽ ngỏ lời với người dân Mỹ ngay sau khi văn bản này được chuyển đến văn phòng của tôi". Sau cuộc bỏ phiếu, tổng thống Joe Biden đã nhanh chóng chúc mừng việc thông qua viện trợ quân sự cho Ukraine, văn bản mà ông sẽ phê chuẩn ngay từ hôm nay.

Hệ quả ngay lập tức đó là viện trợ của Mỹ cho Ukraine, bị chặn lại từ đầu năm đến nay, sẽ có thể nhanh chóng được tái lập. Trong 60 tỷ đôla được dự trù, 1 tỷ đôla thiết bị quân sự sẽ được gởi đi trong những ngày tới, thậm chí từ đây đến cuối tuần đối với những thiết bị cấp thiết nhất.

Quân đội Mỹ đã chuẩn bị từ lâu và rất có thể họ chỉ cần chất đầy các phương tiện vận chuyển để gởi sang Ukraine đạn dược, nhất là đạn pháo mà lực lượng của Kiev không còn được cung cấp từ đầu năm đến nay.

Các thiết bị này sẽ được lấy từ các kho vũ khí của quân đội Mỹ. Trong khoản viện trợ quân sự mới đã được thảo luận với chính quyền Ukraine, cũng có các vũ khí phòng không để chống trả các cuộc oanh tạc của quân Nga. 

Điểm mới trong kế hoạch vừa được thông qua, đó là sẽ gồm cả các tên lửa có tầm bắn xa hơn, mà cho tới nay quân đội Mỹ không muốn cung cấp cho Ukraine vì ngại phản ứng của Nga. Nhưng tình hình trên chiến trường nay khó khăn đối với quân đội Ukraine đến mức mà Hoa Kỳ bắt buộc phải làm như thế.

Thanh Phương

*****************************

Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân : Nguy cơ leo thang với Nga

Thanh Phương, RFI, 24/04/2024

Trong bài trả lời phỏng vấn được đăng tải hôm 22/04/2024, tổng thống Ba Lan tuyên bố Warszawa sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình nếu khối NATO, mà Ba Lan là một thành viên, quyết định tăng cường bảo vệ sườn phía đông trước việc Nga triển khai vũ khí mới ở Kaliningrad và Belarus.

ukraine3

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ được bố trí tại Ba Lan, ngày 24/05/2010. AP – Marek Lis

Tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius năm 2023, các đồng minh đã tái khẳng định NATO sẽ làm "bất cứ điều gì cần thiết để bảo đảm độ tin cậy, hiệu quả, an toàn và an ninh của sứ mệnh răn đe hạt nhân, bao gồm việc tiếp tục hiện đại hóa năng lực hạt nhân và cập nhật quy trình lập kế hoạch".

Trả lời nhật báo Fakt khi đang viếng thăm Canada, tổng thống Andrzej Duda nói : "Nếu các đồng minh của chúng tôi quyết định triển khai vũ khí hạt nhân trong khuôn khổ chia sẻ hạt nhân trên lãnh thổ của chúng tôi nhằm tăng cường an ninh ở sườn phía đông của NATO, thì chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận". 

Tuy nhiên, tổng thống Duda nhấn mạnh hiện chưa có quyết định nào về vấn đề này, mà ông chỉ khẳng định chia sẻ hạt nhân "chắc chắn sẽ củng cố vị thế và an ninh" của Ba Lan. Nguyên thủ quốc gia Ba Lan nói thêm rằng khả năng triển khai vũ khí hạt nhân ở Ba Lan đã là chủ đề thảo luận giữa Ba Lan và Hoa Kỳ.

Theo ông, "Nga đang ngày càng quân sự hóa Kaliningrad (vùng lãnh thổ nằm giữa Ba lan và Litva) và đang chuyển các vũ khí hạt nhân sang Belarus", cũng là quốc gia giáp biên giới Ba Lan. Chính tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6/2023 tuyên bố đã chuyển giao những vũ khí hạt nhân đầu tiên cho Belarus. 

Nguy cơ leo thang với Nga

Phía Nga dĩ nhiên là đã có phản ứng về tuyên bố của tổng thống Duda. Khi được hỏi về khả năng vũ khí hạt nhân được triển khai ở Ba Lan, hôm 22/04, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov tuyên bố Nga sẽ bảo đảm "an ninh" của mình nếu điều này xảy ra. Ông nói : "Quân đội tất nhiên sẽ phân tích tình hình và trong mọi trường hợp sẽ thực hiện mọi biện pháp trả đũa cần thiết để đảm bảo an ninh của nước Nga". 

Trả lời trang mạng "7 sur 7" của Bỉ ngày 23/04, một cựu đại tá quân đội Bỉ Roger Housen nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận cho triển khai vũ khí hạt nhân, kể cả vũ khí hạt nhân chiến thuật, ở Ba Lan, vì đây sẽ là một bước leo thang rất lớn dẫn đến xung đột giữa khối NATO và Nga. Hơn nữa, từ nhiều thập niên qua, Mỹ đã vẫn đặt rất nhiều vũ khí nguyên tử tại 5 nước châu Âu thành viên của NATO : Bỉ, Hà Lan, Ý, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, chưa kể các vũ khí hạt nhân của Anh và Pháp.

Theo cựu đại tá Housen, tổng thống Duda dường như tin rằng Nga sẽ không dám tấn công Ba Lan nếu nước này có vũ khí hạt nhân. Nhưng lập luận đó là vô nghĩa : Cũng là một thành viên của NATO, Ba Lan đã nằm dưới sự bảo vệ của chiếc ô hạt nhân của khối này. Triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Ba Lan chỉ khiêu khích Nga và khiến cho an ninh của Ba Lan càng khó được bảo đảm.

Bất đồng nội bộ Ba Lan

Tuyên bố của ông Duda được đưa ra trong bối cảnh chính trường Ba Lan đang trải qua thời kỳ chung sống khó khăn giữa một tổng thống vốn là đồng minh thân cận của chính quyền cũ theo chủ nghĩa dân túy với thủ tướng Donald Tusk, một nhân vận thân Âu, sau khi liên minh của ông chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 10 năm 2023. Tổng thống Duda và thủ tướng Tusk thường xuyên đối chọi với nhau về chính sách đối nội, nhưng quan điểm của họ về việc hỗ trợ Ukraine và mối đe dọa từ Nga phần lớn vẫn giống nhau. 

Tuy vậy, có vẻ như thủ tướng Donald Tusk không tán đồng phát biểu của tổng thống Duda về vũ khí hạt nhân. Trả lời báo chí hôm qua, thủ tướng Ba Lan nói ông muốn "biết tất cả các tình huống khiến tổng thống đưa ra tuyên bố này". Ông Tusk khẳng định : "Tôi rất mong muốn Ba Lan được sống trong an ninh, được trang bị vũ khí tốt nhất có thể, nhưng tôi cũng muốn mọi sáng kiến ​​trước hết phi được nhng người có trách nhim chun b tht k càng". 

Vậy thì vì sao tổng thống Duda lại nói đến khả năng triển khai vũ khí nguyên tử ở Ba Lan ? Theo suy đoán của cựu đại tá Housen, ông Duda là một nhân vật theo đường lối cứng rắn và những tuyên bố kiểu như vậy rất được những người ủng hộ ông tán thưởng. Trước đó vài ngày, tổng thống Ba Lan đã gặp cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại New York. Cựu đại tá Housen nói ông sẽ không ngạc nhiên rằng chính ông Trump đã khuyến khích ông Duda đi theo hướng này để gây khó khăn cho chính quyền Joe Biden, vốn không muốn căng thẳng gia tăng với Nga.

Thanh Phương

***************************

Ukraine dùng drone tấn công các cơ sở năng lượng và nhà máy luyện kim trên lãnh thổ Nga

Thùy Dương, RFI, 24/04/2024

Ukraine hôm nay 24/04/2024 đã dùng drone tấn công các cơ sở năng lượng tại vùng Smolensk, miền tây nước Nga, cách biên giới Ukraine khoảng 400 km.

ukraine4

Binh sĩ Ukraine chuẩn bị phóng drone Poseidon H10 tầm trung gần Bakhmut, Donetsk, miền đông Ukraine ngày 26/03/2024. AP - Efrem Lukatsky

Một nguồn tin quốc phòng Ukraine hôm 24/04 xác nhận thông tin này với hãng tin Pháp AFP và nhấn mạnh, đó là những mục tiêu tấn công "hợp pháp" của Ukraine. Theo nguồn tin này, các drone của Ukraine đã oanh kích vào "hai kho chứa dầu", vốn là nơi "trữ 26.000 m3 chất đốt". Các vụ tấn công do Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) tổ chức.

Thông tin được đưa ra sau khi thống đốc vùng Smolensk của Nga, Vassili Anokhine cho biết trên Telegram là hỏa hoạn đã xảy ra tại một số cơ sở năng lượng do các vụ tấn công của Ukraine.

Cũng trong hôm nay, Ukraine dùng drone tấn công nhà máy luyện kim NovoLipetsk, tại thành phố Lipetsk, cách biên giới Ukraine 400km. Đây là nhà máy của hãng NLMK, hãng luyện kim lớn nhất nước Nga năm 2022, và xếp hạng 23 thế giới, theo số liệu của Hiệp hội Thép Thế giới.

Trong khi đó, hôm qua, trước khi Thượng Viện Mỹ biểu quyết khoản viện trợ 61 tỉ đô la cho Ukraine, bộ trưởng quốc phòng Nga, Sergei Choigu, dọa gia tăng các vụ tấn công các cơ sở hậu cần và cơ sở trữ vũ khí của phương Tây tại Ukraine.

Thùy Dương

Published in Quốc tế

Mỹ và các đồng minh coi Nga, Trung Quốc, Iran, và Triều Tiên là trục đối thủ.

uk1

Một thùng hàng viện trợ cho Ukraine - Ảnh minh họa

Sau nhiều tháng tranh cãi và do dự, Hạ viện Mỹ cuối cùng cũng chịu hành động. Cuộc bỏ phiếu ở Washington nhằm cung cấp khoản viện trợ quân sự mới trị giá 61 tỷ đô la cho Ukraine có thể là một bước ngoặt trong cuộc chiến với Nga. Chí ít, nó sẽ giúp Ukraine có thể tiếp tục chiến đấu.

Về phần mình, Nga sẽ tiếp tục hy vọng rằng, nếu Donald Trump được bầu làm tổng thống vào tháng 11 tới, đây có thể là gói viện trợ quân sự lớn cuối cùng của Mỹ. Nhưng điều đó có lẽ cũng không thể gây tổn hại nghiêm trọng đến khả năng chiến đấu của Ukraine. Các ngành công nghiệp quân sự của châu Âu đã bắt đầu hoạt động (dù muộn màng) và sẽ có nguồn lực tốt hơn để hỗ trợ Ukraine vào năm 2025.

Cuộc bỏ phiếu nhằm cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine đã được Hạ viện Mỹ thông qua, cùng với các cuộc bỏ phiếu khác nhằm cung cấp viện trợ đáng kể cho Israel và Đài Loan. Cùng nhau, chúng cung cấp một nhận thức rõ ràng về cách Mỹ – và các đồng minh chủ chốt của họ ở châu Âu và châu Á – nhìn nhận thế giới.

Nhìn chung, toàn bộ số tiền này nhằm mục đích đẩy lùi 4 quốc gia mà Tướng Chris Cavoli, chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Âu, mô tả là "trục đối thủ" (axis of adversaries), gồm Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên.

Từ "trục" gợi nhớ lại những ký ức không hay hồi năm 2002 và về "trục ma quỷ" (axis of evil) của George W. Bush, vốn đã phóng đại mối liên hệ giữa Iraq, Iran, và Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, sau hai thập niên, ngày càng có nhiều bằng chứng xác thực hơn về sự hợp tác quân sự nghiêm túc giữa Moscow, Bắc Kinh, Tehran, và Bình Nhưỡng.

Mỹ cáo buộc rằng Trung Quốc đang cung cấp cho Nga động cơ máy bay không người lái, thiết bị cho tên lửa hành trình, và các hình thức viện trợ quân sự khác. Các chế độ ở Bình Nhưỡng và Tehran đã trở thành nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho Moscow. Trung Quốc gần đây cũng tuyên bố "tình bạn sâu sắc" với Triều Tiên và đã cử một quan chức cấp cao tới Bình Nhưỡng để đàm phán.

Trong lúc bốn chế độ chuyên chế này xích lại gần nhau hơn, các đồng minh dân chủ của Mỹ cũng đang thắt chặt quan hệ. Tại Washington, Mỹ và Nhật Bản gần đây đã công bố một loạt thỏa thuận mới sẽ đưa quan hệ đối tác an ninh giữa hai nước lên một tầm cao mới. Hàn Quốc cũng trở thành một nhà cung cấp vũ khí lớn cho Ukraine.

Trên thực tế, "liên minh phương Tây" hiện là một mạng lưới toàn cầu gồm các đồng minh cho rằng mình đang tham gia vào một loạt các cuộc tranh đấu cấp khu vực. Nga là đối thủ chính ở châu Âu. Iran là thế lực gây rối loạn nhiều nhất ở Trung Đông. Triều Tiên là mối nguy hiểm thường trực ở châu Á. Hành vi và lời nói của Trung Quốc đang trở nên hung hăng hơn, và nước này có thể huy động các nguồn lực mà Moscow hoặc Tehran không có.

Tất nhiên, vẫn có những khác biệt quan trọng giữa các quốc gia này. Nga, Iran, và Triều Tiên bị Mỹ và các đồng minh coi là những quốc gia bị bài xích. Ngược lại, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn của tất cả các nước thuộc "phương Tây toàn cầu".

Tuy nhiên, giả định hiện hành ở Washington và Tokyo là, về lâu dài, Tập Cận Bình cũng kiên quyết như Vladimir Putin hay Ali Khamenei trong việc lật đổ trật tự thế giới hiện tại. Người Nhật, giống như người Mỹ, nghĩ rằng những gì xảy ra ở Ukraine sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến những gì xảy ra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Do đó, Mỹ và các đồng minh tin rằng họ đang củng cố hàng phòng thủ bằng cách hỗ trợ các quốc gia nằm trong tầm bắn của trục đối thủ – trên hết là Ukraine, Israel và Đài Loan.

Việc tăng cường hỗ trợ quân sự cho các quốc gia này đã dẫn đến làn sóng chỉ trích trên khắp phổ chính trị. Cánh hữu chủ trương biệt lập ở Mỹ vẫn phản đối gay gắt việc hỗ trợ Ukraine, trong khi cánh tả cấp tiến cáo buộc Mỹ ủng hộ "cuộc diệt chủng" của Israel ở Gaza.

Ngay cả một số người ủng hộ khát vọng bảo vệ cơ cấu quyền lực toàn cầu hiện tại cũng lo lắng về chiến lược này. Henry Kissinger quá cố lo ngại rằng sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine đang đẩy Nga vào vòng tay của Trung Quốc. Những người khác tin rằng Mỹ đơn giản là thiếu các nguồn lực quân sự và kinh tế để dẫn đầu việc cùng lúc đẩy lùi các đối thủ ở châu Á, châu Âu, và Trung Đông.

Có lẽ có một phần sự thật trong quan điểm này. Một trợ lý cấp cao của chính quyền Biden thừa nhận rằng "hiện tại chúng ta đã làm hết sức rồi". Nhưng Mỹ và các đồng minh cũng biết rõ rằng đối thủ của họ đang gặp khó khăn rất lớn. Nga đã phải chịu thương vong lên đến hàng trăm nghìn người trong cuộc chiến với Ukraine. Kinh tế Trung Quốc đang chật vật khó khăn. Iran đối mặt với bất ổn nội bộ, còn Bắc Triều Tiên là một điểm nóng hạt nhân.

Washington cũng đang vật lộn với việc làm thế nào để tăng cường khả năng răn đe mà không khiến Mỹ trực tiếp tham gia vào một cuộc chiến với bất kỳ thành viên nào của trục đối thủ. Trên thực tế, điều này thường có nghĩa là cung cấp cho các đồng minh tiền tuyến của Mỹ viện trợ quân sự mới, đồng thời cố gắng kiềm chế hành động của họ.

Xuyên suốt cuộc chiến Ukraine, Mỹ đã cố gắng ngăn cản Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Sau khi Iran bắn một loạt tên lửa vào Israel trong tháng này, Mỹ cũng có động thái ngăn chặn xung đột leo thang hơn nữa.

Ngay cả khi Mỹ cung cấp thêm hỗ trợ về chính trị và quân sự cho Đài Loan, họ vẫn nhấn mạnh rằng Đài Loan không được khiêu khích Bắc Kinh bằng cách thực hiện các bước công khai hướng tới độc lập chính trị chính thức khỏi Trung Quốc.

Mỹ đang chơi một trò chơi trí tuệ nguy hiểm với các đối thủ của mình, triển khai lực lượng quân sự một cách có chọn lọc, với hy vọng ngăn chặn sự bùng nổ của một cuộc chiến rộng hơn. Ukraine đang chiến đấu cho tự do và độc lập của chính mình. Nhưng nước này cũng là tiền tuyến trong một cuộc xung đột tiềm tàng lớn hơn rất nhiều.

Gideon Rachman

Nguyên tác : "Ukraine is the front line of a much larger conflict", Financial Times, 21/04/2024

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 24/04/2024

Published in Diễn đàn

Khi không có viện trợ của Mỹ, Ukraine có thể trông cậy vào Châu Âu ?

Anh Vũ, RFI 23/04/2024

Khoản viện trợ hơn 60 tỷ đô la của Mỹ cho Ukraine vừa được thông qua sau hơn nửa năm bị chặn ở Quốc hội là một nỗ lực lớn của Washington nhằm giải cứu Kiev giữa lúc khó khăn nhất kể từ đầu cuộc chiến tranh. Phần đông giới quan sát dự báo có thể đây sẽ là khoản viện trợ lớn sau cùng của Mỹ để giúp Ukraine không bị thua trong cuộc chiến tranh và cũng để tránh một thất bại chiến lược của phương Tây trong cuộc đọ sức với Nga. 

uk1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đi kiểm tra thiết bị và vũ khí của quân đội ở vùng Kiev, ngày 13/04/2024 via Reuters - Ukrainian Presidential Press Ser

Việc dự luật viện trợ cho Ukraine chật vật được thông qua ở Hạ Viện trong khi đa số nghị sĩ đảng Cộng Hòa vẫn chống đối (112 nghị sĩ chống, 101 bỏ phiếu thuận), cùng với viễn cảnh bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm nay với sự quay trở lại của Donald Trump đang là là nỗi lo tiềm ẩn cho Kiev, dù tạm thời thở phào nhẹ nhõm. Khi nguồn viện trợ của Mỹ có thể cạn tương lai cuộc kháng chiến Ukraine sẽ đi về đâu ? Kiev có thể trông cậy vào đồng minh Châu Âu ?

Thực tế, từ đầu cuộc chiến tranh tại Ukraine nổ ra hồi tháng 02/2022, Hoa Kỳ và các nước Châu Âu đã phân chia gánh vác nhiệm vụ hậu thuẫn cho Kiev về trang thiết bị quân sự, cũng nhưng các nguồn tài chính cần thiết để vận hành Nhà nước Ukraine với ngân khoản lên tới hàng trăm tỷ đô la, mà cuộc kháng chiến của Ukraine chống Nga ngày thêm khó khăn.

Mặc dù đã có rất nhiều tuyên bố của các lãnh đạo Châu Âu bày tỏ quyết tâm đi cùng người Ukraine đến chiến thắng cuối cùng, nhưng hành động cụ thể thì lại thiếu. Có thể đơn cử một ví dụ mới nhất liên quan đến việc chia sẻ hệ thống phòng không hiện đại cho Kiev, vào lúc mà tên lửa và drone của Nga oanh kích hàng ngày vào các thành phố và hệ thống hạ tầng cơ sở trọng yếu của Ukraine.

Nhận thức được mối nguy hiểm đang đe dọa Ukraine, các nước Châu Âu đang cố gắng tập hợp để giúp Kiev. Nhưng dường như các nỗ lực không dễ thành hiện thực. Trong cuộc họp Hội Đồng Châu Âu hôm 17 và 18 tháng 4, những người đứng đầu Nhà nước và chính phủ của các nước trong Liên Hiệp tỏ ra thận trọng, chỉ đưa ra hứa hẹn tối thiểu. Chỉ có thủ tướng sắp mãn nhiệm của Hà Lan, Mark Rutte, cho biết ông sẵn sàng mua lại thiết bị do một số quốc gia nắm giữ để chuyển chúng sang Ukraine.

Bên lề hội nghị thượng đỉnh này, Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO, cũng khuyến khích các nước thành viên Châu Âu của Liên minh lấy trong kho vũ khí của họ để và chuyển đến Kiev. Ông khẳng định hỗ trợ phòng không của Ukraine là một ưu tiên lúc này.

Cho đến giờ, mới chỉ có Đức đã cung cấp 2 trong số 12 hệ thống Patriot của họ và bảo đảm cấp thêm một hệ thống thứ ba cho Ukraine. Thủ tướng Olaf Scholz khuyến khích các đồng minh Châu Âu làm điều tương tự.

Tại hội nghị các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Châu Âu hôm qua (22/04) ở Luxembourg, vấn đề chuyển giao hệ thống phòng không cho Ukraine đã được đặt ra, nhưng vẫn chỉ dừng lại ở thảo luận. Không một quyết định hay cam kết rõ ràng nào được đưa ra. Theo các nguồn tin ngoại giao, các nước đang có các hệ thống Patriot như vậy, khoảng một chục nước, đều lảng tránh đề nghị hoặc từ chối với lý do phải duy trì khả năng phòng không của chính mình, mặc dù tất cả đầu nhận thức được cần phải tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Khả năng Châu Âu thay thế Hoa Kỳ hỗ trợ Ukraine đã được chứng minh trong những tháng qua. Một nửa năm gói viện trợ hơn 60 tỷ đô la bị chặn lại ở Quốc hội Mỹ, cũng là thời gian ở trong Châu Âu quyết tâm hậu thuẫn Ukraine có vẻ chùng xuống. Tiến độ cung ứng vũ khí, đạn dược bị chậm lại, không bảo đảm về thời hạn và số lượng như đã hứa.

Trả lời phỏng vấn trên trang tin bienpuplic.com, ông Léo Peria-Peigne, nhà nghiên cứu về vũ khí và công nghiệp quốc phòng, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp Ifri, nhận định : "Châu Âu đã thất bại trong việc thay thế Mỹ để giúp Ukraine. Kết quả là Ukraine giờ đây đang trong tình trạng khó khăn, tình hình mặt trận còn tồi tệ nữa vì thiếu trầm trọng nguồn viện trợ Mỹ mà Châu Âu không thể bù đắp được. Hiện tại, Châu Âu không có khả năng để chuyển giao đủ đạn pháo và đạn phòng không để giúp Ukraine tự vệ, cũng như bẻ gẫy các cuộc tấn công của của Nga".

Không có viện trợ của Hoa Kỳ, Châu Âu sẽ phải lo cho Ukraine, đó gần như là một trách nhiệm mặc định cho Liên Hiệp Châu Âu. Trong trường hợp Hoa Kỳ để lại khoảng trống ở Ukraine, liệu Châu Âu có thể lấp đầy ? Đó vẫn là câu hỏi không có lời giải. 

Anh Vũ

****************************

Chiến tranh Ukraine : Nga bắn sập tháp truyền hình, "biểu tượng" của thành phố Kharkiv

Trọng Thành, RFI, 23/04/2024

Tháp truyền hình cao 240 mét của Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine cách biên giới Nga khoảng 30 km, bị quân đội Nga oanh kích hôm qua, 22/04/2024. Chính quyền địa phương cho biết, một tên lửa Kh-59 đã làm sập tháp.

uk2

Một phần của tháp truyền hình ở Kharkiv, Ukraine, ngày 22/04/2024 đổ sụp sau vụ tấn công bằng tên lửa của Nga. Reuters - Sofiia Gatilova

Theo Reuters, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một phát biểu qua video ngày hôm qua đã tố cáo cuộc tấn công này là "một nỗ lực hù dọa để tất cả dân cư thành phố thấy rõ sự tàn bạo" của Nga. Trong cuộc điện đàm với tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày hôm qua, tổng thống Ukraine nhấn mạnh "đây rõ ràng là ý đồ của Nga nhằm làm cho Kharkiv trở thành một thành phố không thể sống nổi". Cách nay hai năm, trong những tháng đầu chiến tranh, quân đội Ukraine cùng với lực lượng dân quân địa phương đã từng bảo vệ thành công thành phố chống lại các cuộc tấn công của Nga.

Về cuộc tấn công tháp truyền hình Kharkiv, thông tín viên Emmanuelle Chaze từ Kiev cho biết thêm :

"Một biểu tượng của thành phố Kharkiv đã bị phá hủy ngày thứ Hai sau một cuộc oanh kích của Nga : tháp truyền hình thành phố trúng một tên lửa, khiến phần trên của tháp sụp xuống. Không có ai là nạn nhân trong cuộc tấn công này. Những hình ảnh về vụ oanh kích gây ấn tượng, thiệt hại là lớn. Cùng lúc đó, nhiều khu dân cư trong vùng cũng bị tấn công. Đây là bằng chứng mới về việc Nga tăng cường oanh kích nhắm vào thành phố Kharkiv, cách biên giới với Nga khoảng 30 km.

Kể từ đầu năm đến nay, các cuộc tấn công nhắm vào Kharkiv gia tăng, đặc biệt với việc các cơ sở hạ tầng năng lượng của thành phố lớn thứ hai Ukraine bị Nga oanh kích dữ dội. Đến cuối tháng 3, tất cả các nhà máy điện của thành phố đều bị phá hủy, khiến điện thường xuyên bị cắt. Kharkiv là nơi sinh sống của một triệu rưỡi cư dân thành phố, trong đó có hàng nghìn người chạy khỏi các vùng chiến sự.

Trong lúc đợt viện trợ quân sự mới của Mỹ cho Ukraine dường như mới sắp sửa bắt đầu, người Ukraine lo ngại Nga sẽ tiến hành các đợt tấn công mới với quy mô lớn trước khi các hệ thống phòng không mới và đạn dược, giúp bảo vệ bầu trời Ukraine, tới được nơi."

Zelensky và Biden thảo luận về dự án cấp tên lửa ATACMS tầm xa

Theo AFP, tổng thống Ukraine cho biết, trong cuộc điện đàm hôm qua với nguyên thủ Mỹ, hai bên "đã bắt đầu thảo luận về một thỏa thuận an ninh" song phương. Trong những tháng gần đây, Kiev đã ký kết với nhiều thành viên NATO, như Anh, Pháp hay Phần Lan, các "thỏa thuận an ninh song phương", bảo đảm an ninh lâu dài cho Ukraine.

Tổng thống Zelensky cũng cho biết Kiev và Washington đã có nhiều bước tiến trong vấn đề cấp tên lửa ATACMS "tầm xa" cho Ukraine. Tên lửa ATACMS, có tầm bắn từ 165 đến 300 km, được giới chuyên gia xem là vũ khí có thể tham gia thay đổi cục diện trên chiến trường. Cho đến nay Ukraine mới nhận được tên lửa ATACMS "tầm trung".

Thượng Viện Hoa Kỳ hôm nay sẽ bỏ phiếu về khoản viện trợ 61 tỉ đô la của Mỹ cho Ukraine, cùng với các gói viện trợ khác cho Đài Loan, Israel…, đã được Hạ Viện bật đèn xanh trước đó hôm 20/04, sau 6 tháng bế tắc. Tổng thống Biden cam kết sẽ "nhanh chóng" phê chuẩn quyết định viện trợ nói trên sau khi Quốc hội lưỡng viện thông qua.

Trọng Thành

***********************

Bom bay đời mới của Nga : Thách thức lớn đối với Ukraine

Thùy Dương, RFI, 23/04/2024

Từ vài tháng trở lại đây, không quân Nga đã tăng cường cải tiến kho vũ khí đời cũ, đặt cược vào một loại vũ khí mới được cải tiến với tên gọi FAB-UMPK, bom bay được trang bị một thiết bị dẫn đường, để có thể tiến hành những vụ oanh kích có sức công phá mạnh hơn và xa hơn vào các thành phố và các chiến tuyến ở Ukraine, gây những thiệt hại nặng nề hơn cho đối phương, đồng thời giảm thiểu nguy cơ máy bay ném bom bị lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ.

uk3

Một trái bom FAB-500 lực lượng Nga thả xuống vùng Zaporijja của Ukraine, ngày 23/03/2023, nhưng không phát nổ. AP - Andriy Andriyenko

Nhưng bom bay không phải là loại vũ khí mới ? 

Đúng là bom bay không phải vũ khí mới của Nga. Thực ra đây là loại vũ khí có từ thời Liên Xô và đã được quân đội Liên Xô sử dụng trong chiến tranh Afghanistan vào những năm 1980. Hiện giờ các kho vũ khí của Nga còn nhiều bom bay được chế tạo từ thời Liên Xô. Các lực lượng Ukraine cũng đã sử dụng bom bay ngay từ đầu chiến tranh. 

Điểm mới đáng nói là quân đội Nga đã hiện đại hóa loại vũ khí này, lắp thêm đôi cánh và một thiết bị dẫn đường vào những trái bom sẵn có để chúng có thể bay xa hơn và nhắm trúng mục tiêu với độ chính xác cao. Hệ thống mới này được gọi là UMPK. 

Nhờ sự cải tiến này, phi công Nga không phải lái máy bay đến vùng trời phía trên mục tiêu và thả bom theo chiều thẳng đứng như thời Đệ Nhị Thế Chiến, mà có thể ném bom khi còn ở cách rất xa mục tiêu. Tầm bay của bom có thể lên tới 50-70km. Nhờ đó, oanh tạc cơ của Nga nằm ngoài tầm bắn chặn của tên lửa địa đối không của Ukraine.

Nga ngày càng hướng tới những trái bom bay cực kỳ lớn ?

Việc cải tiến bom bay đã được áp dụng cho các loại bom nhiều kích cỡ : FAB-250 (250kg), FAB-500 (500kg) hay FAB-1500 (1,5 tấn). Những trái bom FAB-1500 có thể chứa đến 675kg chất nổ TNT. Tuần báo Pháp L’Express ngày 14/04 trích dẫn Jean-Christophe Noel, cựu sĩ quan không quân, nhà nghiên cứu hợp tác với Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), cho biết, bom FAB-1500 đặc biệt phù hợp để oanh kích các mục tiêu tĩnh quy mô lớn, như một chốt chỉ huy, bunker hay kho vũ khí. 

Hồi tháng 03/2024, bộ trưởng quốc phòng Nga thông báo sẽ sản xuất hàng loạt bom FAB-3000, có khả năng mang tới 1,4 tấn thuốc nổ. 

Trong thời gian qua, Nga thường xuyên sử dụng bom bay để oanh kích Ukraine ?

Tuần báo Pháp Le Point ngày 30/03, cho biết, bom bay FAB - UMPK có sức công phá lớn hơn nhiều so với đạn pháo, thậm chí ngang bằng với sức công phá của tên lửa hành trình, nhưng có chi phí sản xuất thấp hơn. Chính vì thế, trong những tháng qua, Nga có xu hướng gia tăng việc sử dụng bom bay FAB - UMPK. Theo phía Ukraine, kể từ đầu năm 2024, Nga đã thả hơn 3.500 quả bom bay, nhiều gấp 16 lần so với năm ngoái và xu hướng này có thể tiếp tục. Theo France Info ngày 21/03, quân đội Nga khẳng định mỗi ngày thả 60-80 bom bay nhắm đến các mục tiêu của Ukraine. Báo chí Nga loan báo sản lượng bom bay FAB-1500 sẽ tăng gấp đôi trong năm 2024.

Bom bay FAB - UMPK khó bị đánh chặn ? 

Bộ thiết bị dẫn đường UMPK cho bom FAB không chỉ rẻ mà còn dễ chế tạo, nhưng lại có vai trò rất quan trọng, nhờ đó bom bay được cải tiến của Nga khó bị phát hiện và đánh chặn. Trên L’Express ngày 14/04, cựu phi công quân sự, chuyên gia hàng không Xavier Tytelman nhấn mạnh, bom bay FAB - UMPK "không hoạt động nhờ động cơ đẩy và không tỏa nhiệt" nên phòng không Ukraine phải dùng đến "những hệ thống hạng nặng được trang bị radar" mới phát hiện được mà đây lại là loại thiết bị Ukraine đang thiếu ở mặt trận. 

Do vậy, thách thức đối với lực lượng Ukraine là phải tiêu diệt được những oanh tạc cơ mà không quân Nga dùng để thả bom bay. Đó cũng chính một trong những lý do thúc đẩy tổng thống Volodymyr Zelensky liên tục kêu gọi phương Tây tăng cường cung cấp hệ thống phòng không tầm xa cho Ukraine. Ông nhấn mạnh : "Tôi sẽ không cho biết chúng tôi có bao nhiêu hệ thống Patriot. Nhưng tôi có thể nói rằng, trong tương lai, để bảo vệ toàn bộ Ukraine, chúng tôi nên có 25 hệ thống Patriot, mỗi hệ thống có từ 6 đến 8 bệ phóng".

Đâu là những khó khăn của Ukraine đối phó với oanh tạc cơ thả bom bay của Nga ?

Báo Le Figaro, thuộc sở hữu của tập đoàn Dassault, hãng chế tạo chiến đấu cơ Rafale của Pháp, ngày 26/03, nhấn mạnh là các lực lượng Ukraine đang phải đối mặt với một tình thế khó giải quyết và gây nhiều thương vong. Các hệ thống phòng không tầm ngắn của Ukraine, hiện được bố trí rải rác ở mặt trận, không đủ khả năng đánh chặn máy bay Sukhoi của Nga, vốn thường thả bom bay khi ở cách xa mặt trận vài chục km. Để đánh chặn, lực lượng phòng không Ukraine phải di chuyển những lá chắn phòng không giá trị nhất, đặc biệt là các hệ thống mà phương Tây viện trợ, đến gần máy bay của đối phương ở khoảng cách nguy hiểm cho chính họ. 

Theo giải thích hồi cuối tháng 03/2024 của một nguồn tin quân sự của Pháp với báo Le Figaro, "các hệ thống chiến lược này hiện giờ đang nằm trong tầm ngắm của lá chắn ISTAR (Intelligence, Surveillance, Target Acquisition & Reconnaissance - Tình báo, Giám sát, Thu thập Mục tiêu và Trinh sát) của Nga, với các bệ phóng tên lửa đa nòng Tornado-S, tương đương tên lửa Himars của Mỹ, có tầm bắn xa và chính xác". 

Còn theo trang tình báo nguồn mở Oryx, được Le Figaro trích dẫn, kể từ khi Nga chiếm được Avdiivka, Ukraine đã mất hai bệ phóng tên lửa Patriot của Mỹ và một bệ phóng tên lửa NASAMS của Na Uy. Đây là những thiết bị phòng không đặc biệt đắt đỏ và số lượng mà Kiev có được cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng nếu Ukraine giữ kỹ phía sau để bảo toàn các hệ thống phòng không này thì oanh tạc cơ của Nga sẽ có thể thoải mái hoạt động và thả bom bay. 

Ukraine sẽ phải sớm đối phó diện rộng với siêu bom bay FAB-3000 ?

Điều may mắn là hiện nay việc Nga đưa loại siêu bom bay FAB-3000 ra chiến trường Ukraine mới chỉ mang tính giả thuyết. Hiện giờ chưa có gì cho thấy bộ thiết bị dẫn đường UPMK có thể tương thích với những trái bom to nặng, cồng kềnh như FAB-3000. 

Một vấn đề khác, theo nhà nghiên cứu Matej Rafael Risko của Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình tại Praha, Cộng hòa Czech, là Nga phải có được loại máy bay đủ khả năng chở những tái bom nặng đến 3 tấn và nhất là có đường kính rất lớn. Máy bay tiêm kích - oanh tạc cơ được các lực lượng Nga sử dụng nhiều nhất là Sukhoi Su-34, có thể sẽ khó phù hợp để chở siêu bom FAB-3000. Chuyên gia Benjamin Gravisse nhận định với Le Figaro là ý tưởng này "có vẻ mù mờ nhưng cũng không nên loại trừ khả năng này". Tuy vậy, chuyên gia này ví von "Sukhoi Su-34 chở bom FAB-3000 cũng chẳng khác nào một chiếc xe Lada lại kéo một chiếc xe máy kéo". Benjamin Gravisse là tác giả blog Red Samovar chuyên về quân đội Nga, và cũng là người đóng góp vào tạp chí Phòng thủ và An ninh Quốc tế - Défense & Sécurité Internationale (DSI)

Nga có thể sẽ dùng đến oanh tạc cơ Tupolev Tu-22M3. Nhưng Moskva được cho là chỉ có khoảng 60 chiếc Tu-22M3 trong kho và loại máy bay này hiện giờ không còn được sản xuất. Vẫn theo chuyên gia Benjamin Gravisse, "với chiến lược của Không quân Ukraine, việc Nga đưa oanh tạc cơ Tupolev vào vùng chiến sẽ gặp nhiều nguy cơ, rủi ro lớn. Đó là chưa kể đến việc trong tương lai Mỹ sẽ giao oanh tạc cơ F-16 cho Kiev". Theo báo Pháp Le Point ngày 30/03, mỗi chiếc oanh tạc cơ Su-34 của Nga có thể chở theo 3 trái bom FAB- 1500, nhưng như vậy sẽ khiến chúng dễ bị các oanh tạc cơ của Mỹ đánh chặn. F-16 nhẹ và dễ điều khiển hơn so với Su-34. 

Và cuối cùng, nhà nghiên cứu Matej Rafael Risko của Trung Tâm Nghiên Cứu Hòa Bình phân tích là có rất ít khả năng Nga triển khai ồ ạt siêu bom bay FAB-3000, bởi "FAB-3000 không phải loại vũ khí rất hiệu quả". Liên Xô đã từng dùng loại này trên chiến trường Afghanistan (giai đoạn 1979 - 1989), gây thương vong trong vòng bán kính 39 mét và khiến nạn nhân trong vòng bán kính 158 mét mét bị thương (do mảnh vỡ, chấn thương khí áp…) và tạm thời mất khả năng chiến đấu. Nhưng khả năng phá hủy như vậy cũng không khác mấy so với các loại bom bay nhỏ hơn là FAB-500 và FAB-1500. 

Chính vì thế, trong giai đoạn này, việc Nga thả bom bay nặng 3 tấn còn xa mới là mối nguy thảm khốc nhất đối với Ukraine. Kiev chủ yếu lo ngại về chiều hướng Nga huy động ngày càng nhiều bom FAB-500 và FAB-1500 tấn công Ukraine. 

Thùy Dương

***************************

Liên Âu khẳng định tiếp tục hỗ trợ Ukraine nhưng không cam kết cụ thể

Anh Vũ, RFI, 23/04/2024

Sau khi Quốc hội Mỹ thông qua ngân khoản viện trợ hơn 60 tỷ đô la cho Ukraine, Liên Hiệp Châu Âu đã bảo bảo đảm tiếp tục hỗ trợ Kiev, nhưng không đưa ra cam kết cụ thể nào, nhất là về việc cung cấp vũ khí phòng không.

uk5

Một binh sĩ Lữ đoàn Lực lượng Đặc biệt số 12 Azov, thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine bắn đạn pháo về phía quân Nga, tại Donetsk, ngày 05/04/2024. Reuters - Sofiia Gatilova

Theo AFP, hôm qua, 22/04/2024, các lãnh đạo ngoại giao và quốc phòng của 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã họp tại Luxembourg, trong bối cảnh Hạ Viện Mỹ, sau nhiều tháng tranh cãi, hôm thứ Bảy 20/04 đã thông qua khoản viện trợ 60,8 tỷ đô la cho Ukraine.

Liên Hiệp Châu Âu đã có rất nhiều tuyên bố khẳng định hậu thuẫn Kiev nhưng không một quyết định cụ thể nào được đưa ra sau cuộc họp tại Luxembourg.

Tình hình Ukraine đang hết sức khẩn cấp, tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg đã lưu ý từ cuối tuần trước rằng cần phải cung cấp ngay hệ thống phòng không để bảo vệ các thành phố và hạ tầng cơ sở của Ukraine trước các cuộc không kích của Nga.

Tham dự cuộc họp qua video, ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kouleba nhấn mạnh với các bộ trưởng của Liên Âu, "giờ là lúc để hành động chứ không phải thảo luận".

Lãnh đạo ngoại giao Châu Âu, ông Joseph Borrell, chỉ cho biết chung chung rằng nhiều nước thành viên đã bày tỏ "sẵn sàng" cung cấp viện trợ dưới dạng đạn dược hoặc hệ thống phòng không. 

Ukraine đang gặp rất nhiều khó khăn để chống đỡ các cuộc tấn công của Nga, trên bộ cũng như trên không. Từ nhiều tháng nay, Kiev kêu gọi các nước đồng minh khẩn cấp gửi vũ khí đạn dược, đặc biệt là các hệ thống phòng không hiện đại.

Bộ trưởng quốc phòng Hà Lan, Kajsa Ollongren, tuyên bố, "cái mà chúng ta cần là hành động nhưng đôi khi cũng cần phải thảo luận trước khi hành động. Đó là điều chúng tôi đang làm hiện nay".

Trong số các nước Liên Âu có hệ thống tên lửa phòng không Patriot mà Ukraine đang rất cần, có Hà Lan, Đức, Thụy Điển, Ba Lan, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Rumani, theo thống kê từ các nguồn tin ngoại giao Châu Âu. Loại tên lửa đất đối không rất đắt tiền này có thể chống lại một cách hiệu quả các tên lửa siêu thanh mà Nga sử dụng tấn công Ukraine.

Tại cuộc họp hôm thứ Hai 22/04, Tây Ban Nha, qua lời ngoại trưởng José Manuel Albares, vẫn lảng tránh quyết định cụ thể, chỉ bảo đảm rằng Madrid "luôn luôn làm tất cả những gì có thể trong khả năng của mình" để giúp Ukraine.

Về phần mình, ngoại trưởng Ba Lan đánh giá có lẽ tốt hơn là nên xin "các nước Tây Âu" hơn là những nước gần với "chiến tuyến".

Đến giờ mới chỉ duy nhất có Đức đã thông báo chuyển bổ sung một hệ thống Patriot cho Kiev.

Theo Reuters, thủ tướng Anh, Rishi Sunak, trong chuyến thăm Ba Lan hôm nay dự kiến thông báo viện trợ bổ sung cho Ukraine 500 triệu bảng Anh (tương đương khoảng 600 triệu đô la Mỹ).

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Ukraine loan báo "vô hiệu hóa" tàu cứu hộ của hải quân Nga ở Biển Đen

Thanh Hà, RFI, 22/04/2024

Một ngày sau khi Hạ Viện Mỹ thông qua gói viện trợ 61 tỷ đô la giúp Ukraine đối mặt với chiến tranh, Kiev hôm 21/04/2024 loan báo Hải quân Ukraine đã vô hiệu hóa tàu Kommuna, ở Crimea. Đây là một chiếc tàu chiến "lâu đời nhất" của Nga. Trong khi đó, chính quyền tại Sevastopol do Nga dựng lên, tuyên bố đã đẩy lùi được một vụ tấn công bằng tên lửa chống hạm do Ukraine tiến hành.

kommura01

Tàu cứu hộ Kommuna tại quân cảng Sevastopol tháng 11/2020. Mikhail Shapovalov / Alamy via Reuters

Thống đốc Sevastopol, Mikhaïl Razvozhayev, công nhận đã có nhiều mảnh vỡ từ tên lửa rơi xuống một chiếc tàu đang hoạt động và gây ra hỏa hoạn, nhưng các đám cháy đã "nhanh chóng được dập tắt".

Trong thông cáo trên mạng xã hội X, phát ngôn viên Hải quân Ukraine Dmytro Pletenchuk thận trọng cho biết chưa thể thẩm định chính xác về mức hư hại đã gây cho con tàu cứu hộ của Nga, nhưng Kommuna dường như "là không thể tiếp tục làm nhiệm vụ".

Kommuna là một trong những chiếc tàu quân sự cuối cùng lâu đời nhất còn hoạt động. Chiếc tàu này bắt đầu phục vụ từ năm 1915, có trọng tải hơn 3000 tấn, có nhiệm vụ cứu hộ ở các vùng biển sâu và cứu hộ tàu ngầm hay tàu vận tải bị mắc nạn. Từ 1996 tàu Kommuna thường trực tại khu vực Biển Đen.

Chasiv Yar và Bohdanivka : thông tin trái chiều

Còn tại các khu vực ở miền đông Ukraine, từ chiều qua, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định đã "hoàn toàn giải phóng" Bohdanivka, một thị trấn với chưa đầy 100 dân cư trước chiến tranh. Bohdanivka cách thành phố lớn Chasiv Yar chừng 10 cây số nơi mà quân đội Nga đang quyết tâm đánh chiếm. Nhưng chỉ vài giờ sau đó thì phía Ukraine khẳng định vẫn đẩy lui được quân Nga khỏi Bogdanivka.

Về gói viện trợ hơn 60 tỷ đô la của Washington cho Kiev vừa được Hạ Viện Mỹ thông qua, điện Kremlin đánh giá khoản viện trợ này "không cho phép làm thay đổi tình thế trên chiến trận".

Trong cuộc họp cấp ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu ngày hôm 22/04/2024 tại Luxembourg, ngoại trưởng Litva khẳng định là Liên Âu không thể "ỉ lại vào Mỹ". Đức cũng cho rằng Liên Âu cần "tiếp tục đẩy mạnh các cuộc thảo luận tăng viện cho Ukraine nhất là trang bị thêm cho quốc gia này các phương tiện để bảo vệ bầu trời".

Thanh Hà

***************************

NATO đồng ý cấp thêm hệ thống phòng không cho Kiev

Anh Vũ, RFI, 20/04/2024

Hãng tin AFP dẫn thông báo của tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg hôm qua cho biết, các nước trong Liên minh đã đồng ý cung cấp bổ sung cho Ukraine các hệ thống phòng không trong đó có tên lửa Patriot.

uk1

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo khi kết thúc cuộc họp của Hội đồng NATO-Ukraine (NUC) tại trụ sở NATO ở Brusselles vào ngày 19/04/2024. AFP – Kenzo Tribouillard

Sau cuộc họp qua truyền hình giữa các bộ trưởng Quốc Phòng của NATO và tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Jens Stoltenberg thông báo "NATO đã kiểm tra các khả năng hiện có của Liên minh và thấy có nhiều hệ thống có thể chuyển cho Ukraine". Ông Stoltenberg xác nhận thêm, "ngoài các tên lửa Patriot, còn có các hệ thống vũ khí khác mà các nước đồng minh có thể cung cấp, trong đó có SAMP-Ts", hệ thống tên lửa đất đối không do Pháp-Ý chế tạo.

Tuy nhiên, lãnh đạo NATO không cho biết con số cụ thể. Mặt khác, một nhà ngoại giao của NATO xác nhận với AFP rằng không có một cam kết chính thức nào được đưa ra trong cuộc họp này.

Cũng trong cuộc họp này, tổng thống Volodymyr Zelensky một lần nữa khẩn thiết đề nghị NATO giao nhanh nhất có thể vũ khí cho Ukraine. Ông nói : "Chúng tôi không thể chờ đến khi các quyết định được đưa ra nữa. Tôi đề nghị các vị xem xét yêu cầu của chúng tôi càng sớm càng tốt".

Tổng thống Zelensky cũng thừa nhận : "Chừng nào Nga còn ưu thế trên không và có thể dựa vào sức mạnh khủng khiếp của drone và tên lửa, thì khả năng dưới mặt đất của chúng tôi đáng tiếc là vẫn còn hạn chế".

Từ nhiều tháng nay quân đội của Kiev thiếu thốn quân số và đạn dược trầm trọng, gặp khó khăn trong việc kháng cự lại quân đội Nga đang chiếm ưu thế trên chiến trường. Ukraine giờ gần như hết khả năng bảo vệ các thành phố và hệ thống hạ tầng cơ sở năng lượng, vốn bị Nga liên tục bắn phá trong những tuần qua.

Các lãnh đạo Ukraine liên tục khẩn thiết kêu gọi các đồng minh viện trợ thêm các hệ thống phòng không, trong đó đặc biệt có hệ thống tên lửa Patriot có khả năng chống lại hiệu quả nhất các loại tên lửa siêu thanh đang được Nga sử dụng. Tuy nhiên sự chia rẽ trong Châu Âu và nhất là tại Hoa Kỳ đã làm chậm lại các viện trợ quân sự cho Kiev.

Anh Vũ

***************************

Slovakia : Chính phủ không giúp Ukraine, người dân quyên góp tiền để viện trợ Kiev

Thùy Dương, RFI, 20/04/2024

Trong bối cảnh nội các thân Nga từ chối đóng góp cho chương trình gây quỹ "Đạn dược cho Ukraine" do CH Séc đề xướng, hàng chục ngàn công dân Slovakia đã quyết định đóng góp vào một chiến dịch mới để gây quỹ cộng đồng nhằm viện trợ quân sự cho nước láng giềng chống quân Nga xâm lược. 

uk2

Người dân cầm cờ Slovakia và Ukraine trong cuộc biểu tình ủng hộ Ukraine, sau cuộc gặp của ngoại trưởng Slovakia và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, tại Bratislava, Slovakia, ngày 12/03/2024. Reuters - Radovan Stoklasa

Từ Praha, thông tín viên trong khu vực, Alexis Rosenzweig, hôm 20/04 gửi về bài tường trình :

"Hơn hai triệu euro từ hơn 30.000 người quyên góp : sáng kiến ​​được đưa ra ch cách nay 4 ngày Slovakia đã thành công rc r và vượt xa ch tiêu đề ra ban đầu.

"Đạn dược cho Ukraine. Chúng tôi gửi cho họ mà không cần đến chính phủ". Đây là biểu ngữ của cuộc gây quỹ do tổ chức Hòa Bình Cho Ukraine phát động. Số tiền thu được sẽ dành để đóng góp vào dự án của chính quyền CH Séc nhằm hỗ trợ việc mua hàng trăm ngàn đạn pháo từ các nước thứ ba để cung cấp cho quân đội Ukraine hiện đang gặp khó khăn lớn trước quân xâm lược Nga.

Chính phủ của khoảng 20 nước đã chính thức thông báo khoản đóng góp vào kế hoạch của CH Séc, nhưng trong số đó lại không có chính phủ Slovakia, vốn là chính phủ liên minh có khuynh hướng thân Nga do Robert Fico lãnh đạo.

Chiến dịch quyên góp này, với sự ủng hộ của tổng thống mãn nhiệm, đã thu được số tiền nhiều hơn cả khoản đóng góp mà chính phủ Iceland đã loan báo. Chiến dịch này được tổ chức phối hợp với sáng kiến của CH Séc mang tên gọi "Quà tặng cho Putin". Một trong số các đợt quyên góp trước đây từng thu về vài trăm ngàn euro để mua xe rà phá bom mìn cho Ukraine".

Thùy Dương

*******************************

CIA : Ukraine có thể "thua" Nga trong năm 2024, nếu không được Mỹ hỗ trợ quân sự

Trọng Thành, RFI, 19/04/2024

Giám đốc cơ quan tình báo Mỹ CIA, Bill Burns, cảnh báo về nguy cơ Ukraine "thua" Nga, nếu không được Mỹ hỗ trợ thêm về quân sự. Tuyên bố được đưa ra hôm 18/04/2024, hai ngày trước cuộc bỏ phiếu tại Hạ Viện Mỹ, về khoản viện trợ quân sự hơn 60 tỉ đô la cho Ukraine, vốn bị trì hoãn từ cuối năm 2023.

uk3

Lửa bốc lên sau một vụ tấn công bằng tên lửa của Nga làm sáng cả một góc thành phố Kiev, Ukraine, ngày 21/03/2024. Reuters - Gleb Garanich

Theo AFP, phát biểu tại George W. Bush Center, ở Texas, Hoa Kỳ, giám đốc CIA dự báo, nếu "không có thêm hỗ trợ bổ sung, nguy cơ rất lớn là Ukraine sẽ thất bại trên chiến trường từ nay đến cuối năm 2024, hoặc ít nhất (tổng thống Nga) Putin sẽ có cơ hội ở thế thượng phong để áp đặt một giải pháp chính trị". Lãnh đạo CIA không cho biết cụ thể đối với Ukraine, "thua" Nga có nghĩa cụ thể là thế nào. 

Giám đốc cơ quan tình báo Mỹ CIA, Bill Burns, cũng nhấn mạnh, nếu được hỗ trợ bổ sung, người Ukraine sẽ đứng vững, "phá vỡ quan điểm kiêu ngạo của Putin là thời gian đang đứng về phía ông ta." 

Phát biểu của lãnh đạo CIA được đưa ra vào lúc chủ tịch Hạ Viện đảng Cộng hòa, ông Mike Johnson, đang chịu nhiều áp lực trong nội bộ, để không thông qua dự luật hỗ trợ Ukraine. Tối hôm qua, theo AP, Ủy ban Thẩm tra các Dự luật đã bỏ phiếu thông qua thủ tục đưa dự luật viện trợ quân sự cho Ukraine, cùng một số dự luật khác hỗ trợ Israel và Đài Loan, ra bỏ phiếu tại Hạ Viện. Ba dân biểu thuộc phái cánh cực hữu trong đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu chống. 

Về phía Nga, khả năng kháng cự gia tăng của Ukraine có thể buộc Moskva phải tính đến việc ra lệnh động viên quân một lần nữa.

Từ Moskva, thông tín viên Anissa El Jabri cho biết cụ thể : 

Từ mùa thu năm ngoái, điện Kremlin đã thể hiện thái độ tự tin, đắc thắng, và tỏ ra khinh thường mọi trợ giúp của phương Tây cho Ukraine, kể cả khoản viện trợ của Mỹ bị trì hoãn lâu nay, nhưng đang chuẩn bị được đưa ra bỏ phiếu. Trưa hôm qua, phát ngôn viên điện Kremlin phát biểu : "Vì các tranh chấp chính trị nội bộ, Washington đang tìm kiếm các ý tưởng mới để hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, tất cả các chuyên gia hoặc những người gần như là chuyên gia giờ đây đều hiểu rõ thực trạng chiến trường, và họ thấy rõ là những việc này không hề có lợi gì cho Ukraine, sẽ không mang lại thay đổi gì." 

Tuy nhiên, Điện Kremlin cũng theo dõi sát các tình hình quân sự, và rõ ràng là họ nỗ lực để tránh phải tiến hành một cuộc động viên mới lần thứ hai, bởi nhà cầm quyền hiểu rằng, nếu xảy ra, việc này sẽ rất gây mất lòng dân.

Hôm qua, tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg khẳng định NATO đang chuẩn bị để chuyển thêm các hệ thống phòng không mới cho Ukraine. Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, hy vọng là các quốc gia NATO có thể sẽ sớm viện trợ cho Ukraine 6 hệ thống phòng không Patriot.

Trọng Thành

****************************

Chiến tranh Ukraine : Oanh tạc cơ chiến lược đầu tiên của Nga bị rớt trên đường về căn cứ

Trọng Thành, RFI, 19/04/2024

Một oanh tạc cơ chiến lược Tupolev Tu-22M3 của Nga bị rớt tại miền nam nước Nga khi trên đường trở về căn cứ. Tình báo Ukraine hôm nay, 19/04/2024, cho biết oanh tạc cơ nói trên đã bị lực lượng phòng không nước này bắn hạ. Bộ Quốc Phòng Nga khẳng định đây dường như là một tai nạn do trục trặc kỹ thuật.

banha0

Không quân Ukraine xác nhận đã bắn hạ Chiến đấu cơ chiến lược Tupolev Tu-22M3 trong nội địa Nga. Ảnh minh họa - Russian Defence Ministry/AFP/File

Reuters dẫn lời cơ quan tình báo quân sự Ukraine, theo đó "lần đầu tiên các đơn vị thuộc lực lượng phòng không của binh chủng Không quân, phối hợp với ngành tình báo quốc phòng Ukraine, đã phá hủy một oanh tạc cơ tầm xa, mang tên lửa hành trình Kh-22, mà những kẻ khủng bố Nga sử dụng để tấn công nhiều thành phố Ukraine vô tội" . Theo tình báo Ukraine, oanh tạc cơ bị bắn hạ sau khi tiến hành một cuộc tấn công nhắm vào Ukraine.

Bộ Quốc Phòng Nga cho biết oanh tạc cơ Tupolev Tu-22M3 bị rớt tại vùng Stavropol, miền nam nước Nga, phía bắc vùng Kavkaz, cách Ukraine khoảng vài trăm cây số.

Theo báo chí Pháp, oanh tạc cơ Tupolev Tu-22M3, lần đầu tiên cất cánh năm 1976, hiện vẫn là một vũ khí chủ lực của không quân Nga. Phi cơ có tốc độ hơn 2.300 km/giờ, bay ở độ cao 13.000 km, rất khó bị bắn hạ. Tupolev Tu-22M3, có tầm hoạt động khoảng 7.000 km, cũng được coi "sát thủ tàu sân bay". Năm 2023, một oanh tạc cơ loại này ở căn cứ không quân Nga Solsy, miền tây bắc Nga, bị drone phá hủy.

Sân bay Nga ở Crimea bị oanh kích : Nhiều dàn phóng tên lửa S-400 bị phá hủy

Ngoài oanh tạc cơ nói trên, hôm qua, tình báo quân sự Ukraine cũng thông báo oanh kích thành công sân bay quân sự Nga ở Djankoi, bán đảo Crimea, phá hủy nhiều dàn phóng tên lửa S-400, nhiều trạm radar, và một trung tâm kiểm soát phòng không. Trên mạng Telegarm, một tài khoản gần gũi với quân đội Nga cho biết, Ukraine có thể đã sử dụng 12 tên lửa chiến thuật ATACMS, do Mỹ cung cấp, để tấn công căn cứ không quân này.

Theo chính quyền tỉnh miền trung đông Ukraine Dnipropetrovsk, hôm qua, Nga đã oanh kích nhiều cơ sở hạ tầng và nhà dân tại thủ phủ Dnipro, khiến 8 người chết và 25 người bị thương.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Hạ Viện Mỹ tách biệt các viện trợ cho Israel và cho Ukraine để biểu quyết

Chi Phương, RFI, 16/04/2024

Sau nhiều tháng trì hoãn, chủ tịch Hạ Viện Mỹ Mike Johnson hôm qua, 15/04/2024, cho biết sẽ tổ chức biểu quyết riêng biệt đối với các gói viện trợ cho "đồng minh Israel", cho Ukraine "để chống lại cuộc xâm lược của Nga" và các đồng minh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương (bao gồm Đài Loan).

uk1

Trụ sở Quốc hội Mỹ trên Đồi Capitol, Washington, ngày 08/09/2022. AP - Jacquelyn Martin

Hồi tháng 2, Thượng Viện Hoa Kỳ đã thông qua gói viện trợ trị giá 95 tỷ đô la cho Ukraine (60 tỷ đô la), Israel (14 tỷ đô la) và cho Đài Loan. Trong đó, gói viện trợ cho Kiev đã bị phe đối lập đảng Cộng hòa, chiếm đa số ở Hạ Viện, phản đối quyết liệt từ nhiều tháng qua.

Theo Reuters, chủ tịch Hạ Viện Mike Johnson, thuộc đảng Cộng hòa cho biết các gói viện trợ được đưa ra thảo luận lần này có nội dung gần tương đương với những gì mà Thượng Viện Mỹ đã thông qua, nhưng sẽ thêm một số điều khoản, ví dụ như viện trợ dưới hình thức cho vay hoặc dùng đến các tài sản của Nga bị đóng băng. Theo quy định, các gói viện trợ này cần phải được xem xét trong vòng 72 giờ ở Hạ Viện. Cuộc biểu quyết có thể được tổ chức muộn nhất là vào thứ Sáu tuần này.

Trong bối cảnh Iran tấn công Nhà nước Do Thái để trả đũa và Ukraine phải chịu thiệt hại nặng nề trước đà tiến của Nga, trả lời Reuters, ông Johnson nhận định : "Chúng tôi biết rằng thế giới đang theo dõi chúng tôi sẽ phản ứng ra sao, liệu Hoa Kỳ có đứng ra bảo vệ các đồng minh của mình và vì lợi ích của Hoa Kỳ trên toàn cầu hay không. Chúng tôi sẽ làm như vậy".

Tuy nhiên, dù có tách riêng, nhưng không rõ liệu các viện trợ này có được thông qua hay không. Bởi vì, theo Le Monde, nhiều nghị sĩ phe Cộng hòa phản đối tất cả các viện trợ cho Ukraine. Trong khi đó, một số nghị sĩ trong phe Dân chủ ngày càng bày tỏ quan ngại với chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza, không đồng ý viện trợ vũ khí cho Israel.

Khi thông báo biểu quyết về viện trợ cho Ukraine, ông Mike Johnson cũng phải đối mặt với đe dọa mất chức chủ tịch Hạ Viện. Trả lời báo chí Hoa Kỳ, trang National Public Radio, sau cuộc họp ngày hôm qua, nghị sĩ đảng Cộng hòa Marjorie Taylor Greene cho rằng "ông Johnson đã chọn sai hướng đi cho đất nước" và sẽ xem xét có nên bỏ phiếu bất tín nhiệm ông làm chủ tịch hay không.

Chi Phương

*************************

Hạ viện Mỹ có thể bỏ phiếu về viện trợ cho Ukraine, Israel trong tuần này

Reuters, VOA, 16/04/2024

Hạ viện Hoa Kỳ sẽ xem xét các dự luật riêng rẽ về viện trợ cho Israel và Ukraine trong tuần này, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, người thuộc đảng Cộng hòa, nói hôm thứ Hai 15/4, hơn hai tháng sau khi Thượng viện đã thông qua dự luật bao hàm cả hai nội dung đó.

uk2

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson

Ông Johnson nói rằng Hạ viện - với cán cân giữa hai đảng không chênh nhau nhiều - sẽ xem xét tổng cộng 4 dự luật trong đó cũng bao gồm vấn đề viện trợ cho Đài Loan, các đồng minh của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các ưu tiên an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Viện trợ của Mỹ đã bị trì hoãn do ông Johnson không sẵn lòng xem xét dự luật lưỡng đảng trị giá 95 tỷ đô la mà Thượng viện đã thông qua vào tháng 2, bao gồm 14 tỷ đô la cho Israel và 60 tỷ đô la cho Ukraine.

Ông Johnson cho hay các dự luật mới của Hạ viện cung cấp lượng viện trợ nước ngoài gần tương đương với dự luật của Thượng viện nhưng sẽ có một số điểm khác biệt, bao gồm một phần viện trợ sẽ dưới dạng tiền cho vay.

Đảng Cộng hòa đặt mục tiêu công bố nội dung sớm nhất là vào sáng 16/4 nhưng sẽ xem xét trong khoảng thời gian dài 72 giờ trước khi bỏ phiếu. Ông Johnson nói rằng cuộc bỏ phiếu thông qua có thể diễn ra trong tối thứ Sáu 19/4.

Sức ép đối với việc thông qua viện trợ trở nên cấp bách hơn sau khi Iran tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái hồi cuối tuần nhằm vào Israel, cho dù có sự phản đối gay gắt trong Quốc hội Mỹ bị chia rẽ sâu sắc.

3 trong số 4 dự luật mà ông Johnson đề cập đến sẽ bao gồm Ukraine, Israel và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hiện chưa rõ nội dung của dự luật thứ tư.

Ông Johnson hiện phải đối mặt với lời đe dọa từ những đảng viên Cộng hòa cực hữu là sẽ phế truất ông khỏi chức chủ tịch Hạ viện nếu ông để cho dự luận về viện trợ Ukraine có các bước tiến. Nhiều người cánh hữu, đặc biệt là những người liên minh chặt chẽ với cựu Tổng thống Donald Trump lâu nay vẫn hoài nghi về việc trợ giúp Kyiv trong cuộc chiến chống lại Nga, phản đối quyết liệt việc cấp thêm hàng tỷ đô la cho Ukraine.

Vấn đề này đang được ngành công nghiệp quốc phòng theo dõi chặt chẽ. Các nhà thầu quốc phòng của Hoa Kỳ có thể đang xếp hàng đợi nhận những hợp đồng lớn để cung cấp vũ khí, khí tài cho Ukraine và các đối tác khác của Hoa Kỳ nếu nguồn viện trợ bổ sung được thông qua. Những người ủng hộ viện trợ nhấn mạnh rằng việc thông qua dự luật về Ukraine sẽ tạo ra nhiều việc làm cho người Mỹ.

Ukraine hôm 15/4 lại kêu gọi các đồng minh thực hiện "những bước đi phi thường và táo bạo" để cung cấp các loại vũ khí phòng không nhằm giúp chống lại làn sóng không kích của Nga đánh vào hệ thống năng lượng của Ukraine trong những tuần gần đây.

Nguồn : VOA, 16/04/2024

*************************

Ukraine tăng cường lực lượng bảo vệ Tchasiv Yar

Thanh Hà, RFI, 15/04/2024

Tổng tư lệnh lực lượng Ukraine, tướng Oleksander Syrsky, hôm 14/04/2024 thông báo tăng viện, cấp thêm vũ khí cho binh sĩ tại Tchasiv Yar ở miền đông Ukraine vào lúc Nga muốn chiếm được thành phố chiến lược này trước ngày 09/05/2024, kỷ niệm 80 năm Liên Xô chiến thắng Đức Quốc Xã.

uk3

Lính tăng Ukraine Oleh, 26 tuổi, thuộc Lữ đoàn xe tăng 17, nhìn ra ngoài từ xe tăng T-64, trước trận chiến ở Chasiv Yar, 29/02/2024. AP - Efrem Lukatsky

Theo AFP và Reuters, trên mạng xã hội Facebook, tướng Syrsky tổng tư lệnh Ukraine cho biết "đã ban hành nhiều biện pháp nhằm tăng cường đáng kể, cung cấp thêm đạn dược, drone và các thiết bị quân sự cho các đơn vị đang chiến đấu tại điểm nóng Tchasiv Yar". Quyết định được đưa ra trong bối cảnh "tình hình ở khu vực miền đông Ukraine đang xấu đi nghiêm trọng", quân Nga "dồn dập tấn công vào Tchasiv Yar" với ý đồ chiếm được thành phố then chốt này trước ngày kỷ niệm 80 năm quân đội Liên Xô chiến thắng Đức Quốc Xã, ngày 9/5.

Ngoài ra, tổng tư lệnh Ukraine cũng cho biết thêm Nga đang tập trung nỗ lực để chọc thủng các đường phòng thủ ở phía đông thành phố Bakhmut, cách Tchasiv Yar khoảng 20 km và cách một thành phố lớn khác là Kramartosk chừng 30 km. Vẫn theo tướng Oleksander Syrsky, Nga đang tạo điều kiện để tiến sâu vào Kramatorsk.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Study of War) của Mỹ ghi nhận "khả năng quân Nga lợi dụng tình huống vào lúc Ukraine đang thiếu đạn dược và hệ thống phòng không thưa thớt để ghi được những bàn thắng quan trọng trên trận địa". Mỹ càng chậm trễ giao vũ khí cho Ukraine thì càng giúp cho quân Nga có nhiều cơ hội để tiến sâu vào lãnh thổ Ukraine.

Cùng ngày 14/04 tổng thống Volodymyr Zelensky báo động Moskva đang chuẩn bị "một đợt tấn công ở quy mô lớn vào cuối mùa xuân hay vào mùa hè sắp tới" và có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga nhắm vào vùng Donetsk ở miền đông Ukraine. Tại thành phố Siversk, Donetsk, trong đêm qua rạng sáng nay, ít nhất 4 thường dân thiệt mạng trong các đợt oanh kích.

Thanh Hà

Published in Quốc tế

Nga : Những người lính chiến đấu ở Ukraine được tôn vinh là anh hùng

Nga cấp thêm đãi ngộ đặc biệt cho lính đi chiến đấu ở Ukraine ; Hơn nửa triệu trẻ em không được đến trường ở Gaza ; Pháp thử nghiệm công nghệ giám sát an ninh bằng camera tích hợp thuật toán trong kỳ Thế Vận Hội ; Dịch bệnh sốt xuất huyết ở Nam Mỹ. 

putin1

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện với một người lính trong chuyến thăm một trung tâm huấn luyện quân sự ở Vùng Ryazan, Nga, ngày 20/10/2022 © Mikhail Klimentyev / AP

Tại Nga, trong tuần vừa qua, các phương tiện truyền thông Nga tiết lộ rằng những người tham gia vào chiến tranh Ukraine kể từ nay sẽ nhận được đãi ngộ đặc biệt khi đi máy bay, bên cạnh nhiều ưu tiên khác được đưa ra từ đầu cuộc chiến. Ở Nga, những người lính đi chiến đấu ở Ukraine được coi là anh hùng. Từ Moskva, thông tín viên Anissa el Jabri giải thích thêm :

"Ngày càng có nhiều người mặc quân phục tại các sân bay của Nga. Họ là quân nhân hoặc các tình nguyện viên đi nghỉ hoặc chuẩn bị đến các vùng chiến sự ở Ukraine. Có người kín tiếng, người thì cởi mở nói chuyện, họ đều biết là mình đang được hưởng những lợi ích nào, chẳng hạn như theo yêu cầu của chính phủ Nga, Cơ quan hàng không liên bang gửi công văn ghi rõ họ được hưởng dịch vụ ưu tiên.

Cụ thể là họ không cần xếp hàng khi làm thủ tục đăng ký và gửi hành lý, và có thể làm thủ tục kiểm tra an ninh trước tất cả mọi người hoặc được đăng ký đi một chuyến bay khác trong trường hợp chuyến bay của họ bị trễ hoặc bị hủy.

Các nhân viên cũng được yêu cầu xếp những ghế ngồi thoải mái nhất cho tất cả những ai mặc đồng phục, đặc biệt chú ý đến những hành khách này.

Cơ quan hàng không liên bang đã yêu cầu các công ty hàng không "có những trao đổi phù hợp với các nhân viên tại các sân bay và các phi hành đoàn". Có thể nói rằng tất cả những đãi ngộ đặc biệt này được đưa ra sau nhiều sự cố, một số trường hợp không có gì đáng nói cả, nhưng một số trường hợp khác thì lại có vẻ nghiêm trọng, cho thấy bầu không khí hiện nay, ví dụ trường hợp của một binh lính trở về từ Ukraine, bị cáo buộc hút thuốc trong nhà vệ sinh của máy bay. Theo thủ tục thông thường, người này đã bị trục xuất khỏi máy bay và bị cảnh sát phạt. Trong bối cảnh nước Nga hiện nay, đây là một sai lầm nghiêm trọng trong cách xử lý. Vụ việc đã được trình lên lãnh đạo cao nhất của Ủy ban điều tra, Alexandre Bastrykine, thường chỉ quan tâm đến những vụ việc lớn, chẳng hạn như vụ khủng bố tại nhà hát Crocus ở Moskva. Alexandre Bastrykine đã ra lệnh mở cuộc tố tụng hình sự đối với những người đã trục xuất người lính đó ra khỏi máy bay.

Phản ứng này, nói chung là những khuyến nghị này minh họa cho những gì đang xảy ra ở Nga từ nhiều tháng qua. Một khế ước xã hội đã được điều chỉnh : tôn vinh hùng người lính chiến đấu ở Ukraine như là những anh hùng. Theo chính quyền Nga, đó là những anh hùng mà xã hội Nga phải tỏ lòng tôn kính, ngay cả trong những khoẳng khắc đời thường nhất, dù họ có những hành động, cử chỉ nào đi chăng nữa".

Tại Nga, con cái của những người lính đi chiến đầu ở Ukraine cũng nhận được nhiều đãi ngộ đặc biệt, chẳng hạn như có chỗ ưu tiên tại các trường đại học, ngay cả tại những trường danh giá. Hồi đầu tháng này, 02/04, Quốc hội Nga đã thông qua một luật cấm sa thải những người trở thành góa phụ do chiến tranh Ukraine, vào năm mà họ mất chồng. Trước đó, lệnh cấm chỉ liên quan đến những phụ nữ có con nhỏ dưới 3 tuổi hoặc mẹ đơn thân có con dưới 14 tuổi, hoặc con bị khuyết tật dưới 18 tuổi.

Hơn 600 000 trẻ không được đến trường từ khi chiến tranh nổ ra

Liên quan đến cuộc chiến ở Gaza, sau 6 tháng chiến tranh, các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas vẫn bế tắc. Quốc tế vẫn tiếp tục thúc giục Israel mở cửa cho phép chuyển nhiều viện trợ vào Gaza, nơi mà những người Palestine đang cận kề nạn đói. Chính quyền Hamas thường xuyên cập nhật số liệu về thương vong và thiệt hại ở dải đất hơn 2 triệu dân. Israel đã rút quân ở một số khu vực nhưng vẫn tiếp tục các chiến dịch tấn công nhằm tiêu diệt Hamas. Kể từ đầu cuộc chiến cho đến nay, theo UNICEF, khoảng 635 000 trẻ em trong độ tuổi đến trường không được đến lợp một buổi nào.

Thông tín viên Rami Al Meghari từ Gaza và Sami Boukhelifa, từ Jerusalem, cho biết thêm thông tin :

 "Tại dải Gaza, hiện gần như chỉ còn toàn đống đổ nát. 300 trường học, dù là trường trung học, đại học đều không còn hoạt động. Các cơ sở giáo dục đã bị phá hủy hoặc trở thành nơi lánh nạn của người dân. Line năm nay 12 tuổi. Ngày cuối cùng cô đến trường là từ tháng 10 năm ngoái, hồi đầu cuộc chiến. Cô bé nói : ‘Cháu nhớ trường lớp. Cháu muốn quay trở lại trường và gặp lại bạn bè, giáo viên. Cháu nhớ cảm giác được cầm bút và có thể viết, nhớ lúc mở sách ra và đọc. Cháu cũng rất muốn có thể làm những điều như vậy’. Bên cạnh Line là anh trai của cô, Saleh, một học sinh trung học. Saleh cho biết : ‘Trước kia, chúng tôi có thể sống đúng nghĩa. Chúng tôi có một căn nhà, chúng tôi không thiếu thốn gì. Nhưng nay, chúng tôi sống dưới một căn lều, thay vì đến trường, đi học, để có tương lai, chúng tôi dành thời gian hàng ngày để dọn dẹp, đi các chặng đường dài vác các bình nước, để có nước uống. Chúng tôi đã mất tất cả. Ở đây, mọi thứ đã bị phá hủy’. Tại Gaza, theo UNICEFF, 300 cơ sở giáo dục, tương đương với 92% không còn hoạt động được nữa".

Pháp thử nghiệm công nghệ giám sát an ninh tại Thế Vận Hội

Về thời sự nước Pháp, gần 100 ngày trước Thế Vận Hội Paris 2024, một báo cáo của Thượng Viện Pháp được công bố hôm thứ Tư, 10/04 vừa qua, chỉ ra rằng Pháp có thể "giành huy chương vàng về an ninh" tại sự kiện này. Theo AFP, đây sẽ là lần đầu tiên Pháp thử nghiệm giám sát video bằng thuật toán (VSA). Được Quốc hội Pháp chấp thuận vào năm ngoái, các camera đặc biệt này được tích hợp phần mềm phân tích hình ảnh. Không chỉ giám sát về giao thông, tại khu vực công cộng, nhà ga mà loại công nghệ này cũng có thể cho phép xác định các đợt bùng phát hỏa hoạn, sự di chuyển của đám đông, đồ thất lạc, hoặc sự hiện diện của phương tiện hoặc người trong khu vực cấm…

Hiện vẫn chưa rõ Paris sẽ lắp đặt bao nhiêu camera nhưng việc triển khai công nghệ này bị chỉ trích mạnh mẽ bởi các hiệp hội bảo vệ quyền tự do cá nhân, đặc biệt là với khả năng "nhận dạng khuôn mặt", theo Katia Roux, nhà hoạt động tại Tổ chức Ân xá Quốc tế Pháp, được AFP trích dẫn. Bà Katia cũng nhấn mạnh rằng "không có các đánh giá độc lập, minh bạch, chỉ ra hiệu quả của các loại công nghệ như vậy trong việc giảm tội phạm hay chống khủng bố". Bà nhắc lại rằng Thế Vận Hội 2012 ở Luân Đôn, ban tổ chức cũng đã triển khai các công nghệ giám sát, có cả nhận diện khuôn mặt, và sau sự kiện, các loại công nghệ này vẫn ở đó.

Về phần mình, bộ Nội Vụ Pháp khẳng định rằng các công ty phụ trách lắp đặt, triển khai loại công nghệ này đều không nêu ra khả năng nhận diện khuôn mặt hay biển số xe…

Dịch sốt xuất huyết lan rộng ở Châu Mỹ

Về thời sự Châu Mỹ, gần đây, nhiều nước Nam Mỹ như Brazil, Paraguay hay Achentina, theo AFP, đang phải đối mặt với dịch sốt xuất huyết trầm trọng, Trong vòng 3 tháng đầu năm, các cơ quan y tế tại khu vực đã ghi nhận 3,5 triệu ca nhiễm, hàng ngàn người tử vong do loại virus lây truyền qua vết đốt của muỗi mang mầm bệnh. Trong một báo cáo hồi đầu tháng Tư, Tổ chức Y tế Liên Mỹ đã kêu gọi các nước trong khu vực có hành động tập thể, cùng diệt trùng, xử lý các nơi muỗi sinh sản, tăng cường năng lực của các dịch vụ y tế, để chẩn đoán sớm và điều trị nhanh chóng, đồng thời giáo dục công chúng cách phòng ngừa và xác định các triệu chứng.

Tại Argentina, mùa hè nóng bức ẩm ướt là điều kiện lý tưởng cho muỗi phát triển. Đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết năm nay được cho là "kỷ lục", với hơn 230 000 người nhiễm bệnh. Quốc gia Nam Mỹ này cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu các sản phẩm diệt muỗi, chống muỗi. Chính phủ của Javier Milei ngày càng nhận nhiều chỉ trích vì thiếu hành động chống dịch.

Từ thủ đô Buenos Aires, thông tín viên Théo Conscience tường trình :

"Trên cửa kính của một hiệu thuốc tại trung tâm Buenos Aires, một tấm biểu được treo lên ghi bằng chữ in hoa : "Ở đây không có thuốc chống muỗi". Dược sĩ tại hiệu thuốc giải thích : "Chúng tôi không có bởi vì không có cách nào để nhập được hàng. Chúng tôi làm việc với ba nhà cung cấp nhưng cả ba đều không có hàng từ hơn một tháng qua". Ông Eloy Garnica quản lý hiệu thuốc này, bày tỏ bất bình trước sự thụ động của chính phủ khi phải đối mặt với dịch sốt xuất huyết đang hoành hành hiện nay, thiếu các chương trình phòng ngừa. Ông nói : "Chúng tôi không có bất cứ thông tin nào. Hôm trước, tôi nghe bộ trưởng Y Tế phát biểu, phải nói rằng tôi thấy rất xấu hổ vì những gì ông ta nói".

Vào tuần trước, bộ Y tế Argentina chỉ đề xuất người dân tránh mặc quần cộc, áo ngắn tay để tự bảo vệ khỏi bị muỗi cắn. Chính phủ cũng dỡ bỏ thuế nhập khẩu thuốc chống muỗi để giải quyết tình trạng thiếu hàng, nhưng đối với cô Sara, hiện đã đi khắp các cửa hàng để tìm thuốc, thì những hành động của chính phủ là chưa đủ. Cô nói : "Đối với tôi, Nhà nước cần phải hiện diện nhiều hơn. Các bệnh viện đã quá tải. Người ta phải đợi 5 tiếng khi đi đến khu cấp cứu và rồi lại bị trả về nhà. Chính phủ không làm gì cả, phải nói rằng họ không quan tâm".

Chính phủ Argentina cũng từ chối đưa thuốc của viện nghiên cứu Takeda vào chiến lược tiêm chủng quốc gia, mặc dù loại thuốc này đã được cơ quan y tế phê duyệt và được sử dụng ở Brazil. Trước tình trạng Nhà nước thiếu hành động, nhiều tỉnh của Achentina đã tự mua thuốc và bắt đầu phân phát miễn phí cho người dân.

Hồng Kông trục xuất đại diện của tổ chức Phóng viên không biên giới

Nhìn sang Châu Á, vài tuần sau khi chính quyền đặc khu hành chính thân Bắc Kinh tăng cường Luật an ninh quốc gia, được cho là để chống lại "các đe dọa từ nước ngoài", một đại diện của tổ chức Phóng viên Không biên giới đã bị trục xuất khỏi Hồng Kông hôm thứ Tư vừa qua.

Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy, cho biết thêm thông tin : "Vài phút sau khi Cedric Alviani, phụ trách khu vực Châu Á của tổ chức Phóng viên Không biên giới qua khu vực hải quan mà không gặp bất cứ vấn đề gì, thì ông nhận được thông báo bà Aleksandra Bielakowska, mang quốc tịch Bồ Đào Nha, giám đốc của tổ chức phi chính này, đã bị giữ lại. Ông Alvani cho biết : "Tôi nghĩ rằng lý do duy nhất mà bà Aleksandra mà không phải tôi bị nhắm vào là vì bà ấy đến dự phiên xử của Lê Trí Anh (Jimmy Lai) và truyền thông cũng nhắc đến tên của bà. Tôi cũng không biết luật Hồng Kông ra làm sao, liệu họ có lập một danh sách đen những người không được chào đón và đưa cho hải quan hay không, và yêu cầu phải thông báo với cơ quan an ninh quốc gia nếu gặp vấn đề gì" 

Sau vài phút kiểm tra kỹ lưỡng và màn thẩm vấn kỹ lưỡng, Aleksandra Bielakowska đã phải ký một văn bản chỉ ra rằng bà ấy đã bị giữ lại tại cửa khẩu, và bị trục xuất, một vài giờ sau đó, bà được đưa trở lại máy bay. Bà nói : "Họ đã đưa tôi trở lại máy bay và đưa giấy tờ của tôi cho phi hành đoàn và bảo rằng tôi không được giữ chúng cho đến khi hạ cánh ở Đài Loan. Trong chuyến bay, phi hành đoàn rất tử tế với tôi, nhưng trước khi lên máy bay, tôi bị đối xử như một tội phạm". 

Từ vài năm qua, Hồng Kông đã từ chối nhập cảnh đối với nhiều nhà nghiên cứu (có cả người Pháp), những nhà bảo vệ nhân quyền hoặc ít nhất là một nhà báo Nhật Bản. Chính quyền từ chối giải thích các vụ trục xuất này một cách có hệ thống".

Chi Phương

Published in Quốc tế

Mỹ : Trung Quốc đang giúp Nga phát triển công nghiệp quân sự

Thanh Phương, RFI, 13/04/2024

Trung Quốc đang giúp Nga phát triển công nghiệp quân sự với quy mô lớn nhất kể từ thời Liên Xô và với tốc độ lớn hơn mức mà Hoa Kỳ nghĩ là có thể, kể từ khi Moskva bắt đầu cuộc chiến xâm lược Ukraine. Đó là cảnh báo của một quan chức cao cấp của Mỹ hôm qua, 12/04/2024. 

nga1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Moskva ngày 20/03/2023. AFP – Sergei Karpukhin

Theo hãng tin AFP, quan chức này thúc giục Bắc Kinh thay vì tiếp sức cho Moskva nên đóng "vai trò mang tính xây dựng" trong cuộc xung đột Ukraine. Ông nói thêm : "Chúng tôi hy vọng các đồng minh của chúng tôi sẽ tham gia cùng chúng tôi". Washington đặc biệt hy vọng các nước Châu Âu sẽ gây áp lực với Trung Quốc để Bắc Kinh giảm bớt hỗ trợ quân sự cho Nga. Lời kêu gọi này được đưa ra vào lúc thủ tướng Đức Olaf Scholz đến Bắc Kinh hôm nay, mở đầu trong chuyến thăm ba ngày. Đức có mối quan hệ kinh tế rất chặt chẽ với Trung Quốc.

Một quan chức cao cấp khác của Mỹ nêu lên việc Moskva mua với số lượng lớn các linh kiện điện tử, máy công cụ và chất nổ của Trung Quốc, đồng thời khẳng định "các công ty Trung Quốc và Nga đang hợp tác để cùng sản xuất drone" trên đất Nga.

Cả hai quan chức Mỹ nói trên đều xin miễn nêu tên.

Theo hãng tin AFP, những thông tin mà chính quyền Biden nắm được cho thấy trong ba tháng cuối năm 2023, "hơn 70% lượng máy công cụ nhập khẩu của Nga là đến từ Trung Quốc", nhờ vậy mà Nga đã có thể tăng cường sản xuất tên lửa đạn đạo.

Các quan chức cao cấp của Mỹ được trích dẫn còn cho biết các tập đoàn của Trung Quốc đã cung cấp các hệ thống quang học được sử dụng chẳng hạn như trong các xe tăng của Nga. Bắc Kinh cũng cung cấp cho Nga các động cơ của drone và hệ thống đẩy cho tên lửa hành trình, cũng như nitrocellulose, một vật liệu được Nga sử dụng để chế tạo đạn pháo. 

Một quan chức cao khác cấp của Mỹ cho rằng : "Một trong những cách mang tính chất quyết định nhất để giúp Ukraine hiện nay là thuyết phục Trung Quốc ngừng giúp Nga xây dựng lại công nghiệp quân sự của họ". 

Trong thời gian qua, Hoa Kỳ đã liên tục cảnh báo Bắc Kinh và vấn đề hỗ trợ quân sự cho Nga đã là một trong những chủ đề thảo luận trong cuộc đối thoại gần đây giữa tổng thống Joe Biden với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 

Trong khi đó Hoa Kỳ và Anh hôm 12/04/2024 đã cùng mở rộng lệnh cấm nhập khẩu kim loại của Nga, nhằm làm suy giảm nguồn thu quan trọng của Nga sau cuộc xâm lược Ukraine năm 2022. Bộ Tài chính Mỹ thông báo kể từ nay cấm nhập khẩu nhôm, đồng và niken có nguồn gốc từ Nga vào Hoa Kỳ, đồng thời hạn chế việc sử dụng các kim loại đó trên các sàn giao dịch kim loại toàn cầu, dựa trên các hành động trước đây của chính phủ Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.

Theo Bộ Tài Chính Mỹ , thông báo này có nghĩa là các sàn giao dịch kim loại như Sàn giao dịch kim loại Luân Đôn và Sàn giao dịch hàng hóa Chicago sẽ bị cấm chấp nhận bất kỳ nhôm, đồng và niken mới nào do Nga sản xuất. Theo tuyên bố của chính phủ Anh, kim loại là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Nga sau năng lượng, tuy giá trị xuất khẩu của những mặt hàng này đã giảm từ 25 tỷ đôla vào năm 2022 xuống còn 15 tỷ đôla vào năm ngoái.

Thanh Phương

***************************

Ukraine : Tình hình tại mặt trận miền Đông đang "xấu đi nghiêm trọng"

Thanh Hà, RFI, 13/04/2024

Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrsky ngày 13/04/2024 báo động quân đội Nga đang "dồn dập tấn công" và "trong những ngày qua tình hình đã xấu đi rất nhiều" trên mặt trận miền Đông. Các đơn vị của Nga với sự yểm trợ của những thiết giáp đang tấn công vào các vị trí của quân Ukraine tại các vùng Lyman, Bakhmut và Pokrovsk.

nga2

Thị trấn Lyptsi vùng Kherson sau đợt oanh kích đêm 10/04/2024 via Reuters – Oleh Syniehubov / Telegram

Vẫn theo tổng tư lệnh Oleksandr Syrsky, được AFP trích dẫn, Nga đang triển khai thêm nhiều đơn vị thiết giáp mới để giành được ưu thế trên trận địa. Riêng thành phố Tchassiv Yar "liên tục bị oanh kích". Tchassiv Yar ở miền đông Ukraine, cách Kramatosk 30 km về hướng đông nam, là một thành phố lớn có vai trò quan trọng về hậu cần đối với quân đội Ukraine. 

Về phía Nga, từ cuối tháng 3/2024, Moskva tập trung đánh vào hệ thống điện lực của Ukraine. 80% các nhà máy nhiệt điện Ukraine và hơn một nữa các nhà máy thủy điện bị tấn công. Bộ Năng lượng Ukraine nói đến những thiệt hại chưa từng thấy từ đầu chiến tranh đến nay.

Thông tín viên RFI Stéphane Siohan từ Kiev tường thuật từ một nhà máy điện của Ukraine đã hoàn toàn bị hư hại :

"Hôm 22/3 vừa qua, lúc 5 giờ sáng, Yevhen người điều hành nhà máy đang có mặt tại phòng điều khiển. Tám tên lửa của Nga trút xuống nhà máy nơi ông công tác từ 20 năm qua. Yevhen kể lại ‘khi thấy khu vực đầu tiên trong nhà máy ngừng hoạt động, tôi tự nhủ là phải chạy đi ngay. Tên lửa rơi đúng ngay vào các tur-bin, gây ra hỏa hoạn và tàn phá tất cả. Hệ thống điện lực của cả nước hoàn toàn kết nối với nhau và sau đợt tấn công hôm 22/3, một vụ khác ngày 29, rồi lại một vụ khác nữa hôm 11/4, sản xuất điện của Ukraine bị chựng lại. Hiện tại các nhà máy nhiệt điện mất một nửa công suất và không thể khắc phục được những mất mát này’.

Hầu như tất cả các nhà máy điện sử dụng than đá và khí đốt trên toàn quốc đều bị hư hại và hệ thống cung cấp điện của Ukraine có nguy cơ sụp đổ. Bà Halyna, đặc trách về truyền thông của nhà máy, cho rằng ưu tiên giờ đây là sửa chữa, cứu vãn những gì còn có thể cứu được. Bà đánh giá ‘để một trung tâm điện lực có thể hoạt động trở lại đòi hỏi nhiều thời gian, có thể là từ 6 đến 18 tháng và thậm chí phải mất hai năm. Tất cả tùy thuộc vào khả năng tìm được các thiết bị và kể cả vào khả năng phòng không của Ukraine. Chúng tôi cứ sửa chữa, khắc phục hậu quả, thế nhưng nếu các cơ sở thiết yếu của Ukraine không được bảo vệ thì cũng vô ích. Chúng tôi cần được bảo đảm là một khi các toán kỹ sư khắc phục được hậu quả thì nhà máy phải tiếp tục sản xuất điện’.

Giờ đây các giới chức Ukraine kêu gọi phương Tây cung cấp thêm những phương tiện để bảo vệ bầu trời, tránh để toàn bộ ngành năng lượng của Ukraine hoàn toàn bị phá hủy".

Thanh Hà

**************************

Ukraine có thể thua trong năm 2024 - tướng Anh cảnh báo

Frank Gardner, BBC, 13/04/2024

Cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Lực lượng Hỗn hợp của Vương quốc Anh cảnh báo Ukraine có thể phải đối mặt với thất bại trước quân Nga trong năm 2024.

nga3

Người Ukraine đã chống lại cuộc xâm lược toàn diện của Nga trong hơn hai năm

Đại tướng về hưu Sir Richard Barrons nói với BBC rằng có "nguy cơ lớn" Ukraine sẽ thua trong cuộc chiến năm nay.

Ông nói lý do là "vì Ukraine có thể cảm thấy họ không thể thắng".

"Và đến lúc đó, tại sao binh lính lại muốn chiến đấu và hy sinh nữa, chỉ để bảo vệ những thứ không thể giữ được ?"

Ukraine vẫn chưa ở vào thời điểm đó.

Nhưng quân đội nước này đang cạn kiệt nghiêm trọng về đạn dược, binh lính và hệ thống phòng không. Cuộc phản công được ca ngợi nhiều vào năm ngoái đã thất bại trong việc đánh bật quân Nga khỏi vùng đất bị chiếm giữ và hiện Moscow đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào mùa hè.

Cuộc tấn công của Nga sẽ như thế nào và có mục tiêu chiến lược là gì ?

"Hình hài cuộc tấn công sắp tới của Nga là khá rõ ràng", Đại tướng Barrons nói.

"Chúng ta đang thấy Nga tấn công mạnh ở tiền tuyến, tận dụng lợi thế 5 chọi 1 về pháo binh, đạn dược và nguồn nhân lực dồi dào được tăng cường nhờ sử dụng vũ khí mới".

Những vũ khí này bao gồm bom lượn FAB, một loại "bom ngu" từ thời Liên Xô được cải tiến và trang bị cánh tản nhiệt, thiết bị dẫn đường GPS và 1.500kg chất nổ mạnh, đang tàn phá hệ thống phòng thủ của Ukraine.

"Vào một thời điểm nào đó trong mùa hè này, chúng ta dự kiến sẽ thấy một cuộc tấn công lớn của Nga, với mục tiêu không chỉ là đột kích mạnh để giành những thắng lợi nhỏ mà là tìm cách chọc thủng các phòng tuyến của Ukraine", Đại tướng Barrons nói.

"Và nếu điều đó xảy ra, sẽ có nguy cơ lực lượng Nga chọc thủng phòng tuyến và sau đó thọc sâu vào các khu vực của Ukraine nơi lực lượng vũ trang Ukraine không thể ngăn cản họ".

Nhưng Nga sẽ tấn công ở đâu ?

Năm ngoái, quân đội Nga đã biết chính xác địa điểm lực lượng Ukraine có khả năng phản công - từ hướng Zaporizhzhia về phía nam tới Biển Azov. Họ đã lên kế hoạch phù hợp và ngăn chặn thành công cuộc tiến công của Ukraine.

Bây giờ tình thế đã ở một chiều hướng khác khi Nga thì tập trung lực lượng còn Kyiv thì đang phải đoán xem đối phương sắp tấn công ở đâu.

nga4

"Một trong những thách thức mà Ukraine phải đối mặt là quân đội Nga có thể chủ động chọn nơi họ triển khai lực lượng", tiến sĩ Jack Watling, nhà nghiên cứu về chiến tranh trên bộ tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nói.

"Đường chiến tuyến rất dài và quân Ukraine cần phải có khả năng phòng thủ được trên toàn bộ tuyến đầu ấy".

Điều mà họ đương nhiên không thể.

"Quân đội Ukraine sẽ thất thế", tiến sĩ Watling nói. "Câu hỏi đặt ra là : thất thế tới mức nào và những khu dân cư nào sẽ bị ảnh hưởng ?"

Rất có thể Bộ Tổng tham mưu Nga vẫn chưa xác định rõ đâu là hướng tấn công chính của họ. Nhưng họ có thể nhằm vào ba khu vực rộng lớn.

Kharkiv

"Kharkiv chắc chắn dễ bị tổn thương", tiến sĩ Watling nhận định.

Là thành phố lớn thứ hai của Ukraine, nằm gần biên giới Nga tới mức nguy hiểm, Kharkiv là một mục tiêu hấp dẫn đối với Moscow.

Thành phố hiện đang chịu các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga mỗi ngày, trong khi Ukraine không có đủ lực lượng phòng không để ngăn chặn sự kết hợp chết người giữa thiết bị bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo nhằm vào thành phố này.

nga5

Nga tấn công Kharkiv hằng ngày bằng thiết bị bay không người lái, tên lửa và pháo

"Tôi nghĩ rằng cuộc tấn công năm nay sẽ có mục tiêu đầu tiên là vượt ra khỏi vùng Donbas và nhắm tới Kharkiv, cách biên giới Nga khoảng 29 km, một mục tiêu lớn", Đại tướng Barrons nói thêm.

Ukraine vẫn chịu đựng được nếu Kharkiv sụp đổ ? Đúng, các nhà phân tích nói, nhưng đó sẽ là một đòn thảm khốc đối với cả tinh thần và nền kinh tế của nước này.

Vùng Donbas

Khu vực miền đông Ukraine được gọi chung là Donbas đã xảy ra chiến tranh kể từ năm 2014, khi phe ly khai được Moscow hậu thuẫn tự xưng họ là các nước "cộng hòa nhân dân".

Vào năm 2022, Nga đã sáp nhập bất hợp pháp hai tỉnh thuộc vùng Donbas là Donetsk và Luhansk. Đây là nơi hầu hết các cuộc giao tranh trên bộ đã diễn ra trong 18 tháng qua.

Điều gây tranh cãi là Ukraine đã thực hiện những nỗ lực lớn, cả về nhân lực và nguồn lực, để trước tiên cố gắng giữ thị trấn Bakhmut và sau đó là Avdiivka.

Họ đã mất cả hai thị trấn này, cũng như một số lực lượng chiến đấu tốt nhất của mình, trong nỗ lực ấy.

Kyiv nói rằng sự phản kháng của họ đã gây thương vong lớn cho quân Nga.

Đúng vậy, những trận chiến ở vùng này được mệnh danh là "máy xay thịt".

Nhưng Moscow có nhiều quân lính hơn để tham gia cuộc chiến - còn Ukraine thì không.

Tuần này, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Châu Âu, Đại tướng Christopher Cavoli, cảnh báo rằng nếu Mỹ không gửi thêm vũ khí và đạn dược tới Ukraine thì lực lượng Kyiv sẽ bị áp đảo về hỏa lực với tỷ lệ 10 :1 trên chiến trường.

Quân số là vấn đề quan trọng. Chiến thuật, khả năng lãnh đạo và trang bị của quân đội Nga có thể kém hơn Ukraine, nhưng họ có ưu thế về quân số, đặc biệt là pháo binh. Năm nay nếu không làm gì khác thì họ sẽ cứ việc tiếp tục đẩy lùi lực lượng Ukraine về phía tây, chiếm hết làng này đến thôn khác.

Zaporizhzhia

Đây cũng là một phần thưởng hấp dẫn đối với Moscow.

Thành phố miền nam Ukraine với hơn 700.000 dân (trong thời bình) nằm sát chiến tuyến Nga một cách nguy hiểm.

Đây cũng là một cái gai đối với Nga vì đây là thủ phủ của một tỉnh cùng tên mà Nga đã sáp nhập bất hợp pháp, tuy nhiên thành phố này vẫn tự do trong quyền kiểm soát của Ukraine.

Nhưng hệ thống phòng thủ đáng gờm mà Nga đã xây dựng ở phía nam Zaporizhzhia vào năm ngoái, khi họ dự báo chính xác về cuộc phản công của Ukraine, giờ đây sẽ khiến cuộc tiến công của Nga từ phía này thêm đa dạng.

Cái gọi là Phòng tuyến Surovikin, bao gồm ba lớp phòng thủ, được bao quanh bởi bãi mìn lớn và dày đặc nhất trên thế giới. Nga có thể dỡ bỏ một phần bãi mìn nhưng sự chuẩn bị của họ có thể sẽ bị phát hiện.

Mục tiêu chiến lược của Nga năm nay thậm chí có thể không phải là vấn đề lãnh thổ. Họ có thể chỉ đơn giản là muốn bóp nát tinh thần chiến đấu của Ukraine và thuyết phục những người ủng hộ phương Tây rằng cuộc chiến này là một sự thất bại.

Tiến sĩ Jack Watling tin rằng mục tiêu của Nga là "cố gắng tạo ra cảm giác tuyệt vọng".

"Cuộc tấn công lần này của Nga sẽ không dứt khoát chấm dứt xung đột, bất kể diễn biến của hai bên như thế nào".

Đại tướng Barrons nghi ngờ khả năng Nga sẽ mặc nhiên tung ra một cuộc tấn công quyết định, dù rằng Ukraine đang ở trong tình thế nguy nan.

"Tôi cho rằng kết cục dễ xảy ra nhất là Nga sẽ giành được những thắng lợi, nhưng không chọc thủng được phòng tuyến".

"Họ sẽ không có lực lượng đủ lớn hoặc đủ khả năng để tấn công đến tận sông [Dnipro]... Nhưng cuộc chiến sẽ có lợi cho Nga".

Có một điều chắc chắn : Tổng thống Nga Putin không có ý định từ bỏ việc tấn công Ukraine.

Ông Putin giống như một người chơi bài poker đánh cược hết số tiền của mình để giành chiến thắng. Nhà lãnh đạo Nga đang trông chờ vào việc phương Tây không cung cấp cho Ukraine đủ vũ khí để tự vệ.

Cũng có thể ông ta đúng, bất chấp các cuộc họp thượng đỉnh NATO, các hội nghị và các bài phát biểu ồn ào.

Frank Gardner

Nguồn : BBC, 13/04/2024

Published in Quốc tế

Nga không kích phá hy nhà máy đin Kyiv, làm hư hi các cơ s khác

Reuters, VOA, 11/04/2024

Tên la và máy bay không người lái ca Nga đã phá hy mt nhà máy đin ln gn Kyiv và tn công các cơ s đin mt s khu vc ca Ukraine hôm 11/4, các quan chc cho biết.

ngauk1

Khói la bc lên t đa đim xy ra v tn công tên la vào nhà máy đin Trypilska vùng Kyiv, Ukraine, ngày 11/4/2024. nh Reuters chp màn hình t mt video trên mng xã hi.

V vic làm tăng áp lc lên h thng năng lượng vn đang b bao vây khi Kyiv sp cn kit năng lc phòng không.

Đây là mt cuc tn công ln trong hơn hai năm k t khi xy ra cuc xâm lược toàn din ca Nga. Mt quan chc cp cao ca công ty điu hành cơ s này nói vi Reuters rng nó đã đã phá hy hoàn toàn nhà máy nhit đin chy bng than Trypilska gn th đô.

Đon video được chia s trên mng xã hi cho thy ngn la đang hoành hành ti cơ s ln có t thi Liên Xô và khói đen bc lên t đó. Reuters có th xác nhn v trí trong đon video là trm Trypilska.

"Chúng tôi cn h tr phòng không và các h tr phòng th khác, ch không phi các cuc tho lun vô tâm kéo dài", Tng thng Volodymyr Zelenskyy nói trên Telegram, đng thi lên án các cuc tn công này là "khng b".

B Quc phòng Nga hôm 11/4 cho biết h đã tn công các cơ s nhiên liu và năng lượng Ukraine trong cái mà h mô t là mt cuc tn công tr đũa quy mô ln bng cách s dng máy bay không người lái và vũ khí tm xa, có đ chính xác cao t trên không và trên bin.

Tuyên b ca B này nói rng cuc tn công là nhm đáp tr các cuc tn công bng máy bay không người lái ca Ukraine nhm vào các cơ s du khí và năng lượng ca Nga.

Li kêu gi ca Kyiv v ngun cung cp phòng không khn cp t phương Tây ngày càng tr nên tuyt vng k t khi Nga ni li các cuc tn công trên không tm xa vào h thng năng lượng ca Ukraine vào tháng trước.

Các cuc tn công nhm vào các nhà máy nhit đin và thy đin đã gây ra lo ngi v kh năng phc hi ca h thng năng lượng vn đã b trc trc bi chiến dch không kích ca Nga trong mùa đông đu tiên ca cuc chiến.

Tư lnh lc lượng không quân Ukraine cho biết lc lượng phòng không đã bn h 18 tên la và 39 máy bay không người lái. Quân đi cho biết cuc tn công đã s dng tng cng 82 tên la và máy bay không người lái.

Nhà máy đin b phá hy bên ngoài Kyiv là nhà cung cp đin chính cho các khu vc Kyiv, Cherkasy và Zhytomyr. Đây là cơ s th ba và cui cùng thuc s hu ca công ty năng lượng nhà nước Centrenergo.

"Mi th đu b phá hy", người đng đu ban giám sát ca công ty, Andriy Gota, nói khi được hi v tình trng ti Centrenergo.

Nhà máy Trypilska là cơ s năng lượng ln nht gn Kyiv và được xây dng đ có công sut 1.800 megawatt gi, nhiu hơn nhu cu trước chiến tranh ca thành ph ln nht Ukraine.

Ukraine đã cnh báo rng h có th hết đn dược phòng không nếu Nga tiếp tc duy trì cường đ tn công và rng h đang phi đưa ra nhng quyết đnh khó khăn v nhng gì cn bo v.

Ukraine cho biết, vin tr quan trng ca phương Tây đang b chm li và mt gói vin tr ln ca M đã b đng Cng hòa ti Quc hi chn li trong nhiu tháng qua.

VOA, 11/04/2024

******************************

Quân Nga tiến hành các cuc tn công chết chóc min nam, min bc Ukraine

Reuters, VOA, 11/04/2024

Các quan chc nói rng các lc lượng Nga tiến hành các cuc tn công chết chóc hôm hôm th Tư 10/4 nhm vào các mc tiêu quen thuc min nam và min bc Ukraine, hai khu vc Kharkiv và Odesa, khiến 7 người thit mng và nhiu người khác b thương.

ngauk2

Hot đng cu h din ra ti tòa nhà dân cư b Nga không kích làng Lyptsi, vùng Kharkiv, Ukraine, 10/4/2024.

Thng đc khu vc Oleh Kiper cho hay ti qun Odesa min nam, mt cuc tn công bng tên la vào lúc rng sáng đã khiến 4 người thit mng, trong đó có mt bé gái 10 tui và 14 người khác b thương.

Viết trên ng dng nhn tin Telegram, Kiper cho biết trong s nhng người b thương có 4 người b thương nng và các bác sĩ đang "chiến đu đ cu mng h". Mt người đàn ông đã b ct ct hai chân.

Thng đc khu vc Oleh Synehubov nói rng Kharkiv thuc min đông bc, nơi b Nga tn công d di vào các thành ph và các cơ s năng lượng trong nhng tun gn đây, mt cuc tn công vào hiu thuc đã giết chết mt bé gái 14 tui và hai ph n làng Lyptsi.

Hai người b thương và lc lượng cu h đang dn đng đ nát đ tìm nhng nn nhân khác.

Synehubov cho hay hai qu bom có điu hướng đã tàn phá mt phòng khám làng Vovchansk, khiến mt người b thương. Theo B Ni v, quân đi Nga đã th cht n xung mt chiếc xe buýt, khiến mt người đàn ông b thương.

bên kia biên gii Nga, Roman Starovoyt, thng đc vùng Kursk, nói rng 3 người, trong đó có 2 tr em, đã thit mng trong mt cuc tn công bng máy bay không người lái ca Ukraine nhm vào mt ô tô.

Reuters không th kim chng đc lp các thông tin v chiến trường t hai bên.

Ti Odesa, Kiper cho biết tên la, được cho là loi tên la đn đo Iskander-M, đã tn công vào khong gia 6h và 6h30 chiu (15h00-15h30, gi chun quc tế GMT) và gây hư hi cơ s h tng giao thông, bao gm c nhng chiếc xe ti gn đó.

Quân đi Ukraine viết trên Telegram : "Nhng người đi ô tô và đi b đang v nhà vào cui ngày làm vic và h tr thành nn nhân ca mt cuc tn công kép nguy him".

Mt trm xăng đã b trúng đn và vn cháy vào bui ti. Các ca hàng, nhà kho và tòa nhà hành chính đu b thit hi.

Odesa, mt trong nhng cng nhn nhp nht Ukraine, thường xuyên là mc tiêu tn công ca Nga trong cuc chiến kéo dài 25 tháng.

Tng thng Volodymyr Zelenskyy lên án hu qu chết chóc trong bài phát biu qua đường truyn video hàng đêm, ông nói rng "Hành vi khng b ca Nga vn din ra c ngày ln đêm biên gii ca chúng ta và các khu vc tin tuyến".

Ông Zelenskyy nói rng ông đã tho lun v vic Ukraine sn xut tên la trong nước ti cuc hp gia các ch huy hàng đu và các quan chc ngành công nghip quân s, ông cho rng ngành công nghip Ukraine đã đt được "nhng kết qu cn thiết".

VOA, 11/04/2024

****************************

Tướng M cnh báo Ukraine bên b vc b Nga áp đo

VOA, 11/04/2024

S kiên trì ca quân đi Ukraine chng my chc na s không th sánh được vi nhân lc và phi đn ca Nga nếu các nhà lp pháp M không chp thun h tr an ninh b sung cho Ukraine, v tướng hàng đu ca M Châu Âu cnh báo gii lp pháp M.

ngauk3

Tướng Christopher Cavoli, ch huy trưởng B Tư lnh Châu Âu ca Hoa K cho rng vic các nhà lp pháp Hoa K không chp thun gói an ninh b sung tr giá 60 t đô la đã mang li cho Nga mt li thế đáng k.

Các quan chc quân s M đã nhiu ln cnh báo trong nhng tun gn đây rng các lc lượng Nga có th đt được nhiu thng li Ukraine và nếu không có s hu thun mi ca M, lc lượng Ukraine cui cùng s thua cuc.

Khai chng trước y ban Quân v H vin ngày 10/4, ch huy trưởng B Tư lnh Châu Âu ca Hoa K đã mô t chiến trường mt cách thng thn.

Tướng Christopher Cavoli nói : "Nếu chúng ta không tiếp tc h tr Ukraine, Ukraine s hết đn pháo và máy bay đánh chn phòng không trong thi gian khá ngn". Tướng Christopher Cavoli gii thích rng Kyiv ph thuc vào M đ có nhng loi vũ khí quan trng đó.

Ông nói : "Tôi không th đoán trước được tương lai, nhưng tôi có th làm mt phép toán đơn gin. Da trên kinh nghim ca tôi trong hơn 37 năm phc v trong quân đi Hoa K, nếu mt bên có th bn và bên kia không th bn tr, bên nào không bn tr s thua".

Ông Cavoli cũng cho rng vic các nhà lp pháp Hoa K không chp thun gói an ninh b sung tr giá 60 t đô la đã mang li cho Nga mt li thế đáng k.

Ông nói vi các nhà lp pháp : "H [Ukraine] hin đang b phía Nga dn trước 5 :1". "Con s đó s ngay lp tc tăng lên thành 10 :1 trong vài tun".

"Chúng tôi không nói v tháng. Chúng tôi không nói chuyn gi thuyết", ông Cavoli nói.

Nhiu quan chc M đã cnh báo rng quân đi Ukraine đã buc phi phân b lc lượng pháo binh và phòng không khi Kyiv ch các nhà lp pháp M chp thun vin tr b sung.

Ph tá B trưởng Quc phòng Celeste Wallander nói vi y ban, khai chng cùng vi ông Cavoli ca B Tư lnh Châu Âu Hoa K : "Chúng ta đã nhìn thy hu qu ca vic không thông qua vin tr b sung".

Bà nói : "Chúng ta không cn phi tưởng tượng" và bà quy trách nhim cho vic thiếu pháo binh do M cung cp là nguyên nhân ti sao "các cuc tn công ca Nga thành công".

Gói h tr quc phòng b sung đó đã được Thượng vin Hoa K thông qua vào tháng 2, nhưng lãnh đo H vin cho đến nay vn t chi đưa d lut này ra đ biu quyết.

Trong cuc hp báo Đin Capitol ngày 10/4, Ch tch H vin thuc Đng Cng hòa Mike Johnson cho biết các nhà lp pháp đang tiếp tc "tích cc tho lun v các la chn ca chúng tôi trên con đường phía trước".

"Đó là mt vn đ rt phc tp vào thi đim rt phc tp. Đng h đang đim và mi người đây đu cm thy s cp bách ca điu đó", ông Johnson nói. "Nhưng điu cn thiết là bn phi đt được s đng thun v vn đ đó và đó là điu chúng tôi đang n lc thc hin".

Tuy nhiên, các đng viên Đng Dân ch ti H vin đã bày t s tht vng vi vic ông Johnson t chi kêu gi b phiếu.

Dân biu Adam Smith, đng viên Đng Dân ch hàng đu trong y ban Quân v H vin, nói : "H vin đã ch đi nhiu tháng nay đ thông qua gói an ninh nhm giúp bo v Ukraine". "Chúng ta đã quá tr t nhiu tun trước, và bây gi mi ngày chúng ta đu phi tr giá đt cho kh năng ngăn chn Nga ca chúng ta".

Mt thành viên Đng Dân ch khác trong y ban, Dân biu Elissa Slotkin, đã mng ông Johnson, nói rng ông cn kêu gi mt cuc b phiếu bt chp s phn đi ca mt nhóm nh đng viên Cng hòa ti H vin.

Bà nói : "Chúng ta cn phi v vch đích". "Tôi chp nhn rng ông y có nguy cơ mt vic vì la chn đó, nhưng kh năng lãnh đo là như vy - đó là s quyết đoán và đưa ra nhng la chn khó khăn".

Mt s thành viên Đng Cng hòa đã trng pht các nhà lp pháp bên Đng Dân ch vì nhng gì h mô t là nhng ưu tiên sai lm.

Dân biu Đng Cng hòa Cory Mills ma mai : "Chúng ta có hàng trăm nghìn người M đang chết dn chết mòn, vic s dng fentanyl quá liu, vic buôn người và buôn bán tình dc tr em, chưa k hơn 178 quc gia đang vượt qua biên gii ca chúng ta. Nhưng hãy ch đã, đó không phi là ưu tiên hàng đu, mà hãy bo v biên gii ca Ukraine".

VOA, 11/04/2024

Published in Quốc tế

Chiến tranh Ukraine : Mỹ cảnh báo Trung Quốc về việc tăng cường hợp tác với Nga

Thanh Phương, RFI, 10/04/2024

Hoa Kỳ, hôm 09/10/2024, cảnh báo Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm nếu Nga giành thêm lãnh thổ ở Ukraine, sau khi Bắc Kinh nhắc lại cam kết hợp tác với Moskva trong chuyến thăm Trung Quốc của ngoại trưởng Nga. 

uk1

Ông Kurt Campbell, Điều phối viên phụ trách các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, thứ trưởng ngoại giao Mỹ, phát biểu tại Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Mỹ, tại Washington, ngày 07/12/2023. AP - Mariam Zuhaib

Theo hãng tin AFP, tuyên bố với Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung, thứ trưởng ngoại giao Mỹ Kurt Campbell cho biết duy trì hòa bình và ổn định ở Châu Âu là "sứ mệnh quan trọng nhất trong lịch sử" đối với Mỹ. Ông cảnh báo rằng việc Nga giành được lãnh thổ có thể "làm thay đổi thế cân bằng quyền lực ở Châu Âu" theo cách "không thể chấp nhận được", sau hai năm chiến tranh ở Ukraine và trong lúc viện trợ của Mỹ cho Kiev vẫn bị Quốc hội chặn từ nhiều tháng qua.

Ông Campbell nói thêm : "Chúng tôi đã trực tiếp nói với Trung Quốc rằng việc họ tiếp tục tăng cường hợp tác với Nga sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không ngồi yên cứ như là "mọi chuyện vẫn ổn". 

Quan chức ngoại giao cao cấp của Mỹ đã có phản ứng như trên khi được hỏi về chuyến thăm Trung Quốc của ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm qua, và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết ông sẵn sàng tăng cường sự phối hợp giữa hai nước. 

Ông Campell nhắc lại Hoa Kỳ đã nhiều lần đe dọa trừng phạt Trung Quốc nếu nước này hỗ trợ đáng kể cho Nga. Theo Washington, Nga đang ngày càng chuyển sang sử dụng vũ khí từ Bắc Triều Tiên và Iran, hai quốc gia đang bị trừng phạt, để tiến hành cuộc chiến ở Ukraine. 

Đáp lại lời cảnh cáo của ông Campell, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh hôm nay tuyên bố Trung Quốc bác bỏ mọi "chỉ trích hay áp lực" về quan hệ giữa Bắc Kinh với Moskva. Bà Mao Ninh khẳng định : "Trung Quốc và Nga có quyền có quan hệ hợp tác bình thường về kinh tế và thương mại". 

Cũng theo hãng tin AFP, Hoa Kỳ vừa cho phép bán cho Ukraine các thiết bị quân sự trị giá 138 triệu đôla để sửa chữa và nâng cấp các hệ thống tên lửa Hawk với hy vọng số thiết bị này sẽ giúp Ukraine tăng cường khả năng phòng thủ trước các cuộc oanh kích bằng tên lửa của Nga. Từ nhiều tháng qua, Kiev vẫn yêu cầu các đồng minh phương Tây cấp thêm đạn dược và hệ thống phòng không để chống trả quân Nga.

Về tình hình chiến sự, trong đêm qua, quân Nga đã oanh kích vào hai cơ sở năng lượng ở miền nam Ukraine, khiến 2 người bị thương, theo thông báo của quân đội Ukraine. Từ nhiều tuần qua, quân Nga oanh kích liên tục vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, nhất là tại miền đông bắc, khu vực chung quanh thành phố Kharkiv, gây ra nhiều vụ cúp điện trên diện rộng.

Thanh Phương

******************************

Chiến tranh ở Ukraine : Nga có đủ quân cho cuộc "tổng tấn công mùa Xuân" ?

Thanh Phương, RFI, 10/04/2024

Trong lúc quân Ukraine đang ở thế yế, thiếu đạn dược và vũ khí, viện trợ của Mỹ cho Kiev thì vẫn bị chặn ở Quốc hội, quân Nga dường như đang chuẩn bị cho một cuộc "tổng tấn công mùa Xuân". Nhưng theo trang France 24, hiện có nhiều ý kiến ​​khác nhau v nhng mc tiêu mà Nga có th đạt được, cũng như các phương tin mà h có th s dng để thc hin các mc tiêu đó.

uk2

Một nhà máy điện bốc cháy sau khi bị quân Nga oanh kích, Kharkiv, Ukraine, ngày 22/03/2024. AP - Yakiv Liashenko

Mục tiêu Kharkiv : Liệu có khả thi ? 

Từ nhiều ngày qua, quân Nga đã gia tăng oanh kích vào Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, cách không xa biên giới với Nga. Theo chính quyền Ukraine, kể từ ngày 03/04/2024, các cuộc tấn công bằng tên lửa và drone đã khiến hơn 10 thường dân thiệt mạng. Tổng thống Volodymyr Zelensky thậm chí còn xem thành phố là một biểu tượng trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 07/04, hy vọng nỗi thống khổ của thường dân trong thành phố "cuối cùng sẽ được cộng đồng quốc tế lắng nghe". Đối với tổng thống Zelensky, Kharkiv sẽ minh họa điều mà chính quyền Kiev đã cảnh báo trong nhiều tuần qua : Nếu không có viện trợ bổ sung của phương Tây, hệ thống phòng thủ của Ukraine sẽ không đủ sức để chống trả quân Nga.

Các đợt oanh kích dồn dập vào Kharkiv diễn ra vào lúc ngày càng có nhiều đồn đoán về một cuộc tấn công quy mô lớn của Nga. Chính tổng thống Zelensky khi trả lời phỏng vấn kênh CBS của Mỹ đã dự báo quân Nga sẽ gia tăng cường độ tấn công vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Trang mạng điều tra độc lập Meduza của Nga khẳng định điện Kremlin hy vọng sẽ sớm chiếm được thành phố Kharkiv. Tuy nhiên, ông Frank Ledwidge, một chuyên gia về các vấn đề quân sự của Nga tại Đại học Portsmouth, Anh Quốc, nhận định : "Đó là một ván bài đầy rủi ro, nếu thành công sẽ mang lại nhiều mối lợi cho tổng thống Nga, nhưng ông sẽ trả giá rất đắt nếu cuộc tấn công thành phố này thất bại". 

Trên thực tế, theo ông Huseyn Aliyev, chuyên gia về chiến tranh Ukraine tại Đại học Glasgow, Kharkiv chính là biểu tượng "một thành phố anh hùng của Ukraine". Quân đội Nga đã tiến sát Kharkiv khi bắt đầu cuộc tấn công lớn vào năm 2022, nhưng đã gặp sự kháng cự quyết liệt của quân Ukraine và đã phải rút về bên kia biên giới vào tháng 9, cho thấy những khó khăn của Nga khi muốn thực hiện cuộc xâm lược "chớp nhoáng".

Không đủ quân số

Chính tờ báo Novaya Gazeta, một cơ quan truyền thông độc lập của Nga, cho rằng một cuộc tấn công quy mô vào thành phố lớn thứ hai của Ukraine có vẻ "gần như không thể". Đơn giản là vì Nga không đủ quân số ở khu vực Kharkiv để có thể tính đến một cuộc tấn công vào thành phố này. 

Theo chuyên gia ông Huseyn Aliyev, hầu hết lực lượng hiện có là đóng ở miền nam, tại các vùng Donetsk và Zaporijjia. Moskva chắc có thể quyết định từ nay đến mùa hè tái triển khai một phần lực lượng của họ tới Belgorod, ở Nga, để biến nơi này thành hậu cứ cho một cuộc tấn công mới vào Kharkiv. Nhưng đây cũng là kịch bản khó xảy ra, theo cái nhìn của chuyên gia quân sự Sim Tack, chuyên phân tích các ảnh vệ tinh về chiến tranh Ukraine.

Theo chuyên gia này, sau hai năm chiến tranh, quân đội hai bên đều kiệt sức và nay chỉ chiến đấu với nhau từ các chiến hào, giành nhau từng km vuông. Tổ chức lại mặt trận để có đủ quân cho một cuộc tấn công vào Kharkiv đòi hỏi một nỗ lực rất lớn về hậu cần. Cho dù có "huy động 300.000 quân dự bị", quân Nga chưa chắc có đủ lực lượng để hạ gục Kharkiv. 

Nhưng điều đó không có nghĩa là Nga không có đủ phương tiện để tiến hành một cuộc tấn công lớn vào đầu mùa hè. Chuyên gia Huseyn Aliyev nhấn mạnh : "Nga đã tích lũy đủ đạn dược và thiết bị ở khu vực Donetsk để cân nhắc một cuộc tấn công lớn". Chuyên gia Sim Tack dự báo : Nhiều khả năng nhất sẽ là quân Nga sẽ tấn công ở khu vực xung quanh Bakhmut, nơi đóng quân của một số sư đoàn nhảy dù, vốn vẫn được coi là những sư đoàn giỏi nhất trong quân đội Nga. 

Giao tranh hiện đang diễn ra ở vùng lân cận Tchassiv Yar, phía tây Bakhmut. Theo chuyên gia Huseyn Aliyev, giải tỏa được chốt chặn này sẽ mở đường cho quân Nga đến Kramatorsk, thành phố mà nếu chiếm được, điện Kremlin có thể tuyên bố họ kiểm soát toàn bộ khu vực Donetsk, một trong những mục tiêu của Moskva trong cuộc chiến xâm lược Ukraine. 

Thực lực của Nga bị đánh giá thấp 

Nhưng có một điểm cần được lưu ý : Các nhà quan sát đã đánh giá sai về thực lực của Nga, theo chuyên gia Frank Ledwidge : "Sự hỗ trợ hậu cần từ một số quốc gia như Bắc Triều Tiên dành cho Nga không được đánh giá đúng và tác động của các lệnh trừng phạt quốc tế hiện giờ cũng không mạnh như dự kiến".

Chẳng hạn như về đạn dược, chuyên gia Huseyn Aliyev ước tính : "Với những gì Nga sản xuất và những gì nhận được, họ có thể tiếp tục với tốc độ chiến đấu này trong hơn hai năm". Cũng theo chuyên gia Huseyn Aliyev, Nga nay "cũng đã chiếm thế thượng phong đối với Ukraine trong việc sử dụng drone". Các chuyên gia được France 24 phỏng vấn đều cho rằng một phần chính vì đánh giá sai khả năng phục hồi của Nga mà Ukraine bị chậm trễ trong việc xây dựng các tuyến phòng thủ.

Thanh Phương

***************************

Nga lại cáo buộc Mỹ hỗ trợ các hoạt động "khủng bố" của Ukraine

Trọng Thành, RFI, 10/04/224

Hôm 09/04/2024, Moskva tiếp tục tìm cách quy kết Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây hỗ trợ Ukraine tiến hành "các vụ khủng bố" tại Nga. Ủy ban Điều tra Liên bang Nga mở điều tra về "các tài trợ cho khủng bố", với đích ngắm chính là ông Hunter Biden, con trai của tổng thống Mỹ, nguyên là thành viên ban lãnh đạo một công ty dầu mỏ Ukraine. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ ngay lập tức lên án các cáo buộc nói trên là "hồ đồ".

uk3

Đám cháy và khói trên nóc nhà hát Crocus City Hall ở phía tây thủ đô Moskva, Nga, ngày 22/03/2024. AP – Sergei Vedyashkin

AFP dẫn lại thông báo của Ủy ban Điều tra Nga, cho biết mục tiêu của điều tra là xem xét "các hoạt động cung cấp vốn lên đến hàng triệu đô la" với sự cộng tác của "chính quyền, tổ chức công và tổ chức thương mại của nhiều quốc gia phương Tây". Công ty Burisma bị cáo buộc là tổ chức đóng "vai trò trung gian" trong hoạt động cấp tiền "cho các hoạt động khủng bố tại Nga và nước ngoài nhằm ám sát một số nhân vật có tên tuổi" trong những năm gần đây.

Ông Hunter Biden, con trai tổng thống Joe Biden, là thành viên ban lãnh đạo công ty này từ năm 2014 đến 2019.

Theo Ủy ban Điều tra Nga, cuộc điều tra đã được khởi động theo yêu cầu của một dân biểu Nga về "việc giới chức cao cấp của Hoa Kỳ và các nước NATO tài trợ cho các hoạt động khủng bố". Trong thông báo hôm qua, phía Nga đã không nêu ra các vụ ám sát cụ thể nào bị tình nghi là có bàn tay của Ukraine.

Con trai của tổng thống Biden cũng là mục tiêu tấn công của phe Cộng Hòa Mỹ từ nhiều năm nay. Cho đến nay, các điều tra về cáo buộc tham nhũng nhắm vào ông Hunter Biden đã không mang lại bằng chứng nào cho phép buộc tội.

Hồi tháng 2 vừa qua, theo cơ quan điều tra Mỹ, một cựu nhân viên chỉ điểm của Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI, ông Alexander Smirnov, 43 tuổi, thú nhận là đã sử dụng "các thông tin bịa đặt về gia đình tổng thống Biden, do tình báo Nga cung cấp", để đưa ra các cáo buộc tham nhũng giả mạo nhắm vào tổng thống Biden và con trai.

Trọng Thành

**********************

M chuyn cho Ukraine các vũ khí tch thu được t Iran

Reuters, VOA, 10/04/2024

Quân đi M hôm 9/4 cho biết nước này đã chuyn cho Ukraine hàng nghìn vũ khí b binh và hơn 500.000 viên đn b thu gi t hơn mt năm trước khi Iran vn chuyn chúng cho lc lượng Houthi Yemen, theo Reuters.

uk4

Súng trường tn công AK/47.

Các vũ khí này được đưa đi hi tun trước, là khon h tr quân s mi nht mà chính quyn ca Tng thng M Joe Biden cung cp cho Kyiv trong cuc chiến giành li lãnh th b Nga chiếm đóng.

Vi vic lc lượng Ukraine sp cn kit vũ khí và đn dược, đc bit là đn pháo hng nng, M và các đng minh đang tìm kiếm nhng cách mi đ trang b vũ khí cho Kyiv.

S vũ khí được M chuyn đến Kyiv hôm 4/4 trang b" cho mt l đoàn Ukraine, B Tư lnh Trung tâm Hoa K (CENTCOM) cho hay trong mt tuyên b đăng trên mng xã hi X.

Mt l đoàn b binh thường bao gm 3.500 đến 4.000 quân, nhưng không rõ con s chính xác.

Phái b thường trc ca Iran ti Liên Hip Quc nói : "Chúng tôi không th bình lun v các vũ khí và khí gii chưa bao gi thuc v chúng tôi".

CENTCOM cho biết các vũ khí này bao gm hơn 5.000 súng trường tn công AK/47, súng máy, súng bn ta và đn chng tăng phn lc cùng hơn 500.000 viên đn.

S đn này b thu t 4 con tàu "không quc tch" b tàu hi quân Hoa K và tàu ca các lc lượng đi tác chn li - không rõ là lc lượng ca nhng nước nào - trong khong thi gian t ngày 22/5/2021 đến ngày 15/2/2023, CENTCOM cho hay.

Vn theo CENTCOM, s vũ khí này được Lc lượng V binh Cách mng Hi giáo Iran chuyn đến lc lượng Houthi.

Reuters

Published in Quốc tế